Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 56: Hợp Pháp Trước Hết Phải Hợp Lý
K
hông có gì làm phiền lòng người dân hơn tình cảnh hành động hợp lý thì không hợp pháp, mà hợp pháp thì không hợp lý. Việc cắm mốc hạn chế tốc độ đang đẩy cánh tài xế vào tình cảnh như vậy. Cụ thể, chạy xe chậm trên những con đường được xây dựng, được nâng cấp chỉ để chạy cho nhanh là hợp pháp, nhưng bất hợp lý; làm điều ngược lại thì hợp lý, nhưng lại bất hợp pháp.
Trong cuộc sống, cái hợp lý bao giờ cũng chiến thắng, nhưng nhiều khi phải trả giá bằng những khổ đau không đáng có. Việc các tài xế bị bắn tốc độ, bị bấm lỗ; việc giá cả vận tải bị đẩy lên cao; việc lưu thông hàng hóa bị ách tắc là những “khổ đau” không chỉ của cánh tài xế, mà của cả xã hội ta. Mặc dù cái hợp lý thì vẫn chưa chiến thắng.
Ngoài ra, khi cái hợp lý và cái hợp pháp xung đột với nhau, thì những “khổ đau” nói trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng bất hạnh. Trong phần chìm của nó, tiềm ẩn những tai họa còn lớn và nguy hiểm hơn rất nhiều. Dưới đây là một vài tai họa dễ dàng nhận biết:
Trước hết, đó là việc kỷ cương, phép nước khó được xác lập. Cuộc sống bao giờ cũng đòi hỏi phải hành động theo cái hợp lý. Nếu pháp luật không cho phép làm điều đó thì người dân buộc lòng phải tìm cách lách luật hoặc trốn tránh việc tuân thủ. Tệ hại hơn, việc phản đối pháp luật và cơ quan thi hành pháp luật có thể hình thành trong xã hội. Và trong một bối cảnh tâm lý xã hội như vậy, bao giờ chúng ta mới xác lập được nhà nước pháp quyền?!
Hai là, nạn tham nhũng, tiêu cực có thể phát triển tràn lan. Nếu các quy định về kỹ thuật, về trọng tải và tốc độ đối với xe ô tô là bất hợp lý thì lái xe khó lòng tuân thủ được. Trong bối cảnh này, cảnh sát giao thông có thể thổi còi bất kỳ lái xe nào. Đây là cơ hội chưa từng có để tham nhũng. Và nó đã được không ít người tận dụng. Ở nước ta, việc “làm luật” trên các xa lộ nổi tiếng đến mức ai ai cũng biết. Việc “làm luật” trên các xa lộ này nở rộ, có lẽ, vì tính hợp lý ít được xem xét trong quá trình làm luật trên các bàn giấy. Như vậy, nguyên nhân của tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong chính các quy định bất hợp lý của pháp luật.
Ba là, đạo đức xã hội bị băng hoại. Trong một nhà nước pháp quyền, sự tôn trọng và tuân thủ pháp luật là phẩm chất đạo đức quan trọng nhất. Phẩm chất đạo đức này không thể hình thành nếu lách luật, trốn tránh việc tuân thủ pháp luật là một sự cần thiết khách quan. Ngoài ra, những vi phạm nặng nề khác về các quy chuẩn đạo đức cũng sẽ đồng hành, như việc đưa và nhận hối lộ, thái độ sách nhiễu, sự khúm núm trước mặt và coi thường sau lưng.
Cái hợp lý thường tồn tại khách quan. Các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật không thể thay đổi cái hợp lý của sự vật theo ý muốn chủ quan. Vấn đề là phải có công đoạn thẩm tra tính hợp lý trong quá trình lập pháp và lập quy. Hợp pháp thì trước hết phải hợp lý.