Số lần đọc/download: 1801 / 55
Cập nhật: 2016-06-19 02:31:24 +0700
Chương 54: Doãn Định Và Nguyễn Như VI Bị Bãi Chức
N
ăm Nhâm Ngọ (1342), triều Trần sai trùng tu Ngự sử đài. Việc xong, thượng hoàng Trần Minh Tông ngự tới xem xét, cùng đi có quan ngự sử trung tán là Lê Duy theo hầu. Bởi việc này mà các quan giám sát ngự sử là Doãn Định và Nguyễn Như Vi bất bình, rồi cũng vì bất bình mà hóa ra gàn dở nên cả hai bị bãi chức. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 11b và 12a) chép rằng:
“Bấy giờ đã trùng tu xong Ngự sử đài. Sáng sớm, thượng hoàng ngự tới, ngự sử trung tán Lê Duy theo hầu. Thượng hoàng trở về cung rồi Doãn Định và Nguyễn Như Vi mới đến. Cả hai bèn làm sớ kháng nghị, nói là thượng hoàng không được vào Ngự sử đài, lại còn hặc tội Lê Duy không biết can ngăn, lời lẽ rất gay gắt. Thượng hoàng gọi họ đến, dụ rằng:
- Ngự sử đài cũng là một trong các cung điện, chưa từng có cung điện nào mà thiên tử lại không được vào. Vả chăng, trong Ngự sử đài xưa kia còn có chỗ để thiên tử giảng học, các bạ thư chi hậu dâng hầu bút nghiên cũng ở đó cả. Đó là việc cũ về việc thiên tử vào Ngự sử đài. Ngày xưa, Đường Thái Tông còn xem cả thực lục, huống chi là việc vào Ngự sử đài.
Bọn Định cố cãi, mấy ngày vẫn không thôi. Vua (chỉ Trần Dụ Tông - ND) dụ họ hai ba lần cũng không được, bèn bãi chức hết cả.”
Lời bàn: Theo điển lễ, thiên tử không nên tới Ngự sử đài, ấy là vì làm thế sẽ tạo ra sự thân mật quá mức bình thường, khiến các quan ngự sử khó bề can gián khi vua có lỗi. Thiên tử phải chăm chú đọc sử, nhưng chỉ là sử viết về cha ông đã khuất của mình, học chỗ hay, tránh chỗ dở và nghiêm xét lời bình phẩm của sử gia để sửa đức chính, chứ không được đọc thực lục là sử viết về chính mình, cốt giữ cho sử gia sự khách quan và trung thực, không bị mang vạ khi viết về chỗ dở của thiên tử đang trị vì. Thượng hoàng Minh Tông ngự đến Ngự sử đài ngay sau khi mới trùng tu ấy là sự thường, không trái điển lễ. Doãn Định và Nguyễn Như Vi trách cứ cả thượng hoàng trong việc này là quá đáng. Làm phức tạp một việc vốn chỉ rất đơn giản là điều tối kị của đấng chăn dân. Ôi, chính trực và gàn dở vốn dĩ hoàn toàn khác nhau, vậy mà sao người đời dễ lầm lẫn thế!