What's meant to be will always find a way.

Trisha Yearwood

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 56
ọn khung bệnh xá và K.4 chào mừng lễ quốc khánh 2 tháng 9 năm 1978 của chúng bằng một cái chết thê thảm của một vệ binh. Buổi chiều trước ngày lễ, chả hiểu chúng bị thanh tra thế nào, thằng thủ trưởng sai hai thằng vệ binh dẫn mấy con heo nuôi lậu giấu nơi cái connex nằm bên ngoài hàng rào. Chẳng hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường ra sao, một thằng đạp trúng ngay quả lựu đạn gài của bọn an ninh vòng đai trại. Ôi thôi! Cỏ cây hoa lá bỗng một thoáng nhuộm đầy máu me Việt cộng lẫn máu heo lậu. Tiếng nổ vang lên vào lúc bọn Vĩnh đang chờ chích thuốc trên phòng khám bệnh. Tất cả bỗng ngừng tay và ùa về phía hàng rào sau K.30, nơi gần nhất chỗ phát ra tiếng nổ. Lúc ấy quả bọn tù bệnh và bọn thợ mộc chưa ai rõ là chuyện gì, chỉ khi từ hàng rào bò vào một thằng máu me cùng mình, mọi người mới biết là lũ cháu ngoan bác Hồ có thằng lâm nạn.
Kẻ bị thương chỉ bò được qua hàng rào, đến trước cái connex chỗ chúng từng giam và đánh chết người tù tên Hiền của K.4 trước đây, tên Việt cộng con hết bò nổi và xỉu tại trận. Có một điều lạ, và có lẽ lạ nhất đối với bọn tù, ấy là cách chỗ nổ không quá năm mươi thước, một đám vệ binh đang dợt bóng chuyền với nhau, dù đã biết rằng hiện đang có một hai đồng chí của chúng lâm nạn, nhưng tuyệt nhiên không thằng nào nghĩ tới chuyện tiếp cứu. Chúng chỉ ngừng tay ngó về hướng tiếng nổ phát ra, rồi như đã đoán được rằng có một hai thằng bạn nữa vừa rơi vào tình trạng sinh Bắc tử Nam, chúng lại thản nhiên quay trở về với quả bóng, với vuông sân và với tiếng cười đùa ồn ào đến độ không ai có thể ngờ được!
Phải một lúc sau đó mới có một thằng quản giáo từ văn phòng khung K.4 hộc tốc chạy ra quan sát chỗ nổ. Quan sát xong hắn quay lại hét mấy thằng vệ binh tiếp cứu, nhưng rõ ràng bọn chúng đã tỏ lộ thái độ cháy nhà hàng xóm bình chân như vại. Rốt cuộc tên quản giáo phải đâm bổ vào khu bệnh xá của tù. Kế đó, dưới sự hướng dẫn của tên quản giáo, bác sỹ Thiết cùng mấy anh bạn tù khỏe mạnh bên khối mộc xách băng ca chạy ra tiếp cứu. Tên bị xây xát nhẹ được khênh lên khu bệnh xá của cai tù, còn tên bị thương nặng được khênh ngay vào phòng nhận bệnh của bệnh xá tù để được các ông bác sỹ "ngụy" cấp cứu. Tên này được nhận diện ngay tức khắc. Nó là "môn đệ" của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông. Quả lựu đạn nổ làm bay mất một bàn tay trái, gẫy chân phải và ngực bụng bị soi thủng nhiều lỗ. Sau khi băng bó và chích đến năm bảy mũi thuốc một lúc, tên vệ binh từ từ tỉnh dậy. Bọn Vĩnh đứng quẩn quanh tò mò quan sát. Anh Đông đã được thông báo, được Nông Hải Sơn cõng lên phòng nhận bệnh và được đặt ngồi ngay đầu tấm phản cho nạn nhân nằm. Tên vệ binh từ từ mở mắt. Không một nét đau đớn hay lo sợ được nhìn thấy trong đôi mắt nó, mà lạ lùng thay, Vĩnh và các bạn đều nhìn thấy trong đôi mắt ấy một nét buồn ghê gớm. Trên khuôn mặt nhợt nhạt mất máu, vẻ quái quỷ và hung tợn thường ngày đã biến mất, nhường vào đó một nét chịu đựng lạ thường được phơi bày không che giấu một người Việt Nam không may muôn thủa!
Ông Khái cúi xuống hỏi khẽ nạn nhân một điều gì đó. Vĩnh đứng gần cái TV của bệnh xá và lắng nghe lời bàn nho nhỏ của ông Nam và ông Cường.
- Chịu! Vô phương!
Ngay lúc ấy Vĩnh ngó thấy hai hàng nước mắt lăn trên khuôn mặt xanh yếu của anh Nguyễn Văn Đông. Anh giơ tay quẹt thật nhanh. Lòng Vĩnh tự nhiên ngổn ngang nhiều ý nghĩ...
Nạn nhân chợt mở to mắt ngó mấy người đứng gần. Nó thều thào mấy câu mà suốt đời, không hẳn chỉ riêng Vĩnh nhưng nhất định với tất cả những người đã hiện diện nơi đây vào thời điểm này, đều không thể nào quên được.
- Em... cám ơn các anh... Em ân hận quá... Em đã không nghe lời dặn dò của... mẹ... em... khinh suất nên em chết. Các anh là những người tốt... Em biết... Tốt lắm... Các anh biết thương em muốn cứu... em. Em biết các anh không xấu...
Nói tới đây nạn nhân ngước nhìn nhạc sỹ Đông, thều thào tiếp. Thầy ơi... em chết rồi... cầu Trời phù...
Sức nạn nhân chỉ đến đó thôi. Nó quẹo đầu sang một bên để vĩnh biệt tất cả.
Cái ý nghĩ ngổn ngang lúc nãy về giọt nước mắt của anh Đông chợt tan biến hoàn toàn trong lòng Vĩnh, vì ngay lúc ấy, chính Vĩnh cũng cảm thấy ngậm ngùi khôn tả; và nếu như không bước nhanh ra ngoài, ai biết đâu chính Vĩnh cũng có thể...
Từ lúc ấy cho đến tối, Vĩnh không sao xua đuổi được nỗi thương xót hướng về người quá cố. Chẳng vì những lời nói tử tế sau cùng của người quá cố dành cho bọn Vĩnh, nhưng vì Vĩnh đã một lần nữa thấy rõ rằng thằng nhỏ ấy, vâng, nó chỉ là một thằng nhỏ đáng tuổi em út anh, còn có một con người nguyên vẹn trong lòng. Con người dấu kín trong nó vẫn biết điều ơn nghĩa, vẫn biết tình thầy trò, biết ham học hỏi... Nhưng nó đã bất hạnh. Nó sinh ra và chưa một lần có dịp được sống bằng con người thật của nó. Vĩnh nghẹn ngào với ý nghĩ không biết đến bao giờ anh và các bạn mới có đủ điều kiện, đủ phương tiện để cứu những thế hệ lầm than vô cùng đang thương xót ấy ra khỏi cái guồng máy cộng sản phi nhân, tăm tối và bạo tàn kia!?
Một tuần kế tiếp, theo sau cái chết của tên vệ binh, một hiện tượng khác lại xảy ra làm lũ tù bệnh, đám bác sỹ "ngụy" lẫn khối mộc đều kinh ngạc, và có lẽ còn kinh ngạc hơn buổi nhìn thấy bọn vệ binh chơi bóng chuyền cứ lờ tịt đi chuyện cấp cứu một đồng chí đang lâm nạn; sự kinh ngạc ấy là, tên trung úy chính trị viên của K.4 đi cùng quản giáo của khối mộc, xuống tận khối mộc và kêu khối trưởng ra giao ban đột xuất. Sau khi giao ban, khối trưởng quay vào nhà và chọn mấy anh chàng khéo tay nhất khối hội ý.
- Theo ước vọng của người quá cố được các anh vệ binh kể lại, rằng người quá cố đã nhiều lần ước ao có được một cây đàn guitar. Nay ban chỉ huy và ban quản giáo K.4 kiêm bệnh xá và K.30 chỉ thị khối mộc phải thực hiện gấp trong hai ngày một cây đàn guitar. Cây đàn ấy sẽ được đốt cúng trên phần mộ của người quá cố!
°
Sau cái biến cố giấu heo lậu khiến một vệ binh chết, rồi đưa đến chuyện cán bộ Đảng công khai chơi trò "duy tâm" kiểu "ngụy", bọn tù bệnh xôn xao nghe ngóng những biến chuyển xảy ra nơi các trại từ K.1 đến K.5. Đầu tiên một số lớn anh em từ Katum được chuyển về và hầu hết được dồn vào K.4; kế đó một số khác từng được đưa đi lao động ở Trảng Bom cũng được triệu hồi về lại các K.
Riêng bên bệnh xá, đùng một cái ông bác sỹ Các được thả (?) cùng lượt với ông già Lợi tê liệt và anh chàng Chiêu bị thương nơi bộ phận sinh dục. Tin từ K.5 đưa qua cho Vĩnh biết Kim xã xệ, người bạn đồng quân chủng với Vĩnh cũng đã được thả với mấy người khác. Chuyện có một số người được thả lại một lần nữa được bọn quản giáo các K đồng loạt dùng làm lợi khí tuyên truyền và mở những đợt thi đua làm sạch làm đẹp nơi ăn chốn ở. Thối nhất là việc chúng dùng hệ thống loa được gắn trên tất cả các K, để tường thuật những kết quả của bọn vệ binh đang lập các thành tích (bọn tù không đoán nổi là loại thành tích gì!) để được tham dự một cuộc chạy đua tưởng tượng. Cuộc đua này có tên là Cuộc Đua Về Thủ Đô Thăm Lăng Bác. Ban đêm đã khó ngủ, lại cứ phải nằm nghe "đồng chí A tổ Quyết Thắng của T3 ngày qua đã đạt thành tích 250 điểm, tính ra cây số là 25, vị chi từ ngày khởi hành đồng chí chỉ còn cách thủ đô dấu yêu 460 cây số!". Hoặc giả "đồng chí B tổ Tiến Nhanh ngày qua đã lập kỷ lục mới 360 điểm, tính ra cây số là 36, đồng chí B rất có thể sẽ bắt kịp đồng chí C, người đang dẫn đầu hiện nay trên đoạn đường Nghệ Tĩnh - Thanh Hóa."...
Bọn tù rầu rĩ than thở với nhau.
- Xã hội này từ ăn, mặc, yêu đương đến cả vấn đề du lịch cũng đều xảy ra trong tưởng tượng cả!
Nhưng rồi những chuyện bực mình ấm ớ về đêm như vậy không có lý do để tồn tại. Bọn tù khắp nơi hầu như dồn hết thì giờ vào việc tụm năm tụm ba bàn tán những tin tức mà những anh em từ Katum đưa đến. Theo những anh em này cho biết, sở dĩ họ bị lôi đi khỏi vùng biên giới Việt-Miên vì chiến tranh giữa hai nước "anh em ruột thịt xã hội chủ nghĩa" đã bắt đầu khởi sự. Từ biến cố này, bọn tù "ngụy" tha hồ suy luận và bắt đầu mơ ước trở lại.
Một buổi sáng trung tuần tháng Chín, Vĩnh thình lình được kêu lên ban chỉ huy bệnh xá và K.30. Trước khi rời cổng bệnh xá, Chung Văn Nhỏ chúc mừng vài câu và bác sỹ Châu nháy mắt nói nhỏ.
- Bệnh xá đề nghị cho anh coi như hiệu quả rồi đấy. Nhớ trước khi họ khám, ráng kín đáo lén ra chỗ vắng nhảy cò cò cho tôi năm mươi cái nghe chưa?
Vĩnh đi theo thằng vệ binh dẫn đường. Ít phút sau anh đã được đưa vào ngồi trong một gian nhà tranh nhỏ phía sau ban chỉ huy. Gian nhà tranh trống cả bốn phía vách. Ngồi nơi đây Vĩnh có thể nhìn xéo ra khu nghĩa địa, nơi chôn rất nhiều anh em tù của Suối Máu trong hơn ba năm qua. Anh cũng có thể nhìn thấy một đoạn đường rày xe hỏa chạy trên một thế đất cao, thấp thoáng qua một khu rừng lau lách. Những ngọn gió đưa tới gian nhà tranh mùi phân, mùi nước tiểu, mùi những luống rau ngò rau răm, mùi hôi của lợn và chó, mùi tanh tanh của những xâu đuôi kỳ nhông chưa khô hẳn móc phơi trên một hàng rào thép gai gần đó, mùi ẩm mốc của những nền nhà đắp đất... Vĩnh ngồi xuống một cái ghế đẩu, tự lắng nghe những câu hỏi đang nẩy ra trong đầu. Quang cảnh này bỗng một lần nữa nhắc Vĩnh nhớ đến hồi ở Trảng Lớn, được cách mạng ưu ái mời vào một gian nhà tranh để hỏi tội về cái hồ sơ man khai tí đỉnh. Nhưng dù sao cái gian nhà ấy kín đáo hơn, và câu chuyện lại xảy ra vào lúc tối trời. Quang cảnh này có lẽ giống hồi ở An Dưỡng. Lúc ấy Vĩnh cũng từ phòng cách ly của bệnh xá được thằng an ninh trại 4 lôi lên một căn nhà trống tương tự căn nhà này bợp tai đá đít về tội... xì ke (!), theo đúng như lời báo cáo của ông bạn đồng thân phận Phạm An Toàn. Tệ hơn hồi Trảng Lớn, thằng an ninh còn tặng vào mồm Vĩnh một báng súng và phải gửi lại nơi ấy một cái răng nanh làm kỷ niệm suốt đời.
Vĩnh cố lắc đầu xua đuổi những trận đòn ấy ra khỏi đầu óc. Anh tự nhủ: Không! Mình đang được ra trình diện hội đồng y khoa của tụi nó mà!
Rồi thì "hội đồng y khoa" sau cùng cũng xuất hiện. Chúng cũng gồm ba thằng. Ba thằng này đều lạ mặt với Vĩnh cả. Thực ra, từ hồi nằm bệnh xá, Vĩnh chưa hề biết mặt thằng quản giáo của bệnh xá là thằng nào. Mang máng một lần, trong lúc ngồi trên phòng khám bệnh đợi chích thuốc, một thằng mang quân hàm chuẩn úy bước vào nói chuyện với mấy ông bác sỹ "ngụy". Không hiểu vì chuyện gì, một lúc sau hắn hồn nhiên hỏi bác sỹ Cường.
- Này anh Cường! Trong các anh ở đây đã có anh nào có cấp bằng tiểu học chưa nhỉ?
Nghe hỏi, không riêng ông Cường mà các ông khác đều nghệt mặt ra. Sau cùng, ông Cường đánh trống lảng bằng cách quay lại bọn tù bệnh, hỏi khơi khơi.
- Này mấy anh! Anh quản giáo hỏi mấy anh ở đây đã có ai có bằng tiểu học chưa?...
Lần ấy là lần duy nhất Vĩnh thoáng nhìn thấy khuôn mặt đần độn của thằng quản giáo. Từ đó về sau, anh không có dịp nào gặp lại nên quên mất. Bây giờ ngồi nhìn ba thằng Việt cộng trước mặt, quả Vĩnh không biết chúng là cái gì. Bác sỹ? Quản giáo?
Thế nhưng chỉ vài phút sau Vĩnh không thể không than thầm trong bụng. Câu nói của cổ nhân quả đúng tuyệt đối. Họa vô đơn chí! Ba thằng trước mặt Vĩnh chẳng phải là bác sỹ, cũng chẳng phải quản giáo; chúng là bọn cán bộ an ninh từ "trên" xuống làm việc!
Sau khi giáo đầu phần mục đích yêu cầu, một thằng nhập đề ngay.
- Mấy ngày nay anh đã thấy rõ chính sách khoan hồng trước sau như một của cách mạng thể hiện cụ thể ở trại ta, và trước mắt ở ngay bệnh xá. Anh Các, rồi mấy anh gì nữa nhỉ? À anh Chiêu này, rồi cái anh tê liệt nữa; mấy anh ấy do sự thành khẩn khai báo, thành khẩn ăn năn xám hối những tội lỗi đã phạm với đảng với nhân dân, đã tích cực phấn đấu học tập lao động cải tạo tốt, đã được cách mạng cho về đoàn tụ gia đình, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ Quốc. Riêng anh, đáng lý anh cũng được cách mạng chiếu cố lần vừa qua đấy! Nhưng vì trong hồ sơ còn vài điểm lấn cấn chưa thông suốt, nên Trên quyết định sẽ cho về đoàn tụ ngay sau khi anh khắc phục mọi khó khăn, thành khẩn khai báo lại một lần cuối bản tự khai của anh.
Tên cán bộ an ninh nói tới đây ngó đăm vào Vĩnh, hỏi tiếp. Sao? Yêu cầu của cách mạng như thế anh thấy thế nào?
Vĩnh cố bình tĩnh.
- Vâng, có gì thì tôi đã khai hết từ lâu rồi. Nếu cách mạng muốn tôi khai lại tôi sẵn sàng ngay.
Tên an ninh ngồi giữa bỗng chen vào.
- Ba năm qua anh đã làm 14 bản tự khai. Chúng tôi biết đọc mà. Thế nên cách mạng biết các bản tự khai của anh có nhiều ưu điểm là khá giống nhau và cự li sai biệt không xa nhau lắm. Nói chung chung là tốt. Thế nhưng sau lần làm việc của ban an ninh trại L4T3, bản tự khai của anh vẫn khuyết một điểm quan trọng chưa được bồi dưỡng. Vậy thì là hôm nay, Cách mạng gọi anh lên đây để yêu cầu anh khai chi tiết về những cơ sở văn hóa đồi trụy và phản động của ngụy mà anh từng cộng tác hoặc được biết tới. Nói rõ nhiệm vụ, chức năng và lợi nhuận mà anh từng được hưởng khi cộng tác với các cơ sở văn hóa ấy. Anh đã viết bao nhiêu bài báo đả kích bôi nhọ cách mạng? Đã viết và in bao nhiêu sách? Loại gì? Số quyển lưu hành? Nộp lưu chiếu ở đâu? Ngày tháng nào? Nhất là...
Nói tới đây hắn lại ngó đăm đăm vào mặt Vĩnh, rồi giở giọng ve vãn tiếp. Nhất là khai báo thành khẩn bọn cầm đầu các ổ tuyên truyền phản động, tay sai bọn CIA gài lại hoạt động chống phá cách mạng.
Rồi thì bọn chúng bỏ đi, để lại Vĩnh với mấy tờ giấy và bút mực. Một lần nữa, Vĩnh phải khai bổ túc vài điểm về "văn hóa đồi trụy" cho các bản tự khai trước đó. Dĩ nhiên bản bổ túc của Vĩnh chẳng có gì nhiều hơn một số sách của anh đã viết hoặc dịch từng được xuất bản dưới chế độ cũ. Bản bổ túc, sau cùng được nộp vào lúc các trại sắp phát cơm trưa. Tên an ninh tiếp nhận bản tự khai với một chút nhíu mày nhưng thật may mắn, hắn cho Vĩnh trở về bệnh xá mà không đòi hỏi thêm một cái gì nữa.
Với sự buồn bực trong lòng, Vĩnh trở lại bệnh xá trước sự thăm hỏi của các bác sỹ và các bạn.
Ông Châu hý hửng.
- Theo đúng bài bản đấy chứ!
Vĩnh ngao ngán.
- Ông thầy muốn nói bài bản gì?
- Thì phải nhảy cò cò chừng năm mươi cái!
Vĩnh bỏ ra khỏi phòng khám bệnh, nói khẽ.
- Tôi đã ra hội đồng an ninh chứ không phải hội đồng y khoa, bác sỹ ạ!
Khi về phòng, Vĩnh thấy thêm một bệnh nhân vừa được khênh từ K.5 sang. Hai người khênh võng còn ngồi dựa lưng vào vách tôn của dãy cách ly nghỉ mệt. Một người chợt thấy Vĩnh chợt reo lên.
- Vĩnh!
Vĩnh nhận ngay ra người gọi mình là Phạm Ngọc Đông, hải quân trung úy từng ở đội 19 hay 20 bên K.5. Đông tính tình hiền lành, mặt rỗ hoa, vóc dáng cao lớn khỏe mạnh. Vĩnh không chơi thân với Đông nhưng Đông lại chơi thân với Kim. Thỉnh thoảng gặp nhau nói dăm ba câu chuyện về thời thế rồi thôi. Thình lình gặp nơi đây, Đông thuật lại vài chuyện cho Vĩnh nghe về tình hình chung bên K.5. Đông cũng xác quyết với Vĩnh là gia đình Kim đã chạy hết mười lượng vàng mới cứu được Kim ra khỏi vòng rào trại cải tạo kỳ rồi. Cũng trong lúc trò chuyện tay đôi, Đông cho Vĩnh biết một kế hoạch rất mơ hồ, theo đó có một số anh em trẻ đang ngấm ngầm liên kết với nhau làm cuộc nổi loạn lớn trong tương lai ngay tại trại Suối Máu này. Đông cũng hỏi Vĩnh có quen ai thân bên K.30 không? Nghe Đông nói những chuyện mơ hồ như vậy, quả tình Vĩnh cũng chỉ nghe để mà nghe. Anh lắc đầu và nói rằng không quen ai quá thân bên K.30 cả, trừ một người tên Nông Hải Sơn, nhưng hắn là một nhà tử vi và rất tin vào tướng số. Chắc chắn Sơn sẽ không bao giờ cãi số để bạo loạn một khi hắn đã từng khẳng định rằng số hắn còn lâm vòng lao lý lâu dài.
°
Buồn vui, khóc cười, nhục nhằn, cơ cực nơi trại tù Suối Máu bỗng kết thúc thật bất ngờ hai ngày sau khi Vĩnh bị an ninh gọi lên bổ túc bản tự khai. Ngày 18 tháng 9 năm 1978, cả bệnh xá chỉ có một người ho lao ra máu là Phạm Vĩnh được lệnh thu đồ đạc thật nhanh vào bao bị. Tất cả những gì rườm rà như lon cóng, đàn địch... phải bỏ lại hết.
- Về!
- Mày được về rồi Vĩnh ơi!
- Mừng cho cậu!
- Ráng giữ sức khỏe. Khi nào rảnh biên thư vào thăm anh em nhé!
- Tây đi! Đừng dại dột mò vào đây nữa!
Mười ba tháng ở Suối Máu. Và nơi đây, nơi cái bệnh xá có ba dãy nhà tôn và một dãy nhà bếp, có cái giếng nước giữa sân, có cái cầu tiêu dòi bò trắng đất... Vĩnh đã sống đến tám tháng trời. Ra đi thình lình thế này, quả Vĩnh xúc động không cầm được nước mắt. Những người bạn tốt bụng bên khối mộc; những ông bác sỹ tuổi đời lẫn tuổi lính đều vào bậc niên trưởng tận tình chăm sóc anh em trong cơn đau yếu; những người bạn lê lết bên khu thường bệnh; những người bạn sống cũng như chết rồi bên khu cách ly...; tất cả như những vết mực tàu hảo hạng xâm đậm nét ngay trong trái tim yêu thương của Vĩnh. Về ư? Chưa biết nhưng mong như thế quá sức. Nhưng dù về hay gì gì đi nữa, những con người và cái bệnh xá Suối Máu này sẽ suốt đời không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm Vĩnh.
Phút cuối cùng nhất, có một điều hơi phiền xảy ra cho Vĩnh. Cái túi thực phẩm khô do gia đình tiếp tế cho anh, vì bị ướt một góc, anh đem móc phơi trên hàng rào giữa khu cách ly và K.4, quay đi quay lại đã biến mất. Tiếc một điều là trong đó có cả một ít giấy tờ lẫn hình ảnh vợ con anh.
Rồi thì Vĩnh được hướng dẫn trở về K.5. Khi xách đồ ra khỏi dãy cách ly, Vĩnh đi thật nhanh để thoát cặp mắt rươm rướm của Chung Văn Nhỏ. Vĩnh thoáng thấy hình như bên K.4 cũng có vài người đã sắp sẵn đồ đạc và ngồi đợi một cái gì ngay nơi cổng trại, kế hàng rào chỗ Vĩnh vừa mất túi thực phẩm khô. Họ cũng được thả như mình chăng? Vĩnh tự hỏi.
K.5 lại hiện ra trước mắt Vĩnh. Ba cái Molotova đã đậu sẵn nơi vuông sân cát trước bộ chỉ huy tự bao giờ. Vĩnh mệt mỏi băng qua cổng trại rồi tiến về phía hội trường, nơi xưa kia Vĩnh từng quét dọn mỗi ngày với Huy, Ý, Dương. Khi bước vào hội trường, anh thấy trong đó đã có sẵn cả trăm người xếp hàng tư ngay ngắn. Dưới chân họ cũng có những túi quần áo gọn gàng như của Vĩnh. Vĩnh nhận ngay ra trong số người ấy có cả Huy, Ý, Dương và cả Điểu. Anh thầm nghĩ trong bụng thôi thế là đủ bộ rồi! Bạn bè cũ đưa những ánh mắt nửa thăm hỏi, nửa chào đón.
Ngoài sân, một vài người đang lồng lên chưa biết giải quyết ra sao với những bầy gà không thể rượt bắt lại của họ. Đây là những con gà, họ từng nuôi những tháng ngày qua, giờ đã sinh con đẻ cái tùm lum...
Vào quãng chín giờ sáng, một tên quản giáo từ khung K.5 xuống đọc nội quy quy định một số điểm mà những người sắp ra đi phải nghiêm chỉnh chấp hành. Bản nội quy cho mọi người biết chắc rằng, có một trại mới nào đó ở một nơi nào đó, đang chờ họ đến để tiếp tục phát huy niềm tin tuyệt đối vào chính sách khoan hồng cải tạo của cách mạng vẫn luôn luôn trước sau như một!
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu