Số lần đọc/download: 2309 / 37
Cập nhật: 2017-08-29 16:36:29 +0700
Chương 59: Nỗi Khổ Của Người Khác
M
ột nhà đạo đức, hình như là La Rochefoucauld[77], khi viết: “Chúng ta luôn có đủ sức mạnh để gánh hộ nỗi khổ cho người khác”, chắc chắn đã nêu ra một cái gì đó đúng. Nhưng mới chỉ đúng có một nửa. Điều còn đẹp đẽ hơn nhiều và cần phải lưu ý, đó là chúng ta luôn có đủ sức để gánh nỗi khổ của chính mình. Và thực sự là cần phải như thế. Chúng ta buộc phải làm thế, khi chuyện tất yếu đến vỗ vai chào hỏi ta. Ta sẽ phải chết, còn nếu không thì ráng hết sức mà sống, và phần lớn người ta chọn vế này. Sức mạnh của cuộc sống thật là kỳ diệu.
Vậy nên, những người chạy lụt sẽ tìm cách thích nghi. Họ không đứng rên rỉ trên cầu; họ dấn bước. Những người chen chân ở trường học hay ở những nơi công quyền gắng hết sức bám trụ và ăn ngủ hết mình. Những người lính từng tham chiến cũng nói y như thế; nỗi khổ sở lớn nhất không phải là việc họ đang băng mình nơi chiến trận mà là do họ bị lạnh chân; họ chỉ chăm chăm nghĩ đến chuyện nhóm lửa, và hoàn toàn mãn nguyện khi được sưởi ấm.
Thậm chí ta còn có thể nói rằng, sinh tồn càng khó nhọc, người ta càng chịu đựng khổ đau và tận hưởng niềm vui giỏi giang hơn; bởi sự trù liệu chẳng kịp đi đến chỗ những nỗi khổ mới, những nỗi khổ chỉ đơn giản là hoàn toàn có thể xảy ra; nó bị hãm lại vì những như cầu thiết yếu. Khi dựng nhà, Robinson[78] mới bắt đầu nhớ tiếc quê hương. Chắc cũng vì lý do ấy mà người giàu thích thú với săn bắn; thú vui ấy đồng nghĩa với những nỗi khổ sở sắp tới, như nhức chân, hay những niềm vui sẽ đến, như ăn uống no say; và hành động sẽ cuốn mọi thứ theo nó, kết nối mọi thứ với nhau. Người nào dồn hết tâm trí vào một hành động tương đối khó khăn, người đó hoàn toàn hạnh phúc. Người còn vương vấn với quá khứ hoặc cứ lo nghĩ về tương lai thì không thể thực sự hạnh phúc. Chừng nào còn gánh theo toàn bộ sức nặng của mọi thứ, chừng ấy cần phải cảm thấy hạnh phúc hoặc chết đi; nhưng ngay khi gánh vác, trong lo âu, sức nặng của chính mình, mọi đường đi đều trở nên gập ghềnh. Quá khứ và tương lai đều cào mạnh xuống con đường.
Nói tóm lại, đừng nghĩ đến bản thân làm gì. Điều buồn cười là những người khác cứ đẩy tội quy về mình bởi những lời họ nói về chính bản thân họ. Cùng nhau hành động thì lúc nào cũng tốt, cùng nhau nói chỉ để nói, để phàn nàn, chỉ trích, đó lại là một tai họa lớn của cõi đời này. Chưa kể việc bộ mặt con người cực kỳ biểu cảm và có khả năng đánh thức những nỗi buồn mà mọi sự đã làm tôi nhãng đi. Chỉ ở trong đời sống cộng đồng chúng ta mới ích kỷ, vì va chạm giữa các cá nhân, vì lời người này đáp trả người kia, bằng miệng, bằng mắt, bằng trái tim hữu ái. Một câu phàn nàn kéo theo ngàn lời ta thán; một nỗi sợ kích động muôn cơn hoảng loạn. Trong một con cừu có cả một đàn cừu chạy loạn xạ. Chẳng thế mà một trái tim nhạy cảm luôn có chút xu hướng lẩn tránh con người. Đó là những điều mà tình bằng hữu luôn phải nghĩ đến. Người ta đã quá vội vã khi gán tên ích kỷ cho người nhạy cảm vốn tìm kiếm cô đơn để đề phòng trước những trao đổi giữa con người và con người; anh ta đâu phải là người mang trái tim khô cằn khi phải khó nhọc lắm mới chịu đựng được nỗi lo lắng, buồn rầu, đau khổ thể hiện trên gương mặt bạn bè. Và ta cũng không chắc những người sẵn sàng giao du với bất hạnh sẽ để tâm hơn đến nỗi khổ của chính họ, hay can đảm hơn, hay dửng dưng hơn. Nhà đạo đức kia thật láu cá. Gánh vác nỗi khổ của người khác mới thật nặng nề làm sao.
23 tháng ba 1910