No entertainment is so cheap as reading, nor any pleasure so lasting.

Mary Wortley Montagu

 
 
 
 
 
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: Lam Thien Thanh
Số chương: 75
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11215 / 79
Cập nhật: 2014-11-20 23:22:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 63
rước thái độ gay gắt của vua Thành Tôn, Mạnh Sĩ Nguyên không dám ứng đáp vội, chỉ đứng im bấm trán nghĩ thầm
“Đã đến nước này, nếu ta không liệu lời tránh trở thì thế nào cũng vương trọng tội”
Nghĩ đoạn, lão quỳ mọp xuống tâu:
- Muôn tâu bệ hạ. Cũng bởi hôm mùng năm, Lệ Thừa tướng đến thăm bịnh cho vợ của hạ thần rồi thấy bịnh nhân mê sảng nên mới tự xưng ra như vậy. Đó là tại Thừa tướng tự xưng là con gái hạ thần, nên sau đó hạ thần mới tỏ thật cho cha con Trung Hiếu vương biết, chớ hạ thần không dám bịa đặt, mong thánh thượng xét cho.
Vua Thành Tôn lại hỏi vặn:
- Thế thì khanh có dám chắc rằng Lệ Thừa tướng là con gái của khanh không? Nếu quả thật, khanh cứ việc nói thẳng ra, việc gì mà phải e ngại.
Mạnh Sĩ Nguyên bối rối thưa:
- Muôn tâu bệ hạ, lẽ thường không có mối tình nào mật thiết cho bằng tình cha con, song khi con gái lớn lên thì phải ở riêng phòng, lại ít ra ngoài, nên làm cha hay làm anh cũng đều ít trông thấy mặt. Hơn nữa, con gái của hạ thần trốn đi từ năm mười sáu tuổi, đến nay cách đã bốn năm dài, mà hạ thần thì già nua, con mắt trông không rõ lắm, nên dầu có thấy cũng khó mà phân biệt chơn giả.
Vua Thành Tôn lắc dầu, phán:
- Khanh thật lôi thôi quá. Việc ấy đã không dám quả quyết được, sao lại dám đi nói với người khác? Lệ Thừa tướng đã muốn cứu sống tánh mạng vợ khanh nên ép lòng tạm nhận là con gái, đáng lẽ khanh phải thông cảm và biết ơn mới phải, có đâu lại vô tình làm mất thể diện người ta đến thế?
Nói đến đây, vua Thành Tôn vỗ long án, hét to:
- Từ khi trẫm lên ngôi đến giờ vẫn lo chấn chỉnh triều cương cho được nghiêm túc, có lý nào hôm nay trẫm lại để cho các khanh diễu lộng đến thế sao? Các khanh cũng thừa hiểu rằng: các quan trong triều đứng hàng đầu có quan Thừa tướng, sao lại dám chỉ trích là nũ lưu? Trung Hiếu vương quả đã to gan thật! Cái tội dối vua, khinh thầy nặng biết bao! Nếu trẫm không nghĩ đến công lao hãn mã xưa kia, thì nhất định Trung Hiếu vương đã bị nghiêm phạt rồi! Vậy từ nay trở về sau, muốn làm việc gì, cần phải suy sâu nghĩ kỹ trước đã. Còn hiện nay Lệ Thừa tướng là một tay đắc lực của triều đình ta, nếu ai vô lễ, ta sẽ không dung thứ.
Dứt lời, vua quay qua bảo Lệ Minh Đường :
- Từ rày về sau khanh hãy để tâm dò xét xem kẻ nào có ý coi thường khanh, khanh hãy vào tâu cho trẫm hay, trẫm sẽ trừng trị ngay.
Lệ Minh Đường lấy làm đắc ý, vội vàng quỳ tạ ơn.
Bấy giờ, các quan trong triều ai nấy cũng bằng lòng, chỉ có cha con Hoàng Phủ Kính và Mạnh Sĩ Nguyên là hổ thẹn và buồn bực lắm, đành đứng nghẹn ngào, có miệng mà chẳng nói nên lời.
Sau đó, vua Thành Tôn tuyên bố bãi chầu.
Lệ Minh Đường về phủ, thuật chuyện lại cho Tố Hoa nghe.
Tố Hoa nói:
- Tuy tiểu thơ có tài hùng biện làm cho khỏi mất thể diện giữa triều đình, nhưng tôi e cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa phải buồn rầu, uất ức đó.
Lệ Minh Đường nói:
- Cứ theo hành động cùa chàng thì dẫu cho uất ức đến chết cũng không đáng tiếc. Chị hãy nghĩ xem, hiện nay đã có bức tranh em trong phòng chàng rồi, vả lại lâu nay em thường nói cho chàng biết thế nào ba năm nữa đây cũng sẽ có Mạnh Lệ Quân tìm đến, còn bây giờ hãy cùng họ Lưu để mưu đường sinh lý. Em đã có hảo ý như vậy, mà chàng dốt nát không hiểu nổi. Hôm nay chàng đã biết em nhận mẹ em rồi, đáng lẽ ra phải yên trí chờ đợi mới phải, sao còn nôn nao làm gì?
Tố Hoa nói:
- Tiểu thơ phân rất chí lý, phải chi tiểu thơ không giỏi tài ứng biến thì triều đình buộc tội rồi còn chi? Quả chàng dốt nát thật.
Lệ Minh Đường nói:
- Chàng làm như thế, tưởng là thượng sách rồi, nhưng ngờ đâu chỉ chuốc nhục cho mình mà thôi. Chàng lại làm cho em từ đây không dám nhìn nhận cha mẹ, nghĩ thật đau đớn lắm thay!
Tố Hoa cũng lắc đầu thầm trách.
Hôm ấy, Mạnh Sĩ Nguyên về phủ cũng thuật lại đầu đuôi cho nội nhà nghe và nói:
- Ở giữa triều, miệng nó lem lẻm, lại có Lương Thừa tướng trợ giúp, khiến chút nữa ta không toàn mạng. Thôi, từ nay phu nhơn chớ nên nhắc đến đứa con bất hiếu ấy nữa, chúng ta cứ liều như nó chết rồi cho xong!
Mạnh Gia Linh nói:
- Chính con cũng không ngờ được em con nó trở giọng quá lanh, khiến mọi người đều khiếp phục.
Hàn Phu nhơn tức giận nói:
- Cũng vì ta hay nói, nên việc này mới tiết lậu ra. Thế thì từ nay con ta sẽ không đến với ta nữa và ta cũng không mặt mũi nào sai người đến viếng thăm. Căm hận thay cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa, đã có vợ rồi mà còn nôn nóng, để cho mẹ con ta phải chia lìa.
Mạnh Sĩ Nguyên gằn giọng, nói:
- Tại sao phu nhơn lại còn nhắc đến đứa con bất hiếu ấy làm gì?
Hàn Phu nhơn vội bỏ vào phòng nằm im, càng nghĩ càng thêm hận trách.
Nhắc qua Hoàng Phủ Thiếu Hoa khi ở trong triều ra, lên ngựa vừa đi vừa nghĩ:
“ Thôi đúng là Lệ Thừa tướng chỉ vì muốn chữa bịnh cho nhạc mẫu ta nên mới tạm nhận, cho nên lúc nãy nhạc phụ ta mới ấp úng chối dài. Ôi! Nếu vậy thì từ này về sau, ta còn mặt mũi nào trông thấy ân sư ta nữa. Và từ đây, các quan triều thần sẽ cười chê cho ta vì thấy dung mạo của Lệ Thừa tướng quá xinh đẹp nên mới nhận là vợ. Ôi ! Nhục nhã biết dường nào”.
Càng suy nghĩ, Thiếu Hoa càng hổ thẹn, đến nổi tâm thần hoảng hốt, để con ngựa sa tiền té nhào xuống đất. Gia tướng thấy vậy thất kinh, vội xúm lại đỡ khiêng về Vương phủ.
Về đến nơi, Hoàng Phủ Kính đang thuật chuyện lại cho nội nhà nghe
Doãn Phu nhơn nói:
- Triều đình chưa cởi giày ra thì đã chắc gì giả chơn đâu! Nếu vậy thì quả nhiên Thánh thượng đã thiên vị, xử ép mình rồi!
Thiếu Hoa nói:
- Lúc nãy tại triều, Thánh thượng có hỏi nhạc phụ con, thì nhạc phụ con chối dài, không dám quả quyết, nên con tin chắc nhạc phụ con nhận lầm. Thế thì từ đây, con còn mặt mũi nào trông thấy ân sư con nữa, thở dài não nuột.
Lúc ấy, Lưu Yến Ngọc hay tin chồng buồn bực, định đến để tìm lời khuyên giải, nhưng vừa đến phòng, xảy nghe Thiếu Hoa từ trong phòng mắng vói ra:
- Căm hận thay cho Lưu Khuê Bích là đứa súc sanh, dù có thác cũng chưa đáng tội. Nếu xưa kia nó không hại ta, thì ngày nay ta đã thành thân cùng Mạnh thị rồi, có đâu phải sanh chuyện lôi thôi như vầy!
Lưu Yến Ngọc nghe vậy thất kinh, sợ chàng thấy mặt mình lại càng căm tức nên vội trở lui lên nhà trên, ngồi nói chuyện cùng Tô Đại nương.
Hồi lâu, nữ tỳ đem cơm vào Loan Phụng cung đặng mời Hoàng Phủ Thiếu Hoa ăn. Chúng thấy Thiếu Hoa nằm dài trên giường ngũ vùi, liền đánh thức dậy, thưa:
- Đã đúng bữa ăn, xin mời ngài dậy dùng cơm.
Thiếu Hoa đang cơn hổ thẹn, liền đứng phắt dậy, vung tay hất đổ cả mâm cơm rồi vật mình nằm sãi trên giường, không nói năng gì hết.
Tên thơ đồng thấy vậy, vội quét dọn rối chạy lên nói cho vợ chồng Hoàng Phủ Kính hay.
Hoàng Phủ Kính nói với Doãn Phu nhơn :
- Chỉ vì hồi mai Lệ Thừa tướng trách mắng nó, nên nó mới hổ thẹn tức tối đến thế. vậy chúng ta hãy vào đó khuyên giải kẻo nó quá ưu sầu mà lâm bệnh.
Nói rồi cùng với Doãn Phu nhơn vào Loan Phụng cung.
Tên thơ đồng vào báo cho Thiếu Hoa hay, Thiếu Hoa lật đật ngồi dậy, bước ra nghinh tiếp.
Doãn Phu nhơn bước lại ngồi gần bên chàng khuyên giải:
- Nếu Lệ Thừa tướng có phải là Mạnh Lệ Quân đi nữa, mà người đã vô tình như vậy, con cũng không nên cam tức làm chi.
Thiếu Hoa thưa:
- Xưa nay Lệ ân sư tử tế với con lắm. Việc này chắc chắn là nhạc phụ con nhận lầm rồi! Giả sử bây giờ Lệ ân sư có đánh dập con đi nữa, con cũng không dám giận thay, lựa là lời trách mắng. Nhưng con hiềm một nỗi là các quan triều thần sẽ cho con là kẻ vong ân bội sư, nên con càng nghĩ càng thêm hổ thẹn.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Tuy con nhận lầm người nhưng đó chỉ vì quá tin lời Mạnh Thượng thơ mà ra. Hơn nữa, hồi mai ở trong triều, con đã tỏ vẻ hối hận không dám cãi lại, chứng tỏ con đã biết kính nhường sư trưởng rồi. Vậy ngày mai con hãy thân hành qua đó tạ tội cùng người, nếu người chịu tiếp con, tức người đã hết giận, không chấp trách, bằng người không ra tiếp thì cha phải cùng con qua đó xin lỗi người mới phải.
Thiếu Hoa nghe nói, mừng rỡ vâng lệnh ngay.
Hôm sau, Thiếu Hoa thân hành đến tướng phủ xin vào yết kiến đặng tạ tội ân sư, nhưng chàng đã qua lại ba bốn lấn, mà lần nào cũng không gặp mặt Lệ Minh Đường. Có lần gia tướng bảo rằng Thừa tướng đi vắng, có lần gia tướng bảo Thừa tướng mắc xem xét văn án trong nội các.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa không biết làm sao, đành phải về thưa lại cùng Hoàng Phủ Kính.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Vậy để mai này cha sẽ cùng con đặng qua đó tạ tội mới được.
Tối hôm ấy, trời mưa như đổ, nên sáng hôm sau đường sá lầy lội, cha con Hoàng Phủ Kính lên ngựa gội ngoài mưa gió sang nhà Lệ Minh Đường cố ý để cho lấm láp đặng Lệ Minh Đường thấy vậy thương tình khỏi bắt lỗi.
Đến nơi, nữ tỳ trông thấy vội chạy vào báo với Lệ Minh Đường:
- Bẩm, có cha con Hoàng Phủ Kính đến.
Tố Hoa nói:
- Nay có lão vương gia chẳng quản nhọc nhằn thân hành đến thì tiểu thơ cũng nên ra tiếp người.
Lệ Minh Đường nói:
- Chị hãy an tâm, em có cách đối xử với người không để đến nỗi thất lễ đâu, còn bây giờ đây em chưa muốn tiếp.
Nói dứt lời, Lệ Minh Đường bảo Thủ Môn quan ra thưa lại với cha con Hoàng Phủ Kính rằng mình đi vắng.
Hoàng Phủ Kính không biết làm sao, đành phải để danh thiệp mình lại rồi lui gót.
Khi cha con Hoàng Phủ Kính về rồi, Lệ Minh Đường bèn kêu một tên gia tướng tâm phúc vào bảo:
- Mi hãy sang dinh Vương phủ dò xét, khi nào thấy Võ Hiếu vương và Trung Hiếu vương đi khỏi, thì lập tức về báo cho ta biết nhé!
Tên gia tướng vâng lịnh ra đi, hắn thấy cha con Hoàng Phủ Kính đi rồi vội vã về báo với Lệ Minh Đường ngay. Thế là Lệ Minh Đường lập tức lên kiệu thẳng đến Vương phủ.
Thủ môn quan nói :
- Bẩm Thừa tướng, hôm nay Võ hiếu vương và Trung Hiếu vương đều đi vắng cả.
Lệ Minh Đường bèn để danh thiệp mình lại rồi ra về, vào phòng cười khúc khích nói với Tố Hoa :
- Chàng đến thăm em, nay em lại đến đáp lễ, thế là trọn nghĩa trọn tình lắm rồi !
Tố Hoa cũng cười nói :
- Tiểu thơ thừa lúc người ta đi vắng mà đến thì ai mà không tức tối !
Lệ Minh Đường nói :
- Dù có gặp mặt hay không, cũng được em đến nhà thăm viếng đáp lễ rồi, còn tức tối nỗi gì ?
Tố Hoa nghe nói, lắc đầu thầm nghĩ :
« Hành động sâu sắc của Mạnh Tiểu thơ này dám chắc chẳng những bọn nữ lưu mà trang nam tử cũng ít người sánh kịp »
Cha con Hoàng Phủ Kính về nhà, nghe nói có Lệ Thừa tướng đến thăm mà không gặp, thì than thở chẳng cùng.
Thiếu Hoa lập tức lên ngựa đến tướng phủ, xin cho vào yết kiến.
Bọn nữ tỳ vào báo thì Lệ Thừa tướng cũng bảo chúng ra tin cho chàng biết ràng mình đi vắng.
Thiếu Hoa không an lòng, nên trọn ngày ấy đến thăm đôi ba hiệp mà không tài nào gặp Lệ Minh Đường được. Thậm chí chàng đi luôn năm ngày như thế, vẫn về không ?
Hoàng Phủ Kính nói :
- Lệ Thừa tướng đã có cái ơn lớn với chúng ta, nay xảy ra việc này kể cũng sốt mặt, trách sao người không căm hận cho được ? Nếu chúng ta không qua đó tạ tội được thì thể nào thiên hạ cũng cho ta là kẻ vong ơn bội nghĩa.
Thiếu Hoa thở dài than:
- Con cũng nghị như vậy, nhưng đến mãi, ân sư con vẫn không cho vào yết kiến, biết làm sao bây giờ?
Lúc ấy, Lưu Yến Ngọc thấy chàng than vắn thở dài, trông sắc diện vô cùng thảm não, bèn thỏ thẻ với chàng:
- Lệ ân sư ta tuổi còn trẻ, lại làm quan to, thế nào cũng giàu lòng tự ái, nay người đã quyết không tiếp thì khó mà cầu xin được; Tôi nghe nói người cùng phu nhơn tương đắc lắm, vậy để tôi qua yết kiến phu nhơn, rồi nhờ phu hơn nói giùm may ra người bớt giận chàng.
Thiếu Hoa nghe nói, gật đầu khen:
- Phu nhơn nghĩ kế ấy hay lắm, vậy sáng nay hãy qua đó gấp mới được. Vả chăng, phu nhơn mà qua đó, lại có một điều hay nữa, vì trước đây bên Mạnh phủ có sai người đến bái yết Lương Phu nhơn thì nghi rằng Lương Phu nhơn là Tô Yến Tuyết, mà Tô Yến Tuyết trước kia đã gặp mặt phu nhơn rồi, vậy nay nhân tiện phu nhơn qua đó nhìn mặt thử xem có phải vậy không?
Lưu Yến Ngọc vâng lời, trở về phòng nói chuyện lại cho Giang Tam Tẩu nghe.
Giang Tam Tẩu nói:
- Tiểu thơ qua đó, nếu thấy quả Lương Phu nhơn là Tô Yến Tuyết đi nữa, khi trở về vẫn nói là không phải, nghe không?
Lưu Yến Tuyết làm lạ, hỏi:
- Tại sao mụ lại bày tôi nói dối làm gì?
Giang Tam Tẩu giải thích:
- Nếu quả vậy, tất nhiên khi về Tô Yến Tuyết sẽ chiếm ngôi thứ nhất, còn tiểu thơ phải xuống ngôi tam phòng, vì dầu sao hiện nay Tô Yến Tuyết cũng đã là con một vị Thừa tướng trong triều rồi. Nhưng xét cho kỹ, Yến Tuyết chỉ là con mụ vú mà lấn lướt hơn một vị tiểu thơ thì tức lắm.
Lưu Yến Ngọc nghe nói, gật đầu khen phải.
Sáng hôm sau, Lưu Yến Ngọc điểm trang rồi dắt hai đứa nữ tỳ cùng mấy bà bộc phụ sang bên tướng phủ.
Đến nơi, nữ tỳ vào báo cho Lệ Minh Đường hay. Lệ Minh Đường bảo Tố Hoa:
- Chị hãy ra tiếp Lưu Yến Ngọc, chớ em ra đó không tiện đâu.
Tố Hoa nói:
- Trước kia tôi đã giáp mặt nàng một lần, nay chắc nàng còn nhớ mặt, thì ra tiếp kiến sao cho tiện?
Lệ Minh Đường cười nói:
- Tâm lý của đàn bà con gái, trong mười người đã có chín người mang máu ghen trong mình. Dù cho Lưu Yến Ngọc có nhận ra chị đi nữa, đời nào nàng về nói ra cho người khác biết sao?
Tố Hoa nói:
- Tiểu thơ phân rất chí lý, nhưng chàng đã cho vợ đến, thì tiểu thơ cũng nên tiếp kiến, chớ có can chi?
Lệ Minh Đường nói:
- Chị nghĩ như thế sao được! Nếu ngày nay em không làm khó khăn, tất nhiên ngày sau chàng sẽ khinh lờn. Thôi, chị cứ việc ra lấy lễ tử tế tiếp đãi đi.
Tố Hoa nói:
- Nếu như nàng quyết nài xin tiếp kiến tiểu thơ, thì tôi phải nói sao đây?
Lệ Minh Đường đáp:
- Thì chị cứ bảo em mắc xem văn án, mời nàng về để lần khác đã.
Tố Hoa y lời, bước ra ngoài, truyền mở cửa giữa rước Lưu Yến Ngọc vào. Lưu Yến Ngọc vừa bước vào trông thấy Tố Hoa, đã nhận ra nàng là Tô Yến Tuyết rồi, nhưng nàng vẫn không lộ vẻ ngạc nhiên gì cả.
- Hôm nay phu nhơn quá bộ đến chơi, nhưng tôi không kịp ra nghinh tiếp, xin phu nhơn thứ lỗi.
Lưu Yến Ngọc vội vàng quỳ xuống, thưa:
- Tôi được vào bái yết sư mẫu là hạnh phúc cho tôi lắm rồi, đâu dám thất lễ đến thế?
Nói dứt lời, Tố Hoa nắm tay Lưu Yến Ngọc, lấy theo lễ tân chủ mời ngồi, rồi truyền nữ tỳ pha trà dâng lên.
Lưu Yến Ngọc nói:
- Hôm trước phu quân tôi vì quá nghe lời Mạnh Thượng thơ nên đã xúc phạm đến ân sư. Khi việc đã dĩ lỡ ra rồi, về nhà phu quân tôi lấy làm hối hận, biết tội mình nên hiện nay ăn ngủ không yên. Vì vậy, hôm nay tôi qua đây mong chờ sư mẫu nói giúp giùm với ân sư một lời để người xá tội cho, thì ơn ấy ngàn đời tôi chẳng dám quên.
Tố Hoa nói:
- Việc ấy tôi đã nghe và hết sức khuyên can, nhưng tánh tình nam tử khó lám, nên nói không được.
Lưu Yến Ngọc nói:
- Nay tôi nhờ sư mẫu làm ơn mời ân sư ra đây để tôi được thay mặt cho phu quân tôi tạ tội.
Tố Hoa liền kêu nữ tỳ vào bảo:
- Mi hãy vào mời Thừa tướng ra đây nhé!
Nữ tỳ vâng mạng chạy vào, trông thấy Lệ Thừa tướng đang ngồi chơi với hai bà dì nương tại vườn hoa. Con nữ tỳ bước đến bẩm thì Lệ Minh Đường bảo:
- Mi hãy ra bảo rằng ta mắc bận việc văn án, xin mời Lưu Phu nhơn chịu phiền về để khi khác.
Nữ tỳ bẩm lại, Tố Hoa cười nói:
- Phu nhân tôi đang bận việc, vậy phu nhơn cứ về đi, rồi tôi sẽ nói lại giùm cho.
Lưu Yến Ngọc nói:
- Bây giờ Thừa tướng còn đang bận việc, vậy tôi xin chờ ở đây, dầu đến tối cũng cam, chứ thật tình tôi không dám về không.
Tố Hoa nói:
- Phu quân tôi còn bận nhiều việc lắm, hơi nào phu nhơn chờ đợi?
Lưu Yến Ngọc nói:
- Hện nay cả nhà tôi lấy việc này làm đau lòng xót dạ, đứng ngồi không yên, mà tôi nỡ nào bỏ về cho đành! Xin sư mẫu làm ơn cho tôi ngồi đây chờ đợi, lúc nào tôi được yết kiến ân sư, tôi mới yên lòng lui gót được.
Tố Hoa thấy Lưu Yến Ngọc cố ý nài nỉ nên động lòng thương, bèn sai nữ tỳ vào kể sự tình cho Lệ Minh Đường biết. Hai bà dì nương nghe nói, mỉm cười nói với Lệ Minh Đường:
- Ngài còn trẻ tuổi, cũng không nên cố chấp lắm!
Lệ Minh Đường mỉm cười rồi đứng dậy ung dung bước ra. Nữ tỳ thấy thế, lật đật chạy ra báo tin trước. Tố Hoa và Yến Ngọc vội vàng đứng dậy, nghinh tiếp.
Yến Ngọc trông thấy Lệ Minh Đường mặt mày tươi đẹp như hoa buổi sáng, đôi mắt sáng ngời như sao băng, dáng điệu đi đứng ung dung, yểu điệu, mình mặc lam bào, chân mang giày liễu, quả là bậc phi phàm, trong lòng thất kinh, vội quỳ mọp xuống thưa:
- Tiện thiếp là Lưu thị, kính lạy chào ân sư.
Lệ Minh Đường cúi đầu đáp lễ rồi bảo:
- Sao Phu nhơn lại thủ lễ quá vậy, tôi đâu dám nhận?
Nói dứt lời, quay qua bảo Tố Hoa:
- Hãy đỡ Lưu Phu nhơn dậy!
Tố Hoa bước tới đỡ Yến Ngọc.Yến Ngọc khép nép đứng sang một bên rồi chắp tay thưa:
- Hôm trước phu quân tôi vì quá nghe lời Mạnh Thượng thơ nên đã xúc phạm đến ân sư, nay người sai tôi qua đây tạ tội cùng ân sư, xin ân sư niệm tình tha thứ cho
Lời Bình:
- Tâm lý những người càng nông nổi bao nhiêu thì lại càng hối hận bấy nhiêu. Nhưng thói thường những người ấy mỗi khi hối hận lại tìm cách đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh, để bớt đi sự đau đớn vì lương tâm họ giày vò không sao chịu nổi.
Thật vậy, lòng thù hận chỉ có thể áp dụng cho người còn sống; để khi họ đã ra người thiên cổ thì không còn thù hận nữa, thế mà Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại nghiến răng căm hận Lưu Khuê Bích, bảo rằng dù chết cũng chưa đáng tội, thì quả là một câu nói vô ý thức, người quân tử không khi nào chấp nhận lời nói thấp thỏi ấy được.
Việc làm nông cạn của Thiếu Hoa để lộ bộ mặt phản sư giữa triều đình làm cho chàng quá sĩ nhục. Nếu Thiếu hoa đúng là con người quân tử thì gặp phải lỗi lầm nên tự nghiêm khắc lấy mình, chớ sao lại có hành động đổ mâm cơn giận dữ như vậy, tỏ ra là một người quá tâm thường.
Trong hồi này, ta thấy Lưu Yến Ngọc thay mặt chồng đến tạ tội, nhưng Lệ Minh Đường làm khó dể, với mục đích là làm cho Yến Ngọc khiếp sợ để một mai nàng về nâng khăn sửa tráp cho Thiếu Hoa thì khỏi bị Lưu Yến Ngọc khinh khi, đó cũng là tâm lý của những kẻ lấy chồng chung.
Có điều Lệ Minh Đường cho phép Tố Hoa ra tiếp Lưu Yến Ngọc mà không sợ bại lộ, thật quả là tâm lý. Lệ Minh Đường rất sâu sắc trong điểm này, nàng biết đả là đàn bà thì không ai không có máu ghen, nên dù Lưu Yến Ngọc biết Tố Hoa là Tô Yến Tuyết cũng không nói cho Thiếu Hoa biết. Về điểm này, ta thấy nàng gián tiếp thừa nhận rằng nàng đã ghen Lưu Yến Ngọc, do đó ta có thể quả quyết rằng nàng không muốn cải trang vội là do động cơ chính trong việc ghen tuông mà thôi.
Đọc truyện đến đây, ta thấy Mạnh Lệ Quân sâu sắc bao nhiêu thì Hoàng Phủ Thiếu Hoa nông cạn bấy nhiêu
Tái Sanh Duyên Tái Sanh Duyên - Mộng Bình Sơn Tái Sanh Duyên