I speak in hugs & kisses because true love never misses I will lead or follow to be with you tomorrow.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Phượng ca
Thể loại: Kiếm Hiệp
Upload bìa: Tiên
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6081 / 145
Cập nhật: 2015-03-16 08:39:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 52 - Hoa Ám Liễu Minh (4)
ương Tiêu cười hi hi nói:
- Chó ghẻ thì chó ghẻ.
Vừa nói vừa tránh né đòn tấn công của cô ta, đột nhiên người lảo đảo một cái, dùng ra chiêu “Nhân Tâm Hoàng Hoàng" trong “Tam Tài Quy Nguyên chưởng”. Chiêu này xử ra đột ngột mà xảo diệu, cô gái áo xanh không lưu tâm một chút, suýt nữa đã để y thừa cơ lao vào lòng, lập tức phải lùi lại không ngừng. Lương Tiêu thừa thế đang ngã xuống liền lăn luôn xuống đất, cô gái áo xanh vừa giơ chân lên đá vừa hét:
- Ta đá con chó rơi xuống nước nhà ngươi.
Nhưng Lương Tiêu lăn lộn lại không phải là cách lăn lộn bình thường mà là chiêu “Chúc Long Nhập Miên” trong “Đại thần cảnh” của võ học trong thạch trận. Truyền thuyết nói rằng Chúc Long là đại thần chuyên cai quản vào ban đêm, ông ta ở một nơi rất thâm sâu âm u, lúc ông ta mở mắt ra thì đó là ban ngày, còn lúc ông ta khép mắt lại thì lại là lúc ban đêm, hô hấp của ông ta hóa thành cuồng phong, tiếng ngáy hóa thành sấm rền, vì vậy chiêu này uy lực rất mạnh mẽ, trong lúc lăn lộn vẫn tiềm ẩn sát cơ. Cô gái áo xanh vừa xuất cước đã thấy từ bắp chân trở xuống bị cuốn chặt, lập tức vội vàng rụt chân về.
Lương Tiêu cười ha ha, chiêu biến thành “Trần Đoàn cao ngọa” (Trần Đoàn ngủ dài), “Chung Ly túy chẩm” (Chung Ly say nằm), “Trang Sinh mộng điệp” (Trang Sinh mơ bướm), “Thích Già nhập diệt” (Thích Ca nhập định), lăn lộn như rồng như rắn. Cô gái áo xanh xuất cước đá không được, cúi người xuống đánh cũng không xong, lại không thể cũng lăn lộn như y, nhất thời thật không biết đối phó thế nào với loại võ công vô lại này.
Thoát Hoan sớm đã dẫn người xông lên. Lương Tiêu sáu năm trước chỉ là một đứa trẻ, hiện giờ thân hình đầy đủ, mặt mũi cũng thay đổi, bốn người nhất thời không ai nhận ra. Ba người A Than thấy Lương Tiêu đã xuất thủ nên đều tự trọng thân phận mà đứng ngoài xem, có điều bọn họ đều là kẻ từng trải, nhìn tình hình không khỏi ớn lạnh: “Tiểu tử này xuất chiêu thức khôi hài vô lại nhưng thực ra lại đều là võ học đỉnh cao, đáng tiếc là công lực không đủ nên khó mà chiến thắng.”
Cô gái áo xanh bị chiêu thức vô lại của Lương Tiêu làm cho quay mòng mòng, tức giận mệt mỏi, đột nhiên nhảy lùi lại phía sau, gầm lên:
- Có bản lĩnh quang minh chính đại thì đứng lên giao đấu! Không được dùng chiêu thức chó má vô lại đó.
Lương Tiêu nói:
- Được thôi.
Liền cười hi hi, chống tay trái, lấy hai chân làm trục, bật người rời khỏi mặt đất, xoay người một cái, lập tức từ thế nằm trên đất biến thành đứng thẳng dậy. Chiêu đó chính là “Đà Loa công” trong Hắc Thủy võ công, nguyên lý giống như đứa trẻ đang chơi quay, con tay đầu tiên nằm trên mặt đất, nhưng chỉ cần có ngoại lực tác động, dùng dây kéo hai vòng thì càng quay càng nhanh rồi đứng hẳn lên. Mọi người thấy Lương Tiêu lộ ra công phu đó, bất kể là địch, là bạn hay là khách uống rượu bàng quan đều cảm thấy vô cùng thích thú, đồng thanh tán thưởng.
Lương Tiêu cười ha ha, vái chào cảm ơn mọi người, bỗng nhìn tới đám người Thoát Hoan liền nghĩ thầm: “Không ổn, ta chỉ cắm đầu tranh chấp với nha đầu này, nếu cứ giữ chặt cô ta không thả ra thì chẳng phải là tiếp tay cho bọn ác nhân này sao?” Cô gái áo xanh thấy võ công của y có chỗ thú vị, không kìm nổi cười khanh khách rồi tiện thể châm biếm nói:
- Chó cũng học người đứng lên ư?
Lương Tiêu cười nói:
- Ta quên mất!
Lại tỏ vẻ muốn lăn lộn ra đấy. Cô gái áo xanh tức giận nói:
- Không được vô lại!
Rồi sợ y lại đem lại “Vô lại chó má quyền” ra, liền vội sử chiêu “Tuyết Mãn Yên Sơn” vung chưởng đánh tới, chiêu đó không chỉ có hàn khí nặng nề mà còn đem theo kình lực hùng mạnh đáng sợ, chưởng còn cách tám xích mà quần áo Lương Tiêu đã bị chưởng lực thổi bay phấp phới. Khí thế tung hoành của chưởng này giống như trong thơ của Lý Thái Bạch có nói: “Nhật nguyệt chiếu chi bất cập thử, duy hữu bắc phong hiệu nộ thiên thượng lai, Yên Sơn tuyết hoa đại như tịch, phiến phiến xuy lạc Hiên Viên đài” (Trời trăng lánh chốn này chăng, Chỉ nghe gió bấc hung hăng thét gào. Núi Yên Chi tuyết rơi như bão, Đài Hiên Viên sụy đổ tung bay.)
Mọi người thấy thanh thế như vậy đều biến sắc, không ai ngờ trước đó cô gái áo xanh chưa dùng toàn lực, lúc này mới dùng đến tuyệt kỹ bình sinh. Minh Quy cũng từ từ đứng dậy, lông mày nhíu chặt. Nhưng Lương Tiêu không hề hỏang hốt, vòng tay cười nói:
- Mát quá, mát quá!
Rồi dùng ra một chiêu “Thiên Toàn Địa Chuyển” nghênh đón chưởng phong bắt đầu xoay tròn kia.
Trong nháy mắt, cô gái áo xanh đã chạy vòng rất nhanh quanh Lương Tiêu, song chưởng như tuyết lượn tầng không, đánh ra sáu chưởng. Lương Tiêu tiếp liền sáu chưởng đó, cô gái áo xanh cảm thấy trong chưởng lực của y có hàm chứa âm kình, tuyệt đối chẳng khác gì nội kình của phái mình, trong lòng ớn lạnh: “Tiểu tử này cũng biết ‘Phiêu Tuyết thần chưởng’ ư?” Cô không biết chiêu “Thiên Toàn Địa Chuyển” chuyên dùng để mượn lực, mười phần hàn kình của cô đã bị Lương Tiêu mượn mất hai phần rồi dùng thế xoay tròn để trả lại đường cũ.
Cô nương áo xanh đó có nội lực tinh tế cường mạnh, Lương Tiêu dù có cách mượn lực nhưng vẫn phải chịu lực tấn công, vừa đấu vừa lùi, trong nháy mắt đã lùi đến còn cách Hoả Chân Nhân sáu xích. Cô gái áo xanh không ngừng bị Lương Tiêu trêu ghẹo, càng đánh càng tức giận, đánh đến chưởng thứ bảy thì đột nhiên vận toàn bộ công lực lên. Vừa định đánh ra thì đột nhiên nghe Lương Tiêu cười nhẹ, trước mắt hoa lên rồi Lương Tiêu đột nhiên biến mất, nhưng chưởng lực của cô ta đã không còn thu lại kịp, đánh thẳng vào hướng Hoả Chân Nhân. Ý nghĩ lướt qua trong đầu, cô gái áo xanh bỗng thừa cơ đẩy thẳng chưởng đánh vào Hỏa Chân Nhân. Hoả Chân Nhân vốn đang giữ cửa lớn để đề phòng cô ta chạy thoát, thấy tình trạng này hoàn toàn ra ngoài dự liệu, đành phải giơ chưởng lên đỡ, nhưng trong lúc ngắn ngủi nội lực chỉ kịp vận được bốn thành. Trong nháy mắt, chỉ cảm thấy kình lực của đối phương như băng đao tuyết kiếm, xuyên qua chưởng của mình tống vào, tức thì kêu loái một tiếng rồi ngã lăn ra. Hơn nữa ông ta lấy “lửa” làm chủ, bị chưởng đó đánh cho như bị tắt ngấm, trong tim lạnh buốt, mặt trắng bệch, răng đánh vào nhau lách cách không ngừng.
Cô gái áo xanh một chưởng phá được chướng ngại chặn cửa liền tung mình nhảy ra ngoài, cười hi hi vừa định nhảy lên ngựa thì bỗng nghe bên tai một tiếng gầm rồi quyền kình của A Than đã đánh tới như trời giáng. Cô gái áo xanh cả kinh, cúi đầu tránh qua, lại thấy phía trước bóng người chớp lên, rồi Cáp Lý Tư một quyền đấm tới, đầu quyền phát ra ánh sáng ngũ sắc. Cô gái áo xanh vung chưởng đánh hờ rồi co người lùi lại, không ngờ Cáp Lí Tư đánh ra đó là kỳ công “Cổ Du Già”, cánh tay kêu cách một tiếng lại dài ra thêm nửa xích, đầu quyền chỉ còn cách đầu mũi của cô có hai thốn. Cô gái áo xanh không kịp phòng bị, hết sức lùi lại thì “Minh Vương ấn” của A Than lại từ phía sau kích tới. Hai người bọn họ không thèm để ý đến thân phận, ngang nhiên hợp kích, cô gái áo xanh lại không rõ thực hư nên trong nháy mắt đã bị bức vào chỗ nguy hiểm. Trong lúc kinh hoàng, bên tai đột nhiên truyền đến một tiếng cười nhẹ rồi cổ tay bỗng bị xiết chặt, đã bị Lương Tiêu kéo sang một bên. Cô gái áo xanh đang hoảng loạn liền bị y kéo đi, nhưng thu thế không kịp nên xô thẳng vào lòng Lương Tiêu. Lương Tiêu không ngờ cô ta lại nhào tới mạnh như vậy, sợ cô ta thừa cơ giở trò nên vội vàng lùi lại nửa xích. Chớp mắt đột nhiên thấy mọi người đồng thanh kêu lên, cúi đầu nhìn xuống chỉ cảm thấy tim như ngừng đập, hai mắt trố ra nhìn cô gái áo xanh khó mà rời đi được.
Thì ra cái mũ tre của cô gái áo xanh đã bị đụng rơi mất, lộ ra khuôn mặt xinh đẹp lộng lẫy vô cùng. Lương Tiêu tuy đã thấy không ít cô gái đẹp nhưng so với cô gái áo xanh này thì đều không bằng, có lẽ những gì diễm lệ, lộng lẫy trên thế gian này đều đã bị cô ta chiếm hết. Nhất thời xung quanh người nào cũng nín thở đứng đờ ra, hồn phách như bay ngược lên trời không thu về được. Cô gái áo xanh vừa xấu hổ vừa giận dữ vô cùng, liền tát một cái vào mặt Lương Tiêu. Lương Tiêu nghiêng người tránh qua, tay lại vận kình, cô gái áo xanh tức thì cả người mềm nhũn, hét lên:
- Tiểu sắc quỷ, buông ta ra!
Lương Tiêu cười nhạt nói
- Ngươi bảo buông thì buông!
Thoát Hoan cả đời háo sắc không biết mệt mỏi, có vô số cơ thiếp nhưng chưa từng thấy người nào tuyệt sắc như cô gái áo xanh này. Hắn khó khăn lắm mới thu hồi được ba hồn sáu phách, cảm thấy trong lòng ngứa ngáy không chịu nổi, vội ra đưa mắt hiệu cho A Than và Cáp Lí Tư. Hai người hiểu ý, đồng thời tiến lên, một người tấn công Lương Tiêu, một người tấn công cô gái áo xanh. Không ngờ Lương Tiêu chợt đảo mắt, đột nhiên buông tay ra, cô gái áo xanh thấy trảo của Cáp Lí Tư như gió đánh tới, không kịp nghĩ ngợi liền vung chưởng trái đánh ra, gạt trảo của Cáp Lí Tư rồi chưởng phải vung lên đánh vào ngực lão. Cáp Lí Tư suy bụng ta ra bụng người, tuyệt nhiên không nghĩ rằng Lương Tiêu lại có thể thả mỹ nhân tuyệt sắc trong tay ra, liền cảm thấy một trận hàn khí tràn tới, trong lúc cả kinh vừa định biến chiêu thì bóng người trước mắt lại chớp lên, Lương Tiêu không biết bằng cách nào đã thoát khỏi tay A Than, như chớp lao tới. Cáp Lí Tư trái phải đều có địch, còn chưa kịp thoát khỏi chưởng pháp tinh xảo của cô gái áo xanh thì đã bị một chiêu “Tam Tài Quy Nguyên” của Lương Tiêu đánh trúng bụng. Cáp Lí Tư ứng biến nhanh chóng, vừa trúng chưởng đã cấp tốc dùng ra “Cổ Du Già”, thân mình cong lại giảm được một nửa chưởng lực của Lương Tiêu, nhưng một chưởng đánh vào ngực của cô gái áo xanh thì không cách nào tránh khỏi, liên tục lùi về phía sau năm bước rồi rắc một cái đạp gẫy cái bàn ngũ tiên, bộ mặt trắng giờ lại như phủ đầy máu.
A Than thấy Cáp Lí Tư bị thương liền cảm thấy hoảng loạn, Lương Tiêu đã cùng cô gái áo xanh kia lại song song đánh đến. Lão một chọi hai, liên tục phải đối phó với những chiêu nguy hiểm. Cô gái áo xanh lại trút được giận, vừa ra sức hạ sát thủ, vừa kêu lên:
- Tiểu sắc quỷ, ngươi thật xảo quyệt không thua gì quỷ đấy! Trước hết dụ ta đánh bị thương đạo sỹ kia, rồi lại lập kế đánh cho gã rợ hồ này trở tay không kịp. Đánh cũng được, ta phải giết chết lão hoà thượng này mới được.
Lương Tiêu cười nói:
- Nha đầu quỷ quái ngươi cũng không ngu đần, nếu không đôi mắt mê hồn của ta chắc phải móc ra mất.
Cô gái áo xanh lườm y một cái, nói:
- Còn đôi mắt mê hồn cái gì! Phì, quả nhiên là tiểu sắc quỷ, không biết xấu hổ.
Cô ta nói xong không cầm lòng được yêu kiều cười lên thành tiếng, liền như trăm hoa đua nở, mặt nước sáng bừng lên, khiến cho mọi người nhìn thấy đều hồn xiêu phách lạc, không cách nào kìm chế được.
Bên phía Hoả Chân Nhân hàn khí đã mất đi phần lớn, liền định thần nhìn qua, ánh mắt nhìn tới mặt Lương Tiêu bất giác biến sắc, thất thanh kêu lên:
- Con chuột nhắt kia, thì ra là ngươi!
Chưa dứt lời, A Than đã bị một chiêu “Tam Tài Quy Nguyên” của Lương Tiêu, loạng choạng đi, không ngờ cô gái áo xanh đã đứng ngay bên cạnh, lưng lại trúng thêm một chiêu “Tuyết Mãn Yên Sơn”, không còn chịu nổi nữa phun ra một búng máu rồi lăn long lóc xuống đất, kêu thảm một tiếng rồi rơi thẳng xuống sông.
Thoát Hoan trộm gà không được còn mất nắm gạo, ba đại hộ vệ nháy mắt đã bị giải quyết, kinh hãi đến sắc mặt xanh lét, nhưng thấy Hỏa Chân Nhân còn chút sức chiến đấu liền vội nói:
- Chân nhân hộ giá!
Hoả chân nhân miễn cưỡng cầm kiếm đứng dậy, miệng nói:
- Chủ thượng nhận ra thằng thiếu niên này không?
Lão vừa nói như vậy, Thoát Hoan lập tức nhận Lương Tiêu, trong lòng vừa hối hận vừa tức giận: “Sớm biết là y thì mọi người đã cùng xông lên chặt y ra thành mấy mảnh, chứ đâu để hắn đánh bại từng người?”
Lại thấy cô gái áo xanh vỗ tay cười nói:
- Hay lắm, bốn kẻ đã mất ba, chỉ còn lại một, tiểu sắc quỷ ngươi tự đùa nghịch với hắn, cô nương không thể bồi tiếp.
Nói xong liền đi về phía con ngựa Yên Chi. Lương Tiêu tiến lên một bước đưa tay giữ lại, nói:
- Đừng vội, bây giờ không còn kẻ nào vướng chân vướng tay nữa, đã đến lúc thanh toán món nợ giữa hai chúng ta, ngươi muốn bỏ đi thì có bắc thang lên trời cũng không thoát đâu.
Cô gái áo xanh nhíu mày liễu, cười nhạt nói:
- Tính nợ thì tính nợ, trước hết hãy nói cách thanh toán nợ đi.
Lương Tiêu nói:
- Mọi người nói chuyện sòng phẳng nhé, ngươi lấy trộm túi tiền của ta thì phải trả, ngươi lấy roi đánh ta thì bây giờ phải ngoan ngoãn để ta đánh lại.
Cô nương áo xanh gắt lên:
- Ngươi tưởng bở đấy à!
Hai người không ai nhường ai, đều tỏ ra tức giận. Bốn người bọn Thoát Hoan vốn muốn bỏ chạy, nhưng thấy bọn họ cãi nhau bất giác lại đứng lại nhìn ngó, hy vọng: “Nếu hai người bọn chúng đánh nhau đến lưỡng bại câu thương thì thật là tốt quá.” Hoả Chân Nhân lấy ra hai cái ám khí, chỉ đợi hai người động thủ với nhau thì sẽ đánh lén.
Minh Quy đột nhiên cười ha ha, tiến lên hỏi:
- Dám hỏi cô nương có phải họ Hàn không?
Cô gái áo xanh nhìn lão rồi ngạc nhiên nói:
- Ai nói ta họ Hàn?
Minh Quy cười nói:
- Lão phu chỉ là tùy tiện hỏi như vậy thôi, cô nương là môn hạ Đại Tuyết Sơn, tưởng tất có quan hệ với “Tuyết Hồ Hàn Linh Tử.
Cô gái áo xanh nhíu mày lạnh giọng nói:
- Ngươi biết sư thúc ta ư? Hay lắm, vậy bây giờ người ở đâu?
Minh Quy nhíu mày nói:
- Thật trùng hợp, ta cũng đang muốn tìm bà ta.
Cô gái áo xanh lộ ra vẻ thất vọng, hừ nhẹ một tiếng.
Lúc này mọi người vây quanh đó không dưới mười vòng, ai cũng chăm chú nhìn cô gái áo xanh. Cô gái áo xanh đó trong lòng không vui liền khẽ hất đầu mũi chân lấy chiếc mũ tre đội lên. Mọi người lập tức có cảm giác “Mây đen che lấp mặt trời, gió phá trăm hoa”, mấy trăm nam nhân đồng thanh thở dài, ngược lại biến thành một cảnh tượng hoành tráng. Cô gái áo xanh giậm chân hét:
- Tiểu sắc quỷ, còn không nhường đường thì đừng trách ta độc ác!
Lương Tiêu chỉ khoang tay cười nhạt.
Mọi người thầy vậy đều nảy ra ý muốn bảo vệ người đẹp. Một thư sinh bước ra chỉ vào Lương Tiêu quát:
- Ngươi là đấng nam tử mày râu, đường đường là tấm thân sáu thước lại làm khó vị cô nương này, tiểu sinh thật muốn đưa ngươi đi gặp quan phủ… ái ôi…
Trong tiếng kêu khóc, thư sinh đã bị Lương Tiêu nhẹ nhàng chụp lấy ngực áo nhấc lên, quát:
- Đi!
Rồi ném một cái rơi xuống sông Tô Châu. Mọi người thấy vậy, những kẻ muốn ra mặt đều khiếp sợ.
Lúc này chợt nghe thấy một tiếng chuông vang lên, tiếng đầu tiên chưa dứt thì tiếng thứ hai đã nổi lên. Tiếng trước hòa tiếng sau, cao rồi lại cao hơn, chốc lát liền như có hơn mười quả chuông lớn đồng thời kêu vang trong thành Cô Tô. Lương Tiêu nghe đếu tâm thần bất định, quay đầu lại nhìn thì chỉ thấy phía sau mọi người đã tự tránh sang một bên mở ra lối đi. Ở đó có một quả chuông đồng khổng lồ miệng rộng hơn tám xích, cao gần hai trượng, phía dưới lại sinh ra một đôi chân dài đang chạy chẳng về phía này.
Chú thích
1. (nguồn: vietlyso.com) Trần Đoàn người đời Tống, ở huyện Hào Châu (nay là Tây Nam huyện Hào, tỉnh An Huy) tự Đồ Nam, hiệu Hy Dy tiên sinh, còn tên hiệu là Phù Dao Tử.
Đầu đời Tống, ông ẩn cư ở Hoa Sơn, nghiên cứu tinh thông Chu Dịch, soạn các sách Chi huyền thiên; Tiên thiên đồ. Tương truyền, ông theo Tăng Văn Sam học được thuật phong thuỷ. Sau đó Trần Đoàn lại truyền cho Ngô Khắc Thành. Ở mãi tỉnh Tứ Xuyên ông có nhiều học trò theo học. Trong sách Phong thuỷ khu nghi của Tống Chử Vịnh có nói: "Ở đất Thục có một trường phái. Gọi đó là trường phái Hy Di tiên sinh được Trần Đoàn truyền cho. Cũng lấy Tý, Hợi là Nước; Tỵ, Ngọ là Lửa… Còn lấy Nhâm là Lửa. Sách của Trần Đoàn mở rộng những tri thức về Bát quái, Tin tức, Âm nhạc, theo núi để định vị trí huyệt táng. Lấy một Quái tượng làm gốc để định luật lã (1), ở trên sinh ra âm thanh, ở dưới cũng phát ra âm thanh. Đại loại dùng Lâm chung (2) cũng như Hoàng chung (3). Năm, tháng, ngày, giờ nào sinh vượng khí thì dùng Quái đó. Giả dụ như quẻ Ích, quẻ Kiền chờ quẻ Đại hữu chẳng hạn. Học thuật của Trần Đoàn lan rộng vùng Đông Xuyên, viết 10 thiên sách về sự ứng dụng của âm luật với Quái. "Hào, có âm, có dương, có tiêu, có phá, có sinh, có hợp" còn Phương pháp xem tướng Đất (4) là do Trần Đoàn sáng tạo, nhờ sự vận dụng học thuyết Dịch Lý. Trần Đoàn là tổ sư của học phái Lý Khí.
Dịch học là nền học vấn tinh thâm, rộng lớn trong văn hoá truyền thống: Trần Đoàn là người đem lý luận Phong thuỷ và Dịch học liên kết chặt chẽ với nhau. Một mặt làm cho Dịch học thẩm thấu sang cả lĩnh vực Phong thuỷ nhuốm màu sắc huyền bí. Mặt khác sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ngày càng thêm hỗn loạn, phức tạp. Quả là một điều phi thường mà sự bình sinh rối bét. Mặt khác, theo nhiều thư tịch còn nói rằng Trần Đoàn là vị tổ sư của môn Tử Vi học ngày nay.
Tóm lược, Trần Đoàn là một nhà Nho tinh thông Nho, Y, Lý, Số, kiêm thuật sỹ, tu tiên, luyện phép trường sinh. Tác phẩm chính yếu của ông gồm 114 thiên về y học, dược học và phương pháp trường sinh học. Ông hay đi vào rừng hái thuốc và luyện tập, thư giãn ở những nơi thông thoáng, mát mẻ, khí trời trong lành. Và thấy chỗ nào sạch đẹp, an toàn, ông thường ngủ ngay tại đó để thư giãn và dưỡng sinh. Có chỗ ông ngủ vài ngày, có chỗ vài tháng, có chỗ vài năm.
Chuyện kể rằng một người tiều phu vào rừng đốn củi, thấy có một xác người nằm trên cỏ bụi và lá cây bám vào, mà người không thối nát, lấy làm lạ, bèn lại gần để xem xét kỹ, thì thấy ông bừng tỉnh dậy nói: "Tôi đang ngủ say, bác đến làm động không khí nên tôi tỉnh dậy, thật tiếc quá"! Hỏi ra thì giấc ngủ này của ông đã được gần 10 năm. Vì vậy có dịp tu dưỡng và gần gũi quan sát thiên nhiên, nên ông tìm ra những quy luật của tự nhiên và sự vận hành của Vũ trụ và quan hệ tới sinh mạng của con người, nên ông lập ra những phương pháp, để hỗ trợ cho nghề y như sô Tử vi, số Tiền định, số Tử bình.v.v...Nhưng vì khiêm tốn, mặc dù nhà Tống mấy lần mời ông ra làm quan, ông đã về kinh đô mấy tháng rồi lại trốn, bỏ đi tu, và để lại thư xin cho ông được tự do ngao du sơn thuỷ.
Không màng danh lợi, ông cũng không nêu tên ông trong những tác phẩm của mình, nhưng người đời sau thông hiểu y, lý và định lý thì nhận ra, hình bóng của ông và ghi nhận rằng ông là tổ sư của khoa số Tử vi.
Vì cách sống ngao du sơn thuỷ của ông nên người ta không rõ được năm sinh và tủôi thọ của ông - Nhưng chắc chắn mọi người biết ông sống từ cuôí triều đại nhà Đường sang đầu triều nhà Tống. Và sách truyện có chép rằng, một lần ông đi chơi xa về, gọi mấy người học trò ở nhà vào bảo hãy khoét ở núi Hoa Sơn một chỗ hình lưng ghế, rồi ông tựa lưng vào đó, tay chống lên đầu gối, đỡ lấy cằm và nói: "Ta hoá ở đây", và ông tắt thở. Tính lại, kể cả những năm ông ngủ ở trong rừng là được 118 năm, nên người đương thời nói ông thọ 118 tuổi.
Kể ra tuổi thọ 118 năm đối với một nhà nho y, chuyên luyện phép trường sinh, kiêm Chiêm tinh lý số, thì không có gì là quá đáng, vì hiện nay trên thế giới có người sống hơn 100 tuổi, số ấy cũng không ít.
Điều đáng ca tụng, Trần Đoàn vốn là người tính tình khiêm tốn, thanh thản, không màng lợi, không màng danh, mà học thức uyên thâm, cao quý đáng làm gương cho hậu thế noi theo.
(1) Luật là: tiếng cổ, nay gọi là âm luật hay âm nhạc. Phép này dùng 12 luật Âm Dương, mỗi bên đều là 6. Dương 6 là luật Âm là lã.
(2) Lâm Chung: Âm 6 là Lã - Số 1 là Lâm chung. Vị trí ở cung Mùi. Tháng 6 là quý hạ, âm thanh rõ. Từ hải chú thích: Lâm Chung sinh từ Hoàng Chung, 3 phần bỏ 1, Luật dài 6 tấc. Tháng 6 khi đến thì ứng luật vào Lâm Chung
(3) Hoàng Chung: Dương 6 là Luật. Số 1 là Hoàng Chung. Bắt đầu ở Tý tới Thìn thì Luật tới điểm cao nhất. Hoàng Chung bắt đầu của Luật, dài 9 tấc. Tháng 11 khí Dương đã sinh, nên ứng với luật Hoàng Chung.
(4) Nguyên văn: Tướng địa. Ở Việt Nam quen gọi là "xem đất". Môn khoa học tướng đất còn gọi là Kham dư - Phong thuỷ. Môn này ở Việt Nam có Tả Ao được nhiều người nhắc đến là một người thầy Phong thuỷ, thầy địa lý nổi tiếng.
2. Chung Ly ở đây có lẽ là Chung Ly Quyền, một trong bát tiên.
Tương truyền sau khi đấu đao. Bát tiên được Ngọc Hoàng Thượng Đế giao nhiệm vụ trừ yêu diệt quái mang lại bình an cho con người. Trong một lần vượt biển trừ yêu, thuyền chở Bát Tiên bị sóng to gió lớn nhấn chìm xuống tận thủy cung. Gặp gỡ các Long vương, Bát Tiên cùng uống rượu say bí tỉ sanh ra cái cọ. Trong lúc say rượu, Bát Tiên đã thi triển những đòn thế tuy ngất ngưởng đâm xiêu nhưng vô cùng lợi hại nên Long Vương đã không làm gì được đành để họ ra đi. Trận đánh giữa biển đã in bóng lên bầu trời nên có ngư­ời theo dõi và kịp ghi lại những đòn thế siêu quậy của tám vị tiên say rượu, trở thành Túy Quyền hay Túy Bát Tiên quyền.
Chung Ly Quyền, tự Vân Phòng, người đất Hàm Dương, làm tướng đời Hán, nên còn gọi là Hán Chung Ly. Chung Ly râu dài, mặt sáng, mình cao tám thước nên được vua Hán phong làm Nguyên soái đi đánh quân Phiên. Lý Thiết Quải thấy Chung Ly ham chinh chiến nên khiến cho thất trận chạy lạc vào núi gặp đệ tử ông Đông Huê. Ông ấy mời cơm chay rồi nói: "Công danh như bọt nước, phú quí như đèn trước gió. Thừa dịp này, tướng quân nên đi tu, ham chi phú quí."
Chung Ly hỏi: "Luyện phép chi được sống lâu?"
Đông Huê đáp: Trống lòng là đừng lo chi cả, đặc bụng là không đam mê sắc dục, lo gì không trường thọ.
Chung Ly Quyền xin thọ giáo. Sau gặp Chính Dương chân nhân truyền thêm phép tiên và đắc đạo. Tay cầm cây Long tu phiến.
3. (nguồn: diễn đàn AVSN) Trang Tử tên là Trang Chu, lúc trẻ nằm ngủ thường thấy mình hóa thành bướm, bay liệng đi chơi. Khi giựt mình thức giấc thì vẫn thấy mình là Trang Chu, không biết Trang Chu hóa bướm hay bướm hóa Trang Chu. Mộng điệp là ý nói giấc ngủ say.
Trang Tử là một nhà hiền triết Trung Hoa, sinh khoảng 369 năm trước Công nguyên. Nam hoa Kinh là một kiệt tác của Trang Tử, tác phẩm này đã đặt Trang Tử vào ngôi vị đệ nhất tài tử trong văn học sử của Trung Hoa. Bước vào Nam Hoa Kinh là chúng ta sẽ nghe Trang Tử nói về mộng. Như cánh bướm, chim bằng, cái bóng, ốc sên… Dưới đây là bài thơ ngụ ngôn "Hồ Điệp Mộng" lừng danh của ông.
Tích giả, Trang Chu mộng vi hồ điệp, Hủ hủ nhiên hồ điệp dã.
Tự dụ thích chí dư!
Bất tri Chu dã.
Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu dã.
Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư?
Hồ điệp chi mộng vi Chu dư?
Chu dữ hồ điệp tắc tất hữu phân hĩ.
Thử chi vị vật hóa.
[Trang Tử, Tề Vật Luận]
Xin tạm dịch:
Có một lần Trang Chu mơ hoá bướm
Lượn bay như cánh bướm
Rất là thích thú!
Chẳng biết bướm là Chu
Chợt tỉnh dậy thấy Chu lại là Chu
Không biết trong mơ Chu biến thành bướm?
Hay trong mơ bướm biến thành Chu?
Nhưng giữa Chu và bướm phải có sự khác biệt.
4. Thích Già nhập diệt: nói về việc đức phật Thích Ca Mâu Ni thiền định để tìm chân lý.
Thích Ca Mâu Ni là hoàng tử con của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng Hậu Ma-Da (Maha Maya). Sau khi từ bỏ giàu sang đi tìm đạo, Ngài nhận thấy rằng không ai có thể dẫn dắt Ngài đến thành tựu vì những vị mà Ngài đã học vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa thoát khỏi vô minh. Từ đó Thái tử không tìm thầy học đạo nữa, mà tự mình đến chỗ thanh vắng để tự suy nghĩ tìm tòi chơn lý.
Sau 6 năm tu khổ hạnh, thân mình của Ngài chỉ còn da bọc xương, hơi thở yếu ớt, gần như cái chết sắp đến mà Ngài vẫn chưa đạt được cứu cánh. Bỗng nhiên có một ông tiều đến gần chỗ Ngài đang thiền định, mang theo một cây đàn, lên dây đàn, đàn một khúc rất hay, đến lúc hay nhất thì dây đàn bỗng đứt, tiếng đàn im bặt. Ông tiều nối lại dây đàn, lên dây cho đúng, rồi lại đàn, đàn đến khúc hay nhất thì dây đàn lại đứt. Đứt rồi lại nối, nối rồi lên dây trở lại và đàn. Làm ba hiệp như vậy. Thái tử đang trì định phải bực bội tỉnh hồn than rằng:
- Ông đàn thì hay mà lên dây chi cho cao quá, đến khúc hay thì dây đứt, cái hay ấy phải hết mùi, rất đáng tiếc!
Ông tiều liền đáp rằng:
- Cái đàn của tôi cũng như cái tu của Ngài. Dây đàn tôi lên cao quá, nên đến chỗ hay thì đứt thì cái hay của tiếng đàn chẳng hữu ích chút nào; còn cái tu của Ngài, nếu cái cao siêu huyền bí đạt được cơ bất diệt đi nữa thì nó cũng phải chết theo Ngài, còn chi hữu ích cho đời. Tôi cũng lấy làm tiếc vậy!
Lão tiều nói xong, liền xách đàn đi mất. (Trong Kinh cho rằng ông tiều ấy là một vị Phật hóa thân đến cảnh tỉnh Thái tử). Thái tử suy nghĩ mãi lời nói của ông tiều, liền tỉnh giác, biết mình lầm theo lối tu khổ hạnh, làm suy giảm trí thức và mệt mỏi tinh thần. Sau đó Ngài tìm đến một gốc cây Bồ đề to lớn, cành lá sum suê, trải cỏ làm nệm, ngồi tham thiền, phát đại thệ rằng: "Nếu không thành đạo thì nhứt định không rời khỏi chỗ ngồi nầy."
Trải qua 49 ngày đêm thiền định, Ngài liền ngộ đạo, biết được nguyên nhân sanh tử của con người, tìm được con đường giải thoát chúng sanh thoát vòng luân hổi khổ não. Ngài đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lúc đó, Thái tử được 35 tuổi, lấy hiệu là: Thích Ca Mâu Ni.
5. (nguồn: thovietnam.avn.vn) Đây là bài “Bắc phong hành” của Lý Bạch:
Bắc phong hành
Chúc long thê hàn môn,
Quang diệu do đán khai.
Nhật nguyệt chiếu chi hà bất cập thử,
Duy hữu bắc phong hào nộ thiên thượng lai.
Yên sơn tuyết hoa đại như tịch,
Phiến phiến xuy lạc Hiên Viên đài.
U Châu tư phụ thập nhị nguyệt,
Đình ca bãi tiếu song nga tồi.
Ỷ môn vọng hành nhân,
Niệm quân Trường Thành khổ hàn lương khả ai.
Biệt thời đề kiếm cứu biên khứ,
Di thử hổ văn kim bính cách xoa.
Trung hữu nhất song bạch vũ
Dịch:
Bài hành gió bắc
Cửa nhà nghèo đuốc rồng nào đến
Buổi mai về nắng sớm cũng giăng
Trời trăng lánh chốn này chăng
Chỉ nghe gió bấc hung hăng thét gào
Núi Yên Chi tuyết rơi như bão
Đài Hiên Viên sụy đổ tung bay
Đất trời vào tháng mười hai
U Châu thiếu phụ mày ngài buồn xo
Mãi âu lo không còn đùa nữa
Nhớ trượng phu tựa cửa ngóng trông
Chàng còn ở tận Trường Thành
Người đi đi mãi vắng tanh đường về
Côn Luân Côn Luân - Phượng ca Côn Luân