Số lần đọc/download: 2309 / 37
Cập nhật: 2017-08-29 16:36:29 +0700
Chương 66: Chủ Nghĩa Khắc Kỷ
C
ó lẽ chúng ta đã hiểu sai các triết gia khắc kỷ lừng danh, như thể họ chỉ dạy chúng ta mỗi cách phản kháng trước bạo chúa và coi thường khổ ải mà thôi. Riêng tôi, tôi nhìn ra nhiều cách vận dụng sự thông thái rắn rỏi của họ, dẫu chỉ để chống lại mưa giông. Suy nghĩ của họ, như ta đã biết, cổ súy sự vận động nhằm tự tách mình ra khỏi cảm giác khó chịu, rồi coi nó như là khách thể bằng cách tuyên bố với nó: “Mi là sự vật; mi không phải là ta.” Ngược lại, những người không biết gì về nghệ thuật sống kiểu ông vua ngự trên ghế đẩu ấy cứ để mưa giông ngấm vào bên trong mình và nói: “Con giông mới ở đằng xa mà tôi đã ngửi thấy rồi; tôi vừa nóng ruột vừa bức bối. Vậy hãy nổ sấm chớp đi cho rồi, ông trời ơi!” Đó là cách sống đúng kiểu động vật chẳng lý gì đến tư duy. Bởi, như vẻ bên ngoài cho thấy, động vật biến đổi hoàn toàn trước cơn giông đang ập đến, như cây đổ rạp xuống dưới nắng gắt và vươn thẳng dậy trong bóng râm; nhưng động vật đâu biết gì nhiều về điều đó, cũng như chúng ta chẳng hay mình vui hay buồn trong giấc ngủ chập chờn. Tình trạng đờ đẫn ấy cũng tốt với con người, và luôn luôn có tác dụng xoa dịu, ngay cả trước những nỗi đau khổ sâu thẳm nhất, với điều kiện kẻ sầu muộn phải thả lỏng hoàn toàn; ý tôi nói là theo nghĩa đen; chân tay cần được kê cho thật thoải mái và toàn bộ cơ bắp cần chùng xuống; có một nghệ thuật nén cơ bắp khi chúng đang nghỉ ngơi, vốn là một kiểu xoa bóp từ bên trong và đối lập với sự co rúm, nguyên nhân gây giận dữ, mất ngủ, căng thẳng. Với những người không ngủ được, tôi vẫn nói: cứ bắt chước con mèo mệt phờ ra ấy.
Bây giờ, nếu người ta không thể đẩy mình xuống trạng thái động vật ấy, vốn là bản chất của đức hạnh theo Epicure, thì phải choàng tỉnh dậy, và nói theo cách nào đó là chồm lên, với cho tới đức hạnh khắc kỷ; bởi cả hai đức hạnh ấy đều hay cả, và chỉ có cái lưng chừng ở giữa là vô giá trị. Nếu không thể ngụp mình vào trong trạng thái mưa giông, thì phải đánh bật nó đi, tách mình ra khỏi nó; phải nói: đó là mưa giông, chứ không phải ta. Việc đó khó hơn, hẳn nhiên rồi, khi bạn đứng trước sự trách móc vô căn cứ hay nỗi thất vọng hay lòng đố kỵ; những con vật xấu xa ấy cứ bám riết lấy bạn. Nhưng vẫn cần phải khôn ngoan tự nhủ: “Vì thất vọng mà mình buồn chứ không có gì kỳ bí cả; chuyện tự nhiên như mưa rơi, gió thổi thôi.” Lời khuyên này làm những người lắm xúc cảm tức tối; họ tự ràng buộc mình, tự trói buộc mình; họ ôm khư khư lấy đau khổ. Tôi thấy họ giống một đứa trẻ cứ rống lên như con lừa và bực tức khi thấy mình ngu đần đến nỗi la to hơn nữa. Lẽ ra đứa trẻ có thể tự giải thoát cho mình bằng cách nói: “Thế thì đã sao? Chỉ là trẻ con kêu la thôi mà.” Song nó lại chưa biết phải sống như thế nào. Mà nói cho cùng, chẳng mấy ai biết tới nghệ thuật sống. Nhưng trong các bí quyết hạnh phúc, tôi chỉ nắm giữ có đúng một bí quyết mà thôi, đó là thờ ơ với tính khí của chính mình; bị khinh thường như thế, tính khí sẽ rơi trở lại kiểu sống động vật, như chó đi về ổ. Và đó là, theo tôi nghĩ, một trong những điểm tối quan trọng của đức hạnh đích thực; tự tách mình khỏi những lỗi lầm, luyến tiếc của chính mình và khỏi mọi sự khổ sở của suy tư. Hãy nói rằng “Cơn giận này, khi nào nó muốn thi nó sẽ nguôi ngoai.” Giống như đứa trẻ kêu la mãi mà người ta không nghe thấy, cơn giận sẽ tiêu tan ngay. George Sand[85] sáng suốt đã tái hiện rõ tâm hồn đế vương ấy trong Consuelo, một tác phẩm xuất sắc mà chẳng có mấy ai đọc.
31 tháng tám 1913