Số lần đọc/download: 2068 / 21
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Hồi 64 - Khổ Biệt Ly Tình
T
hấy Quan Sơn Nguyệt sững sờ, không nói năng chi hết, Trương Thanh lại hỏi:
– Quan đại ca hiểu rõ những gì tôi vừa nói đó chăng?
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Thanh muội ơi! Thật sự, ngu huynh chẳng hiểu gì cả!
Chàng thở dài.
Trương Thanh nhếch nụ cười khổ, thốt:
– Trong tình trường, Quan đại ca vướng phải nhiều cảm lụy hơn ai hết, nhưng cuối cùng rồi đại ca cũng tìm được cái bến yên vui mà đổ con thuyền, không còn phiêu bồng trên khổ hải như những ngày qua, thuyền tình gặp bến đỗ, thì khách tình nên xây tổ uyên ương để tận hưởng lạc thú nhân sanh. Ngũ Đài Sơn hiện nay là nơi nhóm tụ những con tim bất toại nguyện, những con tim đó mãi mãi hướng vọng về bốn phương trời, lắng ngóng tiếng nhịp hòa đồng của khách tri âm, thì Ngũ Đài Sơn cũng là nơi mà đại ca không nên bước chân đến đó nữa.
Con người có thể sống với ảo ảnh, với hoài mơ, chứ kiếm kẻ chịu nổi thất vọng khi thực tế hiện ra một cách phủ phàng. Đại ca không nên mang đến cho họ niềm uất tức bị bỏ rơi. Tốt hơn, đừng đến nữa, đại ca!
Quan Sơn Nguyệt nghe lòng tan nát.
Trương Thanh thay mặt tất cả những người trên Ngũ Đài Sơn mà nói, hay mượn cái cảnh huống của những người đó mà gián tiếp nói lên tiếng lòng của chính nàng?
Chàng khoát tay, rít lên:
– Thôi đi! Thanh muội! Đừng nói nữa! Đừng!
Trương Thanh chú mắt nhìn chàng, trong ánh mắt ẩn ướt niềm xót xa lẩn oán trách. Đã nói, nàng phải nói luôn, nói một lần để rồi mãi mãi không nên nói nữa.
Nàng tiếp:
– Trong mấy năm qua, tiểu muội từng lưu tâm đến mọi hoạt động của giới giang hồ, tiểu muội nhận ra, phần lớn những diễn tiến đều bắt nguồn như oan nghiệt của ái tình. Cho nên, tiểu muội dồn nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của các cuộc thanh toán lẫn nhau phát sanh từ hận cừu của tình nghiệt. Từ nghìn xưa, những cuộc tranh chấp giữa giang hồ đều mang tánh chất thế quyền, lợi lộc, đặc biệt trong giai đoạn nầy, chính tình nghiệt là động cơ của mọi hoạt vụ, cái đáng lo hơn, là trong những trận mưa máu gió tanh nầy, lại có đủ từng lớp tuổi bị lôi cuốn vào! May mắn thay, tiểu muội đã thành công phần nào về việc áp chế sự bành trướng đó, và tình hình được lắng dịu bớt đi. Nhưng sự thành công đó, là một thành công giai đoạn hay trong tương lai tiểu muội sẽ chuốc lấy thất bại? Và sự lắng dịu hôm nay sẽ là tạm thời, và khi có cuộc bùng nổ trở lại, khốc liệt hơn gắp trăm ngàn lần...
Quan Sơn Nguyệt vội đáp:
– Thanh muội, ngu huynh đã hiểu ý của Thanh muội rồi, bất quá Thanh muội nên biết cho ngu huynh...
Thốt đến đó, chàng chực nhớ là có Giang Phàm bên cạnh, liền bỏ dở câu.
Lời không thoát được, thì chàng dùng ánh mắt nói thay lời.
Trương Thanh hiểu chàng muốn nói gì, gật đầu, tiếp:
– Quan đại ca yên tâm, tôi thấu đáo ý tứ của đại ca, sở dĩ tôi không hận đại ca là tôi hiểu những uẩn khúc trong tâm tư của đại ca. Tôi chẳng bao giờ có ý đố kỵ Giang cô nương là người từng bầu bạn với đại ca trong những ngày qua cũng như trong những ngày sắp đến.
Quan Sơn Nguyệt vòng tay:
– Thanh muội ơi, người biết nhau, quý ở tấm lòng, Thanh muội hiểu cho ngu huynh như vậy thì suốt đời ngu huynh nhớ mãi. Ngu huynh không còn gì để nói thêm nữa.
Niềm lưu luyến hiện lộ nơi ánh mắt của Trương Thanh, nàng hỏi:
– Quan đại ca sẽ làm gì trong tương lai?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Ngu huynh còn một việc cần giải quyết, xong việc đó rồi, ngu huynh trở về Đại Ba Sơn, giam mình vĩnh viễn trong Quảng Hàn Cung, dứt khoát mọi liên quan với nhân gian thế sự.
Trương Thanh gật đầu:
– Tốt! Tôi không nên cầm chân Quan đại ca lâu hơn, vậy đại ca cứ đi! Bất quá, đại ca nhớ cho rằng chúng ta là một đôi bạn tốt, giả như sau nầy đại ca có cần chi đến tôi, thì cứ...
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Ngu huynh tin rằng chẳng có điều chi quan trọng cần phải làm nhọc đến Thanh muội. Việc của ngu huynh, chỉ tự mình giải quyết được thôi, bất cứ ai trên đời nầy dù thừa tài, dư sức cũng chẳng tiếp trợ ngu huynh được. Tuy nhiên, ngu huynh xin ghi nhớ lời của Thanh muội, và nếu một ngày nào đó, Thanh muội có rỗi rảnh...
Trương Thanh vội chận lời:
– Thì tôi đến Đại Ba Sơn, vấn an đại ca! Nhưng, chẳng biết đến lúc nào mới thuận tiện đây, đại ca?
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Đến lúc nào lại chẳng được? Tại sao Thanh muội hỏi câu đó? Thanh muội nên nhớ, luôn luôn ngu huynh mở rộng cửa đón tiếp Thanh muội.
Trương Thanh nhếch nụ cười khổ:
– Quan đại ca! Tuy tôi không tin là đại ca như con rồng thiêng vẫy vùng giữa trời cao gió lộng, ngao du khắp bốn phương, không câu, không thúc, song tôi lại chẳng biết đến lúc nào thì đôi chân của đại ca phải bị dây tình trói buộc mà dừng lại vĩnh viễn ở một nơi. Cho nên, tôi không định trước thời kỳ trùng phùng.
Nói thực ra, chẳng phải tôi muốn gặp lại đại ca, điều mà tôi muốn thấy là...
Quan Sơn Nguyệt khoát tay:
– Điều đó không thể có!
Trương Thanh không tin như vậy:
– Chưa chắc đâu, Quan đại ca! Lịnh sư đợi đến hai mươi năm dài, mới gặp được cái điều mong gặp, thì dù đại ca có lần lựa cũng thế thôi, bất quá thời gian có dài hơn, đối với lịnh sư vậy đó, chung quy rồi cũng có lúc đại ca giẫm chân lên con đường của lịnh sư. Mọi quyết định hôm nay của đại ca, thời gian có cái bổn phận sửa đổi sau nầy, cho hợp với cái số của đại ca. Con người, ai ai cũng có số hết, đại ca ơi!
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút, đoạn vẫy tay:
– Hẹn gặp lại nhau, Thanh muội!
Trương Thanh trầm buồn, thấp giọng:
– Sẽ gặp lại nhau, Quan đại ca! Chào biệt Giang cô nương!
Đứng bên cạnh Quan Sơn Nguyệt, Giang Phàm nghe đôi đàng vấn đáp với nhau, không hề chen một lời nào.
Đến lúc đó, nàng mới cất tiếng hỏi:
– Trên Ngũ Đài Sơn, còn có chỗ dung nạp một người nữa chăng, hở Trương cô nương?
Trương Thanh giật mình:
– Sao bỗng nhiên cô nương hỏi tôi câu đó?
Giang Phàm biến sắc mặt:
– Câu chuyện giữa cô nương và Quan đại ca mở tâm trí của tôi rất nhiều, và tôi đã nhận ra cái địa phương mà tôi cần đi đến. Tôi xét kỹ rồi, tôi thuộc thành phần mà cô nương đang quy tụ trên đỉnh Ngũ Đài Sơn đó...
Đến lượt Quan Sơn Nguyệt giật mình, chàng hấp tấp hỏi:
– Giang Phàm! Cái địa phương nào mà cô nương định nói đến đấy?
Trương Thanh cũng thốt:
– Giang cô nương ơi! Ngũ Đài Sơn là nơi nhóm tụ của những nữ nhân hờn duyên oán phận, đau khổ vì tình, những kẻ cô đơn chích thân chích bóng, những kẻ sống với mộng ngày qua mà nhường cái thực tại đầy diễm phúc cho một số người được tạo vật ưu ái. Cô nương đã là vợ của Quan đại ca, trong tương lai bao nhiêu phúc hạnh đang chờ...
Giang Phàm lộ vẻ ảm đạm:
– Quan đại ca! Trương thơ thơ! Hai vị đừng lừa dối tôi! Đành rằng tôi chưa từng trải thế thái nhân tình, song ít nhất tôi cũng có cái lý trí, xét người không đúng chứ tôi xét mình nghĩ cũng chẳng sai, tôi không đến nỗi quá hồ đồ.
Trương Thanh sững sờ một lúc:
– Giang cô nương! Tôi chẳng còn biết phải nói gì với cô nương. Dù sao thì tôi không cự tuyệt ý muốn của cô nương gia nhập hàng ngũ những nữ nhân bất đắc chí trên Ngũ Đài Sơn.
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp kêu lên:
– Trương Thanh! Thanh muội...
Trương Thanh chính sắc mặt:
– Quan đại ca! Tôi không có ý phá hoại hôn nhân của hai người đâu.
Nhưng tôi xét ra, cái việc Giang cô nương muốn ly khai đại ca, vị tất là một điều không phát xuất từ chỗ sáng suốt của tâm não?
Quan Sơn Nguyệt muốn nói, nhưng không tìm được lời, lại nín lặng.
Giang Phàm vừa khóc vừa thốt:
– Quan đại ca! Chính tôi muốn ly khai đại ca, tuy cuộc hôn nhân của chúng ta, chỉ mới là khẩu ước, song chẳng vì sự việc chưa thành mà tôi không ghi nhận hảo tâm của đại ca. Suốt đời, tôi vẫn cảm kích đại ca...
Quan Sơn Nguyệt thấp giọng:
– Giang Phàm! Tại hạ không phải là con người phản phúc vô thường...
Giang Phàm gật đầu:
– Tôi biết, Quan đại ca! Đại ca là một người tốt, đành rằng đại ca vì thương hại tôi mà đáp ứng cuộc hôn nhân, song tôi có thể tin được là trong tương lai, đại ca sẽ đối xử tốt đẹp với tôi, mãi mãi tốt đẹp với tôi. Dù vậy, tôi vẫn muốn ly khai đại ca.
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một lúc:
– Tại hạ không khi nào phụ phàng, Giang cô nương...
Giang Phàm khoát tay:
– Đừng quá cố chấp, đại ca ơi! Cố chấp mà làm một việc không hoàn toàn thích hợp với tâm nguyện, thì đâu thể hướng trọn niềm vui. Huống chi, sự ly khai của tôi chẳng có giá trị gì cả, sở dĩ tôi muốn ly khai là vì đại ca cần có tự do để hành động theo ý thích, tôi không muốn mình làm một trở ngăn, ràng buộc, có thế thôi. Tôi sẽ chẳng hối hận về quyết định hôm nay đâu. Tôi noi gương của Trương thơ thơ, vĩnh viễn giữ mãi cái ý niệm tốt đẹp về đại ca.
Trương Thanh đặt tay lên vai Giang Phàm, hỏi:
– Sao cô nương thức ngộ nhanh chóng thế?
Giang Phàm đáp:
– Trước kia, thì tôi còn mù mờ, chưa biết rõ chí hướng của Quan đại ca, giờ đây, nghe hai người đối thoại, tôi mới nhận ra, đại ca chẳng khác nào con thần long, cần có trời cao đất rộng để vẫy vùng, từ trước đến nay, đại ca chưa thực sư yêu một nữ nhân nào, những gì đại ca đã làm, cho người nầy hay cho người kia, đều vì đạo nghĩa bức bách mà làm. Do đó, mình phải xét mình, không nên gây phiền lụy cho ai cả. Do đó, mình phải biết tiến, biết thoái, tuyệt đối không nên làm một người thừa, trước con mắt của bất cứ ai.
Day qua Quan Sơn Nguyệt, nàng hỏi:
– Tôi nói có đúng không, Quan đại ca?
Quan Sơn Nguyệt không đáp.
Trương Thanh rung giọng đáp thay:
– Cô nương không nói sai đâu, chẳng những thế, cô nương còn thấu triệt cái đạo lý hơn tôi nhiều. Quan đại ca vì tôi mà mạo hiểm đến Đại Ba Sơn, khẳng khái đáp ứng kết hôn với cô nương, việc đáp ứng đó dù phát xuất từ cái tâm trí thành, vẫn còn ràng buộc bởi đạo nghĩa, chứ không thể nói là vì tình yêu được.
Đương nhiên, đại ca cũng có dành cho chúng ta phần nào tình cảm, song tình cảm đó không đủ làm thỏa mãn chúng ta, vì nó là thứ tình cảm hào hiệp, không mảy may đượm chất yêu đương! Vì nó không phải là thứ tình cảm mà chúng ta mong muốn, đòi hỏi, đến...
Giang Phàm nhanh miệng chận lại:
– Nên chúng ta chờ đợi trong niềm hy vọng!
Trương Thanh nhếch nụ cười khổ:
– Cô nương còn hy vọng được, chứ cái tâm của tôi thì đã chết từ lâu rồi.
Giang Phàm ngẩng cao mặt, nói:
– Chỉ cần trong tâm của Quan đại ca không có một hình ảnh nào khác, thì chúng ta vẫn có thể hy vọng, Trương thơ thơ ạ! Không nên vội vàng lạnh lòng khi còn một điểm than hồng giúp chúng ta nhen nhúm ngọn lửa yêu đương.
Trương Thanh thở ra:
– Cô nương biết không, tôi quen biết với Quan đại ca từ lâu lắm đó, thời gian quen nhau quá đủ để chứng nghiệm một thái độ, và tôi đã thức ngộ rằng niềm hy vọng dù nuôi dưỡng như thế nào, chung quy nó cũng trở thành sự tuyệt vọng. Bởi thế tôi dừng chân nơi cái chỗ phải dừng, tránh cho mình tiếp tục làm một việc vô ích.
Giang Phàm tặc lưỡi:
– Trương thơ thơ đã giúp Quan đại ca khá nhiều việc, và tình của thơ thơ đối với đại ca cũng rất nặng...
Trương Thanh gật đầu:
– Sự thật là vậy, nếu bằng vào những diễn tiến từ trước đến nay. Nhưng, bắt đầu từ phút giây nầy trở về mai hậu, thì vị tất là như thế, Giang cô nương ơi!
Giang Phàm lắc đầu:
– Tôi hiểu trong tương lai, vẫn chẳng có người nào sánh được với cô nương.
Trương Thanh cắn răng:
– Không có người sánh được với tôi, dù quả thật là như vậy đi nữa, liệu tôi sẽ thu hoạch được gì, khi mà tôi không đủ khả năng làm rung động con tim của Quan đại ca? Không, Giang cô nương ạ, chẳng bao giờ tôi đặt kỳ vọng trong tương lai, tôi đã nói, cái tâm của tôi đã chết rồi!
Giang Phàm thở ra.
Quan Sơn Nguyệt khó chịu quá chừng, chàng buông gọn:
– Các vị nhận định tại hạ như là một kẻ trời sanh ra với tánh tình lạnh nhạt, một con người thiếu hẳn quả tim!
Trương Thanh lắc đầu, nghiêm sắc mặt, đáp:
– Tôi không có ý tưởng đó đâu, Quan đại ca. Mà tôi cũng tin rằng Giang cô nương đồng tâm tưởng với tôi luôn! Bọn chúng tôi xem đại ca là con người đáng kính, chúng tôi không hận đại ca và hằng cầu phúc cho đại ca...
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút:
– Đa tạ các vị! Vĩnh viễn tại hạ cảm kích các vị!
Giang Phàm chính sắc mặt:
– Chúng tôi không muốn đại ca cảm kích làm gì, cũng như chúng tôi không muốn đại ca miễn cưỡng bày tỏ một thứ cảm tình bất đắc dĩ, không bắt nguồn từ cái tâm chân chánh của con người. Tôi đi theo Trương thơ thơ, ở với Trương thơ thơ tại một nơi, ôm ấp cái gì đáng được hoài niệm, bỏ đi những cái phù phiếm, xa rời thực tế. Tôi sẽ sống trong hoàn cảnh đó, đại ca ạ, âm thầm đếm trọn chuỗi ngày...
Trương Thanh điểm một nụ cười:
– Và, khi Quan đại ca tìm được một người lý tưởng, thì chúng tôi sẽ đến mầng cho đại ca gặp được tình yêu chân chánh...
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Tại hạ không tin là sẽ có con người đó, theo tại hạ nghĩ thì trên đời nầy, ngoài hai vị ra, chẳng còn một nữ nhân nào hiểu rõ tại hạ. Không hiểu nhau thì làm sao gọi được là người lý tưởng? Không hiểu nhau thì đâu có thể chân chánh yêu nhau?
Giang Phàm cười nhẹ, thốt:
– Thế thì Quan đại ca trong một ngày nào đó, trở lại gặp bọn tôi, lúc ấy cứ mang theo tình yêu chân chánh, tặng ai thì tặng, người không được tặng trong chúng tôi sẽ chẳng bao giờ đố kỵ, trái lại còn thành thật vui mầng cho người được tặng.
Quan Sơn Nguyệt vòng tay:
– Tại hạ không dám nói trước như thế nào, tuy nhiên, giữa cõi đời nầy, cái gì cũng có thể xảy ra được cả, hiện tại thì tâm tình của tại hạ rối loạn vô cùng, tại hạ không dám hứa là có trở lại gặp các vị hay không. Tương lai dù thế nào đi nữa, cũng sắp xếp mọi việc cho chúng ta...
Trương Thanh nói:
– Quan đại ca nên nhớ, là có tự do hoàn toàn trong sự tuyển chọn ngày sau đấy nhé!
Quan Sơn Nguyệt nghiêm giọng:
– Giả như tại hạ quyết định yêu một người, thì người đó phải là một trong hai vị. Chẳng bao giờ có việc yêu kẻ thứ ba...
Trương Thanh mỉm cười:
– Quan đại ca ơi, đừng vội hạn chế chiều hướng con tim, cứ để cho nó tự do tìm đường thích hợp, mặc cho nó thi hành sứ mạng tìm hạnh phúc chân chánh cho đại ca. Bởi, tình yêu không thể đến với đại ca bằng lý trí, tình yêu không chấp nhận bất cứ sự tính toán nào, có tính toán là có giao dịch, có điều kiện, trong trường hợp đó, tình yêu mất tánh cách thanh cao rồi. Chỉ có con tim thôi, chính nó tìm cái nhịp điệu tương đồng, và chỉ có nó mới không lầm lạc. Giả như Quan đại ca gặp kẻ thứ ba, bọn tôi sẽ không bao giờ oán hận đại ca. Luôn luôn, chúng tôi bình tâm chờ đợi ngày đại ca trở lại...
Quan Sơn Nguyệt nói:
– Còn các vị cũng không nên tự giam mình trong cảnh chết như vậy! Trong tương lai, nếu gặp được một người xứng tâm, vừa ý, thì các vị đừng ngần ngại xây nhịp cầu ái ân, tại hạ sẽ hết sức hoan nghinh quyết định hợp tình hợp lý của các vị. Ngày xuân trôi qua như lá rụng, lá chẳng trở lại cành thì ngày xuân trôi qua rồi là vĩnh viễn ra đi, tại hạ nghĩ các vị cần quý trọng thời xuân, cái thời kỳ mà hương đời ngào ngạt hơn lúc nào hết!
Trương Thanh chỉnh nghiêm sắc mặt:
– Đa tạ Quan đại ca có lòng chiếu cố, song trên đường đời, mỗi người đều có một chủ trương, và chỉ có lúc kết cuộc mới biết được chủ trương của một người đó kiên định hay không, nếu bây giờ, tôi quả quyết ràng, chủ trương của tôi chẳng phải là thứ chủ trương giai đoạn, nó đổi thay tùy tiến trình thời gian, thì chắc là Quan đại ca không tin lắm!
Quan Sơn Nguyệt không dám kéo dài cuộc đối thoại hơn nữa, chàng nhảy lên lưng ngựa, vẫy tay:
– Tại hạ mong rằng lần gặp nhau hôm nay chưa phải là lần cuối!
Chàng cũng chẳng dám nhìn hai nàng, buông xong câu chào biệt, lập tức giật cương, thúc gót vào hông ngựa. Ngựa phi nước đại ngay, thoáng mắt chàng chỉ còn là một bóng nhỏ mờ trên con đường thăm thẳm...
Nhìn theo bóng chàng, hai thiếu nữ man mác, bâng khuâng, lệ không trào mi nhưng lệ ngập cõi lòng.
Lâu lắm, Giang Phàm than nho nhỏ:
– Chàng đã đi rồi! Chàng còn trở lại chăng?
Lệ thảm bị ngăn chận từ lâu, theo tiếng nói trào lên, tuông thành dòng xuống má.
Nàng khóc, Trương Thanh cũng khóc.
Trương Thanh thốt qua mơ màng:
– Nào ai biết được những gì ở tương lai? Cô nương đã buông tay cho cánh chim trời tung mây lướt gió, thì tốt hơn là hãy hủy diệt niềm hy vọng còn lại nơi tâm tư, bởi nó đã trở thành một ảo tưởng rồi, thực tế một khi giả biệt chúng ta thì vĩnh viễn nó không hề quay về dưới hình thức cũ. Còn luyến lưu cố niệm là tự gia tăng cái khổ!
Giang Phàm cũng mơ màng:
– Tôi biết, Quan đại ca xem nghĩa nặng như núi, tôi tin rằng Quan đại ca sẽ trở lại, trong một ngày nào đó, hoặc gần, hoặc xa...
Trương Thanh nắm lấy cương ngựa, nói:
– Hãy cố mà quên chàng đi, cô nương. Cô nương ly khai chàng như vậy, là phải lắm đó. Giả như cô nương có theo chàng khắp bốn phương trời, dù cô nương không bị chàng khinh bạc, song con người đó, chẳng bao giờ cô nương chiếm được quả tim đâu. Bởi chàng...
Giang Phàm thốt:
– Bởi chàng đã dành con tim đó, trọn vẹn cho thơ thơ rồi!
Trương Thanh điểm một nụ cười:
– Phải! Và hiện tại thì con tim đó được chia cho cô nương một phần, bất quá tôi không hối hận, điều đó thì cô nương có thể yên trí. Bởi, sức lực của một cá nhân tôi dù sao cũng yếu, riêng một mình tôi thì tôi không hy vọng gì giữ chàng mãi mãi với mình. Song, có sự trợ giúp của cô nương, thì lại khác, trong tương lai thế nào chàng cũng sẽ trở lại với chúng ta! Trước mắt chúng ta, thời gian chờ đợi chưa biết dài hay ngắn như thế nào, tuy nhiên trên Ngũ Đài Sơn có rất nhiều việc giúp chúng ta hoạt động để quên đi cái nôn nao chờ đợi...
Hai nàng quay đầu ngựa, từ từ trở lại Ngũ Đài Sơn.
Quan Sơn Nguyệt giục ngựa chạy nhanh về phía trước mặt, thỉnh thoảng chàng cũng có quay đầu nhìn lại. Chàng làm sao nở dứt áo ra đi như thế được?
Chàng làm sao không hiểu là hai nàng đang lấy mắt tiễn đưa chàng trên dặm đường dài, nó dài vì hầu như vô định, một con đường vô định thì còn biết đoạn cuối nó ở nơi đâu? Và đến thời gian nào thì chàng đi suốt quãng đường đó?
Hiện tại, ly khai được Giang Phàm, dù sao thì Quan Sơn Nguyệt cũng cảm thấy là mình nhẹ đi một gánh nặng, sự ly khai nàng không gây thêm niềm lưu luyến thiết tha cho lắm. Bất quá ngày nào xuôi ngược có kẻ bên cạnh, chốc chốc đàm đạo một vài câu, đành là tâm tịch mịch nhưng xác vẫn có đôi, hành trình đỡ tẻ. Giờ đây, một thân bôn ba giữa gió bụi cô đơn bao phủ quanh mình, sự đổi thay đó hơi làm cho chàng bùi ngùi một chút thôi.
Nhưng, cái điều làm cho chàng thực sự nhẹ nhàng tâm trí là Trương Thanh đã tỏ ra hiểu biết chàng, nàng phân tách tường tận những uẩn khúc trong thâm tâm của chàng, nàng nhìn vào lòng chàng như nhìn vào mảnh gương và lòng chàng phơi lộ trước mắt nàng...
Ngồi trên mình ngựa, để mặc ngựa giục vó tiến đều, chàng hồi ức lại những gương mặt quen từ ngày tiếp nhận Minh Đà Lịnh, nối nghiệp Lịnh Chủ, dấn thân trên giang hồ, trải qua từ vùng sa mạc vào tận nội địa Trung Hoa, dĩ nhiên chàng soát lại những khuôn mặt nữ.
Bắt đầu từ Trương Thanh là nữ nhân mà chàng tiếp xúc đầu tiên trong đời, chính nàng đã gây nên một cảm nghĩ lạ lùng nơi chàng, lúc đó thì chàng chưa biết nó là cái bào thai của ái tình mà chàng bắt đầu cưu mang cho đến một ngày...
Sau Trương Thanh, là Khổng Linh Linh, đang cơn hôn mê, chàng làm sao biết được Khổng Linh Linh dành nhiều cảm tình cho chàng?
Rồi tiếp đến Lạc Tiểu Hồng, Liễu Y Ảo, cuối cùng là Giang Phàm.
Ngoài ra, chàng làm sao quên được cái vị tiểu cô nương Linh Cô có lẽ giờ đây nàng ấy còn lưu lại Thiên Xà Cốc!
Trong các khuôn mặt quen, chỉ có Linh Cô là nhỏ tuổi hơn hết, có lẽ vì nàng cho rằng mình nhỏ tuổi, nên chẳng dám sớm tỏ lộ cảm tình chứ Quan Sơn Nguyệt thừa hiểu là nàng yêu chàng, yêu tha thiết chân thành.
Trong số đó, có nàng đổi yêu thành hận, quá hận mà muốn giết chàng, giết để vĩnh viễn chàng không về tay ai khác, chứ không vì thù mà chống đối chàng, cũng như không hề tận tụy với môn phái nào mà phải sát hại chàng, với ý chí phục vụ cho môn phái đó.
Nhưng kiểm điểm lại những đoạn tình cảm ở mỗi nàng, Quan Sơn Nguyệt thở dài. Chẳng có một nàng nào làm cho chàng phải xúc động tâm tình một cách vĩnh cửu! Cho nên, từ bao lâu nay, chàng không đáp lại những gì mà các nàng sẵn sàng dâng hiến cho chàng.
Cửa lòng của chàng còn khép chặt, hoặc giả vì chàng khó tánh hoặc giả con người lý tưởng chưa hiện đến với chàng?
Con người lý tưởng đó, đương nhiên phải có tầm mắt siêu thoát như chàng, con người đó không hề tầm thường như những nàng ấy. Về nhan sắc, họ có mỗi người một vẻ, họ là những mẫu giai nhân trên thế gian nầy, song những mẫu đó không hạp với sở thích của chàng, thì còn biết làm sao hơn? Họ trách cứ chàng lạnh lùng, cao ngạo, thì đành vậy, chàng không thể chấp nhận một cách miễn cưỡng!
Rồi chàng tự hỏi:
“Hay là thực sự mình chẳng có con tim?”.
Nhưng, chàng cũng tự tắc trách luôn là cái tao ngộ xứng ý nhất chưa đến với chàng. Chàng miên man với những ý niềm đó rất lâu, cuối cùng cũng chưa dứt khoát được tư tưởng.
Dù sao thì chàng cũng nhìn nhận là bất cận nhân tình ít nhiều, do đó mà tạo thành sự thất vọng nơi những cô nương kia, khiến họ phải hận chàng.
Bỏ đi những suy tư viển vông, chàng trở về thực tại, đặt ra một cái đích cho cuộc hành trình nầy. Chàng định đến Vu Sơn, xem Lý Trại Hồng và Ôn Kiều giải quyết sự tình như thế nào.
Từ đất Tấn vào Thục, ven theo đường là núi non, rừng rậm, lối đi kỳ khu hiểm trở, người đi bộ còn khó khăn, huống chi ngựa?
Phàm đường đi khó, thì hành trình phải chậm, chàng thay đổi chủ ý, bỏ luôn đường bộ, do theo đường thủy mà tiến tới.
Đến địa giới đất Tấn, chàng bỏ ngựa, thuê thuyền, thuận dòng Hán Thủy vào phía đông vùng Ngạc, đến Hạ Khẩu lại phải thay thuyền, theo Trường Giang xuôi về Tây, vào luôn đất Thục.
Từ Hạ Khẩu, chàng may mắn được đáp trên con thuyền khá lớn, hành khách trên thuyền rất tạp nhạp, gồm đủ hạng người, vì chàng đến chậm hơn nên khoang dành cho hành khách hết chỗ, chàng phải ngồi ở khoang sau. Nơi đây, khách lại tạp nhạp hơn.
Thành phần hành khách rất hỗn tạp, gồm đủ kẻ khuân vác, đánh xe, mua bưng, bán gánh, nông dân, tiểu thương, đến những người đi thăm thân nhân, cũng có mấy người rời quê hương, tha phương cầu thực.
Bình sanh, Quan Sơn Nguyệt chưa hề tiếp xúc với những hạng người nầy, bây giờ bỗng nhiên mà được quây quần với họ trên một chiếc thuyền kể ra cũng thú vị. Bởi, cuộc tiếp xúc nầy nói lên những cái mới mẻ đối với chàng. Những cái mà chàng cần hiểu biết, để sau nầy, thoái bước khỏi giang hồ, chàng sẽ không ngỡ ngàng hòa mình vào sanh hoạt với họ.
Người ta thấy chàng ăn mặc tươm tất đều có ý kính nể chàng. Có một vị tiểu thương sẵn sàng nhường chiếu cho chàng, điều đó làm chàng cảm kích vô cùng.
Mùa thu đã qua quá nửa, gió thu càng lạnh, gia dĩ mấy hôm nay mưa thu liên tiếp rơi, không khí buốt giá như vào đông, cái lạnh để gây sầu cho người xuất ngoại đi xa, cho nên hành khách đều có vẻ trầm trọng.
Quan Sơn Nguyệt rạt rào cảm hứng với nỗi xa, niềm gần, lấy bạc gọi chủ thuyền mang đến mấy vò rượu cùng thịt, rồi mời tất cả những kẻ đồng hành cùng chuốc chén.
Thấy chàng có vẻ hào hoa, hành khách lại càng kính nể hơn.
Thật ra, xuống thuyền rồi, Quan Sơn Nguyệt không có việc gì làm, cảm thấy thời gian dài quá, nên muốn cùng mọi người mua vui một lúc bên chén rượu nồng vậy thôi. Thành ra, vô tình chàng tạo một dịp cho mọi người a dua xu mị chàng.
Nhưng rồi chàng cũng không thấy hứng chút nào, mặc dù quanh chàng, ai cũng vui vẻ ăn uống, chuyện trò oang oang.
Chàng ngồi một chỗ, nâng chén rượu uống mà tưởng chừng như nuốt nước lã, cái hứng ban đầu phù du, thoáng hiện rồi thoáng mất.
Nhưng, chẳng phải chỉ có mỗi một mình chàng man mác trầm buồn.
Nơi góc khoang thuyền, còn có một vị khách nữa, vị nầy là một tiên sanh, chuyên khoa bói toán, hình dung khô cằn, mặt đen sạm, có lẽ y đã quá dạn dày sương gió nên con người tiều tụy thảm thương.
Tiên sanh vào lứa tuổi trên dưới lục tuần, nhưng theo sự suy đoán của Quan Sơn Nguyệt, thì con người đó già trước tuổi.
Một tấm biển bằng bố, rách nhiều chỗ, loại biển chiêu hàng có để mấy chữ:
«Ngô Khẩu Thiên lời ngay đoán tướng, nói đâu trúng đó.» Người và vật, trước mặt Quan Sơn Nguyệt, chẳng có gì lạ lùng, nhưng chàng lại chú ý đến nét bút trên tấm bố chiêu hàng.
Nét bút rất hùng vĩ, không kém nét bút của vị Thi Thơ tại Quảng Hàn Cung mà chàng có gặp qua dạo trước.
Thái độ của người đó cũng đặc dị, trong khi mọi người chung quanh ăn uống vui vẻ, thì lão ta lại điềm nhiên ngồi một chỗ, không hề uống, không hề ăn, mường tượng rượu thịt trước mắt lão là đất thó, không mùi vị gì. Gia dĩ, lão nghèo, tấm biển kia, chắc chắn là tự lão viết lên, chứ tiền đâu mà thuê viết? Con người nghèo sao lại không thích uống, ăn, nhất là khỏi phải trả tiền?
Quan Sơn Nguyệt không khỏi chú ý đến lão tiền bối đó. Chàng nhìn lão một lúc, đoạn bước tới trước mặt lão, vòng tay chào, rồi hỏi:
– Sao tiên sanh không ăn uống?
Tiên sanh lạnh lùng đáp:
– Không công mà hưởng lộc, là điều lão phu chẳng bao giờ làm. Chẳng có tiền mua ăn mua uống, thì đành nhịn ăn nhịn uống, chứ không hề tiếp nhận của ai, tiếp nhận như thế có khác nào là ăn mày? Lão phu không thích hưởng thứ của bố thí.
Vẻ mặt đã lạnh lùng, giọng nói lại cao ngạo quá, nhưng Quan Sơn Nguyệt không lấy làm điều.
Chàng dằn lòng được, song những người chung quanh lại không dằn lòng được, họ đã ăn đã uống, như vậy họ là những tên ăn mày sao? Họ hưởng của bố thí sao? Trong số hành khách, một vị thương gia bước ra cao giọng thốt:
– Ngươi là cái quái gì đó mà dám buông lời hỗn xược? Vị công tử này có nhã ý mời...
Y hất cánh tay lên, ống tay áo thụt lại, động tác đó chứng tỏ y sẵn sàng động thủ.
Quan Sơn Nguyệt vội ngăn chặn:
– Mỗi người đều có tự do hành động, theo ý muốn riêng biệt chúng ta không thể cưỡng bách ai...
Người thương khách đó không phục, cãi:
– Lão không tiếp thọ hảo tình của công tử, thì mặc lão chứ, tại sao lão nói năng hồ đồ ngang ngược thế? Bọn chúng tôi là kẻ hưởng sự bố thí của công tử sao?
Quan Sơn Nguyệt phải nhận thương gia đó nói đúng, tuy nhiên chàng mỉm cười, đàn giải:
– Người trong bốn biển, đều là huynh đệ cả, tại hạ mời các vị uống chén rượu nhạt, là để làm quen với nhau, các vị không nỡ chối từ, tại hạ hết sức cảm kích, đó là điều quan trọng. Còn như cái việc nói năng châm chích kia, là sự nhỏ mọn, huynh đài và các vị bỏ qua đi cho. Giận dỗi mà làm gì?
Người khách thương thốt:
– Giọng nói và thái độ của lão ta đáng ghét quá, lão hỗn xược như vậy, phải xin lỗi mọi người mới được cho.
Song phương cãi lẫy với nhau một lúc, Quan Sơn Nguyệt cố giải hòa, sau cùng chàng hỏi:
– Xin tiên sinh...
Lão tướng số chỉ tay vào tấm bố đáp chận:
– Ngoài cái việc đoán mạng ra, lão phu chẳng biết gì cả, công tử muốn hỏi gì khác, thì đừng hỏi mất công, còn như muốn nhờ lão đoán vận mạng, thì trước hết phải ngã giá cho đàng hoàng.
Quan Sơn Nguyệt điềm nhiên:
– Tại hạ chỉ muốn thỉnh giáo quý danh tánh.
Tiên sanh lai chỉ tấm bố:
– Tên họ của lão phu ở trong đó.
Quan Sơn Nguyệt chớp mắt:
– Thế tiên sanh tên là Ngô Khẩu Thiên?
Tiên sanh gật đầu, rồi lão tiếp:
– Công tử muốn xem tướng, xin đưa ra cái giá đi!
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Giá cả, phải do tiên sanh định chứ, sao lại bảo tại hạ nói ra? Chẳng hay tiên sanh muốn nhận bao nhiêu thù lao?
Nhưng, người khách thương chen vào:
– Đừng, công tử! Lão ấy chỉ biết nói bậy nói bạ, xứng đáng chi đó mà công tử lại phí tiền vô ích? Cứ để cho tôi xem trước đi nếu lão nói trúng, thì công tử sẽ nhờ đến lão.
Đoạn y hỏi:
– Đoán mạng cho ta, ngươi lấy bao nhiêu tiền?
Ngô Khẩu Thiên đáp:
– Đoán cho người có quý tướng, ta lấy rất ít thù lao, ngược lại đoán cho bình thường, thì ta đòi thật nhiều tiền. Như ngươi đó, mạng của ngươi chẳng đáng một đồng tiền, xem cho ngươi vừa vô ích vừa chán, ta đòi một ngàn lượng bạc đó.
Thương gia nhảy dựng lên:
– Còn vị công tử này?
Ngô Khẩu Thiên tiếp luôn:
– Công tử có quý tướng, ta chỉ lấy nửa lượng bạc thôi.