Số lần đọc/download: 12562 / 212
Cập nhật: 2015-01-28 14:16:33 +0700
Chương 58 -
- 03/09/39 Ðệ Nhị thế chiến bùng nổ ở Âu châu.
- Chiến tranh Hoa Nhật mở rộng ở Trung Hoa lục địa.
- Ðêm tập “ phòng thủ thụ động" đầu tiên ở Hà Nội.
- Tình hình báo chí và dân chúng ở Hà Nội, Huế, Saigon.
- Quân đội thuộc địa Pháp ở Saigon, Hà Nội, Huế tập trận ráo riết.
Các giới cách mạng Việt Nam cũng như toàn thể dân chúng không lưu ý nhiều đến cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản và Trung Hoa dân quốc, bắt đầu từ vụ Lư Cầu Kiều. Ai cũng thấy rõ rằng Nhật Bản kiếm cớ để xâm chiếm tỉnh Mãn châu. Nuốt xong Mãn châu, họ lập thành Mãn châu quốc ( Mandchokoo) và đặt một Hoàng thân bù nhìn, dòng họ Mãn thanh tên là Henri Pouyi lên ngôi, lấy niên hiệu là Phổ Nghi hoàng đế. Mãn châu quốc trở thành một thuộc địa trá hình của Nhật Bản.
Các giới cách mạng Việt Nam chỉ cười cái trò hề đó thôi, chứ không quan tâm đến lắm. Dư luận dân chúng Việt Nam cũng không xôn xao : một biến cố xẩy ra ở tận biên giới phương Bắc của nước Tàu rộng lớn, đồ sộ, nhưng yếu hèn vì nạn tham nhũng sâu mọt đụt khoét trong xương tuỷ của đất nước “ Con Trời “.
Quân đội Nhật Hoàng đánh lần vào miền nam, chiếm Thượng Hải, Nam Kinh, hạ xong Nam kinh, Nhật lập ra tại đây một chính phủ Trung Hoa thứ hai với Uông Tinh Vệ ( Wang-Tching –Wei) làm Tổng thống để chống lại chính phủ Tưởng Giới Thạch ( Chang kei Shek). Họ Tưởng phải dời đô lên Trùng Khánh ( Tchung King).
Chuyện bên Tầu, người “ An nam “ lúc bấy giờ coi như “ chuyện Ba Tàu “ – chinoiserie – và không những không lo ngại riêng cho xứ sở mình, mà còn chờ đợi xem ngày giờ nào toàn thể Trung Quốc sẽ lọt hết vào tay Nhật Bản. Ða số đều khing rẻ, hoặc thương hại nước Tàu, rất ít người bênh vực Tưởng Giới Thạch. Tất cả đều nể hoặc sợ Nhật Bản, kể cả người Pháp đang làm chúa tể ở Ðông dương. Khinh Tàu, sợ Nhật, tin tưởng nơi Pháp, đó là tâm lý chung của đại đa số người “ An nam “ từ Bắc tới Nam, nhất là giới thượng lưu và trung lưu, trong mấy năm 1937, 38, 39,trước khi Ðệ Nhị chiến tranh Thế giới bùng nổ ở Âu châu.
Ðứng trên lập trường cách mạng, các giới chính trị “ An nam “ chia làm hai phe :
phe “chống phát xít “ và phe “ thân Nhật “, lúc bấy giờ thường gọi bằng tiếng Pháp là
“Anti-fascistes” và "pro-japonais “. Ngoài ra còn phe thứ ba là “ chống phát xít và chống cộng sản “.
Phe chống phát xít hầu hết là đảng viên cộng sản Ðệ Tam và Ðệ Tứ quốc tế, từ Võ Nguyên Giáp, Ðặng Xuân Khu đến Huỳnh Văn Phương ở Hà Nội. Từ Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai đến Tạ Thu Thâu ở Saigon.
Ða số đảng viên Tân Việt ở Huế, Ðào Duy Anh, Tạ Quang Bửu, cũng chống phát xít hăng hái. Ở Huế, còn có Hải Triều, con trai của bà Ðạm Phương, cũng là một tay lý thuyết gia chống phát xít dữ dội.
Do những khuynh hướng cách biệt nhau đó mà phe chống phát xít có nhiều mâu thuẫn trầm trọng ở nội bộ.
Cộng sản Ðệ Tam ỷ lại và “lực lượng vô sản thế giới “ chống phát xít và giải phóng dân tộc bị trị dưới quyền lãnh đạo của Staline. Cộng sản Ðệ Tứ cũng ỷ vào “ lực lượng thợ thuyền cách mạng thế giới “ chống phát xít, giải phóng dân tộc bị áp bức, dưới quyền lãnh đạo của Trotsky.
Ngoài ra, lập trường chống phát xít của đảng Tân Việt ( miền Trung) không được rõ rệt lắm, đứng lưng chừng không ngã hẳn về bên nào.
Phe thân Nhật thì tin tưởng tích cực vào thế lực đang bành trướng của Nhật Bản ở Ðông Nam Á. Phe này nương dựa vào các đảng Việt Nam Phục Quốc ở Quảng Tây, Quảng Ðông và hy vọng Nhật Bản sẽ giải phóng Việt Nam khỏi ách đô hộ Pháp.
Những người chủ trương thân Nhật của phe này là nhà học giả Trần Trọng Kim, nhà báo cách mạng Vũ Đình Duy, nhà văn Nguyễn Tường Tam ở Hà Nội, Tuần Vũ Ngô Đình Diệm và giám mục Ngô Đình Thục ở Huế, Nhà báo Nguyễn Văn Sâm, giáo sư Hồ Văn Ngà ở Saigon.
Có điều đáng lưu ý là lực lượng thân Nhật ở Bắc kỳ rất yếu, ở Trung kỳ thì bình thường thôi, nhưng lại rất mạnh ở Nam kỳ. Nơi đây ảnh hưởng của Hoà Hảo đang lên, của Cao Ðài đang bành trướng, thu hút một số rất đông đảo quần chúng nông thôn ( Hoà Hảo) và tư sản trung lưu thành thị ( Cao Ðài) nhất là miền Hậu giang và Tiền giang gọi là
“Lục Tỉnh “. Khuynh hướng chính trị thứ ba gồm đa số thanh niên trí thức có tư tưởng quốc gia thuần tuý và mãnh liệt “ chống phát xít, chống thực dân và chống cộng sản “. Phe này gồm một số cựu đảng viên VNQDÐ và Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội, một số đông sinh viên Cao đẳng, nhà văn, nhà báo.
Tuấn thuộc về thành phần này nhưng dưới chiêu bài “ chống phát xít và không đảng phái ( anti – fasciste independent).
Bắt đầu từ 1938, ở Âu châu, Hitler tỏ ý định cương quyết xâm chiếm hải cảng Dantzig, và Ba Lan, Tiệp Khắc. Toàn thể Âu châu và thế giới xôn xao náo động. Ở xứ An nam nhỏ bé, thuộc địa của Pháp, các đảng phái cách mạng cũng bắt đầu rục rịch hoạt động bí mật, hăng hái, để tuỳ cơ ứng biến.
Tình thế Âu châu rất bấp bênh. Riêng nước Pháp ở tầm mức liên hệ trực tiếp vào chính sách bành trướng của Hitler, cho nên ở Ðông dương ( Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao, Cao Miên), riêng ở ba xứ “ An nam “ tình hình cũng trở nên ngột ngạt như chờ đợi một cơn giông tố sắp sứa nổ bùng ở vòm trời Ðông dương, mà không ai có thể dự đoán được hậu quả sẽ như thế nào.
Tuấn, sau khi bị 6 tháng tù vì một loạt bài báo chống thực dân và chống triều đình Huế, Tuấn lại viết sách chống chính sách bành trướng xâm lăng của Nhật Bản. Bạn bè của Tuấn lo sợ tác phẩm chính trị này sẽ đem lại cho Tuấn một số phận nguy hiểm. Nhưng Tuấn bảo :
- Ðại chiến sắp bùng nổ khắp cả thế giới. Rồi đây tất cả chúng ta chẳng riêng ai, sẽ phải chịu một số phận nguy hiểm không thể lường trước được, không thể tránh được. Người ta sẽ thấy cái gì người ta sẽ thấy. Chúng ta là “ dân An nam “ chúng ta dù muốn dù không, cũng sẽ sống chết trên đất An nam này, không biết trước được là dưới bàn tay của kẻ thù nào. Chúng ta không làm gì hổ thẹn với nòi giống “ An nam “ là được.
Với tư tưởng đó, Tuấn hồi hộp chờ đợi những chuyện gì sắp đến trong cơn giông đang đe dọa bùng nổ khắp vũ trụ loài người …
Tháng 9/1939. Những tia chớp sáng loè dưới trời Tây Âu …
1939, Hà Nội cũng như Saigon, và toàn cõi Á Ðông sống trong cơn sốt rét. Máy truyền thanh ( radio) chưa được thông dụng. Chỉ một số ít người Pháp ưu tiên mới mua được, và phải có giấy phép đặc biệt của Phủ Toàn Quyền Pháp mới được mua. Vả lại giá rất đắt mà không phải nhà giàu sang nào cũng sắm được. Nó bị sắp vào loại hàng hoá
“quốc cấm “.
Dân chúng chưa bao giờ nghe tới danh từ radio, hay máy truyền thanh, chứ đừng nói là trông thấy cái máy ấy ! Tất cả tin tức về tình hình sôi nổi ở Âu châu đều do các tờ Nhật báo loan ra, theo thông cáo của sở IPP “ Information Propagande-Presse" (Thông tin, Tuyên truyền, Báo chí) của phủ toàn quyền Pháp.
Hằng ngày Tuấn và một nhóm thiểu số bạn đồng chí sinh viên và văn nghệ hùn tiền lại để mua hai tờ nhật báo “ Quốc ngữ “ : Ðông Pháp, Trung Bắc Tân Văn, hai tờ nhật báo Pháp ngữ ở Hà Nội : La volonté indochinoise, France-Indochine, và hai tờ nhật báo ở Paris : L’Intransigeant, Paris-Soir.
Báo Pháp mỗi tuần gởi qua một lần, thành ra mỗi tuần phải mua mỗi thứ một bó 6 tờ. Ngoài ra, Tuấn còn mua thêm tờ tuần báo rất nhiều tranh ảnh của Pháp, nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là tờ Match de la Vie. Từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến, Match de la Vie được đổi tên thành Paris- Match. Tuấn thích xem tờ Match de la Vie mặc dầu giá rất đắt, vì nó là tập báo duy nhất đăng rõ ràng và rất nhiều hình ảnh sốt dẻo mỗi tuần về các biến cố sôi nổi của Tiền Chiến Tây Âu, nhất là về Hitler, Staline, Churchill, Mussoloni, Chamberlain, Daladier, v.v…
Nhờ các loại bài đó, các bạn của Tuấn và Tuấn được theo dõi hằng ngày các âm mưu xảo quyệt của Hitler cương quyết gây hận thù máu lửa ở Âu châu, với sự đồng lõa của Staline trong giai đoạn đầu của chiến tranh.
Thế rồi chuyện phải đến đã đến. Các báo “ quốc ngữ “ xuất bản ở Hànội ngày 4/9/1939 đều đăng tin bằng tít lớn 8 cột trang nhất :
- 3/9 : Pháp tuyên chiến với Ðức.
- Ðồng thời các báo Pháp ngữ ở Hà Nội cũng đăng tin 8 cột :
- Le 3/9, à 0 heure, La France déclare la guerre à l’Allemagne.
Chiến tranh mà người Pháp lo sợ, và người An nam đợi chờ như một tai họa cho nước Pháp nhiều hơn là cho nước An nam, chiến tranh mà tất cả mọi người đều bàn tán xôn xao từ mấy tuần lễ, đã bùng nổ thật sự.
Cùng một lúc với tin nẩy lửa đó, các báo đều đăng những thông cáo quan trọng của toà Ðốc lý thành phố Hà Nội ( Tiếng bình dân Saigon quen gọi là toà Xã Tây của thời Pháp thuộc, dưới thời Bảo Ðại gọi là toà Ðô Sảnh, thời Ngô Đình Diệm gọi là toà Ðô Chánh).
- Tất cả các đèn trong nhà và ngoài phố đều phải bao phủ bằng vải đen để che đậy ánh sáng ( phòng phi cơ địch).
- Ðào hầm trú ẩn trong thành phố, theo hình chữ chi.
- Dân chúng tập “ phòng thủ thụ động “ ( còi hụ, dân chúng phaỉ chạy núp xuống hầm).
- Tập nghe còi hụ như thế nào là cói báo động.
- Toàn thể Ðông dương ( Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao, Cao Miên) bị đặt trong tình trạng chiến tranh, v.v…
Hàng nghìn bích chương in bằng chữ lớn và đậm nhắc lại các chỉ thị trên do toà Ðốc lý Hà Nội dán khắp các vách tường thành phố, thu hút một số đông đảo dân chúng tụ lại xem thông cáo và bàn tán rất xôn xao, náo động. Cả Hà Nội chỉ nói về chiến tranh đã bộc phát ở Pháp và gián tiếp ảnh hưởng đến Ðông dương.
Tuấn và các bạn của Tuấn sống những giờ phút hồi hộp vô cùng. Họ tìm gặp nhau luôn để bàn về chiến tranh Pháp Ðức.
Ðêm hôm ấy là đêm đầu tiên, mở màn cho Thế giới Ðại chiến Thứ Hai, Hà Nội lập
“phòng thủ thụ động “ cũng lần đầu tiên.
Dân chúng đã được chuẩn bị trước. Tất cả các ngọn đèn điện ( chưa có đèn nê-ông), đều bị che kín bằng vải đen, hoặc giấy bìa đen. Chỉ để một tia sáng thu nhỏ lại và chiếu thẳng xuống, thành những vũng tròn ánh sáng lờ mờ, trong nhà cũng như ngoài đường.
Cảnh tượng khác thường ấy gây cho Tuấn một cảm tưởng mới lạ, băn khoăn, ly kỳ, như nó báo hiệu sự khánh tận một thế giới, và sự khởi thuỷ một thế giới khác, đầy bí mật rùng rợn. Ðời sống bình thường hằng ngày đã có triệu chứng sắp biến đổi. Ai cũng chờ đợi những cái gì kinh ngạc có thể xẩy ra không biết lúc nào, không biết bao lâu, nhưng chắc chắn là sẽ có...
Dân chúng ra hết ngoài lề đường. Khác như mọi đêm, các phố lớn ở trung tâm Hà Nôị đông nghẹt những người hiếy kỳ đi xem cảnh phố phường chập chờn nửa tối nửa sáng …
Ði với một người bạn thân, họa sĩ Nguyệt Hồ, Tuấn bảo :
- Tự nhiên mình nhớ câu thơ trong Le Cid : cet clair-obscure qui tombe des étoiles…
(Ánh sáng mờ mịt ấy từ trên sao rơi xuống …)
Nhưng đây lại là :
Cet clair-obscure qui tombe sous les voiles …. (Ánh sáng mờ mịt ấy từ dưới màn đen rơi xuống …)
Vào khoảng 7 giờ hơn, còi báo động rú lên vang dội cả thành phố. Ai cũng biết rằng đây là cuộc tập dượt đầu tiên về phòng thủ thụ động, chứ không phải báo động thực, nhưng khi tất cả các ngọn đèn trong nhà và ngoài đường đều tắt hết, Hà Nội chìm đột ngột trong đêm đen hoàn toàn, thì không ai bảo ai, tất cả các cửa đều lần lượt đóng kín mít …
Ðều nầy không có trong thông báo của toà Ðốc lý, nhưng sau khi còi báo động rú lên, dân chúng tự động đóng cửa cài then cẩn thận. Nhiều người ngây thơ đã lo sợ rằng có lẽ máy bay lạ sắp bay đến thả bom Hà Nội chăng ? Nhiều người khác biết rằng đây là tập phòng thủ, nhưng họ sợ bọn trộm cướp thừa lúc thành phố tối đen tối thui không có một chút ánh sáng nào, sẽ lẻn vào nhà để cướp đồ đạc.
Ðám đông người vẫn đi dạo chơi ngoài đường để xem quang cảnh thành phố lúc báo động ban đêm. Tuấn và Nguyệt Hồ đi thong dong trên phố hàng Bạc. Tuấn đang hút một điếu thuốc, nhưng đến ngã ba phố Ma Mây ( Cờ Ðen, rue des Pavillons Noirs), một viên cẩm Pháp ( danh từ rất thông dụng trong dân chúng Bắc kỳ, phiên âm tắt tiếng Pháp Commissaire de Police mà trong Nam kỳ gọi là ông Cò. Ngoài Bắc còn một danh từ bình dân khác là ông Ðội Xếp. Ty cảnh sát được gọi là Sở Cẩm. Miền Trung gọi là Bác Phú Lít - Post de Police. Ở Saigon và Nam kỳ chỉ nói tắt một tiếng Bót. Từ hồi độc lập gọi bót cảnh sát.), sừng sộ bắt phải tắt điếu thuốc. Tuấn hỏi tại sao, viên đội xếp gắt lên :
-Tại sao hả ? Anh không biết rằng báo động ban đêm tất cả các ánh sáng đều bị cấm ?
-Tôi không tin rằng một điếu thuốc cháy là một ánh sáng mà một phi công từ trên trời dòm xuống có thể trông thấy được.
- Ðừng có nhiều chuyện. Nếu không tuân lệnh, tôi bắt giam anh vào bót ngay bây giờ.
Tuấn phải vứt điếu thuốc.
Nguyệt Hồ nắm tay kéo Tuấn đi, không muốn cãi nhau với viên cẩm nữa. Nguyệt Hồ bảo sau khi đã đi xa mấy bước :
- Thằng cha cẩm rõ lẩn thẩn !
Tuấn bảo :
- Kể ra thì hắn lẩm cẩm thật. Nhưng xét kỹ thì hắn có lý lẽ của hắn. Hắn được chỉ định phụ trách kiểm soát khu Hàng Bạc, và chắc chắn đã được lịnh cấm tất cả các ánh sáng trong thời gian báo động. Hắn áp dụng chỉ thị đó một cách mù quáng, và cho rằng một điếu thuốc ngậm trên môi cũng là một ánh sáng.
- Một thằng đội xếp Tây mà ngu ngốc thế !
- Nếu nó thông minh thì nó đã không là đội xếp.
Hà Nội chìm trong đêm thẳm suốt hai tiếng đồng hồ. Hai chiếc máy bay Morane kiểu 1914 bay chầm chậm thật cao trên vòm trời đen nghịt, tiếng kêu rầm rầm với hai chấm xanh đỏ nơi hai đầu cánh.
Ðến 9 giờ, một hồi còi hụ chấm dứt cuộc phòng thủ. Nhưng thành phố Hà Nội vẫn im lìm không có tiếng động, như đã ngủ yên. Hà Nội không muốn biết bộ mặt ghê rợn của tử thần bắt đầu đe dọa số phận của nó.
Tuấn và họa sĩ Nguyệt Hồ ngồi dưới góc một cây dương liễu đang âm thầm buông những giọt sương khuya xuống bờ hồ Hoàn Kiếm. Ðôi bạn trao đổi những cảm tưởng của họ và đêm đầu tiên tập sự chiến tranh tối tân nơi “ ngàn năm văn vật đất Thăng Long “.
Chiến tranh thật sự chưa đến Hà Nội, cũng như toàn cõi Ðông dương và Ðông Nam Á. Ở đây, người ta chỉ nghe tiếng dội xa xăm của nó mà thôi.
Nhưng tiếng dội tràn lan sâu rộng khắp các từng lớp dân chúng cũng như trong các giới gọi là thượng lưu. Giới này hầu hết là dân Pháp, nói nịnh Pháp thì đúng hơn, gồm những quan lại của Nam triều và Bảo Hộ, những nhà kỹ nghệ, hoặc nhà buôn lớn được hưởng ân huệ của chính phủ thuộc địa, hoặc của Triều đình Huế. Ở Saigon và lục tỉnh, giới thượng lưu thân Pháp gồm đa số những Ðốc phủ sứ, “ Bác vật “, đại điền chủ, kỹ nghệ gia, bác sỹ, kỹ sư, còm-mi ( commis), v.v…hầu hết là dân Pháp, theo quốc tịch Pháp, lấy tên Pháp, Paul, Henri, Louis, Marguerite…và sống theo tập tục Pháp.
Dĩ nhiên, giới thượng lưu An nam này cũng như giới Pháp thuộc địa, đều tỏ ra rất lạc quan với tin chiến tranh ở “ mẫu quốc “. Họ tin tưởng rằng thế nào nước Pháp cũng sẽ thắng nước Ðức., như hồi Ðệ Nhất Thế Chiến 1914 – 1918. Trong các buổi tiệc của chính phủ hoặc tư nhân, kể cả các tiệc cưới, tiệc mừng trong các gia đình “ thượng lưu “ mà có người Pháp tham dự, treo cờ Pháp và đọc “đít cua “ bằng tiếng Pháp, những câu mạt sát nước Ðức và đề cao hoan hô Pháp :” Vive la France ! (Ðại Pháp vạn tuế !) được đón nhận bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt của quan khách An nam, là một cảnh tượng rất thường thấy, thường nghe, ở Hà Nội cũng như ở Huế, Saigon, và khắp các tỉnh ở toàn thể ba xứ Annamites.
Thật là một hiện tượng đầy ý nghĩa quái gở, chứng tỏ tâm địa của giai cấp khá đông đảo “ thượng lưu trưởng giả An nam “ mà người Pháp gọi là “ la haute Bourgeoisie Annamite “ tận tụy trung thành với “ mẫu quốc “ ( la Mère Patrie) và tỏ ra thành thật tin tưởng vào sự thắng trận của nước Pháp, trong lúc chính những người Pháp ở Ðông dương lại dè dặt hơn, và có phần lo lắng, sợ hãi là khác.
Ðể được chứng kiến tận mắt cái tình trạng mới do chiến tranh Âu châu tạo ra ở xứ mình, Tuấn xách va li lên ga xe lửa mua vé đi một vòng Trung kỳ và Nam kỳ. Chàng xuống Huế ở 3 hôm, rồi đi Saigon ở 1 tuần lể. Từ đấy, chàng đi Cần Thơ, Tây Ninh, Cap Saint Jacques ( Vũng Tàu).
Một điều đáng chú ý, là tuy nước An nam đã bị người Pháp chia xẻ ra thành ba “ kỳ “ đặt dưới ba thể chế hành chánh riêng biệt, nhưng từ Hà Nội vô Saigon, từ Quảng Ngãi Qui Nhơn đến Tây Ninh, Vũng Tàu, dân trí và dân tình của người An nam khắp nơi đều không thay đổi mấy. Ða số giới “ thượng lưu trưởng giả “ Hà Nôị, Huế, Saigon đều nịnh bợ Tây một giọng như nhau. Giới trung lưu thì ở đâu họ cũng dè dặt, nhận xét thời cuộc một cách khách quan hơn và bình tỉnh hơn.
Giá sử Pháp thắng trận, giới trung lưu cũng chẳng lợi lộc gì. Người Pháp vẫn cai trị xứ An nam, người An nam chẳng hưởng được ân huệ gì của chiến thắng Pháp.
Còn giả sử Pháp bại trận, thì theo ý nghĩ của họ, họ cũng chẳng có gì thương tiếc, buồn lo. Dân An nam không có cảm tình riêng gì với Tây. Có thể Nhật Bản sẽ đánh đuổi Tây chăng, vì Nhật Bản ở gần Ðông dương, và lại là đồng minh của Ðức.
Nhưng nếu Nhật qua đây thì chẳng qua là một cuộc thay đổi chủ nhà mà thôi. Ðối với dân An nam, sự đổi chủ không có thiệt hại gì cho An nam cả. Ðó là quan niệm chung của đại đa số người trong các giới trung lưu vô tư ở Saigon, Huế, Hà Nội và các tỉnh.
Quảng đại quần chúng, bình dân, tiểu thương, nông dân, sĩ phu, ở Nam kỳ cũng như ở Trung, Bắc kỳ đều đoán rằng Pháp sẽ thua trận, và mong muốn Pháp thua. Họ không bênh vực Ðức, không có cảm tình với Hitler, nhưng cũng không có gì oán hận dân tộc Ðức. Họ muốn cho Pháp thua, tại vì họ không ưa Pháp đó thôi.
Vả lại, tâm lý chung của quần chúng An nam là thích những người hùng, bất luận người hùng của xứ nào. Ðọc tiểu sử của Hitler đăng trong các báo, họ phục anh thợ sơn làm nghề quét vôi, hồi chiến tranh 1914 – 1918 chỉ là một chú đội Bộ binh, thế mà bây giờ trở nên lãnh tụ được sùng bái của một nước Ðức hùng cường. Y khạc ra khói, nói ra lửa, làm cho cả Âu châu phải rung động, cho Pháp sợ hoảng hồn phải chạy qua Munich để điều đình và nhượng bộ !
Ðại đa số dân chúng An nam, ở thành thị cũng như thôn quê, chỉ đọc báo và theo dõi cuộc chiến chánh trị sôi động ở Âu châu, đều phục tài Hitler, cho y là một tay anh hùng lừng lẫy của Âu châu, có thể đánh ngã quỵ nước Pháp, đè bẹp cộng hòa Pháp dưới huy hiệu chữ Vạn "ngược" của y.
Tâm lý bình dân che đậy sự ước mong được thấy cuộc trả thù gián tiếp đối với người Pháp là kẻ đã ỷ thế hiếp đáp dân An nam mình.
Ðó là ý nghĩ thầm kín của đại đa số người thường dân An nam ở Cần Thơ, Tây Ninh, Vũng Tàu cũng như ở Saigon, Huế, Nha Trang, Hà Nôị, Hải Phòng, Nam Định, Yên Bái …Lạng Sơn, trong cuộc đi tiếp xúc tìm hiểu của Tuấn với đồng bào khắp nơi.
Tuy nhiên, bề ngoài, không khí vẫn bình thường, không bị ảnh hưởng mấy vì Chiến tranh Pháp Ðức và Âu châu trong những ngày đầu tháng 9-1939.
Trừ một vài cuộc “ tập phòng thủ thụ động “ ( exercice de défense passive) để lấy lệ vậy thôi, không sốt sắng mấy, gần như một trò giải trí của chiến tranh, và lịnh đào hầm trú ẩn mà dân chúng tuân theo một cách lơ là, đời sống thực tế hằng ngày không thay đổi bao nhiêu.
Ban đêm, đèn chiến tranh bọc bằng vải đen như vải tang ở trong nhà và ngoài phố, tạo ra không khí u ám nặng nề. Nhưng chỉ vài tuần lễ đầu ai nấy cũng âm thầm chờ đợi, rồi dần dần, từ ngaỳ 10 tháng 9 trở về sau, bóng đen phủ vải đen trở thành một yếu tố quen thuộc trong gia đình cũng như ngoài phố. Nó không còn là một đề tài để dân chúng bàn tán xôn xao như mấy đêm đầu. Việc buôn bán không thay đổi hình thức, không bị hạn chế, không có chợ đen, không có đầu cơ tích trữ.
Pháp luật, và nhất là kỷ luật xã hội, được triệt để tôn trọng, như bất cứ lúc nào.
Chính phủ thuộc địa Pháp có mộ thêm lính An nam để tăng gia quân số ở Ðông dương và gửi qua Pháp. Nhưng người ta chỉ kêu gọi những người tình nguyện. Dân An nam, ngay cả ở Saigon và lục tỉnh là “đất của Pháp “ không bị cưỡng bách tòng quân. Chế độ quân dịch chưa có, không có tổng động viên trong một lĩnh vực nào cả. Thanh niên học sinh vẫn tiếp tục đi học như thường lệ, và ngoan ngoãn, vô tư lự. Dĩ nhiên không hề có bóng dáng cao bồi, du đãng, đợt sóng mới, tóc dài, quần túm, v.v…
Thuần phong mỹ tục và luân lý gia đình xã hội, được tự người An nam giữ gìn lấy. Người Pháp không bắt buộc, cũng không khuyến khích, nói tóm lại là không can thiệp vào nếp sống truyền thống riêng của dân tộc “An-na-mít “.
Chiến tranh còn ở tận bên Tây phương, chưa làm xáo trộn đời sống hằng ngày của dân chúng.
Bắt đầu Chiến tranh Thế giới, Hà Nội chỉ có ba bốn tờ nhật báo quốc ngữ kỳ cựu không bao giờ thay đổi hình thức hay nội dung, và tất cả đều giữ nguyên vẹn thái độ thân Pháp cố hữu của họ. Ðông Pháp, Trung Bắc Tân Văn, cả hai đều thuộc về nhóm trí thức bảo thủ Bắc kỳ, và được lưu hành sâu rộng trong quần chúng.
Ngoài ra còn có tờ báo mới : Nam Cường của Phạm Lê Bổng, nhà làm pháo triệu phú, Viện trưởng viện Dân biểu Bắc kỳ, nổi tiếng là một sườn cột của phe “ Bảo Hoàng “ (quân chủ, tích cực tâng bốc Bảo Ðại) và đồ đệ của “ son Excellence “, Phạm Quỳnh, Ngự tiền văn phòng của hoàng đế An nam ở Huế. Tờ Nam Cường in để biếu hơn là bán, vì không ai mua.
Nhóm “ Trí thức mới “ của Bác sĩ Luyện cũng vừa cho ra tờ nhật báo Tin Mới, quy tụ một số nhà báo trẻ tuổi có tư tưởng chống Pháp, nhưng ôn hoà. Tờ báo này bán chạy nhất vì có tính cách tiến bộ hơn, và chú trọng khá nhiều về chính trị và xã hội. Ngoài ra, có những tuần báo hoàn toàn ăn nghệ : Tao Ðàn, Tiểu Thuyết Thứ Bảy ( của nhóm Vũ Trọng Phụng, TCHYA, Vũ Bằng, Nguyễn Trọng Luật, Nguyễn Công Hoan, v.v…) Ích Hữu ( Lê Văn Trương, Trương Tửu), Tiểu thuyết Thứ Năm ( Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư, Xuân Huy, Nguyễn Vỹ, Lệ Chi, Loa ( Lan Khai, Côn Sinh v.v…), Việt Nữ ( Mộng Sơn, Thanh Tú), Ngày Nay ( Nhất Linh, Khái Hưng), Tương Lai ( Nguyễn Triệu Luật, Vũ Trọng Phụng).
Các báo cộng sản đều bị đóng cửa, và đa số đảng viên đã bị bắt.
Các báo Việt ngữ cách mạng cũng bị đóng cửa, và các nhà cách mạng quốc gia bị mật thám theo dõi.
Các báo Pháp ngữ của người Pháp có chủ trương cách mạng ( L’Argus Indochinois, L’Ami du Peuple), hoặc của người An nam cách mạng ( Le Peuple của Ðặng Thái Mai, Võ Nguyên Giáp). Le Cygne ( Nguyễn Vỹ, Trương Tửu) cũng đã bị đưa ra tòa và bị đóng cửa.
Nhật báo Pháp ngữ của người Pháp, có 3 tờ báo bán chạy nhất. La Volonté Indochinois
của Henri de Montpezat, France Indochine của Thiếu tá hưu trí J.Foroponf, L’ Avenir du Tonkin của Massais, L’ Avenir của luật sư Tavernir. Tờ L’ Indépendence Tonkinois ( của một bà Ðầm) bị đóng cửa.
Ngoài ra, có một tờ tuần báo L’ Indochine của De Saumont, hài hước, chuyên môn công kích các nhà cầm quyền thuộc địa Pháp bằng lối khôi hài, được một số độc giả thanh niên trí thức hoan nghênh.
Thiên Chúa giáo có tờ Nhật báo Trung Hoa ở góc đường Borgnes Desbordes và đường Nhà Chung, không được phổ biến mấy, và có tính chất hoàn toàn tôn giáo.
Phật giáo có nguyệt san Ðuốc Tuệ, xuất bản tại chùa Quán Sứ, đường Richard do Hoà thượng Tố Liên, và cựu Tổng đốc Nguyễn Năng Quốc.
Phủ Toàn Quyền Pháp cũng cho xuất bản một tuần báo dưới hình thức tạp san in tranh ảnh chính trị và văn nghệ L’ Indochine (Ðông dương). Về chính trị, dĩ nhiên nó là cơ quan tuyên truyền chính sách thực dân Pháp. Nhưng về văn học và khảo cứu, có nhiều bài có giá trị.
Hải Phòng cũng có hai tờ báo Pháp ngữ của người Pháp, chuyên về chính trị và kinh tế : Le Courrier d’ Haỉ Phòng và L’ Eveil économique của Coucherousset.
Huế, Ðế Ðô Trung kỳ, chỉ có hai tờ báo, cả hai đều do phái Bảo Hoàng chủ trương suy tôn Bảo Ðại và Nam Phương Hoàng hậu: Tràng An ( việt ngữ của Bùi Huy Tín, chủ nhân và nhà sách), La Gazette de Huế ( pháp ngữ do Nguyễn Tiến Lãng viết văn Pháp, Phủ Doãn Thừa Thiên và rể Phạm Quỳnh, làm chủ bút). Phạm Văn Ký, một thi sĩ làm thơ Pháp, khá nổi danh với thi phẩm Une Voix sur la Voie xuất bản ở Saigon, được gọi về công tác trong văn nghệ.
Hai tờ báo trên đây, chỉ có giới trí thức ở Huế đọc mà thôi, không được lưu hành nhiều ở các tỉnh.
Saigòn - Nhựt báo ( tiếng bình dân thông dụng gọi là nhựt trình) ở Thủ Ðô Nam kỳ hồi đầu Chiến tranh thế giới cũng hầu hết là những tờ báo xuất bản đã lâu năm, và chia làm hai loại :
- Loại do tư bản Pháp xuất vốn ra làm, với sự cộng tác của những người tư bản và trưởng giả An nam, như Ðiện Tín, Công Luận ( hai ấn bản quốc ngữ của hai nhật báo Pháp La Dépêche và L’Opinion) Tờ "La Dépêche" và tờ Ðiện Tín ( của Henri de la Chevrotière, một thực dân khét tiếng ở Nam kỳ) là hai tờ báo rất chạy ở Saigon và Lục Tỉnh.
- Loại thứ hai của tư bản An nam, cũng có tính cách hoàn toàn thương mãi : Sài Thành ( của Bút trà Nguyễn Đức Nhuận) hoặc của đảng phái chính trị như Ðuốc Nhà Nam ( của Nguyễn Văn Sâm), L’Echo Annamite ( của Nguyễn Phan Long) v.v…
Báo cộng sản ( La Lutte) của nhóm Ðệ Tứ Quốc Tế ( Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch) và báo của nhóm Ðệ Tam ( Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo), vẫn còn hoạt động hồi đầu tháng 9/1939.
Các báo cách mạng quốc gia có xu hướng hơi quá khích một chút đều lần lượt bị đóng cửa hết.
Về Văn Nghệ, còn tờ tuần báo Mai ( của Ðào Trinh Nhất) có đôi chút ảnh hưởng với một số văn nghệ trẻ Nam kỳ.
Ðó là tình trạng báo chí tổng quát của ba xứ An-na-mít khi Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ ở Âu châu.
Dưới lớp vỏ bề ngoài, chính trị, xã hội, văn hoá, nẩy nở thịnh vượng trong khuôn khổ đô hộ của chế độ thực dân Pháp, như tôi đã phác hoạ trên, dân tộc An nam vẫn còn say chìm trong giấc ngủ mê man của thế kỷ.
Việt Nam chưa tỉnh dậy. Hồn thiêng của đất nước Tiên Rồng như còn phảng phất đâu đâu trong các đền đài của Lịch sử.
Sức đè nén thực tế, nhiều khi vô hình, nhưng luôn luôn hiện hữu, quyế liệt của thực dân dùi cui ( colonialisme à la trique) mà kẻ cầm quyền Pháp và bọn tôi tớ vô liêm sĩ của họ gọi tâng bốc là “ Thái Bình Pháp “ – La Paix Francaise, hầu như được coi là một định luật và được đa số thụ động chấp nhận như một sự kiện mặc nhiên của Lịch sử.
Nói đúng, thì nhiệt khí cách mạng đã phun ra từng lúc, từng hồi, như một hỏa diệm sơn còn sôi ngầm trong lòng đất, tiếng gầm thét thỉnh thoảng đã vang lên, chuyển động bốn phương trời như một căm thù triền miên từ vạn cổ nhưng thời tiết chính trị vẫn còn trong sáng, dân tâm chưa sôi động, dân tình còn xao lãng, lan man.
Vả lại, tiếng súng ở biên thùy Pháp - Ðức cũng còn im lìm. Chiến tranh khởi phát bằng sự lặng lẽ bất thường ở tiền tuyến. Hai bên địch thủ chĩa súng gờm nhau, nhưng chưa khai hỏa.
Các báo Anh, Pháp, Mỹ và chung cả thế giới bắt đầu bình luận liên miên về “ chiến tranh quái gở “ - une drôle de guerre, mà một bên là Ðức, một bên là Pháp và Anh, đều án binh bất động, Mỹ còn đứng vòng ngoài, Nga vờ nắm tay đồng loã với Ðức và đang âm thầm chuẩn bị.
Hitler vừa hùng hổ kéo quân xâm chiếm Dantzig, rồi lần lượt Ba Lan, Tiệp Khắc, Autriche (Áo).
Thế giời có cảm tưởng như con cọp vừa ăn no nê mấy con mồi, nằm lim dim ngủ, chờ bụng đói sẽ vùng dậy băng rừng.
Cả Âu châu đều hồi hộp đợi chờ. ở Ðông dưong cũng vậy.
Trong lúc tình hình chiến tranh ở Tây phương bỗng dưng trầm lặng, các báo Pháp ở Paris không có tin tức chiến sự nào “ giựt gân “để loan truyền, thi đua nhau viết bài đề cao quân đội Pháp và đại tướng Gamelin, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội Pháp và Ðồng minh.
Ðại đa số, có thể nói là hầu hết giới trí thức An nam cả giới trí thức cách mạng, đều vồn vả đọc báo Pháp và đều tin tưởng vào những lời tuyên truyền kia, vì thực ra mình có biết gì về giá trị và những bí mật của quân đội Pháp và vị Thống tướng của họ đâu.
Mình nghĩ rằng, để đương đầu với một nước Ðại Ðức ( Grand Riche Allemand) dưới quyền lãnh đạo của nhà độc tài ghê gớm Adolf Hitler đã gây ra sóng gió ở Trung Âu và đã làm cho cả thế giới kinh hãi, thì tất nhiên nước Pháp và Ðồng minh là nước Anh ( Mỹ còn đứng ngoài vòng chiến) đã phải chuẩn bị sẵn sàng với lực lượng hùng dũng, mạnh hơn hoặc ít nhất cũng tương đương với quân lực Hitler.
Quân Anh đã đổ bộ lên đất Pháp, đóng dọc theo biên giới Pháp, Bỉ, để sẵn sàng bảo vệ hai nước Bỉ và Hoà Lan với sự yêu cầu của hai vương quốc này, mặc dầu cả hai đã chính thức tuyên bố trung lập, nghĩa là không tham chiến.
Chiến lũy Maginot ( tên Bộ trưởng Chiến tranh Pháp chủ trương đắp chiến lũy này) dọc theo bờ sông Rhin, được tăng cường với một lực lượng hùng hậu bằng pháo binh, bộ binh, và xe thiết giáp. Nhưng quân lính nơi đây đã bắt đầu buồn chán vì “ La drôle de la guerre “ ( chiến tranh quái gở) chưa thật sự bùng nổ, Pháp Ðức đã tuyên chiến từ ba tháng rồi mà Ðức vẫn chưa khởi sự tấn công.
Bên kia sông Rhin, quân đội Nazi ( quốc xã Ðức) đã bài binh bố trận, các họng súng đại bác đã chĩa qua bên này, nhưng chưa một lần nào khạc đạn. Quân lính Pháp chờ mãi ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, vẫn không thấy quân Ðức tấn công. Không có việc gì làm, quân đội Pháp phòng trú dọc suốc chiến lũy Magnot được nhàn rỗi chỉ đánh cờ, biểu diễn văn nghệ, viết thư cho người yêu và cho gia đình. Nhiều người lại cao hứng làm thơ, viết văn gửi về đăng trong các báo chí ở Paris.
Một vài nhà báo Pháp lạc quan đến nỗi cho rằng Hitler chỉ hăm dọa suông chứ không dám tấn công trước cuộc bài bố lực lượng hùng hổ của quân đội Pháp, và ức đóan rằng có thể chiến tranh sẽ “ chấm dứt trước khi khởi sự “.
Chính phủ Pháp Daladier vẫn tiếp tục phô trương “ sức mạnh vĩ đại của quân đội Pháp sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù “. Các nhà chính trị nổi tiếng của Pháp thường tuyên bố rằng lần này nước Pháp nhận lãnh trách nhiệm thanh toán lần chót vấn đề bành trướng đế quốc Ðức hăm dọa hoà bình thế giới, và quả quyết rằng chiến tranh này là “ Chiến tranh cuối cùng của những Chiến tranh “ theo danh từ mới thường phổ biến trên các báo Paris.
Hành chánh thuộc địa Pháp ở Ðông dương ( mà các nhật báo An nam nịnh Tây thường gọi là Ðông Pháp, Indochine Francaise cũng làm phát ngôn viên của chính phủ Paris, và các nhật báo An nam ở Saigon, Huế, Hà Nội, hằng ngày phổ biến những bản diễn văn hoặc những lời tuyên bố hùng hồn rất lạc quan, rất kiêu hãnh của các chính khách Pháp ở Paris, của vị Toàn quyền và các Thủ hiến Pháp ở Ðông dương.
Phải nhìn nhận sự thật này, là lối tuyên truyền của thực dân Pháp đề cao sức mạnh của họ, cương quyết và khéo léo đến nỗi quảng đại quần chúng An nam từ Nam đến Bắc, đều tin tưởng nơi sức mạnh của Pháp, và hành chánh thuộc địa dựa vào tin tưởng ấy mà duy trì rất dễ dàng chế độ đô hộ Pháp ở năm xứ Ðông dương.
Sự kiện thực tế ấy cũng đè nặng trong trí óc của những người cách mạng An nam và các đảng cách mạng kể cả đảng cộng sản An nam, vẫn tiếp tục hoạt động lén lút, chưa dám công khai, vì không một lãnh tụ nào tin tưởng vào sự thành công dễ dàng và mau chóng của công việc mạo hiểm của mình. Ảnh hưởng thâm đậm của Pháp hãy còn mãnh liệt trên khắp các từng lớp nhân dân thuộc địa.
Tuấn theo dõi sát tình hình chiến cuộc Pháp Ðức ở Tây Âu, Nhật Tàu ở Ðông Dương, và cuộc diện Ðông dương tuy bề ngoài trầm lặng, nhưng không phải không ngấm ngầm sôi đông bên trong.
Một vài biện pháp thông thường, tuy đối với dân An nam hãy còn mới lạ như phòng thủ thụ động, đào hầm trú ẩn, bọc đèn chiến tranh bằng vải đen, như đã nói ở trên, ngoài ra không có thay đổi lớn lao, rõ rệt hơn.
Sau phong trào xôn xao của vài tuần lễ đầu, từ khi Pháp tuyên chiến ngày 3/9, đời sống hằng ngày của dân chúng trở lại bình thản, giống như tình hình chiến cuộc bất động ở tiền tuyến Pháp vậy.
Riêng Tuấn để ý thấy từ tuần lễ thứ ba, những chuyến tàu điện ( tramway) trên đường Hà Nội - Hà Đông, khởi chạy từ 3 giờ sáng ( thường nhật chỉ bắt đầu chạy lúc 5 giờ) và chở toàn lính khố đỏ An nam ( tirailleurs Annamites) của “Ðệ Nhứt sư đoàn bộ binh thuộc địa ( 1er légiment de l’ Infanterie coloniale) gọi tắt là R.I.C do sĩ quan Pháp chỉ huy.
Tuấn đoán chừng họ đi tập trận, nhưng không biết tập ở địa điểm nào, và muốn xem họ tập trận như htế nào. Tò mò, Tuấn tìm đến nhà một người đội khố đỏ Bắc kỳ quen biết đã lâu ( gọi là “ khối đỏ “ danh từ đặc biệt An nam, không dịch đúng theo danh từ Pháp “ tirailleur “ chỉ binh chủng bộ binh thuộc địa, đóng một khố vải đỏ nơi lưng quần, và quấn chân đỏ, khác với lính khố xanh ( lính tập), và lính khố vàng riêng biệt của vua An nam ở Huế.). Ông này cho Tuấn biết là cuộc tập trận dọc theo đường Hà Đông, phía trên làng Mộc Nhân khoảng 5 cây số, từ 3 giờ 40 sáng đến 4 giờ 50 sáng.
Có khi tập nơi làng Bưởi hoặc làng Bạch Mai. Ông đội thuật lại cho Tuấn nghe nhiều chi tiết khá hấp dẫn của một cuộc tập trận, trong đó sư đoàn bộ binh chia thành hai phe địch thủ, tranh nhau chiếm một địa điểm đã chỉ định trước. Xe tăn không tham gia tập trận vì xe tăn và xe thiết giáp hầu hết là cũ kỹ, đồ thừa thãi của Pháp từ Ðệ Nhất thế chiến còn lại, bố thí cho quân viễn chinh ở Ðông dương, dùng để biểu diễn trong các cuộc diễn binh hơn là để đi chiến đấu. Phi cơ cũng không tham gia các cuộc tập trận, cổ điển và rất thô sơ ấy, vì lẽ phi trường Gia Lâm, duy nhất của Hà Nội, chỉ có số phi cơ dự trữ không quá 12 chiếc, và hơn một nửa là Morane kiểu 1921 và Petez cũ sửa chữa lại.
Lắm lúc Tuấn suy nghĩ : quân lực của Pháp ở Ðông dương rất yếu ớt, và tổ chức rất sơ sài như thế mà Pháp đè đầu đè cổ được trên một xứ An nam cả ba kỳ dân số trên 25 triệu người, thì cũng lạ thật ! Ðành rằng họ còn có một đội quân “ Lê dương “ - Légion Etrangère gồm dân thuộc địa Phi châu, và nhiều nhất là Malgaches, Marocains, Sénéagalais.
Dân chúng An nam gọi bọn này bằng một danh từ chung là “ lính Tây đen “, không phân biệt chủng tộc nào cả, hoặc “ lính lê dương “.
Bọn này thật là dữ tợn, và thực tế gồm toàn dân du đãng trộm cướp giết người, thường tội, bỏ trốn quê hương xin nhập tịch vào đội quân lê dương Pháp.
Theo Tuấn dò hỏi thì ngoài những lính Bắc Phi châu, đội quân Lê dương còn có người Ðức, Áo, Tiệp Khắc, Y pha Nho và Thuỵ sĩ.
Ðông hơn nhất là người Ðức và Tiệp Khắc. Mặc dầu họ là những kẻ vong bổn, bỏ quốc tịch của họ, trốn qua Pháp xin làm lính Lê dương, và trình độ văn hoá rất thấp kém, nhiều chú dốt đặc, nhưng họ vẫn có mặc cảm tự tôn, mặc cảm Tây phương, đối với dân tộc An nam.
Tuy nhiên hầu hết chúng có vợ An nam và chú nào cũng bị người vợ bổn xứ đè đầu đè cổ hiếp đáp, nhiều khi đánh đập tàn nhẫn nếu người “ me tây “ bắt gặp chúng đi chơi điếm, hoặc đem tiền lương về không đủ số, hoặc không vui vẻ tuân theo một mệnh lệnh của “ chérie “.
Một chú lê dương Ðức, 27 tuổi, nói tâm sự cùng với Tuấn rằng nếu hắn đàn áp những người cách mạng An nam một cách vô cùng dã man trong một cuộc khủng bố ở Nghệ An chỉ là để trả thù lại những lúc hắn bị người vợ An nam khủng bố hắn còn dã man hơn thế nữa mà hắn cũng ráng chịu.
Sự trả thù ấy hắn cũng không dám nói cho vợ hắn biết. Tên Lê dương này đã thi đổ tú tài, đã học Ðại học Filburg (Ðức) nhưng lỡ hiếp dâm một cô bạn gái, bị cô này kiện ra toà, nên y trốn sang Alsace ( Pháp) xin nhập Pháp tịch và đăng vào đạo lính lê dương, được đổi qua đồn trú tại Marakech ( Maroc) rồi qua Hà Nôị. Chính hắn sau này chơi thân với Tuấn và lén lút cho Tuấn nhiều tin tức bí mật về các cuộc dự định của quân đội Pháp ở Ðông dương chống nhật, và chống cách mạng An nam.
Ðồng thời Tuấn đã liên lạc được với một người bạn quen từ lâu, lúc bấy giờ làm sĩ quan ở Binh đoàn Khố Ðỏ ( compagnie des Tirailleurs Annamites) tên là Nguyễn Ngọc Lễ, anh là một thanh niên quê quán miền Trung, tuy làm lính cho Pháp nhưng tinh thần nòi giống rất cao, có khí phách cách mạng, vẫn nuôi hoài bão quốc gia độc lập.
Sau này, năm 1948, Nguyễn ngọc Lễ làm đại tá chỉ huy trưởng Vệ binh đoàn ở Huế, rồi làm Tổng giám đốc công an được vài ba năm dưới thờ Ngô Ðình Diệm, sau trở về quân đội cộng hòa, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lễ tham gia hăng hái cuộc đảo chính chống Diệm vào năm 1963, và được lên cấp trung tướng.
Tuấn thường xuyên liên lạc với anh đội khố đỏ Nguyễn Ngọc Lễ từ tháng 10 năm 1939, sau một cuộc họp bí mật ở một gian nhà của nữ đồng chí ở Nam Ðồng, gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Trong buổi họp, ngoài cô bạn đồng chí, Tuấn và Nguyễn Ngọc Lễ, còn có hai sinh viên trường Cao đẳng Y khoa, và một nhà văn.
Mục đích của nhóm này là kết nạp một số đồng chí có lý tưởng quốc gia thuần tuý, không nương dựa một thế lực ngoại bang nào cả. Năm 1939, các giới trí thức Việt Nam bị chia rõ rệt thành 5 khuynh hướng :
- Một số thân Pháp tin tưởng Pháp sẽ thắng trận,
- một số theo mệnh lệnh Ðệ Tam quốc tế của Nga sô ở Moscow ( cộng sản đệ tam) hoặc Ðệ Tứ quốc tế ở Paris, tuy là Trotsky ở Mexique ( cộng sản đệ tứ),
- một số thân Nhật bản, và
- một số trung thành với chủ trương VNQDÐ của Nguyễn Thái Học, nhưng có phần dựa vào Quốc dân đảng ( Koo-Minh Tang) của Tưởng Giới Thạch.
Trong lúc đó, một nhóm thanh niên trí thức thuần túy quốc gia âm thầm lập tại Hà Nội một mặt trận Antifascistes Indépendants, gọi tắt là AFI (độc lập chống phát xít), chủ trương tích cực tranh đấu cho quốc gia Việt Nam độc lập, mà chống Pháp, chống Nhật, chống cộng sản ( cả đệ tam lẫn đệ tứ) và khi độc lập được rồi sẽ liên kết với tất cả các khối quốc gia trên thế giới, trên chủ quyền quốc gia bình đẳng.
Anh đội khố đỏ Nguyễn Ngọc Lễ rất hoan nghênh chủ trương ấy, vì anh cũng chống Pháp, chống Nhật, chống cộng sản. Rất hăng hái, nhưng nhóm này hoạt động rất khó khăn, gặp rất nhiều trở ngại ngay trong giới cách mạng Việt Nam.
Trên lỉnh vực văn nghệ, Tuấn biết Khái Hưng và Nguyễn Tường Tam đang thành lập đảng Việt Nam Dân Chính có khuynh hướng thân Nhật rõ ràng. Nguyễn Triệu Luật và Lan Khai, rất thân với Nhượng Tống và triệt để theo đường lối cách mạng VNQDÐ của giai đoạn 1930, đường lối mà Tuấn cho rằng có tính chất phong kiến, lỗi thời, không kết nạp được quảng đại quần chúng, nghĩa là không tranh thủ kịp với bọn cộng sản trên phương diện tuyên truyền và tranh đấu chống đế quốc thực dân và phát xít.
Các ông cụ của Ðông Kinh Nghĩa Thục hầu hết là nhà nho, như Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, còn rất nhiều hoài niệm về Nhật bổn, và đang liên lạc mật thiết với nhóm của Trần Trung Lập, con nuôi của cụ Cường Ðể, ở Quảng Ðông.
Cộng sản, thì ai cũng biết, nhóm Võ Nguyên Giáp, Ðặng Thái Mai, Trần Huy Liệu, Ðặng Xuân Khu.
Tất cả các đảng trên hoạt động tuyên truyền hăng hái, tuy ngấm ngầm, trong các giới công chức, tư chức, giáo chức và thương mãi kỹ nghệ. Chỉ có cộng sản là đi sâu vào các giới bình dân lao động mà thôi.
Nhóm thanh niên quốc gia thuần tuý, độc lập chống phát xít của Tuấn gặp toàn là chống đối. Danh từ phát xít lúc bấy giờ riêng ở Việt Nam bao gồm chủ nghĩa đế quốc Pháp và Nhật. Nhóm AFI của Tuấn ghép cả vào đó chủ nghĩa đế quốc cộng sản Ðệ tam và Ðệ tứ.
Do đó mà “ liên đoàn các nhà văn chống phát xít “ – Ligue des Ecrivains Antifascistes do Tuấn lập ra với sự tham gia trong giờ đầu tiên của Võ Nguyên Giáp, Ðặng Thái Mai và Jean Lang ( cộng hoà độc lập, chủ nhiệm báo La Jeune République, trụ sở ở sát cạnh toà báo L’ Annam Nouveau của Lê Thăng ( luật sư, có vợ đầm, có chân trong hội Tam Ðiểm, Franc Maconnerie, và kế vị Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút báo L’ Annam Nouveau. Hiện nay ở Saigon). - bị tan rã ngay sau 2 tháng hoạt động suông.
Giáp không đồng ý về danh từ “ phát xít “ của Tuấn và các đồng chí trong nhóm “độc lập chống phát xít “. Trong một cuộc thảo luận, Tuấn có nói :” Ai cũng biết rằng danh từ “ fascite” phát xuất từ Tây Âu lần đầu tiên từ khi Mussolini lên nắm chánh quyền ở La Mã, và áp dụng chế độ độc tài phát xít. Sau đó, người ta gọi chung các chế độ độc tài, Ðức quốc xã của Hitler và quân phiệt Nhật của Tojo, bằng danh từ phát xít.
Ở Việt Nam, danh từ phát xít được ám chỉ cả đế quốc thực dân Pháp cũng như đế quốc Nhật.
Hai anh Ðặng Thái Mai và Võ Nguyên Giáp gia nhập “ liên đoàn các nhà văn chống phát xít “ với chủ đích lôi kéo liên đoàn này vào đảng cộng sản, nhưng khi gặp sự cương quyết nhận định ý nghĩa chống luôn cả phát xít Nga sô, do các bạn của nhóm AFI chủ trương, hai anh ấy rút lui.
Ðối với các đảng phái quốc gia thân Nhật, Tuấn và các bạn đồng chí cũng gặp sự chống đối quyết liệt như thế.
Một buổi tối, sau một cuộc nhóm họp chung của các phần tử còn lại với nhau sau khi Mặt trận bình dân đổ vỡ, Nguyễn Tường Tam cùng Tuấn ra về một lúc, cùng đi một đường, dọc bờ hồ Hoàn Kiếm. Tam hỏiTuấn bằng giọng khôi hài :
- Người Nhật làm gì hại anh mà anh chống Nhật ?
Tuấn cười trả lời :
- Thế thì người Nhật làm gì cho anh mà anh thân Nhật.
Câu chuyện đấu khẩu nửa thật nửa đùa kéo dài cho đến đầu đường xe điện đi Thái Hà ấp. Nhưng lập trường chính trị và cách mạng của Tuấn vẫn cương quyết bảo vệ tính chất thuần túy quốc gia, mặc dầu các phong trào thân Nhật, thân Pháp, đang đồng thời phát triển ngấm ngầm, và đả kích nhau sôi nổi trong các giới trí thức Hà thành bị chia rẽ vì lập trường chính trị.
Việc Staline ký hiệp ước “ bất xâm lăng “ của Hitler lại là một dịp để Tuấn đả kích chính sách cộng sản, và Tuấn hăm hở nói với Võ Nguyên Giáp và Trần Huy Liệu rằng Staline phản bội các đảng cộng sản thế giới.
Sau đó một tháng, đảng cộng sản Pháp cũng bị lung lay trong nội bộ, và một số đảng viên thuần thành đã chính thức ly khai đảng để chống lại chánh sách phản bội của Staline và cộng sản Nga Sô. Trong số đảng viên cộng sản ly khai này, có nghị sĩ cộng sản Maurice Honel, người đã được cộng sản Pháp phái qua An nam năm 1917, để tiếp xúc với cộng sản An nam, và đã được Võ Nguyên Giáp và các đồng chí của anh tiếp đón vô cùng long trọng.
Lời tuyên bố ly khai của 32 nghị sĩ cộng sản, trong đó có Maurice Honel, đã được đăng trong các báo Pháp : “ Paris Soir “, L’Intransigeant, Match de la Vie “ v.v…
Tuấn cũng hiểu rằng Staline ký “ hiệp ước bất xâm lăng “ … traité de non-agression - với Hitler là để có thì giờ chuẩn bị đương đầu với nhà độc tài Nazi, chứ thực tâm Staline vẫn coi Hitler là “ một tên đồ tể ghê gớm, một tên khát máu “, nhưng Staline cũng chẳng đạo đức gì hơn. Hiệp ước bất xâm phạm ký kết ở Moscow giữa Ribbentrop ngoại trưởng của Hitler và Molotov, ngoại trưởng của Staline, chỉ là một thủ đoạn chính trị mà cả hai đều có thâm ý lợi dụng trong một giai đoạn để chuẩn bị sẵn sàng một cuộc tàn sát tiêu diệt trong tương lai gần gũi đó thôi.
Năm 1939, mấy anh cộng sản An nam ở Hà Nội cũng đưa cái lý luận đó ra để bênh vực chính sách “ tài tình siêu việt “ của Staline, mà họ gọi bằng tiếng Pháp là “ la politique géniale de Staline “.
Nhưng Tuấn nhất định chống cãi rằng cái chính sách ấy nếu có lợi riêng cho Nga xô trong giai đoạn chưa chuẩn bị đầy đủ để đương đầu với Hitler, thì, trái lại, nó là một đòn nham hiểm, cho Hitler được rảnh tay ở phía Ðông, để dồn lực lượng vào cuộc tấn công bão tố các nước Tây phương.
Thâm ý của Staline là để Hitler tiêu diệt các đế quốc Tây Âu ( Pháp, Anh, Hoà Lan, v,v…) tạo cơ hội cho cộng sản Tây Âu nổi dậy, rồi Staline sẽ đánh bại Hitler, với sự hơp lực của cộng sản Tây Âu thành ba bốn mặt trận cộng sản bao vây Ðức quốc xã như một gọng kềm vĩ đại.
Hitler thì tính rảnh tay ở phía Ðông để tiêu diệt Pháp, Hoà Lan, Bỉ, Anh rồi quay lại đập Nga xô. Nhưng cả Hitler lẫn Staline đều không ngờ đến sức kháng cự quyết liệt và kinh khủng của Anh, và sau đó đến sự can thiệp của Mỹ.
Cho nên, sau khi ký hiệp ước “ thân thiện “ với Nga xô. Hitler tạm yên trí ở phía Ðông, dồn hết quân lực mở cuộc tấn công chớp nhoáng về phía Tây, các bác Ðức gọi là Blikzkrieg đánh lấy Luxembourg, Bỉ, Hoà Lan, Pháp, không đầy 20 ngày.
Ðồng thời Suède, Norvège, Danemark cũng bị quân Quốc xã chiếm đóng. Quân đội Hitler tràn ngập luôn cả vào các nước Nam Âu sát vùng Caucase của Nga.