If love is a game, it has to be the hardest game in the world. After all, how can anyone win a game where there are no rules?

CODY MEYERS

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 51
rại Suối Máu nằm theo hình chữ nhật. Nếu tính từ cổng chính (cổng mới, còn cổng cũ quay mặt ra con đường nhựa đã bị rào lại) thì bệnh xá chiếm một góc trong cùng. Để đi tới bệnh xá, người bệnh (dù lao vờ để trốn học chính trị như Vĩnh!) phải đi dọc theo con đường chính của trại vào sâu phía trong. Trên con đường này người bệnh sẽ lần lượt đi qua K.1, K.2 rồi K.3. Đối diện với ba K, phía bên này đường là ban chỉ huy của các K ấy. Phía trước mặt các ban chỉ huy có rất nhiều vọng gác, và từ các vọng gác súng đại liên đều chĩa sang phía các K. Đặc biệt, một lô-cốt coi mòi vững nhất và nhiều ổ súng nhất lại chính là ngôi thánh đường nho nhỏ ngày xưa. Chưa hết, trên con đường này, ngay phía trước hàng rào các K, người bệnh còn được hưởng một cảm giác ghê hồn khi nhìn thấy những dãy connex đen xì nằm dài dài bên lề đường dưới trời trưa nắng. Bên trong những connex ấy, ngoại trừ một cái có những tiếng hò hét không mệt mỏi thường xuyên phát ra, thứ hò hét của một con người đã xa vời lý trí, còn thì chỉ có những tiếng thở mệt nhọc, những tiếng cục cựa rã rời, chật chội giống như đời sống khốn cùng của những loài bò sát, những sinh vật cấp thấp dưới hang ổ chìm sâu trong lòng đất!...
Đi hết con đường chính sẽ quẹo trái, và đi thêm chừng hai trăm thước nữa là gặp góc trong cùng của trại Suối Máu. Nơi góc này tọa lạc bệnh xá và K.30 về phía trái, và phía phải là ban chỉ huy của K.4, K.30 và bệnh xá. Nếu tới góc bệnh xá và khối mộc, quẹo trái sẽ gặp một con đường chạy bên hông K.4 lên tới K.5; tuy nhiên con đường này bị concertina cắt làm nhiều đoạn, để ngăn cách ranh giới của hai K.4 và K.5. Dọc đường bên cánh phải là hàng rào thép gai cao ngất. Phía ngoài hàng rào thép gai ấy là rừng hoang cỏ rậm có đầy mìn. Vượt được bãi rừng đầy mìn này sẽ gặp đường sắt xe hỏa...
Thủ vai trò của một tù bệnh lao phổi trầm trọng. Vĩnh xách túi quần áo trên tay và lẽo đẽo đi theo tên quân y K.5 dẫn đường. Thỉnh thoảng Vĩnh không quên ngồi bệt xuống bên đường, mặc cho vẻ bực bội thường xuyên xuất hiện trên khuôn mặt rỗ chằng rỗ chịt của thằng Việt cộng. Một người bị ho lao ra máu và gầy như con mắm khô thế này không có quyền tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc tới... bệnh xá! Người ấy phải đi như Chúa đi trên đường chịu nạn, phải ngã lên ngã xuống mặc cho quân dữ ra tay roi vọt (tỉ như tên quân dữ thời mới rỗ chằng rỗ chịt này có ra tay roi vọt!). Và khi đã lê tới cổng bệnh xá, người ho lao không nên lấy làm đắc chí mà xồng xộc đi ngay vào phòng nhận bệnh. Người ho lao phải ngồi xuống bên cổng; ho cho đến khi nào thằng quân y phải sốt ruột và chạy vào phòng nhận bệnh kêu người ra giúp...
Vĩnh đã đóng thật khéo vai trò của một tù bệnh lao. Quả như anh dự đoán, chỉ sau vài cơn ho rũ rượi, ho bò trên đất, tên quân y đã đi thật nhanh về phía phòng nhận bệnh. Ít phút sau, Vĩnh thoáng thấy ngoài tên quân y còn có ba người khác đi theo, hai trong ba người ấy cầm theo cái cáng. Ít phút sau nữa thì Vĩnh đã được cáng vào nằm trong một dãy nhà tôn, trên một tấm phản gỗ đã cong queo vì sức nóng của đất trời.
Khi bốn người đã bỏ đi về phía dãy nhà tôn chéo góc với dãy nhà Vĩnh đang nằm, Vĩnh mới để ý quan sát chung quanh. Phòng cũng đồng dạng với kiểu phòng 5mX15m bên K.5, cũng tứ bề là tôn nhưng có nền xi măng và đặc biệt có kê chừng mười lăm cái phản gỗ loại dài thước tám rộng tám tấc. Cả phòng hiện có sáu người nằm kể cả Vĩnh, ngoại trừ một người trung niên trông khỏe mạnh đang ngồi lúi húi nấu đồ ăn trong góc nhà, còn mấy người nằm trên giường coi mòi đều già cả hoặc ốm đau nặng. Vĩnh nằm trên tấm phản sát lối ra vào giữa dãy nhà. Từ chỗ này anh có thể nhìn ra vuông sân rộng, nhìn thấy giếng nước gần cuối sân, nhìn thấy cái bếp của trại bệnh đang nhả khói lên trời nằm ngay cánh trái sát cổng trại, chỗ khi nãy Vĩnh đã biểu diễn một màn ho lao ngoạn mục. Trong phòng, cũng từ chỗ này, nhìn sang trái gần chỗ kê mấy cái bếp con và có người đang nấu nướng, Vĩnh thấy một người bệnh còn trẻ tuổi đang nằm đọc báo. Dù cách nhau đến mấy tấm phản nhưng Vĩnh vẫn nhìn thấy rất rõ anh ta. Anh gầy bằng... nửa Vĩnh. Nếu đem cân có giác lắm thì cũng 30 ký là cao. Nước da anh xanh không khác nào mới bị nhúng vào một thùng nước lơ Ông Tạo. Quả là một bộ xương khô đang nằm trên tấm phản đúng hơn là một con người. Lâu lâu anh lại húng hắng ho. Nằm đối ngay với Vĩnh là hai ông già. Một ông mập và một ông gầy. Cả hai nằm bất động như hai xác chết. Họ đều lim dim ngủ. Cách giường của hai ông già về phía tay phải chừng bốn tấm phản còn một thanh niên khác nữa. Anh này trông trắng trẻo bảnh trai. Nửa thân dưới anh đắp kín một tấm chăn cừu loại đắt tiền trước kia dù hiện tại đã ngả màu và trông rất bẩn. Nhìn kỹ chút nữa, Vĩnh thấy phía trên vách ở mỗi đầu chỗ nằm đều có dán một mảnh giấy ghi cấp bậc tên tuổi. Nhiều bảng tên đã mất nhiều chữ vì bị xé hoặc bị gián nhấm. Đại tá... Giám. Trung tá... Văn Quỳ. Đại... Phạn... Ân. Thiếu tá Trần Hoàng Quán... Những bảng tên khiến Vĩnh nghĩ rằng có lẽ dãy nhà này trước đây cũng là một trong những dãy nhà mà các đàn anh trong quân đội đã từng tạm trú một thời gian trước khi bị lôi ra Bắc.
Đang nghĩ ngợi vẩn vơ bỗng một người xuất hiện bên cạnh.
- Sao, đỡ ho chưa?
Một giọng nói thân mật cất lên, Vĩnh ngước nhìn người đứng bên cạnh và mỉm cười ngoại giao. Anh chưa kịp nói gì thì người ấy đã ngồi xuống mép phản, thò tay bắt ngay mạch cổ tay của Vĩnh. Tôi là Thiết, Hoàng Đình Thiết, bác sỹ "ngụy".
Thấy anh chàng bác sỹ mập mạp này vui vẻ, Vĩnh cũng yên tâm.
- Trước bác sỹ ở đâu?
- Tổng y viện Cộng Hòa... Nằm yên nhé! Nằm yên tôi chích cho một mũi thuốc khỏe.
Sau khi bắt mạch, nghe tim nghe phổi, bác sỹ Thiết chích cho Vĩnh một mũi B.12 nội hóa.
Vĩnh lên tiếng.
- Bác sỹ ở đây lâu chưa? Có mình bác sỹ thôi hả?
- Tụi tôi ở đây đông lắm. Giải giao từ Thành Ông Năm về đây từ cuối năm 75... Mà thôi! Từ từ rồi anh biết hết. Hiện tại nằm nghỉ cho khỏe. Ở đây coi vậy chứ dễ thở hơn ở trại nhiều. Vả lại phổi anh chẳng có gì nguy hại đâu. Ở đây không có quang tuyến nhưng nghe cũng biết. Chỉ là một cái sẹo cũ trên đỉnh phổi phải thôi. Tôi sẽ nhờ ông thầy Châu nghe lại một lần nữa cho chắc.
Nói đoạn bác sỹ Thiết cầm vài món đồ nghề bước ra ngoài sân. Vĩnh đâm lo. Quả mấy tay bác sỹ "ngụy" thứ thiệt này tài thật. Vĩnh lòe là lòe mấy thằng bác sỹ Việt cộng. Lòe mấy tay này coi bộ không nổi. Hôm được ông Triển cho lên đây nằm cũng vì cảm tình thôi. Nghe phổi ông ấy cũng thừa hiểu tình trạng của Vĩnh chỉ suy yếu vì những căn bệnh khác như sạn thận, bao tử, ruột... Những căn bệnh không truyền nhiễm và chỉ khi sắp chết may ra mới được đưa lên bệnh xá để có y chứng cho hồ sơ.. chết bệnh! Còn phổi chẳng có gì!
Hai ngày sau thì Vĩnh đã được ông đại tá bác sỹ Nguyễn Văn Châu, cựu cục phó quân y QLVNCH, một bác sỹ chuyên khoa về phổi xác nhận riêng với Vĩnh.
- Đừng lo! Phổi anh chẳng có quái gì đâu. Nhưng tôi sẽ cho anh nằm đây một tháng nghỉ ngơi. Anh biết me xừ Đào, già Đang và thằng Thắng phải không?
Vĩnh quên sao được bạn cũ. Đào là người từng bị Phạm An Toàn ăn cắp tiền và ném hết hình ảnh lẫn kính cận xuống hầm cầu tiêu đầy dòi bọ. Thắng là tay thiếu úy Biệt Kích trẻ tuổi ở chung khối với Vĩnh từ dạo Trảng Lớn. Còn ông già Đang thì mới không gặp vài tháng đây thôi, kể từ ngày di chuyển khỏi trại An Dưỡng. Hiện tại đám này đều may mắn lọt sang khối mộc của trại Suối Máu. Nhiệm vụ duy nhất của họ là kéo cưa lừa xẻ và được hưởng một chế độ ăn uống nghỉ ngơi tương đối thoải mái hơn các K khác rất nhiều. Khối mộc (K.30) nằm sát bệnh xá và dùng chung hội trường với lũ tù bệnh, và khi có việc nặng nề, mấy ông bác sỹ đều chạy sang khối mộc nhờ anh em bên đó giúp đỡ.
Nghe ông bác sỹ Châu nhắc đến tên ba người, Vĩnh gật đầu.
- Dạ biết. Tôi gặp họ hôm qua rồi.
Bác sỹ Châu thu đồ nghề và đứng lên.
- Họ nói anh văn nghệ lắm. Thôi ở đây ca hát đàn địch với anh em một thời gian cho vui.
Thế là coi như vận may lại đến với Vĩnh. Trước hết là anh thấy mình thoát khỏi đợt học tập chính trị mười ngày sắp đến. Vĩnh bắt đầu hòa mình vào sinh hoạt của bệnh xá Suối Máu và bắt đầu chụp những pô ảnh đang xảy diễn chung quanh anh.
Bệnh xá này gồm ba dãy nhà. Một dãy sát cổng dùng làm hội trường và nơi khám bệnh cũng như ngủ nghê cho sáu ông bác sỹ tù: Đại tá Nguyễn Văn Châu, cựu cục phó cục quân y; đại tá y sỹ Nguyễn Khái, cựu chỉ huy trưởng tổng y viện Cộng Hòa; trung tá y sỹ Trần Văn Nam, cựu chỉ huy trưởng quân y viện Trần Ngọc Minh, thiếu tá y sỹ Trần Đình Thiết, bác sỹ giải phẫu tổng y viện Cộng Hòa; thiếu tá y sỹ Cường, cựu tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn quân y sư đoàn TQLC; thiếu tá y sỹ Các, bác sỹ giải phẫu. Đó là về phía bác sỹ. Về phía bệnh nhân có hai dãy nhà. Một dãy cách ly là dãy Vĩnh hiện đang nằm gồm Vĩnh và năm người khác. Dãy kia nằm cắt góc với dãy cách ly và đối diện với dãy của các ông bác sỹ, gồm chừng mười người bệnh. Ba dãy nhà này hợp với dãy nhà bếp tạo thành một hình chữ nhật ôm lấy một vuông sân chính giữa. Nằm ngay góc dãy nhà cách ly và dãy nhà của các bác sỹ có một dãy nhà 5mX10m. Đây chính là dãy nhà ở của anh em khối mộc.
Trong dãy cách ly ngoài Vĩnh có ông Nguyễn Thụy Hòa, cựu thiếu tá không quân hồi hưu. Ông cũng là cư sỹ Khánh Vân, từng làm chủ bút tờ Đại Từ Bi của nha tuyên úy Phật Giáo QLVNCH. Nằm cạnh ông Hòa là ông Danh, cựu thiếu tá quân nhu. Anh chàng thanh niên gầy như bộ xương khô là Chung Văn Nhỏ, cựu thiếu úy địa phương quân. Người khỏe mạnh nhất và cũng là xếp dãy cách ly là Nguyễn Văn Tài, cựu thiếu tá quân nhu. Riêng anh chàng đẹp trai trắng trẻo không bị lao mà bị tê liệt hai chân. Chẳng hiểu vì lý do nào anh lại được đưa sang nằm bên dãy cách ly. Anh tên là Cao Anh Tuấn, cựu đại úy. Theo như anh nói, anh là em ruột của nhà thơ nữ Cao Thị Vạn Giả. Tác giả này xưa kia Vĩnh có đọc thấy một lần trong một quyển bình thơ. Vĩnh chỉ còn nhớ được một câu duy nhất của bà là câu:
Mù sương phi cảng não nề,
Thôi anh ở lại buồn về em mang...
Riêng dãy thường bệnh có cựu đại tá kiêm nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông. Tác giả của Chiều Mưa Biên Giới hiện đang bị bệnh sưng khớp hành hạ. Tất cả các khớp xương trong người anh đều sưng lên, đau nhức và không đi lại bình thường được. Do căn bệnh của anh, anh biến thành một cái máy báo thời tiết thật chính xác. Anh nói chiều mưa là chiều mưa, nói trưa nắng là trưa nắng. Thời tiết đã ảnh hưởng rất nhanh và tạo sự đau nhức trong thân thể anh. Người thứ hai là Chiêu, cựu đại úy quân cảnh. Chiêu vốn là một tay to con khỏe mạnh, chỉ vì bổ củi cho nhà bếp, bị một mảnh củi văng trúng dương vật làm độc; do không thuốc men chữa trị, vết độc lan dần và khi được đem lên bệnh xá, dương vật của Chiêu đã hoàn toàn bị mục rửa hết phần đầu và cực kỳ hôi thối! Căn phòng thường bệnh dài mười lăm thước, non chục người khác đều dồn về một góc, mình Chiêu mắc võng nằm một góc. Chiêu nằm chịu trận tháng này qua tháng khác với sự chăm sóc của non chục bác sỹ "ngụy" chỉ bằng thuốc đỏ, thuốc tím và lâu lâu được một hũ Bi quá hạn cách mạng bố thí cho! Không ai có thể đoán được rồi trong tương lai số phận của Chiêu sẽ ra sao. Người thứ ba là Nguyễn Bảo Tụng, cựu đại úy quân cảnh tư pháp và là nhà sưu tập tem nổi tiếng của Việt Nam. Anh Tụng bị bệnh gì Vĩnh không rõ, chỉ biết anh tương đối khỏe mạnh hơn hầu hết các anh em khác. Vì anh là người Công Giáo, thành thử có ai hấp hối, anh luôn luôn tỏ ra là một người hăng hái nhất trong công tác tông đồ. Anh phóng đến đầu giường của người hấp hối, chẳng cần biết người đó là Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài Giáo, Hòa Hảo Giáo hay Bà Hai Giáo; anh nhanh chóng làm phép rửa tội.
- Giu-Se! Tao rửa mày nhân danh Cha và Con và Thánh Thần!
Làm xong phép rửa tội, anh đứng đọc kinh Cầu Hồn oang oang trong phòng bệnh ngay đầu giường người hấp hối, sau khi đã quan sát kỹ càng trước sau để bảo đảm rằng không có thằng vệ binh nào đứng gần đấy.
Bên khu bệnh thường còn vài tay khác nữa, nhưng họ chỉ là những người bị tai nạn lao động, xẹt đến rồi xẹt đi trong vài ba ngày.
Để hội nhập vào khu cách ly không phải dễ dàng. Trước tiên, Vĩnh tự biết rõ mình hiện không lao; mà không lao thì dĩ nhiên phải sợ người lao và từ sự sợ hãi này, người ta rất khó quàng vai cụng chén với một người như Chung Văn Nhỏ hoặc ông cụ Hòa. Thế nhưng chỉ một tuần đầu qua đi, Vĩnh đã thắng được sự sợ hãi này một cách rất thiếu vệ sinh. Anh ăn cơm chung với Chung Văn Nhỏ và hầu như suốt ngày quây quần với những người lao thứ thiệt bên bàn cờ tướng hoặc bên cái điếu cầy. Phải chăng tình bạn thật có khả năng xóa mọi biên giới?
Để đốt thì giờ, Vĩnh ngồi hầu cờ tướng ông Hòa và kể chuyện văn nghệ cho nhau nghe. Ông có đưa cho Vĩnh xem một bộ sách dạy cách học chữ Hán ông soạn trong tù. Ông còn cho Vĩnh xem những bài bản dịch Hán Việt hoặc Việt Hán của ông, chẳng hạn bài Chức Cẩm Hồi Văn, ông dịch từ Hán sang Việt. Ông tỏ ra rất thích bài này và cứ ngâm đi ngâm lại mãi câu cuối: Cúi xin thiên tử trả ngay chàng về!... Hoặc giả bài Ông Đồ Già của Vũ Đình Liên, được ông dịch sang Hán Văn với tựa đề là Lão Nho Giả.
Dù sao, điều mà Vĩnh quý nhất ở ông cụ Hòa là cái khí phách và sự tự trọng. Theo lời kể lại của một số anh em, ông Hòa đã từng lợi dụng sự phát biểu đợt học tập chính trị cuối năm 75 ở Suối Máu, để chửi xéo Văn Tiến Dũng trước mặt mọi người, kể cả bọn cán bộ khung, rằng "thằng Dũng làng Noi cả nòi hốt cứt".
Sau bốn ngày Vĩnh nhập viện, bọn chỉ huy trại tù Suối Máu phát động một chiến dịch thi công ăn mừng 60 năm Cách Mạng Tháng Mười. Bọn tù bệnh không phải thi công lao động mà còn được ban chỉ huy trại bệnh cho đăng ký mua mỗi người nửa ký thịt heo (với giá cắt cổ) để "ăn mừng lễ" nếu như ai có tiền. Hầu như mọi người, từ bác sỹ tù đến bệnh nhân tù đều tỏ ra phấn khởi trước tin vui, ngoại trừ ông cụ Hòa. Khi bác sỹ Cường, kẻ phụ trách hậu cần trại bệnh, đến hỏi ông Hòa có mua thịt heo không, ông đã vùng vằng nằm quay mặt vào vách, nói như mắng.
- Người như tôi mà lại phải bỏ tiền ra mua thịt heo ăn mừng lễ của chúng nó à?
Rồi ngay đêm đó, bọn tù khối mộc lẫn bọn tù bệnh kéo nhau lên hội trường xem chương trình văn nghệ đặc biệt mừng lễ sinh nhật 60 năm Cách Mạng Tháng Mười của người anh em vĩ đại Liên Sô. Trong lúc màn ảnh nhỏ đang chiếu lại một số tài liệu và hình ảnh về cuộc đời Lenin, một giọng nói ngoài cửa chợt khàn khàn cất lên khiến mọi người tái mặt.
- Thằng sói đầu trên TV là cái thằng chó chết nào vậy mấy ông?
Sự thù hận cộng sản khiến không còn ai tìm ra được một dấu tích nào để chứng tỏ ông từng là một cư sỹ Phật Giáo, từng ăn chay niệm Phật để quên đời từ ngày giũ áo từ quan. Ở ông, ngày nay bọn tù bạn chỉ có thể nhìn thấy một nỗi chua chát tận cùng của một người đã quá hiểu cộng sản nhưng tuổi già, thân bệnh lại thất thế thất thời, không còn một hy vọng nào đánh trả được kẻ thù dù chỉ bằng một hành động khiêm tốn nhất.
Thế nhưng một người bạn khác, dù rất trẻ tuổi, tính tình lại hoàn toàn ngược lại với ông cụ Hòa. Người ấy là Chung Văn Nhỏ. Nhỏ lao rất nặng. Do hậu quả hư một bên phổi, dáng đi của Nhỏ luôn luôn lệch sang một bên. Suốt ngày Nhỏ nói không quá mười câu. Ngoài giờ ăn uống ngủ nghê, Nhỏ ngồi viên viên từng tí ruột bánh mì thảy nuôi cặp gà mua được của thằng bộ đội, từ hai tháng nay. Nhỏ ăn cơm chung với Vĩnh.
Trong thời gian nằm bệnh xá, Vĩnh còn quen được một người bạn mới thật đặc biệt. Anh tên là Nông Hải Sơn, cựu đại úy trưởng phòng kế hoạch của trường Bộ Binh Thủ Đức. Theo như Sơn cho biết, anh là cháu gọi ông Nông Quốc Long (thuộc cánh cụ Nguyễn Hải Thần?) bằng chú ruột. Sơn tính tình điềm đạm, xuất sắc đặc biệt về môn tử vi và chiêm tinh. Ở con người Sơn luôn luôn toát ra một cái gì thật thần bí. Anh giỏi tử vi đến độ chỉ cần nói giờ và ngày sinh tháng đẻ, bấm tay một lúc, anh có thể khẳng định ngày sinh tháng đẻ ấy đúng hay sai so với nhân dáng hiện tại. Nếu đúng, cũng chỉ cần bấm tay một lúc anh đọc vanh vách tất cả các sao và giải luôn tại chỗ lá số cho người được bấm. Có lần anh em cho Sơn một yếu tố tử vi, sau một lúc tính toán, Sơn than thở.
- Tên này không thể sống quá tuổi đôi mươi!
Anh em ai cũng thất kinh vì yếu tố tử vi bạn bè vừa cho anh chính là ngày giờ khai sinh của bọn phiến cộng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Ngoài tài tử vi, mỗi sáng tinh sương vào quãng bốn giờ, lúc thức giấc đi tiểu, Vĩnh luôn luôn thấy Sơn ngồi trên một cái ghế đẩu kê ngoài sân trại bệnh. Anh ngồi bất động, mắt ngước nhìn trời. Vĩnh không bao giờ quấy rầy bạn nhưng anh biết những lúc ấy Sơn đang nghiên cứu khoa chiêm tinh. Sơn hay nói với Vĩnh.
- Ông yên tâm! Thế nào ông cũng được thả trước tôi và tử vi ông cho thấy rõ ông không được hưởng tuổi già ở quê hương.
Nói đoạn Sơn lại buồn buồn, rồi tiếp. Mỗi sáng tôi soi gương, tôi biết số tôi lao tù còn dài lắm. Tài Khổng Minh cũng không giải nổi cái nghiệp oan khiên này cho tôi...
Vì Sơn ở trại Suối Máu trước bọn Vĩnh khá lâu, thủa còn tướng tá, nên anh biết rất nhiều chuyện nơi đây, kể cả những chuyện ở khám Chí Hòa, nơi anh bị giam giữ những tháng đầu tiên. Anh hay nói.
- Khám Chí Hòa không ngờ có ngày cùng một lúc được tiếp rước đến ba ông thủ tướng. Thủ tướng Phan Huy Quát, thủ tướng Nguyễn Văn Lộc và cả cựu thủ tướng Miên là Sơn Ngọc Thành.
Cũng qua Sơn, Vĩnh còn được biết ông Ngô Khắc Tỉnh đau ốm ra sao; em ông là Ngô Khắc Tịnh bị biệt giam như thế nào; ông Hồ Văn Châm mê đọc sách Cách mạng ra sao... Hết nói tới những nhân vật của chế độ cũ, Sơn lại kể tới những thằng Tàu tài phiệt ăn xài và mua chuộc bọn công an cai tù như thế nào. Riêng những chuyện đã xảy ra ở Suối Máu này, Sơn hay nhắc tới một câu chuyện mà anh cho là vui nhất. Đây là câu chuyện về một anh trung sỹ TQLC. Chả hiểu vì lý do nào, ông trung sỹ cũng bị tóm nhốt vào đây. Trong những đợt tự khai ban đầu, ông trung sỹ nhà ta đã khai rằng ông là trung tướng Nguyễn Huệ, tư lệnh sư đoàn 23B. Thời gian này ông "trung tướng Nguyễn Huệ" ở chung đội với hai tướng Giai và Thân. Mỗi khi xếp hàng, anh em thường nhường cho hai ông tướng đứng đầu hàng để ngầm giữ lễ nghi quân cách. Những lúc như thế, ông trung sỹ lại xồng xộc chạy lên mắng hai ông chuẩn tướng thứ thiệt.
- Tôi trung tướng, các anh chuẩn tướng phải đứng sau lưng tôi.
Biết rõ ông bạn tù không phải người bình thường, hai ông Giai và Thân đành tụt xuống dưới nhường chỗ tiên chỉ cho ông trung sỹ. Sau đó một thời gian, bỗng nhiên có một phái đoàn từ bộ tư lệnh quân khu 7 của Trần Văn Trà xuống tận trại Suối Máu kêu hai tướng Giai và Thân lên thẩm cung. Chúng yêu cầu hai ông cho biết trong quân đội "ngụy" có ai tên là Nguyễn Huệ cấp bậc và chức vụ là trung tướng tư lệnh sư đoàn 23B hay không. Ông Giai và Thân phải khẳng định rằng hơn hai mươi năm ở quân đội miền Nam, các ông ấy chưa từng nghe có tướng lãnh nào tên là Nguyễn Huệ, và cũng chưa từng nghe QLVNCH có sư đoàn nào gọi là sư đoàn 23B. Sau đó một thời gian, tướng Giai và tướng Thân bị bịt mắt đem lên xe jeep đưa đi mất. Đợt đi Bắc kế tiếp ông "trung tướng Nguyễn Huệ" cũng bị lôi đi luôn.
Những câu chuyện thương tâm nhất mà Sơn kể lại cho Vĩnh nghe ấy là câu chuyện xử bắn hai sỹ quan cấp thiếu tá trốn trại nơi đây. Họ trốn không thoát, bị bắt lại, bị tra khảo và sau cùng bị xử bắn. Khi tiếng súng hành quyết vang lên, trời hôm ấy đang quang bỗng nhiên tối sầm lại và mây đen kéo đầy trời. Sơn nói từ ngày được biên chế sang khối mộc, anh có làm một bàn thờ nhỏ giấu sau hàng rào K.30 để thờ hai vị thiếu tá đó mà không ai hay biết.
Sơn còn nhắc đến nhiều người đã chết nơi bệnh xá này. Anh chỉ lên cái bảng tên dán trên vách của dãy nhà cách ly và nói.
- Ông thấy cái bảng tên đại tá Giám kia không? Tội nghiệp ông ấy. Ông ấy chết ở đây cũng vì bệnh phổi. Ông ấy giỏi tử vi lắm và cũng là người từng bấm tử vi cho Nguyễn Văn Thiệu.
Rồi thì Sơn nhắc đến đại tá sử gia Phạm Văn Sơn. Sử gia Sơn cũng từng nằm bệnh xá này vì bệnh ghẻ. Ông ghẻ cùng mình, ghẻ cả mắt cả mũi. Chính Sơn là người hay sang trại bệnh đút giùm cơm cho đại tá Sơn ăn. Đợt lôi đi Bắc đầu tiên, dù bị ghẻ không lết nổi, đại tá Sơn vẫn bị quăng lên xe Molotova đem đi.
Một câu chuyện thương tâm khác nữa mà Sơn kể là câu chuyện về thiếu tá Linh, một tiểu đoàn trưởng của lực lượng Biệt Cách Dù. Ông Linh bị nhốt khám Chí Hòa cùng thời với Sơn. Ông bị nhốt biệt giam dài dài cho đến ngày được đem về Suối Máu. Ở Suối Máu sau khi khỏi bệnh bại xụi ông lại bị lao nặng. Ông được đưa sang bệnh xá và gặp lại Sơn bên khối mộc. Dù bệnh nặng, tinh thần ông Linh vẫn rất cao. Mỗi chiều, ông khập khễnh đi vòng vòng quanh vuông sân trại bệnh, cây gậy thay vì chống xuống đất ông lại chống lên trời.
- Sao anh không chống gậy xuống đất mà lại chống lên trời khó coi thế kia?
Có lần Sơn cất tiếng hỏi và ông Linh lạnh tanh trả lời.
- Tao đang tìm cách chống trời đây!
Những ngày sau cùng, theo Sơn kể, ông Linh hay nóng nảy. Ông nói oang oang trên giường bệnh như người mê sảng.
- Giữa tư bản và cộng sản mày chọn ai?
Tự hỏi xong ông lại hét lên để tự trả lời.
- Tao chọn cái khoảng trống giữa hai thứ đó!
Ông thiếu tá Linh sau cùng đã chết vì bệnh lao ở trại Suối Máu...
Vì thực phẩm hiện tại ở trại Suối Máu là tinh bột, thứ bột mì mà theo tin đồn, tù cải tạo biết rằng nó là tặng phẩm của thế giới Tự Do dành cho nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sắp chết đói, nên các K đều phải tìm cách đắp lò nướng bánh. Bệnh xá không có người phục dịch chuyện cơm nước. Mấy ông bác sỹ toàn những thứ ăn trắng mặc trơn có truyền thống, ngoài chuyện chữa bệnh nấu nồi cơm không nên chuyên; do đó ban chỉ huy trại bệnh kiêm khối mộc quyết định để cho bếp khối mộc quản lý luôn chuyện nấu ăn cho tù bệnh. Các ông bác sỹ, ngoài việc chẩn bệnh chữa bệnh cho anh em, chỉ phải làm thêm vài công tác nhỏ như trồng vài luống rau để tự túc, kéo nước đổ vào mấy cái chảo gang sứt quai đặt ngoài bờ giếng cho tù bệnh có nước tắm...
Vì lý do trên, thốt nhiên lũ tù bệnh đồng loạt biến thành lũ con ghẻ của khối mộc. Hôm nào rảnh rang thì họ nướng hộ bánh cho ăn trong lò nướng của họ. Hôm nào bận, họ chỉ nhồi bột sơ sài, nắn thành từng miếng to và dẹp cỡ bàn tay, thảy vào chảo nước sôi luộc chín và đem phát cho bệnh nhân mỗi người một miếng.
Sơn vẫn luôn luôn là một người bạn tốt bụng. Mỗi chiều đi lao động về, Sơn thường khuân sang bệnh xá tiếp tế cho đám Vĩnh những bó củi thật nỏ. Vĩnh và Nhỏ ngồi xắt mấy miếng bột luộc thành những lát thật mỏng, bỏ vào nồi, thêm tí mắm ruốc, tí ớt, tí rau lang, đổ nước vào và dùng củi Sơn cho nấu ăn với nhau.
Ngày tháng trôi qua, Sơn và Vĩnh còn phối hợp công sức để làm đàn guitar. Ván ép, cưa, bào, đục... đều do Sơn cung cấp. Rồi thì những cây đàn guitar lần lượt thành hình. Từ đó, mỗi chiều ngoài Sơn và một hai ông bạn bên khối mộc, Vĩnh còn có thêm ông bác sỹ Nam, một ông bác sỹ già và hóm hém đến chỗ Vĩnh nằm để học nhập môn nhạc lý và những bài đầu của tập Carulli.
Những khi trời chập choạng, Vĩnh, Sơn và Nhỏ hay ra hàng hiên phía ngoài cửa dãy cách ly ngồi ngắm mấy con gà và những cây rau dền xanh tươi của Chung Văn Nhỏ. Bên ngoài hàng rào là con đường dẫn vào cổng K.4. Ngồi nơi đây, Vĩnh thường thấy thoáng qua vài người bạn học cũ đi lao động về trong hàng ngũ của các tù nhân K.4. Thấy nhau ơi ới vài tiếng thôi. Chẳng ai dám nói chuyện với ai vì tụi quản giáo cũng như vệ binh K.4 rất ác, phạm nội quy liên hệ linh tinh là chúng bắt quỳ cả đội giữa đường.
Cũng trong những lúc ngồi với nhau, Vĩnh lại được nghe Sơn kể thêm cho biết ngay từ phòng cách ly này, một cuộc trốn trại ngoạn mục đã xảy ra gần sáu tháng về trước. Người trốn trại, và trốn thoát bằng cách vượt bãi mìn trước mặt, là một bệnh nhân. Đúng ra, anh ta không phải là một bệnh nhân. Anh là người can tội tự tử và được đem qua đây chữa trị. Anh đã tự tử bằng cách dùng một cây căm xe đạp đâm lút vào giữa ngực. Chả hiểu anh ta có tài xiên lĩnh hay không mà anh không chết. Trong thời gian được nằm bệnh xá, anh đã đánh lừa sự kiểm soát sớm tối của mấy ông bác sỹ "ngụy", bằng cách lôi một cái chân giường để lên giường của anh rồi bỏ màn phủ chăn lên. Ban đêm đi kiểm soát, ông bác sỹ Khái nhìn phớt qua thấy rõ anh đang ngủ và bản báo cáo nhân số đêm đó coi như đầy đủ trăm phần trăm. Mười giờ sáng hôm sau, cái chân giường vẫn ngủ say trong cái chăn. Mấy ông bác sỹ nhà ta sợ anh bạn chán đời tự tử lần nữa, vội vàng vén mùng tốc chăn thì hỡi ơi, họ chỉ còn nước chạy đi báo cáo!
Cuối tháng Mười Vĩnh bị cái răng gãy hành một cơn đau tưởng méo mặt suốt đời! Đời tù cộng sản không thể nói đau răng thua đau sạn thận hoặc đau ruột thừa sẽ kinh khủng hơn đau sưng khớp. Phải nói rằng cái đau nào cũng đáng đồng tiền bát gạo cả, vì nó là cái đau không thuốc men, cái đau cắn răng mà chịu. Nói tóm, cái đau nào cũng có đủ khả năng đem người ta ra nghĩa địa nếu như mạng người ấy không được ông bà độ trì cho một cách đặc biệt. Sống đời tù, Vĩnh đã chịu đựng nhiều thứ đau, nhưng có lẽ đau răng là cái Vĩnh sợ nhất, cảm thấy tuyệt vọng nhất! Nơi đây, nơi trại tù, các bệnh xá tuyệt đối không bao giờ có thuốc đau răng, và cũng chẳng bao giờ có phương tiện tối thiểu để khả dĩ nhổ ra được cái răng đang đau. Những cơn đau giật khiến Vĩnh lăn lộn như kẻ bị đập dập đầu. Cái đau méo mặt. Đau bủn rủn toàn thân. Đau phát sốt, rồi phát điên và sau cùng chỉ muốn nổi lửa đốt nhà. Chung quanh Vĩnh một lô bác sỹ cũng chỉ biết trố mắt mà nhìn vì họ không có thuốc. Vĩnh yêu cầu được nhổ nhưng mấy ông bác sỹ không dám với lý do răng đau là răng tiền hàm, rất sâu, không kìm không thuốc tê không thể nhổ được. Vĩnh đau quá, anh lần mò tìm một sợi dây đàn buộc vào chân răng, một đầu buộc vào cánh cửa và đá mạnh. Cái răng không ra và Vĩnh chết ngất vì ra máu quá nhiều. Do bạn bè khuyên, Vĩnh đã dùng đủ mọi thứ nhét vào chỗ răng đau. Nào là nhét bột ngọt, ngậm nước điếu, nhét Vitamin C, nhét mủ xương rồng... nhưng chẳng thứ nào giúp Vĩnh giảm được cơn đau như có lửa đốt trong đầu, như có điện giật nơi thái dương...
Cơn đau răng hành hạ ba ngày rồi. Ngày thứ tư Vĩnh mới hoàn hồn và cảm thấy như mình mất thêm đến mấy ký lô. Một buổi chiều bác sỹ Hoàng Đình Thiết xuống khám bệnh chỗ khu cách ly. Thiết hỏi Vĩnh về cơn đau răng. Vĩnh khẽ cười và nói đùa.
- Nó mà hành hạ tôi thêm một ngày nữa thì dù một bãi mìn chứ mười bãi mìn tôi cũng trốn ra ngoài tìm nha sỹ...
Ngay sáng hôm sau, đích thân bác sỹ Hoàng Đình Thiết xuống tận chỗ nằm trao cho Vĩnh một cái giấy xuất viện. Tấm giấy ghi: Ban y tế bệnh xá trại cải tạo Suối Máu chứng nhận anh Phạm Vĩnh thuộc K.5 sức khỏe hiện nay đã hoàn toàn bình phục. Anh Vĩnh được hoàn trả về trại để tiếp tục học tập lao động cải tạo.
Bên dưới tấm giấy còn ghi rõ ngày 28 tháng 10 năm 1977. Dưới nữa không thấy ký tên mà chỉ thấy đề ba chữ y sỹ trực.
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu