Never get tired of doing little things for others. Sometimes those little things occupy the biggest part of their hearts.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 61
ừ lúc Lãng đến báo tin ngày mai sẽ khởi hành, căn nhà trở nên rộn rịp mà buồn bã như nhà có tang. Quỳnh Trang lo kiểm soát lại những thứ đã mua sắm lâu nay cho chồng mang theo. Nàng chuẩn bị kỹ quá, ai cố vấn điều gì, bảo sắm thứ gì nàng cũng nghe, nên cái xắc vải đã căng phồng mà đồ đạc bên ngoài còn cả đống, trong khi Lãng dặn đồ đạc càng gọn nhẹ càng tốt. Giả trang đi tắm biển Vũng tàu mà hành lý cồng kềnh đầy đủ, có khác nào tự nộp mạng cho Công an.
Cả nhà giấu không cho thằng Bình biết nên thằng bé cứ nghĩ nó sắp được đi tắm biển thật. Nó hớn hở được đi chơi xa một chuyến, và hơi lấy làm lạ là đột nhiên ông bà ngoại cưng chiều nó đủ điều. Bà ngoại mua phở cho nó ăn, ông ngoại dặn nó xuống Vũng tàu rán nghe lời ba, chị Thúy đi đâu thì đi theo đó. Nó khoái vì có chị Thúy cũng đi tắm biển với nó, dì Nam đã hứa cho chị Thúy đi tắm với nó cho “có chị có em”.
Trong lúc Ngữ nhờ Lãng chở xuống Thị nghè chào mẹ và vợ chồng Quế, Quỳnh Trang loay hoay không biết làm sao với đống hành lý bề bộn. Bà Thanh Tuyến phải can thiệp vào. Bà bảo hai cái gối hơi và khăn nên bỏ vào cái xách tay nhỏ cho thằng Bình mang, cho có vẻ dân đi tắm biển Vũng tàu cuối tuần. Các thức ăn không nên mang theo, vì Diễm đã lo đầy đủ phần lương thực. Diễm là chủ ghe, mang theo cả gia đình (trừ Ngô ở lại) thế nào Diễm cũng mua sắm đầy đủ, và dành cho Ngữ một số ưu đãi. Quần áo thì chỉ cần một bộ mặc trên người và bộ bọc trong bao ny lông “đề phòng tai nạn”, không cần mang thêm nhiều chỉ tốn công.
Vợ chồng Tường chở con xuống lúc Ngữ không có nhà. Sợ bịn rịn khóc lóc làm lộ hết mọi chuyện, hai vợ chồng chỉ ở lại có năm phút rồi vội vã ra về. Nam ôm Thúy khóc thầm, con Thúy cũng khóc. Nam dặn:
- Con rán học hành, và nghe lời cậu. Không có ba me, cái gì con cũng phải hỏi ý cậu. Thôi, con đi.
Tường đến ôm con, rồi vội vã ra đường như người chạy trốn. Thúy không muốn rời mẹ, hai tay cứ ôm lấy vòng lưng ấm của mẹ mà khóc, Nam gỡ tay con ra, hôn lên đôi má đẫm nước mắt của con rồi lấy khăn che mặt quay nhanh ra cửa.
Thằng Bình không hiểu gì hết, hỏi Thúy:
- Đi tắm biển một ngày, mà sao chị khóc vậy?
Thúy không trả lời, ngồi ôm cái xách tay tiếp tục khóc. Bà Thanh Tuyến tới dẫn cháu nội vào phòng. Hai ông bà xì xầm an ủi dặn dò cháu, mỗi lần thằng Bình tới gần lại im để thằng bé khỏi nghe thấy gì. Bà Thanh Tuyến bảo cháu:
- Con qua nói với cô Như là nếu có gửi quà về cho bà, thì nên chọn những thứ bên này bán được tiền mà bên đó giá rẻ. Bà có biên hết ra đây, con đọc cho thuộc rồi bà xé tờ giấy, chứ mang bên mình không được đâu. Bà không dặn cậu Ngữ vì có dặn cậu cũng quên. Con nhớ nói với cô Như nếu gửi thuốc Tây thì nên mua thuốc Pháp gửi về, bán được giá hơn thuốc Mỹ, nhất là những thứ thuốc này này… Con nhắc lại xem… Được rồi. Còn vải thì nói với cô Như là các thứ cô chọn nhã quá, bán không được giá. Chọn loại hơi sặc sỡ một chút; mình mua để bán, chứ có phải mua cho mình đâu mà chọn theo “gu” của mình. “Xoa” Pháp hiện hạ giá lắm, nói cô có gửi thì gửi bớt lại, để tiền mua thêm dầu gió xanh và Tylenol…
° ° °
Biết chắc sáng sớm mai sẽ đi nên đêm nay nhìn đâu Ngữ cũng cảm thấy quyến luyến, từ những hàng cây cao hai bên đường Hồng Thập tự, những con đường qua lại nhiều lần chở khách đi về, cái quán nhỏ đường Phạm Ngũ Lão Ngữ thường ghé ăn cơm dĩa, khu chợ Bến thành nằm im dưới sương khuya, vỉa hè phố Lê Lợi, nhà thờ Đức Bà, đại lộ Thống nhất… Ngữ bảo em chở mình đi một vòng qua những phố chính để ghi hết vào óc hình ảnh thân yêu của quê hương. Lãng thầm chê anh lẩm cẩm nhưng vẫn kiên nhẫn chiều anh. Lãng dặn:
- Ngày mai em dẫn một nhóm người xuống giao cho bãi, nhà mình ba người, bảy người kia ở Phú lâm và Khánh hội em đã hẹn giờ để đúng 7 giờ sáng có mặt ở Hàng xanh. Mình đã thuê một chiếc xe Lam xuống Phước thắng, lên xe anh làm như không biết họ, cũng đừng nói chuyện gì cả. Em không đi chung với anh. Tới Phước thắng, em đã dặn xe Lam dừng ở đâu rồi. Em sẽ đón anh dẫn vào trốn ở nhà người ta, chờ tối lại dẫn giao cho bọn lo bãi. Anh qua trước, chắc chừng một năm sau cả nhà sẽ qua. Anh yên tâm, em sẽ lo chăm sóc má. Em cứ bảo má thôi bán xăng, nhưng má không chịu.
Lãng dặn dò nhiều nữa, nhưng ngồi sau yên xe gắn máy, Ngữ không nghe em nói gì. Những ngọn đèn đường như ủ rũ nháy mắt chia tay với Ngữ. Phố xá nhắm mắt thở dài sợ không chịu đựng được cảnh biệt ly. Mùi bụi đường trở nên thơm tho quyến rũ. Trời đầy sao. Đêm ấm áp nồng nàn.
Quỳnh Trang chờ Ngữ về để dặn dò chồng đủ điều. Ngữ đòi mặc bộ quần áo vải dày Quỳnh Trang đã bỏ lại, nhưng Quỳnh Trang bảo:
- Anh đừng mặc bộ quần áo này.
Ngữ ngạc nhiên hỏi:
- Sao thế? Bộ này vải tốt, mặc ấm hơn bộ kia.
- Nhưng bộ này anh đã mang theo học tập cải tạo. Đồ ở tù về không nên mang theo. Xui lắm!
Ngữ chợt hiểu, nhìn vợ cảm động. Ngữ hỏi:
- Vợ chồng con Nam dẫn Thúy xuống chưa?
Quỳnh Trang đáp:
- Rồi. Anh Tường gửi lời từ biệt anh. Anh đi ngủ đi, mai phải dậy sớm. Se sẽ không con nó dậy. Anh hứa với em là phải săn sóc con thật kỹ. Anh thì bớt hút thuốc lá đi. Rán giữ gìn sức hkỏe, chờ em sang. Em đã để đồng hồ báo thức. Em tắt đèn nhé.
Ngữ thì thào trong bóng tối:
- Đêm nay đâu có ngủ nghê gì được mà phải để đồng hồ báo thức.
Ngữ nằm xuống giường, xoay nghiêng ôm lấy thân thể vợ. Quỳnh Trang để yên cho chồng hôn lên má lên cổ lên ngực mình, nhưng khi Ngữ đòi nhiều hơn, nàng ngăn lại. Ngữ kinh ngạc hỏi:
- Cho anh từ biệt chứ. Sắp xa nhau đến mấy năm, em không nhớ à?
Quỳnh Trang giữ tay chồng lại, thì thào:
- Đừng anh. Mai anh đi, đừng… em sợ xui.
° ° °
Chiếc xe Lam ba bánh dừng lại ở một khóm nhà nằm sát đường nhựa, hông xe kề sát vào vách trước của căn nhà nằm ngoài cùng. Lãng đã xuống trước chờ sẵn ở đó. Mọi người lục tục xuống khỏi xe. Lãng đẩy mười người vào nhà rồi đóng kín cửa lại. Bên ngoài, chiếc xe Lam rú ga phóng nhanh về hướng Vũng tàu.
Từ hai năm nay, dân xóm chài nghèo nàn này đã bỏ lưới bỏ dầm chuyên sống bằng nghề giấu người vượt biên, nên từ trẻ tới già ai ai cũng có vẻ hết sức “chuyên nghiệp”.
Bọn Ngữ vừa xuống xe vào nhà chưa đầy mười phút đã có những đứa trẻ tới nhận người, dẫn đường lần lượt đi gửi ở những nhà khác nằm sâu vào phía trong, sát con lạch mà Ngữ đoán sẽ dẫn ra cửa biển.
Gia đình Ngữ được gửi tại một căn nhà tôn mái thấp sàn bằng ván nằm ghếch lên bờ rạch, ngay dưới sàn qua những khe ván hở Ngữ thấy bên dưới có một chiếc sõng nhỏ đậu sát vào cột nhà, hai mái dầm nằm gọn trong lòng sõng.
Thằng Bình nãy giờ thắc mắc nhưng thấy mọi người hối hả lo lắng khác thường không dám nói gì, bấy giờ mới hỏi nhỏ con Thúy:
- Tới biển rồi hở chị?
Thúy đưa ngón tay trỏ lên môi bảo Bình im lặng, rồi nói nhỏ:
- Chưa tới biển đâu.
Thằng Bình hỏi:
- Sao không ra biển tắm mà vô đây làm gì?
Ngữ định nhân dịp này giải thích cho con biết, nhưng Thúy đã nói trước:
- Mình vượt biên chứ không phải đi tắm biển. Em nói nho nhỏ, không Công an tụi nó tới bắt đấy.
Nghe hai tiếng “công an” thằng bé hiểu liền. Từ đó nói gì nó cũng nói thật nhỏ, làm cái gì cũng sẽ sàng không để gây ra tiếng động. Nó bắt chước y như những gì bố nó đã làm khi trốn ở nhà.
Những người đàn ông trong căn nhà ván không biết đã đi đâu, trong nhà chỉ có hai mẹ con: thằng bé vừa đi đón khách và bà mẹ. Bà chủ nói thầm với Ngữ:
- Chú đừng lo. Ở nhà tôi yên lắm, miễn đừng ló mặt ra ngoài hay đừng nói lớn. Xăng dầu lên giá, đi biển không sống nổi nên cả xóm sống bằng nghề này. Mấy ổng thông cảm, lâu nay để yên cho tụi tôi làm ăn. Tụi tôi cũng biết điệu, chia chác cho mấy ổng. Đực, ra ghe đem cái lò về cho mẹ nấu cơm. Ừ, đem lò về rồi hãy đem củi sau, một lần ôm không hết đâu, lọng cọng để rơi bể cái lò. Chú với mấy cháu ăn uống gì chưa?
Ngữ đáp:
- Hồi sáng đi sớm chỉ kịp mua mấy gói xôi.
- Để tôi nấu cơm nóng ăn cho đỡ đói.
Ngữ lo lắng nói:
- Tôi chỉ đem theo mấy chục để dành đi xe nếu lỡ…
Bà chủ nhà hiểu ý, nói:
- Chú đừng lo. Bao nhiêu tiền tôi tính hết để mấy ảnh trả lại sau. Nương dựa nhau sống qua ngày vậy mà.
Ngữ hỏi:
- Thiếm đi dễ dàng sao không đi?
- Tôi chờ mấy bà con trong xóm qua bên đó coi có làm nghề được không rồi mới dám tính. Tụi tôi dân làm cá, qua bên đó mà không được đi biển thì làm sao sống. Mình đâu có chữ nghĩa mà làm thầy làm cô ở bàn giấy. Tối nay có một đám đi chính thức ở dưới bãi Lau.
- Thế à? Sao chưa thấy họ xuống?
Bà chủ nhà cười:
- Họ đi xe buýt, có Công an dẫn đường, thì cần gì phải xuống sớm nằm núp như chú. Kể có tiền cũng sướng thật. Vượt biên mà có vé, lên tàu có Công an soát vé như đi coi hát cải lương. Chắc chuyến của chú đi cùng giờ với các tàu đó. Tụi Công an lo cho chiếc tàu, không có thì giờ đi canh gác bờ biển.
Ngữ ngạc nhiên hỏi:
- Sao bên chủ bãi họ nói đã mua hết Công an rồi?
Bà chủ cười:
- Thì phải mua mới có bãi để ghé vô rước người chớ. Nhưng làm sao mua hết được. Bãi của xã, nhưng Công an huyện lo cho chiếc tàu lớn mà biết vụ của mình, tụi nó sẽ làm khó dễ để moi tiền. Rồi tụi bộ đội, rồi Công an biên phòng…
Ngữ thêm lo lắng, vội hỏi:
- Lâu nay những đám được thiếm giấu, có đám nào bị bắt không?
- Cũng có lai rai. Tùy may rủi hà!
Ngữ không dám hỏi tiếp, mà bà chủ cũng không muốn nói thêm. Thằng con trai bà chủ đã khệ nệ mang cái lò đất nung từ ghe về, sau đó nó trở ngược đường cũ ra lấy củi. Mang củi về xong, nó thì thào gì đó với mẹ. Bà chủ chờ con đi ra xong, đóng kín cửa lại bảo Ngữ:
- Không hiểu sao tụi Biên phòng bữa nay lảng vảng xuống tận dưới này. Chú nói mấy đứa nhỏ đừng cười giỡn nữa. Khi có ai tới, chú với mấy đứa nhỏ leo xuống cái cầu thang đây, xuống chỗ có tấm vải bố dở lên thì thấy có cái thuyền thúng, đó đó, chỗ đó. Kẹt lắm mới phải xuống đó núp đỡ chờ tụi nó đi khỏi. Tôi chỉ nói phòng xa, chắc tụi nó đi dọn bãi cho tàu lớn, không việc gì đâu.
Ngữ hồi hộp nằm chờ cho tới tối, nhìn đồng hồ mãi, thấy cây kim giây uể oải nhích từng chút. Thằng Bình nằm không, nhớ mẹ, khóc đòi về. Con Thúy dỗ không được, cũng mếu máo khóc. Ngữ phải nạt nhỏ hai đứa mới nín, rồi nằm bên nhau tỉ tê nói thầm với nhau những gì Ngữ không nghe rõ. Ngữ giết thì giờ bằng cách soạn xách tay kiểm lại những thứ Quỳnh Trang đưa theo. Chàng sung sướng thích thú đến chảy nước mắt khi bắt gặp ở dưới đáy xách một cái gói mềm mềm bọc kín bằng bao ny lông, Ngữ vừa mở gói vừa hồi hộp. Chàng đoán đúng: Quỳnh Trang gửi cho chồng đem theo cái áo lót thơm mồ hôi của mình.
Ngữ đưa chiếc áo lên mũi ngửi, mỉm cười nhớ lại đêm qua. Quỳnh Trang lúc đầu từ chối không cho Ngữ ân ái, chỉ nằm yên cho chồng sờ soạng khắp thân thể mình. Những cái vuốt ve của Ngữ làm thân thể nàng ấm lên, lời dặn dò pha lẫn với hơi thở nóng. Nàng bị cuốn vào cảm xúc, quên hết những điều dị đoan, quên cả nỗi lo tiếng động kẽo kẹt của cái giường gỗ đánh thức ông bà Thanh Tuyến và hai đứa trẻ. Lâu lắm Quỳnh Trang mới tìm lại được cảm giác khoái lạc của nhục dục, cảm giác đó càng lớn lao khi nàng chợt nghĩ đây là đêm cuối cùng hai vợ chồng được ôm ấp nhau, được nếm vị ngọt trên môi nhau, được áp má vào da thịt ấm của nhau, được chia sẻ cho nhau cuống quít dạt dào và ê ẩm lâng lâng…
Bên ngoài cửa ván, trời bắt đầu tối. Nước thủy triều lên, sóng đập vào cột nhà phát ra tiếng động lách chách đều đặn, lâu lâu lườn chiếc sõng con theo sóng cọ vào cây cột gỗ, tiếng trầm và nghẹn. Mùi bùn non hết còn bốc lên như ban ngày, gió làm cuộn lên một mùi rêu tanh pha muối.
Lãng trở lại đúng giờ hẹn, làm cho Ngữ tin tưởng chuyến đi sẽ thành công vì xếp đặt quá chu đào. Lãng nhắc lại với anh là chủ bãi nhờ Lãng dẫn toán của Ngữ đến điểm hẹn giao cho họ, sau đó họ sẽ dẫn đến chỗ nằm chờ “taxi” đến rước đưa ra ghe lớn. Phần Diễm được bốn toán, mỗi toán mười người. Gia đình Diễm đi ở toán khác. Lãng cũng không biết hiện toán của Diễm nằm ở đâu.
Lãng tập trung đông đủ mười người rồi dẫn cả toán đi dọc theo con lạch thật lâu. Mọi người hồi hộp cứ lẫm lũi bước, không ai nói gì. Cả lũ trẻ cũng im lặng. Trời tối, đường đất mấp mô nên đoàn người bước thật chậm trong đêm. Sau hơn một giờ đồng hồ, họ tới cuối con đường đất. Lãng bảo mọi người dừng lại, ngồi xuống chờ. Ngữ thì thào hỏi em:
- Anh cứ tưởng chỉ việc xuống mấy cái sõng cột dưới nhà là đi một mạch ra ghe lớn.
Lãng đáp:
- Không dễ như vậy đâu. Chốc nữa anh phải lội sình một chặp nữa mới tới chỗ “taxi” đón. Bãi đón khách phải đổi luôn, chỗ càng khó tới càng an toàn, anh hiểu?
Một bóng đen từ xa tiến lại, Lãng đứng dậy, thì thào hồi lâu với người lạ, rồi trở về chỗ Ngữ nói:
- Thôi, anh đi. Sang năm em sẽ đưa má qua. Hai cháu tới cho cậu hôn rồi đi. Thúy, cháu không được khóc. Cậu sẽ đưa ba me qua cho cháu. Ừ, cậu hứa!
Lãng vội trở lại con đường cũ cho lũ trẻ khỏi bịn rịn. Ngữ nhìn theo bóng em dần dần chìm khuất trong màn đêm, lòng bùi ngùi.
Người lạ bảo cả toán cởi dép xăn quần lên, rồi bắt đầu lội sình tới bãi “taxi”. Ngữ ẵm con lên tay, một tay dắt con Thúy. Nhưng sức nặng ấn sâu bàn chân Ngữ xuống sình, rút chân lên khó khăn, Ngữ phải bỏ con xuống. Thúy và Ngữ đi hai bên nắm tay thằng Bình giúp nó đi nhanh cho kịp những người khác.
Tuy gió đêm thổi lạnh, nhưng nỗi mệt nhọc làm ai nấy đều thở dốc, hơi nóng tỏa lên đầu mũi, tai lùng bùng. Không biết họ lội bùn như thế bao lâu và đi được bao xa, cuối cùng cả toán dừng lại khi tới chỗ đất khô có lùm cây mọc là đà, bên mé nước. Người hướng dẫn bảo cả toán tìm chỗ núp dưới những lùm cây đó, khi nào “taxi” tới thì leo lên để ra ghe. Ngữ hỏi:
- Chờ lâu không?
Người hướng dẫn đáp:
- Chừng nửa giờ nữa. Nhớ nằm im đừng ai nói năng gì.
Nói xong, người hướng dẫn bỏ đi. Thúy thì thào hỏi cậu:
- Sao ổng bỏ mình lại đây hở cậu?
Ngữ đáp:
- Ổng xong phận sự rồi. Mỗi người chỉ lo một phần thôi.
Thằng Bình nổi cơn ho. Thúy vội lấy lọ dầu nóng xoa lên cổ và ngực thằng bé. Ngữ dỗ con:
- Con rán chờ ra tàu có chỗ nằm ngủ. Ngoan lên nào. Đừng khóc.
Thắng Bình nín khóc nhưng miệng vẫn gọi “Me ơi! Me ơi” nho nhỏ. Ống quần ướt nước thấm vào da thịt, lại thêm gió đêm thổi thốc từng cơn nên mọi người ru lập cập. Thằng con lên hai của chị đi cùng toán khóc ré lên, người mẹ bị cả toán la rầy vừa mếu máo dỗ con vừa phân trần:
- Tui mua phải thuốc ngủ giả, cho nó uống tới hai viên mà nó không ngủ. Nín đi con! Nín đi con!
Thằng bé ậm ừ như mắc nghẹn, có lẽ người mẹ đã nhét núm vú vào miệng con. Ngữ nóng ruột lâu lâu đưa tay lên nhìn mấy cây kim dạ quang của đồng hồ. Một giờ, rồi một giờ rưỡi sáng. Rồi hai giờ. Trên con rạch trước mặt, sóng vẫn đập lách chách. Đến hai giờ rưỡi, cả toán vui mừng vì nghe tiếng động cơ nổ dội từ xa, mỗi lúc một gần. Ngữ bảo con và cháu:
- Taxi tới rồi.
Cả toán đứng hẳn dậy. Chiếc ghe nhỏ taxi hiện ra rõ hơn, ngoài tiếng máy nổ lạch xạch còn nghe được cả tiếng chiếc ghe gắn máy rẽ nước tiến tới.
Chiếc ghe tiến gần, gần hơn nữa, máy nổ chậm lại. Ngữ rộn rã vui, cúi xuống nhấc cái quai xách tay quàng lên vai chuẩn bị lên đường. Đúng lúc đó chàng ngỡ ngàng nhận ra rằng hai người đứng trên taxi đều cầm súng. Tiếng lên đạn lách cách… rồi tiếng la lớn:
- Đù mẹ trúng mánh rồi tụi bay ơi! Dân vượt biên! A ha!
Ngữ không kịp suy nghĩ gì nữa, kéo con và cháu chạy ra bờ rạch. Phía sau lưng lại có tiếng la lớn:
- Đù mẹ định chạy hả? Đứng lại.
Ngữ đã chạy hết mô đất cao. Trước mặt là bãi sình. Không còn cách nào khác, Ngữ nắm chặt tay Thúy và thằng Bình nhảy xuống sình chạy trốn. Súng bắt đầu nổ. Ngữ cứ lao người về phía đêm đen trước mặt, bất chấp mọi sự. Chàng không còn biết cái gì đang xảy ra, không còn biết mình đang làm gì. Đột nhiên giữa cái hoang mang bập bềnh chung, Ngữ cảm thấy lưng nhói đau. Đôi bàn chân dưới bùn sâu tê dại. Ngữ cố sức mà không rút chân lên nổi. Rồi mắt Ngữ hoa, mũi Ngữ mát lạnh và ngầy ngật mùi bùn. Ngữ cố hết sức xoay người để thở, lưng lại lạnh buốt. Hình như Ngữ nghe thấp thoáng được tiếng khóc. Phải rồi, tiếng khóc chợt rõ mồn một; mà có tới hai giọng khóc khác nhau chứ không phải một. Một giọng khóc nhỏ và thanh. Một giọng lảnh lói, như những mũi kim xuyên vào da thịt Ngữ. Mắt Ngữ thấy những hình ảnh chập chờn không rõ nét, hình nọ chập lên hình kia. Hình như Ngữ thấy hình ảnh một dòng sông, rồi hình ảnh một người thiếu nữ đang khóc. Mây ở đâu cuồn cuộn kéo về phủ mất hình ảnh thiếu nữ, đến khi mây trôi qua hết Ngữ lại thấy một khu rừng đang bốc cháy, rồi một đàn hươu cao cổ ló đầu lên khỏi đám lửa dáo dác nhìn quanh…
Sáng hôm sau giữa lúc Quỳnh Trang thắp hương lên bàn thờ Phật lâm râm cầu nguyện cho chồng con ra đi bình an, thì ngoài khơi Vũng tàu, Diễm bật khóc khi biết toán của Ngữ bị chủ bãi nhẫn tâm bỏ lại, để lấy thêm mười người khách cho phần họ. Qua màn lệ, Diễm thấy ngọn hải đăng Vũng tàu ngày càng bé lại, bé lại, cuối cùng chỉ còn là hư không. Biển lại nổi sóng. Chiếc ghe nhỏ lảo đảo bập bềnh như người say!
Bắt đầu viết ngày 28 tháng 1 năm 1982 rại đảo Kuku – Nam Dương
Viết xong ngày 2 tháng 6 năm 1989 tại Orange County – Hoa Kỳ
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương