Books let us into their souls and lay open to us the secrets of our own.

William Hazlitt

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 56: Những Sai Lầm Của Thế Giới Tự Do…
ôm nay là Chủ Nhật. Ngồi trong xà lim không nhìn thấy trời, ánh sáng hắt vào từ khung cửa sổ mờ mờ, âm u như không có mặt trời. Không khí ẩm ướt, lành lạnh của những ngày cuối Thu. Tôi nằm nghĩ suy, tính toán tìm cách gì để chống cái lạnh của mùa Đông sắp tới. Tôi vẫn băn khoăn lo lắng nhất là đôi chân. Ở trong cùm, năm nào chân cũng bị cước, ngứa buốt suốt cả mùa Đông. Cuối cùng, tôi thấy chỉ có một cách duy nhất là khâu một đôi vớ thật dầy bằng những mảnh giẻ chùi, ở nhà tiêu trong buồng tắm. Vậy, ngay từ hôm nay, tôi lại bắt đầu tìm nhặt giẻ để chuẩn bị cho đôi “bít tất” mùa Đông. Mặt khác, tôi lại phải kiếm một cái gì để làm “con dao” nhỏ. Con dao nhỏ trước, đút trong ve áo đã mất khi trốn tù rồi.
Tôi đang ngồi nhìn hai bàn chân của mình, bây giờ đã bé lại, lồi rõ 4 cục xương mắt cá chân. Từng miếng vảy đen xám bong ra, trông như con chó ghẻ rụng hết lông, vừa sần sùi, vừa loang lổ, sờ cờn cợn thấy ghê cả tay. Chợt, tai tôi thoáng nghe tiếng bước chân xèn xẹt, và cửa sổ nhỏ buồng tôi xịch mở. Giọng Quảng Nam của mụ Hoa, nghe như tiếng cua bò trên mâm đồng:
- Anh này chuẩn bị đi cung!
Rồi mụ ta cúi xuống rút chốt cùm. Cửa mở, tôi theo mụ ra sân, vừa đi vừa nghĩ ngợi băn khoăn: Hôm nay là Chủ Nhật, phải có chuyện gì đặc biệt nên chúng mới gọi tôi. Tôi tự hiểu là tâm trạng mình cứ hay thấp thỏm lo sợ, nhất là trong những khi chúng gọi bất ngờ như thế này. Như, biết đâu, đường dây “M” bị lộ? Biết đâu “Z5” sa lưới? Biết đâu, chúng đã điều tra xác minh, đã rõ ràng sự việc của tôi ở trong Nam, v.v… Hàng chục cái “biết đâu” kéo dài từ hơn hai năm nay rồi, và có lẽ sẽ đeo đuổi tôi suốt những ngày, còn ở trong tay chúng. Mải suy nghĩ trên đường đi, đầu tôi đã ướt hết vì mưa bụi, tôi cũng không hay. Nhìn những hạt mưa phùn li ti dẫy dọn, lúc xọc sang phía bên này. Lúc xiên sang phía kia hàng loạt, theo từng cơn heo may nhè nhẹ, như những giọt nước mắt mùa Thu mến cảnh, mến người, luyến lưu từ giã, nhường lại đất trời cảnh vật cho Đông về.
Ra tới phòng trực, tôi thấy chỉ có tên Thành ngồi đấy. Như mọi khi, theo hiệu tay của y, tôi đi về phía sân giàn nho, theo con đường nhò, giữa những luống hoa hồng, cúc, v.v…
Trời mưa bay bay, không khí lành lạnh! Những bông hồng nhung tươi thắm đang lắc lư với gió. Những hạt mưa nho nhỏ, đọng lại trên những cánh hoa như những hạt xoàn trắng to, nhỏ đính trên nền nhung đỏ càng long lanh, dưới ánh nắng nhạt trong mưa bay. Một làn hương thoang thoảng, nhè nhẹ, vương vương gợi cho tôi một ý tưởng: tại sao Hỏa Lò là một trại giam, nơi cùm kẹp,
xiềng xích tội nhân đêm cũng như ngày, chỉ toàn những tiếng rên la thảm khốc, đắng cay tràn lối của kiếp tù đầy…..lại có những luống hoa đủ loại tuyệt vời như thế? Phải chăng, chúng dùng hoa để làm vơi dịu nỗi thương đau của những người cùng khổ? Hay là, như thông thường của người đời, những cái gì xấu xa thì lại được bọc bằng những vải vóc cao sang đắt tiền? Vật càng xấu, cái bọc càng cần phải đẹp!
Vì là ngày Chủ Nhật nên quang cảnh ngoài sân của Hỏa Lò thật vắng vẻ. Nhưng khi bước chân vào phòng cung, tôi thấy lố nhố 6, 7 người. Tôi ngạc nhiên, vì thấy mấy người lạ hoắc, lại có cả máy ảnh; chỉ có tên Thành và Đặng là chấp pháp tôi đã biết. Còn 4, 5, người kia, chắc là ở nơi khác đến, tôi chưa hề thấy mặt bao giờ. Đã ở mấy năm trường, bất cứ ai dù tôi không gặp trực tiếp, nhưng ra vào, đi lại nhiều lần, tôi cũng phải thấy dáng quen quen, nếu là người đã làm việc ở Hỏa Lò.
Những người lạ mặt ngồi ở một ghế dài, mặt thật lạnh lùng, với những cặp mắt gườm gườm soi mói. Tên Thành chỉ ghế cho tôi ngồi, rồi y mở một gói giấy báo trên bàn, vừa nói:
- Hôm nay, anh phải diễn lại tất cả những thái độ, cử chỉ, động tác hôm anh trốn tù.
Y đưa cho tôi 2 củ khoai lang và nói:
- Anh ăn tạm 2 củ khoai, rồi bắt đầu!
À ra thế! Bây giờ tôi mới hiểu. Nhưng, tôi cũng không ngờ chúng đặt vấn đề quan trọng như thế. Có lẽ chúng bắt tôi diễn lại cảnh trốn, để vừa dùng làm chứng từ buộc tội sau này, vừa làm tài liệu rút kinh nghiệm cho chúng.
Sau đó, tất cả các chi tiết trong vụ đào thoát “bất thành”, tôi phải lần lượt diễn lại. Có một sự việc tôi buồn cười và nhớ nhất là: Khi đến chỗ tôi phải lấy thế, dùng cú đòn chặt gáy, tên lạ mặt ngồi đóng vai Đỗ Đình Hạ chấp pháp, cứ nhấp nhổm sợ sệt không yên, mắt lấm lét sợ tôi làm thật. Tôi buồn cười là vì, nhìn lại thân hình mình, một người ốm tong teo, khẳng khiu, so với y, một tên khỏe mạnh đường đường “một đấng nam nhi”. Thế cho nên, người ta chỉ sợ bóng, sợ vía là nhiều. Nghe người ta đồn, nghe người ta nói lại, cứ tưởng như ghê gớm lắm; sự thực, nhiều sự việc không đến nỗi như họ tưởng đâu.
Chúng nó chụp tôi rất nhiều kiểu ảnh, từ lúc đầu, cho tới lúc tôi dẫn xe đạp ra khỏi cổng Hỏa Lò. Với cách đứng đợi, cách vào lấy thẻ, cách dẫn xe ra cổng, cách cười với tên công an vũ trang đứng gác, cho tới khi gặp tên Lê Phó Giám
Thị và tên Điền, v.v…Chúng chỉ “không bắt” tôi diễn cái cảnh khi tôi bị bắt lại, bị đánh tơi bời hoa lá.
Vậy mà, cũng đến 12 giờ trưa mới xong, chúng cho tôi về xà lim. Tôi vừa đi vừa nghĩ việc trình diễn như đóng kịch vừa rồi. Tuy là ngày Chủ Nhật, tụi công an vũ trang, đa số là tuổi 20 hay ngoài, cũng ra theo dõi tôi diễn lại. Lợi dụng lúc diễn lại vai trò, mắt tôi vẫn không ngừng nhìn khắp đây đó, để xem có cái gì đem về mài thành con dao nhỏ, mà tôi đang cần không. Mãi đến lúc chúng nghỉ giải lao, tôi xin vào đi giải trong nhà xí của bọn công an vũ trang, tôi mới bẻ được đầu một miếng sắt rỉ, một chiều khoảng hai phân và chiều kia gần một phân. Thế là tôi đã có lại con dao tôi đã mất, cũng thấy vui vui trong dạ.
Về tới cổng xà lim, chợt tôi nghe tiếng loa léo nhéo nói về miền Nam: Nào là, Nguyễn Văn Thiệu đang củng cố uy quyền, đưa phe cánh vào những khâu chủ chốt,…..Nào là, sau khi lập nền đệ nhị Cộng Hòa…kêu gào Mỹ tăng cường viện trợ để chống đỡ với tình hình càng ngày càng nghiêm trọng, v.v…Tôi nghe, lòng vẫn lửng lơ, man mác bâng khuâng như chiếc cửa của một căn nhà trên lưng đồi vắng. Một cánh cửa đóng hững hờ, còn một cánh mở. Cánh mở để nhìn thấy, suy lý, dựa trên những cơ sở thực tế của miền Nam, của miền Bắc, của phe Cộng Sản và thế giới tự do: Ông Thiệu đâu phải là đối thủ của Cộng Sản miền Bắc. Còn cánh đóng: Dù hiểu như vậy, nhưng hãy đè chặt trong lòng, miễn bình luận; vì ở trong một cái thế là nói ra càng tan rữa lòng người, chỉ có cái lợi cho kẻ thù mà thôi.
Tôi đã vào buồng, đóng cùm, đóng cửa rồi, lòng tôi vẫn nặng chĩu những suy tư về đất nước, về cuộc đời.
Tôi cứ nhắm mắt, mặc cho đầu óc mình bềnh bồng trôi nổi đó đây, suốt về miền Nam, lại ra miền Bắc, lại chạy về Nam…..Tôi nhìn toàn bộ khung cảnh xã hội miền Nam. Tôi nhìn toàn bộ khung cảnh xã hội miền Bắc.
Xã hội và con người có nhiều sự việc, về một phía, thật bao la phức tạp muôn màu, nghìn sắc; nhưng về phía khác, cũng rất giản đơn. Nếu ai đó, không bị mờ mắt vì địa vị, vì tiền bạc, nghĩa là không bị cái bả quyền lợi cá nhân che lấp mắt, đều nhìn thấy rõ rành rành.
Muốn hiểu vấn đề xã hội, nhiều khi xét từ một tập thể, có khi từ một cá nhân; bởi vì, có nhiều điều liên quan, tương tự, đôi khi giống nhau như một khuôn đúc. Điều chính, cá nhân là một đơn vị. Một đơn vị không thể tách, chẻ nhỏ hơn, để xây dựng nên xã hội.
Nhìn về xã hội miền Nam, nhìn về thế giới tự do, điều nổi bật nhất, cái gốc cổ thụ để sinh đẻ ra trăm nghìn cái khác, là đã để chủ nghĩa cá nhân lấn áp tập thể,
lấn át xã hội, lấn át Dân Tộc, Tổ Quốc. Đấy là đầu nguồn để sinh sôi, nảy nở ra ngàn đường, trăm nhánh; đến nỗi nhiều người khi nhìn một sự việc nào đó, tưởng như hoàn toàn không có liên quan gì đến cái gốc, là chủ nghĩa cá nhân lên cao. Nhưng, nếu người ta chịu khó mày mò truy nguyên, từ cái này sang cái kia, rồi cuối cùng về đến cái gốc của nó, chính là chủ nghĩa cá nhân; nhiều người sẽ phải ngơ ngác, giật mình.
Vì vậy, nếu thấy một người lính không có tinh thần chiến đấu; một người công chức tham nhũng, thái độ cựa quyền; người dân lạnh lùng bàng quan (nhất là người dân đó nhìn người thương binh lủi thủi, lặc lè trên đường); đến cả người thanh niên trốn quân dịch, v.v…; đừng ngạc nhiên lắm. Chính đó là những cái quả, của cái nhân là chủ nghĩa cá nhân mà thôi.
Từ cái gốc căn bản sai lầm đó, sai lầm này đẻ ra sai lầm khác, cứ như thế chất chồng. Xã hội đầy rẫy những hiện tượng tắc trách, thiếu trách nhiệm trong công tác; hời hợt, cưỡi ngựa xem hoa đối với công việc mình phải làm. Trong hàng ngũ cán bộ của chính quyền ở mọi lãnh vực, từ hành chính, chính trị cho đến quân sự, v.v…loại cán bộ này chiếm đại đa số. Những hiện tượng này chỉ biến mất khi người đứng đầu quốc gia thực lòng vì dân vì nước lấy bản thân mình làm gương sáng, mang tâm hồn và khí lực ngày đêm xả thân lo lắng, để có một đội ngũ cán bộ trung ương được đào tạo, thử thách nhiều công phu.
“Vạn sự khởi đầu nan!”, cần sao gây được những hạt giống tốt lúc đầu. Tuy nhiên, phải mang tâm huyết chịu đựng vất vả, gian khổ để tìm được chỗ khơi nguồn. Khi nguồn đã được khơi, sau đấy tự nó sẽ chảy thành sông. Tất nhiên còn đòi hỏi nhiều vấn đề khác để hộ trợ, cũng như khích lệ và thúc đẩy, để chủ trương của mình được hiện thực. Chỉ mới sơ khởi như thế, và nhìn về miền Nam lúc này, bộ mặt nào làm được như vậy? Ngay đến cụ Ngô cũng còn một số sai lầm. Nếu cụ còn sống, dù cũng chả làm gì được miền Bắc, nhưng chắc miền Nam đã không mất. Huống chi, trong khi Mỹ là người anh cả, là nước chịu trách nhiệm vì mình và vì người, giúp đỡ các nước anh em trong thế giới tự do, cũng đã mắc 3 sai lầm trầm trọng:
- Thứ nhất: Bắt những nước được giúp đỡ phải theo những quy chế, những khuôn thước dân chủ tự do nhất của thế giới hiện nay là nước Mỹ.
- Thứ hai: Giúp người, nhưng lại vì quyền lợi của mình nhiều hơn.
- Thứ ba: Quá nghiêng nặng nề về đồng tiền và vũ khí.
Từ ba điểm trên, đã đẻ ra rất nhiều những sai lầm nhỏ khác, để cuối cùng hầu như đa số các nước mà Mỹ giúp, đã không đạt được kết quả, không đạt được mục đích. Và, ngay nước Mỹ, không những không được người ta biết ơn, còn bị chửi là thực dân mới, chỉ vì tư lợi thương mại, tìm thị trường tiêu thụ, v.v…
Sau đây, ta khái niệm mổ xẻ, phân tích từng điểm:
Điểm thứ nhất: Nói về nền tự do dân chủ thực sự trong thế giới loài người hiện nay, không ai có thể phủ nhận được nước Mỹ là một trong những nước có nền dân chủ thực sự tiên tiến. Từ đấy, ta thấy chế độ Cộng Hòa Dân Chủ của Mỹ là chế độ tiến bộ của loài người hiện nay. Nhìn nền dân chủ ưu việt của những nước Anh, Pháp, Mỹ, v.v… những ai thực lòng vì dân vì nước mà chẳng mong muốn nhân dân và đất nước họ cũng được hưởng một nền dân chủ, tự do như thế.
Muốn được như vậy, phải cần có một điều kiện, đó là đất nước ấy phải có một số hoàn cảnh giống như nước Mỹ, nước Pháp, nước Anh. Bởi vì, thời đại ngày nay, thế giới đang đảo điên, nghiêng ngửa với cái nạn Cộng Sản. Cộng Sản tàn bạo, khát máu nhưng lại che mắt thế giới bằng cách khoác lên những bộ mặt của Chúa Jesus, của Phật Thích Ca, của Mohamed, v.v… với những đôi mắt giả nhân giả nghĩa từ bi ngấn lệ thương đồng bào, đồng loại; mồm méo xệch cứ lẩm bẩm những lời tha thiết cứu nhân độ thế; làm cho biết bao nhiêu người ngộ nhận, để rồi tán gia, bại sản, tàn lụi cả cuộc đời…
Hơn nữa, như một công lý, mỗi người một khác nhau, mỗi nước một khác biệt. Cơm, gạo, bột là những món ăn tốt để nuôi sống con người. Món ăn bổ và ngon như thế đấy, nhưng người ăn mức độ cũng khác nhau. Một người khỏe, ăn 1kg, cơ thể không sao; một người đang có bệnh, ăn 1kg, “ngủm”!.
Vậy mà Mỹ, như cơ thể của một người khỏe, lại muốn bắt một nước, đang như một người bệnh, ăn những món ăn giống mình và nhiều như mình; rồi cứ bảo phải ăn đi, nó bổ lắm. Nó dân chủ lắm, nó dân quyền lắm, v.v…Thử hỏi, nước đó sẽ ăn làm sao được. Ăn thì chết! Không ăn, Mỹ bảo là phản dân chủ, là độc tài, là… bướng; nay đe cắt giúp đỡ, mai đe cắt viện trợ, v.v…
Còn nói về tự do, dân quyền: Để làm sáng tỏ vấn đề này một cách đơn giản, Khổng Phu Tử, hơn hai ngàn năm xưa, đã nói: “Nói mà không thí dụ, và thí dụ mà không đơn giản, thì không sáng tỏ”.
Thí dụ hỏi một người:
- Anh có biết trái cam không?
Người đó trả lời:
- Chưa hề trông thấy trái cam bao giờ!
Vậy ta hỏi tiếp:
- Thế anh có biết trái bưởi không?
Người kia vui vẻ trả lời là anh ta không lạ gì trái bưởi.
Lúc đó, ta chỉ cần nói đơn giản:
- Trái cam giống hệt trái bưởi, nhưng bé hơn và ngọt hơn!
Chỉ cần đơn giản như thế, người kia hiểu ngay về trái cam. Chứ ta tuyệt đối không nên cầu kỳ, dùng danh từ hoa mỹ, triết học giải thích nào là: quả cam màu vàng, hình cầu, được bọc một lớp vỏ mỏng, có những túi dầu để duy trì bảo vệ nước cam ở trong được tươi lâu, bên trong có những cái bọc hình bán nguyệt, trong cái bọc này, v.v…và v.v…
Nói nhiều, dùng những triết này, thuyết kia đẻ ra vẻ giai cấp trí thức; cuối cùng người kia chả hiểu, chả biết anh nói cái quái gì cả.
Vậy, lý luận về tự do và dân chủ, cụ thể là ở miền Nam Việt Nam lúc này, tôi cũng xin lấy một thí dụ đơn giản để làm sáng tỏ.
Ở cùng chung một căn nhà có 4 người là A, B, C, và D. Lúc hòa bình, không có chuyện gì cả, tình người và tình đồng bào thắm thiết, nào chào hỏi, nào hàn thuyên, tay bắt mặt mừng rối rít mỗi khi gặp nhau. Mọi người tha hồ tự do. Anh này muốn đi chơi đâu mặc anh; anh kia nấu nướng ăn gì cũng kệ; anh khác ngủ đến 11, 12 giờ trưa đó là quyền của anh; v.v… Mỗi người đều tự do làm theo ý mình. Nhưng sau đó, vì một lý do nào đó, do những điều kiện và hoàn cảnh tạo nên, 4 người này trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhau, và vẫn phải cùng ở một căn nhà. Lúc này, mỗi anh thủ một con dao, rình cơ hội để hạ đối phương để chiếm toàn bộ ngôi nhà, và vì sự sống còn của mình.
Vậy, lúc này, tình trạng sẽ ra sao? Mọi người có còn được tự do, ăn lúc nào thì ăn, ngủ lúc nào thì ngủ, thích chỗ nào thì nằm chỗ đó nữa hay không?
Lúc này, ai cũng thấy sáng tỏ là tự do trong cảnh đó, là tự do chết!
Căn nhà Việt Nam lúc này ra sao? Một nửa nhà là miền Bắc, Cộng Sản đã chiếm đóng; nửa còn lại là miền Nam, Cộng Sản đã đặt được một bàn chân vững chắc là:”Mặt Trận Giải Phóng”. Ngay trong chính quyền Sài Gòn, cũng đầy dẫy những người của Cộng Sản.
Tóm lại, căn nhà Việt Nam giống hệt như căn nhà tôi đã trình bày thí dụ ở trên.
Bây giờ, ta tự do cho biểu tình, hội họp, đảng đối lập, v.v… và v.v…như khuôn thước của xã hội Mỹ, miền Nam sẽ ra sao? Một cậu bé ngây thơ 15, 16 tuổi cũng thấy ngay là miền Nam mất đi, không có gì là lạ nữa. Nếu có lạ là lạ tại sao miền Nam lại chưa mất!
Đó, nếu báo chí và tuyên truyền chỉ can đơn giản trình bày như vậy với quần chúng, riêng về góc cạnh tự do, như trên, lúc đó, nhân dân sẽ ý thức được ngay. Rồi, hàng trăm góc cạnh khác của xã hội cũng trình bày đơn giản như vậy để hỗ trợ, tác động qua lại, nhiều việc sẽ tốt đẹp hơn nhiều.
Thế mà, các cơ quan to lớn chuyên nghiên cứu vể xã hội và về riêng Việt Nam với những quý vị học giả uyên thâm của Mỹ, v.v… lại chưa đánh giá đúng mức, để rồi bắt con bệnh Việt Nam “ngốn” cho bằng người khỏe như “vâm” là Mỹ. Không ăn, các ngài bực mình, la ó là độc tài, là phản dân chủ, v.v…
Điểm thứ hai: Ngay cá nhân với cá nhân, nếu giúp đỡ người khác, tất nhiên tôi chấp nhận là ở đời, phải hai bên đều có lợi. Nhưng, nếu cái lợi của phía người giúp đỡ lớn hơn, lấn át cái lợi của người mà mình giúp, lúc đó sẽ ra sao? Tình cảm và lòng biết ơn của người nhận sẽ giảm; đôi khi còn không biết ơn nữa. Thậm chí, cá biệt, người làm ơn không biết xử thế khéo, còn bị người được giúp đỡ căm thù. Nghĩa là, họ thấy họ bị lợi dụng. Như thế, còn làm sao gắn bó, tin cậy nhau nữa. Người được giúp, lúc đó, nếu không thủ đoạn, tính toán, giữ thế với người giúp, thì cũng quay ra buồn chán, tiêu cực, không thể đạt được ý nguyện lúc đầu của người muốn giúp đõ, nghĩa là không đạt mục đích.
Vậy, một quốc gia, với một quốc gia khác, trông bề thế hơn, tưởng như phức tạp hơn, nhưng cái nhân, cái gốc cũng như vậy thôi. Do đó, Mỹ đừng lạ, và đừng buồn, tức khi thấy những nước mà mình giúp lại vô ơn, đôi khi còn chửi lại mình, hoặc trở thành kẻ thù của mình.
Điểm thứ ba: Tôi thừa nhận trên cõi đời này, đồng tiền mua tiên cũng được, nhưng với điều kiện là phải biết cách. Nếu không, nhiều khi đồng tiền không những không giải quyết được vấn đề, mà còn bị người lấy tiền, nhận tiền, cười chê người cho tiền nữa.
Mỹ là “người” có nhiều tiền, chỉ thấy giá trị tuyệt đối của đồng tiền, chứ không thấy những khía cạnh phức tạp khác. Thí dụ: Một người đang hì hục xây một căn nhà. Vì nghèo nên thiếu thốn vật liệu; anh ta cứ đầu tắt mặt tối, ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, đem sức cần lao để xây dựng căn nhà; nhưng thấy khó thành, hoặc không biết đến bao giờ mới hoàn thành nổi. Mỹ thấy vậy, mang tiền, mang vật liệu đến giúp. Vì không khéo, lại không nghiên cứu từ thực tế, cần những gì về nhiên liệu. Căn nhà kiểu ấy, chỉ cần vật liệu là cây, Mỹ lại đem sắt đến, cứ chở đến ùn ùn. Anh chủ nhà lúc đó sẽ ra sao? Làm, thì không được, để thì phí, hỏng! Trong lúc đó, Mỹ cứ đưa đến, nói tốt lắm, phải tiếp tục xây mạnh đi. Anh chủ nhà hoang mang. Nếu cứ để từ từ, anh ta còn có thể tốt theo kiểu suy nghĩ, sáng tạo của anh ta. Đằng này, lại cứ thúc giục, khiến anh ta thấy cứ để đống nguyên liệu đấy thì không ổn; vì như vậy là từ chối sự giúp đỡ, nên anh ta phải tìm cách chuyển đi chỗ khác, rồi nói dối là đang nỗ lực làm, xây dựng. Anh ta lúc này không còn tập trung hết tinh thần vào việc xây ngôi nhà, vì quá mệt mỏi tính toán trả lời sao về những vật liệu mà Mỹ giúp, đâu còn những giây phút cần cù, miệt mài trước dây. Vả lại, bây giờ, lại sẵn đồng tiền, anh ta phải tìm cách giải trí. Lúc đầu, lâu lâu mới giải trí một lần; sau quen đi. Như thế, cuối cùng căn nhà vẫn chưa xây được, mà tinh thần anh ta trở nên tiêu cực, biếng nhác. Như vậy, nhìn về phía, Mỹ đã gián tiếp làm hại những người mà Mỹ giúp.
Tóm lại, phải biết cách dùng đồng tiền thì, uy thế của nó mới phát huy một cách huyền diệu. Không biết dùng, kết quả sẽ không những ngược lại, mà còn làm hư hỏng con người.
Còn về vũ khí: Tôi nhớ lại những năm còn ở miền Nam. Tôi xem những buổi duyệt binh, với những cỗ pháo to, những xe tăng lớn và những máy bay phản lực, Phi đội “Lôi Hổ” của Đài Loan gầm rít biểu diễn trên bầu trời Sài Gòn năm 1960. Rồi báo chí, đài phát thanh nói Mỹ có nhiều loại vũ khí nguyên tử. Nào là, chỉ một phần mười kho vũ khí nguyên tử của Mỹ nổ cũng đủ làm tan trái đất. Nào là, Mỹ đang nghiên cứu chế những loại bom ánh sáng, tia “laser”, v.v…
Lòng tôi khi ấy dậy lên một niềm tin tưởng to lớn, vững chắc vào thế giới tự do. Tôi tin tưởng gần như chắc chắn là sức mạnh của các loại vũ khí như thế, thừa sức đè bẹp lũ Cộng Sản khát máu.
Nhưng bây giờ, khi đã đi vào thực tế, tôi có điều kiện để nhìn, không những cả 4 mặt của một sự vật, mà còn nhìn được cả phía bên trong của sự vật đó. Sự cọ sát giữa suy lý, nhận thức của mình khi ấy thật là ấu trĩ, ngây thơ. Xét đoán một sự vật, một vấn đề chỉ đứng từ một góc độ, rồi cứ vỗ ngực khẳng quyết với cái hiểu non nớt của mình; không thấy được rằng: Bất cứ loại vũ khí tối tân nào cũng phải do con người chỉ huy và sử dụng. Vì vậy, trừ khi lực lượng quá chênh lệch: một bên 10, một bên 5; hoặc bên này 100, bên kia chỉ có 10 thì không kể. Còn thông thường, chỉ xấp xỉ hơn nhau ít chút một 8, một 10; bên nào có yếu tố tinh thần hầu như bên ấy thắng. Do đấy, yếu tố tinh thần mới quyết định thắng bại. Ngoài ra, nhìn tổng quát cái thế và điều kiện của thế giới ngày nay, tôi dám khẳng quyết là bất kể một nước nào có vũ khí nguyên tử để gây thành Thế Chiến Thứ Ba, thì kẻ đó tự sát.
Từ đấy suy ra, các chiến lược gia nào chỉ nặng về vũ khí (làm sao để chế ra loại tối tân hơn, nhiều hơn đối phương…) là có mặt sai lầm. Thực tế, chỉ cần đòi hỏi vừa đủ để làm thế kiềm chế nhau thôi; và hãy chú ý về loại vũ khí chiến thuật thông thường có kỹ thuật cao, để sử dụng trong chiến tranh cục bộ, hoặc khu vực là cần thiết. Điều quan trọng và chính yếu nhất vẫn là phải chú ý về mặt nhân sinh và xã hội.
Như tôi đã trình bày ở trên, đây không phải là một tác phẩm tư tưởng, lý luận, nên không được phép dài dòng; nhưng dựa trên những cơ sở biện chứng, tôi thấy Liên Xô dù có mạnh hơn Mỹ, cũng không bao giờ dám đem quân sang đánh Mỹ, hay Anh, Pháp cả. Đó là một điều chắc chắn, trừ phi Liên Xô không phải là nước Cộng Sản nữa. Kim chỉ nam của họ là dùng áp lực tối đa bên ngoài, xúi dục kích động người dân của nước ấy đứng lên lật đổ chính quyền. Đôi khi cao nhất cũng chỉ dùng một nước Cộng Sản đàn em tiến hành chiến tranh cục bộ, đem quân sang một nước khác, để giúp một bộ phận nhỏ người bản xứ đứng lên lật đổ chế độ đang cai trị mà chúng bảo là thối nát, và chúng làm cách mạng, v.v…Cứ như vậy, chúng tiến hành nhiều nơi trên thế giới, cho tới khi màu đỏ loang lỗ khắp địa cầu, lúc dó có trời cũng không cứu nổi nước Mỹ khỏi tự nhiên thành Cộng Sản.
Vậy, Mỹ hãy lo ngay cho xã hội Mỹ, hãy làm sao cho người dân Mỹ hiểu đầy đủ về cái cảnh nếu phải sống dưới chế độ Cộng Sản sẽ bị o ép toàn diện. Mọi người lam lũ lầm than, không có một chút tự do, con người như con vật là chính. Chứ cứ tập trung tâm tư, khí lực để thi đua với Liên Xô, để rồi bị con dao đâm từ phía sau, tự trong lòng, lúc đó, đã muộn rồi!….
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen