Nguyên tác: The Adventurers
Số lần đọc/download: 3228 / 32
Cập nhật: 2016-01-08 08:10:00 +0700
Chương 10
T
rụ sở ở New York của công ty Tàu biển Hadley nằm ở rìa khu tài chính, nhìn sang công viên Battery, trong một toà lầu cổ, tầng mười chín, dãy phòng ở trên mái bằng đã được sửa thành các văn phòng của ông Hadley. Đấy là một căn lớn, gồm năm phòng, trong đó có một nhìn ra hướng tây, xung quanh là kính để có một bức tranh toàn cảnh từ mọi hướng. Phía nam là tượng thần Tự Do và cảng, phía bắc và phía đông là những ngọn tháp của toà nhà bang New York, tổ hợp Rockefeller và cột tháp của toà nhà Chrysler mới hoàn thành. Các phòng khác gồm một phòng họp đồng thời cũng là phòng ăn riêng, một phòng bếp được trang bị đầy đủ, một phòng ngủ lớn và một phòng tắm.
Marcel đang đứng bên cửa sổ, quay lại khi Hadley bước vào.
"Xin lỗi vì đã để ông phải chờ" ông già nói. "Cuộc họp ban giám đốc lâu hơn chúng tôi tưởng".
"Không sao, ông Hadley. Thế tôi mới có dịp ngắm cảnh đẹp".
"Đẹp đấy" Hadley nói không chút xúc cảm khi ông đi đến sau bàn, ngồi xuống.
Bằng vào cái cách ông nói, Marcel không hiểu ông già đã thực sự nhìn qua cửa sổ lần nào chưa.
Hadley không lãng phí thời giờ chút nào. "Tin tức của tôi ở Âu Châu cho biết chiến tranh chỉ còn là vấn đề tháng, thậm chí có thể là một đôi tuần nữa thôi".
Marcel gật đầu. Chưa có gì để anh nói cả.
"Đại diện của Hoa Kỳ ở Âu châu sẽ trở nên khó khăn". Hadley nói tiếp. "Nhất là Tổng Thống lại tuyên bố sẽ ngả về phía Anh Pháp. Ông đã hứa với họ mọi trợ giúp cho những thiếu thốn vì chiến tranh. Như vậy có nghĩa là ở Mỹ, một số quyền lợi của Âu châu cũng sẽ gặp những khó khăn tương tự".
Marcel lại gật đầu. Anh bắt đầu hiểu câu chuyện tiếp theo.
"Chúng ta vẫn dành bao nhiêu tàu cho việc buôn bán đường ấy nhỉ?" Hadley chợt hỏi.
Marcel nghĩ một lát. Có chín chiếc đang đi biển, nhưng bốn chiếc thì lại chở hàng đến các nhà kho riêng của anh ở Brooklyn. "Năm. Và tất cả sẽ ở New York vào cuối tháng này".
"Tốt. Ngay sau khi xuống hàng, mọi tàu bè mà chúng ta có đều phải đưa đến Corteguay. Nếu chiến tranh nổ ra, bất cứ con tàu nào từ đây đi Âu châu cũng đều là mồi ngon cho tàu ngầm Đức". Ông cầm một tờ giấy trên bàn lên xem. "Ông có tin tức gì mới về Dax không?"
"Tổng Thống báo với tôi rằng anh ta vẫn ở Tây Ban Nha. Những thoả thuận với Franco đã gần như hoàn tất".
"Chúng ta phải báo cho anh ta rằng những thoả thuận này phải được hoàn tất càng sớm càng tốt. Tôi đã quyết định anh ấy sẽ là đại diện của chúng ta tại Âu Châu khi chiến tranh nổ ra".
Marcel nhìn ông. "Làm sao ông biết là Dax sẽ nhận? dù sao thì anh ấy cũng có làm việc cho chúng ta đâu".
Thoáng phiền muộn trên mặt Hadley. "Tôi biết, nhưng thế mới thực tiễn. Dax đại diện cho một quốc gia hoàn toàn trung lập. Anh ta được tự do ở Âu Châu, dù chiến tranh có lan tới đâu đi nữa".
Marcel lặng thinh. Anh bắt đầu hiểu người Mỹ. Giờ thì anh hiểu những sản nghiệp lớn đã được xây dựng như thế nào. Chiến tranh hay hoà bình thì doanh nghiệp kiếm tiền cũng không chấp nhận bất kỳ trở ngại nào. "Ông đã nói chuyện với Tổng Thống về việc ấy chưa?"
"Chưa. Tôi để ông nói. Cuối cùng thì ông ấy mới là đối tác của ông, chứ không phải của tôi".
Vẫn còn sớm khi Marcel rời văn phòng của Hadley. Anh nhìn đồng hồ. Vẫn còn thì giờ để đến Brooklyn trước bữa ăn trưa đã hẹn vào lúc một giờ. Anh đứng trên lề đường, vẫy taxi. "Nhà ga Bush ở Brooklyn".
Anh trễ nải nhìn qua cửa khi chiếc taxi bon bon đến cầu Brooklyn. Người Mỹ thật khác với người Âu châu. Họ mãn nguyện, an toàn sau những đại dương. Chiến tranh có nổ ra cũng chẳng đụng được đến họ.
Chiến tranh thì cũng chỉ là một cái gì đó để đọc lướt trên các tờ báo, nghe qua radio giữa chương trình "Amos & Andy" và "chương trình tạp kỹ của Fleischmann" hoặc xem trên cuốn phim thời sự trước bộ phim truyện mới nhất của Clark Gable. Tất cả những huênh hoang khoác lác, những đe doạ, những gầm rú của Hitler chẳng bao giờ thực sự đến được họ cả. Âu châu ở nửa bên kia của thế giới.
Nóng ẩm của đầu tháng Tám ập vào cửa chiếc taxi. Ngay cả những luồng gió cũng không cứu vãn được cái nóng như thiêu đốt trên vỉa hè. Sau khi qua khỏi cầu, chiếc taxi luồn lách trong trung tâm Brooklyn. Ngược lên đại lộ Flastbush, qua phố fulton chật cứng người đi mua sắm và những đường sắt nền cao, rồi rẽ vào đại lộ thứ Tư tới Bay Ridge. Bầu không khí chỉ dịu đi khi họ tới gần vịnh.
Marcel bảo người tài xế đợi. Anh ta lẩm bẩm điều gì đó về sự thiết thòi trong khi chờ nhưng Marcel kệ. Một người đàn ông ngồi sau một chiếc bàn cũ, đọc báo. "Chào ông Campion".
"Chào Frank. Ổn cả chứ?"
"Ổn cả. Ông Campion" người gác cửa đứng lên. Giờ thì ông ta đã quen với những cuộc viếng thăm này. Marcel có thói quen xuất hiện vào những giờ trái khoáy. Chẳng thể biết là bao giờ, thậm chí có khi vào nửa đêm. Như thường lệ, ông ta theo sau anh vào kho.
Marcel đứng ngay cửa, nhìn. Khu kho chiếm nguyên một khối nhà trong thành phố, và từng dẫy bao đường chất cao ngất, gần chạm dàn phun cứu hoả trên nóc nhà. Anh cười thoả mãn.
Đã hơn một năm kể từ khi Marcel nẩy ra ý tưởng này. Vào ngày ba tháng chín, khi bốn con tàu thả neo ngoài cảng phía trước nhà kho, thì thế là xong. Ngăn kho cuối cùng sẽ đầy ắp và anh chỉ còn chờ đợi. Cuộc chiến sắp nổ ra ở Âu châu sẽ giải quyết hết.
Còn nhớ, ở cuộc chiến tranh trước, anh chỉ là đứa con nít. Có hai thứ gia đình anh không bao giờ đủ - đường và xà phòng. Anh vẫn nhớ có lần cha anh đã phàn nàn là ông phải trả hai mươi franc cho vài lạng đường đỏ, và họ đã phải dè xẻn nó để dùng cho hơn một tuần. Đấy chính là khởi nguồn của ý tưởng.
Đường. Cái gì ở Mỹ cũng ngọt cả. Nước uống có gaz, chocolate, kẹo, bánh, thậm chí cả bánh mì. Mọi người đều dùng đường thả sức, như của trời cho. Bao giờ cũng đủ đường, kể cả chiến tranh hay không. Và người ta sẵn sàng trả giá.
Giờ thì riêng anh đã có bốn dãy nhà kho đầy ắp đường. Có lẽ anh là người duy nhất làm thế. Anh quản lý các con tàu. Chính anh mới có thể cung cấp những tờ vận đơn giả để đánh lạc hướng các quan chức hải quan, những người rà soát mọi con tàu vào cảng.
Nhưng phải tốn tiền. Rất nhiều tiền. Hơn cả số tiền Marcel có. Cứ như thể những người sản xuất đường đã biết được ý đồ của anh. Anh đã phải trả món tiền thưởng hai mươi phần trăm trên mỗi bao một trăm bảng để đảm bảo là đường chỉ bán cho anh. Một khoản tiền nữa cho các sĩ quan trên những con tàu của anh, những người hiểu rất rõ bản chất đích thực của hàng hoá. Ngay cả việc thuê dãy nhà kho một cách kín đáo cũng làm anh phải tốn hơn hàng ngàn đô la so với giá thị trường.
Những con số loé lên trong đầu Marcel. Gần tám triệu đôla ném vào đây mà hầu hết là vay, và nếu không phải là Amos Abidijian thì anh chẳng bao giờ có.
Marcel không hề ảo tưởng về lý do Abidijan cho anh vay tiền. Không phải vì anh sẵn sàng đưa những con tàu của mình như là vật ký quỹ - Abidijan thừa tàu. Thậm chí ông chẳng buồn hỏi Marcel cần tiền làm gì. Amos chỉ quan tâm đến một điều. Đó là lấy chồng cho co con gái lớn.
Abidijan có năm cô con gái cả thảy, mà cô cả còn ở nhà thì các cô em chớ hòng chuyện về nhà chồng. Có cơ họ sẽ chẳng bao giờ lấy chồng được cả, bởi vì không ai cầu hôn Anna một cách nghiêm chỉnh, mặc dù kèm theo là khoản hồi môn đáng kể. Mối bất hạnh đích thực là ở chỗ trong cả đám con gái, Anna giống bố nhất. Cô vừa lùn vừa đen, và đám lông tơ dầy ở môi trên như ẩn hiện một bộ ria mép mà dù có điều trị điện phân đến bao nhiêu đi nữa cũng không xoá được một cách thoả mãn. Và không một thơ may nào, bất kể ra giá bao nhiêu, có thể giấu được những đường nét vuông chằn chặn như nông phu của vóc giáng cô.
Hầu như cô đã thu vào mình toàn bộ những nét xấu xí của gia đình. Nghĩ rằng đàn ông không dành cho mình, cô lao vào doanh nghiệp của cha và làm việc ngay tại văn phòng của ông. Chính ở đấy Marcel đã gặp cô.
Anh đã đến gặp cha cô theo hẹn, nhưng phải chờ. Anh vừa ngồi xuống thì Anna bước vào.
"Xin lỗi ông Campion", cô nói với giọng khàn, như giọng đàn ông "Cha tôi sẽ đến trễ một chút".
Marcel đứng lên. Đây chính là lúc để thể hệin xã giao theo kiểu Goloa đích thực.
Nhưng đối với Anna tội nghiệp, người không có kinh nghiệm và không quen với bất cứ sự quan tâm nào của cánh khác giới, thì hào hoa phong nhã kiểu Goloa chỉ như một thứ lãng mạn và trước khi Marcel nhận ra điều đó thì anh đã lâm sự rồi. ăn trưa, rồi ăn tối và cuối cùng là những buổi tối ở nhà Amos. Và chấm hết bằng những ngày cuối tuần tại nhà ở nông thôn của họ. Mặc dù Marcel chưa bao giờ nói về tình cảm của mình với cô nhưng ít nhiều cả hai đã được gia đình và dư luận chấp nhận rằng họ đi với nhau.
Đấy là bối cảnh vào lúc Marcel tiếp cận cha cô để vay tiền, vào hơn một năm trước đây. Anh đã toan vay tiền của Hadley, nhưng lại thôi. James Hadley có một thứ đạo lý kỳ quặc. Thực ra, chẳng có cái gì trong kinh doanh mà ông ta không làm, nhưng đây là một việc khác. Những từ xấu xa như "đầu cơ" và "chợ đen" là nguyền rủa đối với ông. Bất cứ điều gì ông làm đều phải phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng. Còn nếu như ông có lãi, thì càng nhiều càng tốt. Và thường thì ông có lãi.
"Tôi cần bốn triệu đô la", Marcel nói với Amos. "Có lẽ tôi…"
"Khỏi nói thêm" Amos ngăn anh, rồi với cuốn séc.
Marcel nhìn ông sửng sốt "Nhưng..ông không muốn biết tiền dùng vào việc gì à?"
Amos lắc đầu, cười "Tôi không cần. Cuối cùng thì cũng là ở trong gia đình cả, phải không?"
Mồm Marcel há hốc. Rồi anh như tỉnh lại "Nhưng sắp tới, tôi có thể cần thêm".
Amos xé tờ séc thật điệu đàng, đưa cho Marcel. "Khi nào anh cần thêm, cứ bảo".
Marcel hỏi mượn thêm hai lần nữa. Lần nào tờ séc cũng được ghi theo yêu cầu và không kèm một câu hỏi nào. Nhưng bây giờ thì sắp xong rồi.
Chỉ một chút nữa thôi là Marcel có thể trả hết nợ nần. Ngay sau khi trả nợ, anh sẽ tuyên bố vị thế của mình một cách rõ ràng cho mọi người biết. Chỉ còn là vấn đề thời gian.