Làm việc cật lực mà không có tài thì đáng xấu hổ, nhưng có tài mà không làm việc cật lực thì thật là bi kịch.

Robert Half

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 63: Người Nữ Gián Điệp Của Sài Gòn!
uổi trưa hôm nay, gió bỗng nổi nhiều hơn, trời đã lành lạnh, xà lim mới cho mượn chăn. Vì thế sau khi ăn cơm sáng, buổi trưa tôi đã nằm đắp chăn cho ấm, rồi lim dim đi vào giấc ngủ ngày lúc nào cũng không hay.
Một lúc, tôi chợt giật mình tỉnh dậy, vẫn nằm im trong chăn, tôi lắng nghe: Ngoài tiếng gió rung những lá bàng ở ngoài sân, tôi đinh ninh không lầm là có nghe thấy, không những bằng tai mà còn bằng cảm giác, một tiếng động lịch kịch phía sàn bên kia… tường. Nghĩa là bên buồng số 6. Chỗ sàn tôi nằm ở sát buồng số 6. Lạ, số 6 từ nửa tháng nay không có người mà!… Nói chung, xà lim dạo này tương đối vắng, có tới 3, 4 buồng không có người. Chính vì thế, khi nghe thấy tiếng động vào sàn, tôi ngạc nhiên. Nhưng vẫn nằm yên lặng, tôi cố vểnh tai chờ nghe có tiếng động nào khác không?
“ Chả lẽ trong khi tôi đánh một giấc ngủ trưa, có người vào buồng số 6 mà tôi không biết? Tại sao mải không vào, lại… đợi đến khi tôi ngủ mới vào?”, tôi tự nhủ. Rồi lại nghĩ cũng có thể vì mới thức giấc, thần kinh còn đang chơi vơi nên tưởng lầm như vậy chăng?
Cục kịch! Lần này thì rõ ràng rồi! Rõ ràng tiếng động của ai đó nằm bên kia tường giở mình. Phải rồi, một người bạn, một đồng loại, một sinh vật cũng nằm song song với mình, chỉ cách một bức tường dày 20 phân. (Tường ngăn giữa hai buồng dày 20 phân; còn tường trước và sau dày 50 phân).
Để tìm một nguồn an ủi, trong cái vắng lặng heo hút, lẻ loi; tôi rút tay ra khỏi chăn, gõ nhè nhẹ vào tường hai cái: Cạch! Cạch!
Im ắng như tờ. Vẫn chỉ có tiếng gió lướt thướt rì rào chui luồn qua mái ngói. Tôi lại gõ thêm hai tiếng nữa như chào, như gọi người bạn mới, nằm cạnh nhau… Cũng vẫn không có một âm thanh nào đáp lại!
Tôi suy nghĩ: có lẽ, người bạn mới bị bắt vào, tâm hồn còn đang giao động, hoang mang; cho nên ai gõ, mặc ai, lòng đang đảo lộn đất trời, cuộc đời tan tác, vào tù rồi, còn thiết cái quái gì nữa!
Tôi thông cảm với người bạn mới, tâm trạng nghiêng ngả ngược xuôi khi cuộc đời rơi xuống hố, cho nên, tôi lại gõ nữa, như lời thăm hỏi an ủi của một người. Tôi vểnh tai lên nghe ngóng một lúc. Vẫn yên lặng như không có người. Tôi băn khoăn, thấp thỏm, chả lẽ tôi mơ? Hay, buồng bên ấy có…ma!…Nghĩ như vậy thôi, chứ ngay ban ngày, ban mặt…
Tôi thấy mỏi người, liền xoay lại thế nằm quay sang phía khác, không hướng mặt vào tường nữa. Một lúc sau, hai mắt lim dim thả hồn lơ mơ vào giấc tỉnh say. Thình lình, một âm thanh vang lên như tiếng xiết, trượt mạnh vào tường của một vật gì bằng gỗ? Không nằm mơ! Tôi xoay hẳn thế nằm lại, và giơ tay gõ nhè nhẹ vào tường “cạch, cạch!”. Bây giờ thì có hai tiếng gõ đáp lại, rất nhẹ, và thưa. Chính lúc này, tôi cũng không hiểu tại sao, chỉ nghe hai tiếng gõ mà lòng mình thấy vui hẳn lên. Với tay lấy cái lược sừng ở đầu sàn, tôi khua canh cách rốt rít vào tường như reo vui, như vỗ tay chào đón người bạn mới. Bên kia im lặng. Chừng nửa tiếng sau, tôi lại khe khẽ gõ hai tiếng nữa. Cũng có hai tiếng đáp lại, như hiểu ý định tôi nói gì.
Tới bữa cơm chiều. Sau khi lấy cơm vào rồi, tôi cố chờ không ăn vội, lắng nghe. Khi cán bộ mở buồng số 6, lấy cơm xong, cửa đóng; tôi nghe rõ tiếng bát đặt lên cái cùm như tôi bên này. Tôi liền gõ tường liên tục 5, 6 tiếng nhẹ, như ý mời anh bạn xơi cơm. Anh cũng ríu rít gõ đáp lại. Chỉ là những tiếng động thay lời, mà tôi thấy lòng mình hân hoan, ấm áp hẳn lên. Khi ăn xong, tôi cũng gõ, và cũng có tiếng vồn vã trả lời. Rồi trả bát, vào buồng, lại đi nằm. Cứ thỉnh thoảng, tôi lại nhè nhẹ gõ hai tiếng vào tường như muốn hỏi anh bạn buồng bên đã ngủ chưa? Hay có buồn không?… Anh cũng luôn sốt sắng gõ đáp trả lời tôi. Dần dần rồi tôi đi vào giấc ngủ đêm thâu.
Ngủ được một giấc khá dài, tôi chợt choàng thức dậy. Đêm đã khuya, nhớ đến anh bạn nằm sát bên cạnh, tôi lại “cành cạch” hai tiếng thật nhẹ, để nếu đã ngủ, anh bạn cũng không vì thế mà mất giấc. Vẫn thấy hai tiếng trả lời. Rồi, tôi lại thiếp đi; được một chốc, lại tỉnh. Lại gõ, vẫn có tiếng trả lời. Tôi ngạc nhiên. Như vậy là anh bạn bên ấy không ngủ ư? Suốt đêm, cứ lúc nào chợt tỉnh, tôi gõ, cũng đều thấy tiếng gõ trả lời!?…Gần về sáng, tôi thấy thương người bạn cả đêm sầu héo không ngủ được, nên tôi lấy cái lược gõ liên tục 7, 8 cái liền. Vừa như trách anh sao không ngủ, vừa như an ủi đừng buồn nữa. Anh bạn cũng đáp ứng vồn vã như hiểu ý tôi.
Chính vì chẳng nói thành lời, nhất là trong cảnh heo hút, vắng lặng thế này, lòng tôi càng bị lôi cuốn.
Ngày hôm sau, tôi muốn chờ nghe tiếng nói của anh bạn với cán bộ để có chút ý niệm về anh. Nhưng, đến buồng anh, lúc đổ bô, cũng như khi lấy cơm, trả bát, tôi không hề nghe thấy một âm thanh gì khác, ngoài tiếng những bước chân xèn xẹt đi qua lại trước buồng tôi. Vì lòng háo hức, muốn biết về người bạn nằm cạnh buồng, nên chiều hôm đó, đợi khi mở buồng số 6 ra lấy cơm, tôi ghé đầu sát đất, để nhìn qua khe hở, rộng chừng độ nửa phân, giữa mép dưới cánh cửa và nền nhà. Hai đôi bàn chân mờ mờ bước qua trước cửa buồng tôi, một đôi bàn chân dép râu đen đen của tên cán bộ Dư; còn đôi bành chân kia đi dép Thái Lan, quai đỏ. Đôi bàn chân rất trắng và nhỏ…như của phụ nữ làm tôi
giật mình. Phải chăng người nằm phía bên kia, chỉ cách nhau một bức tường dày 20 phân, vẫn đêm ngày gõ chuyện trò với tôi là một người…phụ nữ?…
Vẫn như trước, tôi gõ mời xơi cơm. Ăn xong, lại gõ như chào đã ăn cơm cong. Bây giờ, bất cứ lúc nào tôi gõ là bên ấy lại gõ trả lời ngay.
Đêm hôm ấy, vào lúc nửa khuya, tôi chợt giật mình thức dậy, và tai nghe tiếng nức nở, nỉ non văng vẳng, lẫn vào tiếng gió rít của đêm thâu, nghe thật não nùng. Tiếng khóc, rõ ràng là âm thanh của một người nữ. Thổn thức, nấc lên từng cơn nghẹn ngào như cầu cứu, như van xin sự giúp đỡ của cuộc đời!
Tôi ngồi bật dậy, xác định hướng của tiếng khóc. Đúng là bên buồng số 6. Tôi vội vàng gõ mạnh mấy cái vào tường như hỏi tại sao lại khóc? Hãy nín đi thôi! Không có tiếng trả lời và tiếng khóc cũng ngừng bặt. Để động viên và an ủi, tôi gõ dồn dập thêm mấy cái. Có tiếng gõ trả lời, và đặc biệt là không còn khóc nữa, như hiểu ý.
Tôi suy nghĩ một cách chủ quan rằng, có thể trong khi tôi ngủ, người bạn tù nữ ở buồng bên đã gõ gọi, mà tôi không biết; rồi người bạn tù tự dưng cảm thấy tủi thân, giữa đêm khuya vắng lặng không ngủ được, nghĩ đến thân gái sa chân vào chốn ngục tù. Chung quanh im lìm, heo hút như nghĩa địa tha ma, chỉ thấy bốn bức tường lạnh lẽo và hai cái cùm to đen xì nằm im ỉm. Một nỗi cô đơn dâng lên, chỉ còn biết khóc.
Chợt một ý nghĩ đến với tôi: Người nữ này tội gì? Chính trị hay hình sự? Ở Hỏa Lò đã gần 4 năm, tôi chưa thấy người phụ nữ nào bị giam một mình ở xà lim cả. Phải nói, xà lim lúc ban ngày đã vậy, huống chi ban đêm, nhất là những đêm mưa dầm gió bấc không ngủ được, cứ trằn trọc một mình một bóng trong căn buồng hẹp vắng vẻ, cô liêu, chỉ nghe những tiếng rên la, hoặc tiếng hét trong cơn mê sảng của các buồng khác; ngay đàn ông cũng ít người chịu đựng được nổi, huống hồ là đàn bà. Do đó, thường chúng phải giam hai người để dựa vào nhau những lúc tối lửa tắt đèn; hoặc giả để không vì chán nản và tuyệt vọng quá mức mà nảy ra ý định tự tử. Thế mà bây giờ lại chỉ có mỗi một phụ nữ trong buồng số 6? Buồng này, tôi đã từng ở, và cũng là nơi tôi đã có kỷ niệm trốn tù bất thành. Buồng đó ở đúng chỗ gẫy khúc của xà lim, nên rộng hơn các buồng khác một chút. Vì vậy, nỗi hoang vắng lại càng lớn thêm ra. Một mình, cứ ngồi đấy suốt đêm, ngày, chỉ có thối ruột ra thôi.
Nhận thấy tiếng gõ của mình làm cho buồng số 6 ngưng tiếng khóc, tôi nảy ra ý định phải tìm cách liên lạc được với buồng số 6, để an ủi và hiểu rõ về người bạn tù “láng giềng” này. Nếu liều lên tiếng hỏi, dù có theo dõi được sự ra vào của cán bộ để không sợ bị bắt; nhưng, kinh nghiệm đã qua cho biết, trong xà lim không phải là không có những loại người của Cộng Sản cho vào nằm cùng
buồng, dùng khổ nhục kế, để moi tin, để khai thác cũng như điều tra một người nào đó, hoặc qua những lời đối thoại hỏi han nhau giữa các buồng… Như vậy, che dấu được cán bộ xà lim, nhưng chấp pháp vẫn biết tôi có liên lạc với buồng số 6. Phần khác, buồng số 6 là phụ nữ, các buồng khác họ cũng muốn nói chuyện với buồng số 6, nhưng số 6 không chịu trả lời; vậy càng bất tiện nếu tôi lên tiếng. Tôi nằm nghĩ ngợi, suy tính. Cuối cùng, tôi nghĩ thử đánh kiểu “morse” xem sao, có thể số 6 hiểu lối đánh này. Vì lối này khá thông dụng, ngay trong Hướng Đạo cũng có dạy. Nghĩ thế, tôi lồm cồm bò dậy. Bằng sống chiếc lược sừng nhỏ, với khuỷu đốt ngón tay, tôi hỏi: “Ai đấy?”, im lặng một lúc, rôi tôi nghe tiếng bàn tay xoa xoa lên tường, như trả lời không hiểu.
Vậy là số 6 không biết lối đánh “morse”, tôi hơi nản lòng. Nhưng, chợt nảy ra một phương pháp khác…
Trước hết, tôi gõ nói về ngày bị bắt của tôi. Nếu số 6 thông mình, hiểu được, sẽ trả lời tôi ngày bị bắt của số 6. Đêm khuya, hơi lành lạnh, tôi lấy cái chăn khoác lên người. Rồi bắt đầu, tôi gõ hai tiếng:”Cạch, cạch!”. Sau khi số 6 cũng gõ hai tiếng trả lời như mọi khi, cũng có nghĩa là lúc này số 6 đang lắng tai nghe. Tôi lại lấy sống chiếc lược sừng để gõ, vì tay gõ mãi cũng thấy đau đau. Tôi bắt đầu gõ:”Cạch cạch…24 lần, ngừng lại; gõ tiếp 6 lần, ngừng lại; 1 lần, ngừng; 9 lần, ngừng, 6 lần, ngừng; 2 lần, ngừng. Tôi chờ đợi, nghe bên kia tường có âm thanh rê đi rê lại, hình như của một cái cán quạt thì phải, như có ý nói là không hiểu, chưa hiểu!
Tôi lập lại một lượt như trên. Vẫn tiếng rê ở trên tường. Tôi hiểu “vạn sự khởi đầu nan” là chuyện thường tình; vậy cần phải kiên trì, đừng nản lòng. Từ suy nghĩ này, tôi lại gõ đúng như trên một lượt nữa. Im lặng. Tôi ngồi bên này tường, hình dung ở bên kia, số 6 đôi mắt đang tuy mở, nhưng sẽ chẳng nhìn thấy một cái gì rõ, chỉ vì óc đang bận suy tính về những tiếng gõ của tôi ở trên tường. Chợt, tiếng cán quạt đập rối rít vào tường một lúc, rồi ngừng lại. Và bắt đầu gõ: 24-6-1962. Mắt tôi lúc này hẳn sáng lên, tay tôi cũng cuống quít đập cả lược, cả tay vào tường (dĩ nhiên tôi cũng kềm chế để âm thanh tiếng đập cũng như tiếng gõ không quá lớn đến độ các buồng khác cũng nghe thấy rõ). Vừa mừng vì số 6 đã hiểu; lại vừa thích thú vì số 6 tỏ ra thông minh. Sau đó, số 6 gõ hai tiếng:”Cạch cạch”. Tuy không quy định, nhưng tự nhiên hai tiếng gõ bây giờ như thay cho hai tiếng gọi nói chuyện. Tôi đáp lại hai tiếng như trả lời: “Sẵn sàng”! Rồi, số 6 gõ “25 (ngừng” 9 (ngừng) 1965. Tôi đập chiếc lược lia lịa vào tường mừng rỡ. Như vậy, số 6 đã bị bắt hơn một tháng rồi. Hôm nay, 18-10-1965. Và, cũng có nghĩa là số 6 đã hiểu tôi bị bắt đến nay đã 3 năm rưỡi rồi.
Tôi gõ tiếp: Ngày, tháng, năm sinh của tôi. Tôi được trả lời: Ngày, tháng, năm sinh của số 6. Số 6 năm nay đã 37 tuổi. Hơn tôi những 10 tuổi.
Điều buồn là đến đây, cách nói chuyện kiểu này gặp trở ngại. Tôi muốn hỏi tên số 6, và bị bắt về tội gì, v.v… nhưng đành chịu. Thật là tức, suốt đêm ngày ngồi không, mà chẳng nói chuyện với nhau được.
Bần thần nghĩ ngợi một lúc, chợt trong đầu tôi lóe lên một tia sáng. Phương pháp này tuy hơi mất công lúc đầu; nhưng khi quen, cũng tạm được. Ngay “morse” khi mới tập, cũng nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Nhưng, cứ dùng mãi, đánh mãi, sẽ quen và trở thành gần như nói chuyện bình thường vậy. Muốn nói chuyện tạm được với nhau, cách gì cũng phải qua vần a, b, c…Ở đây, hãy dùng vần chữ Việt, 23 chữ cái: A, B, C, v.v… Vậy A: 1, B: 2, C: 3, v.v… cho tới Y: 24. Để giản đơn và ngắn gọn hơn cứ 10 là một tiếng “thình” của gót bàn tay đập vào tường. Thí dụ: Chữ “Y” là thình thình, cạch, cạch, cạch, cạch. Chữ “K” là thình; chữ “N” là thình, cạch, cạch, cạch, v.v…
Sau khi nhẩm tính xong, vấn đề kế tiếp là làm sao để số 6 cũng biết như mình. Tôi hiểu số 6 cũng đang tức bực, không biết cách gì để hỏi và nói chuyện với tôi.
Bắt đầu, tôi gõ “cạch, cạch” là tiếng gọi “nói nhé?”; và sau khi số 6 đáp trả hai tiếng “sẵn sàng!”, tôi gõ “cạch”, rồi nói to:”A…À…À…”; “cạch, cạch” lại hô “Bê…ề…ề…”; “cạch, cạch, cạch” lại hô “xê…ề…ề…”. Tôi ngừng, lắng nghe, âm thanh cái cán quạt bên số 6 rê đi rê lại trên tường một cách chậm chạp. Tôi lại làm như trên một lần nữa. Một lúc, một lúc, bỗng tiếng cán quạt đập liên hồi vào tường. Rồi số 6 gõ lại:”Cạch (ngừng); cạch, cạch (ngừng); cạch, cạch, cạch (ngừng); cạch, cạch, cạch, cạch (ngừng).
Tôi cũng đập rối rít; thậm chí cả gót chân của tôi cũng rung rung, đập đập xuống sàn cho số 6 thấy nỗi vui mừng của tôi. Sau đó, tôi gõ: 5 cạch, 1 cạch, 1 thình 1 cạch, 7 cạch; rồi lấy cái sống lược kéo một cái trên tường nghĩa là sang chữ khác: 3 cạch, 8 cạch, 9 cạch, 1 thình 3 cạch, 8 cạch, kéo lược. Ngừng một lát, bên số 6 cứ xoa xoa tường, ra vẻ không hiểu. Tôi lập lại lần nữa. Số 6 rối rít gõ lại cho tôi…
Tôi được biết tên số 6 là: Đào Thị Bắc, Bằng phương pháp cổ lỗ sĩ ấy, tôi và chị Bắc say mê nói chuyện với nhau đêm ngày; trừ lúc ăn cơm hay đi đổ bô thôi. Đêm nào cũng thức khuya để nói…chuyện. Một điều tôi không tưởng tượng được chị Bắc lại là…gián điệp của Sài Gòn.
Bốn, năm ngày đầu còn chậm chạp, khó khăn để hiểu nhau; nhưng sau đó, nghe gõ là đã biết ngay chữ gì. Hơn nữa, có nhiều chữ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện, chúng tôi gõ “tắt”, nên càng nhanh hơn. Thí dụ: Chữ “Bình”, chỉ cần gõ chữ “B”, và “Ba”; là “Bắc”; hoặc “CP” là “chấp pháp”, v.v…
Sau khi biết được chị Bắc là điệp viên của Sài Gòn và cũng là điệp viên của miền Bắc nữa, tôi càng ngạc nhiên. Như thế, chị Bắc là loại gián điệp “hai mang” ư? (Agent double). Tôi hỏi, chị lại bảo là không phải. Rất nhiều điều tôi muốn biết rõ về chị; nhưng phương pháp liên lạc này không cho phép hỏi được nhiều, nhất là chờ thời gian, nghĩa là hỏi dần dần, vì dạo này, chị thường phải đi cung luôn.
Những lúc chỉ đi cung, tôi nằm trong buồng lại thấy buồn. Kể cũng kỳ, trước đây, cứ một mình lùi lủi mấy năm trời có sao đâu; thế mà những lúc chị đi cung, tôi thấy như thiếu vắng một người bạn tâm tình đồng chí. Tôi nghĩ đến buồng số 4. Một điều vui mừng là anh chàng này cũng tỏ ra rất thông minh. Tôi chỉ giải thích vài lần, anh và tôi đã nói chuyện được rồi. Tên anh là: Nguyễn Lân, ở Quảng Bình, anh cũng cùng tuổi với tôi. Bố anh là liệt sĩ trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Anh là sinh viên du học ở Roumanie. Anh mới bị bắt, và bị đưa vào Hỏa Lò ngay.
Về phần tôi, vì sự việc dài giòng, phức tạp, cho nên tôi chỉ nói với anh tôi là giáo viên Cấp II ở Phủ Lý. Chỉ có tên tuổi là tôi nói thật thôi. Ngay cả với số 6, tuy tôi đã biết chị là đồng chí, đồng nghiệp, nhưng tôi cần tìm hiểu thêm nhiều về chị Bắc đã; bây giờ cũng cứ tạm nói là giáo viên. Rồi dần sau tôi sẽ nói thực.
Tự dưng, tôi nôn nao muốn nhìn thấy con người thực của chị Bắc ra làm sao. Đến ngày Chủ Nhật đó, tên Bằng trực. Tôi chỉ theo dõi một lúc, đã nắm được hướng đi nước bước của y. Cứ mở cửa một buồng xong, y lại trở ra bàn ngồi; trong 5, 10 giây sau, người tù trong buồng mới ôm bô đi ra. Có khi y đã ra tới gần bàn, trong này người tù mới ra khỏi buồng. Có thể, y muốn ra ngay để khỏi phải đi cạnh một anh tù hôi hám, lại ôm cái bô thối hoang. Vả lại, y vừa ra tới bàn đã đứng quay lại nhìn tù ôm bô ra rồi. Có thể y nghĩ là như vậy thì tù làm sao có thể liên lạc với nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó được.
Vì nắm được như thế, cộng thêm sự háo hức muốn nhìn mặt của số 6, và lại không muốn báo trước cho số 6 biết; cho nên, khi tên Bằng mở buồng số 6, tôi đã chuẩn bị trước, trèo đeo ngay lên khung cửa sổ lớn phía trên cửa ra vào. Mặt tôi giô lên, lộ ra ở chiếc khung có lưới thép. Trèo lên đứng kiểu này không phải dễ; phải có một cánh tay và một cái chân khỏe mạnh đủ để có thể chịu đựng sức nặng của cả cơ thể.
Số 6 ôm bô ra đi; tôi phải công nhận “trường” mắt của số 6 tương đối bén nhạy. Mặt tôi cao hơn số 6 đến 1m2, 1m3; thế mà số 6 đã ngửng lên trong khi ôm bô đi ra. Bốn mắt nhìn nhau, chả dám nói một câu. Bỗng số 6 cúi ngay xuống, có thể tên Bằng đã từ ngoài nhìn vào, tôi vụt tụt xuống. Lòng bâng khuâng nghĩ ngợi về con người của chị Bắc.
Mặt chị hơi dài, da trắng, môi dưới hơi thưỡn ra. Trên đầu chị, phía trước bên trái có một chùm tóc bạc giữa những lọn tóc đen buông xõa phía sau vai. Chị mặc một chiếc áo trắng, quần đen, như người nửa tỉnh, nửa quê. Nhưng, tôi cũng hiểu, quần áo đây chỉ là cách trang bị cho một “vỏ bọc” sống ở môi trường miền Bắc mà thôi.
Có một điều tôi hơi băn khoăn, là, khi bất chợt chị nhìn thấy tôi, đôi mắt chị sáng lên, tỏ ra một sự vui mừng như lâu ngày mới gặp lại người thân; nhưng ngay sau đó, một nỗi buồn như chiếc màn đen bỏ xụp xuống khuôn mặt của chị. Vì sao thế? Tôi chả hiểu được. Vì vậy, khi chị từ nhà tắm về, tôi im lặng không gõ nữa; và chị… cũng im luôn.
Chẳng hiểu vì lý do gì, làm như là thi gan với nhau, không ai chịu gõ gọi nhau nữa. Cho đến suốt bữa cơm chiều, tôi ăn xong, trả bát, sang gõ hỏi anh Lân mấy câu, rồi chào đi nằm ngủ… Mãi tới khoảng 10 tối, thoáng nghe có tiếng người khóc nức nở, trước nhỏ, sau to dần, tôi bò dậy lắng nghe. Thì ra tiếng khóc của chị Bắc. Đã từ nửa tháng nay chị không khóc; bây giờ tại sao lại thổn thức trong đêm khuya? Nếu là một người có lập trường ý thức chính trị rõ rệt, thì ngay gặp một người phụ nữ bình thường trong cảnh này, tôi cũng phải tìm mọi cách, tùy theo điều kiện, để an ủi, giúp đỡ; huống chi đây là một đồng chí, một chiến hữu, vừa là một đồng nghiệp của mình. Vì vậy, tôi không nghĩ ngợi lôi thôi nữa. Tôi gõ cành cạch hai tiếng để gọi. Im lặng. Một lúc, tôi lại gõ hai tiếng. Lần này, chị Bắc đã trả lời, mặc dù rất nhẹ và rời rạc.
Tôi hỏi: “Tại sao chị khóc?”. Chị trả lời: “Buồn, nên khóc”. Tôi chỉ biết khuyên chị hãy nhìn cảnh tôi, để mà vui. Tôi đã bị bắt từ hơn 3 năm rồi, mà vẫn còn nằm ở buồng tối đây này. Vả lại, buồn có giải quyết được vấn đề tha sớm hay muộn đâu. Do cách gõ, cho nên tôi chỉ nói được vài ý, mà cũng nói không hết, thường người nghe phải cố suy đoán thêm.
Nói chung, sau đó chị hết khóc. Và những ngày sau, tôi và chị tiếp tục gõ thăm hỏi nhau đêm, cũng như ngày.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen