Số lần đọc/download: 5912 / 75
Cập nhật: 2016-04-22 16:50:51 +0700
Phần V - 12 - -
N
gày 18-11 - Lão Pláy xưng vua, nhảy từ trên núi cao xuống. Kết quả: xác lão nát bét. Mê muội đến thế là cùng.
Ngày 1-12 - Châu Quán Lồ chạy cùng phó của hắn, Sùng Seo Lùng và năm tên vệ sĩ. Chúng xuyên rừng lên Pha Linh rồi vòng về Cán Cấu. Qua các làng chúng cướp ngựa, gạo, ngô, hãm hiếp đàn bà con gái.
Ngày 5-12 - Lồ qua Hầu Thào, không kéo thêm được một người nào theo, tức giận đốt ba nhà dân.
Ngày 9-12 - Lồ cướp một thồ gạo của một bà cụ, đang đi trên đường Quán Dín Ngài.
Ngày 12-12 - Na nủ đến rừng Ô Tô Chải, đói quá na nủ khóc rồi ra bẻ trộm ngô ở nương. Chính chủ nương ngô này kể: đúng là Lồ, mắt chột mà.
Ngày 20-12 - Lồ và Lùng đánh phọt óc một ông cụ ở La Pan Tẩn vì ông cụ không cho chúng cướp gà.
Ngày 26-12 - Tôi cùng Tếnh, chú bé Pùa, A Sinh và mấy du kích theo sát Lồ. Tới đây, hắn mất tích. Nghi là hắn vào hang trên núi Chè Can Chư Sủ. Hang này, nghe nói xưa bọn Lử ở. Đường rất khó đi. Chiều qua, Pùa báo: thấy có khói ở chỗ đó.
Đắc gập sổ tay, gài lại quai mũ sắt. Cúi xuống vốc nước sông Chảy rửa mặt, anh nhận ra hàm râu lâu không cạo đã mọc lởm chởm, đen sì một vệt dưới cằm, trên mép.
"Hừ, trông cũng ra cái vẻ trường chinh vạn dăm đây!” Đắc mỉm cười, sửa sang lại quân phục. Anh vẫn giữ thói quen ra trận, chiến sĩ phải tề chỉnh, sạch và đẹp. Một lần Chính bắt gặp anh soi gương lúc sắp lên đường, anh ngượng nghiụ. Chính cười: “Sao cậu lại nghĩ đó là tiểu tư sản? Không, chúng mình yêu cái đẹp chứ. Tớ tiếc là không đẹp trai như cậu”. Thật ra Chính đẹp, một vẻ đẹp dịu dàng và mạnh mẽ nhưng được ẩn hết vào bên trong.
Đắc thích vẻ đẹp của mình. Đôi mắt trầm, sắc dưới hàng mi rậm, đen, hai cánh mũi vát lên làm cái chỏm mũi nhọn chúc xuống như cái mỏ, thật dữ, một cái cằm vuông xanh những chân râu. Vẻ đẹp ấy, với cuộc sống chinh chiến, không phai bạc.
Ra trận lần nào Đắc cũng tươi trẻ và tự chuẩn bị cho mình một quyết tâm: phải giành chiến thắng, dù mình có phải hi sinh. Nhất là lúc này đây, anh sắp đi vào trận quyết định: diệt tên trùm phỉ số một của miền biên ải. Chính đã gọi điện cho anh, nhưng anh khẩn khoản với Chính cho anh được chỉ huy trận này. Ừ, anh có thể chết. Nhưng đó sẽ là cái chết đánh dấu một thời điểm của sự phát triển. Chính nói vui: “Ông nói về cái chết đẹp như thế làm tôi cũng muốn chết. Nhưng ông chả chết được đâu. Ông sẽ gặp lại Thuý đấy” - Đắc cười vui mơ hồ. Anh kể cho Chính nghe những cảm xúc của anh lúc anh dự buổi kể khổ của những người lầm đường và bảo: Chết cho con người ra khỏi đời thú dữ là đẹp lắm chứ! Xã hội Hmông đã phân cực. Những tên đại gian ác giờ đây cứ bớt dần số lượng. Vài chục, mười lăm tên, rồi bấy giờ là một. Sẽ phải là con số không (0). Anh đang làm nhiệm vụ thực hiện con số 0 đây. Một con số 0 như vậy, nghĩa là chỉ còn lại một xã hội không còn mầm độc ác! Vậy là những suy nghĩ đã dẫn Đắc trở về cái khuynh hướng trữ tình mãnh liệt và man mác của anh.
Nhưng, đại đội trưởng Tếnh đã đeo súng, gọn gàng từ trong nhà bước ra.
- Đồng chí Tếnh nhận mặt được Lồ chứ?
- Nó cao lớn, một mắt. Hay mặc quần áo biệt kích. Chân đi hải xảo. Tôi hai lần thấy nó. Năm 1946, nó hành tội bố tôi ở Pha Linh, tôi thấy nó. Vừa rồi, lọt vào Pha Linh, tôi cũng thấy mặt nó.
Đắc gật đầu:
- Nó là một thằng có tài đấy.
- Đồng chí biết nó à?
- Còn lạ gì! Năm 1946 nó có chân trong chính quyền liên hiệp tỉnh ta. Sau nó phản bội. Nó vốn hư hỏng. Để quốc làm nó hư hỏng thêm. Nhưng nó sẽ chết vì đi ngược chiều gió.
Mắt đại đội trưởng Tếnh sáng như hai mũi dao nhọn. Đôi mắt ấy đã nhận rõ mặt kẻ giết bố mình, anh trai mình, đồng chí mình. Giờ đây, nó nghiêm trang và sắc lạnh ghê gớm. Đắc hiểu: mối thù riêng bao giờ cũng có ý nghĩa sâu sắc của nó, mặc dù chính Tếnh cũng đã hiểu, anh sống không phải chỉ vì mối thù đó; nhất là giờ đây, anh đã là một đại đội trưởng.
Đắc thắt lại bao súng. Pùa, A Sinh và năm anh du kích Can Chư Sủ nữa đã đến. Họ ăn ngô luộc rồi lên đường. Người dẫn lối là anh phỉ về hàng đầu tiên ở Can Chư Sủ: anh Giàng Seo Giống.
o O o
Phơ-rô-pông, tên sĩ quan già dặn trong nghề, cùng các đại uý, thiếu tá, trung tá, trung tướng, những Ác-nu, Coóc-li-đô, Sô-mét, cả trùm GCMA, đại tướng Xa-lăng, con cáo già "không bao giờ đặt thừa một bước chân, nói thừa một lời”, quả đã khôn ngoan khi chọn Châu Quấn Lồ làm con át chủ bài trong cuộc phản loạn và ra sức gây dựng hắn trở thành thần tượng của ý chí Hmông, trước hết là đối với vùng biên giới Việt - Trung, sau nữa là đối với cả vùng tam giác vàng.
Không phải chỉ vì Lồ gắn bó chiều sâu với dân tộc hắn- một dân tộc có khả năng trở thành tên lính xung kích gác giữ tam giác vàng như dự tính của chúng. Chúng cần Lồ, chẳng phải là chỉ vì vai trò của hắn. Lồ còn được quý trọng vì hắn vốn gốc gác nông thôn, dân dã, xuất thân từ người lính, khoẻ mạnh và quen với mọi cực khổ của chiến trận vùng núi. Hắn thích nghi với đời sống nông dân Hmông. Chỉ cần một vốc ngô, một hớp nước lã hắn cũng sống được. Nằm trong hang lạnh, hắn vẫn có thể ngủ đẫy giấc. Hắn có thể tử thủ ở đất này trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Bọn chủ tên tay sai tính toán vậy, chúng nghĩ đến cả trường hợp cuộc phản loạn bị đánh tan và Lồ chỉ còn lại một thân một mình. Chúng đã dự đoán đúng.
Giờ đây Lồ ở trong cái hang đá trên núi Chè cùng với Lùng và hai tên vệ sĩ, một họ Châu, một họ Sùng. Sau một chặng đường trốn lủi, hắn thấy thấm mệt. Mặt hắn xọp lại. Con mắt chột sâu hoắm. Đôi lúc hắn thừ người như nghĩ ngợi.
Thực ra Lồ vốn không có thói quen hồi tưởng. Những ngày hắn mới nổi lên, ngày hắn làm uỷ viên quân sự tỉnh với Việt Minh, ngày hắn phản Việt Minh trở về Pha Linh, buổi hắn thăng quan; mối tình vụng trộm của hắn với A Linh, cuộc sống với Seo Say; thói chuyên chế của lão Pláy, những tội ác, những bước đường gian truân, khốn khó. Hắn chẳng nhớ gì! Hắn không tiếc những thời cơ tốt! Hắn chẳng sám hối vì tội lỗi!
Giờ đây, hắn chỉ có một ý nghĩ là ngờ vực tất cả và chỉ còn một ý muốn: tìm mọi cách để vượt sang Lào. Trong một chuyến lên tiếp tế gần đây cho hắn ở Lao Pao Chải, Phơ-rô-pông có nói cái ý đó và bảo đã gửi cho hắn cái bản đồ. Giờ đây, nhớ lại, hắn thầm trách A Linh, nhưng cũng chẳng nghĩ ngợi lâu la về việc đó. Đường đi ở chân hắn, hắn cần gì đến tờ giấy ấy. Nghỉ ngơi ít hôm, chuẩn bị xong ít lương ăn đường là hắn sẽ đi thôi.
Ánh sáng từ ngoài cửa hang lọt vào làm Lồ thức giấc. Lồ mở mắt, nhìn thấy một cái mạng nhện đang rung rinh trên nóc hang. Thoắt cái, một con nhện đen từ một lỗ đá nào đó bò ra. Con nhện đi lại trên những sợi tơ mỏng mảnh. Sao nó đi tài thế? Hắn trố mắt kinh ngạc, khi vút một cái, con nhện thả mình ra giữa lòng hang. Trời! Y như nó nhảy dù! Mà chỉ dính có một sợi tơ mảnh như khói!
Con nhện làm cho hắn vui. Hắn ngồi dậy, thấy mình cởi trần, liền ập tay che kín nách và quay lại. Tên vệ sĩ họ Châu gầy nhóc đang há mồm cười ở sau lưng hắn.
- Mày cười cái gì thế?
- Cười… con chuột…
- Con chuột nào?
- Nó ở trên nóc hang, cứ thập thò thập thò.
Lồ mặc áo, miệng làu bàu. Tên vệ sĩ nói thế là ý gì? Ví hắn như con chuột hả? Mắt nó gian lắm. Nó nhìn nách hắn để xem ngọc trời cho, thế mà hỏi thì nó nói lảng.
Lồ đi ra cửa. Tên vệ sĩ gầy đi theo.
- Sùng sảo quán đâu?
- Lồ quay lại.
- Ông ấy về bên Hầu Thào.
- Thật chứ?
- Vâng. Ông ấy về lấy bánh giầy… làm lương ăn đường.
- Còn thằng họ Sùng?
- Nó cũng theo ông ấy đi.
- Hừ!
Lồ ngồi phệt xuống tảng đá ở sau cửa hang. Hắn rút hai khẩu súng ngắn ở hai bên hông xem lại đạn, rút băng đạn ở khẩu tiểu liên trước ngực ngó nghé, rồi lại tra vào. Đó là những vật bất li thân của hắn. Hàng tháng nay rồi, chúng hằn vào da thịt hắn: súng ngắn cọ thành chai ở hông, dây tiểu liên sát thành vệt dày bóng như sẹo ở cổ. Hắn chỉ còn tin chúng thôi. Chúng luôn là tôi tớ trung thành của hắn.
Hắn không tin ai cả. Cả cái tên vệ sĩ của hắn đây nữa. Gã thiếu niên này cũng như Phừ, họ Châu, cũng tự nguyện theo hắn. Nhưng gương Phừ nào đã xa?
- Bao giờ Sùng sảo quán về?
Hắn hất hàm, đột ngột hỏi gã vệ sĩ.
- Tôi không biết.
Gã vệ sĩ đứng dậy, rồi bỗng nghênh tai, mặt tươi hớn.
- Có lẽ họ về đấy.
Có tiếng chân bước ở ngoài cửa hang thật. Gã vệ sĩ định chạy ra. Nhưng, hắn bị Lồ đưa tay giật vạt áo và ngã chổng kềnh trên đá. Lồ nằm rạp xuống, sau tảng đá, chĩa súng ra ngoài cửa hang.
Gã vệ sĩ bò dậy, khe khẽ kêu:
- Na nủ Lồ, đúng người mình rồi!
- Câm mồm!
- Kìa, đúng họ đang đi vào đấy mà.
- Câm!
Cửa hang có bóng người. Cái bóng ấy gò lưng thồ một địu nặng. Nó dừng lại nghỉ, rồi dò dẫm bước vào hang. Bỗng… hự! Cái bóng ngã lăn quay, ba bốn cái bánh giầy to bằng cái vành khăn, trắng mịn lăn ra đất. Nó nghển lên, kêu ơ ơ.
Nhưng Lồ đã chĩa súng vào mặt nó. Nó là tên vệ sĩ của Sùng Seo Lùng.
- Thật là mày không?
- Thật tôi mà!
- Đ. mẹ, có dẫn ai đi theo sau không?
Tên vệ sĩ đứng dậy, cúi đầu, khúm núm. Nó hiểu là Lồ nghi ngờ nó. Giờ, chắc Lồ yên tâm rồi chứ. Nó nhặt một cái bánh giầy đưa cho Lồ. Nhưng Lồ lại lùi về sau, quát:
- Sùng sảo quán đâu?
- Ông ấy bảo tôi về trước. Ông ấy gặp vợ ông…
- Nó còn làm gì?
Tên vệ sĩ cười, giơ tay làm một cử chỉ thô tục. Lồ gầm ghì.
- Chúng mày lập mưu làm phản ông, hả!
Tên vệ sĩ sợ hãi giật lùi vào sau tảng đá. Lồ cúi nhặt một cái bánh giầy, nhưng chưa kịp ném cái bánh giầy vào mặt tên vệ sĩ, Lồ bỗng rủn cả hai đầu gối.
Cửa hang vừa nổ ùng một tiếng tạc đạn.
Và lọt vào lòng hang một tiếng nói trai trẻ Hmông thật dõng dạc.
- Châu Quán Lồ và đồng bọn. Các ngươi đã bị du kích Hmông vây chặt, không còn lối thoát thân nữa. Chính phủ sẽ khoan hồng với kẻ đầu hàng và biết hối cải. Hãy bỏ súng xuống, và đi ra từng người một, hai tay giơ lên đầu.
- Hàng cái l. mẹ mày!
Lồ chửi, lia một băng tiểu liên ra ngoài cửa hang.
o O o
Gần sáng, các chiến sĩ kéo từ trong hang ra ba cái xác chết.
Đắc, bị đạn Lồ bắn sượt qua cánh tay trái, cầm đèn pin rọi lướt qua mắt hai tên trẻ tuổi, dừng lại ở cái mặt chỉ có một con mắt lành.
- Thằng Lồ đây! Khốn nạn thân mày. Ơ, sao nó lại còn mở mắt nhỉ?
Các chiến sĩ du kích xúm lại. Con mắt lành của Lồ còn mở thật.
Đại đội trưởng Tếnh, người đã nã đạn trúng Lồ khi hắn liều mạng nhảy ra cửa hang, lục túi Lồ, lôi ra mấy đồng bạc trắng, một góc bánh giầy và một nắm lá ngón. Những nốt rỗ huê mờ mờ trên trán Tếnh lặn đi đâu cả, giờ mặt Tếnh như đỏ tía lên. Cha ơi, anh Seng ơi, thù riêng con đã trả được rồi. Cha, anh đừng buồn nữa nhé. Anh Tích ơi, em đã trả thù cho anh được rồi, ở dưới âm, anh hãy yên nghỉ nhé. Nghẹn ngào, Tếnh quay lại Đắc:
- Bố tôi, khi còn sống bảo: Kẻ độc ác khó chết lắm. Nó hấp hối còn lâu. Giời phạt nó, bắt nó ăn năn với tội lỗi.
- Vuốt mắt cho nó đi!
Đắc nói, quay đi, tra súng vào bao.
Pùa cúi xuống, vuốt mắt cho tên trùm phỉ.Tếnh khoác súng vào vai:
- Anh Đắc à, dân Hmông tôi còn có nhiều người tin là Lồ có ngọc trời cho, đạn không thể bắn chết được. Tôi đề nghị đưa xác nó ra chợ cho dân xem.
Đắc nghĩ: "Chính dặn: không nên tuyên truyền rộng". Anh phẩy tay, nhăn mũi:
- Xác nó bẩn quá!
Và anh đi xuống dốc núi.
Mặt trăng mờ đã chìm xuống sau cánh rừng Chè. Phía đông, mây sớm rờn rờn trông như lông chim gáy, rồi chuyển sang vàng mơ như lụa. Bình minh đang lên!
Đắc đứng lại, thở một hơi dài, rồi tìm cuộn băng băng vết thương.
Thế là xong một nhiệm vụ. Thời khắc này thật thiêng liêng. Chấm dứt những náo động, hỗn loạn. Một thế giới cũ đã khép lại. Một thời đại mới vào buổi bình minh. Thật thế chăng? Lịch sử bao giờ cũng có những trang hào hùng và bi đát. Con người chỉ có thể làm ra lịch sử một khi thực sự hiểu biết cuộc sống, nhận thức được tất cả qui luật của nó, đề ra được những phương pháp đúng và lao vào thực tiễn với tất cả nhiệt tình và nghị lực phi thường; nhưng con người muốn làm được điều ấy thì phải có một cuộc cách mạng ở ngay bản thân mình.
Đắc đi thong thả. Sau anh, du kích khiêng xác Lồ và hai tên phỉ trẻ. Họ giục anh đi nhanh.
Sáng bừng, họ về với thị trấn.
Khả đang đánh răng, thấy Đắc, mừng rỡ:
- Hoan hô anh Đắc! Hết phỉ rồi!
- Sao ông biết?
- Ôi giời! Các làng họ truyền tin, đốt đuốc rầm rầm cả lên kia kìa. Tôi chờ anh về để chính thức báo cáo với anh Chính. Hoan hô quân ta! Anh Đắc ơi, anh cho anh em cuốn dù, nghỉ xả hơi chút chứ, mệt phờ cả rồi.
Đắc cởi bao súng, bỏ mũ sắt, vui vẻ:
- Chỉ có dân tộc Hmông là tạm được nghỉ ngơi thôi. Họ đã quá cực khổ. Họ lại có tài năng và đã góp phần xứng đáng. Chỉ có họ đáng được nghỉ. Còn tôi với ông… nghỉ một hôm thôi. À! Điện cho anh Chính đi. Báo cho toàn tỉnh biết, để cùng mừng.