Số lần đọc/download: 0 / 38
Cập nhật: 2020-10-16 09:43:46 +0700
Thuyền Lá
N
ăm bảy, tám tuổi tôi thường theo mẹ ra sông rửa rau, kín nước… Tôi bắt chước mẹ gập những chiếc thuyền lá nhỏ xíu thả xuống dòng sông nước xanh như mắt mèo. Những chiếc thuyền lá nối đuôi nhau theo dòng nước trôi xuôi. Tôi vừa té nước theo những con thuyền vừa nghêu ngao hát và trí tưởng tượng của tôi theo các con thuyền tới tận biển, nơi có nàng Tiên Cá. Tôi kể chuyện ấy với mẹ, mẹ thở dài:
- Còn mẹ, đêm nào mẹ cũng mơ thấy cha con trở về. Vậy mà chừng ấy năm rồi…
Mẹ kể rằng: ngày xưa nơi mẹ con tôi đang ở là bãi ngô của ông bà tôi, khi ngô đông sữa mẹ vẫn thường thay ông ra ngủ ngoài đồng canh ngô. Chiều ấy có một chiếc bè dạt vào bến sông nhà tôi, trên bè là mọt người đàn ông đang vục xuống mặt nước, hai tay cố bám lấy những cây nứa nhưng thân hình anh thì cứ truội xuống. Vừa lúc ấy thì mẹ tôi tới, mẹ chỉ kịp la lên: “Trời ơi!”. Rồi quăng chiếc bình múc nước xuống lao ra kéo người đó lên. Thì ra anh ta bị sốt rét có lẽ vì khát quá nên bò ra uống nước? Neo chiếc bè vào gốc cây, mẹ tôi dìu anh ta về lều canh ngô, đốt lửa sưởi. Nửa đêm thì anh ta tỉnh lại, sau khi bón cho anh ăn hết bát cháo mẹ lại mò mẫm về làng tìm thuốc… Hai ngày sau thì anh ta dứt cơn sốt, mẹ tôi bảo: “Khi nào thật khỏe anh hãy xuôi”. Anh ta ở lại ba đêm nữa, ba đêm ấy không hiểu vì sao mẹ đã ngã vào vòng tay của anh. Bởi vậy mới có mặt tôi trên đời. Mẹ tiễn anh ra tận bờ sông và không nhớ hai người đã nói với nhau những gì, anh thì cứ cắm sào nhìn mẹ như không thể dứt được. Lúc ấy, mẹ vô cùng bối rối, chỉ biết ngắt lá mít gấp thành con thuyền nhỏ xíu thả xuống dòng sông.
Chiều ấy mẹ thả xuống dòng sông không biết bao nhiêu là chiếc thuyền lá cho tới khi tối sẫm mặt người mẹ mới trở về. Rồi chiều chiều mẹ ra bến sông thả xuôi những chiếc thuyền lá.
Trước ngày sinh tôi, ông bà đuổi mẹ ra ngoài bãi sông này “cho khuất mắt dân làng”. Tôi sinh ra chính nơi cha tôi được sưởi ấm. Cho tới một hôm khi tôi đã lớn và trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, tiễn tôi lên đường mẹ dặn rằng:
- Có thể ngày con về thì mẹ đã khuất, thời loạn biết đâu mà nói trước. Nếu người có đến đây tìm con, thì con nhớ đuôi mắt trái người ấy có một vết sẹo to gần bằng đồng xu và trên vai phải có một nốt ruồi son – Mẹ thở dài – Người ấy nói với mẹ nhà ở cuối con sông này…
Tôi vào quân ngũ hơn chục năm, thỉnh thoảng mới về nhà, mẹ tôi mỗi ngày một già hơn, tôi để ý chiều nào mẹ cũng ra sông, trước lúc trở về, bà thả xuống dòng sông dăm ba chiếc thuyền lá rồi khỏa nước đẩy chúng ra xa mong dòng nước đưa những con thuyền ấy đến thật nhanh nơi có ai đó đang mong đợi.
Trước ngày ra quân, tôi nghỉ nốt số phép còn lại, thuê một chiếc thuyền câu bơi dọc bờ sông, tìm dấu vết của cha tôi. Tình cờ một hôm, tôi ghé vào một chiếc thuyền câu neo dưới gốc cây sung già, trên thuyền một ông già cởi trần đang ngồi ngất ngư bên chai rượu:
- Cụ đêm qua chắc được khá? – Tôi hỏi.
- Cũng đủ gỡ. Mùa này cá trôi đi ăn nhiều… Chú mày đi dong hả. Có sức khỏe như chú đi dong khá hơn.
Ông mời tôi sang thuyền ông uống rượu, lúc đó tôi mới phát hiện ra dấu vết trên người ông như mẹ tôi đã kể. Chén rượu đắng chát, tôi không thể nói ra với ông rằng tôi là con trai ông. Vừa lúc đó tôi nhìn thấy dăm ba chiếc thuyền lá trôi dập dềnh trước mũi thuyền. Tôi cúi xuống vớt một chiếc lên ngắm nghía. Ông bật cười:
- Ta nhìn thấy chiếc thuyền lá này từ hơn ba mươi năm nay rồi…
- Vậy ư? Người thả những chiếc thuyền này chắc muốn gửi tới ai đó cuối dòng sông điều gì?
Tôi gợi lại những hồi ức xa xăm của ông. Im lặng một lúc lâu ông bật cười khanh khách:
- Thật hão! Dọc con sông này có bến bờ nào chờ đón những chiếc thuyền lá!
Rồi ông vỗ bụng hát: “Bèo dạt mây trôi…”.
* * *
Tôi trở về nhà, lấy vợ rồi sinh con nhưng vẫn giữ chuyện ấy trong lòng. Chiều chiều, mẹ vẫn dắt những đứa cháu của bà ra sông tắm rửa và gập cho chúng những chiếc thuyền lá thả xuống sông. Những đứa con tôi chắc cũng giống tôi ngày nào mơ được gặp nàng tiên cá.