Nguyên tác: ねじまき鳥クロニクル Nejimaki-dori Kuronikuru - The Wind-Up Bird Chronicle
Số lần đọc/download: 16175 / 1172
Cập nhật: 2018-03-18 01:34:56 +0700
Chương 32 - Buộc Người Khác Dùng Trí Tưởng Tượng (Chuyện Boris Lột Da, tiếp theo)
B
oris đã giữ lời hứa. Tù binh Nhật chúng tôi được tự trị một phần, được phép lập ban đại diện. Viên đại tá làm trưởng ban. Từ đó trở đi, các cai tù Nga, cả dân sự và quân sự, đều được lệnh không được bạo hành nữa, và ban đại diện tù binh chịu trách nhiệm giữ gìn trật tự trong trại. Chừng nào chúng tôi không gây chuyện và hoàn thành chỉ tiêu sản xuất thì còn được yên thân. Bề ngoài thì đó là chính sách của tay Ủy viên Bộ chính trị mới, song thực chất là của Boris. Những cái cách thoạt trông có vẻ dân chủ này lẽ ra phải là tin vui cho bọn tù binh chúng tôi.
Nhưng hóa ra mọi chuyện không đơn giản như vậy. Quá say sưa chào đón những cải cách mới, chúng tôi đã quá ngu ngốc không nhìn thấy cái bẫy thâm độc mà Boris đã giăng ra cho chúng tôi.
Được sự hỗ trợ của cảnh sát mật, Boris trở nên có thế lực hơn nhiều so với tay Ủy viên Bộ chính trị mới bổ nhiệm, thế là y tiến hành biến cải trại tù và trị trấn mỏ theo cách của y. Lừa đảo, lật lọng và khủng bố trở thành chuyện bình thường như cơm bữa. Boris chọn ra trong số tù nhân và cai tù những kẻ khỏe mạnh nhất và hung ác nhất (loại này thì không thiếu), đào tạo rồi biến chúng thành đội vệ sĩ riêng của hắn. Vũ trang bằng súng, dao, dùi cui, đám vệ sĩ đặc tuyển này săn sóc tận tình bất cứ kẻ nào dám cự lại Boris, đeo dọa và hành hung họ, đôi khi còn đánh chết họ theo lệnh của hắn. Không ai dám đụng đến chúng. Đám lính được quân đội cứ đến canh gác mỏ thường vờ không thấy những gì diễn ra ngay trước mũi họ. Tới khi đó thì ngay cả quân đội cũng không làm gì được Boris. Lính tráng ngồi đằng xa, chỉ canh chừng ga xe lửa và doanh trại của chính mình, còn những gì xảy ra trong mỏ và trong trại thì coi như chẳng liên quan gì đến họ.
Kẻ mà Boris ưa nhất trong số các cận vệ đặc tuyển của hắn là một tù nhân mệnh danh là "Thằng Tác-ta", đâu như là cựu vô địch vật Mông Cổ. Boris đi đâu hắn cũng kè kè một bên như hình với bóng. Hắn có một vết sẹo bỏng lớn trên má phải, nghe nói do bị tra tấn. Boris không mặc quần áo tù nữa và chuyển vào sống trong một căn nhà nhỏ tươm tất do một nữ tù đảm trách quét dọn.
Theo Nikolai (ông ta ngày càng miễn cưỡng nói chuyện với tôi), một số người Nga mà ông ta biết đã biến mất như bốc hơi giữa đêm khuya. Hồ sơ chính thức ghi rằng họ mất tích hoặc chết vì tai nạn, nhưng chẳng nghi ngờ gì nữa, họ đã được đám lâu la của Boris "săn sóc". Chỉ cần không tuân lệnh Boris hay thậm chí chỉ không làm hắn hài lòng, là đủ để nguy đến tính mạng. Dăm ba người tìm cách khiếu nại trực tiếp lên Trung ương Đảng về tình trạng bạo hành trong trại, thế là sau đó chẳng ai nhìn thấy họ nữa. "Tôi nghe kể chúng giết cả một đứa trẻ mới bảy tuổi để bắt cha mẹ nó phải khuất phục. Chúng đánh thằng bé đến chết trước mặt cha mẹ nó," Nikolai kể, mặt tái mét.
Ban đầu Boris không làm gì quá đáng như vậy trong khu người Nhật. Hắn còn bận tập trung sức lực nhằm kiểm soát hoàn toàn đám cai tù Nga và củng cố vị thế của hắn ở đó, nên tạm thời để người Nhật tự giải quyết lấy việc của mình. Thành thử trong mấy tháng đầu chúng tôi được hưởng một khoảng bình an ngắn ngủi. Đó là những ngày bình lặng, thật sự là êm ả của chúng tôi. Ủy ban của chúng tôi đã đấu tranh thắng lợi để chế độ lao động bớt hà khắc hơn dù chỉ một chút. Lần đầu tiên từ khi đến đây, chúng tôi mới có được cảm giác gì đó gần như là hy vọng. Tất cả đều tin mọi việc đang trở nên tốt đẹp hơn.
Chẳng phải Boris không để mắt đến chúng tôi trong "tuần trăng mật" đó đâu. Đơn giản là hắn đang âm thầm sắp xếp các quân cờ để giành lợi thế chiến lược. Hắn tác động lên các thành viên ủy ban đại diện tù binh Nhật, từng người một, rất kín đáo, người thì hắn mua chuộc, kẻ thì hắn đe dọa, để dần dần khống chế họ. Hắn tránh dùng bạo lực lộ liễu mà tiến hành một cách vô cùng thận trọng, vì vậy chẳng ai nhận thấy hắn đang làm gì. Khi rốt cuộc chúng tôi cũng nhận ra thì đã quá muộn. Dưới cái vỏ bọc dành cho chúng tôi quyền tự trị, hắn làm chúng tôi mất cảnh giác, đồng thời tạo ra một hệ thống kiểm soát mới còn hữu hiệu hơn. Những tính toán của hắn chính xác một cách lạnh tanh và ác quỷ. Quả là hắn đã chấm dứt tình trạng bạo lực tự phát và vô nghĩa mà chúng tôi phải chịu, nhưng thay vào đó hắn tạo ra một thứ bạo lực mới được tính toán lạnh lùng.
Sáu tháng sau, củng cố xong cơ cấu kiểm soát của mình, hắn bèn chuyển hướng, bắt đầu gây áp lực lên chúng tôi. Nạn nhân đầu tiên của hắn là thành viên quan trọng nhất của ủy ban - viên đại tá. Ông đã mấy lần thay mặt tù binh Nhật đối đầu trực diện với Boris về một số vụ việc, hậu quả là ông bị thanh toán. Cho tới khi đó chỉ còn ông và vài người nữa trong ủy ban là không phục tùng Boris. Một đêm nọ chúng đè ông xuống, siết khăn mặt ướt lên mặt ông cho đến khi ông tắc thở chết. Dĩ nhiên đó là theo lệnh của Boris, nhưng hắn chẳng bao giờ nhúng vào cho bẩn tay trong trường hợp giết người Nhật. Hắn chỉ việc ra lệnh cho ủy ban, để chính người Nhật làm việc đó. Cái chết của viên đại tá được ghi là chết vì bệnh. Bọn chúng tôi ai cũng biết kẻ đã giết ông, nhưng chẳng ai dám nói. Chúng tôi biết nội bộ mình có tay trong của Boris, thành thử khi có mặt người khác thì phải giữ mồm giữ miệng. Sau khi đại tá bị ám sát, ủy ban liền bầu cho một ứng viên do chính Boris chọn làm chủ tịch thay ông.
Ngay sau khi có sự thay người trong ủy ban, môi trường làm việc của tù binh Nhật ngày càng xấu đi, cho đến khi trở thành tồi tệ chưa từng thấy. Để đổi lại quyền tự trị, chúng tôi đã có thỏa thuận với Boris về chỉ tiêu sản xuất, ấy thế là chỉ tiêu ngày một nặng nề. Chỉ tiêu không ngừng tăng lên vì cớ này hay cớ khác, cho tới khi công việc trở nên nặng nhọc hơn bao giờ hết. Số tai nạn cũng gia tăng, nhiều người lính Nhật phải bỏ xương nơi đất lạ quê người, nạn nhân của tình trạng khai thác mỏ vô tội vạ. "Tự trị" chỉ có nghĩa là người Nhật giờ tự giám sát lấy công việc của mình thay cho người Nga như trước kia.
Dĩ nhiên, các tù binh ngày một bất mãn. Trại chúng tôi trước kia là một xã hội nho nhỏ nơi chúng tôi chia đều nhau phần lao khổ, nay chỉ còn là sự bất công, rồi cùng với nó là thù hận và nghi kỵ sâu sắc. Những ai phục vụ Boris thì được giao việc nhẹ nhàng hơn, được đặc quyền đặc lợi, những ai không làm cho hắn thì phải chịu cảnh sống thê thảm - ấy là nếu còn được phép sống. Không ai dám mở mồm kêu ca, bởi vì phản đối công khai có nghĩa là chết. Người ta có thể bị ném vào một cái nhà hoang lạnh buốt để chết vì đói rét, hoặc bị siết khăn tắm ướt lên mặt khi đang ngủ, hoặc bị một cái cuốc chim bổ toác sọ từ đằng sau trong khi làm việc ở mỏ, hay bị ném xuống đáy hầm lò. Dưới mỏ tối om, ai biết chuyện gì đang xảy ra? Người ta biến mất, đơn giản là thế.
Tôi không khỏi cảm thấy mình có lỗi trong việc làm trung gian cho Boris và đại tá gặp nhau. Dĩ nhiên, dù tôi không dính tới thì thể nào Boris cũng sẽ chui được vào giữa chúng tôi bằng cách này hay cách khác, không sớm thì muộn, hậu quả vẫn y như vậy. Nhưng ý nghĩ đó không làm nguôi được nỗi đau của tôi. Tôi đã phạm một sai lầm khủng khiếp.
Một hôm tôi được gọi đến tòa nhà nơi Boris dùng làm văn phòng. Đã lâu lắm tôi không gặp hắn. Hắn ngồi uống trà nơi bàn, giống như lần tôi gặp hắn ở phòng trưởng ga. Đứng nghiêm đằng sau hắn là Thằng Tác-ta, bên hông đeo một khẩu súng lục to nòng. Khi tôi vào phòng, Boris ngoái lại tên Mông Cổ, ra hiệu bảo hắn đi ra ngoài. Chỉ còn lại Boris và tôi.
- Thế nào hở Trung úy Mamiya? Anh thấy đó, tôi đã giữ lời hứa.
Đúng là hắn đã giữ lời, tôi đáp. Bất hạnh thay, hắn nói đúng. Mọi điều đã hứa với tôi, hắn đều thực hiện. Tôi như đã ký một giao kèo với quỷ dữ.
- Các anh được quyền tự trị, tôi thì được quyền lực, - hắn vừa nói vừa cười, hai tay giang rộng. - Cả hai ta muốn gì là được nấy. Sản lượng than tăng, ở thủ đô người ta hài lòng. Còn đòi gì hơn nữa? Tôi rất biết ơn anh đã làm người môi giới cho tôi, nên giờ tôi muốn làm gì đó để trả ơn anh.
- Không cần phải thế đâu, - tôi đáp.
- Anh không cần phải xa cách như vậy, Trung úy ạ. Hai ta trở lại vấn đề nhé. Tôi muốn anh làm việc ở đây với tôi. Tôi muốn anh làm trợ lý cho tôi. Đáng tiếc là chốn này quá thiếu những người có khả năng nghĩ bằng cái đầu. Anh có thể thiếu một bàn tay, nhưng bù lại trí óc anh thừa sắc bén. Nếu anh làm thư ký cho tôi, tôi sẽ biết ơn lắm; tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo đảm cho anh thấy dễ chịu ở đây. Chừng đó thì nhất định anh sẽ sống, có khi còn được trở về Nhật nữa. Cứ thân cận với tôi đi, chỉ có lợi cho anh thôi.
Bình thường thì tôi sẽ cự tuyệt thẳng thừng một đề nghị như vậy. Tôi không có ý định làm hầu cận cho Boris, bán rẻ anh em đồng bào để mong yên ổn cái thân mình. Mà nếu khước từ thì hắn sẽ giết tôi, vậy cũng tốt. Nhưng ngay lúc hắn đưa ra đề nghị, một kế hoạch chợt hình thành trong đầu tôi.
- Ông muốn tôi làm những việc gì? - Tôi hỏi.
Công việc mà Boris muốn tôi làm không phải là dễ dàng. Số lượng các sự vụ mà tôi cần đảm nhiệm vô cùng lớn, trong đó quan trọng nhất là quản lý tài sản riêng của Boris. Boris thường xuyên ém lại chừng bốn mươi phần trăm số thực phẩm, quần áo, thuốc men mà Mátxcơva và Hội Chữ thập đỏ Quốc tế gửi tới trại, cất vào kho bí mật rồi bán cho con buôn. Hắn cũng thường hay bán cả một đoàn xe lửa chở than ra chợ đen. Nhiên liệu thiếu trầm trọng, có bao nhiêu cũng không đủ. Hắn đút lót các công nhân đường sắt và trưởng ga để họ cho hắn tùy ý bố trí các đoàn tàu, nhớ đó hắn tha hồ vớ bẫm. Đám lính canh gác nhà ga được đắm mõm thức ăn và tiền nên nhắm mắt làm ngơ mọi chuyện. Nhờ những phương thức "kinh doanh" đó mà Boris đã tích cóp được một tài sản kếch xù. Hắn giải thích với tôi rằng tiền đó thật ra là để làm vốn hoạt động cho cảnh sát mật. "Hoạt động của chúng tôi", như hắn gọi, đòi hỏi chi những khoản rất lớn mà lại không thể ghi vào chứng từ hợp pháp, nên ở đây hắn phải làm nhiệm vụ "huy động" các quỹ bí mật kia. Nhưng đó là dối trá. Có thể một phần tiền được gửi về Mátxcơva thật, nhưng tôi tin chắc rằng hơn một nửa số tiền kia lọt vào túi riêng của Boris. Theo tôi biết, chỗ tiền đó hắn gửi nhà băng nước ngoài hay dùng để mua vàng.
Vì lý do khó hiểu nào đó, Boris hoàn toàn tin cậy tôi. Hình như hắn chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ rằng, tôi có thể tiết lộ những bí mật của hắn cho người ngoài, điều đó giờ đây tôi cảm thấy thật lạ. Hắn luôn luôn cực kỳ đa nghi đối với người Nga và những người da trắng khác, nhưng với người Mông Cổ và người Nhật thì hắn lại tuyệt đối tín nhiệm. Có lẽ hắn cho rằng tôi không thể hại gì hắn được dù tôi có hở ra về bí mật của hắn. Trước hết, tôi hở ra với ai mới được chứ? Quanh tôi toàn những kẻ cộng tác với hắn hoặc tay chân hắn, mỗi người đều được hưởng một phần con con trong khoản lợi nhuận khổng lồ của Boris. Còn những kẻ duy nhất đang khổ sở và chết dần mòn vì Boris đem bán những thức ăn, quần áo, thuốc men mà lẽ ra họ được hưởng để mưu lợi cho riêng hắn, thảy đều là đám tù bất lực trong trại. Hơn nữa, mọi thư từ đều bị kiểm duyệt, mọi tiếp xúc với người ngoài đều bị cấm.
Thế là tôi trở thành thư ký riêng của Boris, một thư ký riêng năng nổ, trung thành. Tôi cải tiến lại hoàn toàn hệ thống sổ kế toán và theo dõi hàng tồn của hắn mà xưa nay là cả một mớ bòng bong. Tôi tiến hành hệ thống hóa và làm rõ luồng chu chuyển hàng hóa, vòng quay tiền mặt. Tôi tạo những cuốn sổ riêng biệt mà chỉ cần liếc vào là có thể biết ngay số lượng, vị trí của bất cứ món hàng nào, giá cả đang dao động ra sao. Tôi lập một danh sách dài những người nhận hối lộ và những "phí tổn cần thiết" cho mỗi người. Tôi làm quần quật cho Boris từ sáng đến tối, hậu quả là tôi mất hết dăm người bạn ít ỏi mà tôi có. Người ta nghĩ về tôi (không thể nào không nghĩ) như một tên đê tiện đáng khinh đã bán mình làm kẻ liếm gót trung thành cho Boris. Và buồn thay, hẳn là mãi đến giờ họ vẫn còn nghĩ về tôi như vậy. Nikolai không nói năng gì với tôi nữa. Hai ba tù binh Nhật mà tôi vẫn chơi thân, nay hễ thấy tôi đến là ngoảnh đi nơi khác. Mặt khác, lại có những kẻ cố làm thân vì thấy tôi đã thành người thân tín của Boris, nhưng tôi không muốn dính dáng gì tới bọn họ. Thế là tôi trở thành kẻ bị cô lập trong trại. Người ta không giết tôi chỉ vì đằng sau tôi có Boris. Kẻ nào dám ám sát vật sở hữu quý nhất của Boris mà lại yên thân được. Ai cũng biết Boris tàn bạo đến mức nào; tiếng tăm "lột da" của hắn đạt đến tầm cỡ huyền thoại ngay cả ở đây.
Tôi càng bị cô lập thì Boris càng tín nhiệm tôi hơn. Hắn hài lòng với thói quen làm việc hữu hiệu và có hệ thống của tôi, và về lời khen thì hắn rất hào phóng.
- Trung úy Mamiya ạ, anh cừ lắm. Chừng nào nước Nhật còn có những người như anh, thì Nhật Bản chắc chắn sẽ phục hồi được sau cơn hỗn loạn thời hậu chiến. Nước tôi thì vô vọng rồi. Có khi thời Sa hoàng còn khá hơn. Ít nhất là Sa hoàng không phải nát óc vì một mớ lý thuyết. Lenin hiểu được dăm ba thứ từ lý thuyết của Marx rồi cứ thế áp dụng sao cho được việc mình, Stalin hiểu dăm ba thứ (có được bao lâu đâu) từ lý thuyết của Lenin rồi cứ thế áp dụng sao cho được việc ông ta. Trí óc càng hạn hẹp thì người ta lại càng có nhiều quyền lực ở cái xứ này. Trung úy ạ, tôi bảo anh thế này: ở đây chỉ có một cách duy nhất để sống sót mà thôi. Đó là không tưởng tượng gì hết. Gã người Nga nào dùng trí tưởng tượng của hắn là tới số. Tôi chả bao giờ dùng trí tưởng tượng của tôi cả. Việc của tôi là làm cho người khác dùng trí tưởng tượng của họ. Đó là miếng bánh của tôi. Hãy nhớ lấy điều đó cho kỹ. Và chừng nào anh còn ở đây thì ít nhất mỗi khi bắt đầu tưởng tượng cái gì đó, hãy hình dung khuôn mặt tôi và tự nhủ: không, đừng làm vậy. Tưởng tượng là mất mạng như chơi. Lời khuyên vàng ngọc của tôi đấy. Gì chứ tưởng tượng thì hãy dành cho kẻ khác.
Nửa năm trôi qua như vậy. Nay đã gần cuối thu năm 1947, tôi đã trở thành người không thể thiếu được đối với Boris. Tôi chịu trách nhiệm về khía cạnh kinh doanh trong hoạt động của hắn, còn Thằng Tác-ta đảm nhận phần bạo lực. Lực lượng cảnh sát mật vẫn chưa triệu hồi Boris về Mátxcơva, nhưng đến khi đó dường như hắn cũng không còn muốn về thủ đô nữa. Hắn đã ít nhiều biến trại tù và mỏ than thành lãnh địa riêng bất khả xâm phạm của mình, ở đó hắn có đầy đủ tiện nghi, đều đều hốt bạc, lại được cả một đội quân của chính mình bảo vệ. Mà có khi ngay cả giới lãnh đạo thủ đô cũng không muốn gọi hắn về mà cứ để hắn ở đó nhằm củng cố chỗ đứng của họ ở Siberia. Giữa Mátxcơva và Boris vẫn thường xuyên trao đổi thư từ, dĩ nhiên không phải bằng bưu điện mà theo đường xe lửa, qua tay các sứ giả bí mật. Đó luôn luôn là những gã cao lớn có cặp mắt lạnh băng. Mỗi khi một tên như vậy bước vào, nhiệt độ trong phòng dường như tụt ngay xuống.
Trong khi đó, tù nhân làm trong mỏ vẫn tiếp tục chết như rạ, xác vẫn tiếp tục bị vứt vào hầm lò. Boris tiến hành đánh giá toàn diện khả năng của từng tù nhân, kẻ nào ốm yếu thì hắn vắt kiệt lực đồng thời giảm khẩu phần ăn để giết họ dần dần và giảm số miệng ăn. Chỗ thức ăn cắt giảm từ khẩu phần của người yếu được bổ sung cho người mạnh để nâng cao năng suất. Ở trại này hiệu quả là tất cả: đó là thứ luật rừng, mạnh được yếu thua. Mỗi khi số nhân lực bắt đầu giảm, hàng đoàn xe tải chật ních tù nhân mới như những đoàn tàu chở gia súc lại đến. Đôi khi có tới hai mươi phần trăm "chuyến hàng" chết trên đường đi, nhưng chuyện đó chẳng ai quan tâm. Hầu hết tù mới là người Nga và Đông Âu từ phía Tây mang về. Thật may cho Boris rằng chính sách bạo lực của Stalin vẫn tiếp tục thịnh hành ở đó.
Kế hoạch của tôi là giết Boris. Dĩ nhiên tôi biết, dù khử kẻ này thì cũng không có gì bảo đảm tình thế của chúng tôi sẽ khá hơn lên. Đằng nào cũng vẫn là địa ngục, không dạng này thì dạng khác. Nhưng đơn giản là tôi không thể để con người như thế tiếp tục tồn tại trên đời này. Như Nikolai đã nói, hắn như con rắn độc. Ai đó sẽ phải chặt đầu nó.
Tôi không sợ chết. Có chăng là tôi sẵn sàng để Boris giết tôi như tôi giết hắn. Nhưng tôi không thể phạm sai lầm. Tôi phải đợi cho đến đúng cái khoảnh khắc khi tôi có thể tin tưởng tuyệt đối rằng sẽ chắc chắn kết liễu được mạng hắn chỉ bằng một phát súng. Tôi vẫn đóng vai người thư ký trung thành của hắn trong khi chờ cơ hội vồ mồi. Nhưng như tôi đã nói, hắn là kẻ cực kỳ thận trọng. Thằng Tác-ta kè kè bên cạnh hắn cả ngày lẫn đêm. Mà cho dù nếu hắn cho tôi cơ hội chỉ gặp mình hắn thì làm sao tôi giết hắn khi chỉ có một bàn tay, lại còn không có súng nữa? Nhưng tôi vẫn nhẫn nại chờ thời cơ. Nếu trên thế giới này quả thật có ông trời, thì lúc nào đó ngài ắt phải ban cơ hội cho tôi.
o O o
Đầu năm 1948, có một tin đồn loan ra trong trại, rằng các tù binh Nhật cuối cùng cũng được phép trở về tổ quốc, rằng vào mùa xuân sẽ có một con tàu sang đây để đưa chúng tôi hồi hương. Tôi hỏi Boris về chuyện đó.
- Đúng là vậy, Trung úy Mamiya ạ, - hắn nói. - Tin đồn đúng đấy. Các anh sẽ được về nước, không lâu nữa đâu. Một phần do dư luận quốc tế, chúng tôi không thể giữ các anh lâu hơn nữa. Nhưng tôi có một đề nghị cho anh, Trung úy. Liệu anh có muốn ở lại đất nước này, không phải như tù binh chiến tranh mà như một công dân Xô Viết tự do không? Anh đã phục vụ tôi rất tốt, tôi tìm đâu ra người thay thế anh chứ? Về phần đây, nếu ở lại đây với tôi, anh cũng sẽ sống tươi hơn nhiều so với trở về Nhật mà chịu cực chịu nghèo. Nghe nói ở Nhật bây giờ cái ăn cũng chẳng có, người ta đang chết đói. Ở đây thì anh có tiền, có đàn bà, có quyền lực, gì cũng có.
Boris đưa ra đề nghị đó hoàn toàn nghiêm túc. Hắn biết để tôi ra đi thì có thể sẽ nguy hiểm bởi tôi biết bí mật của hắn. Nếu tôi từ chối, hắn có thể khử tôi để diệt khẩu. Nhưng tôi không sợ. Tôi cảm ơn lời mời của hắn nhưng nói rằng, tôi muốn về Nhật vì lo cho cha mẹ và chị gái. Boris nhún vai và không nói gì nữa.
Cơ hội tuyệt vời để giết Boris tự đến với tôi vào một đêm tháng Ba, khi ngày hồi hương đã đến gần. Lúc gần chín giờ tối, Thằng Tác-ta ra ngoài, để lại mình tôi với Boris. Tôi đang làm sổ sách kế toán như mọi khi, Boris ngồi viết thư nơi bàn. Ít khi chúng tôi ở lại văn phòng muộn như vậy. Thỉnh thoảng hắn nhấp một ngụm brandy trong khi ngoáy bút trên giấy. Trên giá mắc áo, bên cạnh áo da và mũ của Boris là khẩu súng lục đút trong bao da. Không phải loại súng lục to đùng do quân đội Liên Xô sản xuất mà là súng Walther PPK của Đức, hình như Boris lấy của một thiếu tá SS bị bắt làm tù binh tại trận chiến trên sông Danube. Súng luôn sạch như lau như ly, bóng loáng, trên báng súng có huy hiệu SS giống như hai lằn sét. Tôi vẫn thường quan sát Boris lau súng, và tôi biết trong băng đạn luôn luôn có đạn - tám viên đạn.
Hắn treo súng nơi giá mắc áo thì thật không bình thường. Vốn cực kỳ cẩn thận, mỗi khi làm việc ở bàn hắn luôn luôn cất súng trong ngăn kéo bên phải. Tuy nhiên, đêm ấy vì lý do nào đó hắn đang trong tâm trạng vui vẻ, nói nhiều nên không thận trọng như mọi khi. Cơ hội này thật không thể có đến lần thứ hai! Đã bao nhiêu lần tôi ôn đi ôn lại trong trí cái cảnh tôi dùng bàn tay duy nhất của mình mở khóa an toàn và đẩy viên đạn đầu tiên vào ổ đạn. Cuối cùng, quyết định hành động, tôi đứng dậy đi ngang qua giá mắc áo, vờ đi lấy một biểu mẫu. Boris cắm cúi viết thư, không nhìn về phía tôi. Ngang qua mắc áo, không dừng lại, tôi rút súng khỏi vỏ. Khẩu súng nhỏ nhắn nằm vừa khớp trong lòng bàn tay tôi. Gọn, nhẹ, rõ là thứ vũ khí tuyệt hảo. Tôi đứng trước mặt Boris và mở chốt an toàn. Đoạn, kẹp súng giữa hai đầu gối, tôi dùng tay phải kéo khóa nòng, đẩy một viên đạn vào ổ đạn. Tôi dùng ngón cái kéo kim hỏa, làm phát ra một âm thanh nhỏ, khô khốc. Nghe cái tiếng ấy, Boris ngẩng đầu lên, thấy tôi đang chĩa súng vào mặt hắn.
Hắn lắc đầu thở dài.
- Đáng buồn cho anh là súng không có đạn, Trung úy ạ, - hắn đậy nắp bút lại rồi nói. - Cầm súng lên nghe nặng nhẹ thì biết có đạn hay không. Thử lắc lắc xem. Tám viên đạn cỡ 7,65 ly, tổng cộng tám mươi gam.
Tôi không tin. Không trù trừ, tôi chĩa họng súng vào trán hắn rồi bóp cò. Chỉ nghe một tiếng tách khô khốc. Hắn nói đúng: súng không có đạn. Tôi đặt súng xuống cắn môi, không nghĩ được gì cả. Boris mở ngăn kéo lấy ra một nắm đạn, đặt vào lòng bàn tay chìa cho tôi xem. Hắn đã lừa tôi. Hắn đã dàn dựng tất cả từ đầu đến cuối để lừa tôi.
- Lâu nay tôi đã biết anh muốn giết tôi, - hắn nhẹ nhàng nói. - Anh đã tưởng tượng, đã hình dung trong đầu chuyện đó hàng bao nhiêu lần, tôi nói có đúng không nhỉ? Tôi đã bảo anh lâu rồi: đừng bao giờ dùng trí tưởng tượng mà mất mạng như chơi. Mà thôi, chẳng sao. Đơn giản là chẳng có cách nào anh giết được tôi hết.
Boris lấy hai viên từ đạn trên lòng bàn tay mình mà ném xuống dưới chân tôi. Chúng kêu lanh canh khi chạm sàn nhà chỗ tôi đứng.
- Đạn thật đấy, - hắn nói. - Tôi không đùa đâu. Nạp vào súng rồi bắn tôi đi. Cơ hội cuối cùng cho anh ấy. Nếu thực sự muốn giết tôi thì hãy ngắm cẩn thận. Nhưng nếu bắn trượt, anh phải hứa không bao giờ tiết lộ bí mật của tôi. Anh không được nói với bất cứ ai trên đời này về những gì tôi đang làm ở đây. Thỏa thuận thế nhé.
Tôi gật đầu. Tôi đã giữ lời.
Lại kẹp súng giữa hai đầu gối, tôi bấm nút tháo băng đạn ra rồi nạp hai viên đạn. Làm việc đó bằng một tay thật không dễ, ấy là chưa nói bàn tay ấy cứ run bần bật. Boris quan sát từng cử động của tôi, vẻ mặt bình thản. Thậm chí môi hắn còn thoảng cười. Gắn băng đạn vào chỗ cũ xong, tôi nhắm vào giữa hai mắt hắn, cố buộc tay mình thôi run rồi bóp cò. Căn phòng rung chuyển vì tiếng gầm của khẩu súng, nhưng viên đạn chệch qua tai Boris mà đập vào tường. Bụi vữa trắng xóa bay tứ tung. Tôi đã bắn trượt dù chỉ đứng cách hai mét. Tôi đâu phải xạ thủ tồi. Lúc còn đóng quân ở Tân Kinh, tôi vẫn thường hăm hở tập bắn. Và dù tôi chỉ còn bàn tay phải, nhưng bàn tay đó mạnh hơn của hầu hết người khác, hơn nữa khẩu Walther là loại súng có cấu trúc cực chuẩn, giúp ta nhắm chính xác, chắc chắn. Tôi không tin được rằng mình đã bắn lầm. Tôi lại kéo kim hỏa rồi nhắm lần nữa. Tôi hít một hơi dài rồi tự nhủ: "Mày phải giết kẻ này". Giết được hắn thì đời tôi mới có chút ý nghĩa.
- Lần này thì nhắm cho chắc, Trung úy Mamiya ạ. Viên đạn cuối cùng của anh đấy, - Boris vẫn cười cười.
Ngay lúc đó Thằng Tác-ta chạy bổ vào phòng, lăm lăm khẩu súng lục to tướng.
- Đừng xen vào, - Boris quát hắn. - Cứ để Mamiya giết tao. Nếu hắn giết được tao thì mày làm gì cứ làm.
Thằng Tác-ta gật rồi chĩa họng súng vào tôi.
Siết chặt khẩu Walther trong bàn tay phải, tôi chĩa thẳng ra, nhắm vào chính giữa cái nụ cười khinh mạn, tự tin của Boris rồi bình tĩnh bóp cò. Súng hơi nảy, nhưng tôi giữ chắc. Phát bắn không chê vào đâu được. Nhưng viên đạn lại sượt qua đầu Boris, lần này thì đập nát chiếc đồng hồ treo tường sau lưng Boris thành từng mảnh. Boris thậm chí không động cả lông mày. Hắn tựa lưng vào ghế, vẫn nhìn tôi chằm chằm bằng cặp mắt như của loài rắn. Khẩu súng rơi đánh choang xuống sàn.
Trong một lát không ai nói gì, không ai động đậy. Nhưng rồi Boris rời ghế, cúi xuống nhặt khẩu Walther lên. Hắn nhìn khẩu súng trong tay mình hồi lâu với vẻ đăm chiêu rồi đút lại vào bao súng trên giá mắc áo. Đoạn hắn vỗ vỗ tay tôi hai lần như để an ủi tôi.
- Tôi đã bảo là anh không giết được tôi mà, phải không? - Boris nói. Hắn lấy trong túi áo ra một gói Camel, rút một điếu cho vào mồm rồi châm lửa. - Không phải vì anh bắn tồi. Chỉ có điều anh không thể giết tôi được. Anh không đủ tư cách để giết tôi. Đó là lý do duy nhất khiến anh bỏ lỡ cơ hội. Giờ thì, thật đáng tiếc, anh sẽ phải mang lời nguyền của tôi mà trở về quê hương. Nghe đây: dù anh có ở đâu, anh sẽ không bao giờ hạnh phúc. Anh sẽ không yêu bất cứ ai, cũng không được bất cứ ai yêu. Lời nguyền của tôi đấy. Tôi sẽ không giết anh đâu. Nhưng tôi tha cho anh không phải vì lòng tốt. Bao năm nay tôi đã giết nhiều người rồi, và tôi sẽ còn giết nhiều người nữa. Nhưng tôi không bao giờ giết nếu không cần giết. Vĩnh biệt, Trung úy Mamiya. Một tuần nữa anh sẽ rời khỏi đây đến cảng Nakhodka. Bon voyage 1. Hai chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp Boris Lột da. Một tuần sau tôi rời trại tập trung, đi tàu thủy đến Nakhodka. Sau nhiều nỗi gian truân, rốt cuộc tôi cũng về đến Nhật Bản vào mùa xuân năm 1949.
Nói thật với ông, thưa ông Okada, tôi không hề biết liệu câu chuyện dông dài kỳ lạ này có ý nghĩa nào với ông không. Có khi đó chẳng qua chỉ là những lời lảm nhảm của một ông già. Nhưng tôi muốn, và phải kể cho ông nghe câu chuyện của tôi. Đọc xong thư, chắc ông đã hiểu rằng đời tôi hoàn toàn thất bại. Tôi đã mất tất cả. Tôi chẳng còn là gì cả. Tôi không làm được bất cứ cái gì. Bởi sức mạnh của lời nguyền đó, tôi không yêu ai mà không được ai yêu. Tôi chỉ còn là cái bóng biết đi, cứ thế biến vào bóng tối. Tuy nhiên, đã ký thác được câu chuyện của mình cho ông, thưa ông Okada, tôi cũng được chút vui lòng mà ra đi.
Mong sao ông sẽ sống một cuộc đời tốt đẹp, không phải ân hận về bất cứ điều gì.
Chú Thích
1.Tiếng Pháp, tạm dịch "Chúc đi đường bình an" - ND.