Số lần đọc/download: 3863 / 50
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 65: Lại Sinh Chuyện Phiền Phức
N
gồi được một lúc, Chu Hậu Chiếu cảm thấy hơi chán. Mặt trời càng lúc càng lên cao, trong bụng cũng cảm thấy đói, y đang định kêu người đi tìm Dương Lăng về thì thấy một đội bộ khoái của Ngũ Thành Binh Mã ty[1] đang vội vội vàng vàng chạy lại, không cầm đao thương mà cầm chổi và xẻng hót. Vài tên lại mục (viên chức nhỏ, không có phẩm cấp, chỉ huy một số viên tiểu lại) diễu võ dương oai quát lớn:
- Những người không liên quan mau lánh đi mau! Đương kim thánh thượng sắp đến tuần thị trường thi đây.
Chu Hậu Chiếu nghe nói lão tử của y sắp đến, giật nảy cả người, vội vàng đứng dậy. Bọn bộ khoái vung chổi quét tứ tung, bụi đất mù mịt. Không cần bọn chúng đuổi, những người dân đứng chờ ở ngoài trường thi cũng phải vội vàng lánh vào trong rừng cây đối diện bên đường.
Người bán trà rong hô xui xẻo, cũng vội gọi bà vợ bê bàn ghế, những bộ trà nhanh chóng chuyển chỗ, cũng lúc này Dương Lăng mặt mày hầm hầm từ góc bên kia của mành vải quẹo ra. Chu Hậu Chiếu mừng rỡ, vội vàng nói:
- Ngươi về thật đúng lúc! Mã Vĩnh Thành! Ngươi thường xuất cung mua sắm, mau giới thiệu một quán rượu kha khá, chúng ta đi ăn một bữa no nê đi!
Thấy giọng của y tương đối lớn, Cốc Đại Dụng giật mình, vội thấp giọng bẩm:
- Thái tử gia cẩn thận, đừng để người khác nghe thấy.
Quen nhìn sắc mặt người khác, bọn Lưu Cẩn, Trương Vĩnh đều nhận ra vẻ không vui của Dương Lăng, có điều chúng nghĩ đến nát óc cũng không biết y gặp phải chuyện gì.
Dương Lăng không ngờ vì nhất thời hảo tâm mình đã giúp đỡ một tên đại gian thần có tiếng trong lịch sử, lúc này lại nghe Chu Hậu Chiếu đòi đi ăn uống, càng cảm thấy đau đầu. Y vội tiến sát đến bên cạnh Châu Hậu Chiếu, thấp giọng nói:
- Thái tử! Chúng ta rời cung đã lâu, kéo dài thời gian e rằng bệ hạ sẽ phát giác. Theo vi thần thấy, chúng ta hãy đi ăn chút cơm rồi mau chóng đến bộ Binh thôi!
Chu Hậu Chiếu cũng thấp giọng cười nói:
- Dương thị độc không cần phải lo lắng! Một lát nữa phụ hoàng sẽ đi tuần thị trường thi, trong thời gian ngắn sẽ chưa về cung đâu. Chúng ta đi tìm chỗ ăn uống một chút, đợi ta ăn no bụng rồi sẽ thuê xe đến bộ Binh lấy đồ.
Chu Hậu Chiếu nghĩ đường đường thái tử ra mặt, Lưu Đại Hạ thế nào cũng phải nể mặt, đòi một ít đồ há không dễ như trở bàn tay ư?
Mã Vĩnh Thành nghe lệnh của Chu Hậu Chiếu, vội dẫn cả bọn quay lại đường lớn, mười người thuê hai cỗ xe ngựa. Biết phụ hoàng của y muốn đến học cung, Chu Hậu Chiếu sợ sẽ bị ông ta phát hiện nên dặn dò Mã Vĩnh Thành đi càng xa càng tốt. Xe ngựa đi khắp đường to lối nhỏ được một lúc, Chu Hậu Chiếu từ trong xe nhìn thấy một con hẻm nhỏ bên đường vô cùng phồn hoa, đầu hẻm có một quán rượu, cờ bay phất phới, thật là vô cùng náo nhiệt. Y gõ vào thành xe, gọi Mã Vĩnh Thành dừng lại.
Mã Vĩnh Trinh đưa mắt nhìn, thì ra hẻm nhỏ này chính là hẻm Bách Thuận, là một nơi phong nguyệt nổi tiếng của kinh thành, lòng không khỏi thầm kêu khổ. Hoàng đế Hoằng Trì chỉ có một đứa con trai, có thể nói ông vô cùng sủng ái Chu Hậu Chiếu, thêm vào đó bản thân hoàng thượng cũng thường lén rời cung nên cho dù có biết Thái tử tự ý xuất cung, cùng lắm ông cũng sẽ cho đánh bọn gã vài gậy lấy lệ. Vì vậy đám thái giám này mới dám xúi Thái tử xuất cung, nhưng nếu hoàng thượng biết bọn hắn dẫn tiểu thái tử đến chốn trăng hoa, vậy tội không nhẹ rồi.
Nhưng gã lại không dám nói rõ với Chu Hậu Chiếu. Tính tò mò của vị Thái tử này quá lớn, càng là nơi không cho y đến, y càng muốn đến. May mà y chỉ vừa ý với tòa tửu lầu đầu hẻm kia, vậy đi vào mau chóng ăn uống một chút rồi nhanh chân rời khỏi là được.
Mã Vĩnh Thành dừng xe rồi trả tiền, tranh thủ dặn bọn người Lưu Cẩn, Trương Vĩnh vài câu. Mấy tên thái giám già gật đầu lia lịa, mau chóng bước lên bảo hộ Chu Hậu Chiếu vào tửu lầu, chỉ sợ "con ngựa hoang" này lại nhất thời nổi hứng đi dạo lung tung trong hẻm này.
Cả bọn bước lên lầu. Mã Vĩnh Thành chọn những món ngon nhất dọn lên đầy một bàn, mười người bắt đầu ăn uống trong gian phòng nhỏ yên tĩnh gần cửa sổ. Chu Hậu Chiếu còn nhỏ nhưng lại thích uống rượu, song vì y còn ít tuổi, tửu lượng còn thấp, uống được vài chén thì mặt đã đỏ bừng, bèn kêu Ngụy Bân mở cửa sổ cho thoáng khí.
Tiết tháng ba, ánh mặt trời rạng rỡ, không khí cũng vô cùng mát mẻ, gió xuân hây hây. Chu Hậu Chiếu bỗng cảm thấy phấn chấn tinh thần, y nổi hứng đứng dậy rót rượu cho bọn Dương Lăng, ép bọn họ cũng uống vài ly.
Chu Hậu Chiếu đang uống vui vẻ, bỗng nghe có tiếng đàn sáo từ ngoài cửa sổ loáng thoáng vẳng lại. Vốn yêu thích âm nhạc, y bất giác dừng chén tập trung lắng nghe.
Y hoàn toàn không hứng thú với âm nhạc truyền thống trong cung đình, nhưng lại rất thích những khúc ca dân gian, kỳ âm của dị vực, lúc này nghe khúc nhạc kỳ diệu êm tai từ phía xa vẳng lại, tuy nhạc khí sử dụng vẫn là đàn sáo, nhưng phong tình lại không giống với phong cách âm nhạc trong cung đình.Y bất giác đứng dậy dựa vào lan can nhìn ra xa, hứng thú chỉ xuống một dãy nhà tứ hợp viện hai tầng ở phía dưới hỏi:
- Đại Thành, đó là nơi nào?
Mã Vĩnh Thành và Lưu Cẩn đưa mắt nhìn nhau, lắp ba lắp bắp đáp:
- Ồ… lão nô cũng không biết, chắc là nhạc kỹ[2] do bọn lái thương mời đến đang ca hát.
Chu Hậu Chiếu vỗ tay nói:
- Có rượu mà không có nhạc sao được? Mau đi gọi một người lên đây, ta cũng muốn nghe đàn hát.
Mã Vĩnh Thành mặt mày khổ sở chần chừ không muốn động đậy. Vừa vặn lúc này ông chủ quán rượu thấy những người khách bàn này hào phóng nên đích thân bưng thêm một con cá chép lớn vào phòng, Chu Hậu Chiếu quay lại gọi ông ta:
- Chủ quán, ta nghe có tiếng đàn sáo ở bên kia rất thú vị. Mau đi gọi cho ta một người đến, ta muốn nghe nhạc.
Thấy y ngồi ở vị trí chủ trì, chủ quán biết tiểu công tử này tuy nhỏ tuổi nhưng lại là người cầm đầu đám thư sinh này. Ông ta nhìn ra cửa sổ một cái, cười đáp:
- Khách quan, nhạc kỹ ở bên kia không biểu diễn ở bên ngoài, khách quan muốn nghe nhạc, thì phải đến tận nơi để nghe.
Chính Đức nghe vậy thì lấy làm tò mò, hỏi:
- Ơ, phải nhạc kỹ không vậy? Sao lại tự cao tự đại như vậy, đâu phải là không trả tiền, tại sao lại tự đại như vậy?
Chủ quán thấy y nhỏ tuổi, đoán rằng y vẫn còn chưa hiểu cho lắm, nhưng mấy tay thư sinh bên cạnh, ai ai cũng lộ vẻ quái dị, nói không chừng là khách thường xuyên trong chốn phong lưu. Ông ta cười đáp:
- Khách quan có điều không biết! Các cô nương trong hẻm này đều là người có thân phận, thường ngày chỉ tiếp quan lại quyền quý, phú gia công tử, bình thường không dễ gì xuất đầu lộ diện.
Nơi vọng lại tiếng nhã nhạc đàn sáo kia là Thì Hoa Quán, càng là nơi nổi danh trong hẻm Bách Thuận này của chúng tôi. Cô nương xinh đẹp trong quán cũng là nhiều nhất, các cô nương do tú bà Nhất Xứng Kim ở đó dạy dỗ ai ai cũng tinh thông cầm kỳ thi họa. Thường ngày ra vào nơi đó đại đa số đều là những danh sĩ phong lưu, quan lại quyền quý có danh phận, quán rượu này của tôi còn nhỏ, không mời được cô nương bọn họ.
Châu Hậu Chiếu phong lưu hoang đường được lưu truyền hậu thế lúc này vẫn chỉ là một thằng nhóc chưa biết gì, hoàn toàn không có hứng thú với nữ sắc, chỉ muốn kêu người đến ca hát mà thôi, nghe nói nhạc kỹ ở đó không diễn ở bên ngoài, lập tức không còn chút hứng thú.
Chủ quán lại nói:
- Tiểu công tử nếu muốn đi xem cho mở tầm mắt, Thì Hoa Quán cũng thât là một nơi tốt để đi. Nơi đó những cô nương đang nổi tiếng như Hương Bảo Nhi, Khả Liễu Nhi đều xinh đẹp vô cùng, tiểu công tử nhân phẩm tuấn tú như vậy, bọn họ nhất định sẽ rất thích đó. Trong Thì Hoa Quán còn có ba tiểu cô nương xinh đẹp hơn nữa, vẫn còn chưa tiếp khách, đều là những thanh quan nhân[3].
Ba cô nương này tuy còn ít tuổi, nhưng đều là những mỹ nữ có vẻ đẹp trời cho. Một người tên là Tuyết Lý Mai, giỏi thổi tiêu; một người tên là Đường Nhất Tiên, giỏi gảy đàn; còn một người nữa là Ngọc Tỷ Nhi, ca múa đều giỏi. Ba người này tài nghệ và tướng mạo đều thập phần xuất chúng, tuổi tác cũng tương đương với công tử đây.
Nghe mấy cái tên Tuyết Lý Mai, Đường Nhất Tiên, Dương Lăng lờ mờ cảm thấy quen tai, tựa như đã đừng nghe qua. Nhớ trong chín kiếp luân hồi của y, kiếp cuối cùng nhập vào xác một ca sĩ nổi tiếng, từng đóng một vai trong một bộ phim liên quan đến triều Minh, dường như lúc đó đã nghe qua mấy cái tên này.
Dương Lăng nghĩ thầm: “Những nhạc kỹ này có thể lưu danh đến hậu thế, chắc cũng là danh kỹ đương thời, lẽ nào bởi vì qua tay Chính Đức, cho nên mới nổi danh? Thế nhưng trong lịch sử trước đây Chính Đức không có lần xuất cung này, phải tranh thủ tên tiểu tử này còn chưa hiểu gì về nữ sắc, lái chuyện này đi, không để cho y sa vào con đường đó.”
Dương Lăng bèn không thèm suy nghĩ đến mấy cái tên nghe quen tai này nữa, vội gắt chủ quán:
- Đi đi đi! Bớt huyên thuyên đi, mấy người chúng ta có gì mà chưa từng thấy! Vị tiểu công tử này của chúng ta tôn quý vô cùng, làm gì có việc hạ thấp thân phận đi gặp một ca kỹ chứ? Mau lui xuống!
Y vốn muốn thổi Chu Hậu Chiếu một tí để y tự thị thân phận bỏ ý muốn nghe nhạc đi, nhưng Chu Hậu Chiếu lại cười tít mắt, dễ dãi:
- Không sao, không sao! Ngươi nói một người giỏi thổi tiêu, một người giỏi gảy đàn, một người giỏi ca múa, vậy ba người này quả là tuyệt phối. Thế nhưng khúc nhạc ta nghe thử này nếu như là do bọn họ biểu diễn thì nhạc lý của họ cũng bình thường thôi.
Bọn người Lưu Cẩn lo lắng phập phồng sợ Chu Hậu Chiếu nhất thời hứng lên, đòi đến đó nghe ca hát. Nghe thấy y nói vậy mới yên tâm, nhao nhao phụ họa:
- Đúng vậy, đúng vậy! Công tử có gì mà chưa từng thấy chứ? Thôi đừng để ý, chúng ta uống rượu nào.
Chủ quán thấy Chu Hậu Chiếu hiền hòa, liền giả lả:
- Lúc này tấu nhạc chưa hẳn đã là các cô nương đó! Mấy vị khách quan không đi xem tài nghệ của bọn họ một lần, về sau muốn đi xem thì thiếu mất một vị rồi.
Chu Hậu Chiếu hiếu kỳ hỏi:
- Tại sao lại thiếu một người?
Chủ quán đáp:
- Nghe nói vị thương nhân họ Nghiêm để ý đến Ngọc Tỷ Nhi cô nương, bỏ ra nhiều tiền mua nàng ta về làm thiếp. Mấy ngày nay Ngọc Tỷ Nhi cô nương đều lấy nước mắt để rửa mặt, rất là đau buồn.
Dương Lăng nghe vậy lấy làm lạ vô cùng, bất giác hỏi:
- Cái gì? Làm gì có chuyện đó? Gả cho người khác làm thiếp cũng tốt hơn cái nghề bán tiếng cười cho người không quen biết, nàng ta có gì mà không vui chứ?
Chủ quán đáp:
- Khách quan chắc rằng ít khi đi lại chốn phong nguyệt, cho nên không biết tập tục nơi đó. Nếu là một cô nương bình thường, có người chuộc thân thoát khỏi bể lửa cho nàng ta, tất nhiên là điều mong mà không được. Nhưng Ngọc Tỷ Nhi cô nương còn trẻ, đã là thanh quan nhân có tiếng tại đây, về sau nhất định sẽ nổi danh. Danh kỹ đều lấy việc gả cho quan gia và văn nhân làm điều vinh dự, nếu ai bị thương nhân mua về làm thiếp thì đó là kết cục tồi tệ vô cùng, làm sao nàng ta cam tâm chứ?
Chu Hậu Chiếu nghe vậy cảm thấy thú vị, y hứng chí vỗ bàn đánh bộp, hạ lệnh:
- Đi! Chúng ta đi xem thử rốt cuộc ba nàng nhạc kỹ này có chỗ nào xuất chúng.
o O o
Chú thích:
[1] Ngũ Thành Binh Mã ty: Năm Vĩnh Nhạc thứ hai (1404) nhà Minh thiết lập Bắc Kinh binh mã chỉ huy ty, sau khi định đô tại Bắc Kinh lập thành Ngũ thành binh mã ty, tức Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc thành binh mã chỉ huy ty, là nha môn hàm Chánh lục phẩm. Mỗi ty lập ra một chỉ huy, bốn phó chỉ huy, một lại mục phụ trách trị an, phòng cháy và khai thông sửa chữa đường phố, vân vân, tương đương với Khu cảnh vệ Bắc Kinh và Cục công an ngày nay.
[2] Nhạc kỹ: Trung Quốc xưa gọi chung những nghệ nhân theo nghiệp âm nhạc, ca hát là Nhạc kỹ.
[3] Thanh quan nhân chỉ những phụ nữ chỉ bán nghề không bán thân, còn Hồng quan nhân chỉ những phụ nữ vừa bán nghề lại bán thân trong chốn hoan trường.