Số lần đọc/download: 491 / 27
Cập nhật: 2019-12-06 09:23:40 +0700
56 - Cha Bố Tiên Sư Thằng Bảo Thái
O
phủ vua ra về, Trạng Quỳnh nghĩ ức lắm, vì cho thái độ của vua như thế là quá khi thị mình, nên lấy chồng bạc ấy đem ra ngoài chợ Thăng-long đặt cọc hết thẩy các hàng thịt trâu bò dê lợn. Quỳnh rỉ tai họ bảo: « Ngày mai này nhà tôi có đại tiệc, vậy tôi đặt cọc trước, các ông các bà hãy để cho tôi hết và nhờ làm ơn thái nhỏ ra hết để tôi cho người ra lấy, và trả tiền luôn thể ».
Các tay hàng thịt mừng thầm tưởng vớ được món to, nên nhất loạt hôm ấy chẳng bán cho ai cả, cứ thi nhau mà thái. Nhưng chờ đến trưa, chẳng thấy bóng vía ông khách hàng đặt đâu, mà đã thái nhỏ ra rồi, còn bán cho ai được. Chờ mãi không thấy, cho đến xế chiều, họ nghĩ ức quá, mới kéo nhau ra cổng chợ mà hò thẳng bảo thái ra chửi, họ chửi chẳng trừ một tiếng thô tục nào. Bảo thái có nghĩa là bảo mình thái thịt, nhưng « bảo thái » lúc ấy lại chính là tên hiệu của vua Lê-Dụ-Tôn. Thế là tất cả đều bị quân túc vệ đổ ra vây bắt để đưa qua bộ Hình vì tội thóa mạ nhà vua và chắc có âm mưu nổi loạn. Báo hại quan bộ Hình phải mất công cả ngày mới rõ được lý do mà tha cho về hết. Nhà vua sau biết câu chuyện ở nơi Trạng-Quỳnh ra, nhưng không có lý để buộc tội, nên phải lờ đi cho xong chuyện. Còn muốn tư sang phủ Chúa để xử phạt, thì lúc đó giữa vua và chúa Trịnh-Cương lại có sự bất hòa, nên việc lại bỏ luôn, vì đã nhiều lần Chúa muốn nhà vua phải truyền ngôi cho thái tử là Duy-Phường. (Sau vua Dụ Tôn phải làm theo và mất vào năm Tân-Hợi (1731). Duy Phường làm vua, khi chúa Trịnh Cương mất, thì bị Trịnh-Giang truất phế rồi giết đi, để lập người em là Duy Tường lên thay tức vua Lê-Thuần-Tôn).