Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 55: Hành Chính Một Cửa
Ít ai có thể nghĩ rằng cải cách hành chính lại gắn bó như vậy với những chiếc cửa. Gắn bó ở cái nghĩa: nó hướng mọi nỗ lực to lớn của bộ máy công quyền vào những chiếc cửa. Và mục đích là: bịt hết những cửa không cần thiết, chỉ chừa ra một chiếc cửa mà thôi. Một cửa thì không thể gõ nhầm. Một cửa thì không phải gõ nhiều. Mà không gõ nhầm, không ngõ nhiều thì tiết kiệm được thời gian, sức lực và cả thần kinh nữa. Lợi ích thật rõ ràng.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, một công việc gắn với nhiều cơ quan (hoặc nhiều đơn vị trong một cơ quan) thì phải gõ nhiều cửa. Vấn đề chỉ là ai gõ mà thôi. Với chính sách một cửa, thì người dân chỉ phải gõ một cửa, còn các công chức sẽ phải gõ tất cả các cửa còn lại. Nghĩa là, chuyển bớt việc của dân sang cho quan. Làm như vậy, trong một nhà nước của dân, do dân và vì dân là rất phải đạo. Tuy nhiên, như mọi tấm huy chương, chính sách mới này cũng có hai mặt.
Một mặt, các công chức gõ cửa của nhau sẽ dễ dàng hơn và bằng vai phải lứa hơn. Ngoài ra, nếu một quy trình chuẩn được xác lập thì hồ sơ cứ tự động trôi qua các công đoạn mà các công chức cũng không nhất thiết phải làm cái việc gõ cửa.
Tuy nhiên, mặt khác, tình trạng “suy dinh dưỡng” về động lực là rất dễ xảy ra. Với hệ thống lương bổng hiện nay, các công chức ít có lợi ích trong việc lao tâm khổ tứ để thúc đẩy công việc. Hơn thế nữa, lợi ích về tinh thần như việc chứng kiến sự hài lòng, vui sướng của người dân khi công việc được giải quyết, họ cũng khó được hưởng (Đơn giản là vì trong nhiều trường hợp người dân không gõ cửa của họ). Thế nhưng, khó khăn nhất là tình trạng các cửa không hiểu hết yêu cầu và đòi hỏi của nhau, đặc biệt là sự không hiểu hết của chiếc cửa duy nhất có trách nhiệm tiếp nhận đơn từ của dân. Công việc sẽ bị dội trở lại nếu hồ sơ không đúng hoặc không đầy đủ. Và cửa này dội sang cửa kia, đến cửa đầu tiên thì lại dội lại cho người dân. Quá trình dội ngược này có thể lấy đi vô khối thời gian và sức lực của cả hệ thống và của người dân. Tuy nhiên, bắt cửa này phải hiểu hết công việc của cửa kia, hoặc cửa đầu tiên phải hiểu hết công việc của tất cả các cửa còn lại là khó khăn và chưa chắc đã hợp lý.
Hậu quả là người dân sẽ nhanh chóng nhận ra: gõ một cửa và gõ một lần là hai việc khác nhau. Và niềm vui cải cách sẽ vợi đi nhanh chóng khi số cửa thì giảm mà số lần gõ thì không. (Chưa nói đến chuyện một cửa thì xếp hàng chắc chắn sẽ dài hơn).
Công bằng mà nói, nếu các cơ quan hành chính đều có cửa và người dân muốn giải quyết công việc đều phải đi qua các cửa đó, thì chính sách một cửa là một cố gắng lớn của các nhà cải cách. Tuy nhiên, bảo đảm động lực cho quá trình cải cách, cũng như xác lập chế độ trách nhiệm của bộ máy hành chính trước nhân dân (hoặc chí ít trước những người đại diện cho nhân dân) là những nhiệm vụ quan trọng hơn và cơ bản hơn.
Cứ nghĩ mà xem, nếu đằng sau một chiếc cửa còn lại vẫn là chừng ấy chiếc bàn và đằng sau chừng ấy chiếc bàn vẫn là chừng ấy con người và những con người này vẫn khó đăm đăm khi tiếp nhận hồ sơ, đơn từ, thì sự nghiệp cải cách đã mang lại được chuyển biến gì? Không khéo, nền hành chính ít có thói quen mỉm cười vẫn còn đó. Và chiếc cửa đã không giải quyết được vấn đề.