Never lend books, for no one ever returns them; the only books I have in my library are books that other folks have lent me.

Anatole France

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 56
gữ đọc đi đọc lại cả tập nhật ký, xé bỏ những phần nào “nguy hiểm” cho hạnh phúc gia đình rồi mới cho vào túi vải. Chàng dọn dẹp lại căn lều để sáng mai về Sài gòn. Ngữ đã quyết định không bao giờ xuống đây nữa, dù phải sống bất hợp pháp ở Sài gòn. Sức chịu đựng của Ngữ đã cùng kiệt!
Từ ngày có những lộn xộn ở dọc biên giới Hoa Việt và Việt Miên. Ngữ gặp quá nhiều khó khăn trong đời sống. Ở cái xứ rừng quạnh hiu dân cư thưa thớt này, Ngữ trở thành “sĩ quan ngụy” có cấp bậc cao nhất, thành phần nguy hiểm nhất mà Công an xã cần phải thường xuyên theo dõi quản chế.
Ngữ bị Ủy ban xã gọi lên hạch hỏi về chuyện mua vườn, viên chủ tịch lớn tiếng tra gạn vợ chồng Ngữ đã lo lót cho ai bao nhiêu để mua đất một cách hợp pháp như vậy. Công an xã thì hỏi Ngữ lên rừng hằng ngày làm gì, mượn cớ đốn củi để đi liên lạc với ai, toan tính những gì. Ngữ nói thẳng là chỉ còn một cách mưu sinh duy nhất là đốn củi bán cho hành khách xe lửa, vì chuối bán cho thương nghiệp chỉ được cái giấy biên nhận để lãnh tiền ở Ngân hàng huyện, mà ngân hàng thì không có tiền mặt để giao cho khách. Nhiều đêm Ngữ không được phép ngủ ở lều, phải trình diện ở trụ sở ủy ban xã. Hễ xã cần người nộp cho huyện để đi làm thủy lợi là cán bộ nhớ ngay tên Ngữ. Việc còn lại là dọn dẹp mang về những thứ thật cần thiết, thứ gì cồng kềnh cứ bỏ lại, lén lên tàu về Sài gòn mà không bị ai chú ý.
Chuyến tàu chợ chở Ngữ về tới ga Bình triệu lúc sáu giờ chiều. Trông cách ăn mặc của Ngữ, nhất là cái bao cát đựng đồ đạc quần áo Ngữ vác trên vai, nhiều người tưởng Ngữ mới “học tập” về, bu đến vồn vã hỏi thăm. Ngữ ậm ừ nói dối để hưởng những biệt đãi dân Sài gòn dành cho những người sa cơ, ngã ngựa.
Ngữ thấy Sài gòn có một không khí khác thường. Người đi lại trên đường phố thưa thớt hơn thường ngày, xe cộ chạy hối hả, nét mặt ai trông cũng lo âu. Không khí căng thẳng chẳng khác nào không khí trước cơn bão đến.
Quỳnh Trang hớt hải lo lắng khi biết ý định của chồng. Nàng nói:
- Anh về đúng vào lúc bất tiện nhất. Anh hỏi có chuyện gì sắp xảy ra à? Em cũng không biết chuyện gì, chỉ nghe thiên hạ đồn là Nhà nước sắp mở chiến dịch tổng kiểm kê và càn quét văn hóa phẩm phản động đồi trụy. Kỳ này họ làm lớn làm dữ chứ không lẻ tẻ như mấy kỳ trước. Nghe nói họ chở cả cán bộ, sinh viên từ ngoài Bắc vào để tiếp tay Công an quét một lần cho sạch. Sinh viên ở các trường cũng bị trưng dụng, liên tiếp học tập để chuẩn bị ra tay. Không ai được về nhà. Mấy ngày nay em với thầy me lục lọi hết sách báo băng nhạc cũ đem đi đổ. Em muốn giữ mấy cuốn sách của anh lại mà me không cho.
Ngữ chán nản bảo vợ:
- Thôi đốt quách đi cho tiện sổ sách. Anh không thiết gì nữa. Anh chỉ muốn được sống yên ổn.
Quỳnh Trang nói:
- Em lo quá. Nếu chúng nó ập vào nhà kiểm kê hộ khẩu, thì anh khai làm sao?
Ngữ giận dữ nói:
- Họ bỏ tù anh càng mừng. Sống tủi nhục như mấy năm nay còn khổ hơn ở tù cải tạo. Anh…
Quỳnh Trang ôm Ngữ, khóc không cho chồng nói tiếp. Nàng nói:
- Anh đừng nói dại. Họ có hỏi, anh đừng vội nói thật là đã bỏ Bảo chánh về đây. Họ có kiểm kê chắc là đi ban ngày. Anh xuống dưới nhà má ở tạm, tối về đây với em. Chắc chúng nó làm không lâu đâu. Quá lắm là vài ngày. Anh, anh có nghe em nói không?
Ngữ gật đầu cho vợ yên lòng. Quỳnh Trang hỏi:
- Sao anh chỉ đem có chừng này đồ đạc về?
Ngữ đáp:
- Những thứ cồng kềnh anh bỏ lại. Lén lên tàu cho công an khỏi thấy, anh đâu có thể mang theo nhiều.
Quỳnh Trang ngồi buồn, tiếc rẻ cái chăn còn tốt và đồ soong chảo, chén bát, trước khi nàng nghĩ tới món tiền lớn bỏ ra mua đất. Quỳnh Trang than thở:
- Bỏ ra gần hai lạng vàng mà không nuôi nổi anh đủ năm. Biết như vậy cứ ở Sài gòn lấy tiền đó tiêu còn hơn. Em dại quá, cứ nghe họ dọa bảo nếu xin về Sài gòn, anh không được tha mau như xin về quê sản xuất.
Ngữ vỗ vai vợ, an ủi:
- Thôi, của đi thay người. Có đi một lần về sau anh mới hết còn mơ mộng về quê lập vườn đào ao nuôi cá. Con đâu rồi?
Quỳnh Trang thở dài đáp:
- Anh về đây luôn giúp em coi chừng thằng Bình. Nó lêu lổng ngoài đường với tụi nhỏ bụi đời cả ngày, em lo quá.
° ° °
Cả nhà vừa ăn tối xong thì đài truyền hình loan báo lệnh giới nghiêm một trăm phần trăm kể từ bây giờ cho đến khi có lệnh mới. Chỉ những trường hợp khẩn cấp hoặc cán bộ cần di chuyển công tác mới được ra khỏi nhà. Bà Thanh Tuyến xanh mặt hỏi chồng:
- Ông đã đốt hết mớ báo tôi để ở dưới bếp chưa?
Quỳnh Trang trả lời thay cha:
- Con còn để lại làm mồi nhen lửa.
Bà Thanh Tuyến hốt hoảng:
- Xuống đốt liền đi. Hay là sẵn tiện lấy giấy báo nấu nồi cơm ngày mai ăn. Chúng nó sợ gì ba cái giấy vụn đó mà làm dữ vậy hở trời!
Ông Thanh Tuyến ngồi điềm nhiên xỉa răng, bảo vợ:
- Tại tụi nó yếu nên nhìn đâu cũng thấy ma. Kể ra để càn quét sách vở cũ mà phải giới nghiêm, thì sách vở cũ cũng có giá lắm. Ngữ, con nên hãnh diện.
Bà Thanh Tuyến nguýt chồng:
- Ngồi đó mà hãnh diện! Ông vào phòng kiểm lại lần chót xem còn thứ gì nguy hiểm không.
Ông Thanh Tuyến vẫn ngồi yên, chỉ vào đầu mình rồi cười bảo vợ:
- Thứ gì nguy hiểm tôi giấu hết vào đây. Thách tụi nó vào đây kiểm kê đấy! Nhưng tôi chưa nguy hiểm bằng thằng Ngữ. Phải vậy không, Ngữ? Thầy chỉ nghĩ mà không viết được. Con viết được, rán chứa cho nhiều vào đầu, sau này còn có dịp.
Ngữ cười, đáp dối:
- Lo ăn chưa đủ thì giờ, tâm trí đâu mà viết. Lạ thật, bốn năm qua rồi mà họ còn sợ sách cũ, thì lạ quá.
Quỳnh Trang nói:
- Em có chị bạn đi sinh hoạt ở hội Trí thức Yêu nước. Trên hội người ta bảo nếu có ai cần giữ tài liệu nghiên cứu thì nên đem gửi cho hội giữ, đừng để ở nhà có thể bị làm khó dễ, mất tài liệu quý đi.
Bà Thanh Tuyến nói:
- Thật à? Như vậy là họ đồn đãi không sai. Thế nào sáng mai chúng nó cũng mở càn quét sách báo băng nhạc cũ. Mình, mình chịu khó vào phòng xem lại lần chót đi. Tụi nhỏ ở phường thấy sách báo tiếng Tây tiếng Mỹ là đâm nghi, phiền lắm. À Trang, con lục lại thư từ con Quỳnh Như gửi về, cái nào dán tem cờ Mỹ thì xé đi. Khổ quá, cứ mỗi lần kiểm lại lòi những thứ nguy hiểm ra.
° ° °
Có tiếng đập cửa hối hả phía phòng trước. Bà Thanh Tuyến lo sợ thì thào hỏi chồng:
- Chẳng lẽ họ làm ban đêm à? Mình ra xem sao?
Ông Thanh Tuyến nói:
- Chắc không phải đâu. Khách hàng của mình hỏi mua cà phê đó.
Ông ra mở cửa. Tường dắt xe gắn máy vào nhà, tự tay khóa cửa lại, rồi nói với cha:
- Thầy me xuống đây con nói chuyện này. Gấp lắm. Ủa, Ngữ về hồi nào?
Bà Thanh Tuyến nói:
- Nó mới về hồi chiều.
Tường có vẻ e ngại khi trông thấy bạn, nhưng cuối cùng vẫn nói:
- Cả nhà xuống dưới bàn ăn đi. Thầy me! con…
Bà Thanh Tuyến cắt lời con:
- Con khỏi lo. Thầy me đã dọn dẹp kỹ rồi.
- Thầy me biết tin rồi à?
Bà Thanh Tuyến nói:
- Họ đồn rầm cả tuần là sắp càn quét sách vở cũ.
Tường nóng ruột nói, giọng hạ thấp:
- Không phải. Nhà nước muốn đánh lạc hướng nên cho tung ra tin đồn càn quét sách vở cũ. Ngày mai họ mở chiến dịch đánh tư sản. Con không biết nhà mình có bị liệt vào thành phần tư sản hay không, nhưng thầy me cũng phải đề phòng. Đã có lệnh giới nghiêm mà con còn về đây là bạo lắm. Nếu ai có hỏi, thầy me đừng khai con có về đêm nay.
Bà Thanh Tuyến và Quỳnh Trang chết lịm vì sợ hãi, còn ông Thanh Tuyến thì vẫn bình tĩnh. Chẳng những thế, giọng ông có vẻ thách đố:
- Tụi nó liệt vào thành phần gì cũng thế thôi. Vào khám nhà chỉ có rác.
Tường vội nói với cha:
- Thầy đừng nên xem thường. Chắc chú Điển đã kể với thầy vụ đánh tư sản ngoài Hà nội. Con mong là gia đình ta lọt sổ, còn nếu nhỡ…
Ông Thanh Tuyến bắt đầu nổi giận. Ông to tiếng:
- Nhỡ cái gì? Tao ỳ cái mạng già thì làm gì được tao. Bất quá tụi nó bắt bỏ tù tao là cùng. Ở tù càng khỏe, đỡ tốn cơm me mày.
Bà Thanh Tuyến gắt chồng:
- Mình! Mình điên rồi! Hãy để cho thằng Tường nó nói hết đã. Con, nếu bị xếp vào hạng tư sản, thì chúng nó làm gì mình?
- Họ kiểm kê tài sản, bắt kê khai xuất xứ các của cải, nếu bị Ban Cải tạo cho tài sản đó do làm ăn phi pháp mà có thì sẽ bị tịch thu. Còn…
Ông Thanh Tuyến cắt lời con:
- Cùng lắm tao đi hốt phân như chú Điển…
Nói tới đó, ông Thanh Tuyến chợt nhớ là Sài gòn không có cái nghề đổ thùng cầu như ở thủ đô. Ông chữa lại:
- Hốt rác cũng sống được, chết đâu mà lo. Bây giờ tao mới tiếc là đã không cho vợ chồng con Như bảo lãnh sang Mỹ. Me mày nhất định ở lại chờ mày về, nói thế nào cũng không nghe. Bây giờ thì sáng mắt ra hết. Chờ mày về, chỉ thêm khổ. Mày theo chúng nó được cái gì? Cái thân mày, vợ con mày mày nuôi còn không đủ no. Con Nam nó không thậm thụt về đây xin tiền me mày, mà tiền của me mày là tiền con Như gửi về giúp đỡ, thì liệu mày có đủ xăng chạy Honda đi làm không…
Bà Thanh Tuyến nghe chồng nói những lời quá nặng nề với con, vội can:
- Mình giận quá mất khôn rồi! Con nó liều lĩnh về báo tin cho biết trước để đề phòng mà còn đổ hết giận dữ lên đầu nó. Tường, thầy con hận Nhà nước đã lâu, nay trút hết lên đầu con cho hả tức. Con đừng buồn. Me cảm ơn con, me sẽ coi lại mọi thứ để nếu nhỡ họ ập vào kiểm kê tài sản, mình còn có chút tiền sống cầm hơi. Trong nhà với nhau me nói thật, nhà ta đã khánh kiệt từ hồi đóng thuế rồi. Me với con Trang chạy ngược chạy xuôi buôn bán chỉ đủ ăn, có chút tiền dư đề phòng khi đau ốm là nhờ quà con Như gửi về. Con đừng lo, nhà mình không của chìm của nổi gì để họ kết tội được.
Tường ngước lên thầm cảm ơn mẹ, rồi tránh nhìn thẳng vào mặt cha, ngửng lên trần nhà nói chung cho mọi người nghe:
- Chính sách chung của Nhà nước như thế, con làm gì được. Thấy gia đình vất vả con cũng không sung sướng gì. Đáng lẽ Nam không nên về xin tiền của me. Con sẽ cấm Nam…
Tường nói đến đấy, nghẹn lời không nói hết câu. Bà Thanh Tuyến vội đến gần bên con, ôm vai Tường nói:
- Con đừng tự ái hão mà về la rầy con Nam. Con cái đứa nào cũng là con, me giúp đỡ được gì thì giúp. Con Như gửi tiền về để cho cả nhà đỡ khổ chứ đâu phải để me cất giữ tiêu riêng. Con Trang cần tiền mua vườn cho thằng Ngữ, me cũng lấy tiền bán thuốc con Như gửi về bù thêm vào cho đủ. Phải không Trang?
Quỳnh Trang gật đầu, nói:
- Dạ. Anh, anh đừng la rầy gì Nam cả. Anh Ngữ nữa, anh cũng không được nói chuyện này cho Nam nghe.
Tường ngồi im lặng thật lâu. Cả phòng không ai nói gì. Không khí vừa căng thẳng vừa thê lương. Một lúc sau, Tường nói:
- Con phải về. Hôm nào rảnh Ngữ lại chỗ mình chơi.
Ngữ nói:
- Vâng. Để xem hôm nào thuận tiện, rủ luôn thằng Ngô. Cả ba đều ở Sài gòn mà chưa lần nào gặp nhau đông đủ. Thôi, mày… thôi anh về! Hẹn gặp lại sau.
° ° °
Đúng như Tường đã báo trước, ngay đêm đó, lợi dụng giờ giới nghiêm Nhà nước đã chở người tới từng phường để nhận công tác. Từng nhóm ba hoặc bốn người được phân công đến đóng chốt và kiểm kê một gia đình tư sản, hồ sơ giấy tờ được giao trước để nắm vững tình hình. Tờ mờ sáng, các toán đến mục tiêu, đứng lảng vảng giả vờ như khách đi đường chờ xe để đúng giờ hẹn là bất thần ập vào nhà, bắt đầu “làm việc”.
Toán đến kiểm kê hiệu trà của ông bà Thanh Tuyến gồm ba người, hai thanh niên và một thiếu nữ. Họ gõ vào cánh cửa lưới sắt lâu nay thường đóng im ỉm vào lúc tám giờ. Nghe tiếng gõ cửa không giống mật hiệu những khách hàng mua trà và cà phê, bà Thanh Tuyến giật mình biết tai họa đã tới. Bà lýnh quýnh không xỏ được chân vào dép, ông Thanh Tuyến thấy vợ sợ hãi quá, thay vợ ra mở cửa.
Thanh niên người Bắc có vẻ như trưởng toán bắt gọi vợ chồng Ngữ, ông bà Thanh Tuyến ra đông đủ, bắt đứng chung một chỗ để nghe anh ta đọc lệnh kiểm kê. Sắp sửa đọc, anh trưởng toán chợt hỏi:
- Trong nhà sau còn có ai nữa không. Sao trong đó còn tiếng động?
Quỳnh Trang vội nói:
- Còn cháu nhỏ của tôi. Chắc nó vừa thức dậy.
- Chị vào dẫn cháu ra đây.
Quỳnh Trang vào phòng dẫn con ra. Thằng bé mắt nhắm mắt mở kinh ngạc nhìn ba người lạ. Nó định hỏi, nhưng thấy nét mặt nghiêm trọng của người lớn, thằng Bình ngoan ngoãn đứng sát bên mẹ, tay nắm chặt lấy vạt áo Quỳnh Trang. Người trưởng toán đọc lệnh kiểm kê của Ủy ban Nhân dân Thành phố, rồi chỉ định cô thiếu nữ ở lại xem chừng người trong nhà, còn anh ta và người thanh niên mặc áo sơ mi trắng cụt tay thì theo bà Thanh Tuyến và Quỳnh Trang đi xem sơ lược qua khắp nhà. Hai thanh niên có vẻ thất vọng vì cảnh nhà khá tiêu sơ, đạm bạc. Người trưởng nhóm cau mày hỏi Quỳnh Trang:
- Chị giấu hàng ở đâu?
Quỳnh Trang ngạc nhiên hỏi lại:
- Hàng gì?
- Theo hồ sơ Ban Cải tạo thì gia đình chị bán trà và cà phê cho cả thành phố, trước giải phóng lại còn mở xưởng sản xuất nhạc ngụy nữa. Sao không thấy máy móc vật tư gì hết cả?
Quỳnh Trang giận quá nên hết cả sợ, cười khẩy rồi hất mặt lên nói:
- Đấy. Máy móc là cái máy xay cà phê cà tàng ở chỗ góc phòng. Mô tơ bị cháy rồi, anh muốn thử thì cắm điện vào. Vật tư là mấy cái thùng giấy rách đó, các anh cứ kiểm kê đi.
Người thanh niên mặc áo sơ mi trắng nói:
- Chúng tôi được lệnh ăn ở ngay tại đây cho tới khi xong công tác, nên tốt hơn hết là bà và chị nên thành thật cho chúng tôi dễ làm việc. Công tác càng lâu càng phiền cho gia đình, phần tôi lại còn phải về đi học. Bà và chị lên nhà trước làm một số thủ tục, rồi chúng ta bắt đầu kiểm kê. Từ giờ phút này, không ai được mang bất cứ vật gì ra khỏi nhà, cũng không ai được đi đâu.
Từng người phải khai lý lịch theo công tác bắt buộc. Trưởng toán không ghi chép các lời khai, chỉ lấy cây bút chì dò theo những chi tiết lý lịch Ban Cải tạo đã thu thập trước rồi căn cứ vào đó để xếp thành phần tư sản. Ông Thanh Tuyến bị vặn hỏi lâu nhất. Ông phải khai lại cả thời ông giúp cha thầu xây cất các đồn bót cho quân đội Pháp ngoài Bắc, thời ông mở tiệm buôn bán máy thu thanh ở phố Trần Hưng Đạo Huế. Ông chưa kịp khai, người trưởng toán đã nhắc ông nhớ thời ông hùn hạp với Mân thầu đổ rác cho quân đội Mỹ tại Đà nẵng, cuối cùng, là thời kỳ hùn hạp với vợ chồng Diễm mở trung tâm sản xuất băng nhạc. Đang nghe ông Thanh Tuyến kể, người trưởng toán chợt hỏi:
- Lâu nay người con cả của ông có thường về thăm nhà không?
Đã chuẩn bị trước, ông Thanh Tuyến đáp:
- Nó bận công tác, ít khi về.
Người trưởng toán nhìn một lượt khắp nhà, hỏi:
- Tại sao quá trình của ông phức tạp như thế mà tài sản chỉ có chừng này? Những máy móc sản xuất băng nhạc của ông đâu rồi?
Ông Thanh Tuyến cười nhạt, đáp:
- Thằng con phá gia của tôi đã khuân đem nộp cho Cách mạng từ ngày giải phóng rồi. Còn anh muốn biết thì lên Thành đoàn mà hỏi. Người trưởng toán đăm đăm nhìn ông Thanh Tuyến với đôi mắt lạnh và sắc rất chuyên nghiệp, rồi cảm ơn ông, quay sang lấy lời khai bà Thanh Tuyến.
Người thanh niên mặc áo sơ mi trắng và cô thiếu nữ thì tỏ ra thiếu hẳn khả năng thẩm vấn chuyên nghiệp, hỏi Quỳnh Trang và Ngữ những câu rời rạc chẳng ăn nhập vào đâu cả. Cô gái hỏi tên thằng Bình, từ đó nói chuyện sa đà với Quỳnh Trang về thời kỳ chiến sự sôi động năm 1972. Cô thú nhận mình cũng thuộc “gia đình ngụy”, và hiện đang học trường Đại học Kỹ thuật Phú thọ. Cô cho biết chàng thanh niên đang hỏi chuyện Ngữ học Đại học Sư phạm, nhưng thuộc gia đình cách mạng, đang cố lập công để được vào Đoàn.
Đến trưa, cán bộ Ban Cải tạo đến kiểm soát diễn tiến công tác kiểm kê. Lũ trẻ rắn mắt hàng xóm bất chấp lệnh giới nghiêm ra đường đứng từng nhóm xì xào chỉ trỏ vào hiệu trà. Chúng lớn lên và được tận mắt chứng kiến những thay đổi ngoạn mục của căn phố đó. Từ đám cưới rình rang ồn ào của một cô gái con bà chủ lấy chồng Mỹ cho tới ngày một ông bộ đội không biết từ đâu về ra vào ăn ở nhà đó, về sau mới biết là trưởng nam của bà chủ. Thêm một ông rể ngụy mất biệt bao năm một hôm quần áo lôi thôi ôm bao cát đựng quần áo về hiệu trà, cô con gái lớn của bà chủ chạy ra ôm chồng khóc mừng. Bây giờ công an cán bộ ập vào căn nhà đó lục soát, tra hỏi. Thế là thế nào? Lũ trẻ tò mò mỗi lúc một bạo dạn hơn, nhiều đứa đã lấp ló ngay trước cửa. Toán cán bộ cải tạo phải ngưng việc ra đuổi chúng đi. Họ ngỡ ngàng thấy tờ kiểm kê ngắn ngủn, đồ đạc gia sản không có thứ gì quan trọng. Trưởng toán được gọi ra đường hội ý riêng với Ban Cải tạo, sau đó chiếc Jeep trắng chạy đi.
Qua khỏi thời gian hồi hộp sợ hãi, bà Thanh Tuyến và Quỳnh Trang trở nên bạo dạn, liều lĩnh hơn. Không cần xin phép ai, Quỳnh Trang xuống bếp lấy gạo nấu cơm. Bà Thanh Tuyến cũng không cần xin phép sử dụng tài sản Nhà nước, tự tiện bật truyền hình xem cho đỡ buồn. Chương trình đặc biệt chiếu loại phim gián điệp gay cấn của Hungary, lâu lâu chương trình bị ngưng để đài truyền hình loan tin sốt dẻo về chiến dịch đánh tư sản: một thanh niên người Hoa giác ngộ cách mạng đã chỉ cho ban kiểm kê chỗ cha mẹ giấu vàng, một tên tư sản xấu bị bắt tại trận lúc dùng Vespa và một cái giấy công tác giả chở hai chục lượng vàng đi gửi nhà người khác.
Bốn giờ chiều, Ban Cải tạo gửi thêm hai người nữa tới hiệu trà để thay thế hai sinh viên làm việc thiếu chuyên nghiệp. Hai người mới tới quả nhiên tỏ ra thành thạo hơn, lập trường vững chắc hơn. Một lần nữa ông bà Thanh Tuyến lại bị gọi ra cật vấn, khuyến dụ, đe dọa để thành thật khai báo những tư trang của cải vàng bạc đã chôn giấu. Ông Thanh Tuyến giận quá, la lớn:
- Các ông không tin thì cứ đào hết nền nhà ra mà tìm.
Cán bộ cải tạo không cần phải làm như ông Thanh Tuyến nói, nhưng họ bật hết những ngọn đèn trong nhà, quan sát tỉ mỉ những dấu tích khả nghi trên tường, trên nền gạch. Họ lấy chân giày ấn lên từng miếng gạch hoa để xem miếng gạch nào đã bị gỡ lên để chôn giấu vàng bạc. Một người khác trèo lên trần rọi đèn pin xem xét từng chỗ tôn ghép nối, từng cái đầu kèo.
Ngữ ngồi một chỗ quan sát kỹ từng cử chỉ của họ, tuy lòng bực bội nhưng cũng tự an ủi là biết đâu có ngày chàng sẽ phải viết lại cái hoạt cảnh bi hài này.
° ° °
Mãi tới hôm sau, Ngữ mới rời được khỏi hiệu trà. Toán kiểm kê đã rút đi, sau khi niêm phong tất cả đồ đạc tài sản trong nhà (chỉ trừ quần áo, chăn gối, đồ nấu ăn và vài thứ đồ dùng lặt vặt) và bắt ông Thanh Tuyến ký vào biên bản, cam kết giữ gìn tài sản Nhà nước. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, vì thoát được cảnh sống bị dòm ngó theo dõi với những đôi mắt lạnh lẽo nghi kỵ.
Bà Thanh Tuyến bảo con gái chở đi một vòng quan sát tình hình, và khi biết nhà một số bạn buôn của bà vẫn còn bị các toán kiểm kê đóng chốt, bà suy diễn ngay rằng Ban Cải tạo đã xem gia đình bà thuộc hạng nhẹ, chỉ “đánh” khẽ mà thôi.
Quỳnh Trang không lạc quan dễ dàng như mẹ. Nàng mếu máo nói với chồng:
- Anh ở đây không được nữa rồi. Anh đã trốn về đây, mà lại chui vào chỗ đang bị theo dõi, thì càng nguy hơn. Vâng, em biết chắc họ chỉ giả vờ rút đi để cho người rình xem mình có động tịnh gì không. Chúng nó không chịu tin lời mình đâu, anh nên xuống Thị nghè ở tạm với má một thời gian. Em và con sẽ xuống thăm anh luôn. Anh nên đi ngay hôm nay. Khổ thân em, có đời thuở nào vợ lại cứ xua chồng đi xa mình như em đâu!
Ngữ thấy vợ hoang mang nhìn đâu cũng ngờ vực, cười bảo vợ:
- Em thật như con chim bị tên nhìn cành cây cong nào cũng tưởng là cái cung. Tụi nó rút vì quy kết lầm gia đình mình, thế thôi.
Quỳnh Trang cãi:
- Em có giác quan thứ sáu, em biết hơn anh. Không tin anh thử ôm kè kè một cái bọc ra khỏi nhà thử xem. Phải rồi, anh đem theo bọc quần áo để về dưới đó còn có đồ để thay đổi. Nếu anh đi một đoạn đường mà có người chận anh lại lục soát, thì em đoán đúng. Anh nhớ bọc theo tờ giấy phép của Bảo chánh. Họ hỏi, anh nhớ đáp là về lại Bảo chánh để sản xuất.
Ngữ hôn vợ con, chào ông bà Thanh Tuyến rồi ôm bọc quần áo rời khỏi tiệm trà. Hết lệnh giới nghiêm nên phố xá đông đảo trở lại. Chàng rẽ về phía tay trái tới bến xe buýt, vì chiếc Honda của Quỳnh Trang đã bị kiểm kê. Khi Ngữ tới chỗ băng ngang qua đường, một người thanh niên ngồi uống cà phê dưới gốc cây trông thấy Ngữ vội đứng dậy, tới gần chàng xin diêm để mồi điếu thuốc Đà lạt gắn sẵn trên môi. Ngữ kẹp cái túi quần áo vào nách để rảnh tay lục túi quần tìm cái bật lửa Zippo. Thanh niên lạ mặt phất tay ngầm bảo Ngữ khỏi cần tìm cái bật lửa nữa, và nói nhỏ với Ngữ:
- Tôi là Công an phường. Yêu cầu anh cho tôi kiểm soát cái túi.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương