Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Chương 57: Những Giọt Nước Mắt… Kịch!
M
iên man chìm đắm trong mối tơ vò tư tưởng, bỗng nghe chốt cùm rút đánh xoạch một tiếng, tôi giật mình như choàng tỉnh một cơn mộng ngày. Thì ra, đã đến giờ lấy cơm chiều. Mải say sưa trong suy tư đến quên cả cái đói chờ cơm! Như vậy, quả thực tôi cũng thấy mình đam mê quá. Vấn đề tôi vừa trình bày, cũng đã lôi cuốn chính tôi nhiều, chứ hầu như khó có một cái gì làm tôi suy nghĩ đến độ quên được, sắp tới giờ cơm; nhất là lúc sau này tôi cứ thấy đói luôn. Có lẽ, thời gian ở “cát xô”, vì bệnh tật đau đớn, người hình như nằm một chỗ không xê dịch, nên tuy ăn uống có thiếu thốn hơn, chỉ vừa đủ sống, nhưng tôi cũng không thấy đói lắm. Bây giờ, trở về xà lim đã gần một tháng, cơ thể dần dần bình phục lại, kể cả tinh thần sau vụ trốn không thành cũng dần được ổn định; vì thế, cơ thể tôi càng đòi hỏi ăn quá chừng. Đến cái độ, chuyện cung kẹo, tin tức tình hình trên đài mỗi ngày mỗi diễn tiến gay cấn như: “…Mỹ sắp đem quân chiến đấu vào miền Nam, các phái đoàn quân sự cao cấp của Liên Xô đến Hà Nội…”, nói chung tình hình đang ngày càng trở nên căng thẳng, hầu như tôi mặc kệ!
Tôi cũng hiểu rằng tình hình chính trị bên ngoài có tác dụng trực tiếp đến sinh mệnh đời mình, nhưng điều đó vẫn còn xa. Trước mắt, hàng ngày hàng giờ, là cái đói hành hạ dày vò cơ thể tôi. Hầu như, hàng năm, tôi khao khát thèm một bữa no, nghĩa là giá bất cứ có cái gì cho vào dạ dày cho căng căng một chút, để xem “cái no”…nó ra làm sao? Nhưng, ngày nào cũng như ngày nào, bữa cơm đến, chưa ăn, vừa quay đi quay lại một cái, đã hết rồi; chưa thấy tí gì trong bụng cả. Bụng muốn ăn đến ba, bốn; mà chỉ có một. Lại ở xà lim chỉ có một mình, xoay đằng trước, xoay đằng sau, cũng chỉ bốn bức tường, lấy cái gì nhét vào dạ dày bây giờ. Nếu giẻ mà ăn được, tôi cũng nhai. Lúc đó có lẽ tôi cứ phải ở truồng, bởi vì cứ vặt xé dần quần áo đút vào miệng. Cứ ngày này, qua ngày khác; tuần này, qua tuần khác; tháng này, qua tháng khác; rồi năm này qua, năm khác tới,…đêm ngày, lúc nào cũng đói.
Một đêm, không ngủ được vì đói, trằn trọc suy nghĩ rồi khó khăn đẻ ra sáng kiến; tôi tìm ra được một biện pháp để thuởng thức “cái no”, cho nó sướng đời một cái! Thế là cả một dự tính, và tôi quyết tâm thực hiện. Tự nhiên, trong dạ cũng thấy hưng phấn, đầy hy vọng chờ cho tới bữa cơm sáng hôm sau.
Vì có mục đích, nên tôi thấy cái đói hình như cũng đỡ cào cấu trong ruột. Khi lấy cơm vào, tôi đổ bát ra một cái khăn, chiếc khăn này làm bằng hai miếng giẻ to trong…nhà cầu, tôi đã vò kỹ nước và khâu lại. Tôi nhúng tay vào gáo nước rồi hì hục, thận trọng, nắm khăn chặt lại. Chỉ thỉnh thoảng có hạt cơm nào vô tình rơi ra, tôi mới cho phép mình…ăn. Tôi túm lại, lấy một sợi chỉ buộc, rồi treo lên cái que nhỏ cắm ở lỗ đinh trên tường. Xong, tôi quay lại húp hết bát canh, rồi chờ đem trả bát. Trả bát xong, lúc đó cũng phải 10 rưỡi, 11 giờ. Khi quản
giáo cùm xong, tôi nằm xuống. Trước khi nằm, tôi ngồi nhìn nắm cơm treo lủng lẳng ở bờ tường trước mặt, như gửi gắm với nhiều hứa hẹn là chiều nay sẽ có một bữa căng bụng. Sẽ được thấy cái cảm giác “no”…ra làm sao, mà lâu ngày tôi đã quên rồi.
Tuy nằm, nhắm mắt, nhưng làm sao tôi ngủ được, chả có cái cóc khô gì trong bụng cả (có chứ, có một tí nước canh, và mấy ngọn rau muống già, đểnh đoảng nấu muối). Chắc có vài chú giun cũng đang lồng lộn dãy dọn trong ruột tôi, vì phát ra những tiếng kêu “ò ọ” kéo dài như tiếng của thân những cây tre làng xiết vào nhau vì gió trong những trưa Hè oi nắng. Kế nữa là, bao nhiêu hy vọng đợi chờ, bây giờ sắp được thưởng thức, bảo sao tôi ngủ được. Tôi nghe từng tiếng thời gian đi, cho tới giờ cơm chiều để mà đã đầy thưởng thức, sau những giờ phút vặn ruột, co gan.
Chờ mãi, rồi giờ hạnh phúc ấy cũng phải đến. Phải nói, lúc ôm cái bô ra đổ, trên đường đi nhiều lúc mắt hoa, chân lảo đảo như uống rượu say; nhưng trong dạ dày đầy tin tưởng là hạnh phúc sắp và sẽ đến. Rồi, cho tới khi ra cầm bát cơm chiều vào, bấy giờ, với một cử chỉ hết sức trang trọng, như chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn để đón một người mà mình quý trọng nhất đời. Tôi vừa ăn, vừa nghe tiếng reo vui của quần chúng tế bào dạ dày, đón chào những hạt cơm no lành theo nhau vào nằm dưới đáy bao tử. Ăn hết nắm cơm buổi sáng, lại ăn bát cơm buổi chiều, phải nói rằng có căng bụng. Tôi cứ tưởng tượng dạ dày của mình lúc trước co dúm, nhăn nheo chỉ một tí. Vì lâu ngày có bao giờ được chứa theo khả năng của nó đâu, cho nên các tế bào đã co lại để hàng ngày đón nhận có một phần ba, hay một phần tư số lượng nó muốn. Hôm nay đột nhiên lại đón nhận một số lượng gấp đôi, nó cũng căng rồi. Nó phải làm việc khác ngày thường, nên nó thấy mệt. Vì thế, sau khi trả bát, cùm xong, tôi cũng phải nằm vật ra. Lần này, không phải vì đói, mà vì căng bụng. Hơi mệt, thở hổn hển, nhưng mà chao ôi, sao con người sinh ra trên cõi đời này lại có lúc được no sướng thế, lại được ăn những hạt cơm kỳ diệu làm sao!
Sau buổi ấy, tôi thấy sáng kiến đó quả là tuyệt vời; tuy nhiên cũng rất mệt người. Vậy, để thích ứng nhất, mỗi tuần tôi chỉ làm hai lần vào thứ Ba và thứ Sáu.
Tuần nào tôi cũng áp dụng, như thế, mỗi tuần tôi được hai lần đã đầy; có khi đê mê suốt đêm cho tới sáng hôm sau. Cũng có hôm bất chợt, tên cán bộ trực trước khi đóng chốt cùm, còn vào buồng ngó nghiêng một lượt; khi thấy một gói treo trên tường, y hỏi và bắt tôi lấy xuống cho y xem. Tôi lấy xuống và trả lời:
- Báo cáo, tôi đang ăn bị đau bụng, gói lại để chốc nữa khỏi đau sẽ ăn.
Tất nhiên, y làm sao hiểu được nỗi niềm và ý định của tôi.
Sáng hôm sau, lại là ngày Chủ Nhật, một Chủ Nhật đầu Đông. Xà lim lạnh ngóm, lại càng thấy vắng lặng hơn. Những trận gió Đông Bắc mò về sớm, từng đợt chui qua cửa sổ, lách qua mái ngói, gây ra những tiếng vi vu rền rĩ, càng gợi nỗi nhớ nhà đối với người tù. Tiếng “con mẹ chửi thuê” trên chạng ba của cây bàng ngoài sân trại đã bị tắt họng, không nói được nữa. Như thế là đã đến giờ hành chính (giờ làm việc) mà vẫn chả thấy tên cán bộ trực vào mở cửa cho tù ra đổ bô? Hàng tiếng đồng hồ trôi qua, xà lim vẫn yên ắng. Chắc các buồng khác cũng như tôi, cũng đang băn khoăn thấp thỏm vì sự bất thường này, nhưng đều chưa có lời giải đáp. Bỗng nghe nhiều những tiếng ồn ào, chuyện trò của một đám đông người gồm cả đàn ông, đàn bà đang đi vào, từ phía cổng xà lim.
Tôi hơi cau mày, vểnh tai nghe, và phán đoán. Khi nghe thấy tiếng mở cửa buồng số 2, rồi số 13, tôi đã hiểu. Đây lại là một phái đoàn tham quan nào đó, chúng đang bịp bợm đưa đến Hỏa Lò, nơi xà lim án chém.
Tôi đang nghĩ ngợi mông lung, đột nhiên một giọng miền Trung rành rọt từng lời:
- Kính thưa các đồng chí, nơi đây thực dân Pháp vô cùng dã man, tàn bạo đã dùng những loại cùm thế này để cùm các đồng chí Hoàng Văn Thụ và Trần Đăng Ninh. Hai đồng chí ấy đã kiên trì chịu đựng gian khổ, lấy máu xương để nhuộm thắm tình giai cấp. Hai đồng chí đã quyết tử, để cho đảng ta quyết sinh. Chúng ta ngày nay được thừa hưởng những thành quả của cách mạng vinh quang do máu xương của các đồng chí đã nằm xuống.
Một vài tiếng phụ nữ xụt xịt, rồi nức nở. Trong cảnh vắng lặng, tiếng nức nở làm xao xuyến xà lim. Nghe những tiếng xụt xịt run rẩy của mấy người phụ nữ, óc tôi miên man liên tưởng đến những phương pháp dắt, lái tư tưởng quần chúng của Cộng Sản thật đáng nể. Chúng áp dụng một phương pháp tinh vi và tuyệt vời, tạo những điều không có trở thành có theo ý muốn của các tên lãnh đạo.
Muốn có những người chảy nước mắt khóc lóc trong các cuộc biểu tình phản đối Mỹ, hoặc chính quyền miền Nam đã tàn sát (?) dân làng, đàn bà và trẻ em ở đâu đó, chúng chỉ cần phóng đại sự việc thành ghê tởm, thảm khốc.
Cụ thể như vụ Phú Lợi ở Biên Hòa chẳng hạn, trước đây, ở trên đài, trên báo, thậm chí ở các cơ quan nhà máy, chúng bắt quần chúng phải học tập, mổ xẻ phân tích nữa. Rằng thì là, trong một cuộc biểu tình của một huyện nào đó ở Nghệ An, để phản đối sự tàn bạo dã man của chính quyền Sài Gòn, chính quyền đã cho thuốc độc vào thức ăn để giết hại hàng nghìn tù nhân ở Phú Lợi. Chúng sẽ diễn tả quần chúng trong cuộc biểu tình đó đã phẫn uất vô cùng với
nhiều tiếng gầm thét, la ó, kêu gào, đau xót,…thậm chí đã có nhiều đồng chí đảng viên trung kiên, nhiều đồng chí đoàn viên ưu tú, và một số cảm tình đảng, cảm tình đoàn đã dạt dào tình thương giai cấp, đã nức nở thương các đồng chí ở nhà tù Phú Lợi như người nhà ruột thịt của mình, v.v… Chúng ca ngợi, đề cao những người khóc đó mới thực là gắn liền thịt da vào giai cấp, v.v…Để rồi, bây giờ chúng tổ chức cuộc biểu tình đó ở Hà Nội, chúng cũng reo hò, gầm thét, đả đảo chính quyền miền Nam.
Trong số hàng ngàn, hàng vạn quần chúng này, sẽ có nhiều đảng viên, đoàn viên, cảm tình đảng, đoàn, đang cuồng tín say sưa phấn đấu trong công tác, cũng như mong được vào đảng, vào đoàn. Vì trong lòng đang cuồng nhiệt, từ sự suy nghĩ, đến những xúc cảm tình giai cấp, tự ý niệm có thấy lòng xúc động và căm thù kẻ thống trị, mới là người của giai cấp vô sản thực sự; mặt khác, cũng để cho mọi cấp lãnh đạo thấy mình chính là người của giai cấp, cho nên tự nhiên thành xúc động “thật”, và nước mắt chảy ra. Rồi cũng nức nở như một số người khác vậy.
Như vậy, bây giờ sự “khóc” đã thành sự thật. Chúng đến gặp từng người, hỏi tên, phỏng vấn đưa lên đài, lên báo.
Chưa có sự thật, chúng còn làm ra thành có. Bây giờ, đã có sự thật rồi, chúng sẽ biết cách phát huy tối đa. Từ điểm đó, ta không lạ gì lắm khi xem những cuốn phim có nhiều người khóc nức nở để tỏ tình thương yêu những người bị tàn sát hàng loạt. Thậm chí, ta còn thấy những người đàn bà Ý, Pháp, Thụy Điển,…..khóc lóc, nước mắt chảy long tong, phản đối Mỹ đã ném bom tàn sát trẻ con, và đàn bà, v.v… Nhất là vụ Mỹ Lai sau này. Về mặt chính trị, điều này, chúng đã thu hoạch được những thành quả vô cùng to lớn. Những hình ảnh ấy có sức thu hút, lôi cuốn lòng người ghê gớm, và nhất là còn có…tác dụng dây chuyền.
Tôi phải thừa nhận, đấy là một nghệ thuật của chúng. Vậy, việc mấy con mẹ đang xụt xịt chảy nước mắt ở xà lim này, cũng không ngoài những tâm lý và điều kiện trên.
Mãi gần một tiếng đồng hồ, khi chúng đã đi ra rồi, cán bộ mới mở cửa buồng cho xà lim ra đổ bô. Nghe tiếng mở những chốt cùm, và đóng cùm ở các buồng, tôi chợt nghĩ, không biết các người tham quan lúc nãy có biết được xà lim này có 14 buồng. Vậy còn 12 buồng nữa, bên trong hiện giờ có bao nhiêu người đang bị những cái cùm của thực dân Pháp dã man ấy, khóa đôi chân không? Cho nên ở trên đời này, nhất là thời đại ngày nay, người ta lầm nhiều lắm, mà vẫn cứ đinh ninh là mình sáng suốt, đã biết rõ mới chết chứ!
Càng gần về trưa, trời càng sáng dần, có lẽ bên ngoài đã có mặt trời. Ban ngày về mùa Đông, ở miền Bắc, mặt trời hay nguợng ngập che màn, cho nên cảnh vật càng lạnh lẽo, đìu hiu.
Tiếng loa trưa đang ra rả nói về tên Nguyễn Đức Thuận nào đó, vì vậy, tôi lắng nghe. À! Chúng nó đang ca ngợi tinh thần kiên trì chịu đựng của Thuận trước sự đàn áp dã man vô nhân đạo, tàn ác nhất loài người, hơn cả phát xít Hitler, của chế độ Ngô Đình Diệm. Theo chúng, Nguyễn Đức Thuận đã bị giam hãm gần 3 năm trong xà lim buồng tối, thiếu thốn hết mọi thứ, đến nay mới được thả và chỉ còn da bọc xương. Nhân dân miền Bắc đang săn sóc, bồi dưỡng sức lực lại cho Thuận, để đồng chí Thuận sẽ viết lại những ngày gian khổ cùng cực trong bàn tay đầy máu của Ngô Đình Diệm, để tố cáo với thế giới loài người. Đó là một tấm gương bất khuất trong nanh vuốt của kẻ thù…
Hàng tháng trời, chúng cứ ra rả về Nguyễn Đức Thuận, y đang viết tác phẩm hồi ký “Bất Khuất”. Y là cán bộ trung ương, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt. Sau gần 3 năm ở xà lim, chẳng hiểu vì sao bây giờ y được tha. Và được đưa về miền Bắc. Rồi cuối cùng, y làm Phó chủ tịch Tổng Công Đoàn, mà Hoàng Quốc Việt là chủ tịch.
Tôi không muốn nghe, mà cứ phải nghe, đầu tôi muốn nóng lên. Ít ngày sau, tôi đi cung, trên đài vẫn còn nói nhiều về tên Nguyễn Đức Thuận, với cuốn hồi ký “Bất Khuất” của y. Khi vào gặp chấp pháp, tôi chẳng sợ quái gì, tôi hỏi thẳng:
- Ở trên đài, dạo này, các ông đang nói về Nguyễn Đức Thuận bị chế độ vô nhân Ngô Đình Diệm bắt giam trong buồng kín xà lim gần 3 năm. Các ông bảo là Ngô Đình Diệm dã man tàn ác. Vậy trường hợp của tôi cũng đã gần 3 năm rồi, và còn chưa biết đến bao giờ thì sao?
Mắt tên Thành quắc lên. Từ trước, y vẫn là người có vẻ có cảm tình với tôi, chưa bao giờ nổi nóng như vậy. Y đập mạnh tay xuống bàn:
- Anh không được nói láo? Anh dám ví anh với người cách mạng à?
Thấy y nổi sùng, tôi im lặng, rồi nhỏ nhẽ nói:
- Thưa ông, tôi không bao giờ dám ví tôi với ông Nguyễn Đức Thuận. Nhưng, tôi thấy ông Nguyễn Đức Thuận ở cấp Trung Ương Đảng, mà Ngô Đình Diệm bắt được lại còn thả ra, cũng như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình, Đào Sĩ Chu, v.v…đều đã bị bắt, nhưng rồi cũng đã được Ngô Đình Diệm thả hết. Có lẽ, vì ông Diệm thấy họ là cán bộ Trung Ương của đảng, nên không dám giam lâu. Tôi thắc mắc, không biết, nên hỏi ông vậy thôi. Chứ tôi là loại “tép riu”, đời nào tôi dám ví với ông ấy.