Số lần đọc/download: 3257 / 63
Cập nhật: 2016-02-20 18:08:35 +0700
Chương 12
K
itty và Karen đã trở về Gan Dafna. Kitty chờ đợi cơ hội để nói chuyện dứt khoát với Karen, nhưng đồng thời vẫn e ngại. Chính một bức thư của Dov đã làm nàng quyết định giải quyết dứt khoát ngay vấn đề.
Tối hôm đó, vừa bôi móng chân, Kitty đang tìm cách đưa câu chuyện về đề tài nàng thiết tha, thì chính Karen lại tạo ra cơ hội.
- Cô có vẻ buồn phải không? Không phải riêng ngày hôm nay đâu, mà từ ngày cô đi chơi hồ Tibériade về. Chắc đã xẩy ra chuyện gì giữa cô và chú Ari phải không cô?
- Quả cô có buồn lo thật, nhưng không phải về "một chuyện gì" đó đâu. Nếu cô có lo âu, đó là về em, về cô, về tương lai của chúng ta thôi. Em biết đó, từ ngày gặp gỡ đầu tiên ở trại Caraolos, cô hết sức mong muốn em là con gái của cô.
Thiếu nữ nói nhỏ:
- Em cũng thế, em cũng muốn thế.
- Như vậy em phải hiểu là cô đã suy nghĩ từ lâu, và cô đã tính toán mọi việc thế nào để hữu ích cho em thôi. Karen yêu, cô đã quyết định mang em theo cô trở về Mỹ. Em sẽ sống ở nhà cô, nghĩa là nhà chúng ta.
Sững sờ ngạc nhiên, Karen nhìn nàng bằng một vẻ không tin, nhắc lại lời Kitty một cách máy móc.
- Nhà chúng ta? Nhưng cô Kitty, nhà của em là ở đây mà, Gan Dafna.
- Tạm thời thôi, cưng. Còn cô, cô muốn có em ở với cô mãi mãi.
- Em cũng muốn thế. Nhưng chỉ vì... em thấy kỳ dị quá đi... khi cô nói "nhà chúng ta" là ở bên Mỹ.
- Không có gì kỳ lạ hết: cô là người Mỹ và cô muốn trở về sống ở quê nhà.
Rõ ràng là Karen đang cố gắng cầm nước mắt.
- Thế mà em cứ tưởng là chúng ta ở xứ này, cô ở Gan Dafna, còn em ở...
-... Còn em ở trong Palmach, bổ nhiệm tới một kibboutz biên thùy nào đó chẳng biết nữa!
- Đúng là điều em đang nghĩ đó cô. Quả thật em đã íck kỷ quá: em quên mất là cô có thể nhớ nhà, nhớ quê hương cô. Cô chưa bao giờ đòi hỏi cái gì cho cô...
- Lời em vừa nói quả là một lời khen đẹp nhất cô nhận được từ trước đến giờ.
Karen nỗ lực suy nghĩ một cách tuyệt vọng. Dĩ nhiên Kitty là tất cả đối với mình... Nhưng rời xứ này để ra đi nơi xa... Làm sao mình có thể làm nổi?
- Cô Kitty, có lẽ em diễn tả ý em không rõ. Cô hiểu cho rằng ở đây, em có một cái gì... Em không biết gọi tên ra sao... Một cái gì không ai tước đoạt được của em, ngày nào em còn ở Palestine.
- Em đâu mất mát gì khi em đi với cô. Cái thứ tình tự cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng, những người Do-thái ở Mỹ cũng có như em, và...
- Nhưng đó là những người bị lưu đầy.
- Không đâu em. Vậy em không thể hiểu là người Do-thái Mỹ cũng yêu nước Mỹ sao?
- Người Do-thái Đức cũng yêu nước Đức như thế, cô!
Đột nhiên Kitty không thể nhịn được nữa.
- Thôi em! Cô không có nghe những khẩu hiệu tuyên truyền dối trá mà thiên hạ đã nhồi nhét vào đầu em nữa đâu! Cô và em, chúng ta chẳng có gì chung với mọi người ở đây cả. Có lẽ em tưởng cô không hiểu một quyết định ra đi như thế đau đớn biết bao nhiêu cho em hay sao? Em tưởng cô tìm cách hại em sao?
- Không, chắc chắn là không rồi... Nhưng...
Kitty lại quì gối trước Karen.
- Karen... em yêu! Em chưa bao giờ được biết hòa bình là gì sao? Em không ý thức được là chưa bao giờ em được thưởng thức hạnh phúc được đi chơi dưới ánh sáng mặt trời, đầu cất cao mà không phải sợ một kẻ thù nào đang rình mò trong bóng tối sao? Em cũng biết như cô là ở đây sẽ chẳng bao giờ có hòa bình hết. Tin ở cô đi em, cô không hề tìm cách đưa em ra khỏi Do-thái giáo hay ngăn cản em yêu đất nước em, nhưng chỉ vì trên đời còn có nhiều điều khác... biết bao điều khác cô muốn mang lại cho em. Đi cùng cô đi em...Cô mơ tưởng một ngày kia sẽ được thấy em mặc jupe plissée và đi giầy cao gót, ngày cô được nghe thấy em nói và cười qua điện thoại với cậu bạn trai đang tán tỉnh em. Cô muốn em đầu óc chỉ đầy nhóc muôn ngàn chuyện nhỏ mọn trẻ con, như trăm ngàn thiếu nữ khác ở tuổi em - như thế còn là bình thường hơn rất nhiều chuyện em xử dụng một khẩu súng hay vận chuyển đạn dược. Em đã thiếu, không được hưởng biết bao niềm vui thú ở trên đời... Ít nhất em hãy tận hưởng cho biết chúng trước khi đi đến một quyết định dứt khoát. Cô xin em, cưng, hãy nghe cô đi.
Mặt xanh như tầu lá, Karen cố gắng gỡ mình ra khỏi vòng tay của Kitty, thì thào:
- Còn anh Dov? Nếu em ra đi, anh ấy sẽ ra sao?
Kitty đứng dậy mở ví lấy ra bức thư nàng mới nhận được vài giờ trước đây.
- Đây, em có thể đọc nếu em muốn. Cô thấy bức thư này nằm trên bàn cô. Cô hiện còn đang tự hỏi làm thế nào thư lại tới chỗ đó được.
"Thưa bà Fremont:
"Thư này do một người bạn biết tiếng Anh hơn tôi đã viết hộ, nhưng tôi đã chép lại để bà nhận ra đó đúng là chữ viết của tôi. Lúc này, tôi rất bận. Tôi sống với các đồng chí, những người bạn - những người bạn đầu tiên tôi có được sau rất nhiều năm. Tôi viết thư này cho bà để trình bày bà rõ tôi đã sung sướng khi rời được Gan Dafna, nơi mà tất cả mọi người đều ghê tởm tôi. Tất cả mọi người đây bao hàm cả bà lẫn Karen luôn. Bà hãy nói giùm với Karen là nàng đừng hy vọng tôi trở về. Dù sao Karen mới chỉ là một cô bé con! Ở đây tôi có một cô bạn, một người đàn bà hẳn hoi, sống cùng với tôi. Tại sao bà không cùng với Karen trở về Hoa-kỳ đi. Hai người phải sống ở Mỹ mới đúng, chứ không phải ở Palestine nơi mà muôn đời hai người dầu sao cũng chỉ là những kẻ lạ mặt mà thôi."
Kitty lấy lại bức thư để xé tan ra từng mảnh.
- Cô sẽ lại ngay thăm bác sĩ Lieberman để xin từ chức. Ngay khi nào mọi người kiếm được người thay thế, cô sẽ giữ chỗ cho chúng ta đi Nữu-ước. Em có đồng ý không?
- Xin vâng, em sẽ đi với cô.
Kể từ lâu rồi, các Macchabée đã có thói quen là cứ hai hay ba tuần lễ lại di chuyển tổng hành dinh một lần. Sau "Nửa tháng địa ngục" và vụ ám sát Haven-Hurst, Akiba và Ben Moshé cho rằng thận trọng vẫn hơn, nên rời hẳn Jérusalem và chia nhóm chỉ huy đã thu hẹp lắm rồi thành nhiều nhóm phân tán hơn nữa. Vì vậy, chỉ có bốn người tới Tel-Aviv: Akiba, Ben Moshé, Nahoum Ben Ami (anh của David) và Dov Landau - nhờ tài làm giả và lòng can trường đến mức điên rồ trong khi hoạt động đặc công, đã được chấp nhận cho vào nhóm chỉ huy thu hẹp này.
Họ trú ẩn trong căn phòng tầng trệt trong một tòa nhà của một đoàn viên Macchabée nằm trong một khu buôn bán náo nhiệt. Nhiều người canh phòng được đặt ở chung quanh tòa nhà, và Nahoum đã lo sẵn một đường rút lui khi cần. Nói tóm lại, đó là một nơi trú ẩn lý tưởng.
Nhưng do một trùng hợp bất hạnh, cảnh sát Anh lại đang canh chừng một tòa nhà khác, cách đó vài thước, trong cùng đường. Các thanh tra đang tìm bắt quả tang một nhóm buôn lậu, theo như tin thu thập được, đang để các hàng hóa trốn thuế đoan cảng Jaffa trong nhà này. Rất nhanh chóng, các cảnh sát chú ý đến sự hiện diện của nhiều người, không có lý do nào chính đáng, cứ đi đi lại lại không ngừng chung quanh tòa nhà bên cạnh. Các hình chụp bằng viễn kính cho phép người Anh xác định được ít nhất hai kẻ trong những người này là đoàn viên Macchabée. Rất dễ đưa ra một kết luận: đang đi rình săn sắt họ cũng khám phá ra hang cá rô. Và vì họ đã am hiểu từ lâu chiến thuật của Macchabée, người Anh quyết định xông tới ngay lập tức.
Ngày hôm đó chỉ có Akiba và Dov ở trong phòng. Nahoum Ben Ami và Ben Moshé đã đi ra ngoài để gặp Zev Gilboa đang giữ vai trò liên lạc với Haganah và Palmach. Akiba đang ngủ chập chờn còn Dov đang hoàn tất một số thông hành của xứ Salvador, bắt chước rất khéo. Dov đang ngoằn ngoèo ký tên một viên chức trưởng của Salvador thì có tiếng gõ cửa. Akiba mở mắt.
- Chắc Ben Moshé và Nahoum đó. Chú ra mở cửa cho họ.
Sau khi đã cẩn thận kiểm soát lại giây xích ở cửa, Dov hé mở cánh cửa. Ngay lập tức, một chiếc búa thợ rèn phang vào cửa, đập tan thớ gỗ. Dov kêu lớn:
- Tụi Anh! Tụi Anh!
Tin truyền đi nhanh như một làn thuốc súng cháy. Akiba, chiến binh của huyền thoại, người đã trốn thoát khỏi tay quân Anh trong hơn mười năm bây giờ vừa bị bắt sống.
Các Macchabée kêu ầm lên là bị phản bội. Bởi vì Ben Moshé và Nahoum đã đi gặp Zev Gilboa, và kẻ này hay một nhân viên nào khác của Haganah đã theo dõi hai nhân vậy này trở về để khám phá nơi trú ẩn của họ rồi sau đó báo cho người Anh biết. Một lời kết tội vừa kỳ cục vừa khó kiểm chứng nhưng không thiếu gì người lan truyền đi.
Muốn làm tăng thêm hoang mang cho các Macchabée, Cao ủy Anh ra lệnh xét xử hai tù nhân trong một thời hạn ngắn nhất. Dĩ nhiên là dân chúng cùng báo chí đều không được dự khán phiên xử. Bởi thế, Akiba và Dov Landau đã bị kết án tử hình trong một phiên tòa xử kín. Viên chánh án (tên tuổi được giữ kín để khỏi bị các Macchabée trả thù) tuyên bố chính xác rằng bản án sẽ được thi hành trong một hạn kỳ không quá mười lăm ngày nữa.
Trong khi vội vã, Cao ủy đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng. Khi cấm đoán các báo chí, ông đã quên mất rằng ở ngoại quốc, nhất là ở Hoa-kỳ, các Macchabée được nhiều thế lực ủng hộ. Thế là bùng ra một cơn tức giận dư luận làm đẩy lui việc có tội hay vô tội của hai tù nhân này xuống hàng thứ yếu. Các hãng thông tấn hay biết và cho đăng tải luôn cuộc đời của Dov Landau, anh hùng của ghetto Varsovie, kẻ sống sót của trại diệt chủng Auschwitz. Các bức hình của Akiba, ông già tám mươi trông như một bậc tiên tri, và Dov, đồ đệ trẻ tuổi của ông, đã gây ra cả một cơn giận dữ phản đối trên toàn thế giới.
Vừa mới tới Palestine với tư cách quan sát viên trong Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc, Cecil Bradshaw hiểu ngay mình phải can thiệp. Ông còn nhớ bài học cay đắng của Exodus để không thể để mọi việc cứ thế mà diễn ra. Nhất là vào lúc mà Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc lại bắt đầu điều tra. Sau khi xin các chỉ thị của Luân-đôn, ông thỏa hiệp với Cao ủy là sẽ nêu rõ tính cách cao thượng của công lý Anh quốc. Viện dẫn tuổi trẻ của Dov và tuổi già của Akiba, ông loan báo rằng các tội nhân được phép nộp đơn xin ân xá và đơn này sẽ được cứu xét khoan hồng.
Trận bão phản đối lắng dịu rất nhanh. Nhưng cuộc thăm viếng hai tội nhân tại nhà tù của Bradshaw và vị cao ủy đã hoàn toàn thất bại. Cả ông già đến thiếu niên đều không buồn đọc tới bản văn xin ân xá đã soạn sẵn cho họ nữa. Còn ký các văn bản ấy à... vị lãnh tụ già của các Macchabée tuyên bố:
- Từ tội tử hình sang hai hay ba năm cấm cố? Tôi không hiểu đấy. Chúng tôi không hề có tội. Thử hỏi từ bao giờ, một chiến binh chiến đấu cho đất nước mình lại bị coi là có tội? Chúng tôi chỉ chiến đấu cho các quyền lịch sử và tự nhiên của chúng tôi mà thôi. Chúng tôi là các tù binh và sự kiện các ông đang chiếm đóng nước tôi không phải là lý do cho phép các ông quyền phán xử chúng tôi.
Còn Dov thì chẳng nói năng gì cả, nhổ bẹt ngay vào tài liệu do Bradshaw đưa ra.
Ngày hôm sau, tin khước từ của hai tù nhân này chạy tít lớn trên các đại nhật báo. Bradshaw tức điên lên: bây giờ, ngay cả những người Do-thái từ trước đến giờ vẫn phản đối hoạt động của các Macchabée, cũng coi hai tù nhân như biểu tượng kháng chiến của Do-thái. Chẳng những đã không đánh ra phía địch được chưởng nào, Anh quốc còn mang lại cho địch hai anh hùng hy sinh vì đại nghĩa. Trong những điều kiện như vậy, người Anh chỉ còn mỗi một cách: ấn định ngày xử tử. Dầu thế nào, xứ Palestine đã tạm vắng các vụ phá hoại và ám sát, cũng đang là một thùng thuốc súng rồi, một thùng thuốc súng sắp nổ tung đến nơi. Ngoại trừ khi đưa ra một vụ trừng trị nêu gương, khó mà ngăn được nó nổ.
Acre, thị trấn hoàn toàn Ả-rập, bao gồm những nhà cửa cũ kỹ nằm ở cực bắc vịnh còn Haïfa nằm ở phía nam. Nhà tù, một khối nhà xây cất trên những di tích của một pháo đài Thập tự quân, chạy dọc theo con đê cho tầu cập bến đến hàng trăm thước. Toàn thể những tường thành cổ cao ngất, pháo tháp, lối đi quanh co và tháp canh sắc cạnh, cộng với một bức tường dầy cộp nữa, pháo đài lớn này đã chống lại được cuộc tấn công của Napoléon trước kia. Bây giờ người Anh dùng chiến lũy này làm một nhà tù đáng sợ nhất trong toàn thể Đế quốc.
Dov và Akiba bị giam trong hai phòng giam nhỏ hẹp, tường trần và sàn đều bằng đá. Vì không có cửa sổ, không cả hệ thống cống, nên không khí nơi đây hầu như không thở nổi. Các cửa bọc thép chỉ có một cửa nhỏ xíu đục xuyên qua. Một khung nhỏ được đục vào tường từ bên ngoài để đưa cơm nước qua, chỉ có nhìn thoáng thấy ở phía xa một vài ngọn cây.
Hai hay ba lần một ngày, một viên chức cao cấp lại tới đề nghị một vụ dàn xếp vào phút chót để tránh vụ xử tử. Và đều đều họ gặp cho một sự im lặng đầy khinh bỉ của Dov, còn Akiba thì đuổi họ bằng cách đọc lớn tiếng những đoạn thánh kinh. Sau cùng, chán quá, người Anh chuyển họ sang khu tử tội, gần phòng xử giảo. Cai tù lấy quần áo họ đi, bắt mặc quần áo đỏ tía thường lệ của các tội nhân xử giảo.
Hai người chỉ còn được phép sống sáu ngày nữa thôi...