Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Chương 58: Một Người Tù… Mỹ!
K
ỳ này đã cuối Đông rồi, thế mà trời càng lạnh dữ. Có khi cả tuần lễ không thấy ánh mặt trời. Gió lạnh như cắt da, cắt thịt. Bên ngoài, mưa phùn rả rích, nhì nhẹt suốt ngày đêm.
Vì vậy, trong xà lim lại càng tối tăm, vả lại đôi bàn tay cũng sưng buốt, không cầm được kim khâu, cho nên hầu như suốt ngày tôi nằm đắp chăn là nhiều. Chỉ khi nào nằm nhiều quá đau lưng, tôi mới ngồi lên một lúc, rồi lại nằm xuống. Không còn cách gì khác, trong cảnh này, tôi lại nằm suy nghĩ mông lung hết chuyện nọ, tới chuyện kia. Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần câu chuyện chiếc khăn choàng tàng hình trong phim “Tên Trộm Thành Bát Đa”… Tôi thấy, để diệt chủ nghĩa Cộng Sản trên trái đất này, phải mất ít nhất sáu tháng. Trong sáu tháng ấy, tôi phải nỗ lực đi theo máy bay nhiều lần, hết nước Cộng Sản này sang nước Cộng Sản kia. Tôi phải cắt tai và giết nhiều lãnh tụ Cộng Sản. Nghĩa là…tôi phải vất vả nhiều lắm.
Vậy, đã mơ ước, thì mơ ước cho…đã. Sự ước mơ có giới hạn nào đâu? Cho nên, tôi lục lọi, tìm tòi một thần thông khác, sao cho nhẹ nhàng, đỡ vất vả và hữu hiệu, thần kỳ hơn… Tôi nghĩ đến “Cây Đèn Thần của Aladin”! Hiện giờ, với cảnh trong cùm, dạ dày luôn luôn “giặt sạch phơi khô” 23 giờ 40 phút trên 24 giờ, nghĩa là chỉ 10 phút vào buổi sáng và 10 phút vào buổi chiều, dạ dày bị ướt vì có tí cơm; chân tay lại sưng mọng đỏ, ngứa buốt ngày đêm;…và với những cảnh huống như vậy, trong mùa Đông lạnh giá này, nếu…tôi có đèn thần của A La Đanh, tôi sẽ làm gì?
Cái gì cần làm trước, làm trước. Tôi lấy cây đèn ra, gãi gãi mấy cái vào thân đèn cho ông thần hiện ra. Sau khi ông thần hiện ra, khoanh tay cúi đầu, lễ phép thưa:
- Kẻ thân là tôi tớ của chủ nhân, tuyệt đối phụng mệnh của chủ nhân!
Tôi phải ra lệnh ngay là hãy bẻ cái cùm nay ra, và chữa cho tôi khỏi đau và sưng ngón tay, ngón chân đã; bởi vì tay chân còn đau, ăn gì cũng không ngon.
Khi thần đã chữa xong, bấy giờ mới làm như A La Đanh, sai thần dọn một bữa ăn thịnh soạn, “chén” ngay tại sàn xà lim này. Nhưng, thần còn phải làm sao cho tôi khỏi rét, run quá! Sau đó, mang ngay tôi về một khách sạn nào đó, ở miền Nam, để tôi tắm rửa, thay quần áo tàm tạm, bình thường. Nghỉ ngơi cho khỏe. Ngày hôm sau, sai thần đưa về nhà thăm cha mẹ và các em; nếu thấy nhà túng thiếu, tặng ít tiền để tiêu xài tàm tạm. Nói chung, phải căn dặn thần không được để một dấu vết gì cho bất cứ một ai nghi ngờ có chuyện lạ lùng của Thần Đèn.
Việc cá nhân coi như tạm ổn, cũng phải mất hai ngày đấy chứ, bây giờ phải bắt tay vào nói chuyện đến Cộng Sản và thế giới loài người. Trước hết, tôi sai Thần Đèn đưa tôi xuống vùng rừng U Minh, chỗ không người, làm ngay một căn nhà rộng, chứa được độ từ 100 đến 150 người. Căn nhà để trống trơn, chỉ duy nhất có một cái bàn và hai cái ghế. Căn nhà rộng thênh thang sơn ba phần màu trắng, một phần màu đen. Chỉ trong chốc lát, giữa vùng U Minh vắng vẻ, hoang dã, đã có một căn nhà theo ý tôi muốn. Khi đã sắp xếp xong mọi việc, tôi ra lệnh rõ ràng cho Thần Đèn:
- Trước khi đưa ai về đây, đều làm họ bất tỉnh!…Hãy lần lượt bắt những tên Chủ tịch đảng Cộng Sản, hoặc Bí thư thứ nhất, hay Tổng bí thư của tất cả những nước Cộng Sản về đây đặt ở chỗ màu đen. Tên nào cũng khóa chân và tay. Không để bất cứ một loại vũ khí gì trong người chúng.
Tiếp theo, cũng vậy, tôi sẽ ra lệnh cho Thần Đèn làm phép cho họ tỉnh lại hết. Chắc ông nào, bà nấy cũng mở to đôi mắt ngạc nhiên, kể cả Tổng Thống Johnson, và Brejnev cũng thế.
Bước thứ hai, mở hết các khóa chân, tay, bắt ngồi tại chỗ. Trước khi bắt đầu nói chuyện, tôi ra lệnh cho thần là nếu trong quá trình tôi nói chuyện, tên nào có tư tưởng chống đối hay bướng bĩnh, thần cho hiện lên trán hắn một điểm tròn màu đen mà chỉ tôi mới trông thấy. Cuối cùng, một điều quan trọng tôi phải nhờ Thần Đèn, đó là vấn đề ngôn ngữ. Tôi vẫn nói tiếng Việt Nam, nhưng Thần Đèn phải hiển phép thế nào để tất cả mọi người trong nhà này, bất kể là nước nào, cũng đều hiểu toàn bộ những lời nói và ý của tôi…bằng tiếng của họ!
Xong xuôi, tôi đứng lên (vì từ sớm tôi vẫn ngồi ghế). Hàng mấy trăm con mắt đang mở to hướng về phía tôi. Đầu óc họ đang căng lên hàng trăm câu hỏi mà chưa được trả lời. Bằng một giọng rõ ràng, thong thả và trịnh trọng, tôi nói:
- Thưa quý vị, trước khi thưa cùng quý vị về nhiều vấn đề, tôi báo ngay cho quý vị rõ, chỗ quý vị đang ngồi là trên đất nước Việt Nam. Ngay việc quý vị hiện diện đầy đủ ở đây, không thiếu một bộ mặt lãnh tụ nào trên thế giới, hẳn quý vị đã thấy được quyền lực vô giới hạn của tôi rồi. Do đó, tuyệt đối quý vị đừng có bao giờ có ý tưởng cưỡng lại, hay chống lại, nếu không sẽ mang hậu quả tùy theo mức độ.
Hôm nay, tôi đưa tất cả quý vị về đây, để phổ biến một số việc cấp thiết trong thời đại chúng ta, trên quả địa cầu này.
Thực ra, vì tôi muốn sự việc diễn tiến một cách nhẹ nhàng, đẹp đẽ, nếu không với quyền lực vô song của tôi, tôi không cần đưa quý vị về đây làm gì. Tôi cứ bắt buộc quý vị phải làm theo ý tôi muốn, ngay tại nước quý vị, điều đó hoàn
toàn vẫn được như thường. Cho nên, xin quý vị hãy hiểu và tin như thế. Riêng ông Johnson được mời lên ngồi ghế, bời vì nước ông là mẫu mực về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước. Ông lại có trách nhiệm phổ biến và chỉ dẫn các nước khác.
Bây giờ, xin quý vị hãy lắng nghe và ghi nhớ bốn điều bắt buộc sau đây:
Điều một: Hủy bỏ toàn bộ chủ nghĩa Cộng Sản. Hủy bỏ mọi cơ cấu nhà nước Cộng Sản.
Điều hai: Hủy bỏ toàn bộ chế độ nhà nước quân chủ.
Điều ba: Hủy bỏ toàn bộ vũ khí quy ước, kể cả những công thức đã được chế tạo cũng như sắp chế tạo. Riêng điều này, ngay khi quý vị còn ngồi đây, tôi đã ra lệnh triệt phá hoàn toàn, bất cứ che dấu bí mật như thế nào. Quý vị hãy tin như vậy. (Tôi lẩm nhẩm ra lệnh cho Thần Đèn đi thi hành).
Điều bốn: Đất nước của quý vị là chung của mọi người dân trong nước quý vị, không hề của riêng một ai. Mỗi một thế hệ, có biết bao nhiêu người tài ba, đạo đức, có khả năng lãnh đạo quốc gia ở mỗi nước.
Do đó, chế độ Cộng Hòa Dân Chủ của Mỹ hiện nay là tiến bộ nhất. Dù cho ai lãnh đạo chế độ ấy, có hiền và đạo đức như thánh thì tối đa cũng chỉ được hai nhiệm kỳ. Sau đó, xin mời xuống, cho người khác lên. Không những đất nước là của chung, còn một điều hiển nhiên nữa là, hễ ở lâu trên ghế lãnh đạo, sẽ trở thành độc tài và lừa bịp. Cho nên, bắt buộc toàn bộ các nước trên thế giới phải tổ chức nhà nước theo cơ cấu nhà nước Hoa Kỳ. Điều này Tổng Thống Johnson chịu trách nhiệm phổ biến và chỉ dẫn cho các nước khác.
Quý vị đừng bịp bợm rằng “tôi chỉ là Tổng Bí Thư”, “tôi chỉ là Chủ Tịch Đảng”, v.v… hoặc “đấy là do nhân dân muốn!” Không có “nhân dân” nào cả, chỉ có một nhúm người thích chủ nghĩa Cộng Sản, lấy nhân dân làm cái bình phong để được làm vua không ngai mà thôi.
Nói đến đây, tôi nhìn thấy trán của một số người ngồi trong đó đều có điểm đen, nhất là phía Cộng Sản, và những nước quân chủ. Vì vậy, trước khi tiếp tục nói chuyện, tôi đi xuống phía Cộng Sản. Với một con dao sắc như nước, hễ tên nào trên trán có chấm đen, tôi xẻo một bên tai. Mới xẻo được gần chục tai, nhìn lại trán của mọi người, tôi thấy điểm đen bay đi sạch trơn. Lúc đó, tôi bèn trở lại chỗ cũ, tiếp tục nói:
- Từ nay, xã hội loài người sẽ không có bất cứ một nước nào chơi kiểu đàn anh lấn át nước kia. Chỉ mới có hiện tượng ấy, người nguyên thủ của nước đó sẽ bị xẻo một cái tai để cảnh cáo. Do đó, tất cả chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ đem toàn bộ quỹ về quân sự và vũ khí nguyên tử vào quỹ An Sinh và Phúc Lợi Xã hội. Tăng cường các cuộc tham quan hữu nghị giữa các nước. Xóa bỏ dần các bất công nghèo đói. Các chính phủ mỗi nước phải chăm lo mọi mặt cho người dân, phải có trách nhiệm dẹp bỏ những mầm mống cướp, trộm, cùng các tệ nạn xã hội. Riêng những nước nào có ý đồ bá quyền, muốn chơi kiểu đàn anh với nước khác, tôi sẽ chịu trách nhiệm trừng trị.
Tôi hiểu, tất nhiên cũng sẽ có một số lộn xộn, một số sai lầm. Nhưng, do quyết tâm tạo lập một thế giới tốt đẹp, nhất là tôi lại có cây đèn thần, tôi sẽ làm được. Chỉ trong vòng một tháng là tối đa.
o O o
Tôi cứ nằm nhắm mắt mặc cho tư tưởng tung hoành. Những lúc như vậy, tôi không cảm thấy cái đói, rét, cùm kẹp, chân tay nhức buốt, cái cô đơn heo hút giữa ngày Đông giá lạnh với gió Bấc, mua phùn…hành hạ nhiều như lúc bình thường. Thậm chí đến nỗi, có khi cán bộ rút chốt cùm, mở cửa cho tôi ra đổ bô, chờ mãi không thấy tôi ra, y thò cổ vào buồng, thấy tôi vẫn nằm yên đắp chăn, chân đang rung lên như những dây đàn muôn điệu đang được dạo nốt nhạc ngày Xuân, bèn quát ầm lên:
- Anh này có ra rửa không?
Bất đắc dĩ, tôi chỉ trả lời hai tiếng: “Không ạ!”, rồi mặc cho y bực tức đút chốt cùm và đóng sầm cửa lại. Tôi vẫn cứ để hồn lang thang theo những hình ảnh của cuốn phim “siêu thoát”. Chỉ lúc lấy cơm, giấc mộng thần thông của tôi mới phải ngưng lại mà thôi.
Thấm thoát, rồi mùa Đông khắc nghiệt cũng phải qua đi, để nhường chỗ cho nàng Xuân về với thế nhân.
Bên ngoài, tuy trời đã vào Xuân; nhưng, trong xà lim có cái gì thay đổi đâu. Vẫn là những tiếng cùm, tiếng khóa, với những tiếng rên la của các buồng. Còn tôi, đôi chân và đôi tay vẫn ngứa buốt, vẫn ngồi trùm chăn ủ rũ, với cái dạ dày không dính nước. Nhưng, nghĩ tới mùa Xuân đến, trong lòng tự nhiên cũng ngẫu hứng, buột miệng ngâm nga vang cả xà lim một đoạn thơ Xuân của Nguyễn Bình thì phải, tôi cứ thay đổi đại theo hoàn cảnh của mình:
Xuân đã sang rồi, ai có hay
Tình Xuân chan chứa, ý Xuân đầy
Xà lim buồn lắm…Xuân không đến
Sao chẳng về đi, lại ở…đây?
Cửa sổ nhỏ xoạch mở, giọng tên Dư, vẻ sừng sộ:
- Ngâm nga, hát cái gì đấy? Anh muốn phá trật tự phỏng?
Tôi nhìn y, rồi nhỏ nhẹ trả lời:
- Thưa ông, thật là buồn! Nhớ nhà quá!
- Tôi cấm anh không được làm ồn trong xà lim!
Nói xong, y đóng mạnh xánh cửa sổ nhỏ vào như vẻ rất nghiêm khắc. Nhưng, tôi đã thoáng thấy trong ánh mắt của y khi nhìn tôi, một góc có màu xanh nhạt, như một sự dễ dãi và cảm thông: “Tên này ở xà lim mãi, ngày Xuân nó cũng phải nhớ nhà một tí!”, mặc dù cái mồm của y quát tôi. Chính tôi, tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có ý nghĩ như vậy khi tôi nhìn mắt y. Phải chăng, đã từ nhiều ngày, có nhiều hiện tượng nho nhỏ tổng hợp lại tôi nhìn ra được tự nơi y, tôi cảm thấy ở tận cùng của trái tim, y vẫn còn một số chất người?
Tối hôm nay, tiếng loa làm tôi phải chú ý lắng nghe với những bài bình luận, hoặc thông báo, cùng những lời cảnh cáo của chính phủ miền Bắc đối với Mỹ. Nào là, Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Liên Xô, Kosygin, đích thân đi Hà Nội; Mỹ quyết định dội bom bắn phá toàn Bắc Việt; nào là hai Tiểu Đoàn đầu tiên của Quân Lực Mỹ đã rời Okinawa đi tới Nam Việt Nam, v.v…
Như vậy, sau bao nhiêu ngày đêm đe dọa, rồi chuẩn bị, rồi lại cảnh cáo lẫn nhau, bây giờ lửa cháy, đạn bay, bom rơi bắt đầu. Lúc này, tôi chỉ nhớ vào đầu 1965, có lẽ khoảng tháng 2, tháng 3 gì đó.
Tình hình miền Nam, tình hình miền Bắc đang như nước sôi lửa bỏng. Đất nước đang trong cảnh đầy vơi chìm nổi như thế, mà chân tôi vẫn đút trong cái cùm oan nghiệt. Ngày đêm, lòng tôi như lửa đốt. Tôi như con thú bị nhốt trong chuồng. Nhưng còn thú, dù là cọp, sư tử, hay voi đã ở trong chuồng, đâu có bị cùm nữa, và đâu có bị cho ăn đói.
Có những đêm, lòng ngổn ngang bao nhiêu nỗi niềm trăm hướng của đất nước, của gia đình, của cuộc đời, tôi không làm sao ngủ được. Cũng có khi, mệt quá thiếp đi trong đêm dài; rồi giật mình thức dậy, nằm nghe tiếng đêm thâu chầm chậm trôi qua, trong lúc hồn cứ dật dờ bay về phương Nam thân yêu với gia đình.
Hình ảnh người mẹ hiền lúc này đã sáng chói, che mờ nhiều bóng khác phía sau. Nhiều đêm, tôi nhớ mẹ tôi đến cái độ quắt quay, nỗi nhớ, niềm thương cứ
cuồn cuộn trong lòng, ngút cao như núi. Niềm ước mong to lớn luôn luôn tràn ứ trong lòng là, được cầm tay người mẹ yêu quý mà vuốt ve, mà gục mặt vào cho những giòng nước mắt nhớ thương, nóng hổi tuôn tràn. Cho vơi đi phần nào cái se sắt của tình mẫu tử thiêng liêng. Nhưng, nào có được! Vẫn chỉ là ngút ngàn phương trời mờ mịt. Vẫn ngày đêm chỉ là những tiếng gọi thầm nỉ non, thiết tha từ trái tim rỉ máu. Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Khi đang ngụp lặn trong một trời thương nhớ đó, đầu óc tôi chợt lóe lên một ý nghĩ. Phải rồi! Thịt chỗ đầu rốn của tôi, đúng là thịt của mẹ. Người ta cắt cái ruột truyền sự sống của mẹ tôi với tôi, khi tôi được sinh ra. Vậy rõ ràng cho tay xuống rờ mó, vuốt ve cái rốn của mình, mắt lim dim tưởng như được gần mẹ, như ngửi thấy hơi hướng ngọt ngào của mẹ. Một nguồn nóng ấm đang tỏa dần ra trong cõi lòng lạnh giá của tôi. Và từ đó, nhiều đêm, dõi theo mãi những ngày xa mẹ, nơi núi rừng biên cương đầy lam sơn, chướng khí sau này, mỗi khi nhớ đến mẹ, tôi lại sờ rốn …của mình.
Dạo này, tiếng loa la ó suốt ngày đêm. Mỹ đã đem quân chiến đấu vào miền Nam.
Tôi nhìn và suy lý lại toàn bộ những mấu chốt, dữ kiện tản mạn từ sau Thế Chiến Thứ II; sau Chiến Tranh Cao Ly; vụ nói chuyện sức mạnh của Tổng Thống Kennedy với Krouchev, bắt Liên Xô phải nhường bước, mang những đầu đạn hạt nhân từ Cuba về, và rồi vụ Vịnh Con Heo. Rồi, với thực tiễn tình hình miền Nam, miền Bắc Việt Nam lúc này…Tôi thấy ngay hai yếu tố nổi bật quyết định:
Thứ nhất: Bất kể tình huống ra sao, Mỹ mang quân vào miền Nam Việt Nam là sai lầm. Trong điều kiện giữa 2 miền hiện nay, nếu Mỹ mang quân vào miền Nam. Vô hình chung đã tạo cho miền Bắc, cũng như cho cái Mặt Trận Giải Phóng của chúng, trở thành có chính nghĩa. Và tất yếu, vế kia là chính quyền miền Nam lại trở thành mất chính nghĩa.
Thứ hai: Bây giờ, đã mang quân đội vào rồi, rút ra phải có điều kiện, không phải tự nhiên, bình thường mà rút ra được.
Vậy, để giải quyết vấn đề “đã trót” này, chỉ có một biện pháp duy nhất. Nếu Mỹ không làm như vậy, chỉ trừ trường hợp là sau đấy, có những diễn tiến đặc biệt gì khác của thế giới, còn cứ bình thường Mỹ sẽ không giải quyết được vấn đề. Đôi khi còn nghiêng ngửa, khó khăn, dù sau đấy Mỹ có mang bao nhiêu quân vào miền Nam cũng vậy thôi.
Đó là: Một mặt, tương kế tựu kế, ngay trong lòng nước Mỹ, lợi dụng báo chí, Quốc Hội, (những cơ quan từ trước toàn vạch áo cho Cộng Sản xem lưng),
bằng mọi cách làm sao để thế giới, và ngay báo chí của phe ta không hề biết. Tạo nên những tin tức để phe Cộng Sản, tin là Mỹ không bao giờ dám đem quân ra miền Bắc, sợ đụng Trung Quốc, có khi đụng cả Liên Xô nữa. Một mặt, bất ngờ, bằng nhiều đường hướng quân Mỹ và một số quân đồng minh, nhưng chủ chốt là của Việt Nam Cộng Hòa, chớp nhoáng, bất ngờ, thần tốc đổ bộ đánh ra miền Bắc, chấp nhận nếu có phải gặp Trung Cộng.
Tôi đã có hơn một tháng ngược xuôi khắp thủ đô Hà Nội, một số vùng nông thôn ở miền Bắc, hiểu được một cách cơ bản điều điện xã hội, lòng quân, lòng dân v.v…Tôi nói một cách có cơ sở là sẽ giải quyết miền Bắc về căn bản trong vòng nửa tháng. Từ đấy, giải quyết toàn bộ vấn đề Việt Nam, và cả lẫn miền Bắc. Có thế ngoại giao kìm chân nhờ Nhật và Tây Đức, những phô trương ở lục địa khác. Chưa hẳn Trung Cộng và Liên Xô đã dám vào Việt Nam khi chuyện đã rồi.
Bởi vì, như trên tôi đã trình bầy, hãy nắm vững yếu tố “huyệt” thời nay “Hễ Mỹ làm quá, Liên Xô phải lùi; ngược lại cũng thế. Cả hai phe đều tự hiểu, nếu không như vậy là tự hủy diệt cả hai. Vậy, ai cao tay nắm được “huyệt” thì giải quyết lần được nhiều vấn đề. Nhưng, dù trong lãnh vực chính trị, hay quân sự cũng vậy: Yếu tố bất ngờ là nồng cốt trong mọi hành sử. Phải làm sao bịt được mắt đối phương lại mà đánh. Không có một kế hoạch nào thần kỳ cho bằng yếu tố “bất ngờ”.
Những thiên tài quân sự, cũng không thể trở thành xuất chúng, nếu trong quá trình xử lý sự việc, thiếu yếu tố bất ngờ! Bởi vì, muốn xử dụng yếu tố bất ngờ, cái trước hết (điều này không đơn giản, biết bao người, thực tế chưa hiểu rõ kẻ thù của mình, nhưng lại cứ tưởng là mình đã biết quá rõ) là, phải hiểu địch đã. Phải hiểu họ rõ, mới làm cho họ bất ngờ được…
Sáng hôm nay, cũng như mọi buổi sáng, tôi vừa ra đổ bô vào, tên Dư đã chốt cùm. Cửa đóng, được một lúc cửa sổ nhỏ lại mở. Tên Bằng “môi cá ngão” chỉ mặt tôi, cộc lốc:
- Đi cung!
Tôi đã biết tên này, tuy y ăn nói nhấm nhẵn như thế, nhưng y không đến nỗi ác ôn lắm.
Khi ra tới gần phòng cung, trên con đường hành lang nhỏ hẹp, tôi đang dõi mắt nhìn hai chiếc hầm trú ẩn tập thể to lồ lộ ở góc mé sân trước Hỏa Lò (sân có giàn nho), bỗng mắt tôi chợt nhìn thấy một người rất cao nhưng gầy, cũng mặc bộ quần áo sọc đỏ sậm giống tôi, đang đi từ phía đầu hành lang kia ngược lại hướng tôi, và cũng có một tên công an áo vàng đi kèm phía sau. Tự nhiên tôi
thót tim khi nhìn thấy dáng đi lểu khều và đôi mắt…xanh. À, người Mỹ! Phi công Mỹ! Sở dĩ tôi chưa nhìn thấy ngay, vì tôi không ngờ được. Trong tâm, tôi cứ đinh ninh người đó cũng như nhiều người tù đồng bào mình mà tôi vẫn gặp, vì vậy mắt tôi cứ nhìn qua cái lăng kính của óc mình, tức là định kiến, cho nên khi bất chợt nhìn ra, tôi mới giật mình.
Anh phi công còn rất trẻ, chỉ khoảng 24, 25 tuổi như tuổi của tôi thôi. Nhưng đặc biệt, đôi mắt anh thật lơ láo, ngờ nghệch. Có lẽ anh đang có rất nhiều ngạc nhiên. Nhìn chung quanh anh, cái gì cũng lạ, không hề giống bất cứ cái gì trước đây, anh đã nhìn thấy ở nước anh; từ cảnh vật cho đến con người, nhất là dáng dấp, phong thái làm việc, cũng như sự đối xử. Chính vì thế đôi mắt anh trở nên ngờ nghệch chăng? Hay vì những phút bão tố tơi bời vừa qua, khi anh bị bắn rơi trên bầu trời, hãy còn ngập tràn nỗi bàng hoàng chưa phai nhạt trong anh?
Khi đi ngang qua nhau, anh nhìn tôi, tôi nhìn anh. Anh nghĩ gì, làm sao tôi biết được. Nhưng, có điều chắc chắn mà anh không thể ngờ được rằng, người anh vừa gặp cũng từ miền Nam, miền của tự do dân chủ đã vào mảnh đất này. Chỉ có khác, là anh đã xuống dù, công khai; còn tôi đã đổ bộ, bí mật; anh xuống đất vì bị bắt buộc; còn tôi mò vào là do tự nguyện. Dù hai trường hợp khác nhau, nhưng vẫn gặp nhau ở một điểm; đó là Hỏa Lò Hà Nội, mà các anh vẫn gọi là “Khách Sạn Hilton”.
Còn tôi khi nhìn anh, lòng tôi dâng lên một nỗi niềm vừa xót thương, vừa ngưỡng mộ biết ơn. Xót thương, ái ngại, vì các anh ở Mỹ, từ khi lọt lòng mẹ đã quen sướng. Bây giờ, trong cảnh này, dù rằng tôi hiểu các anh sẽ được hưởng một quy chế tốt hơn chúng tôi, nhưng tôi tin rằng các anh sẽ thấy khổ cực hơn chúng tôi. Ngưỡng mộ và biết ơn vì các anh thật hiên ngang, dũng cảm. Dù Hà Nội nói riêng, và miền Bắc nói chung với lưới lửa dày đặc, mà các nhà báo gọi là “những tọa độ lửa còn hơn cả Stalingrad trong Thế Chiến Thứ II”, thế mà vì sự tự do của một dân tộc khác, vì sự bần hàn khổ cực đắng cay của những người dân của một nước xa xôi, các anh đã dũng cảm nhận nhiệm vụ vinh quang, không nề hiểm nguy đến tính mạng, đi bắn những kẻ đàn áp tự do.
Tôi đi chiến đấu cho dân tộc, cho Tổ Quốc tôi; còn anh lại vì sự tự do của dân tộc tôi, cho nên tôi nhìn anh với sự ngưỡng mộ và biết ơn là thế.
Anh đã đi qua rồi, hình ảnh của anh và những suy nghĩ về anh vẫn quấn quít người tôi, mãi tới lúc tôi vào phòng cung.
Lại gặp Thành, và một người nữa, dù chưa hỏi cung tôi bao giờ nhưng tôi đã quen mặt. Đi lại cung kẹo mấy năm nay, tôi đã gặp và trông thấy y nhiều lần. Thậm chí, nghe họ gọi nhau, tôi còn biết y tên là Quý. Y có cái sẹo ở trên mí mắt, nên có người còn gọi y là “Quý lẹo”.
Qua nhiều lần thấy thái độ của y lúc đùa vui, cũng như trò chuyện với những tên cán bộ khác, tôi biết y không đủ kiến thức, cũng như mánh lới để hỏi cung những loại tội về tình báo; vậy sao hôm nay lại có y ở đây? Chỉ một lúc sau, tôi tìm ra được câu trả lời, dù rằng tôi không dám khẳng quyết, nhưng cũng tàm tạm thỏa mãn điều thắc mắc của tôi. Thời chiến, rất hiếm cán bộ. Đáng lẽ, bây giờ, cung kẹo tôi chẳng còn gì đặc biệt nữa, một mình tên Thành cũng được rồi. Nhưng, có lẽ tên Thành, cũng như Phòng 44 Chấp Pháp cảnh giác cao, sau vụ tôi đánh cán bộ trốn tù, nên gặp tôi bây giờ thường từ hai người trở lên. Sự suy luận này của tôi càng được chắc chắn hơn sau mấy ngày gọi cung tôi lia lịa, cũng chỉ có tên Thành hỏi, chứ tên “Quý lẹo”, tuy dáng cao lênh khênh, cũng chỉ ngồi làm vì thôi, thỉnh thoảng mới đóng góp một vài nụ cười, hoặc vài câu hỏi không đâu, không quan trọng.
Suốt buổi hỏi cung hôm ấy, và liền bốn, năm ngày hôm sau, tên Thành hỏi lại toàn bộ từ đầu chí cuối sự việc của tôi. Cũng truy đi, truy lại một số việc có thể y quên, hoặc bây giờ y mới nghi ngờ. Y ghi tóm tắt, thế mà cũng phải một tuần lễ mới xong. Cứ mỗi buổi, tôi phải ký vào bản y ghi, sau khi đã đọc lại. Như vậy, đây là một hiện tượng kết cung của tôi? Phần vì, đã truy hỏi tôi gần 3 năm trời với biết bao nhiêu tình huống gay cấn. Phần khác, thời chiến tranh, Mỹ bắn phá càng ngày càng ác liệt, chưa biết diễn tiến của cuộc chiến sẽ ra sao, cho nên hãy tạm đóng cung của tôi.
Sau đó, lại hàng ngày, hai buổi tôi ra phải ngồi viết bản tự khai ở một phòng nhỏ, có một cảnh sát mặc đồng phục, đeo súng ngắn gác. Giai đoạn viết này là lần thứ hai sau hơn ba năm ở Hỏa Lò. Tôi hiểu đó cũng là một phương pháp gạn lọc, so sánh của chúng. Vì hiểu như vậy, cho nên, hầu như những việc chính yếu (trong những điều tôi đã khai, điều gì còn cất kỹ trong đáy lòng) tôi đều ghi nhớ. Nhưng, khi viết lại, tôi bỏ bớt dần đi những sự việc râu ria. Như vậy mới “lô gích”, nghĩa là hợp tình, hợp lý. Óc con người ta thì quên dần đi là việc tất yếu. Lần viết sau, nếu lại có những việc lần trước chưa ghi, ấy mới là rắc rối.
Cũng phải gần một tháng mới xong. Điều chính là tôi chỉ viết với nhịp độ bình thường, và lại vừa phải suy xét cân nhắc khi viết.
Khi tôi viết được mươi ngày, một hôm, từ một phía cửa sổ phòng bên cạnh, tôi thoáng thấy anh phi công Mỹ, tôi đã gặp lần đầu tiên. Tôi nói lần đầu tiên, để phân biệt với những lần sau đấy trên đường tôi đi và về hàng ngày tôi cũng đã gặp 2, 3 anh phi công Mỹ khác nữa. Có một anh phải đến 40 tuổi, trông rất dữ tướng. Cũng như anh đầu, tay còn quấn băng. Anh nào cũng xanh xao và gầy. Những đôi mắt xanh, hoặc nâu đều ngả thành màu trắng.
Khi gặp lại anh phi công buổi ban đầu ở phòng bên, cũng là lúc anh nghiêng người, liếc nhìn thấy tôi. Ánh mắt anh hình như cũng đã nhận ra hình ảnh một người mà anh gặp. Mặt anh tươi hẳn lên, không còn nét đăm đăm nửa như dò xét, nửa như xa lạ lúc buổi đầu gặp anh nữa. Anh cũng đang lúi húi ngồi viết. Thỉnh thoảng đầu anh động đậy, rồi quay lại nhìn tôi. Tôi cũng ngẩng lên nhìn anh bằng một ánh mắt đồng cảnh và gởi đi tình cảm chào hỏi. Vài lần, không hẹn mà chúng tôi đã cười với nhau, dù chỉ là một nụ cười ngập ngừng không rõ nét.
Tôi để ý, bên anh không có tên cảnh sát ngồi canh như bên tôi. Có thể chúng nghĩ, anh mắt xanh, mũi lõ lồ lộ, đi đến đâu ai chả thấy ngay. Cho nên, chúng chỉ giao giấy bút, rồi ngồi ở một phòng xa, chờ. Tên cảnh sát phòng tôi cũng thấy tôi và anh phi công Mỹ thỉnh thoảng nhìn nhau. Nhưng, chắc y cũng nghĩ anh kia là người ngoại quốc, ngôn ngữ bất đồng; hai nữa, mỗi người một phòng nên kệ cho nhìn nhau, vì vậy y nhìn thấy cũng quay đi.
Hình ảnh anh phi công đó làm tôi nhớ nhất. Cho mãi đến sau này, dáng dấp, khuôn mặt của anh vẫn khắc ghi trong lòng tôi. Chứ ngay những ngày sau đấy, hàng trăm phi công ở Hỏa Lò tôi gặp, nhưng rồi tôi quên mặt ngay. Cũng có thể anh là một trong những phi công bị bắn rơi ngay từ những ngày đầu của vụ trả đũa 5/8/1964 mà theo đài Cộng Sản, hôm đó chúng hạ được 8 phi cơ, bắt được 3 phi công (thật hay chăng)?
Khi đã viết xong, tên Thành còn gọi tôi lên một buổi nữa, thái độ của y hôm đó có vẻ tươi vui, tình cảm. Y nói thẳng có thể y đi công tác xa một số ngày, với bộ điệu úp úp, mở mở như đi vào “B” ấy. Vừa như báo tin mừng được vào “B”, vừa như gián tiếp đe dọa “chuyến này tao vào Nam sẽ biết rõ về mày”.
Cuối buổi, hai tay y cuộn vo, xoay xoay hơn 100 trang giấy viết tay của tôi, vừa như thực vừa như đùa, y nói:
- Câu chuyện của đời anh, sau này đất nước thống nhất, viết lại cũng hấp dẫn đấy chứ!
Tôi hiểu là y sắp chia tay, y nói một câu chuyện cho vui, vì thế, tôi cũng cười, trả lời:
- Thưa ông, nếu phải có kiếp sau, tôi xin để kiếp sau. Chứ kiếp này. Đó là chuyện không tưởng.
Y và tên Quý đều cười. Sau đó, tên “Quý lẹo” dẫn tôi xuống phòng trực, trả tôi về xà lim. Trên đường về, tiếng loa cứ lải nhải khẩu hiệu:”Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Đó là khẩu hiệu bịp bợm, dùng để bốc thơm mọi người, một hình thức xúi người khác ăn cứt gà: “Hãy nổ lực làm việc và công tác đi. Ngành ngành thi đua! Người người thi đua!”…Khẩu hiệu đó cứ ra rả, không ngày nào là không nói đến. Suốt những năm ở miền Bắc, tôi nghe đã nhàm tai. Thế mà bây giờ bỗng đỗi khác:
“Ta vì mọi người, mọi người vì chủ nghĩa xã hội”.
Vế dưới đã đổi khác hoàn toàn. Cách mạng mà! Phải luôn luôn thay đổi, luôn luôn đổi mới; nhưng thay đổi theo chiều hướng từ đường rộng rãi thênh thang đi vào con đường trước mắt cứ nhỏ hẹp dần. Đó cũng là một sách lược, một phương châm của những tên lãnh đạo Cộng Sản, không ngoài mục đích để thống trị người, và giữ cho chắc chắn chỗ ngồi của chúng!…