Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Chương 55
T
rời tháng Tư tháng Năm là cao điểm nóng ở Biên Hòa. Cho dù trại bệnh được nằm sạp gỗ và sống trong một môi trường không đến nỗi chen chúc nhau như ở các K, hoặc hỏa ngục trần gian như trong các dãy connex, nhưng quãng mười giờ sáng, sau khi các bác sỹ khám bệnh là bọn tù bệnh đã lục đục kéo nhau ra giếng tắm. Bên ngoài bờ giếng có một cái chảo sứt quai thật lớn của nhà bếp thải ra dùng để chứa nước tắm cho tù bệnh. Theo đúng nội quy của bệnh xá, các đấng bác sỹ "ngụy" còn kiêm cả nhiệm vụ kéo nước cho tù bệnh tắm; tuy nhiên, ở bệnh xá mấy tháng, Vĩnh chỉ thấy ông bác sỹ Khái, bác sỹ Châu hoặc bác sỹ Nam chăm làm việc này để phục dịch lũ tù bệnh (có thể ba vị này đã vào tuổi năm mươi cả, cái tuổi tương đối bớt tự ái vặt và nhẫn nhịn?), còn mấy ông bác sỹ trẻ thì hiếm khi các ông ấy chấp hành đúng nội quy quy định về việc này.
Riêng bọn tù bệnh, mỗi lần ra giếng tắm, chính bọn cách ly như Vĩnh lại là bọn không cần phải làm phiền tới ai cả; điều ấy có nghĩa là tự đi ra giếng, tự kéo nước lên và tự tắm rửa lấy được. Thế nhưng bên dãy thường bệnh thì khác. Đúng như ông bác sỹ Các (một ông bác sỹ làm biếng nhất trong những ông bác sỹ!) nói, họ là "cái rắc rối của cuộc đời!". Mà quả vậy! Không rắc rối sao được một khi Chiêu muốn tắm? Chao ôi! Cả chục ông bác sỹ phải khuân anh ta ra giếng, người cởi đồ, người tháo băng, người múc nước, người kỳ lưng, người rửa đít... Đến ngay nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông cũng đã là một cái rắc rối khá to rồi. Anh Đông đi đứng không được. Mấy ông bác sỹ lại phải chạy qua khối mộc nhờ một tay to con tốt bụng cõng hộ anh ra bờ giếng. Chỉ cần thế thôi vì khi ra tới bờ giếng rồi, anh vẫn có thể bò ngang bò dọc để múc nước từ cái chảo ra tắm gội lấy một mình.
Mỗi lần theo các bạn ra giếng tắm giải nhiệt, Vĩnh hay tò mò ngồi ngắm cái hoạt cảnh bi hài đang xảy diễn ra chung quanh. Trong lúc anh Đông ngồi tê liệt một chỗ, đôi mắt nhiu nhíu dưới ánh nắng chan hòa, tay vòng ra sau lưng kỳ lớp da xám xịt vì những dấu sẹo ghẻ còn lưu lại từ một mùa "ghẻ cả nước" năm nào; thì anh chàng Mẫn của K.30, một cựu trung sỹ ANQĐ, người tự xưng là Lã Phi Khanh, dịch giả bộ kiếm hiệp Lệnh Xé Xác (chẳng biết thực hư?) thao thao bất tuyệt về ngón Di Ảnh Kỳ Hình của một nhân vật chưởng mà anh từng dịch, về những giai nhân tuyệt sắc trong truyện Tàu anh đọc (dù lúc còn sống, ông cụ Hòa đã quả quyết với Vĩnh "Lã Phi Khanh tôi chưa gặp bao giờ nên không biết xừ ấy có thực là Lã Phi Khanh không, duy có điều tôi thử va vài lần, thì tôi biết chắc va dốt đặc, không biết một chữ Tàu nào cả!). Hoặc giả cũng ngoài bờ giếng, Vĩnh có thể vừa tắm vừa ngó mấy anh nuôi bếp K.30 nhồi bột ngay cạnh dãy cầu tiêu đầy ruồi và dòi bọ trắng mặt đất. Những con gà của tù nuôi đứng mổ ăn từng con dòi mập ú ấy. Chênh chếch về phía đầu hồi dãy thường bệnh, anh chàng Mẫn (trùng tên với Mẫn "Lã Phi Khanh" K.30), một tù nhân thuộc diện tệ đoan xã hội (bị bắt vì hút thuốc phiện) được chuyển từ trại Bùi Gia Mập về, bị bệnh trĩ đến độ có thể nói không còn thuốc nào chữa nổi! Anh ta, mỗi lần rời khỏi cái cầu tiêu đầy ruồi và dòi bọ nằm cạnh bếp K.30, phải bò trên đất mới về được tới cửa phòng. Về tới đó, anh còn phải ngồi xổm cả nửa tiếng đồng hồ, chờ cho khúc trực tràng sa ra ngoài, đỏ lòm những máu mủ và phồng to như một cái bong bóng lợn, từ từ teo lại và rút vào bên trong, lúc ấy anh mới đứng lên, xanh lét và run rẩy lết về chỗ nằm!
Cũng từ chỗ bờ giếng này, Vĩnh có thể nhìn qua lớp kẽm gai sét rỉ sau dãy cầu tiêu và thấy rất rõ sinh hoạt của một góc K.3. Cũng những luống cải tưới phân tươi đầy ruồi, cũng dãy cầu tiêu xây bằng gạch đỏ còn sót lại từ chế độ cũ, cũng những dãy nhà tôn nóng bức và ẩm thấp làm nơi ăn chốn ở cho tù, cũng một hai vuông sân bóng chuyền nhưng tù chẳng bao giờ có bóng mà chơi, cũng những hình nhân vất vưởng ốm đói, cũng những thằng quản giáo mặt mũi lầm lì và đần độn lâu lâu quẩn qua quẩn lại nơi khu bếp tập thể như muốn ăn trộm một cái gì...
Mấy ngày nay, ngoài những hoạt cảnh quen thuộc trên, Vĩnh và các bạn còn phát hiện ra bên K.3 có thêm một hiện tượng mới. Từ trong một dãy nhà trống (có thể là hội trường của K.3), lâu lâu lại vang lên những câu chửi rủa thật rùng rợn. Nhiều khi những câu chửi ấy "xúc phạm một cách nghiêm trọng" đến cả "bác Hồ kính yêu" nữa.
- Ối trời ơi! Tao đã nói tao tên là Hồ Công Min. Tao không phải là Hồ Chí Minh. Thằng Hồ Chí Minh nó chết thúi bỏ trong cái A Tăng Tì ngoài Ba Đình ấy. Còn tao là Hồ Công Min! Hồ Công Min!...
Sau những câu chửi rủa thường có tiếng vật lộn, tiếng ú ớ của một người bị nhét giẻ vào miệng. Cũng có khi vang lên những tiếng huỳnh huỵch của người bị đánh bằng báng súng vào lưng hoặc bị đá vào bụng.
Một buổi trưa, sau những câu chửi rủa la hét như mọi ngày, Vĩnh và những người bên trại bệnh đều nhìn thấy một người trần truồng thoát chạy ra khỏi dãy nhà trống một đầu hồi bên K.3. Người ở truồng ấy chạy thục mạng về phía những luống rau cải xanh nằm gần hàng rào ngăn đôi trại bệnh và K.3. Đầu tóc bờm xờm, thân thể dơ dáy, mặt mày lem luốc, bụng có vẻ bị bệnh chướng; đại thể anh ta là một người đang trong tình trạng điên loạn. Anh chạy như bay đến mấy luống cải, cúi xuống nhổ luôn hai bụi cải và cho lên miệng nhai rau ráu. Vừa nhai anh vừa ngửa mặt cười và nói những điều thật vô nghĩa. Vừa lúc ấy năm bảy người khác, cũng đều là tù cải tạo K.3, ùa chạy đến bên anh và miệng la làng với nhau.
- Giật mấy cây cải ra! Trời ơi đừng để nó ăn! Cứt không à!
Thế rồi mấy người đó đồng hè nhau nhảy vào vật người cởi truồng xuống đất, giật phăng đi mấy cây cải dính đầy phân người khỏi tay anh. Anh vùng vẫy, chửi rủa, la hét. Nhưng rồi cuối cùng anh đành thúc thủ trước sức mạnh của năm sáu người bạn. Anh bị khênh trở lại dãy nhà...
Hiện tượng Hồ Công Min chỉ đôi ba ngày sau đó bọn tù bệnh và anh em bên K.30 đã hiểu hết tự sự: Người điên Hồ Công Min được trói khênh sang bệnh xá vào đúng một buổi trưa nóng như lửa đốt. Min được trói thật chặt, trói bằng dây thừng to bằng nửa cổ tay. Hai vệ binh hướng dẫn cả chục tay tù cải tạo áp giải anh sang bệnh xá. Ông bác sỹ Châu ra nhận bệnh với dáng điệu thật e ngại. Thực ra mấy ông bác sỹ ở đây đã có nhiều kinh nghiệm về những người bị bệnh điên được chuyển qua bệnh xá. Biện pháp này quá vô ích và khôi hài không khác nào hành động đánh bùn sang ao! Một mặt bệnh xá không chữa được bệnh điên, không có cả phương tiện tối thiểu để kềm chế người điên khi cần thiết; mặt khác chỉ gây phiền hà và nguy hiểm cho những tù bệnh vừa đói thuốc lẫn đói ăn nơi đây!
Nhưng lệnh nhận bệnh thì vẫn cứ phải vui vẻ mà nhận.
Trời tháng Tư tháng Năm bệnh xá vốn đã nóng như một cái lò bánh mì, thêm Hồ Công Min thì lò bánh mì ấy đã muốn biến thành một lò thuốc nổ.
Vĩnh đã từng gặp một số người điên trong tù kể từ thời Trảng Lớn lên tới đây. Anh chàng Thân của khối 4 L4T3, một người điên nhưng phát ngôn không điên tí nào lúc anh từ chối làm bản tự khai: "Tao không khai vì tao chẳng có tội với thằng đếch nào cả!". Anh chàng Trương Hồng từ trại An Dưỡng, một người điên củ mỉ cù mì, luôn luôn bảo đảm ngày công lao động và đạt chỉ tiêu trong mọi công tác khổ dịch; chỉ tội mỗi khi rảnh rỗi, anh lại ngồi tỉ mỉ vẽ máy bay tàu thủy với niềm hy vọng là chính những máy bay tàu thủy ấy sẽ có ngày chở anh thoát khỏi nơi đây. Anh chàng Mẫn của trại An Dưỡng, kẻ tự xưng mình là tân giáo chủ Tôn Giáo Liên Hiệp Thế Giới, bị đánh đập cùm kẹp rồi bị tha luôn ra ngoài Bắc. Anh chàng Phạm Xuân Đồng của K.5, một người điên mà nếu xét trên một vài thành quả, anh còn tài hơn chán vạn người không điên, ấy là đã ba lần trốn trại mò về nhà thăm mẹ và lần nào cũng thành công. Bây giờ Vĩnh biết thêm một người điên mới, người điên Hồ Công Min, một cựu đại đức tuyên úy Phật Giáo của QLVNCH.
Bệnh xá có ba dãy nhà. Người điên không thể được vinh dự nằm chung dãy với các bác sỹ, dù là bác sỹ có cùng gia phả "tù ngụy". Người điên lại càng không nên đặt nằm trong dãy thường bệnh gồm toàn những người tê liệt, bại xụi không thể đi đứng dễ dàng. Giải pháp hay nhất vẫn là tống cổ anh chàng điên vào nằm chung với bọn cách ly là yên chuyện. Một phần khu cách ly rộng rãi, phần khác bọn Vĩnh dù ho lao nhưng hai chân vẫn chạy được khi cần thiết. Có lẽ mấy ông bác sỹ tù đã nghĩ như thế cho nên họ đưa Hồ Công Min vào nằm chung phòng với Vĩnh và Nhỏ.
Vĩnh không có một tí kiến thức nào về phương pháp trị liệu, ngay cả cách đối xử với người điên, nhất là khi họ lên cơn. Hiện nay Vĩnh chỉ biết ông bác sỹ Thiết đã chích chào mừng người điên một mũi thuốc, mà theo ông ta, một con trâu chỉ cần hai phần ba lượng thuốc này cũng đủ ngủ dập ngủ vùi. Ống thuốc khá to. Ngay khi mũi kim được rút ra khỏi đùi, bắp đùi người điên đã nổi ngay lên một múi thịt to tướng. Lúc chích thuốc Min đang lên cơn nên có lẽ anh ta không thấy đau. Sau khi mũi thuốc được rút ra, năm bảy anh bạn bên khối mộc xúm lại đè nghiến Min xuống và trói gô anh vào tấm sạp gỗ. Min gào la, chửi rủa, nhổ đờm nhổ bọt.
- Tao là Hồ Công Min. Tao không phải là thằng Hồ Chí Minh.
Nghe chửi, một trong hai thằng vệ binh đứng ngoài cửa phòng chợt nhảy vào. Nó giơ cao báng súng và đập lia lịa vào mặt vào ngực Min. Mấy ông bác sỹ và bọn tù bệnh ai cũng thấy đau nhói trong tim trong óc nhưng đành bó tay. Thằng vệ binh vừa dọng bằng súng vào mặt vào cổ người điên, vừa chửi.
- ĐM. thằng bố láo! Giả điên chửi nhảm phải không? ĐM. đánh chết cha thằng hỗn láo!
Bác sỹ Châu nhanh trí vội làm mặt giận, hét mấy anh em bên khối mộc.
- Anh Đào, anh Sơn! Mấy anh kia nữa. Nhảy vào nhét giẻ vào mồm nó đừng cho nó nói bậy nữa!
Mấy anh tù đứng ngoài như hiểu ý. Họ nhảy ngay vào và phủ lấy người Hồ Công Min. Tên vệ binh thấy vậy ngừng tay đánh. Nó nhảy ra ngoài vài bước, đứng hằn học nhìn và miệng không ngớt chửi rủa.
Một lúc sau miệng Min đã được nhét giẻ. Giờ đây chỉ còn đôi mắt, đôi mắt đỏ như lửa và lạ lùng thay, nó dịu hẳn xuống khi hai thằng vệ binh đã quay gót bỏ đi.
Những ngày kế tiếp, lãnh đủ với người điên Hồ Công Min dĩ nhiên là Vĩnh và Nhỏ. Khi Min tỉnh, hai người phải thay phiên nhau dỗ ngon dỗ ngọt để đút cho anh từng miếng bo bo hoặc bột luộc xắt nhỏ. Lúc anh lên cơn, cả hai chỉ có nước ù té chạy báo động. Khủng khiếp nhất là lúc Min lên cơn vào lúc nửa đêm, khi hai người ngủ say. Có lần Min nhảy qua đấm Chung Văn Nhỏ túi bụi, miệng chửi ầm ĩ.
- Thằng Hồ già! Thằng Hồ già! Tao trả y bát ăn thua đủ với mày!
Hoặc.
- Thằng Hồ già! Thằng Hồ già! Cho mày sa A Tăng Tì...
Những lúc như thế Vĩnh và Nhỏ tung chăn chiếu chạy ùa ra ngoài sân. Được cái Min không bao giờ đuổi theo. Khi thấy hai người đã bỏ chạy là anh tự động ngồi xuống một góc nhà, miệng lâm râm tụng những chuỗi Phạn ngữ thật lạ tai. Tuy nhiên, sự nổi điên của anh thường không nặng lắm và không kéo dài. Nếu có nặng chăng, theo sự quan sát và nhận định chung của hầu hết mọi người trong bệnh xá, là khi anh thoáng nhìn thấy một cái nón cối, dù cái nón cối ấy do tù hay cai tù đội, đều làm anh nổi điên đến độ hung tợn. Mắt anh đỏ lên như hai hòn máu và lao tới như chỉ để bẻ cổ kẻ đang đội cái nón cối ấy.
Khi sự phá phách về đêm của Hồ Công Min chợt tăng lên, cao điểm là anh đã đánh Vĩnh, chụp lấy lon muối mè của Vĩnh để đầu giường ăn ngấu ăn nghiến; thì một biện pháp cần có cho Hồ Công Min được các bác sỹ nghiêm trọng đặt ra: Thương thì thương nhưng vẫn phải tìm cách cùm Min lại!
Khối mộc được nhờ để thực hiện một cái cùm, kiểu cùm có đế gỗ. Và chỉ một ngày sau đó, Hồ Công Min hoàn toàn bó chân ngồi một chỗ. Khi anh tỉnh táo thì hoặc Vĩnh, hoặc Nhỏ, hoặc Nông Hải Sơn dụ dỗ đút cho ăn. Khi anh ỉa đái thì lấy nước tắm gội tại chỗ. Khi anh lên cơn điên cứ mặc anh vật vã với cái cùm dưới chân. Khi anh chửi "bác kính yêu" thì đành đè anh nằm xuống, âu yếm nhét tí giẻ vào miệng anh để cái thân đau ốm ấy đỡ phải quằn quại dưới những cái đấm, cái đá vô nhân của quân thù!
Khi cả trại bệnh rỉ tai nhau về những tin đồn xảy ra bên ngoài xã hội, chẳng hạn ông cha Thanh "người hùng chống Thiệu" đã bị cách mạng hỏi thăm sức khỏe tống cổ vào Chí Hòa; hoặc dân Kiến Hòa "đất thép thành đồng" của cách mạng từ Tết đến giờ đã nhiều lần nổi loạn, đặc biệt nghe đâu đã có một hai trại tù được anh em ta mò về giải thoát, lần đầu vào cuối tháng 2 và lần vừa qua vào đầu tháng 5... thì dãy cách ly lại được rước thêm một vị điên mới.
Người điên thứ hai này được đem qua từ K.1. Ông này tuổi đã 50. Tên ông là Ái, người Huế, cựu giáo sư Pháp văn, và khi lên cơn ông nói tiếng Pháp thật lưu loát. Tuy nhiên ông Ái là một người điên hiền. Đúng ra ông là một người ngớ ngẩn hơn là điên. Khi lên cơn ông không gào la phá phách. Ông chỉ huyên thuyên nói tiếng Pháp, tuyệt nhiên không ăn uống và luôn miệng van xin "được xử bắn". Đặc biệt mỗi khi ông nhác thấy một thằng bộ đội hay quản giáo nào đi qua, ông đều chạy lại níu kéo và nói thật lễ độ bằng tiếng Pháp, đại ý.
- Thưa anh quản giáo, tôi van nài anh hãy xử bắn tôi ngay lúc này, tại đây. Xin đừng muộn hơn dù chỉ một giây phút, vì như thế tôi chịu không nổi, tôi sẽ... chết mất!
Thoạt đầu lũ vệ binh quản giáo điên máu đánh ông trận nào trận nấy gần chết. Chúng nghi ngờ ông giả điên để chọc ghẹo chúng. Lâu dần chúng phải công nhận ông là người mất trí từng cơn, và tống ông sang bệnh xá.
Hai thằng ho lao từ đây phải luân phiên phục dịch cơm nước và tắm rửa cho hai người điên. Vĩnh và Nhỏ hóm hém lại càng hóm hém hơn. Mấy ông bác sỹ nhà ta chỉ lo mỗi việc lụi thuốc ngủ vào đùi họ mỗi khi họ lên cơn điên, còn ngoài ra khoán cả cho Vĩnh, Nhỏ và đôi ba người bạn tốt bụng bên K.30.
Khi ông Ái bớt điên và được lệnh xuất viện, Vĩnh đã tình nguyện đi theo mấy người bạn bên khối mộc hộ tống ông về tận K.1. Sở dĩ Vĩnh muốn có dịp đi qua K.1 là để ghé thăm một người bạn văn nằm bên đó. Lúc đưa ông về tới trại trời đã tối mịt. Vừa dẫn ông vượt qua cổng Vĩnh đã dặn dò mấy bạn đi cùng hãy đưa ông về phòng và cố đợi Vĩnh một chút nơi cái vườn hoa giữa sân trại. Nói rồi, Vĩnh chạy ngang dọc hỏi thăm anh em về người bạn văn mà anh biết rõ anh ta đang ở trại này. Đi quẩn quanh một lúc, Vĩnh bước vào một dãy trại. Bên trong bạn tù nằm ngổn ngang. Dưới ánh đèn điện tù mù, Vĩnh cúi xuống hỏi đại một người nằm ngay đầu dãy nhà.
- Anh ơi, cho hỏi thăm tí. Anh Đinh Tiến Luyện nằm chỗ nào anh?
Người nằm ở đầu nhà chỉ tay vào một người đang nằm võng khoảng giữa gian nhà. Vĩnh nhanh chân tiến lại.
- Ông Luyện hả?
- Ừa!
- Hà Thúc Sinh đây!
Người nằm võng vội ngồi bật dậy. Tay bắt mặt mừng và hỏi thăm nhau mới được dăm ba câu Vĩnh đã phải vội cáo từ. Anh cho Luyện biết anh nằm bên bệnh xá, khi nào có dịp qua đó, nhớ ghé khu cách ly trò chuyện với nhau.
Trong gần ba năm tù, Luyện là người bạn văn thứ tư Vĩnh được gặp.
Ngày tháng trôi qua, người điên còn lại là Hồ Công Min cũng được xuất viện. Đại đức Hồ Công Min xuất viện chẳng vì khỏi bệnh, mà vì bọn y sỹ Việt cộng chỉ huy bệnh xá nhất định trả về K.3 với lý do bệnh xá không phải là nhà thương điên, và nhất là không có phương tiện để chữa trị cũng như giam giữ người điên.
Từ đó, những trưa nắng ra bờ giếng tắm, bọn Vĩnh thỉnh thoảng lại được nghe thấy những câu chửi quen thuộc vang lên nơi dãy nhà trống một đầu hồi "Tao là Hồ Công Min. Tao không phải là thằng Hồ Chí Minh...", tiếp theo đó thế nào cũng có những tiếng huỳnh huỵch đi kèm và những tiếng chửi thề tục tĩu của bọn vệ binh K.3.
Rồi cũng có lúc, y như được xem chiếu lại một cuộn phim, Vĩnh và anh em bên trại bệnh lại thấy Min phóng chạy ra khỏi dãy nhà, trần truồng, dơ bẩn, miệng hò hét như một kẻ đang bị một bầy chó dữ rượt đuổi. Anh chạy lại phía mấy luống rau, nhổ đại vài cụm và cho lên miệng nhai ngấu nghiến. Tuy nhiên càng về sau, Vĩnh càng thấy Min mất dần đi vóc dáng của một con người. Anh xanh mướt, mắt thụt sâu và mất thần. Dễ sợ nhất là cái bụng của anh, cái bụng ngày một chướng to trông như một cái trống, nằm nặng nề trên một cặp chân khẳng khiu như hai ống sậy. Vẻ chạy nhảy của anh cũng không còn mạnh và hùng hổ như trước. Anh yếu ớt, xiêu vẹo và số lượng người rượt đuổi theo anh không còn đông như xưa! Thường chỉ một hai tên tù bạn rượt theo đã đủ sức vật anh xuống, nhét giẻ vào miệng để tránh cho anh chửi bậy bạ, hoặc lôi ngược anh trở về phòng một cách dễ dàng. Con người ấy quả thực đã cận kề mộ huyệt!
Riêng Vĩnh vẫn tiếp tục được nằm bệnh xá. Công tác hàng ngày hiện giờ là đút cơm cho một ông bạn già. Ông này đã hoàn toàn tê liệt kể từ ngày được khênh từ K.4 sang. Ông đã bị một người bí mật đánh một thanh củi vào đầu khiến bán thân bất toại vì cái tội, theo như anh em bên K.4 cho biết, làm ăng ten cho giặc.
Vì cú đánh quá mạnh khiến ông bất tỉnh nhân sự liên tiếp mười ngày trời. Khi tỉnh dậy, ông chỉ có thể bập bẹ nói như một người đã bị cứng mất ba phần tư lưỡi. Những lúc đút cơm cho ông ăn, Vĩnh thấy thương xót ông kinh khủng. Nhưng những lúc ông mê sảng và ngọng nghịu nói những câu như "báo cáo anh... chúng nó... đêm nào cũng... tụ... họp dưới... bếp... tôi nghĩ chúng... nó là CIA..." thì Vĩnh chỉ muốn để mặc cho lão già bẩn thỉu ấy chết phứt cho xong! Thế nhưng để cho một người "chết phứt" coi vậy mà không phải dễ. Vĩnh và Nhỏ vẫn ngày đút cơm cho ông ăn, thay quần rửa đít cho ông lúc ông làm bậy trên giường và đêm đến lại phải nghe những lời báo cáo bẩn thỉu của ông thốt lên trong cơn mê ngủ.
Sau đợt thăm tháng Bảy, Vĩnh khỏe hẳn nhờ gia đình tiếp tế thuốc men khá đầy đủ. Những ngày kế tiếp Vĩnh được gặp Hóa, rồi gặp Tiến nơi bệnh xá. Mấy anh chàng này nghe tin Vĩnh đóng đô lâu dài bên bệnh xá nên hễ có dịp đưa người bệnh qua là họ luôn luôn tình nguyện. Anh em gặp nhau hàn huyên và không quên chia sớt cho nhau những món quà gia đình đem vào.
Thế nhưng bước vào tháng Tám, cái êm ả đôi lúc cô đơn nơi bệnh xá bỗng bị khuấy động hẳn lên với những cái tin, theo đó ở các K đều xảy ra những cuộc trốn trại có cả thành công lẫn thất bại. Nội cái đám đi xúc than đá bên K.3 cũng đã có hai người trốn thoát. Họ là những người thường được bọn quản giáo tín nhiệm đem theo xe hậu cần ra Biên Hòa xúc than đá về cung cấp cho toàn trại Suối Máu (Thời gian này trại Suối Máu được dùng than đá thay củi). Nhân lúc bọn vệ binh bất cẩn, họ nhảy khỏi xe và lẩn vào chỗ đông dân cư khu chợ Biên Hòa. Hai người thoát. Người thứ ba vô phúc trốn ngay vào nhà một thằng công an khu vực và bị bắt giao lại cho bọn vệ binh trại.
Tuy nhiên, một câu chuyện vượt ngục ngoạn mục hơn có lẽ là câu chuyện vượt ngục của một anh bạn đại úy cảnh sát bên K.1. Nghe phong thanh anh ta là con trai của một chủ tiệm đàn lớn đường Cao Thắng trước kia. Sự vượt ngục của anh đã thành công nhờ ở sự tiếp tay của gia đình. Anh đã bắt liên lạc và hẹn hò với người em ruột, vào mỗi buổi sáng, đem xe gắn máy Honda quần tới quần lui trên con đường chạy trước trại Suối Máu. Thế rồi vào một buổi sáng may mắn, anh được dẫn ra lao động trên vùng đất bên kia con đường nhựa. Người em đã nhận ra người anh và lướt xe qua hớt gọn người anh đi trước bao cặp mắt ngỡ ngàng không kịp phản ứng của bọn vệ binh.
Kế nữa là câu chuyện vượt ngục tập thể bằng đường xe hỏa. Một số tù K.4 đi lao động gần đường sắt. Do kinh nghiệm, mỗi lần có chuyến xe lửa chạy qua, dân ngồi trên mui xe lửa thường ném gạch, đá và những đồ dơ bẩn xuống phía những chiếc áo xanh bộ đội lúc họ phát hiện ra bọn này đứng gần đường xe hỏa; vì thế mỗi khi đưa tù đi lao động quanh khu vực này, bọn quản giáo và vệ binh thường đứng cách xa đường xe hỏa một khoảng cách xa đủ bảo đảm an toàn. Dựa vào điểm này, một ngày kia một số anh em lao động K.4 đã tập thể bỏ cuốc bỏ xẻng, phóng nhảy theo đoàn xe hỏa Thống Nhất trước sự ngơ ngác và hoàn toàn bó tay của bọn cai tù...
Cũng vì những cuộc vượt ngục liên tiếp xảy ra, bọn y sỹ Việt cộng và quản giáo trại bệnh duyệt xét lại tất cả các bệnh án của tù bệnh. Chúng đuổi về trại một số anh em bên khu thường bệnh. Vĩnh không bị đuổi về trại, ngược lại, theo như lời rỉ tai của bác sỹ Khái, anh và Nhỏ sẽ được ra hội đồng y khoa nay mai. Nghe được tin này, Vĩnh không khỏi không vui trong bụng. Và rồi cùng với Nhỏ, Vĩnh vật một con gà nuôi mấy tháng qua của Nhỏ nấu cháo đãi cả trại bệnh. Khi nồi cháo gà được bưng để trên một tấm sạp trước sự chứng kiến của mấy ông bác sỹ và mấy người bạn thân thiết, Vĩnh mở vung ra. Từ già tới trẻ, từ trên xuống dưới, đồng loạt đặt bát của mình quanh nồi cháo với đôi mắt thèm thuồng. Mùi gà bay quyện trong không khí thơm lừng. Vĩnh thọc hai cái thìa lớn banh thây con gà trong nồi cháo để một phần nước béo trong con gà được hòa vào với nồi cháo. Ngay lúc ấy, một vài điểm trắng to hơn hạt gạo bỗng từ trong con gà nổi phều lên trên mặt nồi cháo. Chưa ai nhìn thấy nhưng Vĩnh đã nhận ra ngay. Đó là những con dòi, những con dòi ngoài cầu tiêu mà không con gà nào nuôi trong trại tù không biết tới. Vĩnh đang lúng túng thì thêm một số nữa nổi lên. Ông Thiết là người thứ hai khám phá ra. Ông la lớn.
- Ối trời ơi hai thằng cha này làm gà bộ bỏ sót bộ đồ lòng hả. Sao dòi không vậy này?
Tiếp theo đó là tiếng cự nự, cằn nhằn của mọi người nổi lên. Người bị quy trách nhiều nhất là Chung Văn Nhỏ vì Nhỏ làm bộ đồ lòng, đã quên không mổ phao câu lại còn để nguyên cái bầu diều quăng vào nồi cháo. Thế nhưng, không quá năm phút sau đó, nồi cháo vẫn hết sạch, hết không còn một tí gì...