"It is possible to live happily in the here and the now. So many conditions of happiness are available - more than enough for you to be happy right now. You don't have to run into the future in order to get more.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 64: Một Phương Pháp Liên Lạc Thần Kỳ!
uổi chiều nay, sau khi hết giờ làm việc. Tôi đang ngồi khoác chân, dựa tường, gõ liên lạc với chị Bắc (chắc cũng đang ngồi như tôi, chỉ cách nhau một bức tường), bất chợt, cửa sổ nhỏ mở.
Tôi hơi giật mình. Khi tôi nhìn lên, cửa sổ con đã đóng, lại có tiếng mở khóa cửa lớn. Tôi chồm vội xuống đất, cứ tưởng là chúng đã phát hiện ra tiếng gõ liên lạc giữa buồng tôi và buồng số 6; nhất là người mở cửa lại là tên Trì, Phó giám thị. Cái mặt y đầy thịt. Cái đầu cắt tóc ngắn. Hai cái môi xám xịt, ngọ ngoạy dưới cái mũi vừa to, vừa sần sùi. Nhất là hai con mắt y trắng nhờn nhợt. Y đứng nhìn tôi một lúc, rồi lại đưa mắt nhìn khắp buồng một lượt.
Tôi thấy rõ tim mình đập mau hơn, chẳng hiểu y muốn gì mà từ nãy cứ lừ lừ chẳng nói. Mãi một lúc sau, với cái giọng miền Trung quả tạ, y mới lên tiếng:
- Anh có cái gì mang ra hết đi!
Tôi cảm thấy hơi hụt hẫng vì sự bất ngờ này. Thật ra, trong tù tôi cũng đã dọn buồng nhiều lần. Nhưng lần này, tôi thấy tiếc nuối cái buồng. Thứ nhất, chính từ căn buồng này, tôi được tha cùm; thứ hai, số 6 và số 4 là hai người bạn tôi mới quen, chưa biết hết về nhau đã phải chia tay. Chia tay không một lời từ biệt. Nhất là, với số 6, người bạn tù mà tôi tin là cuộc chia tay này sẽ làm chị buồn nhiều hơn tôi. Vì chị là đàn bà, lại có tuổi rồi; chắc rằng nước mắt, sẽ còn phải chảy nhiều nữa.
Tôi muốn gõ mấy cái để như lời từ biệt số 6; nhưng tên Trì cứ đứng nhìn, nên tôi cứ phải vờ tìm cái nọ cái kia để kéo dài thời gian. Tôi cứ vờ như xong rồi, ôm bọc đi ra, tới gần cửa lại sực nhớ, quay vào lấy cái bàn chải, rồi tới cái lược, v.v…mục đích mong y đi ra, để tôi gõ vài cái gọi là giã biệt, hoặc vĩnh biệt (?) người đồng chí, và đồng cái nghề “hang một lỗ” này. Chắc y cũng đã hơi sốt ruột nên quay ra. Y vừa quay người, tôi lẹ tay gõ vào tường mấy cái nhè nhẹ.
Tôi ôm đổ chăn chiếu ra khỏi cửa, đừng chờ y chốt và khóa buồng số 5 lại. Tôi đang lắt lay, thấp thỏm, không biết y sẽ đưa tôi đi phương nào? Thì không ngờ! Tại sao lại có thể có hai cái không ngờ xảy ra chỉ trong chốc lát: Y qua ra mở buồng số 11! Buống số 11 lại…đối diện với buồng số 6. Nhưng, một điều khác cũng quan trọng không kém đối với tôi là, buồng số 11 nhìn ra được ngoài sân xà lim. Đã từ hơn một năm nay ở xà lim I này, tôi mơ ước được chuyển qua phía dẫy bên này, có được nhiều ánh sáng vì cửa sổ to phía sau, nhìn ra sân xà lim không bịt gỗ, và quan trọng là được nhìn cái sân, được nhìn cảnh vật bên ngoài (dù rằng cái bên ngoài cũng vẫn là ở trong tù). Nhìn toàn bộ cây bàng, và tôi có thể sẽ biết mọi bộ mặt trong xà lim, một cách rõ ràng nhờ cái sân này; vì buồng nào chả cần phải tắm giặt và rồi phải ra sân phơi quần áo.
Tôi đã vào buồng rồi, lòng vẫn còn bồng bềnh, khấp khởi trong nỗi vui của đường đi rộng mở dần. Không hiểu số 6 có biết tôi được dọn sang phía đối diện không?
Có lẽ, khi chúng nhìn bản sơ đồ giam người ở xà lim I, chợt thấy số 5 và 6 là hai tên gián điệp cùng của Sài Gòn, nên đã nảy ra ý nghĩ là tại sao lại để cạnh nhau “nhỡ chúng liên lạc với nhau bằng “morse” thì sao!”. Vì vậy, chúng đã chuyển tôi sang dẫy đối diện.
Từ ngày tôi vào Hỏa Lò đến nay, ngoài những chuyện to lớn là tự tử và trốn tù ra, những nội quy như liên lạc, hay chuyện trò với các buồng khác, hầu như chúng không hề thấy tôi vi phạm. Hơn nữa, cũng đã gần 4 năm, chúng hành tôi ở những chỗ tăm tối rồi. Bây giờ, chúng cho tôi ra ánh sáng một tí kẻo tôi “củ” một cách vô ích, trong khi tôi còn phải là một con vật, để lao động trả nợ sau này cơ mà.
Đối với tôi, tất cả những chuyện gì đó, sau hãy xét; bây giờ, tôi được chuyển sang đây, khác nào như cá lại mọc thêm cánh, chim lại còn biết lặn xuống nước nữa. Tôi đang vừa vẩn vơ nghĩ ngợi, vừa quét dọn cho sạch sẽ cái buồng (vì đây là nơi tôi vừa tập thể dục, vừa đi bộ giải trí hàng ngày), chợt có tiếng cán bộ từ ngoài cổng xà lim vào.
Tiếng mở cửa sổ nhỏ, từ buồng số 1 đi dần vào tới buồng tôi. Tôi đã biết y là cán bộ Vân, béo ụt ịt, người miền Nam, đang đi kiểm tra người để nhận bàn giao phiên trực. Y mở cửa con rồi, chỉ khép lại chứ không cài chốt phía bên ngoài. Có lẽ để thuận tiện cho y khi đi ‗tua‘ khẽ mở ra, không cần phải mở chốt, không có tiếng động, kiểm tra mà tù không biết.
Tôi chờ cho tới khi y đi ra. Thậm chí, tôi nghe đoán được tiếng bước chân y đi tới đâu, tôi trèo ngay lên sàn nhìn theo phía sau lưng y. Lúc ra khỏi cổng, y còn khép cổng lại.
Bây giờ, phải nói, tôi làm chủ tình hình ở xà lim này. Dù vậy, như tôi vừa trình bày ở trên, trong xà lim sẽ có một vài người nằm vùng, kiểu khổ nhục kế. Nếu không biết điều này, không những bị chân vào cạm, lại còn nguy hiểm hơn vì đôi khi thò cái tư tưởng thật của con tim mình ra, mâu thuẫn với những điều mình đã khó nhọc che dấu và khai báo từ trước tới nay. Để một vài ngày nữa đã, tôi phải kiểm soát được rõ ràng ai là địch, ai là bạn hãy hay.
Ngay tối hôm đó, tôi thử dùng cách liên lạc không tiếng nói. Tấm sắt nhỏ che chiếc cửa con khép hờ, ai không biết, tò mò muốn nhìn ra ngoài, lấy ngón tay mở rộng ra. Đẩy ra thì được, nhưng muốn khép lại như cũ thì ngón tay không thể kéo lại được. Cán bộ trở lại, thấy cánh cửa mở to, biết ngay là tù đẩy ra, sẽ chửi mắng, nạt nộ. Nhưng, nếu khôn lanh một tí, cứ tha hồ đẩy rộng ra, nhìn thoải mái. Nghe tiếng cán bộ sắp vào, dùng một cọng chổi thanh hao (buồng nào chả có chổi) có một cái cành, để làm cái ngoéo kéo lại. Hoàn toàn chủ động, đẩy ra kéo vào theo ý mình.
Do đó, tôi đẩy thẳng ra, vừa để nhìn rõ, lại vừa đưa mũi ra hít không khí bên ngoài trong lành hơn là trong buồng. Tên Vân, người miền Nam, không được quái lắm, cho nên khi kiểm tra phía dẫy buồng đối diện, y mở toác cửa sổ ra. Còn phía bên tôi, khép hờ. Bây giờ, tôi đẩy ra, hai bên cửa sổ nhìn thông thống sang nhau, chỉ cách một lối đi chừng 2 thước. Tôi nhìn sang buồng số 6 thấy im ắng không động tĩnh gì. Như thế này, chứng tỏ chị Bắc không hề biết tôi lại sang buồng đối diện. Có thể vì thấy tôi đi, chị Bắc buồn bã quá, không chịu theo dõi nghe ngóng. Phần khác, cũng có thể chẳng phải ai cũng tò mò tinh quái như nhau.
Tôi chõ mồm ra ho mấy tiếng, rồi nhìn qua lỗ cửa sổ nhỏ mỗi bề 18 cm vào buồng số 6. Vẫn không hề thấy động tĩnh gì. Cũng vì từ trước tôi không ho, nên số 6 không biết tiếng ho của tôi. Tôi không gọi, vì không muốn các buồng chung quanh biết tôi định liên lạc với số 6. Tôi đi bách bộ hàng nửa tiếng đồng hồ, nhìn sang bên số 6, vẫn lặng như tờ. Hàng tiếng đồng hồ sau, cứ loay hoay bực dọc mãi, tôi đã kéo cửa sổ nhỏ lại, đi nằm, thoáng nghe tiếng kéo bô ở bên buồng số 6. Tôi liền bò nhổm dậy, lại đẩy cửa sổ ra, nhìn sang, thấy thấp thoáng một cánh tay trần với một khoảng vai có cái áo lót màu đen. Tôi định ho gọi, nhưng cảm thấy hơi bất lịch sự, nên lại thôi, đành chờ. Chắc rằng, thế nào trước khi vào màn, chị Bắc thế nào cũng phải nhìn ra cửa sổ nhỏ một lần, vì cửa sổ đang mở toang toác ra như vậy. Lúc đó, chắc chị sẽ giật mình khi thấy bộ mặt của tôi, chỉ cách có 2 mét. Thật đúng là đàn bà, chị loay hoay một lúc, rồi giơ tay nhấc cánh màn lên, định chui vào ngủ, không hề nhìn ra ngoài!
Không được! Tôi đành chõ mồm ra ho gọi. Cũng phải ho hai, ba tiếng, tôi mới thấy chị Bắc quay mặt ra. Khi nhìn rõ tôi, phản ứng đầu tiên của chị là luýnh quýnh, rồi vội lấy chiếc áo khoác lên người, làm cho tôi buồn cười. Thế rồi, chị Bắc nét mặt tươi rói, áp sát mặt vào cửa sổ con, cười, nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh, như thể lâu ngày gặp được người bạn thân.
Trong cảnh xà lim vắng lặng, chúng tôi nhìn nhau, không thốt một câu, vì không muốn cho buồng khác biết. Nhưng, chỉ bốn mắt nhìn nhau, mà cũng nói được rất nhiều, tôi cảm thấy như bao nhiêu nỗi niềm ứ đầy trong lòng được vơi bớt.
Tôi cũng hiểu là chị Bắc hoàn toàn tin tưởng nơi tôi đã tinh quái để gác cán bộ, nên thái độ của chị rất bình tĩnh, chị áp mặt vào khung cửa sổ nhỏ mà không sợ hãi gì cả. Như hai người câm điếc, tôi dùng tay ra hiệu ý muốn nói với chị Bắc là: Ngày mai, khi nào tôi “ho 2 tiếng, chị đứng lên sàn” bên đó, tôi cũng sẽ đứng lên sàn bên này, rồi tôi sẽ chỉ chị cách nói chuyện. Chỉ có bấy nhiêu ý, mà hai tay tôi, mắt tôi, vừa múa máy, vừa nháy nhó, mãi chị Bắc mới hiểu. Cứ thỉnh thoảng tôi lại ho hai tiếng, mỗi khi tay phải làm lại, động tác chỉ trỏ như lần trước.
Cũng vừa lúc ấy, thoáng một tiếng động nhỏ bên ngoài sân, tôi vội vàng ra hiệu tay cho chị Bắc vào màn; còn tôi, nhẹ nhàng kéo cửa sổ con lại, rồi cũng lên sàn nằm. Một lúc sau, tiếng bước chân nhè nhẹ đi vào; đến cửa buồng tôi, thấy cánh cửa sổ hé to ra một tí, lại đẩy vào như cũ. Tôi biết nhưng vờ nhắm mắt như đang ngủ say. Tôi tự nghĩ, khi chưa bị bắt, mình còn qua mặt hàng bao nhiêu tên phản gián, huống chi ở đây chỉ có một tên, lại là một tên công an đơn thuần, làm quái gì có nghiệp vụ!
Ngay đêm hôm ấy, tôi suy nghĩ từ những điều kiện thực tế của các căn buồng của xà lim, để tìm ra một kiểu liên lạc tốt nhất. Chỉ một lúc, tôi đã tìm ra được một cách liên lạc hữu hiệu. Xà lim I thật tĩnh mịch và hoang vắng, cho nên chả một tên cán bộ nào lại điên rồ ngồi một mình trong đêm khuya khoắt, để rình mò. Chúng chỉ thỉnh thoảng vào đi “tua”. Bây giờ, tôi ở phía dẫy bên này, lại không bị cùm, có thể nói một cách chắc chắn là nếu tôi muốn, tôi luôn luôn dư sức chủ động nắm được đường đi nước bước ra vào, của bất cứ một tên cán bộ tinh quái nào. Tóm lại, ngay đêm hôm đó, tôi đã tìm ra được một phương thế liên lạc toàn bộ trong xà lim, dù cho có cán bộ ngồi thường xuyên ở bàn trực xà lim chăng nữa.
Sáng sớm hôm sau, ngay khi cán bộ trực chưa đến, tôi đã đứng lên, ho gọi số 6 để thí nghiệm. Số 6 đứng lên hớn hở tươi cười khi nhìn thấy tôi. Với thế đứng của hai người, tôi tính toán hình dung hai thế đứng nhìn nhau, qua hai khung cửa sổ phía trên cửa ra vào. Khung cửa này, bề nằm 60 phân, bề cao 50 phân, có 5 chấn song sắt to, bên trong có ghép lưới thép đan, mỗi mắt ba phân vuông. Như vậy, từ hai khung cửa này, tôi và số 6 nhìn sang nhau, đều thấy một khoảng tường hình chữ nhật theo khung cửa sổ, nghĩa là một tấm bảng 50×60 phân. Vì hơi chéo, nên tôi phải tính toán vị trí của số 6 nhìn “tấm bảng” đó ở bên tôi trên tường. Bằng ngón tay trỏ, tôi chỉ viết chữ in; thí dụ:”CHỊ CÓ NHÌN RÕ KHÔNG?”. Vừa viết, tôi vừa quay lại nhìn chị Bắc. Mặt chị tươi roi rói gật lia lịa. Tôi lại viết “CHỊ VIẾT ĐI”, để tôi điều chỉnh tấm bảng cho tôi nhìn thấy trên tường, bên chị bằng hiệu tay.
Thế là từ đấy, chúng tôi có thể liên lạc với nhau bất cứ lúc nào, dù có cán bộ hay không. Tuy vậy, để bảo đảm an toàn cao nhất, trừ những lúc cần thiết, còn
thông thường tôi để cho cán bộ ra khỏi xà lim, mới nói chuyện. Mật hiệu đã định sẵn. Tôi “ho một tiếng” là “có cán bộ”, chị Bắc chỉ việc ngồi xuống; “ho hai tiếng” là “gọi nói chuyện được”, chị Bắc đứng lên.
Cũng với phương pháp này, ngoài buồng số 6, buồng tôi cón có thể nhìn sang hai buồng ở hai bên buồng số 6 là buồng số 5 và buồng số 7 nữa. Và cứ như vậy, số 5 nhìn sang dẫy tôi cũng được ba buồng là 12 đối diện, và 11, 13 ở hai bên. Rồi, buồng này có thể làm trung gian cho buồng kia, từ đấy, có thể nói chuyện, liên lạc toàn bộ các buồng trong xà lim. Dù cán bộ có ngồi ngay đấy canh, thậm chí có những tên cán bộ mẫn cán tích cực kê ghế ngồi đọc sách hàng mấy tiếng đồng hồ để rình, cũng không bắt được chúng tôi liên lạc với nhau. Tù liên lạc với nhau, phải nói chuyện. Ở đây, dù ngồi cả ngày để canh chừng, chúng cũng chẳng nghe thấy một tiếng; có chăng chỉ là tiếng ho, tiếng khạc mà thôi.
Lúc đó, tôi nghĩ nếu bọn thực dân Pháp ngày xưa và bọn Cộng Sản bây giờ, biết được là có một phương pháp liên lạc chuyện trò với nhau như thế này, chắc chắn chúng không bao giờ thiết kế xây xà lim có hai dẫy buồng đối diện nhau nữa. Mục đích của xà lim là không cho người này trông thấy người kia (trừ trường hợp chúng chủ ý để hai người trong cùng một buồng) để gây áp lực tâm lý. Làm cho tù hoang mang, giao động và không thể hỏi han, trao đổi những khúc mắc khó khăn trong khi cung kẹo. Tâm lý của con người nhiều khi rất lạ kỳ, chỉ cần nhìn thấy một người khác cùng vào nghĩa địa, tha ma với mình, tự nhiên mình sẽ thấy mạnh bạo hơn lên. Nhưng, khi chỉ có một mình mình trong rừng sâu, đêm khuya, với những ngôi mả hoang, là rợn tóc gáy, rùng mình, rồi cảm thấy cô đơn, không có ai bấu víu. Mục đích của xà lim là như vậy.
Chính vì chúng thấy tôi và số 6 ở cạnh nhau không tiện, nên phải cho sang dẫy đối diện. Sang dẫy đối diện, nếu liên lạc mới nhau bằng lời nói, dù canh kỹ đến đâu thì đi đêm mãi, thế nào chả có ngày gặp ma. Hơn nưa, chúng còn có người gài vào nằm thường trực ở một buồng nào đó trong xà lim, ngoài nhiệm vụ chính là moi tin những người cùng buồng. Nói cách khác, sở dĩ, tôi có thể tung hoành, chủ động sự liên lạc, chuyện trò trong cả xà lim I, chỉ vì Cộng Sản chưa biết rõ khả năng của tôi, cũng như những kẻ hở của chúng. Nếu chúng biết, chúng thừa sức hóa giải, thừa sức ngăn cấm tuyệt nọc. Cho nên, để cho đối phương biết được về mình, là điều tối nguy hiểm. Vậy mà, Mỹ, cũng như thế giới tự do cứ tự…vạch áo cho Cộng Sản xem lưng, để rồi vắt chân lên cổ mà chạy.
Từ một người lính, cho đến một người dân bình thường, ai cũng nói, cũng thuộc câu “Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng”; nhưng tôi có thể nói ngay rằng nhiều chiến lược gia, những nhà quân sự cầm quyền của phe ta chỉ đọc phương châm đó như là con vẹt thôi. Còn thực tế, thế nào là hiểu đối phương?
Thế nào là hiểu mình? Tôi dám nói là họ chưa đủ hiểu. Nếu hiểu, đã không phải chạy hết chỗ này, rút hết chỗ kia. Có nói, lại đổ cho lý do này khác… mà không thấy cái khuyết điểm: hời hợt, rỗng tuếch của chính mình.
Khi đã chuyện trò với chị Bắc được mấy ngày rồi, tôi thấy bây giờ cũng thuận tiện cho nên tôi đã nói thật với chị là tôi cũng ở trong Nam ra. Tôi cũng kể sơ qua gần một tháng trời, khi còn ở bên ngoài, tôi đã đấu tranh đầy thủ đoạn với tụi phản gián Hà Nội. Cuối cùng, tôi ngỏ ý muốn chị thuật lại cuộc đời của chị ra sao, mà lại vừa là gián điệp cho Cộng Sản, lại vừa cho Sài Gòn, để bây giờ phải vào xà lim, thân gái một mình thế này?
Tôi nghĩ, cứ mỗi ngày một tí, điều gì cần rõ, tôi lại sẽ hỏi thêm. Sau khi tôi yêu cầu như vậy, mắt chị đỏ lên, mí mắt rung rung, ngấn lệ long lanh chảy dài xuống má, chị làm cho tôi cũng xúc động, phải nhìn ra hướng khác. Vừa thổn thức chị vừa viết, nội dung:
- Như một cơ duyên, tôi rất sung sướng được gặp anh ở đây. Tôi đã suy nghĩ mấy ngày hôm nay. Đời tôi đến đây coi như chấm dứt rồi. Nhưng vì tôi còn một đứa con trai duy nhất hiện vẫn ở miền Nam. Vậy, tôi xin kể lại chi tiết đời tôi, như một lời giối giăng và gởi gấm giọt máu của tôi cho anh.
Tôi nhìn chị viết, đôi vai gầy rung rung, thỉnh thoảng lại đưa chiếc khăn trắng lên chùi mắt. Tôi lại liên tưởng đến đời mình. Chị giối giăng ký thác cho tôi ư? Trong cảnh này, tôi hay chị, ai là người sẽ về lòng đất trước, chị có biết được không? Mặc dù lòng mình đầy vơi những nỗi niềm, nhưng nhìn chòm tóc bạc trên đầu chị, nhìn cái dáng đứng nghiêng nghiêng làm cái cổ chị rụt lại; tôi đành phải đè nổi niềm của mình xuống, để gọi là làm “cái cọc mục cho rêu bám” vậy!
Từ hôm ấy, trừ những ngày chị phải đi cung, bất kể ngày đêm, tôi và chị thường đứng viết “nói chuyện” với nhau. Thậm chí, nhiều lần, tôi còn giúp chị được những ý kiến để hóa giải một phần nào mưu mô, đòn phép của chấp pháp.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen