The wise man reads both books and life itself.

Lin Yutang

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: Vũ Hải
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 13190 / 450
Cập nhật: 2015-03-02 12:48:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương Kết - Kết Phần Tư
ừ khi nhà Thanh chấm dứt đến năm 1970 (năm cuối cùng tôi có được chút ít tài liệu về kinh tế Trung Hoa), là nửa thế kỉ, Trung Hoa đã tạm giải quyết xong vấn đề dân tộc và dân quyền, mà về dân sinh thì chưa tiến được bao nhiêu; mức tăng gia về sản xuất vẫn chưa vượt được mức tăng gia về dân số, nghĩa là vẫn còn nghèo, mặc dầu đã có vài công trình kiến thiết rất lớn, đã chế tạo được bom hạch tâm và vệ tinh nhân tạo.
Với tốc độ biến chuyển rất nhanh chóng ở thời đại chúng ta, thì nửa thế kỉ có thể bằng năm sáu thế kỉ trước. Nhật và Tây Đức hai nước bại trận, bị tàn phá rất nặng, vậy mà chỉ trong 25 năm - từ 1945 đến 1970 đã kiến thiết lại hết, đuổi kịp Anh, Pháp, những nước thắng họ, và bây giờ (1983) muốn tranh nhau với cả Mĩ nữa. So sánh với hai nước đó, Trung Hoa chậm như con rùa.
Chẳng phải chỉ riêng Trung Hoa, hết thảy các nước kém phát triển (1) Á, Phi mà người ta gọi là thế giới thứ ba (2) đều tiến chậm. Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Phi Luật Tân… đều không hơn gì Trung Hoa, vì họ “cần dùng đủ thứ mà thiếu đủ thứ”, thiếu máy móc, điện lực phương tiện giao thông, thiếu thực phẩm, thiếu vốn, thiếu kĩ thuật gia, kinh tế gia, thiếu giáo sư, trường học, dưỡng đường, bác sĩ…
Hoàn cảnh Trung Hoa còn khó khăn hơn nữa: không được yên ổn để kiến thiết. Trong nửa thế kỉ đó, bỏ những năm lộn xộn, loạn lạc thòi Viên Thế Khải và các quân phiệt, bỏ thời chiến tranh Hoa - Nhật, thời nội chiến Quốc - Cộng, thì chỉ còn khoảng 30 năm: 1928 – 1937 và 1950 – 1970 là kiến thiết được. Mà trong giai đoạn 1950 – 1970, Mao phải đem cả triệu quân qua giúp Triều Tiên, rồi lại phí mất 5 năm (1958 – 1962) cho bước nhảy vọt và công xã nhân dân, và 7 năm sửa sai nữa (để phục hồi được mức kinh tế năm 1958); vậy thực sự chỉ còn 18 năm phát triển. Thành thử tình cảnh nhân dân Trung Hoa sau hai cuộc cách mạng tiểu tư sản và vô sản chưa cải thiện được bao nhiêu. Tôi chắc họ còn nghèo hơn dân quê Bắc Việt ngày nay (1983).
Đó là cái tai hại của chết độ chuyên chính, một người quyết định sai mà không ai dám can ngăn, cứ răm rắp tuân theo hết, sau cùng phải đổ máu và mất nhiều năm mới sửa lại được. Làm gì có dân chủ! Gần khắp thế giới thứ ba ngày nay đều như vậy.
Tóm lại, tới khi Mao chết, cách mạng Trung Hoa vẫn chưa thành công. Trang 266 tôi đã nói không nên hỏi người dân Trung Hoa ngày nay có sung sướng không. Theo tôi, chỉ nên hỏi: Thanh niên trí thức Trung Hoa có còn tinh thần như mươi, mười lăm năm đầu cách mạng không? Tôi e rằng dưới hai chế độ “dân chủ” của Tưởng và của Mao, tinh thần đó đã bị thui chột rồi.
o O o
* *
Các sử gia Pháp (Guillermaz, Dubarbier, Lévy) đều rất quý văn minh Trung Hoa, khen nó là rất độc đáo, vô cùng nhân bản, ghét sự tàn bạo, trọng Khổng giáo mà khinh Pháp gia, họ mong nhà cầm quyền Trung Quốc theo đạo trung của Khổng, bỏ thái độ thách đố về ý thức hệ và chính trị đi, thái độ khiêu khích, tự cao, tự đại về ngoại giao đi, thì các nước tiến bộ mới giúp đỡ họ phát triển.
Tsui Chi, một học giả Trung Hoa còn mong rằng dân tộc Trung Hoa ông sẽ biến học thuyết Marx thành một học thuyết Trung Hoa để cải thiện đời sống mà vẫn dân chủ, cho mọi đảng chính trị được ngang quyền nhau, không dùng sự cưỡng chế để bắt kẻ khác phục tòng. Thời trước, Trung Hoa đã chẳng biến đạo Phật của Ấn Độ thành đạo Phật của Trung Hoa dung hoà được những cái hay của Nho và Phật đấy ư? Mao đã Hoa hoá học thuyết Marx rồi đấy, những vẫn giữ chính sách một đảng, nếu không thì còn gì là Mác xít nữa.
Các nhà cầm quyền Trung Hoa hiện này xích lại phía tư bản, đưa ra chiến tranh bốn hiện đại hoá. Họ theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình năm 1969! “Chính sách kinh tế cá thể hay tập thể, điều đó không quan trọng, quan trọng là tăng sự sản xuất thực phẩm”, nghĩa là người ta không quá coi trọng ý thức hệ nữa rồi, có tinh thần thực tiễn hơn, lo cho dân hơn, sao cho họ khỏi thiếu ăn đã.
Người phương Tây nào ở Trung Hoa một thời gian cũng khen dân tộc Trung Hoa có kỉ luật, lễ độ, nhã nhặn siêng năng, giỏi chịu cực, sống đạm bạc, thông minh, có sáng kiến. Họ đã trên một tỉ người, có thể đã có những khí giới hạch tâm mạnh nhất, không một nước nào có thể diệt họ được. Họ, Mĩ và Nga đương giữ cái thế chân vạc như thời Tam Quốc không ai đoán được thế đó sẽ kết thúc ra sao, chỉ biết Nga đã lộ vẻ lo ngại khi thấy họ xích lại với Mĩ nên tìm cách ve vãn họ, nhưng trong bốn nguyên do xích mích giữa Nga và Hoa thì hai nguyên do cuối (tr.220), theo tôi, khó mà giải được.
Chú thích:
(1) Ngày nay người ta gọi là “đương phát triển” cho nhã nhặn hơn.
(2) Có người gọi là thế giới thứ tư, thế giới thứ ba trỏ những nước kém phát triển nhưng có dầu lửa như Ba Tư, Irak, Koweit, Ả Rập Séoud…
Sử Trung Quốc Sử Trung Quốc - Nguyễn Hiến Lê Sử Trung Quốc