A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 67: Bản DI Chúc “Sống” Của Đào Thị Bắc…
hững ngày sau đó, càng chìm sâu vào mùa Đông, trời càng lạnh. Mùa Đông thứ tư của tôi. Dạo này, chấp pháp hình như quên hẳn tôi, không còn gọi đến nữa. Chị Bắc càng ngày trông càng thảm thương, chùm tóc bạc trên đầu chị ngày càng rộng ra. Ngay suất cơm hàng ngày, chị cũng ăn không hết. Trong khi đó, tôi ước gì mỗi bữa đuợc ăn 3 suất.
Thấy tình trạng của chị như vậy, tôi rất lo lắng cho sức khỏe của chị. Tôi dùng đủ thứ để động viên chị. Nhưng, mặt mày của chị luôn luôn như tàu lá héo úa của những ngày cuối Thu, không làm sao mà tươi hơn được. Thấy suất cơm của chị cứ để thừa, có khi là một phần ba, một phần tư; thậm chí, đôi khi đến một nửa, như thế, chị sẽ chết mất thôi!
Còn tôi, tôi cũng có điều khó khăn tranh đấu với chính mình. Nhiều lần, tôi ngập ngừng định mở miệng nói với tên Dư xin chỗ cơm ấy; nhưng sợ lão nghi ngờ có sự liên hệ giữa hai người miền Nam. Phần khác, cũng thấy ngượng ngùng. Cho nên, nhiều khi, tiếng nói tưởng như đã ra tới cổ họng rồi, nhưng lại phải nuốt sâu xuống, và đôi chân lại tiếp tục chậm chạp, dùng dằng đi vào buồng.
Hình như tên Dư cũng thấy, và hiểu ra những phút ngập ngừng, đắn đo đó của tôi; cho nên một hôm, sau khi các buồng trả bát hết, y vào mở cửa buồng tôi, nói vừa đủ nghe:
- Anh có đói ra lấy bát cơm vào mà ăn …
Được lời như cởi tấm lòng, mắt tôi sáng lên nhìn y và nhanh nhẹn chạy ra. Ở chõng cơm, một bát cơm đã ăn đúng một nửa bên bát, còn nửa bên này để nguyên. Tôi cầm vào, chỉ ăn hai phút là xong, vì không muốn làm mất nhiều thì giờ của y. Dù vậy, lão Dư cũng để tới 10 phút sau, mới vào mở cửa để tôi đem bát trả.
Khi hết giờ, tôi gọi chị Bắc đứng lên, nói thẳng cho chị biết sự việc như vậy. Mắt chị long lanh, môi chị run run xúc động. Nước mắt chị chảy dài bên gò má. Chị quay vào tường viết:
- Anh hãy cố gắng ăn đi. Anh còn trẻ, anh cần phải sống, để còn làm nhiều việc.
Được ăn thêm cơm, nhưng trong hoàn cảnh này, tôi không cảm thấy vui gì. Tuy rằng tôi không bảo chị nhường cơm cho tôi, nhưng tôi vẫn thấy lòng bứt rứt.
Cuối cùng, tôi phải ra điều kiện với chị. Mỗi ngày, buổi sáng chị phải cố gắng ăn hết suất cơm; buổi chiều để lại một nửa, tôi mới xin ăn. Nếu không, tôi cương quyết không ăn nữa. (Bởi vì, mấy ngày trước đó, bữa ăn sáng và cả bữa chiều, mỗi bữa chị đều để lại nửa suất).
Có lẽ tên Dư cũng thấy kỳ này chị ốm yếu quá, vì thế, thỉnh thoảng, sau khi cho hết các buồng ra đổ bô rồi, y vào mở cửa buồng số 6, nói gì đó. Sau đấy, tôi thấy chị Bắc đi sâu vào phía buồng số 9 bên trong; rồi tôi nghe tiếng mái chổi quét rào rào, nhè nhẹ, càng lúc càng nghe rõ dần ra phía ngoài này. Khi chị quét qua buồng tôi, tôi cúi mặt xuống sát nền để nhìn. Bỗng tôi thoáng thấy một bóng khác nhấp nhoáng, chỗ tối chỗ sáng ở lối đi nơi chị Bắc đang quét. Phản xạ cấp thời, tôi nhẩy lẹ lên sàn nằm nhắm mắt. Đúng lúc ấy, cửa con xoạch mở: mặt tên Dư.
Cửa nhỏ lại đóng vào! Tên Dư này, trông vậy, cũng quái lắm. Y nghi giữa tôi và số 6 có thể có liên lạc với nhau. Y dự đoán, lúc chị Bắc quét ngang buồng tôi, có thể tôi sẽ cúi xuống khe cửa để tìm cách liên lạc. Do đó, từ ngoài y đột xuất vào mở cửa buồng tôi, để xem xét. Nhưng, thấy tôi vẫn nằm, như chẳng để ý gì đến số 6. Chắc rằng y sẽ cho là mối nghi ngờ của y trước đây, nếu có chút nào, là không đúng. Hoặc ít ra, mối nghi ngờ ấy sẽ thu bé lại.
Khi chị Bắc quét ra tới ngoài sân, tôi nghe ngóng, phán đoán xem tên Dư hiện đang đứng ở đâu và đang làm gì. Trước hết, phòng hờ phía sau lưng, tôi để mắt sát xuống nền nhìn qua khe cửa, quan sát lối đi giữa hai dẫy buồng xà lim: không có gì. Như vậy, có thể tên Dư ra ngồi lại ở bàn trực, hoặc đứng ở sân? Làm thế nào để biết rõ được đây? Chỉ cần thoáng nhô cái đầu lên khung cửa sổ to nhìn ra sân xà lim, là người ở ngoài thấy ngay. Ác một cái là khi nhô đầu lên để cho tầm mắt vừa đủ quan sát, cái đầu tóc thò lên trước rồi. Chợt, tôi nghĩ ra một cách. Nếu tên cán bộ nào đang đứng ở sân để theo dõi, quan sát các cửa sổ; trong tâm y là chờ thoáng nhìn cái “đầu tóc đen” thò lên là biết ngay. Vậy, bây giờ tôi sẽ ngửa hẳn mặt lên trần, rồi từ từ nâng cao lên đến mép dưới của cửa sổ, mắt tôi sẽ liếc ngang. Vì mang tâm niệm trên, nên cán bộ sẽ không để ý mép dưới cửa sổ. Chà, tôi đã thoáng nhìn thấy tên Dư đang đứng ở sân, đưa mắt nhìn khắp các cửa sổ của các buồng. Tôi im ắng tụt nhanh xuống. Chừng 5 phút sau, tôi lại làm một “cú” y như vậy nữa. Tôi vẫn còn thấy y đi đi lại lại ở sân, mắt vẫn không rời các cửa sổ.
Đột nhiên, y đi vào với dáng vẻ vội vàng. Vậy là y đã nhìn thấy buồng nào đã đứng lên? Tôi hơi chột dạ, vội vàng nằm ngay xuống, đắp chăn. Tiếng mở cửa sổ nhỏ của buống số 14. Giọng tên Dư vang lên, sắc và lạnh:
- Anh đứng lên làm gì?
Một giọng yếu ớt, run run ngắt quãng:
- Thưa cụ, tôi xin lỗi cụ, xin cụ tha cho!
Tên Dư quát to, vẻ rất bực tức:
- Anh ngậm miệng anh lại! Anh bỏ chân vào cùm ngay!
- Tôi xin nhận lỗi! Sau, tôi xin hứa không bao giờ tái phạm.
- Tội của anh đang như tày đình, không biết lo, không dốc một lòng sám hối, thì không còn có ngày về với vợ, với con! Tôi mà bắt được một lần nữa, vừa cùm, vừa ghi hồ sơ!
Rồi, tiếng cửa nhỏ nghe đóng đến “xập” một cái như tức bực. Qua sự việc náy, tôi nhận thấy hai điểm:
1. Phương pháp quan sát của tôi hữu hiệu. Tôi đã đứng lên, nhìn ra sân 2, 3 lần, tên Dư đứng ngay ở sân rình mà không biết.
2. Kết hợp với một số lần trước đây, tôi có thể kết luận: – 3 lần trước, ở những tháng trước, khi bắt được số 8 có lưỡi “lam”, Dư chỉ mắng và tịch thu; số 10 đứng lên nhìn ra ngoài, và số 1 nói chuyện với số 3, y đều quát, chửi, nạt nộ, rồi cho một màn lên lớp chứ không cùm.
Ngược lại, hai lần khác, một lần tên Bằng bắt được buồng số 12 đứng lên, khi bất chợt y từ cổng xà lim đi vào, y báo cho Dư (là cán bộ đang trực chính xà lim). Hôm sau, tên Dư đã cùm buồng số 12, mặc cho lạy van xin tha. Một lần, vào buổi tối, mụ Hoa vào buồng tắm gội, đã bắt gặp buồng số 3 đứng lên. Sáng hôm sau, Dư vào sớm, cùm buồng số 3.
Tại sao như vậy? Chỉ có thể giải đáp: tên Dư đã khôn khéo xử thế theo lối “nhất cử, lưỡng tiện”. Chính y bắt được tù dưới quyền y trực chính, phạm nội quy, y chỉ giáo dục ngăn ngừa, không cùm. Đối với tù, như vậy y là người có lòng nhân có độ lượng; đối với tổ chức, với cấp trên, những người tù y coi ít phạm nội quy chứng tỏ được là y có uy, có khả năng giáo dục nên tù không hề phạm nội quy, phải ngoan ngoãn mọi bề. Ngược lại, tù để cho cán bộ khác bắt
gặp phạm nội quy dù nhẹ, y cũng không tha, tỏ rằng cứng rắn, chuyên chính với kẻ thù.
Tóm lại, tôi đã nắm được ý của tên Dư. Sau đấy, nếu cần hoạt động hay nhấp nhỏm gì, cứ đợi giờ, ngày lão ấy trực.
Ngay chiều hôm ấy, tôi gọi chị Bắc đứng lên, để dặn dò một vài quy định cho chắc ăn: khi chị ra sân, nếu tôi ho một tiếng là ý hỏi có cán bộ đừng rình không; nếu y ngồi ở bàn, chị ho trả lời một tiếng. Im lặng là có cán bộ rình. Khi tôi đã đứng, tôi chỉ cần để ý phía cổng sợ bất chợt có cán bộ nào khác ở cổng đi vào. Vậy, nếu cán bộ ở bàn đứng dậy đi ra sân, chị đưa tay gãi đầu, tôi sẽ hiểu và thụt xuống; hoặc y đứng lên đi vào phía trong, có nghĩa là y vào rình mở cửa nhỏ, chị cứ ra hiệu tay vẫy ngồi xuống.
Thực ra, khi một người ra sân, giữa sân, giữa ánh sáng chang chang ở ngoài trời, mình có đứng lên cũng chỉ là để nhìn nhau, thỉnh thoảng cười, để cho mắt mình thấy một người bạn đồng loại; chứ ngày nào cũng nhìn thấy tên áo vàng, tuy cũng là đồng loại nhưng không phải là bạn, vẫn cảm thấy khô khan, cô đơn nặng trĩu một bên lòng.
Hai hôm sau, chị Bắc lại được ra quét nữa. Khi chị quét ngang buồng tôi, tự nhiên tôi thấy một gói giẻ buộc lại, to bằng ngón tay nhỏ, nhét vào khe cửa, nhưng hơi khít, nên nhét mãi chỉ vào được một nửa. Tôi lẹ tay, cầm lấy rút vào, rồi giúi ngay vào cạp quần. Một lúc sau, nghe ngóng không có gì, tôi mới mở ra: đó là một miếng giẻ cũ, to bằng bàn tay. Kèm thêm cái kim chị dắt vào bên trong trả lại tôi. Miếng giẻ có thêu chữ, kiểu chữ in, bằng chỉ nhuộm máu; máu đã thành màu nâu xám. Nội dung như sau:
Trang con yêu quý,
Đây là di vật bằng máu của mẹ. Đời mẹ sắp về với cát bụi.
Chú Bình là đồng chí, là chiến hữu của mẹ sẽ thuật lại cho con những ngày cuối của đời mẹ, tại xà lim án chém Hỏa Lò.
Một luồng lạnh từ xương sống chạy ngược lên gáy, làm hai tay tôi cầm miếng giẻ cũng như run run. Tôi vừa cảm động trước mối tình mẫu tử thiêng liêng, vừa thương cho một người mẹ tàn lụi trong khổ đau, và cay đắng.
Tối hôm đó, tôi gọi chị Bắc. Chị đứng lên, mắt đã đỏ hoe. Như vậy là chị đang khóc thầm một mình. Chị lấy khăn lau nước mắt rồi viết cho tôi:
- Rồi đây, trong muôn nẻo cuộc đời, anh hãy cố gắng tìm hỏi, giúp đỡ cháu Trang. Dù tôi có nhắm mắt, vẫn một lòng tin nơi anh không bỏ cháu Trang. Đấy là giọt máu duy nhất của tôi còn lại trên cõi đời này.
Thấy chị quá khổ đau, lại năn nỉ khẩn khoản, tôi đành phải nhận lời cho chị vừa lòng. Chứ trong lòng mình, tôi tự hiểu, đã rơi vào tay Cộng Sản, ngày về cũng như lá bàng giữa mùa Đông vậy.
Chị cũng nói lên một ước nguyện của chị là nếu sau này, Trời Phật thương cho chị không chết, và có ngày được thả ra, chị nguyện tìm đến ngôi chùa Cao ở Bắc Ninh để thế phát ăn mày cửa Phật.
Qua ý kiến đó, tôi thấy chị thật lạc hậu. Lạc hậu ở chỗ chị nhìn và xét về Cộng Sản 5 năm về trước cũng giống như 5 năm về sau. Chị chưa thấy được rằng, khi mới chiếm được toàn bộ miền Bắc, chúng còn nhiều việc khác cần phải lo ngay, lo trước đã: đó là quốc phòng và an ninh. Quốc phòng phải mạnh. Còn an ninh, bất cứ chuyện gì về chính trị, chúng phải làm ngay; lấy bạo lực của quốc phòng giải quyết tận gốc. Còn các vấn đề khác, sẽ dần dần. Vững cái này rồi mới nói tới cái kia. Khi được cái kia, mới hỏi tội cái này, v.v…Về vấn đề tôn giáo, chúng chủ trương sẽ diệt sạch. Nếu còn phải để tôn giáo, dưới hình thức nào đó, chẳng qua vì những điều kiện khác, vì cái thế của chúng, vì còn một nửa nước là miền Nam nữa; cho nên, chúng chưa thể ra tay diệt sạch tôn giáo miền Bắc. Nhưng, vì vấn đề an ninh xã hội, chúng phải bóp chặt tôn giáo, hoặc sẽ thay đổi nội dung. Bình cũ, rượu mới. Hình thức tôn giáo vẫn thế, nhưng do người của chúng điều hành. Đừng hòng một cá nhân nào đó tự tìm đến chùa, tìm nhà thờ, để đi tu theo ý mình. Tuy hiểu như vậy, nhưng trong tình cảnh này của chị, hãy để chị hy vọng, ước mơ. Thái độ của tôi phải làm như vậy, trong lòng tôi lại càng dào dạt thương chị hơn. Tôi đã hình dung thấy con đường chị sẽ phải đi tới. Nếu không chết trong tay chúng, chị cũng bị đầy đi một công nông trường hẻo lánh nào đó cho tới khi chị tàn lụi gục xuống ở đấy mà thôi, chứ đừng hòng chúng buông tha.
Mấy ngày hôm sau, tên Dư lại mở cửa buồng cho chị ra quét nữa, nhưng chị đã mệt quá rồi. Mấy lần trước, chị cố gắng ra quét, mục đích là để đưa trả cái kim và gửi lá thư máu cho tôi. Chị ăn uống như vậy, ngay đứng hay ngồi, cũng hoa mày, chóng mặt, huống chi là quét dọn. Do đó, chẳng hiểu tên Dư cân nhắc, suy nghĩ ra sao, y lại mở cửa buồng tôi, bảo tôi lấy chổi ra quét. Được ra quét dọn, đối với cảnh sống ở xà lim, là một… ân huệ. Bất cứ người tù nào cũng muốn ra khỏi căn buồng chật hẹp của mình. Ra ngoài, vừa thênh thang, vừa có không khí trong lành, chỉ trừ quá ốm yếu, không kể.
Vì là lần đầu tiên được quét dọn, tôi tỏ ra hết sức ngoan ngoãn. Trong thực tế, tôi chưa hề vi phạm một điều khoản nội quy nào của xà lim cả. Dùng chữ thực tế không đúng lắm, phải nói là y chưa bắt được tôi, hoặc cán bộ khác, cũng vậy. Vã lại, như tôi đã trình bày, y có một chút thiện cảm với tôi. Tuy nhiên, vì tôi đã có lần toan vượt ngục, thêm vào đó là ý chí phấn đấu để còn sống của tôi, mà y đã nhiều lần thấy, cũng làm y “nể” và e ngại. Vì thế, tuy cho tôi ra ngoài làm vệ sinh, nhưng y vẫn để ý coi chừng và theo dõi.
Người tôi, dạo này trông đã đỡ hẳn. Những bắp tay, bắp chân của tôi đã có thịt nhum nhúm lên. Những khi ngồi không buổi tối, tay tôi xoa xoa bóp bóp chỗ bắp thịt, lòng tôi vui buồn lẫn lộn. Vui mừng vì thấy cơ thể mình có sức hẳn lên, nước da tay chân đã đỡ xám xanh đi; nhưng, buồn vì máu thịt này là của chị Bắc. Gần hai tháng nay, trừ những hôm cá biệt do cán bộ khác không kể, còn thì ngày nào cũng có thêm nửa suất cơm. Tôi có xương thịt ra, trong khi chị Bắc lại càng ngày gầy đét lại, làm sao lòng tôi yên được. Đã có lần, tôi gọi chị Bắc và vờ nói là kỳ này tôi hay bị đau bụng lắm; cho nên không thể ăn thêm cơm được nữa. Tôi cũng nói với tên Dư như vậy. Mục đích của tôi là, nếu tôi không ăn nữa, chị Bắc phải cố mà ăn hết. Nhưng, sau đó 5 ngày liền, tôi vẫn thấy chị để cơm dư như vậy, không biết phải làm sao hơn, đành phải xin tên Dư để ăn lại.
Trong lòng tôi vẫn bị dằn vặt, giữa việc nhìn thấy sức khỏe mỗi ngày mỗi hao mòn của chị Bắc và cái đói của bản thân mình trước những bát cơm thừa, chắc sẽ đổ đi khi trả về nhà bếp. Ngày ngày, nhìn tấm thân ốm yếu, tiều tụy của chị Bắc, tâm trạng của tôi như trong gia đình có người ruột thịt bị bệnh nặng sắp chết vậy.
Dần dà, ngay việc đứng lên viết, nói chuyện với tôi, chị cũng chỉ chịu đựng được 5, 10 phút là cùng, rồi lại ngồi xuống. Nhìn chị thiểu não, mỗi khi đứng lên ngồi xuống phải vịn hai tay vào tường, mái đầu có chòm tóc bạc càng trắng ra đang ngoẹo một bên gục vào tường, tự dưng một niềm xúc động dào dạt dâng lên trong lòng làm tôi muốn khóc. Tình đồng chí, nghĩa đồng bào tràn ngập hồn tôi.
Một buổi sáng, sau khi cơm nước và trả bát xong, tôi đang nằm ngóng chờ tên Dư ra khỏi xà lim, để tôi gọi chị Bắc nói chuyện, thì lại có tiếng chân y đi vào. Mở cửa buồng tôi, tên Dư nói nhỏ đủ một mình tôi nghe:
- Anh ra đây, tôi nhờ một tí!
Tôi vội vàng theo y ra! Tới buồng số 13, y lại nói cũng với giọng nho nhỏ:
- Anh về buồng, lấy cái bô của anh, và cái chổi, lấy nước dội, rồi quét sạch từ trên sàn trở xuống hai buồng số 13 và buồng số 2.
Tôi nhanh nhẹn về buồng lấy cái bô và chổi vào nhà tắm lấy nước. Vừa mở vòi, tôi vừa suy nghĩ: cũng may, từ ngày tôi vào xà lim I đến nay đã gần hai năm rồi, tôi vẫn có ý muốn nhìn hai căn buồng này xem nó ra làm sao, mà chưa có dịp, hôm nay lại được quét rửa. Điều này, như vậy, cũng nói lên là tên Dư có phần tin tưởng tôi thêm. Có lẽ y thấy tôi nhiều lần ra quét dọn, chả có tò mò, hoặc vi phạm những điều cấm kỵ quy định trong xà lim.
Hai buồng này, lúc mới bước chân vào, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là cái màu ghê rợn của toàn bộ căn buồng: bốn bức tường và cả dưới nên đến trên trần, tất cả đều quét vôi đen, làm cho toàn bộ căn buồng tối om, đượm đầy không khí tù ngục, thê lương, ảm đạm. Hai cái cùm nằm hai bên sàn cũng đen ngòm. Trên tường, ngay thẳng đối diện với cửa ra vào, có treo một tấm bảng gỗ kích thuớc khoảng 80×40, viết bằng sơn trắng trên nền màu đỏ loét:
“Đây là nơi thực dân Pháp đã giam hãm,
cùm kẹp, đầy đọa đồng chí Trần Đăng Ninh”.
Đó là câu ở buống số 13, còn ở buồng số 2 cũng viết như vậy, chỉ thay vào tên khác là “Hoàng Văn Thụ”. Lúc quét dọn xong, cũng là lúc hết giờ buổi sáng, tôi về buồng. Buổi trưa hôm đó, tôi loay hoay lấy đầu mũi kim cậy nhiều chỗ trên tường trong buồng mình, tôi thấy có chỗ tới 8 lớp vôi quét. Như vậy, từ khi xây lên xà lim này đã được quét vôi ít ra là 8 lần rồi. Trong 8 lớp vôi đó, tôi thấy chỉ có hai lần màu vàng, và 6 lần màu trắng. Không hề có một lần quét vôi đen nào cả. Như vậy, rõ ràng lớp vôi đen ở hai buồng số 13 và số 2 là do chúng quét thêm lên, mục đích lòe bịp với những phái đoàn tham quan là thực dân Pháp dã man, dùng màu đen để uy hiếp tinh thần người tù, và để cho cảnh ngục tù của thực dân Pháp thêm rùng rợn, dã man, tàn khốc hơn.
Hôm nay, là ngày tắm. Khi chị Bắc ra sân phơi quần áo, tôi đứng lên nhìn chị. Tôi giật mình, ngỡ ngàng, dạ tôi xót xa như vò muối. Hai bàn chân của chị phù, tái nhợt. Hai mi mắt của chị mọng lên. Bồi hồi và xúc động, tôi phải cúi mặt xuống, không dám nhìn chị nữa. Mới chỉ bốn, năm ngày không nhìn thấy chị, mà chị đã thay đổi nhanh đến như vậy! Tôi thấy thuơng chị quá! Lúc này, những người họ hàng thân thích của chị, những người của Tình Báo miền Nam đã đẩy chị xuống vực thẳm của cuộc đời, có ai biết là chị sắp chết không? Có ai còn hình dung ra chị đang đếm từng ngày, đợi chờ giờ về lòng đất trong tăm tối, tủi nhục của một kiếp người hẩm hiu, bất hạnh không?…
Giờ đây, tôi ngồi viết lại những giòng này, đã vừa đúng 19 năm rồi. Không hiểu chị Bắc còn sống, đang chìm nổi nơi đâu, hay chỉ còn là một nắm xuơng khô, vùi nông ở một xó rừng heo hút nào đó? Còn cháu Trần Ngọc Trang, mảnh giẻ di vật của mẹ cháu, chú vẫn còn giữ. Mảnh giẻ đó còn máu khô và hơi hướng của mẹ cháu. Lúc này, cháu ở đâu? Phương trời nào? Còn sống, hay đã như thế nào trong những biến thiên, đổi thay của cuộc đời, của đất nước? Làm sao, chú thực hiện được lời ký thác của mẹ cháu bây giờ?…
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen