Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 52: Được Và Mất Xung Quanh Những Chiếc Xe Máy
T
huế tiêu thụ đặc biệt là một thứ thuế gián thu. Thuế gián thu khác với thuế trực thu (ví dụ, thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp) ở chỗ: việc đánh thuế chỉ thực hiện được thông qua các giao dịch trên thị trường. Nghĩa là, nếu không xảy ra các giao dịch này, thì các khoản thu được mong đợi thực chất chỉ là một thứ “cua trong lỗ”. Ngoài ra, cho dù “đối tượng chịu thuế” có được gọi là xe máy, ô tô hoặc rượu, bia gì gì đi nữa (như trong Tờ trình của cơ quan soạn thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt), thì đối tượng chịu thuế thật sự vẫn chỉ là những người tiêu dùng. Từ hai tính chất này, chúng ta thử thực hiện một vài phân tích chính sách về kiến nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những chiếc xe máy.
Mục tiêu của việc đưa xe máy vào đối tượng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lần này theo Tờ trình là nhằm “hạn chế số lượng xe máy tham gia giao thông”. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh đã bị thu hẹp trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Kinh tế, Ngân sách của Quốc hội: Chỉ đánh thuế vào những xe máy mới có giá bán từ
25 triệu đồng trở lên (để không gây khó khăn cho những người có thu nhập thấp). Ngoài ra, như mọi loại thuế tiêu thụ đặc biệt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xe máy cũng nhằm vào các mục tiêu đương nhiên sau đây:
1. Điều chỉnh thu nhập (theo hướng bảo đảm công bằng);
2. Hạn chế tiêu dùng;
3. Tăng thu ngân sách.
Trước hết, về mục tiêu “hạn chế số lượng xe máy tham gia giao thông”. Giá tăng, thì cầu giảm là một quy luật của kinh tế thị trường. Trong một khoảng thời gian ngắn hạn, cầu đối với xe máy giá 25 triệu đồng trở lên có thể giảm. Tuy nhiên, tổng cầu đối với xe máy thì vẫn không giảm. Ngược lại, xu thế cầu tăng là điều có xác suất lớn hơn. Hai nguyên nhân làm cho cầu tăng là:
1. Thu nhập của người dân đang ngày càng tăng lên dẫn đến sức mua cũng tăng theo; 2. Mức giá đầu trên bị khống chế bởi việc đánh thuế khuyến khích các công ty đầu tư cho những chiếc xe máy giá rẻ. Cùng với quy luật cạnh tranh, việc này sẽ làm cho giá xe máy càng hạ. Giá hạ thì cầu tăng. Trên thực tế, sẽ diễn ra việc đa số người dân đồng loạt mua xe dưới 25 triệu đồng và đẩy số lượng xe máy tăng lên hết sức nhanh chóng.
Những người muốn kết hợp nhu cầu đi lại với việc “chưng diện” sẽ chia làm hai loại: Một loại không chịu đựng được sự tăng giá và một loại hoàn toàn có thể chịu đựng được. Loại 1 sẽ buộc lòng phải hạ thấp đòi hỏi của mình và mua xe dưới 25 triệu
(Họ không thể thiếu phương tiện đi lại). Loại 2 vẫn cứ mua kiểu xe mà họ thích. Nghĩa là ngay cả trong trường hợp này, tổng số
xe máy được mua vẫn sẽ không giảm.
Những phân tích nêu trên cho thấy, mục đích “hạn chế số lượng xe máy tham gia giao thông” là không thể đạt được với một chính sách thuế nửa vời như đã đưa ra.
Hai là, về việc điều chỉnh thu nhập. Chênh lệch quá đáng về thu nhập cần phải được điều chỉnh để bảo đảm công bằng và sự ổn định xã hội. Công cụ quan trọng nhất để làm được điều này là thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, nhiều khoản thu nhập cá nhân ở ta là không chính thức và chẳng có cách nào theo dõi được. Vì vậy, công cụ quan trọng nhất này chỉ phát huy được tác dụng ở một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, còn thì chào thua trong hầu hết mọi trường hợp khác. Thuế tiêu thụ đặc biệt có thể được coi là một công cụ khác ít quan trọng hơn (vì đây là thuế gián thu). Công cụ này chỉ có ích đối với các loại hàng hóa và dịch vụ cao cấp phục vụ người giàu. Ngược lại, nếu nó được áp dụng cho cả những loại hàng hóa, dịch vụ mà người nghèo cũng cần thì việc điều chỉnh thu nhập không những không thực hiện được, mà sự chênh lệch giàu nghèo sẽ trở nên trầm trọng hơn. Đây là lý do vì sao các cơ quan của Quốc hội đã không đồng ý với việc đánh thuế các loại xe máy có giá thấp.
Việc điều chỉnh thu nhập chỉ còn thực hiện được đối với những người đủ khá giả để mua xe máy với giá từ 25 triệu đồng trở lên. Số người này, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, do các chính quyền địa phương đang áp đặt rất nhiều biện pháp hành chính để hạn chế xe máy, như việc đình chỉ đăng ký xe máy trong các quận nội thành; mỗi người dân chỉ được mua một chiếc xe máy… số người có đủ điều kiện mua xe máy phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là rất nhỏ bé. Thêm vào đó, việc đánh thuế để điều chỉnh cũng chỉ làm được mỗi một lần. (Với các thủ tục hành chính hiện nay, việc mua xe lần thứ hai là hoàn toàn bế tắc không thể thực hiện được). Từ phân tích trên, việc cố gắng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe máy giá trên 25 triệu sẽ chẳng khác gì chuyện “ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng” cả.
Ba là, về việc hạn chế tiêu dùng. Hạn chế tiêu dùng là một tác động quan trọng của thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, người ta chỉ hạn chế tiêu dùng đối với những thứ có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu… hoặc ít có lợi cho văn hóa và thuần phong, mỹ tục như các hình thức giải trí có cá cược. Xe máy không nằm vào bất kỳ loại nào như thế.
Bốn là, về việc tăng thu cho ngân sách. Việc tăng thu cho ngân sách có thể xảy ra. Mặc dù, không nên đặt quá nhiều hy vọng vào khoản tăng thu này. Trong bất cứ trường hợp nào, điều đáng phải băn khoăn nhất là: khoản thu này chưa chắc đã bù đắp được cho những tổn thất về môi trường do việc khuyến khích sử dụng các xe máy chất lượng thấp gây ra. Đó là chưa tính đến các chi phí xã hội rất lớn cũng có thể phát sinh vì nguyên nhân tương tự.
Những phân tích chính sách nêu trên là rất sơ bộ. Chúng chỉ nhằm cung cấp một vài thông tin về những “cái được”, “cái mất” trong việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe máy. Tuy nhiên, thông tin gì thì cũng chỉ là để tham khảo. Ý chí của các vị đại biểu Quốc hội mới là cái cuối cùng sẽ quyết định người tiêu dùng có phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt khi muốn mua xe máy xịn hay không.