Chuyên nghiệp là biết cách làm, khi nào làm, và làm điều đó.

Frank Tyger

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 53: Những Tấm Lòng….Tù!
ì hàng ngày đôi chân thường không cử động được, cứ phải nằm yên một chỗ, ba tuần lễ nay, không lần nào tôi đứng lên được ngay, mỗi lần khi được mở cùm để ra đổ bô và tắm rửa. Tôi thường phải vịn tay vào tường đá, đứng lên ngồi xuống vài lần, rồi mới đứng lên và đi được. Cho nên, nếu không muốn trở thành một phế nhân, để càng phải chịu thêm nhiều cay đắng nữa của cuộc đời, tôi không còn cách nào khác là phải phấn đấu đến phút cuối cùng, dù ngày mai có phải chết.
Mỗi ngày ba lần, tôi dùng tay xoa nắn, chà sát, đấm bóp hai chân. Chân không tự cử động được thì phải dùng tay giúp vậy; nhưng cũng rất khó khăn, hạn chế, vì cố gắng lắm, hai tay cũng chỉ với tới quá đầu gối một chút mà thôi. Vì thế, ngày cũng như đêm, từ đầu gối trở xuống, nếu ngứa, tôi đã kiếm được một cuống chổi thanh hao, dài chừng 40 phân, để giải quyết. Tôi dùng que chổi này chọc, lách vào trong cùm, gãi chỗ nào ngứa. Có tay, mà nhiều khi như không có vậy!
Tôi nằm, miên man nghĩ ngợi, thật là may, hồng phúc cơ duyên thế nào tôi lại gặp được anh Minh đã hết lòng giúp đỡ. Mỗi ngày được thêm gần nửa suất cơm như vậy, chẳng khác nào như được tiếp máu. Tuy về vật chất nó chỉ đáp ứng nhỏ mọn; nhưng về tinh thần, lại là cả một sự tiếp cứu lớn lao. Nó đã móc, nâng tinh thần của tôi lên cao, để khỏi bị chìm nghỉm trong “lò nấu xác” của lũ quỷ đỏ thèm khát thịt người.
Trong “cát xô”, tôi không thể nằm thẳng chân thực hiện phương pháp vận công “A”, tôi vẫn thường làm ở xà lim, tôi đổi lại thành ngồi. Mỗi ngày, tôi làm ba lần: sáng, trưa và tối. Nhiều lúc, ngồi tham thiền nhập định xong, tôi nhìn hai cái chân trong cùm, hai cái tay trong xích mà buồn cười. Chẳng biết những vị cao nhân trong võ lâm lúc ngồi điều khí vận công, mà chân tay bị xích, có tập luyện được không? Tôi chưa được đọc thấy một tác phẩm nào có nhân vật bị cùm xích, mà tập được võ công cả. Vì bị cùm và xích, làm sao tập theo được những thế võ trong bí kíp!?…..
Hôm nay là ngày thứ 34 ở “cát xô”. Dù tôi đã nỗ lực phấn đấu hết sức mình để tồn tại; dù được sự hà hơi tiếp sức của anh Minh; đến nay, hai cái chân tôi đã phù to lên. Phù này khác với cước vì lạnh trước đây. Phù bây giờ một phần là do thiếu chất dinh dưỡng lâu ngày; nhưng, phần chính là do hai cái chân không cử động được, hầu như ngày nào cũng như ngày nào, cứ đặt yên một chỗ. Nhìn đôi bàn chân sưng phù, tôi thật nản lòng. Bao nhiêu công tập luyện từ hôm vào nhà hầm, đều trôi cuốn theo giòng nước lũ. Một điều khác làm tôi nản hơn là, người đưa cơm hôm nay lạ, không phải là anh Minh nữa; mà là một anh hình sự khác, có đôi mắt ngờ nghệch chậm chạp.
Tôi băn khoăn nóng ruột, muốn hỏi người đưa cơm này về anh Minh. Nhưng, phần vì thái độ của anh như vô tình, lơ đãng và lạnh lùng như một cái máy cử động vậy. Phần khác, những tên công an thường theo sát, đứng ngay bên cạnh, nhìn và sai anh hình sự làm, nên tôi không làm sao thực hiện được ý định đó. Có thể vì anh hình sự này mới, công an phải chỉ bảo và thử thách. Cũng có thể vì “cát xô” bây giờ chỉ có mình tôi. Tôi lại cố gắng giữ gìn vệ sinh, cho nên cái “cát xô” đã bớt hôi thối, (những lúc tắm rửa, tôi miệt mài năn nỉ, xin thêm từng xô nước để dội chỗ nằm). Tên cán bộ nào cũng vào đứng sát chuồng của tôi, khi cho ăn cơm. Không còn cảnh bịt mồm, chỗ nước bọt như mọi khi.
Ngẫm chuyện đời, tôi thấy là bất kể chuyện gì, việc gì cũng đều có hai mặt mâu thuẫn, đối kháng nhau: lợi và hại. Chỉ có tỷ lệ, mức độ chênh lệch nhiều hay ít. Sự việc lợi nhất, cũng có cái hại của nó. Ngược lại, điều xấu tệ hại nhất, cũng có cái lợi của nó. Tôi cố giữ gìn vệ sinh cho nhà hầm đỡ hôi thối, như vậy là lợi cho sức khỏe, rất đáng làm; nhưng, bị điều bất lợi như đã trình bầy ở trên. Vì thế, nếu xét một việc mà chưa thấy những mặt mâu thuẫn, là vì ta chưa mổ xẻ, phân tích kỹ mà thôi.
Bây giờ, nắm cơm hàng ngày lại nhỏ như trước, khi chưa có sự giúp đỡ của anh Minh. Nghĩa là chỉ còn được khoảng 2 bát cơm con.
Tôi đợi mãi, rồi cũng tới ngày thứ Hai, ngày tắm rửa. Hôm nay lại là ngày lão Kim già trực. Từ sau ngày tôi đánh lừa y để tự tử, hễ nhìn thấy tôi đâu, là lão lại quắc mắt lên giận dữ. Câu chuyện đã 5, 6 tháng rồi, và cũng đã 3, 4 tháng nay tôi không gặp lão. Vì vậy, khi lão cúi đầu vào quát bảo, tôi đưa tay cho lão mở khóa xích. Nhìn thấy tôi, mắt lão chớp chớp sau gọng kính trắng, vẻ hơi ngỡ ngàng. Tôi hiểu là lão còn căm ghét tôi nhiều, cho nên tôi cố tránh không nhìn lão. Tôi phải bò ra, vì hai chân không thể đứng lên nổi nữa. Tôi cố tập đứng lên, ngồi xuống vài lần như mọi khi, nhưng vừa buốt vừa run rẩy, lại phải ngồi bệt xuống. Trong khi tên hình sự đưa cơm đang ngồi ghệ ở một bậc đá, gần cửa “cát xô” chờ tôi đổ bô và tắm rửa, đột nhiên, lão già Kim hỏi tôi:
- Anh ở “cát xô” bao nhiêu ngày rồi?
- Báo cáo “cụ” (ai cũng gọi lão như vậy, vì lão đã trên 60 tuổi rồi), hôm nay là ngày thứ 42 ạ!
Tôi trả lời trong hơi thở hổn hển vì mệt. Qua thái độ và cách lão hỏi tôi, tôi cảm nhận hình như lão không ghét tôi nhiều lắm! Nhìn tôi bò ra phía vòi nước một cách vất vả, vì phải mang theo cái bô phân và nước tiểu. Tự nhiên, lão mắng tôi một câu:
- Anh như con thú ấy, có chịu nằm yên đâu!
Tôi chẳng buồn nói năng chi, vì đang phải nghiến răng chịu đựng cái rát, buốt khi bàn chân nết trên nền đá. Tôi cứ phải nhắc cái bô đặt một chỗ với sức vươn tối đa, rồi lại bò, cứ như vậy cho đến chỗ cống đổ phân. Tôi chỉ rửa ráy qua loa, rồi lại hì hục bò về chuồng như mọi khi. Tôi ngồi húp và ăn bát canh rau muống trước, còn nắm cơm sẽ mang vào trong buồng mới ăn. Nguyên tắc, một tuần chỉ được mở cùm, để đổ bô và tắm rửa trong 15 phút, thế mà hôm nay, lão Kim để cho đến 30 phút.
Từ đấy, tôi càng thấy bản chất của một con người, hầu như không thể thay đổi được. Có chăng, chỉ là sự che đậy bên ngoài, vì một lý do nào đó của cuộc sống mà thôi.
Lúc khóa, xích tay tôi lão lại hỏi nữa:
- Lúc đưa anh vào “cát xô”, cán bộ có tuyên bố bao nhiêu ngày không?
- Báo cáo cụ, không!
Vì không có dịp thuận tiện nào, nên điều cứ thắc mắc trong lòng tôi là, tôi muốn hỏi anh bếp mới về anh Minh giờ ra sao, đã không thực hiện được.
Bốn ngày sau, vào một buổi sáng thứ Sáu, tôi đang nằm băn khoăn về hai cái chân mình (tôi không còn cách nào để phấn đấu luyện tập nữa), đành chịu cho đôi chân mình đi đến chỗ có thể bị liệt. Nắm cơm quá ít, chỉ đủ để ăn không chết, chứ không còn sức để cử động tay chân, Tôi thấy, nếu trước đây không được anh Minh giúp đỡ, tôi đã nằm liệt lâu rồi, và chưa biết những chuyện đau buồn gì đã xảy ra. Bỗng, tôi nghe tiếng lẻng xẻng của chìa khóa, tiếng lịch kịch của cánh cửa hầm “cát xô” mở. Tôi ngạc nhiên, mở mắt ra nghe ngóng. Bây giờ mới khoảng 8 rưỡi, 9 giờ, đâu đã phải giờ cho ăn cơm? Hay lại có một đồng cảnh nữa mới vào? Tôi muốn bò dậy để xem chuyện gì? Nhưng, không ngờ là sức tôi bây giờ không đủ để ngồi dậy nữa!
Tiếng chìa khóa mở chuồng của tôi. Rồi cửa được kéo lên. Tên Đại, cán bộ văn thư (làm ở văn phòng) nhìn tôi, rồi quát:
- Bò dậy! Đưa tay ra đây để mở xích!
Tôi cố chống tay, mấy lần vẫn không bò dậy được. Chỉ vì hai sợi dây xích không đủ dài để chống hai tay xuống nền. Mọi khi, tôi thường phải dùng thêm sức kéo của tay, rồi lấy thế ngồi lên. Bây giờ, người tôi rã rượi, như không còn một tí hơi sức nào.
Thấy tôi xoay sở, cố gắng nhưng không thể ngồi dậy được, tên Đại đành phải cúi đầu vào để mở hai cái khóa ở đầu dây xích. Rồi, y ra ngoài rút chốt cùm.
Hai tay được tự do, không phải mang sức nặng của sợi dây xích, tôi chống tay bò dậy, thế mà cũng phải mấy lần mới ngồi lên được. Hai mắt hoa lên, quay cuồng, tôi phải cố như lấy gân cả hai tay, mới nâng cho cái cùm há mồm lên, để lấy đôi chân ra. Đôi chân tôi bây giờ sưng húp lên cả mắt cá. Hai bàn chân to tướng với mấy khúc xương tong teo nhăn nhúm, xám xịt, như hai chiếc đũa cắm vào hai củ khoai lang luộc vậy.
Tôi cố bò ra khỏi buồng. Y nhìn thân hình của tôi một lúc, rồi dịu giọng:
- Cho anh ra rửa ráy, rồi vào viết kiểm điểm.
Vừa nói, y vừa chỉ mấy tờ giấy, cái bút và lọ mực đang để trên bậc đá, lối lên cửa hầm “cát xô”.
Thật là lạ lùng, mắt của tôi nhìn ngay y, cũng không rõ nữa. Hình ảnh một tên mặc quần áo màu vàng, mồm đang quàng một cái khẩu trang màu trắng trông cũng rất lờ mờ. Tôi lại càng lo sợ, không hiểu vì sao mắt mình lại như vậy. Phải chăng, vì ở trong chỗ mờ tối quá lâu (gần hai tháng trời), mắt luôn luôn phải điều tiết căng thẳng, hay vì mấy năm nay ăn uống đói khát và thiếu chất dinh dưỡng? Có lẽ vì hai lý do. Tôi nghiến răng, kéo “hai củ khoai lang luộc” về chỗ vòi nước rửa hai con mắt xem thế nào.
Trời đã vào Thu nên nước bắt đầu lạnh. Tôi vuốt, dụi, rửa hai con mắt, nhưng vẫn không thấy sáng hơn. Tôi bò lại chỗ để mấy tờ giấy và lọ mực.
Đầu tiên, tôi viết chữ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Do cái tay quen viết theo tay; mắt tôi chỉ thấy những nét ngoằn ngoèo, đen đen mờ mờ trên giấy trắng, không đọc rõ được nét chữ. Tôi quay lại y:
- Thưa ông, tôi chả nhìn thấy chữ tôi viết!
Y ngạc nhiên, lại gần tôi nhìn. Có thể y thấy thái độ khổ tâm của tôi vì đôi mắt như vậy, nên y bật cả hai cái đèn trong hầm “cát xô”, y lại trèo lên những bậc đá tới của hầm “cát xô”, mở phanh to cho ánh sáng ở trên chiếu vào. Căn hầm đã sáng hẳn ra, nhưng mắt tôi nhìn chữ viết vẫn chưa rõ hẳn, vì vậy tôi bỏ bút xuống, nói với y:
- Thưa ông, hiện giờ mắt tôi không nhìn rõ chữ viết. Vậy, để mai kia xem mắt tôi có nhìn thấy, tôi mới viết được. Hơn nữa, lúc này tôi mệt lắm, tôi không biết viết gì!?…..
- Được! Sau này anh sẽ viết chi tiết. Còn bây giờ, theo nguyên tắc, anh phải viết mấy giòng ngắn gọn: “Xin nhận hoàn toàn khuyết điểm, sai lầm. Xin cam đoan không bao giờ tái phạm”.
Thấy y nói như vậy, tôi cũng cố gắng viết đại theo lời y nói, dù tôi chả nhìn thấy rõ. Tôi cũng viết 3, 4 giòng, ký tên, rồi đưa cho y. Lúc đó mới khoảng 10 giờ, y cầm tờ giấy tôi viết, xem qua, rồi hất tay ra hiệu bảo tôi chui vào chuồng:
- Hãy đi vào buồng, tạm cho anh nghỉ cùm và xích!
Được lời như cởi tấm lòng, tôi bò vào chuồng có vẻ nhanh hơn lúc tôi bò ra. Cửa chuồng đã đóng, và cửa “cát xô” cũng đã khóa. Tôi loay hoay tìm thế nằm ngửa, gối đầu lên cùm sắt, giơ hai chân thẳng lên, rồi co lại. Dần dần, làm được! Mệt, tôi nghỉ, hết mệt, tôi lại tiếp tục làm.
Theo suy lý của tôi, hai cái chân bị phù toàn là nước ở bên trong, bây giờ giơ ngược lên nhiều lần, nước dần dần sẽ phải rút xuống cơ thể.
Trưa hôm đó, một cán bộ lạ coi trại chung dẫn anh hình sự vào cho tôi ăn cơm. Ăn xong, tôi lại tiếp tục tập. Thực ra cơ thể tôi lúc này, chỗ nào cũng cần tập, nhưng trong điều kiện tối ưu tiên, phải dành cho hai chân đã. Nghĩa là dồn hết sức của cơ thể để tập cho hai chân. Chẳng hiểu sự suy lý của tôi có đúng hay không, hay vì lý do gì khác mà tôi không biết. Điều trông thấy, cũng như sờ thấy là hai bàn chân tôi, mà tôi gọi là “hai củ khoai lang luộc”, chỉ có một đêm với nửa ngày tập, đã rút được đến hai phần mười.
Tôi càng cảm thấy được khích lệ, sáng hôm sau, tôi lại tiếp tục nỗ lực tập nữa. Nhất là đêm vừa rồi lại không bị cùm, xích, tôi cảm thấy tay chân tự do, thoải mái nhẹ tênh tênh, muốn để tay đâu, muốn để chân đâu, tùy theo ý mình. Hỡi tự do! Mi là thiên thần của loài người! Nhưng không phải ai cũng đưọc mi tới thăm.
Tuy được tha cùm và xích tay, nhưng tâm tư tôi vẫn thấp thỏm không yên. Thoáng nghe tiếng động cửa lại giật mình lo sợ cán bộ vào cùm, xích lại. Lúc cán bộ vào cho ăn cơm, tôi ngồi nhai miếng cơm, nhưng mắt vẫn theo dõi thái độ của y, sợ bất chợt y bảo bỏ chân vào cùm, bỏ tay vào xích. Thật, nhiều lúc tủi hận cho một kiếp người, chẳng khác gì một con chó! Nhưng, tôi nghĩ rằng con chó không thể ý thức sự cùm xích bằng tôi. Nó làm sao cảm thấy tủi hận, uất hờn, dày vò, cấu xé trái tim đã rướm máu bầm đen như tôi.
Tạo hóa sinh ra loài người là sinh vật cao quý nhất, nhưng, cũng là sinh vật đểu giả, nham hiểm, tàn ác nhất!…..
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen