Số lần đọc/download: 1801 / 55
Cập nhật: 2016-06-19 02:31:24 +0700
Chương 55: Bảo Uy Vương Với Cái Giá Của Một Tấm Áo
T
háng 6 năm Đinh Hợi (1347), Bảo Uy Vương phạm tội, bị triều đình nhà Trần đuổi khỏi kinh sư, nói là cho làm chức phiêu kị tướng quân ở trấn Vọng Giang (đất Diễn Châu, Nghệ An ngày nay) nhưng Bảo Uy Vương đi chưa đến nơi thì đã bị võ sĩ của triều đình đuổi theo và giết chết. Vì sao một quý tộc cao cấp như Bảo Uy Vương lại bị giết chết một cách thê thảm như vậy. Đầu đuôi vụ án này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 13b và tờ 14a) chép lại như sau:
“Buổi đầu dựng nước, thuyền buôn nước Tống sang dâng người nước Tiểu Nhân, thân dài bảy tấc, tiếng như ruồi nhặng, không thông ngôn ngữ, lại dâng một tấm vải hỏa hoãn, giá mỗi thước ba trăm quan tiền, cất giữ nhiều đời làm của quý. Sau, đem may áo cho vua (đây chỉ Trần Dụ Tông - ND), vì cắt hơi ngắn nên vua sai cất trong nội phủ. Bảo Uy Vương tư thông với cung nhân và lấy trộm áo ấy. Một hôm, Bảo Uy mặc áo ấy vào trong, mặc thêm áo khác che ở ngoài rồi vào chầu, tâu việc trước mặt thượng hoàng, ngờ đâu, tay áo trong lộ ra. Thượng hoàng trông thấy, có ý nghi bèn sai người kiểm xét lại, quả thấy áo quý cất giữ đã mất. Người cung nhân (tư thông với Bảo Uy Vương) sai thị tì già đến nhà Bảo Uy Vương lấy áo đem về, rồi ngầm đem vào cung dâng trình. Thượng hoàng không nỡ giết, đuổi Bảo Uy ra làm quan ở trấn ngoài, nhưng lại sai võ sĩ đi thuyền nhẹ đuổi theo, trên sông Vạn Nữ (tức sông Trinh Nữ ở Yên Mô, Ninh Bình) thì kịp, giết chết Bảo Uy Vương, quăng xác vào bãi cát rồi về.”
Lời bàn: Người nước Tiểu Nhân, chắc chỉ là người lùn không rõ lái buôn Trung Quốc bắt ở đâu đem đến, có lẽ sử cũ thấy lạ nên chép là người nước Tiểu Nhân. Vải hỏa hoãn cũng tức là vải hỏa cán, được sách xưa giải thích nhiều cách khác nhau, khi thì bảo là vải chịu lửa, khi lại nói vải giặt bằng lửa, đại khái, ta cứ cho là thứ vải vừa quý vừa lạ.
Xưa nay, có thể có kẻ “đói ăn vụng, túng làm càn” còn như đường đường là đấng vương tước như Bảo Uy, có đâu nghèo đến nỗi phải ăn trộm áo vua.
Tư thông với cung nhân đã là một lần ăn trộm, ấy là trộm tình. Mượn tay cung nữ để lấy áo vua là lại thêm một lần ăn trộm nữa, ấy là trộm của. Sinh ra trên nhung lụa mà vẫn ăn trộm thì con người ấy chẳng đáng sống giữa cõi đời. Cái giá của tấm áo mà Bảo Uy phải trả sao mà đắt thế!