Số lần đọc/download: 1600 / 45
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Chương 63: Chuyện Năm Giáp Tuất (1694) Ở Bộ Lại
T
háng 7 năm Giáp Tuất (1694) một loạt các vị quan lớn của bộ Lại như Tả thị lang là Nguyễn Danh Nho, Hữu thị lang là Ngô Sách Tuân và Lại Khoa Cấp sự trung là Nguyễn Đình Trụ... cùng đồng thời bị giáng chức, khiến cho bộ Lại phải một phen lao đao. Xưa bộ Lại là cơ quan chuyên trách việc tuyển bổ quan viên, quyền uy hơn hẳn nhiều bộ khác, bởi lẽ này, đây là nơi thường có lắm chuyện chẳng hay, như hối lộ và nhận hối lộ, quen biết và gởi gắm, nịnh hót và mua chuộc... v.v. Sự kiện tháng 7 năm Giáp Tuất (1694) có thể coi là một ví dụ tiêu biểu. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 34, tờ 33 và 34) viết rằng:
"Tả thị lang bộ Lại là Nguyễn Danh Nho lo việc tuyển bổ quan chức. Có người tố cáo rằng, việc tuyển bổ này nhũng lạm và bừa bãi, phần nhiều không hợp lệ. Quan Hữu thị lang là Ngô Sách Tuân thì tư túi, tự ý tuyển bổ hai người học trò của mình. Việc này buộc phải để triều đình xét xử. Kết quả: (Nguyễn) Danh Nho bị giáng làm Hữu thị lang Bộ Hình, (Ngô) Sách Tuân làm Tham chính Lạng Sơn. Quan Lại Khoa Cấp sự trung là Nguyễn Đình Trụ, do không biết đàn hặc và bắt bẻ việc tuyển bổ ấy, nên bị giáng làm Hiệu thảo. Việc này, có đến hai mươi bốn người bị truy cứu và bị tịch thu giấy cao thân (đại để cũng như quyết định tuyển bổ in sẵn, đồng ý tuyển bổ ai thì họ cứ đề tên người đó vào - ND).
Ngô Sách Tuân tố cáo rằng: Lê Hy khi còn đang làm việc ở bộ Lại cũng tư túi, lén lút làm việc cầu cạnh gởi gắm cho con là Lê Thuyên và cho học trò là Tô Hinh. Việc này cũng được (Chúa) giao xuống cho bầy tôi trong triều đình bàn xét, nhưng lời của (Ngô) Sách Tuân chả có gì làm bằng cớ, cho nên (Ngô) Sách Tuân lại phải giáng làm Đô cấp sự trung.
Nguyễn Đình Trụ từ khi bị giáng chức, được rỗi rãi nên dạy bảo, rèn luyện cho học trò có đến cả ngàn người, nhiều người thành đạt, đỗ đại khoa trước sau đến hơn bảy chục người.”
Lời bàn: Quan lại mà cố ý làm sai chức trách, tư túi hoặc kéo bè kết đảng là tội không thể tha. Việc họ làm vừa khiến cho chính sự rối ren và thối nát, lại vừa xúc phạm đến đạo lí và nhân luân, trên thì hại nước dối vua, dưới thì khiến cho bậc chân tài bị vùi lấp, rốt cuộc, chỉ có lũ tiểu nhân là đắc chí, đáng khinh thay!
Song, xét xử như triều đình đương thời, tốt nhất là không nên xét xử. Nguyễn Danh Nho đang là Tả thị lang bộ Lại (kể như Thứ trưởng thứ nhất của bộ Lại - ND), bị giáng làm Hữu thị lang bộ Hình (kể như là Thứ trưởng thứ hai của bộ Hình - ND). Bộ Hình là bộ chuyên trông coi việc xét xử, án kiện và ngục tụng. Chẳng hay quan lớn Nguyễn Danh Nho sẽ xét xử ra sao?
Ngô Sách Tuân ở triều thì mang tội tư túi, cho đi làm Tham chính ở Lạng Sơn, được toàn quyền quyết định mọi việc cả một vùng biên ải, liệu cái tính tắt mắt tư túi của quan lớn Ngô Sách Tuân có bớt được chăng?
Ra biên ải, Ngô Sách Tuân lại tố cáo quan trong triều, triều đình xét xử, lại đưa Ngô Sách Tuân về giữ chức Đô cấp sự trung ở kinh thành, lôi thôi như vậy, liệu phép nước có đủ sức giúp Ngô Sách Tuân sửa mình được không?
An phận hơn cả là Nguyễn Đình Trụ. Ông về mở trường dạy học, học trò đông, kẻ đỗ đại khoa cũng nhiều. Hồi ấy, người ta đi học là để học làm quan. Chẳng hay, thầy Nguyễn Đình Trụ sẽ giảng giải như thế nào về thành ý và chính tâm, về việc chung thân giữ lòng cương trực?