Số lần đọc/download: 3119 / 55
Cập nhật: 2014-11-23 13:31:31 +0700
Hồi 53 - Động Đáy Biển
N
huế Vĩ đảo mắt nhìn quanh, thầm nghĩ:
- “Có chỗ nào ẩn trú được đâu!
Đừng nói là ở lâu, chỉ một ngày thôi, cũng bị nắng đốt thành than!”
Mặt đảo nhẵn thín, bằng phẳng, không có lấy một mô đá nhỏ đủ cho con chó nấp mình!
Lúc đó, thái dương lên cao rồi, bắt đầu nghe nóng, nóng từ trên xuống, nóng từ dưới lên. Trên nhả xuống, không chịu nổi, dưới bốc lên, đốt cả mông, cả chân, ngồi hay đứng cũng khó chịu vô cùng.
Nhuế Vĩ đứng lên, đi xuống thuyền lấy nước.
Ngọc Diện Thần Bà nói mãi, khô cổ, uống luôn mấy ngụm. Rồi bà tiếp:
- Hồ Nhất Đao nêu lên tên đảo, bọn già hết sức lấy làm lạ. Bình sanh chưa ai nghe nói đến Hồ Lô đảo! Mọi người nhìn qua Âu Dương Long Niên. Bởi Âu Dương Long Niên có cái hiệu là Hải Long Vương chuyên nghề hàng hải, trong bốn biển có nơi nào mà lão chẳng đi qua, chỉ có mỗi một mình lão may ra biết được hòn đảo đó thôi. Âu Dương Long Niên khoát tay, bảo là đừng có hỏi lão vô ích, bình sanh lão không nghe nói đến một hòn đảo mang tên Hồ Lô, chứ đừng tưởng là thấy có đi qua. Không ai tin lời lão. Mà cũng chẳng ai nói gì, chỉ cười nhẹ thôi. Ai ai cũng nghĩ là Âu Dương Long Niên có biết nhưng không chịu chỉ ra. Lão hiểu mọi người nghi ngờ lão, nên thề độc. Trong số người hiện diện, sau khi lão thề, chỉ có già là vẫn nghi ngờ. Già lại châm chích là lão cố làm cho bọn già tiêu tan ý niệm, để lão một mình tìm đến Hồ Lô đảo. Lão cãi vả với già kịch liệt, song phương suýt đánh nhau! Bây giờ thì già mới biết là mình nghi oan cho lão! Nếu các ngươi không nói là hòn đảo này giống chiếc hồ lô thì già cũng không chú ý.
Bởi khi nào già lại tưởng tượng được sư phụ của Hồ Nhất Đao lại ẩn trú tại một địa phương cực thê thảm như thế này!
Bà thở dài!
Nhuế Vĩ hiểu, bà than tiếc vì toi công, đảo thì tìm được, song là một hòn đảo chết thì mong chi có người ở mà gặp? Giả như có người ở thì còn dấu vết, người không ở thì di tích đâu? Bất cứ ai, khi chết đi, cũng còn lưu lại một vài di tích, huống hồ một cao nhân?
Nếu sư phụ của Hồ Nhất Đao ở tại hòn đảo này thì dù lão có chết đi cũng còn lưu lại tuyển tập “Huyền Quy”. Nhưng không có một chứng tích nào xác định có người sống tại hòn đảo!
Phí bao nhiêu tâm huyết, mạo bao nhiêu hiểm nguy, vượt bao nhiêu dặm trùng dương, cuối cùng thu hoạch một niềm tuyệt vọng!
Ngọc Diện Thần Bà tiếp:
- Huỳnh Sơn đại hiệp khuyên giải, già và Âu Dương Long Niên không đấu khẩu nữa. Rồi Hồ Nhất Đao thốt: “Nghe lão nhân vô danh có ý muốn tại hạ tìm lão, tại hạ cười, cho lão nhân biết trong tương lai tại hạ sẽ đi tìm, nhưng không phải để học võ công trong quyển tập Huyền Quy mà là để thăm viếng người thôi.
Tại hạ lại nói, với tám chiêu đao pháp Hải Uyên, tại hạ cũng đủ đối phó với đời, và truyền cho tại hạ đao pháp thông thường đó, lão nhân cũng đáng mặt làm sư phụ của tại hạ. Lão nhân không tin là tìm gặp được người rồi, tại hạ không vì mục đích duy nhất là viếng thăm. Viếng thăm là một lý do tắt trách, chứ mục đích thật sự là nghiên cứu quyển tập Huyền Quy. Tại hạ cười không ranh luận. Trong thâm tâm, tại hạ không hề nghĩ quyển tập đó lại có hấp lực mạnh đến nỗi biến tại hạ thành kẻ tham lam...” Lão nhân vô danh cũng cho Hồ Nhất Đao biết luôn là muốn tìm đến lão cũng được, song phải đợi đến khi nào Hồ Nhất Đao được trăm tuổi rồi, sẽ đi tìm lão. Lúc đó, lão ta chết rồi và như vậy thì Hồ Nhất Đao dù có đến cũng chẳng còn là thăm viếng mà là với mục đích khác. Sau này, Hồ Nhất Đao vỡ lẽ ra, công phu ghi trong quyển tập Huyền Quy cực kỳ lợi hại, lão nhân sợ họ Hồ học xong rồi, ỷ tài hoành hành trong thiên hạ, không còn ai chế ngự nổi. Cho nên, lão nhân mới bảo họ Hồ chờ đúng lúc trăm tuổi sẽ đi tìm, bởi con người đến tuổi đó rồi không còn hiếu thắng nữa, dù học hết võ công trong quyển tập Huyền Quy cũng chẳng sanh tâm gây tai họa cho đời, đến tuổi đó rồi, học những công phu đó chỉ để duy trì tuổi thọ dài lâu thôi chứ không dùng làm phương tiện tranh vương đoạt bá. Lão nhân vô danh bắt Hồ Nhất Đao phát thệ tuyệt độc, Hồ Nhất Đao thề liền là chỉ khi nào được trăm tuổi mới đi tìm Hồ Lô đảo. Thề để bỏ qua chứ đến trăm tuổi đó rồi, con người còn hứng thú gì mà đi tìm viễn vông, bởi nào ai biết Hồ Lô đảo ở đâu? Như Âu Dương Long Niên đó, ta tìm đúng bốn mươi lăm năm rồi mà nào có biết hòn đảo ở nơi nào? Cho nên tìm được cũng phải là có may mắn lớn vậy. Hồ Nhất Đao thề rồi bấm bụng cười thầm cho rằng lão nhân nói hoang, bởi nếu công phu Huyền Quy có thể duy trì tuổi thọ thì lão sẽ sống mãi chứ sao lại nói rằng khi Hồ Nhất Đao đến nơi thì lão đã chết rồi? Bởi nghĩ vậy, Hồ Nhất Đao nghi hoặc. Trước khi cáo biệt, lão nhân gọi Hồ Nhất Đao lại, thốt: “Lão phu biết mình không sống lâu nữa, cho nên lão cáo biệt lần này, cầm như vĩnh biệt, chúng ta sẽ chẳng còn có dịp gặp lại nhau nữa. Khi ngươi đến đảo sẽ biết đã luyện công phu Huyền Quy rồi tại sao ta không sống lâu.” Lão nhân giải thích luôn: “Dĩ nhiên là phải có nguyên nhân. Nguyên nhân, lão phu không cần nói, khi nào đến Hồ Lô đảo ngươi sẽ hiểu. Đành rằng lúc đó ngươi đã là người bách niên, giả như ngươi muốn sống thêm mấy mươi năm nữa, ý muốn đó không thành vấn đề. Ngươi sống thêm được như thường.” Đưa lão nhân đi rồi, Hồ Nhất Đao không quan tâm đến những lời lão nhân nói. Từ đó, họ Hồ chuyên luyện tám chiêu đao.
Luyện xong tám chiêu đao, Hồ Nhất Đao mất hàng năm năm. Và khi đao pháp tinh thuần rồi, họ Hồ mới tưởng đến công phu Huyền Quy. Họ Hồ tự hỏi, đó là thứ công phu quái gì lại huyền diệu, lợi hại hơn “Hải Uyên Đao Pháp”? Rồi mỗi một ngày qua, Hồ Nhất Đao mỗi gia tăng ý muốn đi tìm Hồ Lô đảo. Lão nói, nếu không vì lời thề độc là lão đã ra đi tìm hòn đảo đó rồi! Lão hướng về bọn già, cho biết cái ý đó và tỏ vẻ tiếc hận không thể đi tìm ngay! Già bảo: “Tất cả cùng đi ngay, tìm gấp, để xem cho biết công phu gì mà huyền diệu như thế?” Hồ Nhất Đao lạnh lùng thốt: “Đi thì lão phu cũng muốn lắm, song còn lời thề độc kia thì sao? Năm nay, lão phu được năm mươi lăm tuổi rồi, phải đợi đủ bốn mươi lăm năm nữa cho tròn cái hạn trăm tuổi! Lúc đó, lão phu sẽ đi tìm!” Âu Dương Long Niên cười ngạo, cho rằng con người trăm tuổi còn làm nên trò trống gì nữa mà đi tìm cái hay, cái lạ! Hồ Nhất Đao bất mãn. Âu Dương Long Niên buông luôn: “Lời thề đâu phải là tuyệt đối, cũng có lúc người ta phôi pha như thường. Nếu cố chấp là ngu.” Hồ Nhất Đao nổi giận, cho rằng không ai buộc mình thề, tự mình bằng lòng thề thì mình phải giữ đúng lời thề, chỉ có những kẻ mất nhân cách mới vong bội lời thề. Âu Dương Long Niên định khích Hồ Nhất Đao, nếu Hồ Nhất Đao bỏ lời thề thì bọn già bốn người không phải giữ lời thề nữa. Hồ Nhất Đao lúc đó mới đưa ra điều kiện. Có hai điều kiện, thứ nhất là không được tiết lộ sự tình với ngoại nhân; thứ hai là không ai được đi tìm Hồ Lô đảo...
Nhuế Vĩ mỉm cười:
- Điều kiện thứ hai, vô hiệu đối với tiền bối rồi!
Nghĩa là Ngọc Diện Thần Bà không tuân thủ điều kiện đó, bằng cớ là bà đã tiết lộ với chàng, một ngoại nhân, không dính dấp gì đến vũ hội Hoa Sơn.
Ngọc Diện Thần Bà gật đầu:
- Có lý!
Đoạn bà tiếp:
- Lưu Trung Trụ cho rằng quyển bí lục “Huyền Quy” đó quý báu như vậy, nếu vì lời thề mà bỏ mất thì có hại cho nền vũ học Trung Nguyên biết bao! Tuy đáng ngại ở chỗ nó rơi về tay kẻ bại hoại, lợi dụng nó mà tự tung tự tác, gây họa cho đời, song dù sao thì ít nhất nó cũng được lưu truyền trên cõi thế, một ngày nào đó nó cũng sẽ trở về với con người chánh nghĩa. Dòng nước có thể làm đắm con thuyền, dòng nước cũng có cái diện tích là chở con thuyền xê dịch bốn phương. Lời nói của Lưu Trung Trụ gây kích động nơi Hồ Nhất Đao, lão ta bèn chấp nhận một sự tu chỉnh điều kiện thứ hai là thay vì mọi người phải chờ đúng một trăm tuổi mới được xuất phát cuộc truy tầm Hồ Lô đảo, thì ai ai cũng có thể đi tìm sau khi lão ta đúng trăm tuổi, riêng với lão thì cái hạn định đó phải được tôn trọng, còn các người khác thì khỏi chờ đúng một trăm tuổi. Như vậy, sau bốn mươi lăm năm nữa, Hồ Nhất Đao tròn trăm tuổi, mà bọn già thì suýt soát trên dưới chín mươi, bắt đầu từ đó, ai muốn đi tìm thì cứ đi, không sợ vi phạm lời thề. Bốn người bọn già cùng Hồ Nhất Đao ước hẹn với nhau, bốn mươi lăm năm sau, sẽ đi tìm Hồ Lô đảo. Ngờ đâu năm năm sau cuộc vũ hội Hoa Sơn, Hồ Nhất Đao chết...
Nhuế Vĩ thở dài:
- Lão bị người sư muội của đại sư bá vãn sinh hạ độc sát hại!
Ngọc Diện Thần Bà lấy làm lạ hỏi:
- Làm sao ngươi biết Trương Ngọc Trân hạ độc hãm hại Hồ Nhất Đao?
Nhuế Vĩ đáp:
- Hậu nhân của Hồ Nhất Đao là Bảo chủ Bạch bảo Hồ Dị Phàm thuật lại cho vãn sinh biết.
Ngọc Diện Thần Bà gật đầu:
- Rất ít người biết về cái chết của Hồ Nhất Đao, trừ bọn già bốn người và con cháu của họ Hồ. Đáng tiếc, Hồ Nhất Đao chết rồi tám quyển đao phổ bị Trương Ngọc Trân đánh cắp. Thành thử họ Hồ từ đó suy vi...
Nhuế Vĩ thốt:
- Trương Ngọc Trân đánh cắp đao phổ cũng chẳng ích lợi chi cho bà ta.
Ngọc Diện Thần Bà cau mày hỏi:
- Bà ấy từ đao pháp phổ sang kiếm pháp, đao pháp hay kiếm pháp đồng lợi hại như nhau, sao ngươi cho rằng không ích lợi?
Nhuế Vĩ bèn giải thích nguyên do cho Thần bà nghe, đồng thời chàng cũng tiết lộ là chàng đã học được sáu chiêu “Hải Uyên kiếm pháp”.
Ngọc Diện Thần Bà thốt:
- Già không ngờ nữ nhân lại không luyện được đao pháp Hải Uyên! Vận khí của ngươi tốt đấy, mới học được sáu chiêu kiếm độc. Nếu hôm đó tay ngươi không bị trói thì với sáu chiêu kiếm Hải Uyên, ngươi đánh bại Âu Dương Long Niên được rồi!
Nhuế Vĩ lắc đầu:
- Chỗ lợi hại của kiếm pháp đó, chỉ phát huy khi nào học được toàn bộ tám chiêu kiếm, vãn sinh chỉ biết sáu chiêu thành ra mạch lạc không liên tục, điểm huyền diệu có phần miễn cưỡng, làm sao đối phó với Âu Dương lão tiên sanh nổi!
Tiên sanh là một tông sư nhất phái chứ nào phải tầm thường?
Ngọc Diện Thần Bà gật đầu:
- Thì ra là vậy! Ngươi cố gắng học thêm hai chiêu nữa, sau này ngươi sẽ là tay vô địch trong thiên hạ đó, cho dù già hay Âu Dương Long Niên cũng chưa phải là đối thủ của ngươi.
Nhuế Vĩ không nói gì. Kiếm phổ ở bên mình Nhất Đăng Thần Ni Trương Ngọc Trân, làm sao chàng học được? Hà huống chàng còn phải giết bà để báo thù cho Hồng Bào Công, Lam Nhiêm Khách thì khi nào chàng chịu van cầu bà trao kiếm phổ cho mà tập luyện?
Thái dương lên cao lắm rồi, không gian nóng không chịu nổi. Nhuế Vĩ đề nghị:
- Mình xuống thuyền đi lão tiền bối.
Ngọc Diện Thần Bà gật đầu.
Giản Hoài Quyên và Diệp Thanh say nắng ngủ như chết, Nhuế Vĩ phải giải huyệt cho cả hai mới tỉnh lại. Riêng Hồ Cáp Na thì tự nàng tỉnh lại, chẳng tỏ vẻ gì là bị ảnh hưởng của nắng. Ai ai cũng cho nàng có thuật riêng tư nào đó, mói chịu nổi sức nóng như lửa đốt của thái dương.
Đám nữ nhân đi trước, cách mấy trượng rồi, Nhuế Vĩ mới bước đến chỗ của Hồ Cáp Na nằm. Chàng ngồi xuống, moi móc chỗ đó, rồi kêu lên:
- Kỳ quái! Kỳ quái!
Ngọc Diện Thần Bà quay mình lại, hỏi:
- Cái gì thế?
Nhuế Vĩ gọi:
- Bà lại đây xem!
Ngọc Diện Thần Bà trở lại, ngồi xuống cạnh chàng, đưa tay sờ chỗ chàng moi. Đất nơi đó mát quá! Bà reo lên:
- Ở dưới có suối lạnh! Chỗ này là con mắt của suối lạnh!
Cả hai tiếp tục moi. Một lúc sau, bỗng mòi nước từ bên dưới xịt lên cao độ thước! Nước chạm vào tay họ, họ rùng mình, lùi lại. Thì ra nước lạnh vô cùng, chẳng kém băng giá.
Ba thiếu nữ chạy đến, đưa tay hứng nước, cùng nhảy lùi lại, cùng kêu lên:
- Lạnh! Lạnh!
Hồ Cáp Na tiếp:
- Thảo nào tôi chẳng ngủ ngon! Tôi nằm chỗ đó, chẳng nghe nóng chút nào cả!
Ngọc Diện Thần Bà lấy thùng hứng một thùng nước, phơi dưới ánh thái dương cho bớt lạnh, rồi nếm thử. Bà reo lên:
- Nước ngọt! Chúng ta tích trữ đầy thuyền, đủ dùng một tháng, tiếp tục hành trình tìm vào lục địa!
Nhuế Vĩ vụt thốt:
- Nếu có nước ngọt thì vị lão nhân vô danh đó sống trên hòn đảo này!
Ngọc Diện Thần Bà cho là có lý, tiếp:
- Không ngờ một hòn đảo bé nhỏ này lại có suối nước! Lão nhân vô danh ở được lắm chứ!
Diệp Thanh lắc đầu:
- Dù có suối nước cũng không ai ở được đâu! Có nơi nào đâu mà ở?
Nhuế Vĩ đáp:
- Biết đâu chẳng có một hang động bí ẩn nào!
Ngọc Diện Thần Bà vỗ tay đánh bép, thốt:
- Phải! Nhất định là có hang động bí ẩn nào đó trên đảo này! Và trong hang động chứa nước lạnh rất nhiều. Vô danh lão nhân mượn sức lạnh của suối mà luyện công. Ở đây khoan khoái lắm đó nhé!
Năm người phân ra mỗi người một hướng để tìm động. Họ tìm đến hoàng hôn, chẳng ai phát hiện cái chi cả. Họ lại trở về tụ họp một chỗ, bàn luận.
Đêm xuống, họ lấy vật thực trong thuyền ra ăn. Ăn xong Diệp Thanh nói:
- Không có dấu vết hang động trên mặt đảo thì người ta ai muốn ở đây hẳn phải đào hang mà ở.
Nhuế Vĩ mỉm cười:
- Đảo hoang mà ở thì ngộp chết!
Giản Hoài Quyên thốt:
- Dù có đào hang, cũng phải còn có dấu búa đao đục đá chứ chẳng lẽ đào rồi, chui vào hang, tự mình bít hang được! Tại sao không có dấu vết gì?
Ngọc Diện Thần Bà gật đầu:
- Muốn bít hang, tự mình làm sao bít được? Phải có người làm hộ. Mà ai đâu ở đây làm hộ lão nhân?
Nhuế Vĩ tiếp nối:
- Dù có người bít hang hộ, lão nhân làm sao chui ra? Chẳng lẽ lão ở trong đó mãi? Nếu vậy, lão tự chôn sống mình sao?
Bàn luận tới lui, cuối cùng không ai có lý cả. Rồi họ bỏ qua việc đó, định ngủ một giấc, sáng ra sẽ tính.
Đêm vừa tàn, Nhuế Vĩ thức dậy trước nhất. Để mặc bốn nữ nhân ngủ yên, chàng đi đến tận đầu hòn đảo, ngồi xuống nhìn ra biển khơi, xuất thần.
Chợt có tiếng gọi sau lưng chàng:
- Đại ca nghĩ gì đó?
Nhuế Vĩ quay lại, mỉm cười:
- Quyên muội thức rồi à?
Giản Hoài Quyên ngồi xuống cạnh chàng, thốt:
- Tôi thấy đảo này không giống chiếc hồ lô cho lắm!
Nhuế Vĩ cau mày:
- Không giống ở điểm nào?
Giản Hoài Quyên tiếp:
- Hồ lô thì phải có miệng chứ! Hòn đảo này đâu có miệng!
Nhuế Vĩ “ạ” lên một tiếng:
- Ngu huynh quên mất điều đó!
Giản Hoài Quyên tiếp:
- Hòn đảo này, giữa tóp lại, hai đầu nở, đúng là hình chiếc hồ lô, đầu dưới nở rộng hơn là bụng hồ lô.
Nhuế Vĩ “ừ” một tiếng.
Giản Hoài Quyên lại tiếp:
- Nếu đầu dưới là bụng hồ lô, thì đầu này phải là miệng. Nhưng đầu này hơi chìm xuống một chút thành ra ít giống!
Nhuế Vĩ nhìn xuống. Chàng nhận đúng là hồ lô gãy cổ. Chàng nghĩ:
- “Đầu này chìm xuống, cũng giống chiếc hồ lô vậy chứ! Hồ lô không thể chúi đầu xuống được sao?”
Bỗng, chàng nhảy xuống nước.
Giản Hoài Quyên hoảng kinh, không hiểu chàng muốn làm gì lại để cả y phục mà nhảy như vậy. Chẳng lẽ chàng nổi cơn điên bất ngờ? Nàng kêu lên:
- Lên gấp, đại ca! Lạnh chết!
Nhuế Vĩ đã trầm mình sâu trong nước.
Giản Hoài Quyên lại thét:
- Có cá mập đấy! Nguy lắm, đại ca! Lên mau!
Nhuế Vĩ không nghe, song Ngọc Diện Thần Bà, Diệp Thanh, Hồ Cáp Na thì nghe, họ ùn ùn chạy tới, hỏi dồn:
- Cái gì? Cái gì vậy?
Giản Hoài Quyên đưa tay chỉ xuống nước, đáp:
- Không rõ tại sao đại ca lại nhảy xuống đó!
Lâu lắm, Nhuế Vĩ chưa trồi lên. Ba thiếu nữ lo sợ, gọi rối lên:
- Đại ca! Đại ca ơi!
Một lúc nữa, Nhuế Vĩ vẫn bặt tăm.
Giản Hoài Quyên không dằn lòng được, nhảy ùm xuống nước. Ngọc Diện Thần Bà nhanh tay chụp nàng giữ lại, hỏi:
- Ngươi làm gì thế?
Giản Hoài Quyên vùng vẫy:
- Tôi muốn xuống đó xem...
Ngọc Diện Thần Bà trầm lạnh gương mặt:
- Ngươi biết bên dưới ra sao không mà đòi xuống? Đáy biển thường có xoáy nước, đại ca ngươi không lên được, ngươi xuống dưới để chết luôn à?
Nhưng Giản Hoài Quyên không nghe, nằng nặc đòi nhảy:
- Để cho tôi xuống đó! Buông tôi ra!
Ngọc Diện Thần Bà bắt buộc phải điểm huyệt tê dại cho nàng bất động.
Nàng không hét được, không vùng vẫy được thì nàng khóc.
Diệp Thanh thốt:
- Tôi biết thủy tánh. Để tôi xuống!
Ngọc Diện Thần Bà ngăn lại:
- Không được!
Diệp Thanh tiếp:
- Chưa chắc là ở dưới đó có xoáy nước. Hai tay đại ca bị trói, nếu gặp khó khăn, cần có người tiếp trợ. Tôi phải xuống đó, tiền bối ạ!
Ngọc Diện Thần Bà thở dài:
- Xuống thì xuống!
Cởi áo ngoài ra, nịt gọn mình, Diệp Thanh nhảy xuống, từ từ.
Lòng biển còn đen tối, thái dương chưa lên, ánh sáng chưa chiếu tới, nhưng quen thủy tánh, Diệp Thanh nhận định quanh mình. Nàng không thấy Nhuế Vĩ đâu cả.
Bỗng, một kình lực xoáy tới. Diệp Thanh kinh hãi, thì ra ở dưới đó có xoáy nước như Ngọc Diện Thần Bà đã dự đoán. Nàng không chống lại, cứ để xoáy nước cuốn đi, tìm cách thoát nguy.
Nước cuốn nàng đến vách đá. Bất thình lình, nàng bị hút mạnh vào một lỗ hổng nơi vách đá. Nàng bám vào rong rêu nơi lỗ hổng đó, nhưng rong rêu quá trơn, sức nước quá mạnh, nàng vuột tay, bị nước bắn từ dưới lên cao, quăng luôn nàng khỏi mặt thủy triều, nàng rơi xuống một tảng đá, suýt gãy xương, bong gân.
Nàng cảm thấy đau đớn vô cùng. Vừa suýt xoa, vừa nhìn xuống dưới, nàng thấy nước cuồn cuộn chảy ầm ầm, chẳng rõ đi về đâu.
Thì ra, hòn đảo rỗng lòng, nước biển lòn qua hang ngách, trào lên lòng đảo, cuốn đi để thoát ra một nơi khác. Nơi nàng rơi là một tảng đá, chênh vênh giữa khoảng không còn lại trong lòng đảo.
Trong này, bóng tối dày đặc, Diệp Thanh phải vận dụng nhãn quang cực độ mới thấy sự vật lờ mờ.
Một lúc sau bớt đau, Diệp Thanh bắt đầu bò đi trên tảng đá, cố tìm xem Nhuế Vĩ có bị hút vào đó chăng?
Đá, không chỉ có một tảng mà có nhiều tảng tiếp nối. Chẳng có tảng nào bằng phẳng, gai đá vươn lên nhọn hoắt, móc rách cả y phục nàng.
Tìm mãi không gặp Nhuế Vĩ, nàng gọi to:
- Đại ca! Đại ca ở đâu?
Nàng gọi, nàng tìm. Một lúc sau, chợt nàng nghe tiếng rên. Diệp Thanh cả mừng, vừa bò gấp tới, vừa gọi:
- Đại ca! Đại ca!
Lắng nghe, Diệp Thanh phát hiện ra tiếng rên từ phía đối diện vọng lại.
Thì ra, Nhuế Vĩ bị sức nước tung lên, rơi bên bờ bên kia!
Độ mức sâu của nước và thủy triều chảy xiết, Diệp Thanh liền bước xuống, lội ngang qua. Đến bờ bên kia rồi, nàng ngồi xuống đưa tay quờ quạng. Tay nàng chạm phải thân mình Nhuế Vĩ.
Nhuế Vĩ miệng không ngừng rên rỉ. Có lẽ chàng thọ thương nặng. Chàng cố gắng hỏi:
- Có phải... Thanh nhi... đó chăng?
Diệp Thanh hỏi lại:
- Đại ca có sao chăng?
Nhuế Vĩ đáp rời rạc:
- Ngu huynh... bị tung lên... trúng nóc động... thọ thương...
Hai tay mất hiệu dụng, Nhuế Vĩ không còn làm sao hơn là tự phó cho may rủi. Do đó, phải thọ thương.
Diệp Thanh không thông y thuật, đành bó tay, nghe chàng rên đau mà đau lòng.
Công lực của Nhuế Vĩ tán thất, chàng rung giọng kêu khẽ:
- Lạnh! Lạnh quá!
Răng bắt đầu đánh cạch cạch.
Đến lúc đó, chừng như trở về thực cảnh, Diệp Thanh nghe lạnh. Nhưng nàng lạnh cũng còn đỡ khổ hơn Nhuế Vĩ đang thọ thương.
Nàng ôm chàng, cố truyền hơi ấm còn thừa thãi trong người sang chàng.
Nhuế Vĩ vẫn còn kêu lạnh. Dần dần, Nhuế Vĩ ấm trở lại, nhưng Diệp Thanh cứ ôm ghì chàng.
Bỗng nàng cúi xuống, hôn phớt qua môi chàng.
Nhuế Vĩ chẳng có chút cảm giác nào, nằm trong lòng nàng chàng cứ rên ư ử như cũ.
Sau một lúc. Chẳng rõ tại sao, chàng lạnh trở lại.
Diệp Thanh chưa buông Nhuế Vĩ ra mà chỉ lơi vòng siết tay thôi. Thấy chàng lạnh trở lại, nàng liền khép chặt vòng tay.
Nhưng, chưa kịp siết chặt, chợt nàng phát giác có vật gì choi choi nơi ngực nàng.
Thì ra, một con cá đang quảy đuôi!
Cá, từ dưới nước phóng lên, chẳng phải chỉ có một con mà là nhiều con, một con rơi nơi khoảng giữa hai người, nhiều con khác rơi nơi tảng đá, quanh chỗ họ ngồi.
Cá, là thực vật. Dù là thực vật sống, nó vẫn gợi vấn đề ăn uống cho nàng.
Nàng nghe đói liền.
Thời gian qua lâu lắm rồi, từ lúc nàng xuống đây, vì đối phó với sức nước nàng lo, nàng mệt quên đói. Bây giờ bỗng nhiên nhớ lại cái đói thì cái đói hành hạ nàng kịch liệt. Đói đến độ quơ trúng vật gì, nàng cũng có chụp được vật đó mà nhai mà nuốt. Huống chi là một con cá!
Cá, dù là cá sống cũng vẫn la vật ăn được, khi đói quá, người ta mất hết khứu giác thì cá đâu còn tanh nữa!
Nàng chụp con cá nhai ngấu nghiến, nuốt ừng ực.
Ăn hết một con cá nàng nghe trong người khoan khoái lạ.
Nàng bèn chụp một con cá nữa, nhét vào miệng Nhuế Vĩ. Chàng cũng đói lả như nàng, không do dự chàng cũng nhai cũng nuốt như nàng, cũng nghe khoan khoái trong người.
Mỗi người ăn hai con cá, cơn đói dịu lại.
Nhưng, không lâu lắm, Diệp Thanh nghe bụng nàng nóng ran lên. Nhiệt độ tăng nhanh chóng, nàng có cảm giác là lửa đang bốc cháy trong lòng. Bất giác nàng kêu lên:
- Nguy! Ta ăn phải độc vật! Chẳng rõ đó là thứ cá gì?
Sờ mình Nhuế Vĩ, nàng nghe thân thể chàng nóng lên. Cái lạnh biến đi đâu mất. Chàng đòi:
- Nước! Nước!
Nước ở đâu đây cho chàng uống?
Nóng trong người quá, nàng xé tét y phục, mong vứt bỏ các thứ đó cho đỡ nóng.
Vô ích! Nóng vẫn hoàn nóng!
Nhuế Vĩ cũng quờ quạng đôi tay còn bị trói, xé y phục của chàng.
Bấy giờ, cả hai cùng trần truồng, quấn quít vào nhau.
Nóng quá! Phải làm cái gì phát tiết bớt cái nóng!
Cái nóng do độc vật gây nên, lôi cuốn luôn theo cái nóng của nhục dục phát sinh. Họ cần phát tiết thì làm sao tránh khỏi cái điều mà họ cố gìn giữ!
Sau đó, cả hai cùng mệt lả, họ nằm dài xuống tảng đá, ngủ như chết.
Khi họ tỉnh lại, họ nghe lạnh, nghe đói, họ lại gặp lúc cá nhảy lên, họ lại ăn, rồi cái nóng trở về, họ lại làm các việc đã làm như lần trước.
Họ làm như vậy đúng hai mươi lần.
Nước trong lòng đảo, theo chu kỳ một ngày đêm, lại có một lần dòng nước lạnh chảy qua, loại cá đó sinh sản trong dòng nước lạnh, đúng chu kỳ dòng nước chảy qua là chúng nhảy lên.
Lại đúng lúc họ thức dậy, nghe đói.
Thế là được hai mươi chu kỳ, Diệp Thanh và Nhuế Vĩ ở lại đó hai mươi ngày qua.
Điều đáng lưu ý là họ làm cái việc cẩn hợp đó, nhìn nhau không ai ngượng ngập cả, xem như là việc tự nhiên giữa hai vợ chồng lấy nhau lâu ngày, chứ không e ấp như đêm tân hôn bỡ ngỡ.
Sau đó, họ thức ngộ, phải vận động để chống lại sự đòi hỏi của xác thịt, để không còn mệt lả người rồi ngủ thiếp đi nữa.
Họ vận công. Nhờ vận công, họ khỏi phải kề cận với nhau, họ quên được cái nóng.
Họ trải qua thêm mười chu kỳ nước lạnh nữa.
Thế là họ xuống đây tròn tháng rồi. Nhuế Vĩ đã hoàn toàn bình phục.
Cả hai lại nghĩ đến việc trở lên mặt đảo.
Một hôm, Diệp Thanh hỏi:
- Đại ca có tưởng mình nên ra khỏi động này không?
Nhuế Vĩ gật đầu:
- Có tưởng!
Diệp Thanh hỏi:
- Ra động, có cái chi lợi ích cho mình?
Nhuế Vĩ thở dài:
- Lâu lắm rồi! Đừng để cho người ta quan tâm!
Diệp Thanh hỏi:
- Ai quan tâm đến chúng ta?