Fiction reveals truths that reality obscures.

Jessamyn West

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 59
uỳnh Trang hớt hải chạy vào buồng dí tờ Sài gòn Giải Phóng bắt Ngữ đọc. Ngữ lướt qua tám trang tờ nhật báo khổ lớn, thấy chỉ có những tin, bài thông thường về “tội ác của bọn bành trướng Bắc kinh”, “nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng ở Kampuchia”, “thành quả bước đầu của công tác cải tạo công nghiệp ở các tỉnh miền Nam”… quay lại hỏi vợ:
- Có gì đặc biệt đâu mà em bảo anh đọc?
Quỳnh Trang cáu kỉnh nói:
- Anh sống với tụi nó sáu năm nay mà chẳng thấy gì cả. Anh xem đây. Chỗ này nhân dân phát hiện bọn xấu dùng cyclo tiếp tay với bọn gian thương lũng đoạn thị trường phá hoại chính sách cải tạo thương nghiệp của Nhà nước, chỗ này nhân dân phát hiện một sĩ quan ngụy đạp cyclo, chở bột của Nhà nước đem bán cho bọn xấu, a tòng ăn cấp tài sản xã hội chủ nghĩa, chỗ này nhân dân phản ảnh lên Ủy ban Phường là bọn xấu giả dạng phu cyclo thường tụ họp nhau ở đường Đồng khánh tuyên truyền cho bọn bành trướng Bắc kinh, tranh châm biếm lại đem ông cyclo ra giễu: khi tụi nó đồng loạt đăng tin “nhân dân phát hiện”, “nhân dân phản ảnh” nghĩa là tụi nó chuẩn bị “đánh” giới nào đó. Hồi đánh tư sản cũng vậy. Anh, đừng đạp cyclo nữa.
Ngữ đọc kỹ lại tờ báo, công nhận vợ nói đúng. Chàng than:
- Họ nỡ lòng nào “đánh” giới nhà nghèo đổ mồ hôi để đổi lấy bát cơm thế này hở Trờì! Anh còn biết làm gì nữa đây!
Quỳnh Trang cũng rơm rớm nước mắt, nói với chồng:
- Thật em không hiểu nổi! Hễ dân kiếm được kẽ hở nào để thở là tụi nó bịt lại. Sao tụi nó thù dân buôn bán đến thế! Không có dân buôn thì gạo dưới Cần thơ, Long xuyên người ta đem nuôi heo, trong khi dân Sài gòn ăn bo bo, mì sợi. Cà phê trên Bảo lộc chín rụng, không ai hái trong khi dưới này phải uống cà phê dỏm pha bắp rang. Làm đâu hư đó mà cái gì cũng ôm làm một mình, thật em không hiểu nổi!
Ngữ nói:
- Không hiểu cũng phải rán chịu. Anh không đạp cyclo nữa thì lấy tiền đâu mua gạo?
- Anh tạm nghỉ một thời gian chờ tụi nó “đánh” xong, sẽ đạp cyclo lại. Độ rày anh ốm nhom.
- Em cũng vậy.
Quỳnh Trang mếu máo nói:
- Thấy anh đạp cyclo em không cầm được nước mắt. Em mà còn tiền, em lo cho anh vượt biên cho đỡ thân anh.
Ngữ nhớ đề nghị của Diễm tuần trước, nhưng đủ khôn ngoan để không kể lại với vợ. Quỳnh Trang chùi nước mắt nói tiếp:
- Em biết một chỗ họ sắp đi, nhưng họ đòi cao quá. Người lớn năm cây, con nít hai cây. Em đào đâu ra bảy lượng vàng.
Ngữ kinh ngạc hỏi:
- Sao em tính ra bảy lượng?
- Nếu anh đi thì dẫn con theo cho nó học hành. Ở đây nó chỉ lêu lổng, lớn thì đi nghĩa vụ. Nhưng thôi, có tiền đâu mà tính.
Ngữ cầm tay vợ, nói:
- Đi đâu cũng phải đủ vợ đủ chồng anh mới đi.
Quỳnh Trang ngồi nhìn thẳng phía trước, đôi mắt mệt mỏi lạc thần:
- Em phải ở lại với thầy me cho tới ngày con Quỳnh Như đón được thầy me qua Mỹ. Em có viết thư hỏi nó là liệu có thể bảo lãnh cho vợ chồng mình qua được không. Nó vừa phúc đáp hôm qua. Nó bảo ưu tiên một là cha mẹ, sau đó mới tới anh chị em. Vợ chồng mình rán ẩn nhẫn cho tới ngày đó. Anh nên nghe lời em, tạm thời cứ ở trong nhà đừng đi đâu. Cũng đừng ra cửa tụi công an khu vực nó thấy, hỏi giấy tờ lôi thôi.
Ngữ than:
- Anh không khác gì loài gián, nhục thân đàn ông quá!
° ° °
Suốt hai tuần lễ ru rú trong nhà, Ngữ cảm thấy bực bội nôn nao như người tù bị giam. Cửa trước đóng kín, trừ những người gõ cửa theo mật hiệu, Ngữ không dám mở cửa cho bất cứ ai. Giây phút thần tiên của Ngữ là những khi ông bà Thanh Tuyến hoặc vợ con trở về, đem theo những mẩu thời sự ngoài đời. Đúng như Quỳnh Trang tiên đoán, Nhà nước đã mở một cuộc tảo thanh lớn vào giới đạp cyclo, tách bạch phân biệt “những người lao động chân chính” và “bọn phản động tàn dư chế độ cũ không chịu lao động núp bóng tuyên truyền xấu”. Quỳnh Trang mừng rỡ vì chồng thoát nạn, lại càng “quản thúc” Ngữ gắt gao hơn. Ngữ thèm di chuyển, thèm đọc, lượm được bất cứ mảnh giấy báo nào cũng đọc đi đọc lại nhiều lần, những tờ báo ông Thanh Tuyến mua về tuy nội dung khô khan lập đi lập lại bấy nhiêu luận điệu, nhưng Ngữ đọc nhẩm từng chữ cho qua thì giờ. Nhờ thế, Ngữ thấy được những điều lâu nay chàng chưa thấy. Ngữ đem những điều suy nghĩ nói với ông Thanh Tuyến. Cha vợ chàng rể sống lại cái thời ông Thanh Tuyến bị thương nằm một chỗ hàng ngày chờ Ngữ tới tâm sự. Mười lăm năm đã qua, tâm hồn cả hai đều rã rời bi quan không còn được phơi phới hăng say như xưa. Họ coi cuộc đời họ như đã bỏ đi, không nói gì tới mình nữa. Họ bàn về những gì đang xảy ra chung quanh, những cái đang đe dọa cuộc sống đạm bạc của họ. Ngữ đọc cho cha vợ nghe một đoạn báo lý luận về chính sách cải tạo thương nghiệp, rồi nói:
- Con không hiểu được, thầy ạ. Gia đình chúng ta là nạn nhân trực tiếp của thứ triết lý này. Nếu chúng ta là nạn nhân của bọn tham nhũng cậy thế ham tiền, thì mọi sự đơn giản. Chúng ta còn dễ xử trí. Nhưng chúng ta phải đối phó với một thứ triết lý kinh tế học có tham vọng thay đổi bản tính con người, phủ nhận tư hữu, đảo ngược luật cung cầu. Một thằng tham nhũng không đủ tự tin để lột sạch túi nạn nhân. Nó tham, nhưng nó tự cảm thấy bất an. Đằng này họ quá tự tin, nên không còn cả lòng thương xót. Họ rượt bắt những bà cụ buôn thúng bán bưng mà lòng an nhiên. Con nghĩ họ lầm lẫn ngay từ căn bản. Họ cho rằng chỉ những người lao động trực tiếp sản xuất của cải vật chất mới có ích cho xã hội. Họ lớn tiếng mạt sát giai tầng trung gian, gọi giới buôn bán là bọn ăn bám, là ký sinh hút máu mủ của người lao động và vét túi giới tiêu thụ. Ở các cơ quan, xí nghiệp, những người thuộc bộ phận hành chánh quản lý cũng bị rẻ rúng, bị liệt vào thành phần phi sản xuất. Như thế nào là sản xuất? Cái lầm lẫn lớn nhất của họ nằm ở định nghĩa này.
Ông Thanh Tuyến hớn hở như Bá Nha gặp Tủ Kỳ, hăng hái nói:
- Thầy cũng nghĩ như Ngữ. Phải rồi, thế nào là sản xuất? Người nông dân cày ruộng trồng lúa trồng khoai là sản xuất. Người thợ chế tạo ra cái máy cày là sản xuất, đan cái bao lát là sản xuất. Đúng. Nhưng hạt lúa gặt được, cái máy làm xong chỉ là những món đồ vật, giá trị của nó, nghĩa là lợi nhuận nó mang về cho nguồn trực tiếp sản xuất ra nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Quỳnh Trang có kể cho thầy biết là trên Bảo lộc Công an kinh tế tối tối đi rình từng nhà để bắt những người mang cà phê lậu đi bán chui. Bán cho Nhà nước thì giá quá rẻ không đủ tiền mua phân và thuê người hái cà phê. Cuối cùng cà phê rụng đầy đất người ta không thèm hái, trong khi dưới này cà phê khan hiếm. Người trồng cà phê nếu không có dân buôn bán tiếp tay thì hái cà phê xong về chất đống đó không biết làm gì cho hết. Họ chán không muốn trồng thêm nữa. Giới buôn bán như những con rạch dẫn thủy đưa nước từ chỗ thừa đến chỗ nắng hạn. Thầy nói như thế không phải vì gia đình ta buôn bán đâu.
- Họ bảo sẽ thay thế guồng máy lưu thông phân phối tư nhân bằng guồng máy mậu dịch nhà nước. Thật là một ảo tưởng lớn và tai hại. Một chị buôn trái cây ở chợ cầu Ông lãnh làm việc khác hẳn một chị cán bộ thương nghiệp ở cửa hàng mậu dịch. Một bác phở gánh làm ăn khác với một anh công tác ở cửa hàng ăn uống. Không có cạnh tranh, người ta bỏ mặc tới đâu hay đó. Chẳng những thế, cầu nhiều mà cung ít thì cán bộ thương nghiệp càng dễ sống, càng có oai, càng tiện đưa hàng nhà nước ra chợ đen kiếm lời. Phá tan một hệ thống lưu thông phân phối tự nhiên và hữu hiệu để thay vào một hệ thống cồng kềnh rời rã, kinh tế làm sao không đi xuống.
Ông Thanh Tuyến thích quá, vỗ tay vào vế nói lớn:
- Đúng. Không bao giờ, thầy nhắc lại, không bao giờ guồng máy mậu dịch quốc doanh hữu hiệu bằng guồng máy tự nhiên của tư nhân. Đó là bản tính con người. Họ bắt dân học tập đến nghìn năm nữa để “mình vì mọi người” thì con người vẫn y như nghìn năm xưa, không thể gột rửa được óc tư hữu. Cha chung thì không ai khóc. Có ép người ta, người ta sợ tù tội không dám cãi lại, thì người ta phản ứng bằng cách lãng công. Thầy phải đi mua gạo chiều nay cửa hàng lương thực. Lại phải nhìn bộ mặt đáng ghét của mấy con mụ cán bộ thương nghiệp.
- Con nghĩ nhiều về vai trò quan trọng của giới trung gian. Con trở lại cái cách họ định nghĩa về sản xuất. Chắc thầy đồng ý với con là họ sai lầm trầm trọng qua cách định nghĩa này. Thế nào là sản xuất? Từ một khối đá xù xì vô giá trị, nhà điêu khắc tạo thành một bức tượng đẹp. Đúng ông ta tự tay sản xuất ra một thứ của cải cho xã hội. Nhưng tạc tượng xong, nhà điêu khắc chỉ mới làm được một phần việc. Ông ta đặt pho tượng ở xưởng, người này ngắm nghía, người khác trầm trồ. Ông ta khoái, nhưng cái khoái ấy chưa đủ làm ông ta no. Phải có một tay trung gian đem bức tượng ấy đi giới thiệu với những người sành nghệ thuật để họ loan báo trên báo chí, phải có những tay con buôn nghệ thuật móc nối với những tay có tiền và có lòng yêu cái đẹp, bức tượng ấy mới có giá trị xã hội và giá trị kinh tế. Bán được tượng, nhà điêu khắc mới có tiền sống để tạc một pho tượng khác. Những người trung gian từ nhà điêu khắc đến người mua tượng góp phần công lao không kém gì chính tác giả bức tượng. Bảo họ là hạng ăn bám, hạng ký sinh bóc lột phải loại trừ, là hết sức lầm lẫn…
Cứ như vậy, hai cha con hả hê ca tụng nghiệp buôn bán của gia đình. Ông Thanh Tuyến hớn hở, mà Ngữ cũng quên được phần nào cảnh tù túng.
° ° °
Cũng trong thời gian trốn chui trốn nhủi đó, một hôm Ngô tìm đến hiệu trà gặp Ngữ. Hôm đó chỉ một mình Ngữ ở nhà. Nghe tiếng đập cửa hối hả không đúng mật hiệu những người mua cà phê chui, Ngữ ngồi ở phòng trước nhưng im thin thít không lên tiếng. Chỉ tới khi nhận ra được tiếng Ngô, Ngữ mới yên tâm, ra mở hé cánh cửa sắt cho bạn lách vào rồi khép chặt cửa lại ngay. Ngô vào bên trong rồi mới nhớ còn để quên chiếc xe đạp trước đường. Ngô hỏi:
- Tao đã khóa, nhưng liệu trên này tụi ăn cắp nhiều không?
- Khỏi phải nói! Mày dẫn vào nhà cho chắc ăn.
Ngô ra đường, lười biếng mở cái khóa to tướng nên nhấc bổng cả chiếc xe đem vào nhà. Ngữ chờ cho bạn vào hẳn bên trong, liền đóng cửa lại, cẩn thận khóa kín. Ngô không quen với bóng tối, phải một lúc lâu mới nhìn ra nét mặt lo âu của bạn. Ngô hỏi:
- Mày sao vậy? Làm như mày trốn quân dịch không bằng.
- Tụi nó bố ráp dân đạp cyclo, cả tuần nay tao đâu có đi đâu. Nằm nhà mà nhởn nhơ ngoài cửa, thằng công an khu vực nó làm khó dễ liền.
- Sao không dẫn nó đi nhậu đi nhẹt cho nó tha tào cho mày. Thằng Lãng giỏi làm chuyện đó lắm, sao mày dở vậy?
- Ừ, tao dở chuyện đó thật. Nhưng có giỏi cũng bó tay. Nó biết thằng Tường làm cán bộ, nên cứ thẳng nguyên tắc mà làm, không dám. Thế mới kẹt. Trang đem cà phê lên đồn biếu nó, nó cũng không nhận. Đã thế, lại còn “lên lớp” Trang cả buổi nữa. Mày đi đâu lạc lên đây?
- Cả tuần không thấy mày ghé, tao tưởng mày dzọt rồi mà không chào từ biệt anh em nên ghé xem thử. Ấy, lâu lâu không gặp ai là tụi nó đồn thằng đó vượt biên rồi.
Ngữ buồn rầu nói:
- Vợ chồng tao làm gì có tiền mà tính chuyện đó. Nghe nói đi chính thức theo diện người Hoa mỗi đầu người phải tốn mười cây vàng.
- Mười cây được à? Mười cây là người Hoa bảy mươi hai phần dầu. Người Việt muốn đi phải thêm bốn cây nữa để làm hồ sơ người Hoa. Mười bốn cây vàng để mua tự do, đắt quá.
Ngữ hỏi:
- Sao mày thạo giá cả vậy?
- Tao nghe con Diễm nói. Vì giá cao quá, đi chính thức khỏi sợ Công an bắt, nhưng tụi tổ chức ham lời nhét người như nhét cá mòi vào hộp. Đã thế bọn Công an lại gửi thêm người nữa.
- Có chuyện đó à?
- Sao lại không? Chính tụi công an cầm đèn pin ngồi ở bãi soi giấy tờ kiểm soát người lên tàu mà. Tụi nó gọi người cho đi lấy tiền, chủ tàu cự nự tụi nó làm khó dễ không đi được. Thành ra tốn mười mấy cây mà lên tàu không có chỗ ké lỗ mũi để thở. Vì vậy mới có những tổ chức đi chui. Giá rẻ hơn, mà ngồi rộng hơn đi chính thức. Có năm cây vàng là đi được rồi.
Ngữ ngạc nhiên không hiểu sao Ngô quan tâm kỹ tới chuyện vượt biên, nhìn bạn dò xét, rồi hỏi:
- Mày bằng lòng đi với Diễm rồi hả?
- Không. Trước đây tao đã lắc đầu. Bây giờ sau vụ thằng Mười Chí, lại càng dứt khoát.
- Vụ Mười Chí? Nó bị bắt à?
- Không. Nó đi lọt, qua trại Songkla Thái lan. Vì mày nằm nhà nên không biết, cả tuần nay đi đâu cũng nghe bàn tán xôn xao chuyện Mười Chí. Các cơ quan tổ chức học tập về vấn đề vượt biên, sẵn vụ Mười Chí tụi cán bộ càng mạnh miệng.
Ngữ sốt ruột, vội hỏi:
- Nhưng chuyện gì? Qua Songkla là thoát nạn rồi, còn vụ gì nữa.
Ngô biết bạn sốt ruột tò mò, càng ề à:
- Tao cũng tưởng như mày. Nghe bà chị nó báo tin Mười Chí đã đến Thái, tao mừng cho nó. Con Diễm được tin càng thúc tao dữ. Nhưng vài hôm sau thì nhiều người nhận được thư của thân nhân ở Songkla viết về, thư nào cũng nói chuyện Mười Chí. Thật rủi cho nó. Vừa lên bờ, vào trại, nó gặp ngay một số dân Huế biết nó. Người nào cũng có thân nhân bị thảm sát trong vụ Mậu Thân. Họ tố cáo nó. Mới lên bờ có hai ngày, ngày đầu nằm ở bãi biển chờ Cảnh sát Thái lan lập thủ tục chở về trại Songkla không sao. Ngay tối hôm sau vào trại, nó bị đập hội đồng. Cảnh sát Thái cứu nó đem nhốt riêng. Không biết số phận nó về sau ra sao.
Ngữ ngồi yên vì xúc động. Một lúc sau, Ngữ nói:
- Đúng là cái vòng oan nghiệt của dân tộc mình. Cái kẹt là ân oán chồng chất mãi không gỡ được, cũng không trách ai được. Giả dụ nếu tao không quen biết Mười Chí để hiểu tâm sự của nó, mà tao ở Songkla lúc nó tới, có thể tao cũng nhào vào tát tai nó vài cái cho hả thù cha. Không thể khác được.
Ngô kinh ngạc nói:
- Mày mà cũng nói thế à?
- Mày phải đặt mình vào địa vị những người là nạn nhân của Cộng sản. Huống chi ở trại Songkla có cả vạn người vừa thoát chết tụ họp lại, chưa quên mấy năm sống nhục nhã ở đây.
Ngô ngồi im lặng thật lâu, dường như Ngô suy nghĩ nhiều về cái gì thật thiết thân, nên mãi mười phút sau, Ngô mới nói:
- Cũng may nhờ có vụ Mười Chí mà tao không còn phân vân gì nữa. Đành “nhận nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương”.
Ngữ nhìn nét mặt buồn rầu của bạn, tìm cách an ủi:
- Tao cũng vậy.
- Mày khác chứ. Tiếc là mày không đủ tiền ra đi. Mày sống chui sống nhủi như thế này, đi được là giải thoát.
Ngữ nói:
- Không có cuộc ra đi nào là giải thoát cả. Ra đi là đứt ruột, là cái cây bị bật gốc khỏi lòng đất. Người ta chỉ bỏ nước ra đi vì chẳng còn cách nào khác. Ở đây họ không được quyền sống. Họ không có ngày mai. Họ sống trên quê hương mà bẽ bàng lơ láo như sống tha hương. Thôi thì họ đành tìm đến chỗ tha hương khác, nơi đó họ còn được quyền sống, con cái họ còn được phép học hành. Lâu nay tao vẫn nghĩ: cần phải định nghĩa lại hai chữ QUÊ HƯƠNG. Theo tao, quê hương là nơi tao cảm thấy tao có ích.
- Mày nói như một người sắp bỏ nước ra đi. Sao mày không đi?
Ngữ suy nghĩ thật lâu, mới đáp:
- Vì tao chưa biết ở lại đây tao có ích, hay ra đi tao có ích. Nếu ở lại đây mà tao đủ can đảm viết, dù biết chắc viết để đó chứ không có cách nào in được, thì tao an tâm ở lại. Nếu một ngày nào đó tao đi, có nghĩa là tao yếu đuối, tao chạy trốn, tao đào ngũ. Lúc ấy ra nước ngoài tao chỉ còn biết thui thủi sống cho qua ngày, vì nói cái gì cũng là nói dóc hết.
Ngô cười:
- Mày rắc rối quá chỉ tự làm khổ thân. Mấy tháng trước, Mười Chí có mượn đâu được mấy tờ báo in bên Mỹ cho tao coi. Trời! Qua bên đó họ hùng lắm, nhắn nhủ dạy dỗ những người còn ở lại đủ điều. Tao đọc sao thấy giống giọng mấy thằng ở Hà nội dạy bọn tao phải tranh đấu thế này thế nọ. Kể ra con người muôn thuở vẫn vậy, ở chỗ không nguy hiểm thường dễ tỏ ra can đảm.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương