We should read to give our souls a chance to luxuriate.

Henry Miller

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 67
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1600 / 45
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 60: Buồn Thay, Chư Vị Đại Nhân!
ăm 1683, khi cảm thấy không thể lợi dụng con bài chính trị là phe đảng họ Mạc được nữa, nhà Mãn Thanh liền bắt tất cả lực lượng này đem trả cho vua Lê - chúa Trịnh. Tiếc thay, sự kiện có phần tích cực rất đáng được ghi nhận ấy lại diễn ra một cách không bình thường. Không ít chư vị đại nhân của cả đôi bên để lại tiếng xấu khó bề bỏ qua được khi vâng mệnh của triều đình thực thi công vụ này. Buồn thay!
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 34, tờ 13 và 14) chép sự kiện này như sau:
"Tháng sáu năm trước (năm 1682 - ND), vua nhà Thanh hạ lệnh cho các quan ở Quảng Tây (Trung Quốc - ND) phải trao trả tù binh, gồm tất cả những người nhà Mạc là bọn Kính Liêu. Quan Tuần phủ tỉnh Quảng Tây là Thích Dục liền báo tin này cho ta hay. Triều đình sai quan Phó Đô ngự sử là Vũ Duy Đoán và Trấn thủ Lạng Sơn là hoạn quan Thân Đức Tài, cùng đến cửa ải biên giới để nhận tù binh.
Khi trao đổi công văn, tên của Duy Đoán đứng dưới tên của Đức Tài, đến nay (tháng 6 năm 1683 - ND), triều đình lại sai Vũ Duy Đoán và Vũ Công Đạo đi nhận tù binh. Vũ Duy Đoán đã thăng chức Thượng Thư, còn Vũ Công Đạo thì chỉ là quan Đô ngự sử, nhưng chúa Trịnh Căn lại muốn giữ nguyên thứ tự tên của Vũ Duy Đoán như trong công văn cũ. Vũ Duy Đoán khảng khái nói:
- Tôi lấy làm xấu hổ vì chức Thượng thư của tôi chẳng qua là Chúa đặt ra cốt cho đủ lệ bộ mà thôi. Những tưởng, Vương thượng coi Nam nha (chỉ các quan văn võ nói chung - ND) cao quý hơn hẳn Hoàng môn (chỉ hoạn quan - ND), nào ngờ giờ đây Hoàng môn lại ở trên Nam nha, cho nên tôi không dám vâng mệnh.
Vũ Công Đạo cũng cố biện bác, nói là không nên làm (trái thứ bậc) như vậy. (Trịnh) Căn giận lắm, bèn bãi chức của cả hai người rồi ra lệnh cho quan Bồi tụng là Nguyễn Quai cùng với các quan Cấp sự trung là Trần Thế Vinh, Đặng Đình Tướng và (Trấn thủ Lạng Sơn là hoạn quan) Thân Đức Tài đi thay.
Quan Thông phán ở Nam Ninh (Trung Quốc) là Vương Quốc Trinh được triều Mãn Thanh ủy thác việc trao trả tù binh, muốn mọi việc sẽ được tiến hành ở cửa Thủy Khẩu (Cao Bằng). Hắn làm sẵn nhà ở nơi đó để đợi phái bộ của ta. Bọn Nguyễn Quai viện lẽ rằng, Cao Bằng không phải là nơi giao nhận, nên không thể theo. (Vương) Quốc Trinh trong lòng thì căm tức nhưng vẫn phải gượng nghe theo mà đến trấn Nam Quan. Đến nơi, hắn thả cho lính của hắn đánh bừa vào quân ta, đâm thủng cả hai lần áo cừu của (Đặng) Đình Tướng, đã thế lại còn đòi nạp phạt 5.500 lạng bạc về khoản di chuyển hành lí (từ Cao Bằng sang Nam Quan).
Số tù binh người nhà Mạc mà họ trao trả, lớn nhỏ tổng cộng là 350 người. (Thân) Đức Tài kiểm xét xong, phân phối cho về ở lẫn với dân Lạng Sơn, cốt cho họ yên phận, riêng bọn Kính Liêu (là bọn đầu sỏ) gồm cả thảy 121 người thì dẫn giải về kinh, dâng ở dưới cửa khuyết. Nhà vua ngự đến điện Càn Nguyên để nhận tù binh, sau lại sai dẫn chúng đến phủ Chúa để chúng chịu tội. Tất cả bọn họ đều được tha, riêng bọn Kính Liêu, tổng cộng ba người, còn được triều đình trao cho quan chức, số còn lại, phân phối cho đi ở lẫn với dân các nơi trong xứ, hàng năm giúp đỡ cho họ chút ít vải vóc và tiền bạc.
Sau, triều đình xét thấy (Đặng) Đình Tướng đưa số bạc cho (Vương) Quốc Trinh của nhà Thanh nhiều quá nên giáng bớt một trật, Nguyễn Quai và (Trần) Thế Vinh vì có bệnh, không dự vào việc họp bàn giao bạc cho (Vương) Quốc Trinh nên bị phạt tiền nhiều ít có khác nhau.
Xong, triều đình đưa thư sang nhà Thanh nói rõ tình trạng yêu sách nhũng nhiễu và thiếu lễ độ của bọn (Vương) Quốc Trinh. Viên Tổng đốc Lưỡng Quảng (của nhà Thanh) là Ngô Hưng Tộ xét hỏi và dâng án (Vương) Quốc Trinh về triều đình, khiến Quốc Trinh bị khép vào tội trảm giam hậu (bị xử tội chém, nhưng còn giam lại để sau có thể xét lại - ND), còn số bạc mà Quốc Trinh thu được đều bị đem sung công.”
Lời bàn: Quan Thượng thư là Vũ Duy Đoán trọng vị thế của mình hơn cồng việc của quốc gia, đành rằng trước đó Trịnh Căn cũng có lỗi, nhưng bãi chức của Vũ Duy Đoán là phải lắm. Vũ Công Đạo may nhờ Vũ Duy Đoán được thăng chức Thượng thư nên mới được giữ chức Đô ngự sử của Vũ Duy Đoán trước đó, bởi vậy, nói lời ủng hộ Vũ Duy Đoán là lẽ tự nhiên, và tất nhiên, bị bãi chúc cũng là chí phải.
Chỉ mỗi việc đi nhận một đám tù binh mà quan Thượng thư Tiến sĩ là Vũ Duy Đoán, quan Đô ngự sử là Vũ Công Đạo bị bãi chức, quan Bồi tụng Tiến sĩ là Nguyễn Quai, quan Cấp sự trung Tiến sĩ là Đặng Đình Tướng, cùng chư vị quan lớn khác, kẻ bị giáng, người bị phạt, lạ thay! Nghe đâu đương thời, có người đã sắp hương án, lạy riêng chư vi Tiến sĩ mỗi người trăm lạy, kính thỉnh chư vị cất kĩ mảnh bằng, kẻo nó bốc mùi, làm ô uế cả núi rừng biên cương và đất đai xã tắc.
Quan Cấp sự trung là Tiến sĩ Đặng Đình Tướng bị đâm suýt chết mã vẫn ngoan ngoãn nạp tiền phạt cho kẻ vô lễ đâm mình, xin kính bẩm, rằng chẳng hay khí phách của ngài đáng giá bao nhiêu?
Khéo góp sao, thiên triều cũng có Vương Quốc Trinh. Thiên triều khép ngài vào tội trảm giam hậu, nhưng ngài đã tự giết ngài từ trước rồi, phải không?
Ôi, buồn thay, chư vi đại nhân!
Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 6