Số lần đọc/download: 1801 / 55
Cập nhật: 2016-06-19 02:31:24 +0700
Chương 60: Chuyện Quan Hành Khiển Đỗ Tử Bình
Đ
ời Trần Duệ Tông (1372 - 1377) quan hành khiển Đỗ Tử Bình được lệnh trấn giữ ở Hóa Châu (vùng Bình - Trị - Thiên ngày nay). Bấy giờ, vua Chiêm là Chế Bồng Nga sai người đem mười mâm vàng nhờ Đỗ Tử Bình dâng vua Duệ Tông, cốt tạo mối hòa hiếu nhất thời để yên bề củng cố lực lượng, hòng đối phó lâu dài với Đại Việt. Nhận vàng, Đỗ Tử Bình liền giấu vua Trần mà lấy làm của riêng, lại còn bịa đặt tâu vua rằng Chế Bồng Nga vô lễ, cần phải đem quân đi hỏi tội. Duệ Tông tưởng thật, giận lắm, cất quân đi đánh Chiêm Thành ngay.
Ngày 23 tháng 1 năm Đinh Tị (1377), Duệ Tông đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn, Bình Định ngày nay). Chế Bồng Nga dùng mưu đẩy quân Trần vào đất hiểm rồi đánh cho tơi bời. Vua Trần Duệ Tông cùng một loạt tướng lĩnh cao cấp như đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết trận, Ngự Câu Vương Húc thì bị bắt sống. Trận này, Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân, không chịu đến cứu nên thoát được, còn Hồ Quý Ly thì lo việc quân lương ở phía sau, nghe tin vua chết cũng lập tức chạy về.
Quân Đại Việt thua trận, căm ghét Đỗ Tử Bình, bèn bắt ông đem đóng cũi, đưa về kinh sư để trị tội. Dân dọc đường trông thấy, ném gạch đá vào Đỗ Tử Bình và không ngớt chửi rủa. Nhưng rồi sau đó, triều đình cũng tha tội chết cho Đỗ Tử Bình, chỉ phạt tội đồ làm lính.
Lời bàn: Đỗ Tử Bình thấy của thì ham, cất giữ riêng mười mâm vàng là gian, lại tấu xàm về triều là thêm một lần gian nữa. Kẻ tham thì thường bất nghĩa. Đỗ Tử Bình không đi cứu vua Duệ Tông cũng là sự thường ấy thôi. Song, mấy kẻ bất nghĩa ở đời mà lại được yên thân. Đỗ Tử Bình từng là hành khiển, quyền uy một thuở đầy mình, bỗng chốc bị gông cổ đóng cũi chở về kinh để trị tội là một lần nhục, bị dân lành ném gạch đá và chửi rủa là hai lần nhục, sau rốt lại bị đồ làm lính là ba lần nhục. Ôi, đổi danh dự và cả sự nghiệp cùng chức quan hành khiển đế lấy mười mâm vàng, sao mà rẻ rúng thế. Mười mâm vàng kia há lại bù đắp nổi ba lần nhục với người đương thời, muôn lần nhục với hậu thế được chăng?