A home without books is a body without soul.

Marcus Tullius Cicero

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 67
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1600 / 45
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 59: Cuộc Bạo Loạn Đầu Tiên Của Ưu Binh
ởi cuộc hỗn chiến kéo dài triền miên, các guồng máy chính quyền ở nước ta trong khoảng thế kỉ XVI và XVII đã thực hiện chính sách bắt lính rất gắt gao. Theo Lịch triều hiến chương loại chí (Binh chế chí) của Phan Huy Chú, lính của Nam triều được chia làm hai loại. Loại tuyển ở vùng Thanh Nghệ (vùng lập nghiệp của Nam triều) gọi là ưu binh, loại tuyển từ đất tứ trấn (tức bốn trấn thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày nay, vốn là vùng bị Bắc triều chiếm giữ khá lâu dài), thì gọi là nhất binh. Tuy đều cùng là lính của Nam triều nhưng ưu binh bao giờ cũng được hưởng chế độ đãi ngộ khá hơn nhất binh. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ ưu binh được thành lập sớm hơn, từng trải trận mạc nhiều hơn, và do đó, cũng có nhiều công lao hơn. Chế độ đãi ngộ này, cùng với một loạt những nguyên nhân khác, đã dần dần biến ưu binh thành kiêu binh. Họ ngang tàng càn rỡ, trên thì coi thường vua chúa và bá quan văn võ, dưới thì ức hiếp nhân dân, chính sự vốn đã rối ren lại càng thêm rối ren hơn nữa. Năm Giáp Dần (1674), ưu binh đã thực hiện cuộc bạo loạn đầu tiên, khiến cho kinh thành Thăng Long phải một phen điêu đứng. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 33, tờ 36 và 37) viết:
"Lúc bấy giờ, ưu binh Thanh Nghệ cậy có công lao nên sinh ra kiêu ngạo và phóng túng. (Nguyễn) Quốc Trinh (người làng Nguyệt Áng huyện Thanh Trì, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, đỗ Trạng nguyên khoa Kỉ Hợi, 1659. Chữ Trinh thường bị chép nhầm thành chữ Khôi) cùng với (Phạm) Công Trứ (Người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, thuộc tỉnh Hải Hưng cũ, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, 1628) bàn cách kìm hãm bớt sự ngông cuồng của chúng, vì thế, ưu binh không bằng lòng. Đúng lúc ấy, các quan là Phạm Kiêm Toàn và Lê Hiệu vì mắc tội, bị giáng chức nên có ý bất mãn. Hai người nhân đà bất bình của ưu binh, nói khích thêm vào, khiến họ bị kích động, reo hò ầm ỹ, đón đường giết chết (Nguyễn) Quốc Trinh, rồi xông đến cướp phá nhà (Phạm) Công Trứ. Công Trứ phải chạy trốn ra ngoài mới thoát được nạn. Trịnh Tạc sợ quá, sai quan đi phủ dụ và cấp tiền cấp bạc cho họ, bấy giờ, họ mới tạm chịu ngưng.
(Trịnh) Tạc mời (Phạm) Công Trứ vào trong phủ, ban cho một ít vàng để an ủi, sau đó, (Trịnh) Tạc sai bắt giết ba tên lính cầm đầu cuộc nổi loạn để tế (Nguyễn) Quốc Trinh, truy tặng (Nguyễn) Quốc Trinh chức Binh bộ Thượng thư, tức Tri Quận công, lại đặt cho tên thụy là Cương Trung và cho lục dụng con cháu.
Khi làm quan ở triều, (Nguyễn) Quốc Trinh là người khảng khái dám nói điều chưa phải (của vua và chúa cùng các quan), nay chết trong đám loạn quân nên ai cũng thương tiếc. Còn bọn (Phạm) Kiêm Toàn và Lê Hiệu cũng bị trị tội vì có dự mưu chung với loạn quân.”
Lời bàn: Nổi giận giết chết cả đại thần, ưu binh quả có làm điều không phải, nhưng có thế, thời loạn mới ra thời loạn đó thôi. Trách họ không biết giữ kỉ cương và phép nước chăng? Thì đành vậy, nhưng kỉ cương và phép nước đã bị vua chúa xé nát đã lâu, còn đâu mà bảo họ giữ. Lẽ thường, hễ có vay là có trả, phủ Chúa và cung Vua được xây bằng xương máu của họ, trong phút nổi giận không kiềm chế được, họ lấy lại có chừng ấy, nào thấm tháp gì đâu. Kể thì họ cũng có lỗi vì đã lấy sai địa chỉ, nhưng biết sao hơn được, lính mà.
Khá thương cho Nguyễn Quốc Trinh, hoạn lộ đang khi rộng mở, chưa kịp đắc chí đã phải đầu rơi máu chảy, ngậm hận lớn mà về với suối vàng. Cũng khá thương cho Phạm Công Trứ, lấy cớ cao niên để xin trí sĩ mà vẫn không yên, bị triệu ra nhận chứ, chưa được một năm đã phải hú vía vì loạn ưu binh, không nhờ phúc tổ và chút tài chạy lánh nạn, ắt đã về âm phủ cùng lượt với Nguyễn Quốc Trinh rồi!
Chúa Trịnh Tạc phải cậy nhờ đến tiền bạc mới có thể khiến cho quân sĩ tạm yên. Thế mới biết, khi mà đạo nghĩa bị chà đạp, chỉ có tiền mới xoay chuyển được tất cả. Ôi, thương thay cũng một kiếp người!
Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 6