A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 50
uả thực cả năm khu trại nơi đây đã bị cộng sản lợi dụng sức chứa một cách quá đáng. Những dãy nhà san sát với nhau, chung quanh lại không có đất đai, thành thử khi hết giờ lao động, trại luôn luôn ở trong tình trạng chật cứng. Có thể nói trên thế giới ngày nay, nơi có mật độ cao nhất phải là trại tù cộng sản Suối Máu Biên Hòa. Đã nhiều lần hơn một nhóm người từng kín đáo bàn thảo với nhau chuyện nổi lửa đốt trại tù, nhưng rồi tính tới tính lui, ý định táo bạo ấy phải dẹp bỏ vì một lý do thật giản dị: Tù sẽ chết trước và chết thê thảm như một lũ chuột mắc kẹt trong hang lửa không lối thoát. Chính vì lý do chật chội như vậy, ngoài việc sử dụng chính thức, hội trường còn là nơi được nhiều người chiếu cố dùng làm chỗ mắc võng ngủ trưa hoặc ngồi làm những món thủ công lưu niệm...
Giữ cho hội trường và vuông sân phía trước lúc nào cũng sạch sẽ, do đó, đã khiến cả năm người đầu tắt mặt tối như ai. Mở mắt dậy, sau khi anh em đã đi lao động, bọn Vĩnh đầu tiên lo quét dọn những khoảng đất trống chung quanh hội trường. Kế đó đi rửa cầu tiêu. Kế nữa đi tưới vườn thuốc Nam cho ông bác sỹ Triển. Sau cùng, bọn Vĩnh mới cùng xúm lại quét hội trường khi ông Triển đã khám bệnh xong.
Ông bác sỹ Triển tuổi đã lục tuần nhưng còn nhanh nhẹn và trông khá đẹp lão. Ông được ban chỉ huy trại cho phụ trách y tế khám bệnh cho tù đâu từ hồi tướng tá còn ở đây. Vĩnh còn nhớ những ngày đầu mới về, thấy một ông già ăn mặc sạch sẽ, đầu luôn luôn có cái nón lá, mỗi sáng ra đứng trước vọng gác K.5 lột nón và gỡ kính 1 báo cáo tên vệ binh để xin phép lên ban y tế trại nộp danh sách tù bệnh mà thấy thương ông! Vĩnh không biết nhiều về ông, chỉ nghe anh em người nói ông từng là chỉ huy trưởng tổng y viện Cộng Hòa, người nói ông từng là thượng nghị sỹ... Riêng Vĩnh, Vĩnh chỉ biết hiện tại ông là một bác sỹ già, khám bệnh mỗi sáng cho tù K.5 trên hội trường, tác giả của hàng chục vụ áp-xe và gần đây ông đang nghiên cứu về thuốc Nam với khu vườn le ngoe vài ba cây cỏ như đã nói bên trên. Sự chẩn bệnh và cho thuốc của ông Triển đã trở thành một giai thoại ở K.5 Suối Máu. Anh em tù đã đặt cho ông một cái tên mới: Ông bác sỹ "Sống Đời" 2. Sở dĩ ông có cái tên này vì đau bụng toa thuốc sẽ là 2 lá Sống Đời 1 lá Tía Tô 3 lá Xả; nhức đầu sẽ là 2 lá Sống Đời 1 lá Tía Tô 4 lá Xả; phong thấp sẽ là 4 lá Sống Đời 3 lá Tía Tô 1 lá Xả vân vân và vân vân.
Việc không có thuốc tây trong trại tù cộng sản, mà nếu có thì chỉ vài loại kháng sinh cái giả cái quá hạn, uống vào làm dị ứng và chích vào làm áp-xe, đã biến một ông bác sỹ tây học nhiều tuổi nghề thành một ông lang băm. Và ông lang băm bất đắc dĩ của thời đại Hồ Chí Minh này cũng lắm phen điên đảo vì không bảo vệ nổi cái tài sản lang băm bất đắc dĩ của mình, ấy là bảo vệ cái vườn thuốc "dân tộc" được trên giao phó quản lý, chăm bón và sử dụng phục vụ tập thể. Nay mất một gốc Tía Tô, mai mất nguyên một cụm Xả, mốt mất hẳn đi mấy nhánh Sống Đời... Đời tù tội không thịt không cá không cả rau tươi, nên lâu lâu chôm chỉa được tí rau thơm chấm nước muối ăn với sắn độn cơm cũng tăng khẩu vị thật nhiều.
Thường thường bác sỹ Triển khám bệnh từ tám rưỡi đến chín rưỡi là xong. Bọn Vĩnh vào hội trường sắp xếp lại bàn ghế và khởi sự quét dọn. Rác trong hội trường luôn luôn nhiều hơn rác ngoài sân, đặc biệt nếu như đêm hôm trước có một phim hay, chẳng hạn phim Hoàng Tử và Người Nghèo của Ba Lan, hoặc một trận đấu bóng... thì sáng ra bọn Vĩnh hốt rác mệt nghỉ. Công tác mỗi sáng được hoàn tất nhanh nhất cũng phải vào quãng mười một giờ.
Từ sau lễ quốc khánh 2 tháng 9 của chúng nó vừa qua, rác trong hội trường đỡ hẳn vì bọn cán bộ trại đã ra lệnh cấm ngặt không ai được lên hội trường ngủ, làm thủ công dù ban trưa hay ban tối. Lệnh này ảnh hưởng đến cả các tổ đan giỏ. Các tổ này cũng phải di chuyển xuống làm việc nơi vuông sân sau bếp gần lò làm đậu hũ và lò nướng bánh mì.
Việc cấm đoán này cũng có nguyên do của nó. Số là trước ngày 2 tháng 9, bọn cán bộ khung lôi một anh tù có nghề điêu khắc ra, cung cấp vật liệu và buộc anh khắc một cái thủ cấp Hồ Chí Minh để thờ trên hội trường. Một khi hội trường suốt ngày đêm đã có sự hiện diện cái bản mặt của bác thì phải khác hơn, phải được sử dụng nghiêm túc hơn, ngoại trừ một người - người ấy là Phạm Xuân Đồng.
Phạm Xuân Đồng nằm cùng một nhà với Vĩnh. Dưới mắt nhiều người Đồng là một tên điên, điên từng cơn. Và riêng với bác sỹ Triển hoặc anh Huy thì Đồng là cái rắc rối của mọi người. Nhưng riêng với Vĩnh, Đồng là một tên tù cải tạo tuyệt vời nhất! Không tuyệt vời sao được khi bao nhiêu người khác trong thời gian ở tù, nếu không bộc lộ ra ngoài cái bản tính đê tiện, đấu tố nhau, tranh ăn nhau, tố giác nhau - và sự hèn hạ đê tiện ấy hình như có độ tăng theo cấp số nhân khi tuổi đời tăng theo cấp số cộng; hoặc diễn tả một cách thơ mộng hơn một tí thì "càng cao danh vọng càng to lớn... hèn!" - thì cũng đều là bọn nín thở qua sông, nhũn nhặn như con chi chi với bọn cai tù. Lâu lâu có vài ba người bừng tỉnh tìm cách vượt ngục thì lại đều thất bại kiểu Ý, Huy và Dương. Riêng Phạm Xuân Đồng thì khác. Vĩnh chẳng thể xác quyết Đồng điên hay không điên, chỉ biết anh là người duy nhất trong hơn hai năm tù vừa qua, dám chửi tận mặt bọn cán bộ và đã hai lần trốn thoát K.5 về nhà thăm mẹ ở Biên Hòa. Cảnh mẹ góa con côi, tội nghiệp bà cụ, vì vô phương kế bảo vệ che dấu con, và để tránh cho nó chết thảm, bà lại phải đem con giao nộp cho công an địa phương để mong nó được sống. Thế là, hai lần trốn thoát đều bị trả lại trại cải tạo cả hai. Đồng dĩ nhiên ăn no nê những trận đấm đá từ cổng vào tới connex.
Thật ra, có những lúc Đồng tỏ ra mất bình thường rõ ràng. Chẳng hạn mỗi buổi sáng vào giờ bác sỹ Triển khám bệnh, Đồng mò lên hội trường, đứng kè kè bên cạnh ông Triển và ra lệnh cứ như một bác sỹ thứ thiệt ra lệnh cho một y tá.
- Anh Triển. Mài kim đi! Kim cùn thế kia đem chích cho nhân dân tôi cùm anh đấy!
Hoặc giả.
- Anh Triển. Anh già và tay run thế kia, tôi thả anh về liệu anh còn đủ sức chích cho vợ anh không?
Những lúc như thế bác sỹ Triển chỉ điên lên và xua Đồng như xua ruồi. Đồng cũng chẳng cự nự. Anh bỏ ra đứng ngắm cái thủ cấp Hồ Chí Minh một lúc rồi oang oang.
- Tưởng ai, hóa ra lại cái thằng chết tiệt này!
Ai cũng điếng hồn vì câu nói báng bổ của Đồng. Trong lúc vài người chạy tới nhà 1 báo nhà trưởng lôi Đồng về thì Đồng vẫn tiếp tục. Xã hội ta không duy tâm, tại sao lại phải làm hình tượng thằng chết tiệt này để bắt mọi người thờ? Tôi rành nó quá. Nó là thằng bạn học cũ của tôi. Tôi, nó và đức tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đều là bạn học...
Một người chợt khẽ hỏi Đồng.
- Biết tượng ai đấy không mà dám nói nhảm vậy?
Nghe hỏi Đồng trợn mắt.
- Thằng Hồ Chí Minh chớ ai! Tôi lạ gì nó. Nó học Taberd với tôi và cùng động viên khóa 5/70 Thủ Đức. Tôi giỏi tôi ra chuẩn úy. Nó xà bát quá nên rớt ra trung sỹ...
Nghe Đồng rống lên và công khai gọi Hồ Chí Minh bằng thằng giữa hội trường ai cũng rét và không ai dám hỏi gì nữa. Những lúc như thế nhà trưởng nhà 1 thường xuất hiện và ưu ái xách lỗ tai lôi Đồng về phòng như người anh lớn xách lỗ tai thằng em nghịch dại. Cũng may, Đồng sẵn sàng đập lộn với bất cứ ai dù anh gầy như con mắm và cận thị nặng, nhưng với riêng tay bác sỹ nhà trưởng Đồng sợ một phép. Tay nhà trưởng thường áp dụng một hình phạt duy nhất đối với Đồng là lôi Đồng về chỗ nằm, bắt nằm sấp mặt xuống đất, hai tay vòng lên sau gáy, mỗi khi Đồng gây chuyện đánh người hoặc nói nhảm nhí.
Lúc đầu, do cái tính vui vẻ hay đùa giỡn, anh Huy bỗng nhiên biến thành nạn nhân và là người sợ Phạm Xuân Đồng vào bậc nhất. Hôm ấy, Huy ngồi soạn lại mớ quần áo rách của anh. Bỗng nhiên một tấm ảnh từ trong một quyển vở rơi ra ngoài. Vừa lúc ấy Phạm Xuân Đồng đi qua. Đồng lượm tấm ảnh lên và xà xuống chỗ anh Huy một cách thân mật. Thấy Đồng tỉnh táo, Huy quàng vai Đồng và chỉ vào tấm ảnh, hỏi.
- Biết ai đây không?
Đồng cười một cách rất tự nhiên.
- Tôi với anh là anh em. Anh là Phạm Xuân Huy còn tôi là Phạm Xuân Đồng, vậy làm sao mà tôi không biết người này!?
Huy thấy Đồng hôm nay không điên tí nào, lại có vẻ dễ thương nữa, liền hỏi tiếp.
- Vậy chứ ai đấy? Nói coi!
Đồng tỉnh bơ.
- Anh không nhớ thật à? Tôi với anh ngủ với nó bao nhiêu lần rồi mà anh nỡ quên sao?
Huy hoảng hốt và chấm dứt ngay việc trò chuyện với Đồng. Anh giật lại tấm ảnh vợ anh và cất ngay vào túi. Nhưng khổ một nỗi là từ đó, trong cái óc hỗn mang của Đồng, Đồng luôn luôn nhớ tới Huy và gặp Huy ở đâu cũng cất tiếng hỏi. Phạm Xuân Huy! ảnh con mụ vợ của hai ta đâu rồi?
Từ dạo ấy, gặp Đồng là Huy trốn mất. Người ta chẳng thể đánh đập một người bạn mất bình thường nếu không muốn nói là nửa tỉnh nửa điên. Và người ta lại càng không thể đi cãi nhau với Đồng.
Nhưng bọn vệ binh không phải là ông bác sỹ Triển, là anh Phạm Xuân Huy hay đám lao động hội trường. Trong hơn hai năm tù, có lẽ Đồng là người bị bọn vệ binh đánh đập công khai nhiều nhất. Điển hình vào một đêm quãng mười giờ tối, khi mọi người đã rúc vào chỗ nằm ru giấc ngủ thì phía ngoài bờ giếng trước hội trường gần khu vườn thuốc Nam nổi lên những tiếng huỳnh huỵch. Lẫn với những tiếng huỳnh huỵch ấy là tiếng chửi của Đồng.
- ĐM. mày tao đếch sợ. Ngon bỏ súng đánh tay đôi đi!...
Nhà 1 nằm ngay sát hội trường và có một đầu hồi nhìn ra phía giếng nước nên người nằm trong nhà nghe rất rõ. Ai cũng đoán biết Đồng đang bị mấy thằng vệ binh gác cổng đánh bằng báng súng. Vài người lên tiếng yêu cầu nhà trưởng ra can thiệp nhưng nhà trưởng không dám. Chừng năm phút sau, một thằng vệ binh xuất hiện ngay cửa nhà 1 sát chỗ nằm của nhà trưởng. Nó lên giọng hách dịch.
- Nhà trưởng nhà phó đâu?
Nhà trưởng vội lên tiếng.
- Có tôi đây.
- Cho người ra khênh thằng Đồng vào. Đêm hôm lần mò ra cổng trại đánh què cẳng nằm ngoài kia.
Thông thường không ai phạm những nội quy tương tự như Đồng. Và giả như có phạm thì chắc chắn đã bị tống cổ vào connex tức thì. Riêng Đồng thì cả bộ chỉ huy K.5 đều đã rõ mặt rõ tên, và mỗi thằng vệ binh ít ra cũng từng năm lần bảy lượt đánh đập Đồng. Việc nhốt Đồng vào connex đã nhàm quá. Chúng bực chúng đánh cho bõ ghét chứ tuyệt nhiên không thèm nhốt nữa. Đêm nay cũng tương tự nhiều lần trước đó, Đồng mò ra cổng chẳng biết làm gì, bị vệ binh nạt nộ, Đồng đứng chống nạnh nạt lại và lên tiếng thách vệ binh đánh tay đôi. Thằng vệ binh cáu sườn, và dù biết rõ Đồng mất bình thường, nó vẫn kêu thêm hai ba thằng nữa vác súng nện Đồng ngã sấp ngã ngửa ngoài bờ giếng. Dù bị đánh đau, Đồng cứ luôn miệng chửi và thách vệ binh đánh tay đôi. Khi nhà trưởng ra bế Đồng vào, thân thể Đồng đã nhão ra và mặt mày sưng phù. Anh em kẻ đến bôi dầu xoa bóp cho Đồng, kẻ ra ngoài tìm lại cái kính cận cho anh. Tuy nhiên, chỉ năm bảy phút sau Đồng lại sức ngay. Không ai có thể tưởng tượng được Đồng gầy còm mà lại có một sức chịu đựng dẻo dai đến thế. Vừa bầm dập vì đòn đập đó, ít phút sau đã tỉnh lại và vùng dậy đi từ đầu phòng tới cuối phòng, thái độ hầm hầm tức giận và miệng nói huyên huyên.
- Chúng nó là một lũ hèn. Chúng nó đánh hội đồng tao. Tao thách đánh tay đôi mà không thằng nào dám nhận lời. Quân đội cách mạng như con c... Tao đâu thèm trốn trại. Tao mà trốn thằng Hồ già cũng không giữ nổi tao. Tao chỉ buồn đái. Ra tới giếng chẳng lẽ tao đái xuống giếng. Bộ điên à? Giếng để ỉa chứ đâu để đái! Tao bước thêm vài bước nữa là tới trạm gác của nó; tiện, tao đái luôn vào cột trạm gác. Tao đang đái làm sao nó cấm tao được? Thằng bố láo bố lếu. Nó không biết rằng tao là bạn học trường Taberd với bác Hồ của nó...
Đồng vừa đi vừa nói lảm nhảm cho đến lúc nhà trưởng chịu không nổi, lại phải dùng uy la hét Đồng, xách lỗ tai anh, bắt anh về chỗ và dùng lại hình phạt y như những lần trước: Nằm sấp mặt xuống đất, hai tay vòng ra sau gáy...
Khi Đồng đã chịu phép rồi, cả phòng lại im vắng trở lại. Những sự kiện xảy ra quanh Đồng không thể không bắt Vĩnh ghi nhận và suy nghĩ đến thân phận Phạm Xuân Đồng. Ai có thể khẳng định Đồng điên thật hay điên giả? Nếu điên giả thì Đồng quả nhiên là thiên tài. Nhiều khi rõ ràng Đồng nửa đùa nửa thật để chửi ngay mặt quản giáo Tú, quản giáo của nhà 1, rằng hắn là một thằng ngu. Vĩnh cũng nhớ có lần tên đại úy trưởng trại vào thanh tra và đi qua nhà 1. Thấy hắn, Đồng bỗng trỗi dậy chào hỏi rất vui vẻ. Tên trưởng trại thừa biết Đồng mất bình thường, nhưng thấy Đồng chào hỏi vui vẻ cũng tỏ thái độ thân mật với anh.
- Sao, anh Đồng? Lúc này có gì hồ hởi phấn khởi không?
Đồng trả lời ngay.
- Buồn thấy cha thấy mẹ đây. Có gì mà hồ hởi với không hồ hởi!
Tên trưởng trại nhíu mày.
- Ô hay! học tập cải tạo thì phải hồ hởi phấn khởi chứ, sao lại buồn?
Nghe tên trại trưởng nói vậy, Đồng trợn mắt cãi ngay.
- Này, tôi hỏi thật anh nhá. Nếu bỗng dưng có người vô cớ lột lon anh và bắt giam anh lại chẳng biết bao giờ mới thả anh ra, thì bản thân anh liệu có hồ hởi phấn khởi nổi không?
Tên trại trưởng chẳng ngờ bị Đồng bắt bẻ. Trong lúc hắn chưa biết xử trí ra sao thì Đồng làm luôn. Vậy thì muốn tôi vui, muốn tôi hồ hởi phấn khởi thì cứ trả ngay lon lại cho tôi. Trước đây tôi thiếu úy, hơn hai năm rồi giờ này tôi phải là trung úy. Yêu cầu các anh trả lon trung úy cho tôi và cho tôi truy lãnh tất cả số lương hơn hai năm qua.
Đến đây như bị bóng nhập, Đồng bắt đầu hét. Trả đây! Trả lon tao đây! Đồ chó chết! Trả đây...
Tên trại trưởng biết Đồng lại lên cơn, hắn chuồn êm khỏi cửa.
Hiện tại Đồng không chịu nằm trong nhà nữa. Sau lần anh dùng lưỡi lam cắt rách dương vật máu ra đầm đìa vì anh lập luận "Giải phóng đã làm thất nghiệp cả đến cái này của tao thì tao cắt bỏ nó cho đỡ nặng háng", Đồng đem võng ra mắc trên dãy hầm cầu tiêu cũ, nằm sát phía trong vườn thuốc Nam của ông bác sỹ Triển. Bên trên Đồng căng một tấm poncho che mưa nắng. Nhà trưởng đã năm bảy lần lôi cổ anh vào nhà nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Anh bảo anh không thích nằm trong nhà vì "bọn trong nhà hôi thối hơn cả cái hầm phân anh mắc võng bên trên".
Chính vì chuyện Phạm Xuân Đồng ra hầm cầu ngủ mà đám lao động hội trường đâm vất vả. Bọn Vĩnh nhận được lệnh phải chuyển tất cả phân nơi những hầm cầu cũ ra khu canh tác cách cổng K.5 chừng một trăm thước. Dù rằng chỉ cách một trăm thước nhưng vừa đào vừa gánh hết hai hầm phân để lại từ thời các quan tướng tá cũng khiến năm người mệt ứ hơi ba ngày trời.
Xong vụ phân, bác sỹ Triển lại có thêm tí đất để mở mang vườn thuốc dân tộc của ông. Bọn Vĩnh lại phải giúp ông lên luống, tỉa ươm, cấy trồng... Phạm Xuân Đồng vẫn không buông tha mọi người. Suốt ngày anh ra vườn chống nạnh đứng xem đám Vĩnh trồng cây, miệng luôn luôn cằn nhằn bác sỹ Triển đã chiếm miếng đất này của anh.
Hai tháng đầu tiên sống nơi K.5, chuyện vui buồn và lao động của Vĩnh hầu như chỉ gắn liền với từng đó sự kiện và nhân vật: Hội trường, vuông sân, dãy cầu tiêu, cái bàn thờ có thủ cấp bằng đất sét của Hồ Chí Minh, Phạm Xuân Huy, Nguyễn Văn Ý, Vũ Duy Dương, Phạm Văn Triển, Phạm Xuân Đồng, bệnh điên, vườn thuốc Nam, cái giếng... Những cái đó bám sát lấy Vĩnh cho đến cuối tháng Mười, vào dịp làm bản tự khai lần thứ hai ở Suối Máu, tiếp theo là một đợt học tập chính trị dự trù kéo dài mười ngày thì Vĩnh quyết định đi nằm viện. Vĩnh lại giở trò cũ. Lần này thì Vĩnh không gặp tí khó khăn nào, vì người khám và đề nghị cho anh đi viện là bác sỹ Triển.
--------------------------------
1 Đối với bọn cán binh CSVN, bất cứ loại kính nào, dù râm, cận hay viễn đều được đánh giá như một thứ trang sức. Và khi trình diện chúng thì dứt khoát không được đeo đồ trang sức! Do vậy, tù phải tháo kính cầm tay.
2 Cây Sống Đời là một loại thân thảo hay dùng trong thuốc Nam, chỉ được nhắc nhở đến nhiều sau năm 1975. Hình như nó trông giống một cây kiểng, lá giống lá mận như to, dày và xanh hơn. Bọn tù không rõ dược tính ra sao, chỉ biết nó có vị chua như lá me. Và chính vì vị chua này, cây Sống Đời luôn luôn bị tù bẻ trộm...
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu