Số lần đọc/download: 8339 / 239
Cập nhật: 2015-10-31 11:18:07 +0700
Chương 64
R
õ ràng đây là một trò đùa nữa của Swamiji.
Con muốn là Cô Gái Trầm Lặng Ở Sau Đền? Được, đoán xem...
Nhưng đây là điều luôn xảy ra ở Ashram. Ta có một quyết định to lớn trọng đại nào đó về điều ta cần phải làm, hay ta phải là ai, và rồi các tình huống nảy sinh sẽ ngay lập tức hé lộ cho ta thấy là ta hiểu biết quá ít về mình ra sao. Tôi không biết Swamiji đã nói điều đó bao nhiêu lần trong đời mình, và tôi không biết Sư phụ mình đã lặp lại không biết bao nhiêu lần nữa điều đó từ khi ông chết, nhưng dường như tôi vẫn chưa hấp thụ được hoàn toàn chân lý trong phát biểu kiên trì nhất của họ:
“Thượng Đế ngự trị trong ta, cũng như ta.”
CŨNG NHƯ ta.
Nếu có một chân lý thiêng liêng về Yoga thì câu này gói gọn chân lý đó. Thượng Đế ở trong ta cũng như chính chúng ta, đúng như cách ta là. Thượng Đế không hứng thú xem ta trình diễn một nhân cách nào đó để phù hợp với khái niệm lập dị nào đó ta nghĩ, một người sống tâm linh trông thế nào hay hành xử ra sao. Tất cả chúng ta dường như có cái ý tưởng là, để trở nên thần thánh, chúng ta phải có những thay đổi tính cách lớn lao, gây ấn tượng sâu sắc, rằng ta phải chối bỏ cá tính ta. Đây là một ví dụ cổ điển cho điều mà ở Đông phương người ta gọi là “tà niệm”. Swamiji vẫn thường nói là mỗi ngày những người chối bỏ tìm ra một cái gì mới để từ bỏ, nhưng cái họ đạt được thường là phiền muộn, không phải thanh thản.
Ông liên tục dạy rằng khổ hạnh và chối bỏ - chỉ có mục đích tự thân – không phải là cái ta cần. Để hiểu Thượng Đế, ta chỉ cần từ bỏ một thứ - ý thức phân ly với Thượng Đế. Nếu không thì hãy cứ là chính ta, trong bản tính tự nhiên của ta.
Vậy bản tính tự nhiên của tôi ra sao? Tôi muốn học hỏi ở Ashram này, nhưng ước mơ tìm thấy đấng thiêng liêng bằng cách lướt đi lặng lẽ khắp nơi đây với một nụ cười dịu dàng, siêu thoát – người đó là ai vậy? Có lẽ là ai đó tôi thấy trên chương trình truyền hình. Thực tế là, có chút buồn khi phải thú nhận là tôi sẽ không bao giờ là nhân cách đó. Tôi luôn luôn bị cuốn hút bởi những con người tinh tế, như ảo ảnh này. Luôn muốn là một cô gái trầm lặng. Có lẽ chính xác vì tôi không là vậy. Đó cũng là lý do tôi nghĩ vì sao tóc đen, dày lại đẹp đến thế - chính xác vì tôi không có nó, vì tôi không thể có nó. Nhưng một lúc nào đó tôi phải nhu thuận với cái mình được cho và nếu Thượng Đế muốn tôi là một cô gái e thẹn với mái tóc đen dày, Ông Ấy đã tạo ra tôi như vậy, nhưng Ông Ấy không làm thế. Vậy thì, sẽ hữu ích nếu chấp nhận ta được tạo ra thế nào và hiện thân đầy đủ theo đó.
Hay, như Sextus, nhà hiền triết phái Pythagore cổ đại đã nói, “Người khôn ngoan luôn luôn tương tự như chính mình.”
Điều đó không có nghĩa là tôi không thể sùng đạo. Điều đó không có nghĩa tôi không thể hoàn toàn quỳ sụp xuống và nhún nhường trong tình yêu của Thượng Đế. Điều đó không có nghĩa tôi không thể phục vụ loài người. Điều đó không có nghĩa tôi không thể hoàn thiện bản thân như một con người, mài giũa đức hạnh và làm việc mỗi ngày để giảm thiểu khiếm khuyết của mình. Ví dụ, tôi sẽ không bao giờ là một cây quế trúc, nhưng điều đó không có nghĩa tôi không thể nghiêm túc xem lại thói quen lắm chuyện của mình và sửa đổi vài khía cạnh để tốt hơn – làm việc nơi nhân cách mình. Đúng, tôi thích trò chuyện, nhưng có lẽ tôi không cần phải nguyền rủa nhiều, có lẽ tôi không phải luôn tìm kiếm tiếng cười rẻ tiền, và có lẽ tôi không cần nói về mình khá liên miên như vậy. Hay còn một khái niệm triệt để - có lẽ tôi có thể ngừng cắt lời người khác khi họ nói. Vì bất luận tôi cố gắng nhìn lại thói quen ngắt lời của mình một cách sáng tạo ra sao, tôi không thể tìm thấy một cách nhìn nào khác hơn là thế này, “Tôi tin cái tôi đang nói quan trọng hơn cái anh đang nói.” Và tôi không thể tìm ra cách nào nhìn nhận điều đó khác hơn là, “Tôi tin tôi quan trọng hơn anh.” Và điều đó phải chấm dứt.
Thực hiện tất cả những thay đổi này sẽ hữu ích. Nhưng ngay cả vậy, ngay cả với những điều chỉnh hợp lý thói quen hay nói của mình, có lẽ tôi cũng sẽ không bao giờ là Cô Gái Trầm Lặng Ấy. Dù cho bức tranh đó có đẹp đẽ đến mấy và dù cho tôi cố gắng đến mấy. Vì hãy thành thật với nhau rằng chuyện ta đang bàn là về ai đây. Khi người phụ nữ ở Trung tâm Seva ở Ashram phân công cho tôi nhiệm vụ mới là Nữ Tiếp Viên Chính, cô ấy nói, “Chúng tôi có một biệt danh đặc biệt cho vị trí này, cô biết đấy. Chúng tôi gọi đó là ‘Pho Mát Kem Suzy Nhỏ Bé’, vì bất cứ ai làm việc này cần phải bặt thiệp, mồm mp và cười suốt.”
Tôi có thể nói gì đây?
Tôi chỉ chìa một tay ra để bắt tay, yên lặng chào từ biệt tất cả những ảo tưởng mơ mộng cũ mèm của mình và nói với người phụ nữ bên bàn, “Thưa bà – tôi là cô gái của bà.”