Số lần đọc/download: 4557 / 45
Cập nhật: 2015-10-05 14:43:53 +0700
Chương 65
N
ekhliudov bước ra, đầu lại va phải hai cái cánh cửa.
Hai đứa bé, một áo trắng, một áo hồng, đợi chàng ở ngoài đường. Có cả mấy đứa khác nhập bọn, cả mấy bà ẵm con nhỏ, trong đó có người đàn bà gầy gò ẵm đứa con xanh xao, đầu đội chiếc mũ thóp bằng mụn giẻ rách. Thằng bé, mặt già cằn, hốc hác, lúc nào cũng mỉm cười một cách kỳ dị, mấy ngón tay dài nghêu ngao co quắp, luôn luôn ngọ nguậy. Nekhliudov biết rằng cái cười kia là cái cười vì đau đớn. Chàng hỏi xem người đàn bà đó là ai.
- Đấy là bác Anixia cháu đã nói với ông đấy, - thằng bé lớn tuổi trả lời.
Nekhliudov quay lại phía người đàn bà;
- Chị làm thế nào để sinh sống? Lấy gì mà ăn? - Chàng hỏi.
- Làm thế nào để sinh sống à? Tôi đi ăn mày, Anixia nói rồi oà lên khóc. Khuôn mặt già cỗi của thằng bé tươi hẳn lên, đôi cẳng quắt queo, quằn quại như hai con giun.
Nekhliudov rút ví lấy cho người đàn bà mười rúp.
Chàng chưa đi được hai bước thì một người đàn bà khác ẵm một đứa bé đã theo liền, rồi đến một bà cụ, rồi lại một thiếu phụ nữa. Họ kể lể nông nỗi khổ cực và cầu xin chàng cứu giúp. Nekhliudov phân phát hết số sáu mươi rúp bạc lẻ trong ví; lòng buồn rười rượi, chàng trở về nhà, tức là trở về gian buồng của viên quản lý.
Anh nầy ra đón Nekhliudov và tươi cười báo cho chàng biết là đến chiều tối, nông dân sẽ đến họp. Nekhliudov cảm ơn, chàng không vào trong nhà, mà đi thẳng ra ngoài vườn, vừa dạo bước trên những con đường cỏ dại mọc tràn, rải rác đầy cánh hoa trắng, vừa suy nghĩ về những điều chàng vừa trông thấy.
Cả khu vườn im lặng, nhưng chỉ được một chốc chàng nghe thấy giọng bực tức của hai người đàn bà tranh nhau nói từ căn phòng viên quản lý vẳng ra, thỉnh thoảng mới thấy giọng nói bình tĩnh của người quản lý hay cười.
Nekhliudov lắng nghe.
- Thế nầy thì tôi không sao chịu nổi được nữa? Anh có muốn giết chết tôi thì cứ giết! - người đàn bà tức tối nói.
- Mà nó chỉ mới bước chân vào thôi, - người đàn bà thứ hai tiếp. - Nầy tôi bảo thật, anh hãy thả nó ra. Anh định làm khổ cả con vật, và lũ con nó không có sữa bú để làm gì?
- Chị hãy nộp phạt bằng tiền hoặc chịu trả bằng ngày công đã, - tiếng viên quản lý thản nhiên trả lời.
Nekhliudov bước ra khỏi vườn và lại gần bậc thềm, nơi có hai người đàn bà đang đứng, đầu tóc rũ rượi, một người có mang sắp đến ngày sinh. Viên quản lý đứng trên bậc, hai tay đút trong túi chiếc áo khoác bằng vải.
Hai người đàn bà trông thấy ông chủ trang ấp thì im lặng, họ sửa lại chiếc khăn bị xổ trên đầu. Viên quản lý rút tay ra khỏi túi mỉm cười. Theo lời hắn nói thì đầu đuôi câu chuyện như thế nầy: nông dân thường cố ý thả bê và cả bò mẹ của họ vào ăn cỏ của trang ấp. Hai con bò mẹ của mấy người đàn bà nầy đã bị bắt tại đồng cỏ và dắt về. Hắn đòi họ phải nộp phạt mỗi con hoặc ba mươi kopech, hoặc hai ngày công.
Hai người đàn bà thì khăng khăng một mực nói: một là bò của họ chỉ mới bước chân vào bãi; hai là họ không có tiền, và cuối cùng, họ hứa sẽ làm công đền sau nhưng đòi phải thả ngay bò của họ ra; những con bò bị buộc dưới nắng chang chang suốt từ sáng sớm đến giờ chưa được ăn, đang kêu rống lên rất đáng thương.
- Tôi đã nói bao nhiêu lần thật tử tế, - viên quản lý hay cười quay về phía Nekhliudov nói như muốn phân bua: - nếu các người chăn dắt súc vật vào buổi trưa thì phải coi giữ nó.
- Tôi mới chỉ thoáng chạy đi tìm thằng bé con thì chúng đã sổng ra mất.
- Nếu đang phải giữ bò thì đừng có bỏ đi đâu có được không?
- Giá mà bò của tôi đã thực sự giẫm nát đồng cỏ thì tôi không tức, đằng nầy, nó mới chỉ bước vào, - người đàn bà kia nói.
- Chúng đã giẫm nát hết cả cánh đồng - viên quản lý quay về phía Nekhliudov nói. - Nếu không bắt phạt họ thì một ngọn cỏ cũng không còn.
- Chao ôi Đừng có mà nói thế mà mang tội! - Người đàn bà có mang kêu lên. Bò nhà tôi chưa bị bắt bao giờ.
- Nhưng hôm nay thì nó bị bắt, thì chị phải nộp tiền hoặc đi làm trừ.
- Được rồi, tôi sẽ đi làm, nhưng anh hãy cứ thả bò của tôi ra đã, đừng để nó chết đói? - Người đàn bà giận dữ kêu lên - Làm quần quật cả ngày đêm không được nghỉ. Mẹ chồng thì ốm, chồng thì rượu chè be bét. Tôi một thân phải làm đủ mọi công việc mà sức thì kiệt rồi. Lạy Giời, cũng phải làm đầu tắt mặt tối, thở không ra hơi, đế lấy công trừ cho anh hết.
Nekhliudov bảo viên quản lý thả mấy con bò ra; rồi lại quay vào vườn để tiếp tục ngẫm nghĩ, nhưng còn gì mà suy nghĩ nữa. Tất cả mọi việc giờ đây đối với chàng đều sáng tỏ. Chàng lấy làm lạ, một việc hiển nhiên như vậy mà mọi người không ai nhìn thấy, và cả chàng nữa, sao mãi đến nay mới khám phá ra.
Dân chúng đang chết dần chết mòn, và những lối sống đặc trưng của cái chết đó đã hình thành: trẻ nhỏ chết yểu, phụ nữ phải lao lực quá độ, mọi người ăn uống thiếu đói, nhất là những người già cả: Và dần dà dân chúng lâm vào một tình trạng mà họ không thấy hết được cải khủng khiếp và cũng không oán thán nữa; vì thế cả chúng ta cũng coi cái tình trạng ấy như một chuyện bình thường, một điều tất nhiên.
Bây giờ chàng thấy rõ như ban ngày cái nguyên nhân chính dẻ ra sự cùng khổ của nhân dân, nguyên nhân mà họ biết rất rõ và luôn luôn nêu lên, là họ đã bị địa chủ cướp mất hết ruộng đất, và không có ruộng đất thì họ không sống được.
Có một điều rất rõ là con trẻ và ông già sở dĩ chết là vì không có sữa uống, mà không có sữa uống là do họ không có ruộng đất để chăn nuôi súc vật và cấy lúa, trồng cỏ. Rõ ràng là tất cả mọi nỗi khổ cực của nhân dân, hay ít ra thì nguyên nhân chủ yếu trực tiếp của nỗi khổ cực của họ là do ở chỗ ruộng đất để nuôi sống họ lại không ở trong tay họ mà lại nằm trong tay những kẻ dùng quyền chiếm hữu ruộng đất để sống bằng lao động của họ. Ruộng đất cần thiết cho nhân dân tới mức không có nó thì nhân dân chết, ấy thế mà họ bị dồn vào cảnh khốn cùng, lại phải cày cấy ruộng đất để có thóc đem bán ra nước ngoài cho bọn địa chủ có tiền mua sắm mũ mãng, batoong, xe ngựa, đồ chơi bằng đồng v.v…
Bây giờ tất cả những điều đó, Nekhliudov thấy rõ ràng, cũng rõ như là: ngựa mà nhốt trong một cánh đồng cỏ khi gậm hết cỏ sẽ gầy đi rồi chết đói, nếu không để cho chúng được đến một cánh đồng khác.
Điều đó thật khủng khiếp, không thể mà cũng không được để cho nó tồn tại!… Phải tìm cho ra một biện pháp trừ bỏ cái tình trạng đó đi, nếu không thì ít ra cũng không tham gia vào đó. "Cái biện pháp đó thế nào rồi ta cũng phải tìm ra!", chàng vừa nghĩ ngợi vừa đi đi lại lại trong lối nhỏ hai bên trồng phong.
Trong giới khoa học, trong các cơ quan chính quyền, trên báo chí, chúng ta đã bàn luận về những nguyên nhân đẻ ra sự nghèo khổ của nhân dân về những biện pháp cải thiện đời sống của họ, nhưng chúng ta không hề nói đến biện pháp độc nhất, chắc chắn có thể cải thiện được là thôi đừng tước đoạt của họ ruộng đất, ruộng đất đối với họ không thể thiếu được. Chàng nhớ lại rõ ràng những nguyên lý cơ bản của Henry Georges và cái tâm trạng mình say sưa những nguyên lý đó lúc bấy giờ.
Chẳng lấy làm lạ sao mình lại có thể quên được những điều đó. Ruộng đất không thể là đối tượng của sự chiếm hữu cá nhân, nó không thể là đối tượng của sự mua bán, cũng như nước, không khí; ánh nắng mặt trời vậy. Tất cả mọi người đều có quyền hưởng thụ như nhau về ruộng đất về tất cả mọi thứ lợi ích do ruộng đất mang lại cho loài người. Và bây giờ, Nekhliudov hiểu tại sao chàng đã băn khoăn hổ thẹn khi nhớ lại việc dàn xếp công việc của mình ở Kuzminxkoie. Chàng đã tự lừa dối mình. Biết là người ta không ai có quyền chiếm hữu ruộng đất, thế mà chàng lại tự cho mình cái quyền đó và đem lại cho nông dân một phần tài sản mà, trong thâm tâm, chàng biết là mình sẽ không có quyền gì hết. Bây giờ chàng sẽ hành động khác, sẽ thay đổi không làm như ở Kuzminxkoie nữa.
Và chàng nhẩm tính một phương án cho nông dân thuê ruộng đất, để lại cho họ cả số tiền thuê để họ nộp thuế và chi các khoản tiêu chung cho làng xóm. Đó không phải là chế độ thuế "Đơn nhất"(1) nhưng với tình trạng hiện nay thì đó là biện pháp gần giống với chế độ ấy nhất. Vả lại điều chủ yếu đối với chàng là làm như thế để từ bỏ hẳn cái quyền sở hữu về ruộng đất của mình đi.
Lúc chàng trở về nhà, viên quản lý với một nụ cười đặc biệt hân hoan, mời chàng đi dùng cơm; hắn tỏ ý rất áy náy vì món ăn đã mất lửa, hơi bị cháy, mặc dầu vợ hắn có cô gái đeo hoa tai đính lông chim nõn giúp đỡ đã mang hết khả năng ra nấu nướng.
Bàn ăn phủ một chiếc khăn vải thô; một chiếc khăn lau tay thêu thay thế cho chiếc khăn ăn; một món xúp khoai tây nấu gà - đúng là con và trống mà Nekhliudov đã trông thấy lúc sáng với đôi cẳng đen co co, duỗi duỗi đang bốc hơi nghi ngút trong cái liễn "Saxe"(2) hai cổ, sứt một bên tai; con gà hiện bị chặt thành từng miếng, có miếng vẫn còn cả lông măng. Tiếp theo món xúp là món gà quay cháy sém, rồi đến bánh nhân pho mát trắng phết bơ và đường. Bữa ăn dù có kém ngon, Nekhliudov cũng chẳng chú ý đến, tất cả tâm trí chàng còn đang dồn vào cái phương án nó đã làm tiên tan nỗi buồn vương vấn từ lúc đi và trong làng trở về…
Chị vợ viên quản lý dòm qua cánh cửa, theo dõi cô gái đeo hoa tai, vẻ sợ sệt bưng món ăn vào; còn anh chồng, vẻ hãnh diện về tài nấu nướng giỏi giang của vợ, nói cười mỗi lúc một hể hả hơn. Ăn cơm xong, Nekhliudov ép hắn ta ngồi xuống bên cạnh, chàng thấy cần phải kiểm tra lại những ý nghĩ của mình và cần thổ lộ với một người nào đấy nỗi băn khoăn của lòng mình. Chàng nói cho hắn biết ý chàng định nhường tất cả ruộng đất lại cho nhân dân và hỏi ý kiến hắn. Viên quản lý vẫn tươi cười, làm ra vẻ ta đây cũng đồng ý với những ý kiến đó từ lâu rồi, và rất khoan khoái khi được nghe nói đến. Thực ra, hắn chẳng hiểu gì hết, không phải vì Nekhliudov nói không rõ ràng, và là vì theo chủ trương đó, Nekhliudov vì lợi ích của người khác mà từ bỏ lợi ích của bản thân; thế mà cái tư tưởng nghĩ rằng ở đời ai cũng chỉ chăm chú đến lợi ích của bản thân bất chấp cả lợi ích của người khác, đã thâm căn cố đế trong tâm trí viên quản lý rồi, nên Nekhliudov nói với hắn rằng toàn bộ lợi tức về ruộng đất thu được sẽ đưa vào quỹ dùng cho việc có ích chung cho nông dân thì hắn thấy không sao hiểu nổi.
- Vâng, tôi hiểu. Như thế có nghĩa là ngài sẽ thu tiền lời của cái quỹ đó chứ gì? - Hắn hỏi, mặt mày sáng hắn lên.
- Không phải thế! Anh phải hiểu rằng ruộng đất không thể là đối tượng để chiếm làm của riêng.
- Vâng, đúng như vậy đó! Và tất cả những gì do ruộng đất sinh ra phải là của chung của tất cả mọi người.
- Nhưng mà như thế thì ngài sẽ chẳng còn thu được lợi tức gì ư? Viên quản lý hỏi lại, nụ cười lúc nầy đã tắt hẳn trên môi hắn.
- Thì đúng thế, tôi bỏ không thu lợi tức nữa.
Viên quản lý thở dài, nhưng rồi nét mặt hắn trở lại tươi cười. Bây giờ hắn hiểu rằng Nekhliudov không phải là con người đầu óc thật bình thường, và tức thì hắn suy nghĩ tìm trong chủ trương bỏ ruộng đất của Nekhliudov xem có thể có chỗ nào có lợi cho cá nhân hắn chăng; hắn cố hết sức hiểu chủ trương đó về mặt có lợi cho mình.
Cuối cùng, khi đã biết rằng điều đó không thể được thì hắn buồn rầu, không chú ý đến vấn đề nữa và cố mỉm cười cũng chỉ là để lấy lòng chủ mà thôi.
Thấy người quản lý không hiểu mình, Nekhliudov để hắn đi ra, rồi vào ngồi bên cạnh bàn mặt bàn nham nhở vết dao và nhem nhuốc những mực - thảo phương án của mình.
Mặt trời đã lặn sau rặng bồ đề mới đâm chồi nẩy lộc.
Hàng đàn muỗi tràn vào trong phòng quấy đất chàng.
Viết vừa xong, chàng nghe thấy từ xóm làng vọng đến tiếng rống của đàn bò đang trở về, tiếng những cánh cửa mở ken két và lời trò chuyện xôn xao của những người nông dân đến họp. Chàng bảo viên quản lý là không cần phải triệu tập nông dân đến tận văn phòng, chàng sẽ thân hành xuống làng, đến chỗ họ hội họp.
Sau khi uống vội chén trà viên quản lý vừa bưng lại, Nekhliudov đi vào trong làng.
Chú thích:
(1) Chế độ thuế do Henri Georges đề ra. Theo ông thì chỉ có địa tô mới là thuế khoá mà thôi. Nguyên tắc cơ bản của chế độ thuế "Đơn nhất" là tất cả mọi người đều có quyền sử dụng ruộng đất như nhau. Vấn đề nầy trình bày rõ trong cuốn "Điều kiện lao động"
(2) Saxe: đồ sứ Pháp nổi tiếng làm ở Saxe