Số lần đọc/download: 1801 / 55
Cập nhật: 2016-06-19 02:31:24 +0700
Chương 57: Chu Văn An
C
hu Văn An sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông mất vào năm Canh Tuất (1370), được vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372) truy tặng tước công và được tòng tự (cho được thờ tự) ở Văn Miếu. Ông tên chữ là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, thụy là Văn Trinh. Sử cũ đã trang trọng dành nhiều đoạn để ca ngợi danh tiết của ông, nay xin theo Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 34 a-b và tờ 35 a-b) kể tóm lược như sau:
“(Chu Văn) An người Thanh Đàm (nay là Thanh Trì, ngoại ô Hà Nội - ND), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng khắp cõi, học trò đầy nhà. Có người đỗ đại khoa như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát, làm đến chức hành khiển mà vẫn nghiêm giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi mới đi xa là lấy làm mừng lắm. Kẻ xấu thì ông nghiêm khắc quát mắng, thậm chí la thét không cho vào. Ông sống trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy.
Vua Minh Tông mời ông làm quốc tử giám tư nghiệp và dạy thái tử. Vua Dụ Tông ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần lắm kẻ coi thường phép nước, (Chu Văn) An khuyên can mà Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ có thế lực, được vua yêu, người bấy giờ gọi sớ ấy là ‘thất trảm sớ’. Nhưng, sớ ấy dâng lên mà không được vua trả lời, ông liền treo mũ áo mà về quê.
Ông thích núi Chí Linh (Hải Dương - ND), bèn đến ở đấy, khi nào có triều hội lớn thì về kinh sư. Dụ Tông đem chính sự giao cho ông nhưng ông từ chối không nhận. Hiến Từ thái hoàng thái hậu bảo:
- Ông ta là người không thể bắt làm tôi được, ta làm sao mà có thể sai bảo được ông ta.
Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông, ông lạy tạ ơn xong rồi đem cho người khác hết, thiên hạ cho ông là bậc cao thượng. Đến khi Dụ Tông băng (1369), giềng mối họ Trần suýt mất, nghe tin các quan lập vua mới (chỉ Trần Nghệ Tông - ND), ông mừng lắm, chống gậy đến xin bái yết, xong lại trở về quê, từ chối không nhận chức gì cả. Ông mất, vua sai quan đến tế, ban tặng tên thụy là Văn Trinh. Ít lâu sau lại lệnh cho ông được tòng tự ở Văn Miếu.”
Lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên: “Người hiền được dùng ở đời thường lo vua không thi hành điều sở học của mình. Vua thì dùng người hiền mà hay lo người hiền không theo ý muốn của mình. Cho nên, vua tôi gặp nhau, từ xưa đã là rất khó. Nho gia nước Việt ta được dùng rất nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh kẻ thì lo làm giàu, kẻ chỉ xu phụ, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, ít ai chịu để tâm đến đạo đức, lo nghĩ việc giúp vua, nêu đức tốt để cho dân được nhờ. Tô Hiến Thành thời Lý và Chu Văn Trinh đời Trần có lẽ cũng gần được (là người để tâm đến đạo đức, giúp vua nêu gương sáng cho đời). Nhưng Hiến Thành gặp được vua sáng nên công danh sự nghiệp được thấy ngay đương thời, còn Chu Văn Trinh đời Trần không gặp được vua anh minh nên chính học của ông phải đến đời sau mới thấy được. Văn Trinh thờ vua thì thẳng thắn mà can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lí, đào tạo người tài thì công khanh đều ở cửa nhà ông mà ra, tiết tháo của ông cao thượng đến thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được. Huống chi, tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há kẻ điêu ngoa lại không thành liêm chính, kẻ yếu hèn lại không biết tự lập hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông xứng đáng được coi là ông tổ của Nho gia nước Việt để thờ trong Văn Miếu. Những người khác như Trần Nguyên Đán là bậc hiền tài trong khanh sĩ, cùng họ với vua, tuy có khí phách trung phẫn nhưng lại bó tay bỏ mặc vận nước không biết làm sao, chỉ lánh quyền tướng quốc để mong bảo toàn gia thuộc. Trương Hán Siêu là quan văn học, tài vượt hẳn mọi người, tuy cứng cỏi, chính trực nhưng lại chơi với kẻ không đáng chơi, gả con gái cho người không đáng gả. Họ so với Văn Trinh có gì đáng kể, huống hồ những kẻ còn kém hơn hai ông này.”
(Đây là lời Ngô Sĩ Liên, cơ sở chứng cứ của những lời bàn này đến nay vẫn chưa được biết đầy đủ. Sinh thời Trương Hán Siêu không chơi với văn quan hay võ quan mà chỉ thích giao du với hoạn quan. Có lẽ vì thế mà bị Ngô Sĩ Liên cho là “chơi với những kẻ không đáng chơi” chăng? Riêng việc gả con cho những người không đáng gả thì vẫn chưa rõ, chỉ xin dẫn nguyên văn lời của Ngô Sĩ Liên mà thôi - ND.)