I speak in hugs & kisses because true love never misses I will lead or follow to be with you tomorrow.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 52
.5 cũng như các K khác chợt thưa hẳn đi vì những đợt người được tuyển đem lên Trảng Bom lao động sản xuất sau đợt học tập chính trị mười ngày.
Vĩnh trở lại K.5 bạn bè vắng nhiều. Nhưng những người như Ý, Huy, Dương và Điều thì vẫn còn nguyên. Vì có thành tích bệnh lao, Vĩnh có thể xin bác sỹ Triển cho nghỉ lao động tĩnh dưỡng một thời gian. Đã quen biết nhau, ông Triển cũng chẳng tiếc gì một lời đề nghị; do vậy, Vĩnh hiên ngang nằm phè và không hề phải làm một công tác gì dù là quét hội trường hay rửa cầu tiêu. Ở không mãi cũng buồn, Vĩnh bắt đầu trở lại suy nghiệm và tiếp tục viết nhạc. Đêm đêm đàn đúm với đám anh Huy để nghe ông trung tá Sâm, cựu liên đoàn phó liên đoàn 5 BĐQ nói về kinh nghiệm và quá trình làm bản tự khai của ông.
Thực ra ông Sâm là xếp cũ của Ý. Trước khi động viên, ông là giáo sư Pháp Văn của trường Taberd. Gặp ông nơi đây, Ý cố tình tránh né vì theo Ý "tay này dám có liên hệ chi đây với cộng sản, bằng không giờ này ông ta nhất định phải nằm ngoài Bắc rồi". Ông Sâm dần dần nhận biết được sự nghi kỵ của Ý, một buổi chiều bọn Vĩnh đang ngồi với nhau nhấm nháp tí nước gạo rang cháy giả cà phê thì ông Sâm chống gậy xà đến (ông hiện bị xụi một bên chân!). Ông lên tiếng hỏi Ý.
- Sao thấy tao là mày trốn biệt vậy Ý?
Ý cười cười, nửa đùa nửa thật.
- Sao giờ ông thầy còn nằm đây, ông thầy?
Ông Sâm đã biết rõ Ý nghi ngờ ông. Ông ngồi xuống cạnh mọi người, nhăn mặt.
- Bộ mày muốn tụi nó lôi tao đày ra Bắc lắm hả?
Nói rồi ông nhìn vào mặt Ý. Nói mày nghe. Tụi mày dở lắm. Mấy thằng bạn già bò ngũ bò lục của tao cũng ngu xấp lượt. Tao hỏi mày, thằng nào dân Biệt Động mà không giết hằng hà tụi nó? Và những thằng bị giết, thiếu gì thằng mình từng đọc qua tiểu sử trong bản trận liệt. Bộ mày không nhớ nổi tên năm ba thằng đã chết dưới tay mà khai báo với cách mạng rằng chúng nó là thân nhân của mày hay sao? ĐM. những thằng chết rồi đâu có ngồi dậy để mà tố giác mày man khai. Trời ơi! Thời buổi này làm bà con của liệt sỹ cách mạng dễ thấy mẹ, sao tụi mày ngu quá vậy?
Ngồi nghe ông Sâm nói với cái giọng bộc trực của một người miền Nam, Vĩnh tin là ông không phịa chuyện. Ở điểm này quả ông đã khôn ngoan vượt lên trên rất nhiều người đồng cảnh ngộ. Giờ đây, tỉ như bọn chúng có khám phá ra thì những đợt đem đi Bắc hầu như đã chấm dứt; và chả phải mỗi lúc mỗi đem từng cá nhân ra đày ngoài Bắc mà được. Ông Sâm, do đó, rất có thể đã thoát được việc bị đem ra Bắc chính nhờ xử trí khôn ngoan của ông.
Những đêm không đàn đúm với đám Ý và Huy thì Vĩnh lại nằm chuyện trò văn nghệ với Nguyễn Đình Tạc. Có lần Tạc bàn với Vĩnh rằng nếu sau này còn sống và đổi đời lần nữa, chắc anh sẽ viết một cái nghi án văn chương cho cả làng điên đầu chơi. Anh sẽ ngụy tao văn kiện để chứng minh rằng tác giả Lục Vân Tiên không phải là cụ Nguyễn Đình Chiểu, mà là của người em ruột tên Nguyễn Đình Chiếu...
Nhưng những chuyện văn học nghệ thuật Vĩnh được bàn với một người bạn mới tên Trần Mạnh Toàn có lẽ thú vị hơn. Toàn điềm đạm và hiền lành. Hầu như chả có đêm nào mà Toàn không tìm đến gặp Vĩnh. Hai người rất ít khi lên hội trường coi TV mà hay ra bờ giếng ngồi nói chuyện thi phú với nhau. Trong những tác phẩm chống cộng, Toàn hay nhắc nhở đến một tác giả người Anh George Orwell với tác phẩm chính trị giả tưởng lạnh mình của ông có nhan đề là Nineteen Eighty-four. Thêm một tác giả nữa mà Toàn tỏ ra yêu thích đặc biệt là Lâm Ngữ Đường. Anh hay nhắc đến tác phẩm Bí Danh của vị học giả uyên bác người Trung Hoa này. Đổi lại, Vĩnh nói cho Toàn nghe miền Nam không phải không có những tác phẩm quan trọng về việc báo động hiểm họa cộng sản. Nhiều tác giả có ý thức đã không thiếu bổn phận trong nhiệm vụ báo động này. Chỉ có quần chúng thiếu ý thức là không chịu tìm đọc, hoặc đọc mà không chịu tin mà thôi! Ngay thành phần sỹ quan cán bộ của quân đội, đã mấy người đọc Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc? Đã mấy người biết đến cái bìa Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử của Nguyễn Mạnh Côn màu gì? Chao ôi, nếu bình tâm mà nói hẳn những ông như Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ phải là những nhà văn can đảm ghê lắm. Họ cứ viết cứ in để sách họ cứ ế chảy ra năm này tới năm khác, vì nó là sách... chống cộng!
Trong giai đoạn này, phải nói rằng đời tù cải tạo của Vĩnh và các bạn ở Suối Máu tương đối nhàn nhã. Càng nhàn hơn khi bọn quản giáo bắt đầu biết hưởng thụ và biết lợi dụng bọn tù vào những công tác sinh lợi cho chúng. Dĩ nhiên trong điều kiện hiện tại, bon tù chưa thể ra biển Đông lặn mò ngọc trai, chưa thể lên núi khai thác mỏ vàng mỏ bạc; nhưng bọn tù còn ở lại Suối Máu có thể sáng chế ra những món đồ đeo tay bằng nhôm xủi rồng bay phượng múa không phải là những thứ không bán ra tiền trong thời buổi này. Ở miền Nam nó có thể chỉ là những món hàng mã cho con nít chơi, nhưng nếu nó được đem ra miền Bắc nghèo khó mấy chục năm dưới chế độ cộng sản, nó sẽ trở thành những nữ trang quý giá và cô gái nào cũng khát khao được làm chủ! Riêng đối với bọn tù lao động ở Trảng Bom, bọn quản giáo khai thác họ trong việc săn đuôi kỳ nhông...
Riêng về mặt thủ công, bọn quản giáo đã cung cấp đều đặn những miếng nhôm tốt, những tờ giấy nhám mịn cho một số tù cải tạo khéo tay hay làm. Không khí trại nhộn nhịp hẳn lên. Những chuyên viên vẽ và xủi những món đồ nữ trang bằng nhôm nổi tiếng như Đặng Ngọc Sinh, Lê Tuấn Khanh, Mai Mạnh Liêu... hầu như bận rộn suốt ngày. Vui hơn nữa là chính bọn quản giáo cũng lăng xăng chia xẻ sự bận rộn ấy với bọn tù làm thủ công và một phần nào quên đi sự cay nghiệt cần có cho một chức vụ cai tù của chế độ mới. Cũng nhờ sự lơi là này, nhiều anh đã dám mạo hiểm chờ đêm xuống, chui luôn những lớp thép gai dày đặc phía sau bếp sang K khác thăm bạn bè. Vĩnh cũng mạo hiểm một chuyến và chui được sang K.1. Lần mò cả tiếng Vĩnh mới tìm gặp được Hóa. Đứng nói chuyện với bạn một lúc, Vĩnh biết đại khái sinh hoạt bên K.1 dễ dàng hơn bên K.5. Ban đêm anh em tổ chức hát nhạc vàng công khai. Cũng qua Hóa, Vĩnh được thêm ít tin tức về những người bạn cũ hồi bên An Dưỡng. Và nhất là gần đây K.1 đang nhen nhúm một phong trào đánh hội chợ bọn ăng ten chỉ điểm. Lê Bá Lý, cựu hùm xám của trại 4 An Dưỡng đã lãnh một trận đòn gần chết đến độ bọn khung phải chuyển hắn sang K.4 để tránh bị tiếp tục ăn đòn...
Riêng số anh em lao động ở Trảng Bom nghe nói cũng rất thoải mái. Họ tương đối được ăn uống đầy đủ hơn những người còn ở lại Suối Máu. Sự thoải mái này phải chăng là một hình thức trả công của bọn cán bộ Suối Máu dành cho những người đã giúp chúng giải quyết được một vấn đề to lớn?
Hàng tuần, chở theo những chuyến Molotova đi thanh tra hoặc tiếp tế cho nông trường Trảng Bom về, riêng ở K.5, Vĩnh và các bạn nhiều lần thấy bọn vệ binh mỗi tên xách theo tay năm bảy xâu không rõ vật gì, chỉ thấy nó dài quãng gang tay, to bằng ngón út và quắt queo như đã bị phơi nắng nhiều ngày. Một thời gian sau, Vĩnh mới biết ra đó là những cái đuôi kỳ nhông phơi khô. Và khi sự biết đi xa hơn một tí thì nó không khỏi không làm Vĩnh ớn sợ.
Vì lặn lội trong rừng già Trường Sơn, chịu đựng một đời sống chiến đấu quá gian khổ về vật chất và căng thẳng về tinh thần kéo dài nhiều năm tháng, trừ những hạng cán bộ cấp cao, còn các thế hệ cán binh cộng sản cấp trung và cấp thấp đều dần dần bị chứng bệnh bất lực tình dục.
Khi chiếm được miền Nam, vấn đề to lớn này vẫn chỉ được âm thầm tự giải quyết trên căn bản cá nhân. Không có Đảng, không có nhà nước nào quan tâm, nghiên cứu và đặt thành vấn đề chữa trị cho các "đấng anh hùng cách mạng cấp thấp" này cả. Một trong những phương thuốc "dân tộc" chữa bệnh bất lực (!?) là dùng đuôi kỳ nhông phơi khô ngâm rượu uống, hầu như đã và đang được nhiều thế hệ cán binh CSVN đồng lượt săn tìm và chữa trị lấy. Khi phương thuốc này được loan truyền rộng rãi và Vĩnh được biết tới nó, thì cũng là lúc đi tới đâu có bọn vệ binh ở, Vĩnh đều thấy có treo những xâu đuôi kỳ nhông phơi ngoài sân sau nhà.
Trong tầm quan sát bị giới hạn của một tên tù, Vĩnh không có điều kiện để thu thập đủ dữ kiện, để có thể khẳng định căn bệnh bất lực tập thể của bọn cán binh cộng sản trầm trọng đến độ nào, và tỉ lệ cao đến đâu; nhưng ít nhất có hai nơi Vĩnh đã đi qua, ban chỉ huy K.5 và ban chỉ huy khu bệnh xá, nơi đâu Vĩnh cũng thấy chung một hiện tượng là bọn cán binh đều xử dụng và tỏ ra rất quý món thuốc dân tộc đuôi kỳ nhông ngâm rượu đế.
Sự thoải mái dành cho anh em săn đuôi kỳ nhông trên miệt Trảng Bom không rõ ngày có mỗi tăng thêm không, chứ riêng ở Suối Máu, đặc biệt ở K.5, sự thoải mái bắt đầu đi xuống khi một chiều kia, bọn cai tù kêu người phụ trách hậu cần của K, cũng là một cựu trung tá, tuyển một số tay khỏe mạnh lên hậu cần ban chỉ huy công tác đột xuất. Chừng nửa giờ sau, đoàn người trở về trại với những bao đậu nành nặng cả tạ trên vai. Những bao đậu được đem giấu khắp nơi trong K.5. Bọn quản giáo và vệ binh đi theo tù khuân đậu vào K trông thằng nào cũng có vẻ hớt hải. Sau này, tù K.5 mới biết ra nguyên do của việc phân tán mỏng nhiều tấn đậu nành tích trữ trên kho hậu cần trại là vì chúng bị thanh tra thình lình. Số đậu nành ấy là số đậu đầu cơ tích trữ của bọn chỉ huy K.5!
Khi cuộc thanh tra chấm dứt, khốn nạn thay, bọn chỉ huy trại đã chỉ có thể thu về kho của chúng không quá nửa số đậu chúng từng cho khuân vào giấu nơi những dãy nhà ngủ của bọn tù. Chúng lồng lộn lên để tìm thu về những tạ đậu đã mất. Nhưng lồng lộn thế nào thì cũng không thể đòi lại được những hạt đậu đã chui vào bụng của bọn tù ốm đói quanh năm.
Sự thoải mái thật sự chấm dứt từ tháng 12 năm 1977. Ngoài biện pháp kềm kẹp, chửi rủa, nhục mạ và hành xác bọn tù; chúng còn tính thành tiền số đậu nành đã mất và khấu trừ vào khẩu phần tinh bột mỗi ngày của tù. Chao ôi! Đòn gì chứ đòn đánh vào bao tử là đòn kinh khủng nhất trong tù cải tạo. Bình thường còn đói rã họng, đói đến độ chuột cống chuột chù, thằn lằn cắc ké, cào cào châu chấu đều biến mất hết nơi đây; giờ chúng lại còn khấu trừ vào số lượng bột hàng ngày nữa thì chịu sao cho thấu? Miếng bột luộc buổi trưa và ổ bánh mì buổi chiều bỗng nhiên teo lại một cách thê thảm. Trước khi ăn, người ta không cảm thấy đau đớn gì trong người; nhưng sau khi ăn miếng bột luộc vào, thốt nhiên ai cũng cảm thấy trong người mình như đang có một bãi sa trường. Ăn vào miếng bánh quả không khác nào là một trò chơi dại dột, đã đánh thức dậy hàng trăm con sán con lãi đang thiêm thiếp ngủ và xúi bẩy chúng vào một cuộc tranh giành không xứng đáng.
Ngoài việc bớt khẩu phần cho "chết cha tụi ăn cắp đậu", bọn vệ binh quản giáo còn ra tay nhục mạ bọn tù đến mức! Một lỗi nhẹ cũng đủ bị chửi sói đầu. Ông trung tá Tiến, cựu tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 SVSQ Thủ Đức, người có cả chục xe đò chạy đường miền Tây, có lẽ là nạn nhân đầu tiên của chiến dịch nhục mạ tù tại K.5. Chỉ vì gặp một thằng vệ binh giữa đường chưa kịp ngả nón chào, nó bắt ông trình diện, rồi chửi bới ông và sau cùng bắt ông quỳ ôm cột đèn giữa trời trưa nắng. Trò chơi khốn nạn này được bọn chúng ngày càng phát huy và không biết bao nhiêu người ở K.5 đã bị nhục vì trò chơi đó!
Khi thời tiết Biên Hòa bắt đầu gai gai lạnh để người dân miền Nam sửa soạn được đón cái lễ Giáng Sinh lần thứ ba dưới chế độ cộng sản, thì trại Suối Máu thực sự biến thành một loại trại trừng giới đạt tiêu chuẩn quốc tế về sự bạo tàn.
Trước lễ Giáng Sinh ít ngày, cũng như ở các K khác, K.5 được bọn cai tù tổ chức lên lớp một bữa. Khởi sự, tên trại trưởng khoe chuyện làng chuyện nước của hắn sau lần hắn đi phép về.
- Sau mười năm đi chiến đấu chống Mỹ cứu nước, trở về làng cũ tôi sung sướng và tự hào vô cùng. Hiện tại làng tôi đã có đến quá nửa số nhân dân biết đi guốc hoặc đi dép. (Bên dưới bắt đầu có những tiếng cười). Tên thủ trưởng vẫn tiếp. Lúc tôi ra đi theo lời bác gọi, làng tôi còn nghèo lắm. Bây giờ trở về thấy có nhiều gia đình đã có xe đạp, thậm chí có những gia đình đã có tới hai chiếc xe đạp!
Bọn tù bên dưới vừa nghe vừa nhìn cái dáng điệu diễn tả sự sung túc nơi quê cha đất tổ của thằng Việt cộng, nhất là khi hắn trịnh trọng khoe về vụ xe đạp, thì đã không còn nhịn được nữa. Tất cả đều phá lên cười. Tên trưởng trại dĩ nhiên làm sao hiểu nổi cái ý nghĩa của nụ cười... ngụy! Do đó, hắn lại tưởng lầm là bọn tù ngồi dưới không tin làng hắn giờ đây giàu có đến thế.
Tên trưởng trại nhăn mặt nói như hét để tái xác nhận về sự giàu có ấy. Tại sao các anh cười? Các anh không tin lời tôi à? Tôi nói thật đấy, làng tôi ngày nay thậm chí có những gia đình đã có tới hai cái xe đạp!
Tin quá đi chứ! Có thằng tù nào ngồi dưới mà lại không tin chuyện này! Nhưng chính vì tin mà họ không thể nhịn cười được. Sự giàu sang... ha ha ha!... Giấc mộng... ha ha ha!... trong xã hội mới là cái xe đ...a...p ha ha ha!
Bọn tù thay nhau cười rống lên. Tên trại trưởng nhìn thấy sự "thiếu nghiêm túc trong học tập cải tạo" ấy đâm cáu. Hắn bắt đầu xoay sang vấn đề đạo đức cách mạng, để lấy đà chửi bới bọn tù trong vụ đánh cắp tập thể đậu nành vừa qua. Và rồi để kết thúc câu chuyện trước thềm năm mớ Tây lịch, hắn răn đe và công khai cấm chỉ mọi hành vi có tính cách tôn giáo trong ngày Giáng Sinh sắp tới. Sau cùng, hắn thông báo cho tù K.5 một kế hoạch mới của trại, theo đó tất cả những người không đi lao động sản xuất ở Trảng Bom đều được tạo dịp sản xuất ngay ở Suối Máu này, nhằm phù hợp với kế hoạch 5 năm của nhà nước đã đề ra từ năm ngoái.
Đối với tù K.5, kế hoạch mới này không gì khác hơn là biến vòng đai trại Suối Máu, tức một phần thửa rừng nằm giữa trại và con đường sắt thành đất canh tác hoa màu sau này. Giờ đây, những người ở lại Suối Máu để được phè một thời gian mới thấy rằng bọn đi Trảng Bom ấy thế mà thọ! Lâu lâu có những người bị đau ốm, được đưa về "hậu cứ" Suối Máu nghỉ ngơi đều cho biết rằng lao động trên Trảng Bom rất thoải mái. Trên ấy lao động theo chế độ thông tầm. Mỗi ngày chúng phát dao, phát rựa và khẩu phần đem theo đường cho tù; tù cứ đi từng toán với nhau vào rừng đốn gỗ hoặc lồ ô theo một chỉ tiêu nhất định. Sáng đi, tối về; miễn sao chỉ tiêu phải hoàn tất. Đời sống không quá bị gò bó và bị hạ nhục tàn tệ như ở đây. Sự mô tả đời sống trên Trảng Bom dĩ nhiên đã được thêm mắm thêm muối rất nhiều, nhưng dù gì, đời sống lao động trên ấy đỡ chán và đỡ nguy hiểm hơn nơi đây, lúc này; lúc mà mọi người khởi sự chấp hành kế hoạch mới của trại đưa ra, kế hoạch biến vòng đai phía sau trại Suối Máu, tức khoảng rừng thưa nằm giữa trại và đường sắt, thành vùng canh tác hoa màu trong tương lai.
Một buổi sáng sau Tết dương lịch 1978, mỗi nhà mười hai người, vị chi mỗi tổ một người, phải lên trình diện khung để nhận công tác đặc biệt. Mặc dù chưa được bọn cai tù thông báo chính thức, nhưng qua sự rỉ tai nhau, hầu như ai cũng biết đây là một công tác loại... Hitchcock! Tin đồn này đã làm các tổ trưởng không còn dễ dàng trong việc cắt công tác như mọi ngày. Riêng tổ 1 đội 17, tổ trưởng Sơn cũng muốn cắt đại một người cho xong, nhưng anh lưỡng lự không biết cắt ai và nếu cắt liệu người ấy có đồng ý hay không? Cái phép nghỉ lao động một tháng của Vĩnh nhờ ông Triển xin ban y tế trại giúp cho đã hết hạn từ lâu, do đó, chắc chắn công tác sáng nay Vĩnh không thể tránh được nếu có quyết định của tập thể. Trong lúc mọi người còn nhùng nhằng, thì bỗng nhiên anh chàng thiếu úy hải quân nửa tỉnh nửa điên Trương Hồng, một con cóc của tổ, bỗng nhiên nghiến răng. Trong nhiều tháng chung sống với nhau, có lẽ đây là lần đầu tiên Vĩnh và mọi người thấy Hồng tỏ ra hăng hái trong sinh hoạt tập thể. Anh giơ cao tay tình nguyện.
Cả tổ ai cũng ngẩn ngơ trước sự tình nguyện bất ngờ của Hồng. Nhưng một thoáng sau đó anh Huy lên tiếng phản đối ngay. Có lẽ sự phản đối xuất phát từ tấm lòng thương người của anh. Cũng như mọi người, anh Huy nghi ngờ công tác hôm nay không chỉ là công tác phát quang như mọi bữa, mà chắc phải là một công tác loại mới hứa hẹn nhiều nguy hiểm dù mới qua tin đồn. Để cho một người bạn trong tình trạng bất thường bỗng nhiên nổi hứng tình nguyện anh thấy bất nhẫn quá; do đó anh lên tiếng phản đối và đề nghị.
- Tôi thấy công tác sáng nay không nên buộc ai phải đi và cũng không nên chấp nhận một lời tình nguyện của bất cứ ai. Cứ để trời gọi ai nấy dạ. Vậy tôi đề nghị mình nên bắt chước các tổ chung quanh rút thăm luôn cho tiện và cho công bằng!
Lời đề nghị của anh sau cùng được mọi người đồng ý.
Mười phút sau, một trong mười hai người của nhà 1 được lên khung nhận công tác vinh quang đột xuất là Vĩnh! Khi lên tới sân ban chỉ huy K.5, mọi người tập họp lại thành một khối bảy mươi người trong đội hình bốn hàng dọc. Tất cả đứng chờ quản giáo phụ trách quán triệt sơ bộ công tác. Trong lúc đứng đợi, Vĩnh xoay sang nói chuyện với mấy người bạn như Đặng Xuân Bính, Trần Mạnh Toàn và Võ Tấn Bảo Hùng. Mấy người bạn này sáng nay cũng có những bàn tay may mắn bắt trúng thăm như Vĩnh. Khi mọi người đang vui vẻ chuyện trò với nhau thì một thằng vệ binh chợt xách súng đi tới. Nó ngoắc đại hai người to con đứng gần Vĩnh ra khỏi hàng. Hai người bị lôi ra là Đặng Xuân Bính và Võ Tấn Bảo Hùng.
Tên vệ binh chỉ chỉ tới trước gian hậu cần, ra lệnh.
- Này, hai anh này theo tôi! Hai anh khênh mấy cái "ri-xe" đàng kia xếp thành đống trước bếp rồi lấy mấy cái "tôn-ne" đậy lại xem được không nào?
Chẳng riêng Bính và Hùng mà hầu như mọi người đều ngẩn ra trước cái lệnh của thằng vệ binh. Ri-xe là cái gì? Và tôn-ne là cái chi chi?
Thấy Hùng và Bính ngẩn người ra và chưa chịu bước đi, tên vệ binh có vẻ bực. Nó hét. Đã bảo ra khênh mấy cái bao ri-xe kia chất lại một đống rồi lấy mấy cái tôn-ne đậy nại, sao cứ đứng trơ thổ địa ra thế kia?
Cũng như mọi người, Bính và Hùng vẫn chưa hiểu, nhưng vì thằng vệ binh đã chỉ về phía nhà hậu cần trại, tay lại ve vẩy mũi súng chẳng lẽ không đi? Hai người vừa bước tới trước nhà hậu cần, vừa ngơ ngơ ngác ngác nhìn quanh. Thằng vệ binh đi theo thấy vậy bèn chỉ luốn vào mấy cái bao gạo Mỹ quăng dưới đất, gắt. Thế chứ cái gì đây? Không gọi là "ri-xe" thì gọi là cái gì đây?
Đến bây giờ thì mọi người đã hiểu ra ri-xe là cái gì. Thì ra ông vệ binh nhìn thấy chữ "Rice" to tướng in trên bao gạo, nên ông ấy gọi luôn cái bao ấy là bao "ri-xe"!
Vài tiếng cười tội nghiệp cất lên trong đám tù. Riêng Bính và Hùng đã khuân xong mấy bao gạo xếp ngay ngắn trước bếp rồi, hai anh vẫn không dám cười vì họ chưa biết cái "tôn-ne" là cái gì. May thay thằng vệ binh đã hiểu ra sự dốt nát của bọn "ngụy", nó chỉ luôn về phía mấy tấm tôle dựng bên vách nhà hậu cần. Thì ra thế! Bây giờ thì tiếng cười của bọn "ngụy" chỉ có trời mới giữ lại được!
Đang lúc vui nhộn không phanh không chuông thì thằng quản giáo phụ trách đội công tác đột xuất xuất hiện. Hắn bắt một người trong hàng ra đại diện để hô hoán làm thủ tục trình diện chào kính. Khi thủ tục chào kính báo cáo nhân số hoàn tất, tên quản giáo bắt đầu lên lớp.
- Giờ này cũng hơi muộn rồi đấy! Các anh dưới trại làm việc luộm thuộm, cắt cử thiếu khoa học, thiếu tổ chức nên mới muộn như thế này. Bây giờ đã gần chín giờ, tôi thay mặt khung quán triệt sơ bộ về một loạt công tác đặc biệt kể từ hôm nay. Như các anh biết, trong chiến dịch trồng cây nhớ bác do nhà nước phát động gần đây, trại ta hầu như chưa làm được một cái gì cụ thể. Các anh học tập tiến bộ đã được đưa lên Trảng Bom lao động thực tế, tạo được của cải vật chất dâng lên Đảng; riêng các anh còn lại đây rõ ràng chỉ làm tốn cơm gạo sắn khoai nhà nước. Hôm nay, qua nghiên cứu, khung quyết định tạo điều kiện cho các anh còn ở lại trại làm được một cái gì để lập công ăn mừng Tết truyền thống dân tộc sắp tới. Do vậy, sáng nay tôi sẽ hướng dẫn các anh đi khai quang vòng đai trại để tạo cơ sở đất đai cho những đội canh tác làm việc kế tiếp. Sau nay khung sẽ có quy hoạch trồng loại cây gì. Trước mắt tôi quán triệt các anh như vậy thôi. Khi ra tới hiện trường, tôi sẽ nói thêm về phương pháp làm việc với các yêu cầu cần thiết để đảm bảo công tác được tiến hành tốt và đạt chỉ tiêu như trên quy định.
Mười phút sau nữa thì đám Vĩnh đã có mặt ngoài hiện trường. Nơi đây là một vùng đất bỏ hoang và rất gần với cánh rừng thưa nằm ngay sát hàng rào từ K.5 chạy dài xuống tới bệnh xá. Vùng đất này có lẽ đã bỏ hoang từ lâu lắm, cỏ lau chen lẫn cỏ hôi mọc rậm rì. Từ chỗ này có thể nhìn thấy con đường sắt nằm trên một vị trí cao không quá xa. Vĩnh đi theo đội hình cho đến khi được lệnh ngừng chân tập họp trên một bãi đất trống. Nơi dãy rừng bên cánh phải, không ai nói ra nhưng tất cả đều biết có rất nhiều mìn cóc. Ban đêm nằm trong trại, thỉnh thoảng tù lại nghe thấy một tiếng nổ gây ra bởi loại mìn này. Một con cáo, một con chồn hoặc một con thỏ đều có thể làm cho nó phát nổ. Riêng đối với con người, loại mìn này nhiều khi không giết chết nhưng chắc chắn đụng vào nó, nó sẽ nhảy lên ngang đầu gối mới nổ và việc đi phép vĩnh viễn một cái chân là điều cầm bằng không thể tránh khỏi. Đứng ngó vu vơ và nghĩ ngợi lan man, Vĩnh bỗng buồn buồn nhớ tới những người bạn năm xưa đã chết, đã què cụt trong thời chiến tranh. Huỳnh Hồng Long, thằng bạn hướng đạo hiền như đất đã chết khi mới chuẩn úy. Đoàn Minh Dũng cũng vậy! Ôi cái thằng củ mĩ cù mì vừa ra trường được tuần lễ đã lên cố thiếu úy. Còn bao nhiêu đứa như vậy nữa? Và giờ linh hồn chúng nơi đâu? Có lẩn khuất quanh đây để phù trợ cho những thằng bạn không chết nhưng còn khổ hơn chết của chúng không? Vì cái chuyện què chuyện cụt lại làm Vĩnh nhớ tới một nhà thơ miền Nam cùng thời với Vĩnh, nhà thơ Luân Hoán. Chiến tranh đã làm anh mất đi một bàn chân trái. Anh đã làm những câu thơ than thở mà theo Vĩnh, có lẽ là những câu thơ yếm thế và thê lương nhất trong thời chiến tranh.
Hoán đã viết.
Tôi là một sỹ quan mù,
Chỉ huy một đoàn quân điếc!
Câu thơ ấy ngày xưa Vĩnh đọc chả thấy gì tai hại. Nhưng ngày nay nhớ lại, Vĩnh không khỏi bàng hoàng. Thế hệ của anh, của Luân Hoán, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Lâm Hảo Dũng... những người không vướng vào cái tai hại làm thơ huê tình ve gái ngay giữa thời chiến, nhưng lại dính vào một lỗi lầm có lẽ trầm trọng hơn: Đã tìm cách bi thảm hóa cái thân phận mình một cách hơi lố bịch. Buồn cười hơn là lại bi thảm hóa nó ngay lúc đối đầu với kẻ thù! Có ích lợi gì không? Hay chỉ là làm cho chính mình bị thui chột dần đi cái ý chí tranh đấu cần thiết trong một cuộc chiến sinh tử, nói thẳng ra, tự làm thui chột đi cái bản năng tự vệ mà đến một con thú nó cũng cần phải có một cách nguyên vẹn và đầy đủ. Trong cuộc chiến tranh vừa qua, phải nói hơn một lần Vĩnh và các bạn đồng thế hệ đã can tội tự sát trong tư tưởng...
Tiếng hô hoán điểm danh từng người đã vang lên. Rồi thì việc điểm danh chấm dứt. Tên quản giáo lại khởi sự lên lớp. Hắn chỉ sang thửa đất rậm cỏ lau bên trái và nói.
- Theo ghi nhận của trên đưa xuống thì mìn chỉ có nhiều trong cánh rừng thưa phía bên phải, còn bên trái dẫn ra tới đường sắt, dù cũng có mìn nhưng chỉ ít thôi. Hiện tại trại ta không có phương tiện rà mìn, vậy theo đúng chỉ thị của trên, tôi sẽ hướng dẫn các anh phương pháp rà mìn sao cho an toàn và đạt yêu cầu.
Nghe tới đây quả bọn tù đều tái mặt. Tên quản giáo hình như cũng đoán biết. Hắn vội trấn an. Các anh chẳng có gì phải lo! Cách mạng sẽ chỉ dạy cặn kẽ các anh phương thức làm việc trước khi thực hiện công tác. Yêu cầu trước mắt là các anh phải tuyệt đối bình tĩnh, lắng nghe cho tốt những gì tôi truyền đạt. Các anh phải gác bỏ ngay những ý nghĩ sai trái, rằng cách mạng đem các anh ra đây để quăng các anh vào bãi mìn. Trên điều các anh ra đây là điều một cách có phương pháp, để các anh có điều kiện lao động tốt và đạt được thành tích tốt. Cái gì cũng thế. Ta tuyệt đối tin tưởng vào Trên, ta hồ hởi phấn khởi ở công tác, thì khó khăn nào cũng vượt qua, công tác nào cũng hoàn thành được cả. Hiện tại ta thiếu những dụng cụ rà mìn và tiêu diệt mìn, ta khắc phục thôi! Tôi nói để các anh biết, hồi còn lặn lội đường Trường Sơn, đã có nhiều lúc chúng tôi ngủ trên bãi mìn. Sáng ra mới biết mình đã ngủ trên mìn. Các anh biết không? Mỹ ngụy nó thả mìn cóc, mìn râu, mìn chống người xuống đường Trường Sơn và những tuyến đường tiến quân của ta nhiều khi như bươm bướm. Thế mà chúng tôi tay không vẩn tháo gỡ và thủ tiêu được hết mìn trên đường tiến quân cơ đấy! Sau cùng các anh thấy không? Chúng tôi đã đánh thắng hoàn toàn và triệt để đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai ngụy quân ngụy quyền. Nói thế để các anh tin tưởng mà làm theo đúng phương pháp cách mạng đã làm...
Cà kê dê ngỗng đến mười phút tên quản giáo mới bắt đầu đi vào bài học rà và gỡ mìn bằng hai tay không! Quả thực ai cũng đoán biết trên bãi có mìn, nhưng không ai biết nó là loại mìn gì. Đến khi tên quản giáo lên lớp mọi người mới vỡ lẽ ra mìn nơi đây thuộc loại mìn chống cá nhân, được chôn ngầm dưới đất.
Theo đúng bài bản mọi người dàn hàng ngang, mỗi người cách nhau đúng một sải tay. Trên tay mỗi người cầm một cái que tre dài bằng hai chiếc đũa. Khi được lệnh, hàng ngang sẽ đồng loạt tiến lên phía trước và bắt đầu xâm trên đất với chiều ngang trách nhiệm. Chiều dài của buổi sáng hôm nay, do bởi ra quân hơi muộn, quản giáo quyết định một cách ân huệ là năm mươi thước cho mỗi người.
Trong lúc vừa tiến vừa xâm trên đất, nếu xâm nhằm một vật cứng phải đứng ngay lại và báo cáo thật lớn: Có mìn!
Báo cáo xong cứ việc cắm que tre vào chỗ nghi ngờ và bước lui trở lại. Phần vụ kế tiếp sẽ do những chuyên viên gỡ mìn thực hiện. Tuy nhiên để tránh tình trạng báo cáo láo, tên quản giáo đã nhắc nhở trước.
- Bất cứ anh nào cố tình báo cáo láo hoặc báo cáo không chính xác quá ba lần, anh ấy sẽ chịu biện pháp kỷ luật của khung và trước mắt là sẽ bị cấm thăm viếng vào đợt thăm viếng trước Tết...
Nghe câu răn đe của thằng Việt cộng ai cũng rủa thầm trong bụng. Nó biết mình không tam vô và coi trọng gia đình nên đưa chuyện gặp gỡ gia đình ra bắt chẹt đây! Tuy rủa thì rủa, trong lòng mọi người đều dấy lên một niềm vui bất thường. Tin sẽ được thăm nuôi ít nhất cũng đã được chính miệng tên quản giáo này tiết lộ.
Lúc hàng ngang bắt đầu tiến, Vĩnh cũng cẩn thận và chậm chạp tiến lên theo anh em. Trong cái dáng lom khom như người cấy lúa, hầu như trong đầu mọi người không có chỗ trống cho sự sợ hãi xuất hiện, mà chỉ có chỗ cho một nỗi kinh ngạc mênh mông ngự trị. Chao ôi! Ai có thể ngờ được cuộc đời mình lại có ngày đánh đu với tử thần một cách... vô duyên như thế này!?
Đã nửa tiếng trôi qua, bọn tù hồ như chỉ tiến được dăm thước. Tên quản giáo dù nhận lệnh trên, nhưng cá nhân hắn có lẽ cũng có tí ái ngại hộ bọn tù nên hắn lờ đi và không cất một lời thúc hối nào. Hắn ngồi tựa vào một gốc cây gòn đã chết khô nằm cách hiện trường độ hai chục thước tán dóc với một thằng vệ binh. Thấp thoáng nơi phía đường sắt có đôi ba thằng vệ binh khác ôm súng ngồi cạnh bọn tù lao động.
Mùa này trời Biên Hòa hay có những cơn mưa rất bất chợt. Bọn cai tù lại rất kỵ mưa. Cứ hễ trời vừa chuyển là chúng vội vàng gom tù đưa về trại tức thì. Chẳng phải chúng thương gì bọn tù mà chỉ vì trời mưa sẽ gây cho chúng nhiều trở ngại trong việc canh giữ.
Vĩnh chậm rãi tiến lên xâm cây que vào khoảng đất trước mặt. Có lúc Vĩnh dừng chân quan sát chung quanh. Anh thầm nhủ trong lòng nếu dưới chân anh đừng nổ bậy bạ một quả mìn thì thế nào anh cũng viết lại câu chuyện này. Bên cánh trái Vĩnh là Trần Mạnh Toàn. Trời sáng nay thực mát mẻ, ấy thế mà Vĩnh vẫn nhận ra trên trán Toàn từng giọt mồ hôi to tướng cứ thay phiên nhau nhỏ xuống đất. Anh chàng thiếu úy Nha Quân Pháp này trắng trẻo và hiền lành như con gái, đụng cái ca này chắc hẳn cường độ teo ruột phải cao hơn nhiều thằng thuộc loại bóp cò chuyên nghiệp khác.
Cuộc rà mìn trong thời đại Hồ Chí Minh tiến hành đã được trên hai tiếng đồng hồ. Nắng bỗng nhiên nhạt hẳn đi. Ngọn gió Đông Nam thổi qua cánh rừng thưa như muốn đem tất cả những hơi mát mẻ của cây cỏ tặng cho bọn sa cơ thất thế. Vĩnh bỗng ngước lên nhìn trời. Xa lắm về hướng Đông, những chùm mây xanh xám chỉ đem đến những hứa hẹn có mưa về buổi chiều. Thế nhưng gió vẫn từng cơn thổi mạnh. Mặt trời mờ thật nhanh đến độ chả mấy chốc người ta mất dần cảm giác rằng trưa đã sắp đứng bóng. Tên quản giáo cũng ngó trời ngó đất. Bọn Vĩnh mừng thầm. Dám có thể nó thấy trời chuyển mưa nhanh sẽ cho về sớm. Một lần nữa Vĩnh đứng thẳng lưng ngó những chùm mây xám ở hướng Đông. A! Nó đã tụ lại với nhau thành nhiều tầng mây đen tự bao giờ. Những tầng mây ấy đang lồng lộn bay về phía này.
Vĩnh lại ngó mình rồi ngó quanh các bạn. Hầu như chưa ai đạt nổi một nửa chỉ tiêu của sáng nay. Thế nhưng tạ ơn trời, chưa một tai biến nào xảy ra và cũng chưa thấy ai báo cáo rằng họ đã tìm thấy một quả mìn. Tên quản giáo chợt đứng lên nhìn đồng hồ tay. Hắn tiến lại phía tù và bất chợt ra lệnh.
- Thôi trưa rồi, các anh tập trung lại chỗ cũ tôi nhận xét vài điểm rồi cho về nghỉ trưa.
Những gánh nặng ngàn cân như được trút khỏi vai. Sau khi cắm cái que tre thật sâu xuống trước mặt, đánh dấu chỗ mình đã rà tới, bọn tù đều hớn hở quay lui.
Vĩnh không tự thấy được nét mặt của mình, nhưng anh có thể nhìn thấy được nét mặt của các bạn chung quanh. Đó là nét mặt của những xác chết! Những nét mặt tái xanh chen lẫn xám xịt. Những nét mặt như muốn biến vào cái màu sắc u ám của đất trời lúc nó đang quặn mình chuyển vào cơn mưa. Thế rồi những nét mặt ấy rã ra như sáp chảy, đổ ngang dọc trên mặt đất và chồng đè lên nhau. Tất cả mù mịt và thụ động hoàn toàn, kể cả nét mặt của tên quản giáo và mấy thằng vệ binh: Một tiếng nổ kinh hồn đã vang lên cách Vĩnh không quá mười sải tay!
Chao ôi! Sao lại có cái tiếng nổ lạ thường vậy? Nhưng tiếng nổ quả thực đã xảy ra, đã đánh vạt hẳn đi một phía có nhiều người. Một tiếng nổ kỳ cục. Một tiếng nổ vô duyên. Một tiếng nổ thánh thần cũng chẳng ngờ được: Tiếng nổ trên đoạn đường quay lui của bọn tù rà mìn...
Cơn mưa thốt nhiên ào ạt đổ xuống. Tên quản giáo la hét. Bọn vệ binh túa ra bố trí giữ an ninh.
- Bình tĩnh! Các anh bình tĩnh đâu ngồi yên đó. Tên quản giáo la lớn. Người bị nạn sẽ được tiếp cứu. Tất cả các anh phải ngồi yên tại chỗ chờ lệnh của tôi. Yêu cầu trước mắt đừng làm một hành động nào khả nghi không tốt để các đồng chí vệ binh phải buộc lòng nổ súng.
Bọn tù tuân lệnh ngồi xuống. Mưa bắt đầu nặng hột. Hơi đất ẩm bốc lên rất khó chịu. Những kiếp người cơ cực bắt đầu lấm lem. Tất cả đều dồn những ánh mắt lo âu về phía những người bị nạn. Phải mấy phút sau khi tiếng nổ xảy ra, bọn Vĩnh mới nghe thấy những tiếng rên. Dù mưa tầm tã nhưng Vĩnh vẫn nhìn thấy thật rõ ba người nằm trên mặt đất. Máu của họ theo nước mưa chảy loang lổ một khoảng lớn. Vĩnh đã nhận ra trong ba người có cả Võ Tấn Bảo Hùng, anh chàng trung úy pháo binh mập tròn như ông Nhị Thiên Đường, trong trại rãnh giờ nào là đem sách châm cứu ra nghiên cứu và thực tập ngay trên các huyệt mạch của anh.
Vĩnh và các bạn chỉ nghe thấy hai người khác rên la, còn Hùng nằm bất động và im lìm dưới mưa. Vì máu me nhiều quá, Vĩnh không thể biết được ai bị thương nặng hơn ai, nhưng anh vẫn đinh ninh người không rên la nhất định phải là người nặng nhất vì anh ta đã ngất đi...
Tên quản giáo sau khi rút súng lục bắn mấy phát chỉ thiên, có lẽ là ám hiệu cho bên trong trại biết ngoài này có tai nạn, hắn chạy lại phía bọn Vĩnh, nói.
- Tôi cần ba anh tình nguyện theo tôi.
Vĩnh nhanh chân chạy theo tên quản giáo và hai người bạn khác về phía những người lâm nạn.
Mười phút sau đó, với những cái cáng làm bằng áo và mấy cây gậy kiếm tại chỗ, ba người lâm nạn mình mẩy đầy máu me được đám bạn tù thay phiên nhau cáng vòng về trại. Không nói ra nhưng Vĩnh biết chắc một điều trong ba người ít nhất cũng sẽ có một người cụt chân; và người cụt chân, nếu có, sẽ là ông thầy châm cứu Võ Tấn Bảo Hùng! Tự dưng hình ảnh Long Nhí ở An Dưỡng lại hiện ra trong trí nhớ Vĩnh. Vĩnh không rõ giờ này Long ở K nào? Chân nó ra sao? Và tại sao lần đi viện vừa rồi anh không gặp nó cũng không gặp Cường phi công trên đó? Chẳng lẽ chân cẳng như thế mà không được đem lên bệnh xá chữa trị như bên An Dưỡng?
Vĩnh vừa đi theo anh em vừa vuốt nước mưa trên mặt. Mối buồn làm hồn anh tan loãng. Nó trôi dạt lang thang và sau cùng tấp vào một bài thơ một thời Vĩnh yêu thích, bài Barbara của Jacques Prévert. Vĩnh khẽ đọc đủ cho riêng mình nghe.
Nhớ lại đi em, Barbara!
Mưa rơi tầm tã trên thành Brest ngày hôm ấy...
Toàn bỗng nói khẽ bên tai Vĩnh.
- Đừng đọc nữa ông Vĩnh ơi! Đừng đọc nữa ông Vĩnh ơi!
Khi về tới cổng trại, Vĩnh nghe thấy một người than thở với một người khác.
- Biết thế hồi đó tao tình nguyện đi Trảng Bom quách. Trổ ngón xủi nghề quá, thằng quản giáo nó giữ lại luôn!
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu