Số lần đọc/download: 0 / 38
Cập nhật: 2020-10-16 09:43:46 +0700
Căn Gác Xép
- Hồi tao bỏ làng ra Hà Nội, ông nội chúng mày làm dữ lắm. Cụ bảo: “Nhà mình bảy đời làm ruộng, nhiều lúc cực lắm mà có ai bỏ làng đâu. Phải đi làm thuê làm mướn cũng cố bám đất mà làm. Sao bây giờ mày lại dở dói ra thế. Một chữ bẻ đôi không có, lên tỉnh làm lưu manh à”. Nhưng tao vẫn quyết đi. Đi thì may ra mới đổi đời. Tao mà ở lại làng thì bây giờ chúng mày cũng đến như lũ con bác Tèo thôi, đâu có được học hành, có cơ ngơi tử tế thế này.
Nhân biết bố rất tự hào. Cụ cho là cụ đã làm một cuộc “cách mạng”, đổi đời cho con cháu.
Thực ra bố Nhân cũng đã phải rất vất vả để lập nghiệp ở Hà Nội. Ban đầu không nhà không cửa, công việc cũng không, gặp gì làm nấy. Sau xin được vào làm ở nhà máy, rồi được cho đi học nghề, được phân một căn phòng 12 mét vuông trong khu tập thể công nhân, cuộc sống dần dần ổn định. Bốn anh em Nhân lần lượt ra đời: Nhân, Dân và hai cô em gái.
Hồi mới được phân nhà, bố mẹ Nhân sung sướng lắm. Ở cái nơi đất chật người đông này mà kiếm được một chỗ để chui ra chui vào là may mắn lắm rồi. Sau lũ trẻ lớn lên, căn phòng bỗng thành chật chội quá, bố Nhân mới thấy “phải mở rộng diện tích”. Ở tập thể, đất đai chẳng có, chỉ còn cách làm gác xép thôi. Ý định thì như vậy, nhưng phải dành dụm đến dăm năm bố Nhân mới thực hiện được. Cái gác xép chừng 4 mét vuông được hoàn thành đúng vào năm Nhân thi đại học. Bố Nhân dành nó làm chỗ cho anh thi đỗ vào Đại học sư phạm. Bố anh bảo: “Một nửa công lao là của cái gác xép”.
Thằng Dân lúc đó mới học lớp 7, nó nhòm ngó cái “giang sơn” của Nhân một cách thèm khát. Bố Nhân động viên: “Mày cứ cố học đi. Bao giờ thi đại học, bố sẽ làm cho mày cái gác xép khác. Trần nhà còn khối chỗ”.
Nói là làm, ông cụ bắt đầu ky cóp từng xu. Không phải dễ khi phải nuôi từng ấy miệng ăn, nhưng rồi vài năm sau cái gác xép thứ hai cũng làm xong. Căn phòng tối hẳn vì bị hai cái gác xép lù lù choán gần hết trần nhà, nhưng bố Nhân thì thấy thảnh thơi vì đã lo xong cơ ngơi cho hai cậu con trai.
Thằng Dân không có chí học như Nhân. Năm cuối phổ thông, nó bỏ học theo bạn bè chạy mánh chạy mối, chẳng có lúc nào để lên gác xép “sôi kinh nấu sử”. Bố Nhân thất vọng, nhưng cụ thở phào khi Dân được đi lao động ở Tiệp: “Để nó đi kiếm lấy cái nghề, dành dụm ít vốn thì mới mở mày mở mặt được”.
Ít lâu sau, Nhân lấy vợ. Cái gác xép trở thành buồng ngủ của vợ chồng anh. Rồi hai cô em gái cũng đi lấy chồng. Cái gác xép thứ hai bỏ trống, đầy bụi bặm, nhưng bố Nhân không cho ai động vào. Cụ dành cho Dân về lấy vợ.
Nhưng Dân không về. Từ Tiệp, nó chạy sang Đức, vào trại tị nạn. Nó viết về cho Nhân: “Tiếng là tị nạn nhưng còn sướng gấp ngàn lần về nhà để chui vào cái gác xép của bố. Em không dám nói với bố, sợ cụ giận, nhưng em quyết không về nữa đâu”.
Nhân cũng không dám nói cho bố biết ý nghĩ của Dân về cái gác xép của cụ vì nó tàn nhẫn quá. Tuy vậy anh cũng lựa lời nói cho cụ là Dân sẽ không về. Bố Nhân giận tái người. “Đồ ngu, đường quang không đi, lại rúc vào bụi rậm” – cụ nghiến răng nói. Trong suy nghĩ của cụ thì cái trại tị nạn cũng chẳng hơn cái nhà tù là bao.
Khi thằng con Nhân tròn 7 tuổi, bố anh long trọng tuyên bố: “Từ nay, ông cho cu Minh cái gác xép này làm góc học tập”. Cụ mua một hộp sơn, sơn lại cái gác xép. “Cháu muốn ngồi học chỗ nào để ông lắp cho cái đèn vào đó?” – cụ hỏi. “Chỗ nào cũng được” – thằng bé hờ hững đáp. Nó chẳng háo hức với cái “giang sơn” riêng này như bố nó ngày xưa. Nó đã đến chơi nhà bạn, đã thấy những biệt thự sang trọng, thoáng đãng rồi mà.
Không biết là do làm quá sức hay do thái độ hờ hững của thằng cháu, sơn được nửa cái gác xép thì bố Nhân ốm. Mấy tuần rồi cái gác xép cứ nửa xanh nửa xỉn.
Một ngày chủ nhật. Nhân chợt thấy hộp sơn ở xó nhà. Anh bèn lôi nó ra, sơn nốt cái gác xép. Hóa ra cái gác xép đã có nhiều chỗ mọt. “Phải thay chỗ này, chỗ này nữa… – anh nhẩm tính – nếu không – cu Minh trèo lên nguy hiểm lắm”. Bỗng Nhân nhớ đến sự hờ hững của thằng con và chợt thấy chán nản. “Có lẽ chả sửa chữa gì là hơn. Bỏ béng cả hai cái gác xép đi được rồi. Nhà cửa gì mà tối như hũ nút. Tốt nhất là bán quách căn nhà này đi, kiếm thêm ít tiền, mua cái khác”. – Nhân nghĩ mà buồn nẫu người. Anh biết anh chẳng đủ vốn, đủ sức để làm điều đó. Vả lại, còn bố anh đó. Căn nhà này, hai cái gác xép này gắn với đời cụ, chẳng dễ gì cụ chịu để mất nó.