Số lần đọc/download: 1752 / 8
Cập nhật: 2015-12-20 16:15:24 +0700
Tôi Sai Một, Chị Sai Mười
T
ôi nhớ trong bộ phim được xem cách đây mấy chục năm có cảnh một thầy giáo dạy con vua (Hămlét thì phải) học. Lường trước việc có thể xảy ra, triều thần đã cho đứng bên cạnh hoàng tử một người thuộc loại "mình đồng da sắt" đề phòng khi cậu ta không thuộc bài, ông thầy có nổi quạu thì sẵn "cái má" đây tha hồ mà tát, vừa đỡ mang tội khi quân, vừa "giải tỏa" được những ấm ức nghề nghiệp.
Đó là chuyện tôn trọng vai trò của mỗi người trong cương vị nghề nghiệp của họ. Sự tôn trọng này cần được bảo vệ ngay cả những lúc người ta phạm phải sai lầm, thậm chí có tội.
Xem trong công tác giáo dục hiện nay, tôi thấy nhiều thầy nhiều cô đã làm được điều ấy. Họ nhất loạt xưng hô với nhau bằng thầy, bằng cô dù thật thân quen hoặc trong những lúc đùa giỡn. Tức giận nhau lắm, các thầy các cô cũng phải nén lòng lại, không bao giờ dám để buột ra ngoài miệng những tiếng tục tằn, thô lỗ, nhất là khi trước mặt học sinh... Còn trong chuyên môn thì dù biết đồng nghiệp sai rõ mười mươi cũng vẫn cứ phải "mũ ni che tai" mà "đóng cửa bảo nhau" để sau đó đính chính , rút kinh nghiệm. Chứ cứ như câu chuyện tôi nghe được dưới đây, nghĩ giá không nên có mới phải.
Một cô giáo dạy Toán lớp 5 khi giảng về cách tính diện tích hình chữ nhật, đã đặt phép chia hai đại lượng không cùng đơn vị với nhau, như 150m X 80dm. Cô hiệu trưởng dự giờ, ngồi dưới, không chịu được, đã nhảy phắt lên bục cầm phấn giảng thay. Chẳng những thế cô còn chơi khăm cô giáo Toán bằng cách cho đổi hết hai đại lượng trên ra milimet. Kết quả chiều dài tấm bảng đen đã không chứa đủ con số dài dặc của số thành. Thêm một kết quả nữa là học sinh được một trận cười bằng thích và cô giáo Toán không để đâu hết nước mắt.
"Về phương pháp sư phạm, tôi sai một, chị hiệu trưởng sai mười". Trong buổi rút kinh nghiệm sau đó, cô giáo Toán đã nói như thế.