Reading well is one of the great pleasures that solitude can afford you.

Harold Bloom

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 57
ừ đó Ngữ bắt đầu sống cuộc đời của đa số những người không có tên trong hộ khẩu, sống bất hợp pháp trên các vỉa hè của Sài gòn. Họ gồm những người lao động buôn thúng bán bưng, những người lỡ đi kinh tế mới không chịu đựng nổi rừng thiêng nước độc và đói khát phải trở về Sài gòn lây lất bươi chải kiếm ăn từng bữa, những tù cải tạo thoát được khỏi vòng kẽm gai để vào một nhà tù mênh mông hơn, những kẻ liều lĩnh từ miền Bắc vào miền Nam mong thoát được ít lâu cái không khí u ám…
Trong những người đồng cảnh ngộ, Ngữ chỉ là một tay mơ. Chàng không liều lĩnh được như những dân từ vùng kinh tế mới về, vợ chồng con cái trải chiếu giăng màn la liệt dọc đường Trần Hoàng Quân dưới Chợ lớn. Họ đúng là những người đã mất hết, nên hoàn toàn tự do, không còn sợ gì nữa. Công an không dám đụng tới họ. Bị tù họ càng khỏe, vì khỏi phải từng ngày dắt díu nhau tìm bươi những đống rác hôi thối lấy thanh sắt nhọn ghim những bao ny lông, giấy đi cầu, giẻ rách thu thập đem bán cho vựa ve chai lấy tiền đong gạo. Đúng như là Lénine viết, họ không còn gì để sợ mất. Có mất chăng là mất xiềng xích. Chết là một hạnh phúc.
Ngữ còn có khá nhiều điều quý giá để phải sợ mất. Chàng không muốn Quỳnh Trang chứng kiến đời sống lam lũ thất thểu của mình. Lấy cớ cả ngày ở Thị nghè để khỏi bị Công an Lý Thái Tổ làm khó dễ, Ngữ dọn đồ nghề ngồi sửa và vá xe đạp ở Sở thú, đối diện với mấy chai xăng giả của mẹ bày bên kia đường. Trưa nào hai mẹ con cũng ngồi ăn cơm chung với nhau sau bức tường một căn nhà đổ, vừa ăn vừa trông chừng các khách hàng mua bán xăng và sửa xe. Buổi tối chàng đạp xe về Lý Tháí Tổ với vợ con, góp tiền để Quỳnh Trang đong gạo. Nhờ khiếu nại, gia đình ông bà Thanh Tuyến được xóa tên khỏi danh sách những tư sản mại bản, tài sản không bị tịch thu, không bị bắt buộc đi kinh tế mới, nhưng kinh nghiệm xót xa đó thay đổi hẳn lối sống của hai vợ chồng già. Bà Thanh Tuyến không thiết gì chuyện buôn bán nữa, tuyên bố rõ với các con là từ nay ông bà sống nhờ vào số quà Quỳnh Như gửi về. Ông Thanh Tuyến thì viết thư cho Quỳnh Như bảo con gái lập thủ tục bảo lãnh cho cha mẹ di cư sang Mỹ. Quỳnh Như mừng rỡ như người sắp chết đuối vớ được tấm ván. Nàng đã ly dị với Dale khi biết chồng lén lút sống chung với cô thư ký làm việc tại văn phòng địa ốc. Quỳnh Như viết rằng cuộc đời nàng từ đây đã định hướng rõ rệt: đi làm kiếm tiền gửi về giúp đỡ gia đình, rán cần kiệm để mua một căn nhà nhỏ có vườn ở vùng yên tĩnh và chờ ngày mẹ qua. Quỳnh Như viết một câu khiến bà Thanh Tuyến bật khóc: “Đời con coi như bỏ đi rồi. Con còn sống đến ngày nào chỉ vì thầy me. Ngày hạnh phúc nhất của đời con sẽ là ngày con được đón thầy me ở phi trường”.
Biết những gói quà của em là nguồn tài chánh duy nhất còn lại của thầy me, Quỳnh Trang không còn dám hỏi mượn tiền mẹ nữa. Nàng phải tự xoay xở lấy. Ngữ long trọng hứa với vợ, là ít nhất mỗi ngày chàng cũng kiếm đủ tiền cho Quỳnh Trang đong gạo. Cho tới nay, Ngữ giữ đúng được lời cam kết, trừ những hôm bị Công an Sở thú đuổi không cho hành nghề, tối về đành ngượng nghịu chịu lỗi với vợ. Những dịp ấy, hai vợ chồng bùi ngùi nhìn nhau khóc và họ yêu thương nhau hơn.
Quỳnh Trang gầy ốm hơn trước, đôi mắt lúc nào cũng hớt hải, lo sợ những điều bất trắc. Tuy vẫn làm cái nghề buôn bán chui cà phê, Quỳnh Trang không lo sợ cho mình. Nàng cứ lo cho Ngữ. Buổi tối Ngữ thường ngủ say sau một ngày lao động mệt nhoài. Phần Quỳnh Trang, nàng không yên giấc. Tiếng chân đi lại ngoài lề đường rồi im bặt đột ngột bên kia cánh cửa sắt cũng làm cho nàng giật mình. Ban đêm có ai đập cửa, nàng vội đánh thức Ngữ dậy. Nàng sợ Công an phường bất chợt bố ráp xét sổ hộ khẩu. Nhìn đâu nàng cũng thấy những đôi mắt cú vọ đang theo dõi xoi mói. Màu áo vàng nào Quỳnh Trang cũng nhìn thấy màu áo vàng mầu ruột khoai của Công an.
Quỳnh Trang lo sợ cũng phải, vì nếu Công an chận lại xét hỏi, Ngữ có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Không hộ khẩu, không nghề nghiệp, không thuộc loại lao động sản xuất, lý lịch là tù cải tạo được tạm tha. Ngữ thuộc thành phần “ăn bám xã hội, phá rối trị an”. Mỗi lần bị Công an Sở thú đuổi không cho bày đồ nghề vá xe ở lề đường bên này dốc cầu, Ngữ đều bị nghe cùng một luận điệu dạy dỗ từ miệng những cậu công an tuổi non choẹt nhưng có đôi mắt lạnh và sắc như dao.
Bị quấy rầy mãi, Ngữ chuyển sang nghề chở thuê đồ gốm Biên hòa cho các tổ hợp bán đồ gốm dưới Chợ lớn. Dụng cụ hành nghề là một chiếc xe đạp “đặc chế”’ thành xe vận tải; sườn xe là sườn Mobylette, bánh xe niền sắt, tăm xe loại lớn đủ sức chống đỡ trọng tải cao, pédale là hai thanh sắt hàn dính với bàn quay, ghi đông là ghi đông xe Alcyon vạm vỡ có tận hồi Tây thuộc địa. Ngữ dùng chiếc xe thồ đặc chế chở mỗi lần tám cái thạp da lươn của lò gốm Biên hòa, loại người ta dùng đựng ngũ cốc hoặc nước uống. Cái khó ban đầu của nghề nghiệp là làm cách nào cột chặt tám cái thạp lên porte bagage của chiếc xe đạp. Ngữ nhờ một bạn tù cải tạo dẫn vào nghề, và phải mất cả tuần lễ mới tự mình chất hàng lên xe được. Trên đường hành nghề, Ngữ oán hận những kỹ sư cầu cống đã vẽ kiểu cho cây cầu xi măng Tân cảng. Đã đành người vẽ kiểu phải làm sao để cây cầu dài rộng này không làm trở ngại những tàu bè qua lại trên sông Sài gòn. Nhưng họ quên là có một ngày nào đó, một tù cải tạo bị thương ở ống chân trái phải dùng xe đạp chở tám cái thạp lớn rướn người cong lưng đạp lên thành pédale, leo cho hết cái dốc cầu dài vô tận, để lấy tiền mua gạo độ nhật. Nhiều hôm đuối sức Ngữ phải dừng lại ở lưng chừng dốc để thở. Lúc đó, Ngữ phải gếch thành pédale lên thềm cầu, rồi lấy thanh gỗ chống một bên xe đạp trước khi yên tâm thả ghi đông ra, ngồi xuống thềm cầu hưởng một chút gió sông.
Ngữ phải bỏ cái nghề nhọc nhằn này sau một tai nạn nghề nghiệp không phải do Ngữ. Chàng đã mau chóng trở thành một dân xe thồ chuyên nghiệp. Từ tám cái thạp, Ngữ đạt kỷ lục chở một lần được tới mười cái. Leo lên dốc cầu Tân cảng không còn là một khổ hình nữa. Số tiền kiếm được cao gấp ba số tiền vá xe. Hôm đó Ngữ chở mười cái thạp đổ dốc cầu Thị nghè, vừa liếc nhìn về phía mẹ ngồi bán xăng thì một chiếc Molotova từ phía sau vượt qua mặt Ngữ, đột ngột ép sát lề bên phải phanh gấp lại để bán xăng lậu cho bà Văn. Ngữ không phanh kịp chiếc xe đặc chế. Vành bánh trước cong vòng xiêu xó. Mười cái thạp vỡ vụn, mảnh tung tóe khắp mặt đường, làm trở ngại đến nửa giờ giao thông. Chiếc xe bộ đội phóng chạy khi thấy Công an áo vàng đạp xe tới. Bà Văn mất một mối hàng. Ngữ mất vốn, lại còn bị cảnh cáo là làm rối trật tự công cộng, phá hoại nếp sống văn hóa mới. Ngữ chuyển sang nghề đạp cyclo từ đó tới nay.
° ° °
Ngữ bằng lòng với cái nghề lương thiện này. Địa điểm hành nghề của Ngữ vẫn xa khu Lý Thái Tổ, cho Quỳnh Trang đỡ ngượng hoặc áy náy vì chồng. Ngữ thường đưa chiếc cyclo chờ khách đi xe lửa ở ga Bình triệu hoặc những khách đi chơi Sở thú, đi chợ Thị nghè. Chàng nghĩ từ đây cho đến lúc già yếu không đạp nổi cyclo nữa, cuộc đời của chàng dính liền với cái yên bọc vải bố của chiếc Cyclo thuê tháng.
Để thơ mộng hóa cuộc sống nhọc nhằn, Ngữ vẫn thường nói đùa với bạn bè rằng, chiếc cyclo là con ngựa hồng đưa chàng đi dạo chơi khắp xó xỉnh của cuộc đời, giúp chàng chứng kiến tận mắt mọi bi hài kịch của nhân sinh, cuộc đời mở rộng đến mênh mông, chàng sẽ đầy đủ chất liệu để nếu có dịp, sẽ viết những tác phẩm lớn.
Những mẩu chuyện chàng kể trong tác phẩm ấy là những mảnh vụn của đời sống, có thể mới nhìn thì rời rạc không liên hệ gì nhau, nhưng từ xa mà nhìn, những mảnh ấy sẽ hợp lại thành một toàn cảnh lớn lao óng ánh đủ màu sắc, giống như những chấm sơn màu trên các bức tranh ấn tượng của Renoir.
Mẩu chuyện Ngữ thích kể đi kể lại với bạn bè là kinh nghiệm đầu tiên khi Ngữ mới bước vào nghề. Hôm đó, Ngữ đưa cyclo ra đón khách ở ga Bình triệu. Là dân mới nhập làng, Ngữ không chọn được những chỗ đắc địa. Các ma cũ cũng không dại gì chỉ vẽ cho Ngữ biết nên chờ chỗ nào thì các con buôn chở hàng về ga thường đẩy hàng xuống để tránh tai mắt bọn công an kinh tế. Ngữ dại dột đẩy xe tới chỗ hành khách ra khỏi ga để đón khách, chờ mãi mới biết mình lầm. Hành khách thường không buôn bán đều có thân nhân dùng xe đạp đèo về, số còn lại nhất định đi bộ để tiết kiệm. Ngữ chờ cả buổi, cuối cùng mừng rỡ được một người đàn ông đội mũ vải màu đen kêu vào ga khuân giúp ông ta mấy gói hành lý, trong khi ông bận tính tiền nong với một người đàn bà cũng có vẻ dân buôn. Ngữ khấp khởi mừng, nghĩ đã gặp được khách sộp, chưa trả giá đã gọi Ngữ khuân hành lý ra xe.
Ngữ khuân mấy gói hành lý ra cyclo xong, lên yên ngồi sẵn để chờ ông khách. Ông này xong công việc, ra khỏi ga vội leo lên ngồi trên cyclo bảo Ngữ chạy về Đa kao. Ngữ quên mất điều quan trọng là ra giá, rướn người bắt đầu đạp. Ông khách, ngược lại, vừa ngồi yên trên nệm xe đã quay lại hỏi Ngữ:
- Giá bao nhiêu hở bác?
Ngữ bật cười, đáp:
- Anh cho mười đồng. Bộ tôi già lắm sao mà anh kêu bác?
Ông khách đột nhiên nhìn sững vào mặt Ngữ, hỏi:
- Ủa, có phải trung úy Ngữ không?
Ngữ chột dạ, quên cả đạp chân lên pédale. Chiếc cyclo chạy hết trớn, rồi dừng lại ở vệ đường. Ông khách vội nhảy xuống xe, giọng rối rít:
- Phải rồi, đúng trung úy. Ông thầy, không nhớ em sao ông thầy? Em là trung sĩ Cương ở Phú bổn.
Ngữ nhớ lại hết! Đúng là anh trung sĩ làm việc dưới quyền Ngữ suốt hai năm ở Cheo reo. Ngữ mừng rỡ nhảy xuống xe:
- Ủa Cương. Cậu đội mũ tôi không nhận ra. Đi đâu đây?
- Em vừa từ Tuy hòa vào đây thăm mấy đứa em. Sẵn tiền mua một ít hàng bán để bù tiền xe. Trung úy khổ quá, trung úy.
Ngữ cười, giấu chua chát:
- Cả nước khổ chứ đâu phải chỉ một mình tôi. Cương lên xe đi, tụi mình vừa đi vừa nói chuyện.
- Úy, em đâu dám, ông thầy. Em út mà ngồi để cho ông thầy cong lưng đạp thì còn trời đất gì nữa. Đa kao cũng gần mà. Em phụ ông thầy đẩy xe để thầy trò mình vừa đi vừa nói chuyện.
Ngữ lắc đầu:
- Không được. Tôi đạp cyclo để sống, thầy bà gì nữa đâu. Anh lên xe đi. Anh đi cyclo của tôi cũng như đi xe của người khác.
Anh trung sĩ không dám, cũng không biết phải giải quyết ra sao, vì dù đã nói cả hai đều biết không thể cứ đi bộ đẩy chiếc cyclo từ đây về tới Đa kao. Cuối cùng, Cương đề nghị:
- Thôi em đề nghị thế này cho phải đạo. Ông thầy ngồi lên đi, để em đạp cyclo cho.
Ngữ dẫy nẩy:
- Không được. Hôm nay tôi ra nghề, làm như vậy chướng lắm. Thôi, tôi dung hòa. Tôi đạp một đoạn. Cương đạp một đoạn. Tôi bớt tiền xe, chỉ lấy năm đồng thôi.
Cương cười:
- Cũng được. Em xin trả đủ tiền xe cho ông thầy. Ông thầy cho em được đạp xe chở ông thầy trước để đúng hệ thống quân giai, quan ra quan, lính ra lính. Gần tới Đa kao thì ông thầy chở em, để tụi em của em khỏi tưởng em điên!
° ° °
Những lần chở khách về miệt Tân bình, Ngữ thường tiện đường ghé thăm gia đình Trung tá Thanh. Mỗi lần đến, Ngữ thấy căn nhà cũ tiều tụy xơ xác thêm. Những gì gỡ được đem ra bán chợ trời đều đã gỡ mất, từ gạch hoa trên nền nhà, cái đồng hồ đo điện, ngọn đèn néon, mấy tấm tôn lợp mái chái bếp. Cả nhà đổ ra đầu đường tìm sống. Bà Thanh nghe lời Quỳnh Trang bán đồ cũ một thời gian không khá, trở về vùng Chí hòa tìm chỗ mở quán cà phê vỉa hè. Cô con gái đầu lòng tốt nghiệp xong trường phổ thông cấp ba Nguyễn Thị Minh Khai thi vào đại học không đậu do lý lịch xấu, đành ở nhà phụ mẹ bán cà phê. Sắc đẹp ngoan hiền của cô giúp cho quán cà phê đắt hàng, mà mấy cậu Công an phường Chí hòa cũng không nỡ làm khó dễ. Cô con gái kế thấy học hành tới nơi tới chốn cũng không được gì, xong lớp 11 thì tự ý ở nhà, thay chị bán cà phê để bà chị giàu kinh nghiệm đi mở thêm một quán cà phê khác gần Ngã ba Ông Tạ. Cậu con trai út (mà một lần Ngữ gặp ông Thanh dẫn con đi ăn kem ở tiệm Mai Hương) nay đã là một cậu thiếu niên cao mà gầy, mép lún phún râu măng, mặt có mụn và tiếng nói bị bể giọng. Mỗi lần Ngữ tới cậu út thường nằm quấn chăn ngủ ngay trên sàn nhà lồi lõm một cách ngon lành, chủ khách nói lớn tiếng bao nhiêu vẫn không lay nổi cậu dậy. Bà Thanh thường ái ngại nhìn con, nói như xin lỗi:
- Chú Ngữ đừng phiền nhé. Cháu nó ngủ bừa bãi, trông luộm thuộm đến là! Đêm qua cháu vác bột cả đêm, mệt quá.
Bà Thanh xin cho con một chân tổ viên tổ hợp sản xuất mì sợi, một nghề thịnh hành thời bấy giờ. Như vậy là cả gia đình đều phải lao ra đường kiếm sống, không ai ở không. Bốn người cùng đi làm, thế mà gạch hoa cứ lần lượt chạy ra chợ trời đường Cách mạng Tháng Tám, tôn gỗ chạy xuống bến Chương dương. Lần đầu tiên được giấy phép ra thăm nuôi chồng, bà Thanh vẫn phải lên Lý Thái Tổ vay tiền Quỳnh Trang. Mỗi lần Ngữ ghé thăm, bà Thanh vừa mừng vừa lo, vì gặp Ngữ lại cứ nhớ đến các món nợ cũ, cứ nghĩ Ngữ lên đòi nợ hộ vợ.
Lần thứ nhất đi thăm nuôi chồng ở Thái nguyên về, bà Thanh tìm Ngữ để kể cho Ngữ nghe tình trạng sức khỏe của ông Thanh. Hồi đó ông còn khỏe, dù có ốm hơn trước nhiều. Bà không lo lắng cho sức khỏe của chồng. Bà khóc với Ngữ, vì bà nghĩ tâm hồn ông đã đổi khác. Đổi khác thế nào? Bà Thanh thú nhận chỉ biết mơ hồ, nhưng nhất định là đã đổi. Bà bảo giữa vợ chồng có những liên cảm tế nhị mà chỉ cần nhìn lướt qua, bà thấy ngay. Vất vả một tuần đi đường, đến nơi bà chỉ được gặp chồng không được nửa giờ. Trừ đi thời gian hai người nghẹn lời im lặng nhìn nhau, thời gian bà khóc và ông dỗ, thật ra họ chỉ còn độ mười phút tâm tình. Bà nói với Ngữ:
- Chú biết tính anh rồi chứ gì? Cái gì không phải, anh nói ngay. Anh ấy thích cái gì cũng rõ ràng, quang minh. Tôi gặp anh ấy, nói vài lời đã thấy có gì khang khác. Tôi kể chuyện nhà, bảo cháu Thục mở hàng cà phê ở Ngã ba ông Tạ, khéo ăn khéo nói nên nhờ Trời quán cũng đông khách, một cậu người Hoa dưới Chợ lớn mê con bé ngày nào cũng ghé lại, còn hứa là nếu cháu cho làm đám cưới, gia đình cậu sẽ đưa cả gia đình tôi vượt biên. Tôi kể cho vui miệng để nhà tôi yên tâm chuyện sinh sống của bốn mẹ con ở nhà, thế thôi. Tôi còn sợ nhà tôi trách không dạy dỗ chăm sóc các cháu gái lớn, nên nói thêm là cháu Thục cười quá, bao nhiêu lời tán tỉnh của cậu kia đem về kể hết cho tôi nghe. Chú Ngữ biết nhà tôi nói gì không? Nhà tôi nghiêm nghị bảo là nếu tôi thấy được, nên cho cháu Thục lấy chồng. Nhà tôi còn nói… còn nói rằng nếu có cơ hội ra đi, thì bốn mẹ con nên đi, nhà tôi ra trại sẽ tìm cách đi sau. Tôi lo quá. À, tôi quên chưa kể cho chú nghe là khi nộp giấy phép để thăm anh, ông Công an giám thị đọc tên anh xong, nhếch mép cười rồi bảo tôi rán giáo dục chồng. Hắn nói anh còn ngoan cố lắm, chưa chịu cải tạo tốt.
° ° °
Cuối năm 1979, lúc tình hình biên giới Hoa Việt căng thẳng rồi Trung quốc mở cuộc tấn công qua Việt Nam sau khi Việt Nam đưa quân qua Kampuchia lật đổ chính quyền Pol Pot, trung tá Thanh được chuyển từ Thái nguyên về trại tù ở Thanh hóa. Bà Thanh biết được điều đó khi nhận giấy phép thăm nuôi chồng lần thứ hai.
Ngữ ghé thăm đúng vào lúc gia đình bà Thanh đang bối rối. Không phải như những lần trước, bà Thanh lúng túng lo âu chuyện tiền nong. Hai quán cà phê đều có khách đông, bà đã trả được một phần nợ cũ. Phí tổn một lần thăm nuôi ngoài Bắc cao, nhưng vào lúc này, bà đủ sức tự lo lấy, khỏi phải vay mượn Quỳnh Trang. Điều khiến bà Thanh bối rối là những biến động hoang mang xảy ra gần đây dưới Chợ lớn. Phong trào vượt biên bán chính thức bắt đầu, gia đình cậu thanh niên người Hoa mê Thục đang liên lạc với chính quyền để đứng ra đóng tàu vượt biển. Cậu vẫn say mê Thục, nhắc lại đề nghị cũ mỗi lần ghé quán cà phê. Cô gái chưa có nhiều cảm tình với người khách mê mình, nhưng nghĩ tới cuộc sống trong một nền văn hóa khác, giữa một tập tục khác tại một nơi chốn khác, Thục vẫn thấy có cái hấp dẫn quyến rũ, khác hẳn nếp sống đều đặn, nhàm chán, khổ cực lâu nay. Thục đem hết mọi chuyện kể với mẹ, vừa hy vọng mẹ chấp nhận để bước thêm một bước vào cuộc đời mới, lại vừa mong mẹ chối từ để chấm dứt chuyện nhì nhằng này đi. Bà Thanh do dự. Bà muốn bàn kỹ với chồng việc này. Bà định nếu ông Thanh đồng ý, bà sẽ cho vợ chồng Thục dẫn hai đứa em ra đi, còn bà thì ở lại chờ chồng về. Bà nghĩ giải pháp đó là cách duy nhất cho các con có tương lai, tuy bà vẫn lo là rồi ra Thục có thể thích hợp với một nếp sống xa lạ hay không, và vợ chồng bà sẽ thế nào khi phải đành đoạn xa cách ba đứa con thân yêu.
Bà Thanh hỏi Ngữ:
- Chú nghĩ sao? Chú nghĩ nhà tôi có thuận không?
Ngữ suy nghĩ một lúc, rồi đáp:
- Em nghĩ có lẽ anh Thanh sẽ bằng lòng. Thật ra chỉ còn cách đó. Vả lại chính anh đã nói với chị chuyện đó từ kỳ thăm nuôi trước.
- Không. Lần trước anh ấy nói thế, nhưng giọng nói không vui. Giọng anh ấy như giọng người thất chí, chán nản. Họ đưa nhà tôi vào Thanh hóa thì chắc là sắp cho về, phải không chú?
Ngữ nói cốt cho bà Thanh vui:
- Có lẽ thế. Dù sao ở Thanh, khí hậu cũng đỡ hơn ngoài Thái.
- Tôi nghe người ta nói cái trại đó nổi tiếng lắm. Bọn cai tù gay go lắm, không biết họ dọa cho tôi sợ hay đúng như thế?
Ngữ hỏi tên trại giam, nói dối lần nữa:
- Họ dọa đấy chị ạ. Chị đỡ phải đi thêm một đoạn đường.
- Tôi tính dẫn cháu Thục theo để nó thưa chuyện với bố, sẵn anh ấy có căn dặn gì thì căn dặn. Nên không hở chú?
- Chị nghĩ như thế cũng phải. Nhưng hàng họ ai trông?
- Con Hiền nó trông hộ chị nó. Đằng nào nếu đi được, ba chị em qua đó thì con Thục làm lớn, trách nhiệm nhiều. Bố con cần gặp nhau để anh ấy dặn dò khuyên nhủ con.
Ngữ hỏi ngày bà Thanh đi thăm nuôi, hứa hôm đó sẽ đem cyclo đến chở hai mẹ con bà lên ga.
Đúng hẹn, Ngữ đến nhà Trung tá Thanh thì gặp cảnh ba bốn người công an đang xúm lại tra vấn chủ nhà. Ông Thanh đã trốn trại, và họ nghi là ông đã về Sài gòn và ghé thăm vợ con.
Năm tháng sau, cả gia đình bà Thanh vượt biển theo diện người Hoa. Không ai biết ông Thanh còn sống hay đã chết, và nếu còn sống thì đang ở đâu.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương