The greatest thing you'll ever learn is just to love and be loved in return.

Eden Ahbez, "Nature Boy" (1948)

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 53
ang trưa, trời nóng hơn bốn mươi độ. Ta đến thành cổ Giang Lăng bằng chiếc xe đạp thuê. Nhựa đường, vừa mới rải chảy ra mềm nhão dưới ánh nắng chính hè. Làn gió ùa vào trong cổng của thành phố cổ Kinh Châu, xây dựng từ thời Chiến Quốc cũng nóng bỏng. Một bà già nằm trên ghế bành mây, sau quầy bán trà. Chẳng chút ngượng ngùng, bà lão để phanh chiếc áo lanh ngắn cũn đã bợt sợi vì giặt giũ nhiều, hở cả hai cái vú nhăn nhúm như hai cái da rỗng không. Bà nằm nghĩ, hai mắt nhắm, và cho ta uống một chai nước ga bỏng rát trong tay, chẳng kiểm tra xem tiền ta đưa cho bà có đủ hay không. Một con chó thở hổn hển, lưỡi thè lè, mõm rỏ dãi, đang nằm trong bóng râm của cánh cửa.
Ngoài thành phố, những thửa ruộng chưa gặt với những bông lúa chín vàng chói chang chạy dài. Ở những thửa đã gặt anh ánh lên mầu xanh sáng bóng của mạ muộn vừa cấy xong. Đường và ruộng vắng. Mọi ngừơi còn tránh nắng ở trong nhà và gần như không có xe cô ngoài đường.
Ta đạp xe ở chính giữa đường vì ở hai bên đường, từng luồng hơi nóng dâng lên như những ngọn lửa. Lưng ta lũ lõa mồ hôi, ta thẳng thừng bỏ chiếc sơ mi ra che lên đầu chống nắng. Khi ta đạp nhanh, nó phấp phới bay và gió ẩm thổi vào hai tai ta.
Trên đất khô hạn, những cây bông nở bung những bông hoa to tướng, đỏ đỏ vàng vàng. Cây vừng treo các bông hoa trắng thành những dây dài. Một sự yên tĩnh lạ thường bao trùm dưới cái nắng lóa mắt này; ngạc nhiên là không nghe thấy tiếng cả ve lẫn ếch nhái.
Ta ra sức đạp, quần soóc đã ướt đẫm và dán vào chân. Ta muốn lột nó ra để đạp xe cho thoải mái. Ta không khỏi nghĩ tới những người nông dân vào thời thanh niên của ta trần truồng ngồi guồng nước vô cùng tự nhiên, những cánh tay rám nắng của họ tỳ lên thanh chắn ngang của cỗ xe nước. Khi một người đàn bà đi qua bờ ruộng, họ cất tiếng hát những bài nhả nhớt nhưng không tà ý. Ngừơi đàn bà mím môi cười, những ngừơi hát quên đi chút mệt nhọc. Loại bài hát này chắc đã ra đời như thế đấy. Vùng này là quê hương của các bài hát có nhịp giật cục mà ngừơi ta gọi là "Chiêng trống cho việc nhổ cỏ", nhưng bây giờ không dùng các xe guồng nước nữa, tưới ruộng bằng máy bơm. Cảnh tượng kia đã mai một không bao giờ thấy nữa.
Ta biết không còn di tích nào ở vị trí của cố đô nước Sở, chắc là đến đó uổng công toi. Tuy vậy, chỉ có hai mươi cây số ngăn cách và ta có cơ lại ân hận là đã không đến tĩnh tâm mặc niệm ở đấy trước khi rời Giang Lăng đi. Ta quấy quả một cặp trẻ tuổi trông coi di tích khảo cổ đang ngủ trưa. Tốt nghiệp đại học chưa tới một năm, họ được điều đến đây làm giám sát viên bảo vệ các hoang phế đang ngủ sâu dưới đất, chẳng biết khi nào mới được ra ánh sáng mặt trời. Đôi vợ chồng mới cưới, chưa khổ cảnh cô đơn, họ tiếp ta rất nồng nhiệt. Cô vợ rót cho ta liền hai bát to tướng trà lạnh và chát, pha với các cây thuốc giúp xua đi cái nóng quá quắt. Anh chồng dẫn ta đến một thửa ruộng nổi đầy những ụ đất. Anh ta chỉ cho ta những ruộng đã bắt đầu thu hoạch và nơi cao hơn, cạnh quả đồi, trồng bông và vừng.
- Sau khi Tần diệt Sở, thành Kỷ Nam đã bị phế bỏ, không ai ở, - anh thanh niên giải thích; -ở đây không tìm ra bất cứ di tích văn vật nào sau thời Chiến Quốc. Trái lại bên trong thành phố, ngừơi ta đã phát hiện một ngôi mộ. Thành phố hình như có từ trung kỳ của thời Chiến Quốc. Trong các tài liệu lịch sử có nói rằng kinh đô đã được di đến Dĩnh, tức Kỷ Nam, trước vua Sở Hoài vương. Nếu tính từ đó thì kinh đô đã hơn bốn trăm năm. Dĩ nhiên một số sử gia có ý kiến khác. Họ nghĩ rằng Dĩnh không ở đây. Nhưng nếu dựa vào các dữ liệu khảo cổ, ngừơi ta nhận thấy trong khi cày ruộng nông dân đã khai quật những mảnh gốm và đồ đồng của thời Chiến Quốc. Nếu lục tìm, chắc chắn sẽ có những phát hiện quan trọng.
Rồi chỉ đến một điểm ở xa xa, anh nói thêm:
- Đại tướng tổng chỉ huy Bạch Khởi của Tần vây đánh Dĩnh, nước sông được chuyển dòng đã làm ngập kinh thành. Ban đầu kinh thành vốn mở ba phía ra sông: sông Châu chảy từ cửa Nam đến cửa Bắc qua phía đông; ở phía này là gò mộ mà chúng ta đang đứng và một cái hố thông ra Trường Giang. Thời ấy, con sông đi ngang sát gần Kinh Châu nhưng bây giờ nó dịch xuống dưới nữa, cách hai cây số. Trong núi Kỷ, trước mắt, có các phần một của giai cấp quý tộc Sở, ở phía tây, trong núi Bát Lĩnh, là các phần một của Sở vương nhưng tất cả đều đã bị lấy trộm.
Đằng xa nổi lên vài quả đồi thoai thoải. Các sử liệu gọi chúng là núi thì cũng chẳng nên bảo là không phải.
- Ở đây là cái tháp dựng bên trên cổng đô thành, anh ta chỉ vào thửa ruộng lúa bảo ta. Sau các trận lụt, bùn bồi lên ở đây dầy hơn mười mét.
Mà đúng là ngoài vài đất cách quãng đó đây giữa các thửa ruộng ra, chỉ có độ cao này nổi bật lên trên toàn cảnh.
- Cung điện ở đông-nam, vùng xưởng thủ công ở phía bắc và tây nam, ngừơi ta cũng đã phát hiện ra di tích một xưởng đúc. Phía nam, mực nước quá cao, việc bảo tồn di tích không được tốt bằng.
Ta gật gù theo từng lời giải thích và cơ bản hình dung ra thành quách. Nếu không phải là đang trưa nắng chói mắt và ma hiện ra thì nhất định cái thành đêm ngày phải náo nhiệt khác thường.
Đến dưới chân đồi, anh ta ra hiệu rằng hai ngừơi đã ra khỏi kinh thành. Cái hồ lớn thời ấy nay là một cái ao bé tí lá sen phủ kín, những bông hoa màu hồng khỏe khoắn nở rộ giữa đám lá. Khi bị đuổi khỏi triều đình, quan Tam lư đại phu Khuất Nguyên chắc đã đi qua chân quả đồi này, chắc đã hái những bông hoa này dắt vào thắt lưng. Trước khi cái hồ hóa thành ao, đủ mọi thứ cỏ thơm phương thảo mọc đầy bờ. Chắc là Khuất Nguyên đã tết hoa cỏ thành mũ đội lên đầu. Bên bờ hồ chắc ông đã cất lên những bài hát bi phẫn thì đến tận bây giờ chúng mới vẫn còn lại. Nếu không bị đuổi ra khỏi triều đình, biết đâu Khuất Nguyên lại chẳng bao giờ trở thành một nhà thơ vĩ đại.
Và sau này, nếu Đường Huyền Tông không đuổi Lý Bạch khỏi triều, Lý Bạch cũng có thể chẳng bao giờ trở thành thi tiên, và càng chẳng bao giờ có truyền thuyết ông đã chết vì say rượu, ngồi thuyền toan vớt trăng dưới nước. Người ta nói rằng nơi ông chết đuối ở Thái Thạch Cơ, dưới hạ lưu sông Trường Giang. Bây giờ nước Trường Giang đã rút ra xa, nơi này hóa thành một dải cát rất ô nhiễm. Ngay cả thành cổ Kinh Châu hiện cũng đang ở bên dưới dòng sông. Có con đê lớn bảo vệ nó không thì từ lâu nó đã là cung điện dưới nước dành cho loài rồng.
Sau này ta đã quay lại Hồ Nam, đi qua sông Cốt La, nơi Khuất Nguyên trầm mình để chấm dứt cuộc đời nhưng ta không đi tìm vết tích của ông bên hồ Động Đình, vì nhiều nhà sinh thái học cho ta biết rằng ngày nay cái vùng nước kia chỉ còn lại có một phần ba của số tám trăm dặm ghi trên bản đồ mà thôi. Họ đau khổ báo trước rằng tốc độ khô cạn đất và trầm tích sẽ gây nên hiện tượng biến mất cái hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc trong vòng hai chục năm tới.
Ta không biết ở Linh Lăng, tại cái làng mẹ ta đã dẫn ta, thằng bé chạy bom Nhật đến đó, các con chó con có còn bị chết đuối ngoài sông nữa không. Bây giờ, ta vẫn còn thấy con chó chết với bộ lông đẫm nước, vứt trên cát nơi bờ sông kia. Và mẹ ta, cũng bị chết đuối. Thời ấy, mẹ ta đã tình nguyện đi xuống nông thôn chịu cuộc cải tạo tư tưởng. Một sáng, sau phiên gác, mẹ ra bờ sông rửa ráy và chắc bà chết đuối ở đấy. Mẹ ta chưa tới bốn mươi. Ta đã đọc cuốn sổ tay đầy kỷ niệm tuổi mười bảy của mẹ. Mẹ và đồng đội, những người tham gia phong trào cứu quốc, đã viết những bài thơ đầy hùng khí trẻ trung. Dĩ nhiên không được thành công như thơ của Khuất Nguyên.
Em trai út của mẹ cũng bị chết đuối. Ta không biết đấy là thiếu niên anh hùng hay nhiệt tình yêu nước, nhưng cái hôm cậu được nhận vào Trường hàng không, cậu hết sức phấn khởi mời một nhóm bạn bè ra sông Cán tắm. Từ trên cây cầu nổi bắc xa ra ngoài, cậu nhảy vào dòng nước chảy xiết, trong khi các bạn của cậu mải bận chia nhau số tiền lẻ mà họ tìm thấy trong túi quần cậu. Khi họ biết đã xảy ra tai nạn, họ lập tức giải tán. Cậu tự tìm lấy cái chết, năm mười lăm tuổi. Bà ngoại ta đã khóc cạn nước mắt.
Con trai cả của bà, bác ta không yêu nước bằng thế, đúng hơn đó là một công tử ăn chơi, nhưng bác không lai vãng tới những cuộc chọi gà hay những cuộc đua chó. Bác thích cái gì modern - thời ấy, bất kỳ cái gì du nhập từ nước ngoài vào đều modern, thuật ngữ mà bấy giờ ngừơi ta dịch ra là "hiện đại hóa". Bác vận đồ Tây cùng cà vạt, tất cả rất modern, cho dù các quần ống loe chưa thành modern. Chơi chụp ảnh, đó là đỉnh cao modern. Bc1 không là ký giả vậy mà bác không ngừng chụp ảnh, bác in tráng lấy, đặc biệt là chụp ảnh về dế. Thật kỳ lạ, một bức chọi dế còn được giữ tới tận ngày nay: ngừơi ta quên không đốt nó. Bác cũng chết rất sớm, vì bệnh thương hàn. Theo lời mẹ ta nói thì bác đã bắt đầu khỏi bệnh nhưng vì ngốn ngấu xơi một bát cơm rang trứng và thế là nó đã kết thúc cuộc đời bác. Bác muốn modern nhưng bác không hiểu chút nào về y học hiện đại.
Bà ngoại ta chết sau mẹ ta. Các con của bà đều chết yểu, nhưng bà may mắn hơn vì bà còn sống sau các con bà và đi hết cuộc đời bà trong nhà dưỡng lão. Tuy không phải là một hậu duệ của nước Sở, mặc dù nắng cháy, ta đã đi mặc niệm ở kinh thành cổ xưa của họ, vậy thì ta càng có lý do để tìm kiếm những nơi bà ngoại ta đã sống, bà đã từng dắt tay ta ra chợ phiên mua một con quay. Ta được biết về cái chết của bà ngoại qua một bà cô em bố, cô cũng chết yểu. Tại sao gần như tất cả người thân của ta đều chết? Ta thầm hỏi liệu có phải ta già đi hay thế giới này đã già quá mất rồi.
Bây giờ ta nhớ rằng hình như bà ngọai ta thuộc về một thế giới khác. Bà tin vào các sức mạnh của quỷ thần và bà sợ nhất địa ngục. Bà chỉ có một mong mỏi: tích đức để đến đời sau được ban thưởng. Góa chồng từ hồi còn trẻ, bà được ông để lại cho của cải nhưng bà luôn bị một bầy những ngừơi vô công rỗi nghề vây quanh, họ làm họ hóa ra thành thánh thần hay ma quái. Họ vây quanh bà như ruồi, tất cả thông đồng với nhau để kích bà phá tán tài sản thừa kế. Họ đã thuyết phục bà đêm đêm ném tiền xuống giếng. Kỳ thực họ đã đặt lưới sắt ở dưới giếng để thu về dắt vào hầu bao những tiền bạc bà ném xuống. Họ đã cười rỡn khoe như thế thân quá chén. Cuối cùng, bà bán hết của cải, chỉ giữ cái danh địa chủ mà đất đai ruộng vườn đã bị cầm cố từ lâu, rồi bà đến ở với con gái. Sau này, khi nghe nói đến nông thôn cải cách ruộng đất, mẹ ta chợt nghĩ ra vôi bảo bà trút hết các thứ trong hòm của bà ra, mẹ đã tìm được một tờ giấy hoàn toàn nhàu nát, ố vàng và mẹ sợ quá vội vàng vứt vào lò đốt đi.
Tính khí bà ngoại ta rất dở. Khi bà nói, hình như bà luôn cãi nhau với mọi người và bà không hợp với mẹ ta. Bà thường nói khi nào bà muốn về quê, bà sẽ chờ ta, cháu trai của bà lớn đã, thi đỗ trạng nguyên lái hẳn xe con về đón bà để trông nom bà. Bà đâu biết cháu ngoại bà nó không thuộc vào cái hạng làm quan, nó sẽ chẳng cả được ngồi yên tại văn phòng ở thủ đô mà về sau nó còn bị đưa xuống nông thôn làm ruộng và cải tạo. Chính lúc ta đang bị cải tạo thì bà chết trong một cô lão viện. Trong những năm tháng loạn lạc ấy, không có tin tức gì về bà, em út ta đã đi tìm bà, mượn danh nghĩa "tuyên truyền cách mạng" để được miễn phí xe cộ tàu bè. Nó đã hỏi thăm nhiều nhà dưỡng lão mà không tìm ra được bà. Cuối cùng ngừơi ta hỏi nó:"Anh tìm viện cô lão, ngừơi già cô đơn hay kính lão viện, người ta già đáng kính?" "Khác gì nhau chứ nhỉ?" em ta vặn lại. Họ bèn hết sức nghiêm túc trả lời: Người già đáng kính thì sống trong nhà hưu trí, đó là những người không có vấn đề chính trị, quá khứ hoàn toàn trong sạch, còn người già có vấn đề hay quá khứ không minh bạch thì đưa vào cô lão viện. Em ta liền gọi điện thoại cho một cô lão viện. Người ta hỏi giọng còn nghiêm túc hơn nữa: "Anh có quan hệ thế nào với bà cụ? Tại sao lại tìm?" Hồi ấy, em ta vừa ra trường, chưa tìm được nơi làm việc ăn cơm, vội vã cúp máy vì sợ bị tước mất hộ khẩu thường trú ở thành phố. Những năm sau đó, trường học thành nơi huấn luyện quân sự, quân đội đến cai quản các cơ quan hành chính cùng nhà máy, mọi người đều im re, học cách giữ gìn lời ăn tiếng nói. Hết thời gian cải tạo, cô ruột ta từ nông thôn quay về thành phố. Lúc đó cô viết thư cho ta báo tin rằng theo như cô nghe nói thì bà ngoại ta chết đã hai năm rồi.
Rồi thì ta dò hỏi xem có tồn tại cái loại cô lão viện này hay không, ở ngoại thành, cách thành phố chục cây số, sau hơn một giờ đạp xe dưới nắng chói chang, ta đến một nơi gọi là Đào hoa thôn và tìm ra tòa kiến trúc có tấm biển cho hay đó là nhà dưỡng lão bên cạnh một xí nghiệp gỗ, chẳng thấy có một cây đào nào. Bên trong cất lên dăm căn nhà thô sơ một tầng gác, không thấy có cụ già nào hết. Có thể các cụ ẩn trong buồng trốn nóng bức.
Ta đi qua văn phòng mở toang cửa, một cán bộ mặt áo lót dệt kim, gác chân lên bàn, ngả vào ghế mây, chăm chú quan tâm đến vấn đề thời sự. Ta hỏi có phải chỗ này trước là cô lão viện không. Anh ta đặt báo xuống:
- Lại đổi trở lại rồi. Bây giờ không có cô lão viện nữa, nay gọi là dưỡng lão viện.
Ta không hỏi liệu có còn "kính lão viện" nữa không, ta chỉ xin xem trong sổ đăng ký có tên bà ngọai ta đã mất rồi hay không. Không bới việc cũng hỏi giấy tờ, anh lấy trong ngăn kéo ra một quyển sổ đăng ký, lật mở từng năm. Cuối cùng anh dừng lại ở một trang hỏi tên người đã chết.
- Một phụ nữ?
- Vâng, ta nói.
Anh kéo quyển sổ đến trước mắt ta để ta có thể tự nhận ra cái tên đó. Đúng là tên bà ngoại, tuổi gần gần tương ứng.
- Bà cụ chết hơn mười năm rồi, -anh ta thở dài.
- Vâng, - ta nói. Rồi hỏi thêm: - anh có còn nhớ hình dáng người đã khuất không.
- Để tôi nghĩ đã. Anh ta ngửa đầu vào lưng ghế. Một bà cụ có tuổi, bé nhỏ và gầy?
Đến lượt ta gật đầu. Nhưng ta lại nghĩ đến những bức ảnh cũ của gia đình, ta thấy bà béo tốt. Dĩ nhiên đó là những bức ảnh rất cũ vì lẽ thời ấy ta còn chơi quay. Sau đó bà không bao giờ cho chụp ảnh nữa. Dáng dấp hình hài của bà nhiều chục năm sau rất có thể đã thay đổi, sợ chỉ có bộ xương là không thay đổi. Mẹ ta không cao, bà chắc cũng không cao được.
- Bà cụ làu bàu suốt, đúng không?
Hiếm có cụ bà nào già mà không càu nhàu, nhưng quan trọng hơn cả là tên gọi thì đúng.
Bà có nói với anh rằng bà cụ có hai thằng cháu ngoại không?
- Anh là cháu ngoại bà cụ?
- Vâng.
- Hình như bà cụ có nói với tôi là có cháu ngoại - anh ta vừa nói vừa gật đầu.
- Bà có nói một ngày nào sẽ đến đón cụ không?
- Có nói, có nói.
- Nhưng thời ấy tôi đang ở nông thôn.
- Đại Cách mạng văn hóa mà..., anh ta giải thích hộ ta rồi nói thêm: - À, bà cụ chết tự nhiên.
Không hỏi xem anh hiểu thế nào về cái chết không tự nhiên, ta chỉ hỏi nơi bà yên nghỉ.
- Bà cụ đã được hỏa táng. Chúng tôi dùng lò thiêu, không phải chỉ cho người già mà cho cả ngay chúng tôi.
- Người ở thành phố đông quá, không còn chỗ để chôn họ.
Ta nói hết câu hộ anh rồi hỏi tiếp:
- Tro của bà cụ vẫn được giữ chứ?
- Thanh toán rồi. Ở đây, tro của các cụ không có gia đình, người ta bỏ đi...
- Có một cái hố tập thể không?
- Hưm..., - anh suy nghĩ tìm cách trả lời cho ta.
Cái ngừơi đáng bị trách móc là ta, cháu của bà đã thiếu lòng hiếu thảo chứ không phải anh ta, ta chỉ có thể cảm ơn anh ta thôi.
Ở trong nhà dưỡng lão đi ra, ta leo lên xe đạp và nghĩ rằng tuy có cái hố tập thể này nhưng rồi sẽ chẳng có giá trị khảo cổ. Nhưng ta, ta vẫn có thể coi như ta đã tưởng nhớ đến vong linh bà ngoại quá cố của ta, bà đã mua cho ta một con quay.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn