Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Chương 62: Thăm Tù… Người Lạ Mặt Là Ai?
S
au buổi đi cung chừng hơn tuần lễ, một buổi chiều, tôi đang nằm nhắm mắt dưỡng sinh, chợt có tiếng khóa xọc xạch, rồi cửa mở.
Tôi vội vàng ngồi dậy, nhìn ra: tên Dư. Tôi đang lạ là cơm nước đã ăn, bát trả rồi; lúc này lại sắp hết giờ làm việc; vậy còn cung kẹo gì nữa, y vào buồng tôi làm gì?… Với một giọng nhè nhẹ và dịu dàng, tên Dư nói:
-Được lệnh Ban Giám Thị, tôi tha cùm cho anh!
Mắt tôi mở to! Mồm tôi há hốc! Tôi tưởng mình nghe lầm. Tôi đờ đẫn cả người, chỉ dạ lên một tiếng; mặc dù trong lòng muốn hỏi lại là “cán bộ nói gì!”
Tên Dư trở ra ngoài, rút chốt cùm đánh xoạch một cái. Tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng, chậm chạp nhấc cùm, rồi nhấc chân ra. Tôi vừa đặt cùm xuống, y thò cổ vào ngó, rồi y đút chốt cùm lại.
Cửa đã cài khóa rồi, tôi còn ngồi ngơ ngác ngẩn ngơ, như vẫn chưa tin. Hai tay tự nhiên cứ vuốt ve, xoa nắn cái chân vừa lấy từ cùm ra.
Đã hơn ba năm nay, chiếc cùm cứ ám ảnh đời tù của tôi như một oan nghiệt! Nhiều lần, tôi tưởng đã phải về lòng đất Mẹ cũng vì nó. Đến nỗi, năm ngoái, đã có lần tôi định lên gặp chấp pháp tự nguyện, tự nhận mình là kẻ có tội với nhân dân, với đảng, đáng phải chặt một bàn chân để đền tội và để khỏi cùm nữa. Bởi vì, lúc đó, tôi quá khổ đau, phẫn uất, suốt tháng này qua tháng khác, cái chân cứ lằng nhằng trong cùm đêm cũng như ngày. Thà chịu chặt một bàn chân còn sướng hơn! Còn chân, hay mất chân, tấm thân này cũng vẫn ở trong tù. Chặt chân, chỉ bị đau vài tháng, nhưng sau đó, sẽ không còn cái cảnh đái, nằm, ngồi, ngủ, thức với biết bao nhiêu khổ cực, bực dọc vì cái chân cứ dính chặt vào cùm.
Thế mà bây giờ, lại được tha! Vậy là từ nay tôi đã được tự do rồi! Sẽ tha hồ, muốn ngồi thì ngồi, muốn đứng thì đứng, muốn đi thì đi. Tha hồ tập thể dục!
Ôi, tự do! Sao mà mi quý giá vô ngần! Ta nguyện tôn thờ mi trọn cuộc đời ta!
Nhìn lại gia tài mình, tôi chẳng có cái gì để ăn mừng cả, thật đáng tiếc! lòng tôi lúc này cảm thấy nhẹ nhàng, lâng lâng phơi phới.
Bây giờ, hàng ngày, tôi có thể làm được nhiều việc trong buồng, chứ không còn đơn điệu chỉ có nằm và ngồi như mọi khi nữa. Sáng sớm, ngoài những động tác tập thể dục như mọi lần, tôi lại chạy tại chỗ 100 bước, thở hít nhiều hơn. Nắm chán, tôi lại bò dậy đi bách bộ, cứ 8 bước vừa đúng một vòng cái
khung nền hình chữ nhật giữa hai sàn xi măng. Hai cạnh dài, mỗi cạnh 3 bước; hai cạnh ngắn, mỗi cạnh 1 bước. Tôi đi bách bộ nửa tiếng, lại nằm nửa tiếng, rồi ngồi nửa tiếng; cứ luân phiên như vậy, cho tới 9 giờ tôi thì đi ngủ. Sáng 6 giờ dậy. (Dĩ nhiên, thời khắc tôi chỉ ước chừng gắn liền với tiếng đài và giờ giấc làm nghỉ của cán bộ).
Cứ như vậy, ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng đến trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều tới tối…
Lúc này, vì mới được tha cùm, nên có vẻ ngoan ngoãn lắm, chưa hề dám tính đến việc tò mò liên lạc, nói chuyện với các buồng khác. Nhưng, vào lúc 8 giờ tối hôm qua, khi tôi nghe thoáng tiếng động ở cánh cổng xà lim, rồi có tiếng giày cồm cộp từ ngoài cổng xà lim, rồi có tiếng giày, còn có cả tiếng xền xệt của đôi dép râu nữa; tôi ngạc nhiên vểnh tai lên nghe ngóng. Ngay khi tôi còn ở Hà Nội, rồi đến những ngày cung kẹo ra vào, lên xuống trong Hỏa Lò hàng mấy năm, tôi cũng chưa hề thấy ai đi giầy, nện xuống gạch cồm cộp như vậy cả. Tôi phân vân, rồi phán đoán hay là người ngoại quốc. Vì vậy, tôi càng cố gắng nghe xem tiếng nói chuyện; nhưng vẫn còn im phăng phắc. Cuối cùng, tiếng giày cộp kệt như đập vào tai mọi người đang đi dần vào buồng số 4. Tôi hơi hồi hộp, buồng số 4 ngay cạnh buồng tôi.
Một lúc, rồi cửa đóng, khóa. Không còn một tiếng động. Mãi sau đó, tôi nghe tiếng kéo bô đi giải, rồi không còn nghe gì nữa…Chán rồi tôi cũng ngủ. Ngày mai, trước sau, thế nào chả biết, nhất là bây giờ tôi lại không bị cùm, dễ có điều kiện tìm hiểu hơn.
Sáng hôm sau, đến giờ đi đổ bô, tôi lắng nghe khi mở buống số 4 xem thế nào: có tiếng chân ra vào nhà tắm, nhưng không còn nghe tiếng cộp cộp của đôi giày độc đáo nữa. Rồi sau đó, khi buống số 4 đi cung, tôi cũng không còn nghe thấy tiếng giày nữa. Như vậy, số 4 phải là người Việt! Mà người Việt gì lại đi giày hách thế? Chắc rằng số 4 cũng thấy là tiếng giày của mình lạc lõng, lẻ loi, không thể yên tâm đi được ở đây; vì thế, đã phải bỏ ra để đi chân đất.
Chỉ ba ngày sau, tôi nghe thấy tiếng số 4 khi báo cáo xin thuốc đau bụng đi ngoài. Nghe qua tiếng nói, trọ trẹ như giọng Quảng Bình nhưng đã pha nhiều tiếng Bắc, tôi đoán số 4 sấp sỉ chỉ bằng tuổi tôi, nghĩa là khoảng 26, 27. Điều đó, càng gây cho tôi tò mò, nhất là tiếng giầy đặc biệt. Những ngày tới, tôi sẽ phải tìm được câu trả lời!
Sáng hôm sau, sau khi cơm nước xong, tôi đang chuẩn bị đánh một giấc ngủ ngày, bỗng từ ngoài sân có tiếng ồn ào của một đoàn người đi vào xà lim. Tôi nghĩ, lại có phái đoàn nào đó vào tham quan hai cái buồng của Hoàng Văn Thụ
và Trần Đăng Ninh? Nhưng, như mọi khi, phái đoàn tham quan thường đi vào Chủ Nhật; vậy nếu không phải, thì đây là đoàn gì?
Tôi bước gần ra phía cánh cửa. Áp sát tai vào chiếc cửa sổ nhỏ lắng nghe. Có tiếng mở buồng số 2; rồi lại buồng số 13. Tôi đoán không sai mà! Tôi đang chờ như mọi khi, sẽ lại có tiếng thuyết trình của một tên cán bộ tuyên huấn nào đó về tội ác của thực dân Pháp, đã giam hãm những người cách mạng, v.v… và v.v… Nhưng, cho tới khi cửa của hai buồng đó đóng lại, cũng không nghe thấy một tiếng nói? Thật là lạ, khác thường không giống mọi lần!
Tôi đang băn khoăn chưa hiểu đây là loại phái đoàn gì, tai vẫn áp vào cửa sổ nhỏ nghe ngóng; bất chợt, tôi giật thót người lại vì: “Xoạch!”, cửa sổ nhỏ của tôi mở ra. Tôi chỉ kịp lùi vào phía trong, ngơ ngác. Thoáng nhìn ra thấy lố nhố nhiều người, cả màu vàng đồng phục, lẫn thường phục.
Cửa lớn buồng tôi mở ra. Tôi càng ngỡ ngàng, và phản ứng tự nhiên là lùi lại sát tường phía đầu sàn. Thật là quá đột ngột, tôi không nghĩ là phái đoàn lại mở cửa buồng các tù nhân, nhất là lại chính buồng tôi; nên phải nói, tôi mất hẳn tự nhiên lúc đầu.
Đi đầu là một người mặc chiếc áo ka ki xám 4 túi, tóc đã điểm sương, chừng 50 tuổi. Hai hàng lông mày dầy, tua tủa lông đen như hai con sâu róm lớn đậu phía trên hai con mắt, làm cho đôi con ngươi màu tro của lão như thụt sâu vào, đẩy hai bên gò má gồ ra, càng làm cho nét mặt lão tựa như con khỉ đột, vữa dữ tợn, vừa nghiêm trang. Phía sau lão là hai tên Phó giám thị Thượng úy Trì và Lê, cùng lúc nhúc 5, 6 tên nữa phía bên ngoài. Hai tên Trì và Lê đeo đầy đủ quân hàm, thái độ tỏ ra sợ sệt, lễ phép với tên mặc ka ki xám.
Tên mặc áo thường phục này nhìn tôi một cách soi mói. Mắt y đột nhiên dịu xuống. Môi y rung rung, rồi nhếch ra cười nửa miệng:
-Anh có khỏe không?
Chẳng biết y là ai, nhưng thấy thái độ của tên Trì và Lê như vậy, nên tôi cũng phải tỏ ra ngoan ngoãn:
-Cám ơn ông, tôi khỏe!
Y quay lại nhìn hai tên Trì, Lê; rồi y cười thành tiếng, vừa gật gật đầu, vừa nói:
- Anh uống thuốc liều, một mình dám mò về Hà Nội!
Mặt y tươi hẳn lên, nhìn tôi. Tôi cũng nhìn y, định cười; nhưng môi tôi mím chặt, không trả lời y; trong khi đó, hai tên Trì và Lê, mỗi tên đều tay nọ để lên mu bàn tay kia, úp vào phía dưới bụng mặt vẫn nghiêm trang lạnh lùng.
Tên mặc áo ka ki xám đưa mắt nhìn suốt người tôi, rồi lại cười, y vừa quay ra, vừa nói:
-Thôi, chào anh!
Tên Dư đã đóng cửa. Đoàn người đã ra tới sân. Những tiếng xôn xao bàn tán nhỏ dần ra phía cổng xà lim. Tôi vẫn đứng yên trong buồng, với tư thế lúc nói chuyện với tên lạ mặt. Đầu óc tôi vẫn còn ngỡ ngàng chả biết y là ai? Y vào hỏi tôi mấy câu như vậy để làm gì? Có ảnh hưởng gì đến những ngày tới của tôi không?
Qua hiện tượng nhìn thấy khi nãy, y phải là một nhân vật có quyền hạn nhất định nào đó của ngành công an, mới khiến cho hai tên Trì và Lê không dám có một tiếng nói, dù là tên đó cười đùa nói với tôi mấy lần.
Hai hôm sau, là ngày tắm rửa. Chiều hôm đó, sau khi trả bát xong đã 4 giờ, tôi chờ tên Dư mở cửa cho ra lấy quần áo phơi ngoài dây.
Với những tên cán bộ khác, ngày tắm rửa, bữa cơm chiều, khi trả bát xong, các buồng đều phải báo cáo để ra lấy quần áo phơi ngoài sân. Khi ra, nếu quần áo còn ướt, thì để lại mai xin lấy. Chứ thường là đã trả bát (bữa chiều) rồi, chúng không mở cửa nữa. Nhưng, đối với tên Dư, có hơi khác…
Về cuối Thu, nhiều khi trời không còn cái nắng chói chang của mùa Hè; và có những ngày nhiều mây, gió nồm Nam, không có ánh nắng, nên quần áo, cái nào dầy, chả khô được. Vì vậy, tên Dư để cho mãi gần 5 giờ, đó là giờ tan tầm, trước khi bàn giao cho “ca” khác, y mới đi mở cửa cho từng buồng ra lấy quần áo. Nhờ vậy, quần áo thường được khô, đỡ hôi hám; nhất là đối với những buồng không có thân nhân tiếp tế, làm gì có xà bông (một việc nhỏ đã nói lên con người của y).
Tôi đang hai tay chắp sau lưng, lững thững nhà du đi bách bộ trong cái khung nền xà lim, giữa hai sàn, đầu óc đang chơi vơi, chẳng chuyên chú suy nghĩ một cái gì, tự nhiên cửa lớn buồng tôi mở. Tên Dư nói vừa đủ để tôi nghe:
-Cho anh ra sân chơi một lúc!
Ô! Sao lạ vậy!?…Đến nỗi tôi không tin vào cái tai của mình nữa. Tôi ở xà lim đã gần 4 năm rời. Chưa từng bao giờ thấy có cán bộ nào lại mở cho một buồng nào ra sân…chơi! Vì vậy, tôi phải mất mấy giây ngỡ ngàng, rồi vội vàng chạy ra sân.
Tên Dư vào bàn ngồi, lúi húi viết. Thấy ánh nắng vẫn còn một phần ba sân, tôi cởi rất nhanh áo, rồi đứng ra ánh nắng, ưỡn ngực cho ánh nắng mặt trời chiếu thằng vào người.
Tôi vừa háo hức, hân hoan vặn vẹo người đàng trước, đàng sau, cạnh phải, cạnh trái cho những tia nắng chui rúc vào toàn cơ thể; tôi xắn cả quần lên, cho đôi chân cũng được hưởng cái món ăn tuyệt vời, từ gần 4 năm nay, không có!
Đã gần 4 năm nay, tôi hầu như chỉ ở trong ánh sáng lờ mờ của căn buồng, cho nên nỗi hưng phấn của tôi đã tràn ra ngoài. Tôi chưa thiết nhìn cảnh vật chung quanh, mặc dù tôi hiểu trời Thu tuyệt vời. Nhưng, hãy chờ đấy! Hãy cho cơ thể tôi đói khát ánh nắng lâu ngày, bây giờ, được ăn, được hưởng một bữa tràn trề đã!
Gần 20 phút, lúc này, tôi mới kịp suy nghĩ. Tại sao tên Dư lại cho tôi cái đặc ân này? Và, tại sao y biết tôi thích ánh nắng đến cái độ say sưa thế này mà y cho?…Phải rồi, trước đây có mấy lần, khi ấy tôi vẫn còn bị cùm, y đã bắt gặp tôi ngồi trong buồng, giơ từng cánh tay nghểng đầu, ngửa cổ để đón nhận một chùm ánh sáng chỉ bằng quả cam nhỏ. Có thể vì vậy, y đã nảy ra ý định ban hạnh phúc cho một người, mà y không mất mát gì cả, chỉ mất chút công mở cửa thôi, chăng? Dù sao, tôi vẫn vô cùng biết ơn y. Không hiểu y có biết rằng, nhiều khi chỉ nhờ cơ thể một người được bồi dưỡng lúc này, lại là điều kiện để thoát khỏi những bệnh hoạn trầm kha về sau?
Để khỏi mất cái đặc ân này, nhất là hôm nay là lần đầu tiên y cho ra, có thể y phải theo dõi, nếu không có gì rắc rối, phiền hà, y mới cho ra tiếp sau này. Vì nghĩ như vậy, cho nên khi tôi thấy buồng số 14 và buồng số 10 thò đầu lên cười với tôi, rồi thụt xuống; tôi vẫn giữ vẻ nghiêm trang lạnh lùng.
Bỗng, tôi nhìn thấy trên dây phơi, ở khoảng giữa, có một cái áo “pa-đờ-suy” và hai cái “sơ-mi” trắng còn mới tinh, tay áo có “măng- sét” cẩn thận.
Dù nhìn từ xa, tôi cũng hiểu đó là áo “sơ-mi” của nước ngoài, chứ ở miền Bắc, không ai có quần áo đó. Tôi nhìn thoáng cái dấu hiệu ở cổ áo, nhưng vì xa quá tôi không thể đọc được. Trí tò mò của tôi bị khích thích. Nét mặt vẫn bình thản, không tỏ vẻ gì khác lạ, tôi liếc nhìn về phía bàn Dư, y đang cúi viết. Tôi vờ đi bách bộ vòng quanh sân. Khi tới chỗ hai cái áo “sơ-mi”, dù trước đây lúc còn ở Sài Gòn tôi cũng là tay ăn diện (ăn diện theo lối thanh niên học sinh), tôi phải thừa nhận hai cái áo “sơ-mi” này thật tuyệt hảo với những đường cắt may điêu
luyện, vải Popeline trắng chói mắt, dấu hiệu may cắt tại Paris. Hai cái khuy “măng-sét” bằng hai hạt xoàn giả trông như thật.
Phải nói ngay ở Sài Gòn, hai chiếc “sơ-mi” này cũng thuộc loại sang rồi, huống chi là ở miền Bắc, lại ở trong Hỏa Lò. Nó là vật không thể lẫn lộn, nó độc đáo, như chọc vào mắt hiếu kỳ của mọi người. Tôi còn phải ngây ngất nhìn, thì mắt những tên cán bộ chắc phải “ngứa”, rồi “nhức” lên chớ không chơi đâu.
Ai là người có những loại quần áo này? Có đem trộn lộn cũng không chệch vào đâu được nữa. Quần áo này phải đi đôi với tiếng giày cồm cộp hôm nọ, nghĩa là của buồng số 4. Vậy là, bao nhiêu câu hỏi lại hiện lên trong có tôi, càng gợi thêm tò mò về buồng số 4 là loại người nào? Tại sao lại phải vào xà lim?… Nhiều điều dồn dập cuốn hút lòng tôi, nên tôi quên cả cảnh vật chiều Thu, mà bao nhiêu lâu mới có dịp để ngắm nhìn. Phải nói, hôm nay vừa được “cải thiện” mắt, mà tấm thân cũng được bồi dưỡng những món ăn tuyệt vời.
Tôi đang ngẩn ngơ ngụp lặn, bơi lội trong biển nắng, tên Dư ở bàn đã đứng dậy ra mép hè nhìn tôi, tay lúc lắc chùm chìa khóa:
- Lấy quần áo vào đi!
Tôi ngoan ngoãn, lẹ làng vơ quần áo trại của tôi, rồi đi vào buồng. Khi đi ngang qua y, tôi nhìn y bằng con mắt dìu dịu, tình cảm:
- Xin cảm ơn ông!
Ánh mắt y nhìn tôi cũng thiện cảm, nhưng không nói một lời. Tôi định gợi chuyện rồi hỏi y về người hôm trước vào buồng tôi là ai; nhưng, ý nghĩ cứ sắp sửa phát ra thành lời lại bị đè vào, vì tôi thấy thời cơ chưa thuận tiện cho những câu hỏi như vậy…