Freedom is not given to us by anyone; we have to cultivate it ourselves. It is a daily practice... No one can prevent you from being aware of each step you take or each breath in and breath out.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Mikhail Sholokhov
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 69
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4693 / 58
Cập nhật: 2015-08-05 18:42:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
ặc dầu họ chỉ mới gặp nhau có vài lần trên huyện uỷ và chỉ nghe tiếng nhau nhiều hơn, chủ tịch nông trang "Ánh hồng" Nhikipho Pôlianhítxa - nguyên là thợ nguội nhà máy luyện kim Đnhiéprôpêtơrốpxkơ và cũng là dân hai vạn rưởi, - đã đón tiếp Đavưđốp tại trụ sở ban quản trị nông trang như tiếp người bạn cũ.
- A, anh bạn Đavưđốp thân mến của tôi đấy mà! Chào anh lính thuỷ Bantích! Ngọn gió nào đưa anh đến cái nông trang lạc hậu về mọi chỉ tiêu là nông trang của chúng tôi thế này? Xin mời vào, ngồi chơi, ở đây anh là thượng khách!
Khuôn mặt tròn vành vạnh lốm đốm tàn hương của Pôlianhítxa nở ra một nụ cười giả tạo, láu lỉnh và đôi mắt đen ti hí của anh ta ánh lên một vẻ hiếu hách vờ vĩnh. Cuộc đón tiếp quá ư niềm nở ấy làm Đavưđốp cảnh giác. Anh chào một câu gọn lỏn, ngồi xuống bên bàn, rồi từ từ đưa mắt nhìn quanh.
Theo ý Đavưđốp, phòng làm việc của một chủ tịch nông trang mà thế này thì quả là nghịch mắt: gian phòng rộng thênh thang ngổn ngang những chậu đất, những bồn gỗ sơn vàng cắm những bông hoa phủ trắng bụi, và giữa đống chậu hoa ấy lạc loài vài chiếc ghế mây đã tã xen lẫn mấy chiếc ghế đẩu bẩn thỉu; bên cửa ra vào lại kê một chiếc đivăng hình thù kỳ quái, rách bươm, để lòi cả ra ngoài những chiếc lò xo rỉ; tường thì dán đầy những tranh ảnh cắt trong tạp chí "Ruộng đồng" ra và những tranh thạch bản rẻ tiền, nào là tranh lễ rửa tội của nước Nga tại Kiép, nào là trận vây hãm Xêvaxtôpôn, chiến trận ở Sípka, nào là cuộc tấn công Liêu Dương năm 1904 của quân đội Nhật.
Phía trên bàn làm việc của ông chủ tịch có treo một tấm ảnh Xtalin đã vàng ố, và trên bức tường đối diện là bức tranh quảng cáo màu sắc loè loẹt và lốm đốm cứt ruồi của nhà máy xe chỉ Môrôdốp. Tranh vẽ một chàng tôrêađô 1 dũng cảm mặc áo chẽn đỏ một tay giữ một con bò mộng hung dữ đang lồng lên, sừng bị một sợi dây thòng lọng bằng chỉ bó chặt, còn tay kia thì hững hờ đặt lên đốc kiếm. Và dưới chân chàng ta lăn lóc một cuộn chỉ trắng khổng lồ tháo dở với cái nhãn hiệu đề rõ: "Số 40".
Bổ sung thêm vào sự bày biện ấy là một cái hòm to tướng đóng đai sắt đặt ở góc phòng. Chắc hẳn Pôlianhítxa dùng cái hòm ấy thay cho két sắt. Một ổ khoá kho cỡ đại, tương xứng với kích thước hòm và được đánh bóng lộn, chứng tỏ rằng tài liệu cất trong hòm phải thuộc loại tối ư quan trọng.
Nhìn lướt qua gian phòng một lượt, Đavưđốp không thể không mỉm cười. Pôlianhítxa suy diễn nụ cười ấy theo ý mình, hể hả nói:
- Ông thấy thế nào, bày biện thế được đấy chứ! Mình đã giữ nguyên tất cả những gì của lão chủ cũ là một tên kulắc để lại, giữ nguyên kiểu trang trí trong gian phòng. Chỉ có cái giường có đệm lông và gối là mình cho chuyển sang phòng chị lao công thôi, còn thì nói chung mình giữ nguyên cái không khí ấm cúng của nó, ông lưu ý cho điều đó. Không có tí vẻ gì là cơ quan cả! Không có tí vẻ gì là trụ sở! Phải, thú thật với ông là mình rất thích cái không khí gia đình và muốn ai đến gặp mình đều cảm thấy thoải mái như ở nhà người ta vậy. Mình nói thế có đúng không hả?
Đavưđốp chỉ nhún vai, không trả lời. Rồi anh nói thẳng vào đề:
- Ông bạn hàng xóm ạ, hôm nay tôi đến gặp ông có chuyện không được vui cho lắm.
Đôi mắt lươn láu cá của Pôlianhítxa như chìm xuống giữa những nếp nhăn húp híp, và từ đó chúng ánh lên một ánh biêng biếc như hai mẩu than đá nhỏ, và đôi lông mày đen sâu róm của anh ta rướn cong lên.
- Hàng xóm láng giềng thân thiện thì có chuyện gì không vui được nhỉ? Đavưđốp ơi, ông làm mình hoảng lên đấy! Mình với ông xưa nay vẫn như cá với nước, thế mà bỗng đâu: tôi đến ông có chuyện không vui! Mình không thể tin được! Ông muốn nói gì thì nói, mình chả tin đâu!
Đavưđốp nhìn thẳng vào đôi mắt Pôlianhítxa, nhưng chịu, không bắt được một ý gì trong đôi mắt ấy cả. Vẻ mặt Pôlianhítxa vẫn cứ sởi lởi và kín như bưng, và trên đôi môi anh ta vẫn là nụ cười điềm nhiên, niềm nở. Xem ra ông chủ tịch nông trang "Ánh hồng" là một diễn viên bẩm sinh, rất tự chủ và đóng vai rất khéo.
Đavưđốp nói toạc móng heo:
- Có phải ông cho người đến chở trộm cỏ của chúng tôi đêm qua không?
Đôi lông mày Pôlianhítxa rướn cao lên nữa:
- Ô hay, cỏ nào?
- Cỏ chứ, còn cỏ nào, cỏ thảo nguyên.
- Tin mới toanh đấy! Người ta chở trộm cỏ của ông à? Người bên Tubianxki chúng mình à? Làm gì có chuyện! Mình không tin! Ông cứ giết mình đi, bắn mình đi, mình vẫn không tin! Xêmiôn ạ, xin ông lưu ý rằng nông trang viên "Ánh hồng" là những người lao động rất trung thực trên đồng ruộng xã hội chủ nghĩa của chúng ta, và ông nghi ngờ họ như thế là xúc phạm đến họ, không những thế, còn xúc phạm đến tôi là chủ tịch nông trang này nữa. Ông bạn ơi, mình xin ông lưu ý cho điều đó.
Đavưđốp nén bực, bình tĩnh nói:
- Này, ông bạn hờ ơi, đối với ông tôi không phải là Lítvinốp 2 và đối với tôi ông không phải là Tsembéclen 3, cho nên chúng ta không việc gì phải giở trò ngoại giao với nhau. Anh cho lệnh họ lấy cỏ khô của chúng tôi phải không?
- Lại cỏ khô! Nhưng ông bạn ơi, ông nói cỏ khô nào nhỉ?
- Ông đừng giở cái giọng dớ da dớ dẩn, - Đavưđốp bực dọc kêu thốt lên.
- Ông bạn ơi, xin ông lưu ý rằng tôi hỏi ông một cách nghiêm chỉnh: ông định nói chuyện cỏ khô nào?
- Cỏ khô ở cánh đồng Kim ngân. Ở đấy đồng cỏ hai bên giáp giới nhau, và người bên các anh đã sang nẫng nhẹ cỏ khô của chúng tôi, thực tế thế!
Pôlianhítxa dường như lấy làm thú vị vì một chuyện hiểu lầm đã được giải quyết tốt đẹp như vậy, vỗ đánh đốp một cái vào mặt da khô của đôi ủng đang đi ở chân, và sằng sặc cười:
- Ông bạn ơi, sao ông không nói rõ ra như thế ngay từ đầu! Ông lại cứ cỏ khô, cỏ khô, nhưng cỏ khô nào mới được chứ? Ở cánh đồng Kim ngân, chẳng biết là do vô tình hay là cố ý, các ông đã cắt cỏ khô trên đất chúng tôi. Chỗ cỏ khô ấy chúng tôi dã cho thu hồi lại trên cơ sở hợp pháp và chính đáng. Rõ chưa, ông bạn?
- Chưa, ông bạn hờ ơi, chưa rõ. Nếu cỏ khô ấy là của các ông, sao các ông lại chở đêm hôm vụng trộm?
- Chuyện ấy thì phải hỏi dưới đội. Đêm hôm mát mẻ, người làm đỡ nhọc, vật kéo cũng đỡ nhọc, chắc là do thế nên anh em mới chở ban đêm đấy. Thế bên các ông không làm đêm bao giờ à? Thế là dại! Đêm, nhất là những đêm trăng sáng, làm việc khoái bằng mấy ban ngày trời nắng chang chang.
Đavưđốp cười khẩy:
- Cữ này đêm lại tối như hũ nút, thực tế thế!
- Ờ ông bạn ơi, đêm tối mấy thì tối, đưa thìa lên miệng chẳng ai đút trượt ra ngoài cả.
- Nhất là khi cái thìa ấy lại múc cháo ở bát người khác…
- Ông bạn ơi, ông thôi cho cái trò đó đi! Ông lưu ý cho rằng những lời cạnh khía của ông đã xúc phạm nặng nề đến nông trang viên rất chi là trung thực, rất chi là giác ngộ của chúng tôi, và xúc phạm vào tôi là chủ tịch nông trang "Ánh hồng". Muốn nói gì thì nói, nhưng chúng tôi là những người lao động chứ đâu phải quân trộm cắp, xin ông lưu ý điều đó!
Đôi mắt Đavưđốp long lên tức giận, nhưng anh vẫn trấn tĩnh lại được, nói:
- Còn ông thì hãy thôi đi những lời hoa mỹ ấy đi, ông bạn hờ ạ, và hãy đi thẳng vào chuyện. Chắc ông biết là xuân vừa rồi ở hai bên lũng Kim ngân đã có ba cột mốc cắm làm ranh giới chứ gì? Các nông trang viên rất trung thực của ông đã di chuyển cột mốc, sửa lại đường ranh giới lấn chiếm của chúng tôi ít ra là bốn năm hécta đất. Chuyện ấy ông biết không?
- Ờ, ông bạn, ông moi đâu ra cái chuyện ấy thế? Ông lưu ý cho rằng những sự nghi ngờ của ông đã xúc phạm sâu sắc đến những người không có chút tội tình gì…
Đavưđốp không nén được nữa, sôi lên cắt ngang:
- Thôi đừng ba hoa, giả vờ giả vịt nữa! Anh coi tôi là trẻ con đấy phỏng? Tôi nói chuyện nghiêm chỉnh với anh, còn anh thì cứ giở trò đóng kịch, ra cái điều bị vu oan. Trên đường sang đây, tôi đã tạt qua cánh đồng Kim ngân, đích thân kiểm tra lại những điều nghe bà con nông trang viên báo cáo. Thì quả đúng như vậy: cỏ bị chở trộm, cột mốc bị di chuyển. Chuyện ấy anh không trốn được với tôi đâu.
- Tôi cũng chẳng định trốn đi đâu cả! Cái thằng tôi đây, nó đây, ông cứ việc tay không mà bắt, nhưng… trước khi bắt nhớ bôi nhựa vào tay! Bôi kỹ nhựa vào tay, ôngbạn ạ, không thì tôi sẽ tuột đi như con chạch đấy, ông lưu ý cho điều đó…
- Việc các nông trang viên Tubianxki các anh đã làm là cái việc được gọi là tự động chiếm đoạt, và anh, anh Pôlianhítxa, anh sẽ chịu trách nhiệm về việc đó.
- Cái đó, anh bạn ơi, còn cần phải có chứng cớ, đây là tôi nói chuyện di chuyển cột mốc. Anh bạn ạ, đó mới là lời khẳng định suông của anh thôi, không hơn không kém. Còn chuyện cỏ khô thì cỏ khô của anh làm gì có dấu.
- Con cừu có đánh dấu thì chó sói vẫn xơi như thường.
Pôlianhítxa khẽ nhếch mép cười và lắc đâu ra vẻ trách móc:
- Chà- chà- chà! Bây giờ anh lại ví chúng tôi với chó sói! Anh muốn nói gì thì nói, nhưng tôi không tin có ai lại đào cột mốc lên cắm đi chỗ khác.
- Thì anh cứ việc ra tận nơi, đích thân kiểm tra thì biết vết chôn cũ còn không? Vẫn còn đấy! Ở chỗ ấy đất xốp, cỏ thấp, và mấy cái lỗ tròn nom rành rành ra đấy như trên lòng bàn tay, thực tế thế! Anh sẽ ăn nói thế nào? Nếu muốn thì chúng ta cùng đi ra đó, đồng ý không? Không, đồng chí Pôlianhítxa ơi, đồng chí không chuội được với tôi đâu! Thế nào, ta đi chứ?
Đavưđốp lẳng lặng ngồi hút thuốc, đợi câu trả lời. Pôlianhítxa cũng ngồi lẳng lặng, miệng vẫn mỉm cười thản nhiên như không. Gian phòng bề bộn hoa ngột ngạt khó thở. Có tiếng ruồi bay vo ve và va đầu vào các ô kính bụi mờ của cửa sổ. Nhìn qua kẽ lá um tùm xanh bóng của một cây si, Đavưđốp thấy bước ra hiên một chị đàn bà trẻ, phát phì trước tuổi nhưng nom vẫn còn duyên dáng, mặc một chiếc váy đã tàng và một áo ngủ cộc tay giắt vào váy. Chị ta đưa tay lên mắt che nắng, nhìn dọc theo phố như tìm cái gì rồi bỗng bốc lên, tru tréo bằng một giọng the thé chối tai:
- Phênia, con chết giẫm kia, lùa bê về! Mày không thấy bò đã về rồi à?
Pôlianhítxa cũng đưa mắt ra phía cửa sổ nhìn hai cánh tay trần đến tận vai, tròn trĩnh và trắng như trứng gà bóc của chị đàn bà, nhìn mớ tóc dày nâu nâu của chị ta loà xoà dưới mái khăn vuông và phất phơ trước gió rồi không hiểu sao, cắn môi thở dài:
- Chị lao công đấy, chị ta ở ngay tại trụ sở, làm công việc quét dọn. Chị ta cũng không đến nỗi nào, chỉ phải cái tội to mồm quá quắt lắm, bảo thế nào cũng không bỏ được cái tính to mồm… Còn chuyện ra đồng thì tôi chẳng ra làm gì đâu, Đavưđốp ạ! Anh đã ra, đã xem, thế là đủ rồi. Còn cỏ khô thì tôi không trả lại anh, không trả, trước sau chỉ thế thôi! Mảnh đồng ấy là chuyện còn đang tranh chấp giữa hai bên Tubianxki và Grêmiatsi. Việc phân chia đất đai tiến hành cách đây đã năm năm, và không phải tay anh với tay tôi mà có thể giải quyết được cuộc tranh chấp này.
- Thế thì tay ai?
- Tại huyện.
- Được, tôi đồng ý với anh. Nhưng tranh chấp đất đai là một chuyện, cỏ là một chuyện. Cỏ anh phải trả lại tôi. Cỏ do tay chúng tôi cắt thì là của chúng tôi.
Xem chừng Pôlianhítxa đã quyết định cắt đứt cái câu chuyện theo quan điểm của anh ta là vô bổ này. Lúc này anh ta không mỉm cười nữa. Mấy ngón bàn tay phải anh ta đang đặt hờ hững trên bàn, khẽ mấp máy rồi từ từ nắm lại, ngón cái đặt đút vào khe ngón trỏ và ngón giữa. Anh ta hất hàm chỉ cái nắm tay của mình, rồi sang sảng nói, không hiểu sao tự nhiên lại chuyển sang tiếng Ukraina mẹ đẻ của anh ta:
- Anh có hiểu thế này là thế nào không? Là tôi coi thường! Ý kiến tôi là như vậy! Bây giờ tôi có chút việc bận, xin chào anh thôi!
Đavưđốp cười khẩy.
- Tôi xem ra thì anh có cái lối tranh luận cũng kỳ lạ thật… Chẳng lẽ anh không đủ lời để nói hay sao mà phải giở quả đấm kiểu ấy ra với tôi, như một con mụ hàng tôm hàng cá vậy? Đó đâu phải là một lý lẽ, anh bạn ơi! Thế nào, có phải anh định buộc tôi vì cái chỗ cỏ khô khốn nạn kia mà phải kiện đến công tố uỷ viên hay sao?
- Anh muốn kiện đi đâu thì kiện, xin cứ việc! Công tố uỷ viên cũng được, huyện uỷ cũng được, còn cỏ khô thì tôi không trả lại và đất thì tôi cứ giữ, xin anh lưu ý cho điều đó, - Pôlianhítxa trở lại nói tiếng Nga, đáp.
Biết nói nữa thì cũng bằng vô ích, Đavưđốp đứng dậy, trầm ngâm nhìn chủ nhà:
- Đồng chí Pôlianhítxa ạ, tôi nhìn đồng chí và tôi cứ lấy làm lạ: đồng chí là một công nhân, một chiến sĩ bônsêvích, sao lại bị chìm nhập, lút đầu trong vũng bùn tiểu tư hữu nhanh chóng thế nhỉ? Lúc nãy anh khoe với tôi là anh cố giữ nguyên cái hình thức bề ngoài kiểu kulắc ấy, nhưng theo tôi, không phải anh chỉ giữ cái hình thức mà cả cái tâm địa kulắc nữa, thực tế thế! Nửa năm sống trong gian phòng này, anh đã tiêm nhiễm cái tâm địa kulắc ấy! Nếu anh sinh ra đời sớm hơn hai mươi năm trước, nhất định anh đã thành một tên kulắc chính cống trăm phần trăm, tôi nói thực với anh như thế!
Pôlianhítxa nhún vai, và đôi mắt sắc như dao của anh lại chìm xuống những nếp da mặt anh ta.
- Chẳng biết tôi có thành một tên kulắc hay không, nhưng anh, Đavưđốp ạ, anh lưu ý cho điều này là nhất định anh sẽ thành một cha cố, hoặc nếu không thì cầm chắc cũng là một lão thày cả nhà thờ.
- Sao lại thế? - Đavưđốp thực sự ngạc nhiên.
- Vì rằng anh là một lính thuỷ cũ, thế mà anh lại chìm ngập lút đầu trong mê tín dị đoan. Anh lưu ý cho rằng tôi mà là bí thư huyện uỷ thì anh đã phải đặt tấm thẻ Đảng của anh lên mặt bàn tôi vì những cái trò ấy của anh rồi.
- Trò nào? Anh nói gì vậy? - Đavưđốp sửng sốt quá rướn cả vai lên.
- Thôi anh đừng giả vờ giả vịt nữa! Anh thừa hiểu tôi nói gì rồi. Chi bộ chúng tôi ở đây dốc toàn lực ra đấu tranh chống tôn giáo, hai lần chúng tôi đã đưa ra hội nghị toàn nông trang và toàn ấp về vấn đề đóng cửa nhà thờ, còn anh thì làm cái gì? Anh làm cái việc chọc gậy bánh xe chúng tôi, anh làm cái trò ấy đấy, anh lưu ý cho điều đó!
- Hay lắm, anh nói tiếp đi! Tôi chọc gậy bánh xe các anh thế nào nhỉ?
- Thế nào à? - Pôlianhítxa đã phát cáu ra mặt, nói tiếp: - Các ngày chủ nhật, anh cho xe ngựa chở lũ mụ già đi sang bên tôi lễ nhà thờ, anh làm thế chứ thế nào! Anh lưu ý cho là các mẹ bên tôi thấy thế chỉ muốn nhảy xổ vào móc mắt tôi ra. Họ bảo "Anh là cái đồ quỷ quái, anh định đóng cửa nhà thờ chúng tôi để làm câu lạc bộ, anh hãy mở mắt ra mà nhìn ông chủ tịch bên Grêmiatsi kia kìa, ông ta rất là một sự kính trọng bà con đi đạo, thậm chí ngày lễ còn cho xe ngựa chở bà con đi nhà thờ nữa đấy".
Đavưđốp bất giác cười phá lên:
- Ra là thế đấy! Tội mê tín dị đoan của tôi té ra là thế! Ồ, không có gì ghê gớm lắm đâu!
- Đối với anh có thể là không ghê gớm, nhưng anh lưu ý cho là đối với chúng tôi thì không còn gì tai hại hơn! - Pôlianhítxa nóng nảy nói tiếp: - Anh muốn lấy lòng nông trang viên của anh, muốn tỏ ra cho họ thấy là anh tốt, nhưng anh lại phá hoại công tác vận động chống tôn giáo của chúng tôi. Cộng sản thế mới đẹp mặt, khỏi nói! Anh buộc tội người ta đầu óc tiểu tư hữu, còn bản thân anh làm những trò gì thì có ma quỷ biết. Giác ngộ chính trị của anh để đâu rồi? Đâu là Đảng tính bônsêvích và tinh thần đấu tranh không điều hoà với tôn giáo của anh?
- Khoan đã, nhà tư tưởng ba hoa! Nói năng phải thận trọng tí chứ!... Anh bảo "muốn lấy lòng" là thế nào? Anh có biết tại sao tôi lại cho xe chở các mụ ấy đi không? Anh có biết tôi tính thế nào mà hành động thế không?
- Những sự tính toán của anh, thì tôi cứ nhổ toẹt vào! Anh muốn tính toán thế nào mặc anh, nhưng đừng phá sự tính toán của chúng tôi trong cuộc đấu tranh chống bọn thày tu. Muốn gì thì gì tôi cũng sẽ đặt vấn đề này ra trước ban thường vụ huyện uỷ, anh lưu ý cho điều đó.
- Thú thật với anh, anh Pôlianhítxa ạ, tôi cứ tưởng anh thông minh hơn kia, - Đavưđốp buồn rầu nói và bỏ đi ra, chẳng buồn chào.
--------------------------------
1 Người đấu bò tót trong các ngày hội ở Tây Ban Nha. - ND.
2 Lítvinốp: Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô hồi đó. - ND.
3 Tsembéclen: Bộ trưởng ngoại giao Anh. - ND.
Đất Vỡ Hoang Đất Vỡ Hoang - Mikhail Sholokhov Đất Vỡ Hoang