Số lần đọc/download: 3116 / 135
Cập nhật: 2020-09-12 18:05:07 +0700
Biết Rằng Bạn Có Thể Làm Bất Kì Điều Gì
N
gay khi người ta thực sự bắt tay vào việc dọn dẹp, họ sản sinh ra hết túi rác này đến túi rác khác. Tôi đã nghe nhiều người trong số các học viên tham gia các khóa học của tôi nói về việc họ đã quẳng đi bao nhiêu túi rác hoặc những điều gì đã xảy ra trong nhà của họ. Số lượng túi rác kỉ lục thuộc về một cặp vợ chồng: họ đã quẳng đi 200 túi rác cộng với 10 đồ vật quá lớn, không cho vừa vào túi. Phần lớn mọi người đều cười khi nghe chuyện này và hình dung ra việc cặp vợ chồng đó có lẽ phải sở hữu một căn nhà rất lớn với nhiều phòng chứa đồ, nhưng họ đều sai. Cặp vợ chồng đó sống trong một căn nhà hai tầng có 4 phòng. Diện tích mặt sàn của căn nhà chỉ nhỉnh hơn một chút so với các căn nhà Nhật Bản phổ biến khác vì nó còn có một phòng gác mái, nhưng sự khác biệt về không gian không phải là quá lớn. Mặc dù có vẻ nhà của họ không có nhiều vật dụng, nhưng nhìn kĩ sẽ thấy có nhiều thứ đồ không cần thiết. Nói cách khác, bất cứ ngôi nhà nào cũng có tiềm năng sản sinh khối lượng túi rác lớn tương tự.
Khi giúp các khách hàng sắp xếp và loại bỏ vật dụng, tôi không làm kiểu nửa vời. Trung bình một người sẽ bỏ đi từ 20 cho đến 30 túi rác dung tích 45 lít và đối với một gia đình có ba người thì con số này là gần 70 túi. Tổng số vật dụng mà các khách hàng của tôi đã bỏ đi vượt quá 28.000 túi và số lượng đồ dùng cá nhân đã bị loại bỏ chắc phải lên đến hơn 1 triệu. Cho dù đã giảm triệt để những vật sở hữu nhưng không ai từng phàn nàn với tôi là họ gặp rắc rối vì tôi đã bảo họ vứt bớt đồ đi. Lí do thật rõ ràng: việc loại bỏ những thứ không mang lại niềm vui không hề gây ra bất kì tác hại nào. Khi kết thúc việc dọn dẹp, tất cả các khách hàng của tôi đều ngạc nhiên về việc không thấy phát sinh bất tiện nào trong cuộc sống hàng ngày. Đây là sự nhắc nhở mạnh mẽ vì trước đây họ đã sống với đầy những thứ không cần thiết xung quanh. Không có ngoại lệ nào hết. Thậm chí những khách hàng chỉ còn chưa đến 15 vật sở hữu sau khi dọn dẹp xong cũng cảm thấy như vậy.
Tất nhiên, không phải là tôi đang nói rằng các khách hàng của mình không hề cảm thấy nuối tiếc khi phải từ bỏ thứ gì đó. Còn lâu mới được như thế. Vì vậy, bạn nên mong đợi là điều này sẽ xảy ra ít nhất ba lần trong quá trình dọn dẹp, nhưng cũng không cần lo lắng làm gì. Thậm chí cho dù các khách hàng của tôi có nuối tiếc khi phải từ bỏ thứ gì đó nhưng họ chưa hề cất tiếng phàn nàn. Họ đã học được bằng kinh nghiệm rằng bất kì vấn đề nào xảy ra do thiếu hụt thứ gì đó đều có thể giải quyết bằng hành động. Khi các khách hàng của tôi kể về kinh nghiệm vứt bỏ những thứ mà họ không nên có, tất cả đều hết sức vui vẻ. Hầu hết họ đều cười và nói: “Có lúc tôi nghĩ mình gặp rắc rối rồi đây, thế rồi tôi nhận ra là nó chẳng hề ảnh hưởng gì đến cuộc sống của tôi cả.” Thái độ này không bắt nguồn từ một cá tính lạc quan, cũng không có nghĩa là họ đã trở nên cẩu thả trước việc để mất một thứ gì đó. Thay vào đó, nó cho thấy là bằng việc chọn ra thứ gì đó để bỏ đi, họ đã thay đổi được quan niệm cũ của mình.
Ví dụ, chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ cần dùng đến nội dung trong một tài liệu mà họ đã vứt đi trước đó? Trước hết, vì họ đã giảm bớt số lượng tài liệu của mình nên họ có thể nhanh chóng khẳng định rằng họ không còn tài liệu đó mà không phải mất công tìm kiếm. Việc họ không cần phải tìm kiếm thực sự là một liều thuốc giảm căng thẳng vô giá. Một trong những lí do khiến sự lộn xộn giày vò chúng ta là vì chúng ta phải tìm kiếm thứ gì đó và rồi phát hiện ra là nó vẫn ở đó, và đã có nhiều lần dù trong ta cố công đến cỡ nào thì cũng không thể tìm thấy thứ mà chúng ta đang tìm kiếm. Khi giảm bớt số lượng tài liệu mà chúng ta sở hữu và cất giữ chúng ở cùng một chỗ, chỉ nhìn thoáng qua là chúng ta có thể nói mình có tài liệu đó hay không. Nếu nó không còn, chúng ta có thể ngay lập tức chuyển sang phương hướng khác và bắt đầu suy nghĩ về việc cần làm gì. Chúng ta có thể hỏi ai đó mà chúng ta biết họ có tài liệu đó, gọi điện thoại đến công ty hoặc tự tìm kiếm thông tin. Ngay khi đã có giải pháp, chúng ta không lựa chọn nữa mà hành động. Và khi hành động, chúng ta ngạc nhiên khi thấy rằng vấn đề thường được giải quyết dễ dàng.
Thay vì căng thẳng do tìm kiếm mà không ra, chúng ta cần hành động và những hành động như thế thường dẫn tới những lợi ích ngoài trông đợi. Khi chúng ta tìm kiếm nội dung mong muốn ở chỗ khác, chúng ta có thể phát hiện ra những thông tin mới. Khi liên hệ với một người bạn, chúng ta có thể thắt chặt thêm mối quan hệ với họ hoặc họ có thể giới thiệu chúng ta với người thông thạo trong lĩnh vực đó. Những trải nghiệm lặp đi lặp lại như thế sẽ dạy cho chúng ta biết rằng nếu ta hành động, chúng ta sẽ có thể có được những thông tin cần thiết mỗi khi cần tới chúng. Cuộc sống trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu bạn biết rằng mọi thứ vẫn hoạt động tốt ngay cả khi bạn đang thiếu thứ gì đó.
Còn một lí do nữa khiến các khách hàng của tôi không bao giờ phàn nàn về việc phải vứt bỏ vật dụng đi và đây chính là lí do quan trọng nhất. Vì phải xác định và từ bỏ những thứ mà họ không cần nên họ không còn thoái thác trách nhiệm ra quyết định cho những người khác. Khi xuất hiện vấn đề nào đó, họ không tìm kiếm nguyên nhân bên ngoài hay người nào đó để đổ lỗi. Giờ đây họ tự ra quyết định và ý thức được rằng việc cân nhắc những hành động phù hợp để xử lí bất kì tình huống nào là điều thực sự quan trọng. Lựa chọn và từ bỏ những vật sở hữu là một quá trình ra quyết định liên tục dựa trên những giá trị của cá nhân. Việc từ bỏ giúp cải thiện những kĩ năng ra quyết định. Không phải là lãng phí khi bỏ lỡ cơ hội phát triển năng lực này nếu như vẫn tiếp tục tích trữ vật dụng hay sao? Khi tới thăm nhà của các khách hàng, tôi không bao giờ vứt bất kì thứ gì đi. Tôi luôn để cho họ ra quyết định cuối cùng. Nếu tôi thay họ lựa chọn những thứ cần bỏ đi, vậy thì việc dọn dẹp sẽ chẳng còn ý nghĩa với họ nữa. Chính việc làm cho nhà của mình trở nên gọn gàng, ngăn nắp sẽ làm thay đổi quan niệm trước kia.