Being deeply loved by someone gives you strength, while loving someone deeply gives you courage.

Lao Tzu

 
 
 
 
 
Tác giả: Tư Mã Tử Yên
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 78
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2068 / 21
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi 65 - Sầu Lên Trường Giang
uan Sơn Nguyệt không khỏi bất bình, cho rằng Ngô Khẩu Thiên có thâm ý mỉa mai rõ rệt. Bởi làm gì có cái quy củ nghịch thường như vậy? Trên đời phàm là nhà tướng số thì ai lại không mong mỏi gặp được khách hàng có quý tướng? Khách càng quý thì thù lao càng trọng, sao lại gặp khách quý mà chỉ lấy thù lao tượng trưng còn gặp khách hèn thì đòi cao giá? Chàng nghĩ, đối với lão ta chàng hết sức lễ độ, ngược lại lão ta đối xử với chàng bằng cách đó, thì đáng hận thật.
Nhưng lão tướng số lại điểm một nụ cười, giải thích:
– Lão phu có cách đoán mạng lạ hơn bất cứ nhà tướng số nào, gặp người quý thì không cần thù lao, gặp kẻ hèn thì đòi rất cao, sự thật là vậy chứ không hề có hậu ý chi cả. Bởi lão phu nghĩ, kẻ hèn thì còn hy vọng chi nữa mà mong biết vận mạng? Kẻ đó làm một việc đèo bòng, lão phu phải đòi nặng cho mà ngán.
Quan Sơn Nguyệt hơi mỉa mai:
– Chỉ sợ tiên sinh hạ thấp giá trị một người để tăng bổng một người...
Ngô Khẩu Thiên cười lạnh:
– Nếu lão phu biết nịnh hót một lần thôi cũng đủ sung sướng trọn đời, làm gì sống cái cảnh lạc phách rày đó mai đây cam chịu mọi thiếu thốn? Bởi chán ghét sự phụng thừa nên lão phu mới ấn định cái quy củ nghịch thường như vậy đó.
Quan Sơn Nguyệt chỉ mỉm cười không đáp.
Ngô Khẩu Thiên tiếp luôn:
– Tuy cái quy củ nghịch thường song rất công bình, công tử ạ. Người có tướng quý thì gặp hung cũng hóa kiết, gặp nguy cũng hóa an, lão phu cần chi phải nói tốt? Không nói tốt thì làm sao đòi thù lao nặng? Còn như những kẻ hèn hạ gặp hung gặp nạn là phải nguy, do đó lão phu cần chỉ điểm cho họ để chuyển hung chuyển nạn thành kiết thành an, lão phu phải suy đoán nhiều hơn, phí công nhiều hơn, tự nhiên thù lao phải xứng đáng với cái công đó.
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Tiên sinh có lý.
Ngô Khẩu Thiên thở dài, lại tiếp:
– Nói cho thông đạo lý chưa chắc có đủ cơm ăn, áo mặc, phàm người biết đạo lý thì ngàn vàng đâu có tiếc, chẳng hạn như công tử đó. Nhưng khốn nỗi, đối với hạng người như công tử thì lão phu lại chẳng thể lấy nhiều tiền, cho nên nghề tuy tinh mà vẫn đói mãi công tử ơi.
Người khách thương «hừ» một tiếng:
– Ai bảo ngươi lập dị? Có đói cũng đáng đời!
Ngô Khẩu Thiên thở dài:
– Lão phu đã nói là cam chịu mà. Thú thật, làm cái nghề này từ bao nhiêu năm qua, lão phu không bảo đảm nổi ngày ba bữa ăn đó.
Người khách thương day qua Quan Sơn Nguyệt:
– Tôi nghĩ nửa lượng bạc chẳng là bao, công tử cứ bố thí cho lão ta đi, thử xem lão ta đoán có đúng vận mạng hay không. Tôi nghĩ rằng lão đang đói lắm đó.
Ngô Khẩu Thiên thở dài lượt thứ ba:
– Đúng vậy, từ hôm qua lão phu chẳng có ăn uống gì. Nhưng ai cho không thì nhất định khước từ, bằng xem vận mạng thì lão phu sẵn sàng, đồng tiền đó là tiền công chứ chẳng phải tiền ăn mày, lão phu vui vẻ mà nhận.
Quan Sơn Nguyệt ướm thử:
– Xem thì xem, song tại hạ xin mời tiên sinh trước khi xem hãy uống rượu đó, ăn thịt đó, ăn uống rồi sẽ xem cũng chẳng muộn.
Chàng đưa tay chỉ rượu thịt bày trước mắt Ngô Khẩu Thiên.
Ngô Khẩu Thiên lắc đầu:
– Không được! Lão phu đã lập chí chẳng bao giờ nhận lộc không công.
Nếu không có cái chí đó thì lão phu đã no từ lâu rồi, đâu đến nỗi mang bụng đói mà xuống thuyền?
Quan Sơn Nguyệt tán:
– Tiên sinh có khí tiết cao quá.
Ngô Khẩu Thiên gằn từng tiếng:
– Nghèo gì thì nghèo, nhất định không thể nghèo khí tiết. Bởi vắng khí tiết là hết còn con người rồi. Lão phu nhờ có nó mà cao mặt sống đến tuần tuổi này đó công tử ơi!
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Cách xem tướng của tiên sinh như thế nào?
Ngô Khẩu Thiên đáp:
– Công tử cứ yên lặng, chẳng cần nói năng gì, lão phu quan sát dung mạo mà đoán. Nếu lão phu đoán sai, công tử có quyền xé nát tấm chiêu bài của lão phu.
Người khách thương lại bật cười vang:
– Xứng đáng chi một tấm bố rách mà bảo người ta phí công mó tay vào?
Ngô Khẩu Thiên chỉnh nghiêm sắc mặt:
– Nó không có giá trị vật chất song nó tượng trưng cho sự sống còn của lão phu, nhờ nó mà người ta sẵn sàng đem tiền đến cho lão phu, thì nó có giá trị tinh thần lắm chứ. Nó nêu rõ sanh ý của lão phu mà.
Quan Sơn Nguyệt đi ngay vào việc:
– Bây giờ xin tiên sinh xem giúp.
Ngô Khẩu Thiên nhìn chàng một lúc rồi đoán:
– Công tử cô đơn ngay từ lúc nhỏ, đôi mày lên đến tận mang tai thế kia là cha mất sớm, cốt nhục phân ly, chỉ như mẹ thì...
Quan Sơn Nguyệt giật mình hấp tấp hỏi:
– Gia mẫu làm sao?
Ngô Khẩu Thiên đáp:
– Lão phu nói ra rồi, mong công tử đừng nổi giận.
Quan Sơn Nguyệt cắn mạnh hai hàm răng, đoạn thốt:
– Tiên sinh cứ nói.
Ngô Khẩu Thiên khẽ vuốt chòm râu, tiếp:
– Lịnh đường và lịnh tôn vốn không có duyên phận với nhau. Lịnh đường lại cũng chẳng có cái phần làm mẹ đối với công tử, sở dĩ hai vị cấu hợp với nhau là vì có sự miễn cưỡng, rồi do sự miễn cưỡng đó công tử mới ra đời. Một cuộc chung hiệp bất đắc dĩ như vậy chẳng bao giờ đem lại hạnh phúc, cho nên có sự thê thảm là lẽ đương nhiên, chẳng có gì phải lấy làm lạ.
Quan Sơn Nguyệt nghe nhói ở tim, bắt buộc phải công nhận:
– Tiên sinh đoán rất đúng.
Ngô Khẩu Thiên lại tiếp:
– Cung mạng của công tử rất là cường mãnh, ở với cha tất khắc cha, ở với mẹ tất khắc mẹ, dù có huynh đệ thì tiếng là huynh đệ song không thật sự là tay chân. Nhìn vào tướng sắc của công tử hiện tại, lão phu đoán là lịnh đường đã...
Quan Sơn Nguyệt lại nghe nhói ở tim một lượt nữa:
– Gia mẫu đã tạ thế rồi.
Ngô Khẩu Thiên thở dài:
– Một cái chết đầy uất hận...
Quan Sơn Nguyệt bật khóc. Rồi chàng bảo:
– Tiên sinh cứ đoán tiếp.
Ngô Khẩu Thiên lại nhìn chàng một lúc nữa:
– Các hạ lúc nhỏ tuy xa rời cha mẹ, song không đến đổi phải lưu lạc điêu linh, và trong những năm sau này các hạ có trải qua nhiều gian hiểm, tuy nhiên mỗi lần gặp nguy cơ là có nữ nhân xuất hiện tiếp cứu.
Lão ta bỏ hai tiếng công tử mà dùng qua hai tiếng các hạ để cho cuộc tiếp xúc có tánh cách giang hồ hơn.
Quan Sơn Nguyệt sững sờ. Chàng phải nhìn nhận lão tướng số này có biệt tài, chẳng như những người đoán mạng khác, tha phương cầu thực, chuyên tán dương bịa đặt mua chuộc khách hàng.
Trong võ lâm người ta có thể hiểu chàng qua những thành tích, còn như lai lịch thầm kín của chàng thì đã có mấy kẻ am tường?
Lão tướng số này nhất định không thể nghe ngóng mà đoán mò.
Ngô Khẩu Thiên nói về việc đã qua xong rồi nín lặng, không nói tiếp.
Quan Sơn Nguyệt đợi mãi, cuối cùng phải cất tiếng hỏi:
– Tiên sinh còn điều chi chỉ giáo nữa chăng?
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười đáp:
– Xem tướng đoán mạng, lão phu chỉ nói được bao nhiêu đó thôi. Còn như các hạ muốn biết gì thêm thì cứ hỏi, lão phu sẽ đoán cho, theo câu hỏi của các hạ.
Quan Sơn Nguyệt suy tư một chút:
– Trong tương lại tại hạ sẽ có một kết cuộc như thế nào?
Ngô Khẩu Thiên trầm ngâm giây lâu:
– Điều này rất khó nói, chiếu theo cung mạng của các hạ thì từ năm hai mươi lăm tuổi trở lên các hạ chẳng có một ngày nào an ninh cả. Các hạ sẽ trải qua đủ ba mươi sáu lần đại kiếp, những gì đã đến với các hạ trong thời gian qua tính lại chỉ mới có sáu lần đại kiếp thôi, còn những ba mươi lần nữa và lần nào cũng có sự đổ máu. Các hạ sẽ qua lọt hết ba mươi lần còn lại hay không, điều đó thì lão phu không thể quyết đoán được.
Quan Sơn Nguyệt trầm lặng không nói một tiếng nào.
Người khách thương buột miệng chen vào:
– Vậy là ngươi không biết đoán cái quái gì cả. Không đoán được họa phúc trong tương lai của người thì còn xưng là tướng số làm chi? Hành nghề như ngươi vậy thì ai mà làm chẳng được.
Ngô Khẩu Thiên chớp mắt:
– Mạng là do trời sanh, vận là do người cải biến, cho nên không thể nào hồ đồ vọng đoán cái đại kiếp sanh tử của một con người. Một ý niệm nhân từ cũng có thể vun bồi cội đức, làm một điều thiện cũng có thể được tăng gia số thọ, trong cái chỗ tối tăm mù mờ có quỷ thần soi xét, thiện ác thể nào thì có nhân quả thế ấy báo ứng hiển nhiên, chúng ta đều là phàm phu tục tử sao dám luận đến thiên cơ?
Quan Sơn Nguyệt tỉnh ngộ:
– Tiên sinh nói phải lắm. Đối với sự việc trong tương lai, tại hạ không dám nghe gì mà cũng chẳng dám nghĩ đến, chỉ theo lòng mình mà hành sự, trong chốn khuất mặt khuất mày có quỷ thần chứng giám, tại hạ cứ đường ngay đi tới thôi.
Ngô Khẩu Thiên vỗ tay reo lên:
– Phải! Nói như thế là đạt cái lý của nhân sanh rồi. Hành sự toàn bằng vào cái tâm, thì ngửa mặt lên các hạ không sợ trời, nhìn xuống các hạ không thẹn với người. Thiên đạo chí công, dù mình gặp hung, hung cũng hóa kiết, bao nhiêu tai họa cũng được giải trừ.
Quan Sơn Nguyệt tiếp:
– Lần này tại hạ theo hướng Tây tìm người, chẳng hay...
Ngô Khẩu Thiên chận đáp:
– Cái điều đó không ứng hiện nơi tướng người, các hạ hãy nói cho lão phu một chữ đi, lão phu sẽ dùng khoa chiết tự mà đoán xem sao.
Quan Sơn Nguyệt không đắn đo:
– Tại hạ chọn chữ Quan đó. Quan sơn vạn dặm...
Ngô Khẩu Thiên nhúng ngón tay vào chén rượu trước mặt, viết lên sàn thuyền chữ Quan hơi lớn một chút, rồi nhắm mắt lại suy tư. Một lúc sau lão thốt:
– Chữ Quan do các hạ đưa ra không có liên quan gì đến việc tìm người cả.
Bất quá người mà các hạ nói là đi tìm đó chỉ dính dáng phần nào vào cái việc mà các hạ muốn hiểu. Nếu thực sự đúng là các hạ đi tìm người thì lão phu xin xé quách tấm chiêu bài này, bỏ nghề luôn.
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp thốt:
– Thì tìm người cũng là để mà hỏi việc.
Ngô Khẩu Thiên lắc đầu:
– Không phải vậy đâu. Phàm về khoa chiết tự thì có mỗi một việc trọng yếu mà thôi, sự ứng nghiệm chỉ liên quan đến sự trọng yếu đó. Giả như các hạ muốn tìm người mà chữ Quan thì không ứng nghiệm cho việc tìm người, như vậy chứng tỏ là các hạ không có ý tìm người, chẳng qua các hạ muốn nói quanh ra ngoài điểm chánh mà thôi.
Quan Sơn Nguyệt phải thầm nhận lão tướng số nói đúng. Tuy cái tâm muốn gặp Lý Trại Hồng tại Vu Sơn, song cái ý thì lại muốn biết sự tình giữa Lý Trại Hồng và Ôn bà được giải quyết như thế nào.
Và cái người thực sự đáng cho chàng quan tâm hơn hết là Ôn bà chứ không là Lý Trại Hồng.
Suy theo đó thì lần ra đi Vu Sơn này có liên quan đến Ôn Kiều hơn là Lý Trại Hồng, và cái người chàng muốn gặp lại là Ôn Kiều dù chàng cứ tưởng đến Lý Trại Hồng.
Chàng phải phục cái tài chiết tự của Ngô Khẩu Thiên. Chàng vòng tay thốt:
– Tiên sinh cao minh quá, thực sự thì tại hạ muốn dọ thám một sự kiện chứ không phải là tìm người.
Ngô Khẩu Thiên cười hì hì:
– Các hạ đùa ác quá, rõ ràng là hỏi việc mà lại nói là tìm người! Làm lão phu rối rắm lên, cứ tưởng là khả năng của mình đi vắng!
Quan Sơn Nguyệt lại vòng tay, nghiêm sắc mặt hỏi:
– Trong chuyến Tây hành này mục đích là hỏi việc, chẳng hay kết quả ra làm sao?
Ngô Khẩu Thiên suy nghĩ một chút:
– Theo sự ứng nghiệm thì sự tình có kết quả đấy, tuy nhiên không phải là ở trước mắt đâu.
Quan Sơn Nguyệt lại hỏi:
– Kết quả như thế nào?
Ngô Khẩu Thiên tiếp:
– Sự hiểu biết của lão phu đến đây là cùng, cứ theo hình thể của chữ Quan thì ngoài là môn trong là uy, đóng cửa lại mà gỡ rối mớ tơ lòng, nếu bền chí kiên tâm thì rồi cũng sẽ thấy đầu mối. Tuy nhiên kết quả có chiều thuận lợi cho các hạ đó, có điều vì là một mớ tơ rối rắm, người trong cửa khó mà tự tìm ra đầu mối, do đó phải thêm sự tiếp trợ bên ngoài. Nhân cái sự trong và ngoài liên kết với nhau như vậy, lão phu đoán là còn nhiều chi tiết khác phát sanh nữa và cái kết quả không thể có trước mắt, mà chỉ phát hiện ở tương lai thôi.
Ngô Khẩu Thiên ngẫm nghĩ giây lâu:
– Do một chữ mà đoán ra bao nhiêu điều vừa nói, kể cũng nhiều rồi, vả lại những điều đó toàn là việc tương lai, chưa biết trúng hay sai, vậy các hạ không nên hỏi nữa, tránh cho lão phu vọng đoán.
Quan Sơn Nguyệt đáp tạ:
– Tại hạ hết sức cảm kích tiên sinh.
Ngô Khẩu Thiên thở dài:
– Muốn lấy một đồng tiền nhỏ mọn sống lây lất qua ngày, lão phu phải nói, nói nhiều miệng khô lưỡi gãy, nghĩ ra cái đạo cầu sanh thật khó khăn thay...
Đến lúc đó, lão ta mới nâng chén rượu uống cạn rồi cầm đũa gắp thịt mà ăn.
Nhịn ăn uống, lão ta nhịn rất hay, chẳng hề tỏ cái vẻ gì thèm thuồng dù đói lả suốt hai hôm liền. Đến lúc ăn uống lão ta cũng hay, một loáng sau là rượu cạn bình thịt sạch dĩa, trọn mâm thịt rượu dành phần cho lão đã được lão dọn rất kỹ.
Ăn uống xong lão lại than:
– Đời người ta quý ở cái nhàn, song cái đó thì đem bán chẳng được một đồng. Uốn ba tất lưỡi hao bao nước bọt chỉ đổi lấy chút ăn chút uống, nhưng lại chẳng đủ no, chẳng biết tiên sướng như thế nào chứ ta thì nghĩ ăn no rồi sướng lắm, nếu hai cái sướng bằng nhau thì kẻ ăn no cũng là một thứ tiên.
Quan Sơn Nguyệt thương hại quá chừng, đẩy chiếc mâm của chàng đến trước mặt lão, tự tay rót cho lão một chén rượu đoạn thốt:
– Tiên sinh cứ ăn thêm cho vừa.
Ngô Khẩu Thiên ngẩng mặt lên nhìn chàng:
– Thức ăn trên thuyền giá phải đắt hơn ở tại đất liền, thì tiền thù lao do các hạ tặng lão phu chỉ vừa đủ một bữa ăn và lão phu đã ăn rồi, không dám hưởng thêm nữa đâu, hưởng như vậy là quá phận, là hưởng cái thứ của không công.
Quan Sơn Nguyệt cau mày, nhận thấy lão tướng số này cố chấp quá độ.
Chàng tìm một cách nào đó nói cho lão ưng thuận mà ăn thêm.
Trong khi đó người khách thương cười chen vào:
– Này cái lão bói! Ta thấy ngươi còn muốn ăn muốn uống nữa, rõ ràng thế mà vẫn làm cao. Tại sao ngươi làm khổ cái dạ dày của ngươi? Thôi đi, người ta cho thì cứ ăn, ăn cho cái dạ dày nó nhờ, nó chẳng có làm chi mà ngươi thù nó.
Ngô Khẩu Thiên lắc đầu:
– Không được! Không được! Đói mà chết là việc nhỏ, còn để mất tiết tháo là việc lớn.
Người khách thương mỉm cười:
– Ta thương hại cho ngươi hết sức. Vậy, ta mách nước cho ngươi nhé. Cứ đoán tiếp cho công tử đi, đoán bừa bãi cũng được, để có cớ mà ăn no.
Ngô Khẩu Thiên chớp mắt:
– Cũng được, nhưng phải đoán nghiêm chỉnh, chứ khi nào ta lại đoán bừa bãi? Thế công tử còn điều chi muốn hỏi nữa chăng?
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút.
Người khách thương lại vọt miệng chen vào:
– Thì ngươi cứ đoán xem công tử sau này phải có mấy vợ cả thảy?
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Đối với vấn đề đó tại hạ không thấy có hứng thú chút nào.
Người khách thương đưa tay chà xát nơi đôi mắt mọng mi, cười hì hì, thốt:
– Công tử nói sao chứ đời con người ta chỉ có ba việc trọng đại nhất là:
ăn, mặc, lấy vợ chồng. Tại sao công tử có ý nghĩ lạ lùng như vậy? Bọn chúng tôi đây nghèo mạt còn cố tìm cách lấy cho được một con vợ, con người có vợ mới là mãn nguyện được chứ, huống hồ công tử nghi biểu phi phàm, bên mình lại thừa vàng vung vãi mà không tìm một cô gái đẹp để bầu bạn sớm hôm, thật đáng tiếc!
Quan Sơn Nguyệt nghe những lời đó như nghe ai chưởi vào mặt mình, bực dọc hết sức, toan cãi, nhưng Ngô Khẩu Thiên đã chận lời:
– Nếu công tử muốn biết việc chung thân thì lão phu sẵn sàng đoán cho, và nhân dịp này lão phu phát tài luôn.
Quan Sơn Nguyệt lấy làm lạ:
– Tiên sinh nói thế là nghĩa làm sao?
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười:
– Làm cái nghề của lão phu ít có dịp phát tài lắm công tử ạ! Bởi chỉ khi nào lão phu đoán việc chung thân thì mới có được một số thù lao quan trọng. Và mỗi lần có ai hỏi đến hôn nhân là lão phu đòi đúng một trăm lạng vàng, nhất định không thiếu!
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một lúc.
Chẳng rõ vì muốn giúp lão tướng số qua cơn vận bỉ hay vì hiếu kỳ trong vấn đề hôn sự, sau đó chàng đưa tay vào mình lấy ra một hạt minh châu đặt trên chiếc mâm trước mặt Ngô Khẩu Thiên, rồi cung kính hỏi:
– Tiên sinh liệu xem nó có trị giá được trăm lạng vàng chăng?
Ngô Khẩu Thiên cầm hạt minh châu xem qua, thay vì đáp, hỏi lại:
– Thật tình các hạ muốn đoán?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Xin tiên sinh chỉ giáo.
Ngô Khẩu Thiên thở dài:
– Về nhân duyên thì... có nhiều nỗi éo le lắm, các hạ vốn được rất nhiều giai nhân mơ ước, nhưng kết cuộc thì... lão phu không nỡ nói cho rõ ràng...
Quan Sơn Nguyệt thản nhiên:
– Tiên sinh cứ nói thẳng, thấy sao nói vậy, tại hạ cũng biết rằng cái việc chung thân của mình chẳng sáng lạn gì cho lắm đâu!
Ngô Khẩu Thiên lắc đầu:
– Không phải vậy đâu! Bất quá người bạn trăm năm của các hạ sau này lớn hơn các hạ mấy tuổi và lại là một quả phụ...
Dĩ nhiên Quan Sơn Nguyệt không tin được lời đoán đó, bởi khi nào chàng lại lấy một quả phụ lớn tuổi hơn chàng làm vợ?
Biết là chàng không tin, Ngô Khẩu Thiên chỉnh sắc tiếp:
– Các hạ không tin thì cứ thu hồi hạt minh châu, đợi khi nào việc ứng hiện rồi các hạ sẽ trao cho lão phu cũng chẳng muộn gì. Dù sao thì việc chưa đến có ai tin được? Lão phu không lấy làm lạ đâu.
Lão cầm hạt minh châu hoàn lại cho Quan Sơn Nguyệt.
Quan Sơn Nguyệt cự tuyệt, thốt:
– Bất tất tiên sinh phải hoàn lại! Tại hạ có lòng khâm phục tiên sinh mười phần, thì chuyện chi mà tại hạ dám nghi ngờ chứ? Chẳng qua, mới nghe thì hơi lạ lùng, có vậy thôi. Sau này khi việc ứng hiện rồi, tại hạ sẽ tìm tiên sinh mà trao thù lao thì biết tiên sinh ở đâu mà tìm?
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười, lắc đầu đáp:
– Không khó đâu các hạ. Việc này theo lão phu thấy, nó ứng nghiệm trong vòng tháng này thôi và có thể là trước khi các hạ rời con thuyền này. Như vậy các hạ có cần gì tìm lão phu ở chốn xa xôi mà ngại?
Quan Sơn Nguyệt lại càng khó tin hơn. Chàng tính toán cuộc hành trình này nếu thuận buồm xuôi gió thì chỉ trong một vài hôm là chàng đến Vu Sơn, không lẽ trong thời gian ngắn đó lại có chuyện lạ xảy ra?
Suy nghĩ một lúc chàng thu hồi hạt minh châu, cất vào mình, rồi thốt:
– Nếu vậy, tại hạ xin chờ xem sự diệu đoán của tiên sinh có ứng nghiệm như thần chăng?
Ngô Khẩu Thiên lộ niềm cao hứng, tiếp:
– Cái hạt minh châu đó cầm như thuộc về lão phu rồi, bất quá chỉ còn chờ đợi một vài hôm là nắm lấy chủ quyền, tùy ý tiện dụng. Lão phu hành nghề từ bao lâu nay, chưa có dịp nào phát tài như hôm nay vậy, thế tất phải ăn mừng mới được! Chủ thuyền đâu? Hỡi chủ thuyền?
Chủ thuyền nghe gọi lập tức bước vào hỏi:
– Quý khách có điều chi phân phó?
Trong thuyền này ai ai cũng biết Quan Sơn Nguyệt là khách sang giàu, chủ thuyền lại càng biết rõ điều đó hơn ai hết. Cho nên câu hỏi của y dĩ nhiên hướng về Quan Sơn Nguyệt.
Quan Sơn Nguyệt đưa tay chỉ Ngô Khẩu Thiên, bảo:
– Chính vị tiên sinh đó gọi chứ không phải tại hạ.
Chủ thuyền hướng qua lão tướng số, gương mặt của y mất vẻ tôn kính lẫn sốt sắng đã hiện ra lúc mới vào. Chẳng những thế, y chỉ nhìn mà không nói, lấy mắt mà hỏi chứ không chịu mở miệng.
Ngô Khẩu Thiên chớp mắt, thốt:
– Hôm nay lão phu muốn thỉnh khách một lần, ngươi hãy đem rượu hảo hạng trên thuyền đến đây, còn bao nhiêu cứ đem hết, thức ăn cũng thế, phải chọn thức ăn thật ngon và đem thật nhiều. Lão phu không hề so đo giá cả chi đâu.
Nhưng chủ thuyền chừng như không tin lắm nên chưa nhúc nhít.
Người khách thương hối thúc:
– Sao ngươi chưa đi?
Chủ thuyền do dự thấy rõ:
– Xin các vị lượng thứ cho, thuyền này chở khách rất nhiều, thức ăn thức uống có hạn, tiểu nhân phải e dè dành giữ lại đó cho tất cả có mà dùng dọc đường...
Y dừng lại một chút rồi tiếp:
– Ở khoang thuyền trước còn có rất nhiều khách quyền quý, nếu không đủ vật thực cho các vị ấy dùng thì các vị ấy sẽ bắt tội tôi.
Người khách thương trừng mắt:
– Các người đó có tiền trả cho ngươi chứ bọn ta không tiền trả hay sao?
Chủ thuyền cười hì hì:
– Quý khách hiểu lầm ý của tôi, tôi muốn nói đến số lượng vật thực tích trữ chứ nào so đo về tiền bạc đâu? Tôi chỉ sợ thiếu cái ăn cái uống trong khi thuyền còn bềnh bồng trên dòng sông chưa đến bến.
Người khách thương «à» lên một tiếng:
– Tưởng gì chứ cái đó thì ngươi lo chi cho mệt, đêm nay thuyền không đổ lại Nghi Đô sao mà ngươi sợ? Lúc đó ngươi sẽ mặc sức mà mua sắm dự trữ thêm...
Chủ thuyền nhếch môi nhưng không cười:
– Tiền đó thì chỉ khi nào đến bến khách mới trả, mà các vị lại đi vào đất Thục xa xôi kia mà. Chúng tôi phải xuất tiền trước mua vật thực cung ứng cho các vị ở dọc đường, dù có ghé lại Nghi Đô cũng chẳng thừa tiền mà mua sắm. Cho nên tôi phải dè dặt cho cái số lượng đồ ăn thức uống tích trữ trên thuyền đủ cho suốt cuộc hành trình.
Người khách thương cười nhẹ:
– Ngươi nói tới nói lui chung quy rồi cũng ló ra cái ý sợ bọn ta ăn uống chịu.
Sao ngươi không nói trắng ra trước đi có phải là gọn không?
Chính hắn mở hầu bao lấy ra một đỉnh bạc ước độ hai mươi lượng trao cho chủ thuyền.
Chủ thuyền sáng mắt lên, cười tít mấy tiếng, quay mình bước ra lo cuộc rượu thịt liền.
Ngô Khẩu Thiên liếc xéo qua người khách thương hỏi:
– Sao tôn huynh hào phóng thế?
Người khách thương nhướng mắt, cười đáp:
– Ta chỉ muốn tỏ sự khẳng khái đối với việc của người khác cho nên ta thay thế ngươi mà ứng trước số tiền đó thôi. Hiện tại thì ngươi phát tài hàng trăm hàng ngàn lượng vàng, ta còn sợ ngươi không trải lại cho ta hay sao chứ?
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười:
– Nếu lời nói của lão phu không ứng nghiệm thì dù tôn huynh có giết chết, lão phu cũng chẳng có tiền mà trả lại.
Người khách thương thản nhiên:
– Chẳng quan hệ chi đó. Ngươi không trả thì vị công tử này cũng trả. Cho ngươi biết, đó là tiền dành dụm của ta từ nhiều năm qua, để lúc tắt thở có mà mua quan tài. Tiền hòm tiền rương, chẳng ai giành giựt đâu!
Ngô Khẩu Thiên «hừ» một tiếng:
– Mời khách là lão phu, sao tôn huynh lại đòi tiền người khác?
Người khách thương bật cười ha hả:
– Vạn nhất ngươi đoán trúng thì ngươi có hạt minh châu và còn lo chi mất tiền? Ngược lại, nếu ngươi đoán sai thì vị công tử này vui không tưởng nổi, với niềm vui đó, công tử dù có mất đi vài mươi lượng bạc kể ra cũng chưa thấm vào đâu!
Ngô Khẩu Thiên cười lạnh:
– Tính toán như tôn huynh thì kỹ quá!
Người khách thương gật gù:
– Chứ sao. Sanh ý bắt buộc ta phải có con mắt tinh tường thấy được những cái mà người ngoài nghề không thấy nổi, nhưng cầm một bàn toán mà gõ lắc cắc, gõ sai là tiêu tan sự nghiệp còn gì?
Ngô Khẩu Thiên trừng mắt:
– Lão phu sợ cái lối tính toán của tôn huynh, vốn ý của lão phu không muốn mời tôn huynh, song vì việc ứng tiền này mà lão phu bắt buộc phải làm một việc trái ý mình rồi đó.
Người khách thương tỉnh bơ:
– Ta cũng biết là ngươi sẽ không đếm xỉa gì đến ta, cho nên phải bắt trước nhịp cầu thông cảm!
Ngô Khẩu Thiên bĩu môi:
– Đừng tưởng ăn uống khỏi trả tiền là khôn ngoan, lão phu e rằng những thứ đó không tiêu hóa.
Bất chợt lão hỏi:
– Tiền đó để mua quan tài phải không?
Người khách thương cười khanh khách:
– Ta đã nói rồi mà!
Ngô Khẩu Thiên lắc đầu:
– Vô ích! Lão phu đã xem qua tướng của tôn huynh rồi, cái số của tôn huynh là chết không đất chôn, làm gì cần đến một cổ quan tài?
Người khách thương vùn vai:
– Ta không tin!
Ngô Khẩu Thiên tiếp:
– Tin hay không tin, tùy tôn huynh. Ngoài ra, lão phu xin nói thêm là tôn huynh không sống hết ngày nay đâu, và theo số thì rơi xuống nước mà chết đó.
Đã vậy, thi thể lại không được toàn vẹn, cá sẽ ăn xác của tôn huynh.
Người khách thương lại cười vang:
– Lúc nhỏ ta cũng có nhờ một vị tướng số xem cho, vị ấy cũng đoán như ngươi và cho rằng ta không sống quá ba mươi tuổi. Nhưng vào năm ta ba mươi tuổi, ta không hề bước ra khỏi nhà, hoặc ra khỏi cửa và ta luôn luôn tránh gần bờ sông, miệng giếng, bờ ao. Rồi ta sống đến ngày nay, có sao đâu? Thế mới biết số do trời định mà việc làm thì do người, giả như số chết sông chết suối, mà mình đừng đi đến sông suối thì còn chết làm sao được?
Ngô Khẩu Thiên lạnh lùng thốt:
– Năm nay tôn huynh được bốn mươi chín tuổi, lại đang ngồi thuyền, đúng là tấu xảo của số mạng. Kiếp vận trước may mắn được qua đi, lão phu suy đoán rất kỹ, lần này thì tôn huynh không thể thoát được đâu!
Người khách thương bật cười ha hả:
– Chết thì chết, có sao đâu? Giả như cái số khiếp phải vậy, thì hai mươi lượng bạc đó cầm như ta chi ra để đãi khách. Số bạc dành mua quan tài, không mua thì đem ra mà đãi rượu các vị kể cũng là một sự tốt. Ta chết tự nhiên chẳng còn biết gì nữa, song tất cả còn sống lại đó cũng chẳng khoan khoái chút nào, bởi các vị ăn uống đó là ăn quan tài uống quan tài, mà ăn uống quan tài thì có thích thú chi cho lắm đâu!
Quan Sơn Nguyệt cau mày, chưa kịp nói gì thì chủ thuyền đã bước vào mang theo quá nhiều rượu thịt.
Mọi người đều hoan hô nghinh đón.
Nhưng theo sau chủ thuyền còn có một thiếu phụ độ ba mươi hơn, vận áo trắng, ngọc giắt, vàng đeo, châu cài.
Thiếu phụ bước đến cạnh Ngô Khẩu Thiên, thốt:
– Gia gia! Nghe nói gia gia đãi khách, chẳng biết gia gia làm như vậy có ý gì? Chúng ta vì hoàn thành nhiệm vụ, cần phải giấu nhẹm hành tung chứ có lý nào lại phô trương rầm rộ như thế?
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười:
– Con đừng tưởng là thần không hay quỷ không biết, thực ra thì đã có người khám phá được thân phận của chúng ta rồi. Tốt hơn, chúng ta cứ đường hoàng ra mặt cho quang minh chánh đại, có giấu giếm nữa cũng vô ích thôi. Này Phụng Nhi, con cứ ở đây uống vài chén rượu với ta.
Thiếu phụ cau mày.
Ngô Khẩu Thiên cười, tiếp:
– Trong khoang thuyền này toàn là rồng nằm cọp núp không đấy, con đừng tưởng họ đều là những bị thịt vô tích sự trên đời. Giả như cái lão thương khách này, con có biết lão ta là ai chăng?
Lão vừa thốt vừa đưa tay chỉ vị khách thương.
Thiếu phụ lắc đầu:
– Con không nhận ra y là ai.
Ngô Khẩu Thiên cười nhẹ:
– Thế là con có mắt nhưng lại không trông thấy Thái Sơn! Y là thủ lãnh ba mươi sáu trại lục lâm trên khắp các con thủy đạo, họ Thương tên Nhân, ngoại hiệu Thiết Toán Bàn, và trong thuyền này hành khách đều là hào kiệt anh hùng trong giới lục lâm thuộc quyền quản hạt của y đó.
Quan Sơn Nguyệt giật mình. Thinh danh của Thiết Toán Bàn Thương Nhân chàng có nghe đến, nhưng từ ngày dấn thân vào kiếp giang hồ đến nay chàng chưa có dịp gặp mặt.
Không ngờ hôm nay lại hội diện ngay trên con thuyền này, và chàng cứ tưởng vị khách thương tầm thường đó chỉ là một hành khách vì sinh kế mà xuôi ngược trên dòng sông, không hơn không kém.
Nhưng thiếu phụ điềm nhiên, chỉ khẽ so vai một chút rồi thốt:
– Thương anh hùng suất lĩnh toàn lực lượng viễn hành như thế này hẳn là có một cuộc sinh ý lớn lao nào đó!
Thương Nhân bật cười ha hả:
– Phải! Nếu chỉ là thứ sinh ý tầm thường thì khi nào tại hạ lại cất công xuất ngoại viễn hành như thế này? Bất quá, cuộc sinh ý này đòi hỏi một sự trợ giúp và tại hạ định kêu gọi đến nhị vị.
Thiếu phụ dửng cao đôi mày:
– Chúng ta cùng chung một mục tiêu thì muốn làm chuyện chi tất phải quang minh chính đại, chứ không nên úp úp mở mở. Tuy nhiên, việc của ai, nấy làm là hơn!
Thương Nhân cười nhẹ:
– Tánh của Phụng cô nương thật là kỳ quái. Thảo nào mà mãi đến nay Hắc Phụng vẫn còn chích bóng cô thân! Không tìm được người phối ngẫu mà tuổi trời thì cứ chất chồng, một sớm một chiều sẽ già đi, cô nương không cảm thấy bồn chồn sao?
Thiếu phụ trầm gương mặt.
Thương nhân mỉm cười, tiếp:
– Nói vậy chứ, chẳng cần chi phải bồn chồn. Lão ta đã bằng lòng trương tấm chiêu bài lên, thay mặt cô nương mà tìm cho một bạn đường, chẳng hay cô nương có muốn xem...
Ngô Khẩu Thiên khoát tay ngăn chận:
– Chuyện dư thừa, chẳng nên nói. Cứ uống rượu! Cứ uống!
Võ Lâm Phong Thần Bảng Võ Lâm Phong Thần Bảng - Tư Mã Tử Yên